Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/12/2019

Thách thức nào cho Việt Nam khi là Chủ tịch ASEAN 2020 ?

RFA tiếng Việt

Tại cuộc họp báo của Chính phủ Việt Nam diễn ra vào hôm 18/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 nhấn mạnh Việt Nam đảm trách hai vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 trong bối cảnh khu vực và thế giới diễn biến phức tạp.

asean1

Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 - AFP

Đài RFA thực hiện cuộc hội luận để ghi nhận ý kiến của giới quan sát tình hình Việt Nam về thách thức nào cho Việt Nam khi đảm nhận cùng lúc hai vai trò như vừa nêu ?

Khối ASEAN bị chia rẽ

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan nhận định về thực tiễn bối cảnh khu vực và thế giới trong năm 2020 với 3 điểm cần lưu ý :

"Thứ nhất, bước sang năm 2020, cuộc ganh đua giữa các nước lớn có thể từ địa-kinh tế sẽ chuyển mạnh hơn sang địa-chính trị mà sẽ tập trung trên Biển Đông. Việc mẫu hạm Sơn Đông diễu võ dương oai mấy ngày qua trên Biển Đông là một điềm báo (xấu). Nói thế không có nghĩa là cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ sẽ chấm dứt. Sau khi thoả thuận giai đoạn 1, cuộc chiến chắc vẫn còn tiếp diễn. Chưa ai biết với tính khí của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và nội tình khó khăn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, liệu hai bên có quyết định xuống thang hay không và xuống với nhịp độ như thế nào. Tuy nhiên, có nhiều dự báo cho rằng sự cạnh tranh về địa-chính trị mà tâm điểm sẽ là sự đối đầu giữa các nước lớn trên Biển Đông năm tới sẽ lớn hơn năm trước đó.

Thứ hai, trên quy mô toàn cầu, cuộc đối đầu giữa FOIP (Không gian Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở) với BRI (Sáng kiến Vành đai-Con đường) của ông Tập Cận Bình về giấc mộng Trung Hoa sẽ có những màn đấu quyết liệt hơn. Bởi vì các vật cược giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây xung quanh hai đại chiến lược này là rất lớn. Năm 2019 đang qua, mỗi bên đã có những tuyên bố chính sách rất cương quyết. Chúng ta thấy chính sách quốc phòng Mỹ cũng như báo cáo về Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở thực hiện hơn 2 năm đã khẳng định dứt khoát rằng đối thủ chính tới đây của Mỹ là Trung Quốc. Và ngược lại, Trung Quốc cũng không kiệm lời trong phê phán vai trò của Mỹ ở khu vực. Vậy thì, chúng ta nhận thấy hai khối chiến lược này đụng độ quyết liệt như thế, vì nó liên quan đến tầm nhìn của mỗi bên về trật tự thế giới trong tương lai.

Thứ ba, những chuyển động trong khu vực, đặc biệt là tình hình trên Biển Đông sẽ ngày càng phực tạp hơn. Chúng ta có thể thấy Trung Quốc ngoài chuyện vứt bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế PCA, thì đã hoàn tất quá trình quân sự hoá các thực thể địa lý mà Trung Quốc cưỡng chiếm và đang đưa các cơ cở đó vào sử dụng cho các mục đích thăm dò hoặc khai thác các tài nguyên trong lòng biển. Trong khi đó, Mỹ thì xuất phát từ UNCLOS (Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982) cũng sẽ đẩy mạnh FONOP (Tuần tra vì Tự do hàng hải). Vì thế, xung đột này sẽ có nguy cơ làm sâu sắc thêm những rạn nứt từ trước tới nay giữa các nước ASEAN với nhau, đặc biệt trong năm qua khi Trung Quốc có những hành động rất căng thẳng, những việc làm rất thái quá trên Biển Đông. Bối cảnh này sẽ làm sự chia rẽ sâu sắc thêm".

Theo ghi nhận của Nhà báo Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải thì khối ASEAN sẽ còn bị chia rẽ bởi yếu tố Trung Quốc trong các chiến lược lâu dài của Bắc Kinh. Nhà báo Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải phân tích :

"Với chiến lược "Sáng kiến Vành đai-Con đường" của Trung Quốc thì cứ nghĩ rằng nó sẽ đi qua eo biển Malacca. Nhưng thực ra, những xu hướng triển khai dự án hay siêu dự án thuê đất lên đến 99 năm và những khảo sát vừa rồi thì báo chí cũng đã đăng Trung Quốc không chỉ khảo sát vùng đáy biển mà còn khảo sát về thủy văn và khảo sát ở khu vực phía Bắc biển Andaman ở Ấn Độ Dương. Việc triển khai những căn cứ quân sự và những dự án lớn thuê của Campuchia ở ngã ba biên giới Thái Lan-Campuchia hay sử dụng một phần quân cảng Ream cho thấy rằng việc quân sự hóa ở khu vực Vịnh Thái Lan cũng như phía bên kia Ấn Độ Dương, hai bên của bờ kênh đào Kra chứng tỏ là Trung Quốc sẽ có xu hướng mở một đường đi qua kênh Kra, mà không phải đi qua eo biển Alacca trong khi Mỹ cầm chìa khóa ở vùng biển này. Và nếu như Trung Quốc mở ra con đường đi qua kênh Kra thì sẽ gây ra những xung đột ngay trong khối ASEAN. Vì vậy mà mọi thế đàm phán cũng sẽ như Campuchia, chỉ trong vòng bí mật cho đến giờ chót khi triển khai được dự án".

Thách thức đối với vai trò Chủ tịch ASEAN

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, tại Họp báo về Năm Chủ tịch 2020 của Việt Nam, hôm 18/11 cho biết rằng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là ưu tiên của cả ASEAN và Trung Quốc và hai bên muốn thúc đẩy hoàn thiện bộ quy tắc này nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, Chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông-Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng mặc dù "Việt Nam luôn có quan điểm rất mạnh mẽ và cứng rắn từ trước đến nay rằng COC phải là một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý, tức là nếu một bên nào trong đó vi phạm thì bên còn lại có quyền mang ra các cơ quan tài phán quốc tế, trong đó có tòa án quốc tế để giải quyết". ; thế nhưng Thạc sĩ Hoàng Việt khẳng định Việt Nam sẽ đối mặt với sự thách thức :

"Ưu tiền về COC thì cả hai bên Việt Nam và Trung Quốc đều mong chờ. Tuy nhiên vấn đề là nội dung của COC sẽ như thế nào ? Bởi vì bây giờ Trung Quốc muốn sử dụng COC như một công cụ để ngăn cản sự tham gia của các quốc gia bên ngoài ASEAN và trong khu vực Biển Đông. Và trong thời gian gần đây, một số học giả tiết lộ cho rằng Trung Quốc đã yêu cầu thêm điều khoản ‘không có những quốc gia thứ 3 được tham gia vào khai thác khu vực Biển Đông’. Đây là sự ám chỉ về những doanh nghiệp của Mỹ hoặc các chuyến tuần tra tự do hàng hải-FONOP của Hải quân Hoa Kỳ.

Tôi nghĩ rằng cả ASEAN và Trung Quốc đều tỏ ra muốn có COC, nhưng nội dung COC của các bên lại khác nhau, mỗi quốc gia trong ASEAN lại có quan điểm khác nhau. Do đó, sự chia rẽ trong ASEAN về lợi ích sẽ dẫn đến những quan điểm khác biệt về COC mà trong đó chúng ta có thể thấy quan điểm của Campuchia nghiêng về Trung Quốc rất nhiều, bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trong việc đàm phán COC này.

Đặc biệt trong năm 2019, sự kiện Trung Quốc đã cho đoàn tàu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong thời gian kỷ lục 113 ngày.

Với tất cả các điều như vậy cho thấy rằng khả năng đi đến thỏa thuận chung COC được hài lòng cho tất cả các bên sẽ vẫn còn rất xa vời bởi vì sự khác biệt về quan điểm và về nội dung của COC.

Gần đây giới chức của Việt Nam đã chính thức lên tiếng trên báo là Việt Nam đề nghị Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông trong thời gian Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 cũng như Chủ tịch ASEAN 2020. Thế thì điều khó nhất cho Việt Nam ở chỗ là một mặt Việt Nam vẫn muốn thúc đẩy vấn đề Biển Đông, nhưng mặt thứ hai với sức ép của Trung Quốc cũng như sự chia rẽ của ASEAN thì Việt Nam muốn là một chuyện còn thực hiện được như thế nào lại là một chuyện khác".

asean2

Ba nhà quan sát tình hình Việt Nam (bìa phải qua) : Nhà báo Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng và Thạc sĩ Hoàng Việt trong cuộc hội luận trực tuyến với RFA ngày 20/12/19. RFA

Cựu viên chức ngoại giao của Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng còn nhấn mạnh về điều ông gọi là "nan đề kép" đối với Việt Nam khi ASEAN đứng ở vị trí ngã ba trong tam giác Mỹ, ASEAN và Trung Quốc trong bối cảnh Hoa Kỳ đặt trọng tâm vào chiến lược an ninh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn đang tiếp diễn :

"Nếu nói về tình thế ‘ngã ba đường’, thì ở đây có hai loại ‘ngã ba đường’. Thứ nhất, đó là Việt Nam sẽ ứng xử như thế nào với ‘tam giác’ Mỹ-Trung-ASEAN. Nan đề này không mới, nó đã xuất hiện nhiều năm nay trong quan hệ tay ba ‘bất cân xứng’ này. Nhưng Việt Nam trong năm tới đây có vai trò là Chủ tịch ASEAN, với trách nhiệm này thì có nghĩa là phải cân bằng về lợi ích giữa ba cực. Ở đây không thể đi "hàng giẹo" để đến mục tiêu được. Không thể đứng yên (cân bằng tĩnh) mà vấn đề là phải tạo thế ‘cân bằng động’ để vừa bảo vệ lợi ích cộng đồng, vừa giữ ‘thống nhất trong đa dạng’, mà bản thân việc thống nhất trong đa dạng lại là một nan đề nữa của ASEAN, nhưng đồng thời lại phải thúc đẩy quan hệ tay ba.

Ở đây, còn một ‘ngã ba đường thứ hai’ nữa cũng sẽ gay go không kém, đó là quan hệ tay ba Việt-Mỹ-Trung. Năm tới là năm Việt Nam chuẩn bị Đại hội Đảng. Vấn đề Đại hội sẽ chiếm nhiều thời gian và năng lượng của Việt Nam đối với cả lãnh đạo lẫn các nhà hoạch định chính sách. Vậy thì Việt Nam sẽ phân bổ quỹ thời gian như thế nào giữa ứng phó trong quan hệ tay ba Việt-Mỹ-Trung với ASEAN-Mỹ-Trung bởi vì các tương tác này sẽ là một phép tổng – tích hợp giữa nội trị với ngoại giao của Việt Nam, và sự cộng hưởng của hai tay ba này sẽ có ảnh hưởng lớn đến đường lối ở Đại hội Đảng sắp tới".

Cơ hội nào cho Việt Nam ?

Trả lời câu hỏi của RFA với những thách thức như vừa nêu khi Việt Nam đảm trách vai trò kép Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 thì liệu rằng có những yếu tố lạc quan hay thuận lợi nào cho Việt Nam hay không, Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng đây là một cơ hội quan trọng để Việt Nam thể hiện vai trò năng động của mình, nếu Việt Nam biết thúc đẩy đoàn kết theo như yêu cầu tâm điểm trong năm hành động 2020 của ASEAN cũng như Việt Nam năng động hơn trong việc tìm kiếm những biện pháp, giải pháp cho vấn đề Biển Đông.

Tiến sĩ Đinh Hòang Thắng còn cho rằng không thể bỏ qua thuận lợi tiềm năng, đó là xuất hiện không gian đối ngoại mới ; bao gồm FOIP và OAIP. Đối với FOIP thì Việt Nam có cơ hội mở chất lượng hợp tác mới với bộ tứ gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Hoa Kỳ. Còn OAIP là quan điểm của ASEAN về Không gian Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở được hình thành sau 2 năm. Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nhấn mạnh :

"Hy vọng khi Việt Nam hoàn thành ‘sứ mệnh kép’, Việt Nam sẽ rút ra được 2 bài học cốt tử , thậm chí sống còn trong tình hình quốc tế ngày càng căng thẳng. Thứ nhất, đó là, độc lập dân tộc của Việt Nam từ nay phải gắn chặt với hội nhập quốc tế. Thứ hai, cũng từ nay, một trong những sức mạnh thời đại mà Việt Nam và ASEAN cần phải tận dụng, đó chính là không gian FOIP. Cho nên với cương vị là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam phải dẫn dắt và thúc đẩy ASEAN thực hiện bằng được OAIP, tức là quan niệm về hai đại dương liền kề cộng với hội nhập sâu rộng về kinh tế giữa ASEAN và khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương".

Tham khảo toàn bộ nội dung cuộc hội luận :

Nguồn : RFA tiếng Việt, 20/12/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 685 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)