Hôm 20/12, tại phiên tòa ở Hà Nội, đại diện Viện kiểm sát nhân dân đề nghị hình phạt tử hình cho bị cáo Nguyễn Bắc Son.
Ông Nguyễn Hòa Bình hiện là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ở Việt Nam
Tòa án nhân dân Hà Nội đang xét xử vụ án Mobifone mua cổ phần của AVG, với các bị cáo gồm hai cựu bộ trưởng truyền thông.
Theo cáo trạng, sau khi thương vụ xong, bị cáo Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch HĐQT AVG - đã chuyển 3 triệu USD cho bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son.
Ngoài ra là 200 nghìn USD cho Trương Minh Tuấn - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (thời điểm phạm tội là Thứ trưởng).
Lê Nam Trà - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone nhận 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải - nguyên Tổng giám đốc Mobifone nhận 500 nghìn USD.
Kiểm sát viên đề nghị tòa tuyên phạt ông Nguyễn Bắc Son mức án 16 - 18 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và tử hình về tội "Nhận hối lộ", tổng hợp hình phạt là tử hình.
Hối lộ và án tử hình
Bộ luật Hình sự được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 27/11/2015 và được Quốc hội sửa đổi, bổ sung ngày 20/6/2017.
Theo đó, có nhiều sửa đổi, bổ sung đối với Bộ luật hình sự năm 1999, trong đó có sửa đổi, bổ sung các tội : "Tham ô tài sản", tội "Nhận hối lộ".
Về tội Nhận hối lộ : Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau : Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
a. Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá từ 1.000.000.000 đồng trở lên.
b. Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
Tử hình, có được giảm thành chung thân ?
Còn theo Điều 40 của Bộ luật hình sự 2015, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu :
Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Và trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Việc nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ được đưa ra trong bối cảnh thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam gặp rất nhiều trở ngại.
Vì thế, quy định mới này, đưa vào Bộ luật hình sự 2015, được giới chức nói là mang tính nhân đạo, khoan hồng, vừa giúp cho công tác thu hồi tài sản được khả thi, giảm gánh nặng cho nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Nhưng, người phạm tội ngoài việc nộp lại tài sản tham ô, nhận hối lộ thì còn phải có đủ những điều kiện nhất định như đã nêu ở trên (hợp tác tích cực...) thì mới có thể được xem xét giảm án.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị tử hình nhưng đang chờ xem có được giảm án thành chung thân
Thế nào là lập công lớn ?
Một nghị quyết ban hành năm 2016 hướng dẫn áp dụng luật hình sự, có phần giải thích về việc chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện.
Theo đó, hình phạt tử hình có thể chuyển thành chung thân nếu :
Sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, Điều tra, xử lý tội phạm ;
Sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và lập công lớn.
Nghị quyết của Tòa án Nhân dân Tối cao giải thích :
"Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ" là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án
- đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ ;
- hoặc người bị kết án đã tích cực tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em và những người khác khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc nộp lại ít nhất ba phần tư giá trị tài sản mà người bị kết án đã tham ô, nhận hối lộ.
"Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, Điều tra, xử lý tội phạm" là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án :
- chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, Điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án (như : chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi được vật chứng đó ; khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ trốn ; khai báo về tội phạm và người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án...).
- Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là "hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, Điều tra, xử lý tội phạm" nhưng phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng.
"Lập công lớn" là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án đã :
- giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, Điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án ;
- cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác ;
- có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
- Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là "lập công lớn" nhưng phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là người ra quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.
Từ tử hình còn chung thân và tối thiểu tù 30 năm ?
Theo Bộ luật hình sự năm 2015, những người bị án tử hình được ân giảm, thì còn có thể được giảm án tù sau đó.
"Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm", theo luật mới nhất.
Giới chức giải thích, việc thi hành án vô thời hạn đối với các phạm nhân tạo gánh nặng cho Nhà nước và làm cho người bị kết án không có động lực để phấn đấu, cố gắng trở thành người có ích.
Vì thế, luật Việt Nam cho phép người bị kết án tử hình được ân giảm tiếp tục được xét giảm.
Nhưng, thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm.
Dù được giảm nhiều lần thì vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm.
Tháng 5/2018, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm đã tuyên y án tử hình đối với nguyên Tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn.
Ông Sơn bị cáo buộc có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 197 tỉ đồng và hành vi tham ô chiếm đoạt 49 tỉ đồng.
Nhưng bị cáo được tòa nói là đã rất thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng, nhất là trong giai đoạn phúc thẩm.
Bị cáo và gia đình có nhiều thành tích, là gia đình có công với cách mạng.
Gia đình bị cáo cũng bày tỏ mong muốn khắc phục hậu quả.
Vì vậy, tòa phúc thẩm kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét giảm hình phạt cho bị cáo Sơn từ tử hình xuống chung thân sau khi đã khắc phục ít nhất 3/4 hậu quả.
Cho đến hiện nay, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn vẫn đang mang án tử hình, nhưng chưa thi hành án.
Nguồn : BBC tiếng Việt, 20/12/2019