Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/12/2019

Ngôn ngữ và nhân cách Việt anh hùng

Phạm Cao Dương

Ngày Xuân bàn về :

Ngôn ngữ và nhân cách Việt anh hùng

"Nói chuyện Tháng Giêng" là đề tài tôi viết để gửi đăng trên một số các báo xuân ở Hải Ngoại cách đây nhiều năm. Câu chuyện xoay quanh một số các từ ngữ từ sau năm 1975, vì lý do này hay lý do khác, hầu như không còn được dùng nữa.

ngonngu1

Tháng Giêng Xanh là tên tuyển tập 55 bài thơ của nhà giáo Hoàng Thị Thu Hiền (giáo viên dạy môn ngữ văn của Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh minh họa

Người ta, đặc biệt là một số các xướng ngôn viên của các đài phát thanh, đã dùng những từ ngữ khác để thay thế. Trong số đó có từ ngữ "Tháng Giêng", được dùng để gọi tháng đầu tiên của một năm. Thay vì gọi hay đọc tháng này là Tháng Giêng, người ta gọi hay đọc nó là Tháng Một. Lý do có lẽ vì khi viết người ta dùng số 1 cho tiện dụng. Từ đó, "Tháng Chạp" trở thành Tháng Mười Hai, viết bằng số 12, và Tháng Một tất nhiên không còn là Tháng Mười Một nữa. Nhớ lại bài học thuộc lòng mà tôi có dịp học hồi còn nhỏ trong đó có các câu :

Tháng Giêng ăn tết ở nhà....

Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn

mà thỉnh thoảng tôi vẫn thấy các thầy cô ở các trường Việt ngữ hiện tại thường nhắc tới. Tôi không khỏi bùi ngùi khi thấy một chuyện bình thường người ta không nên để xảy ra mà vẫn xảy ra này. Đây không phải là chuyện bảo thủ hay không bảo thủ, chống hay không chống chế độ mới, dù là chuyện liên hệ tới ngôn ngữ, mà ngôn ngữ vốn có tính chất qui ước và luôn thay đổi. Có điều qui ước hay không qui ước, thay đổi hay không thay đổi, người nói vẫn không thể vì lý do gì đi chăng nữa làm mất đi tính cách chính xác, trong sáng và phong phú của ngôn ngữ mình sử dụng.

Một thí dụ điển hình là người Mỹ, nói riêng, và dân của những nước nói tiếng Anh, nói chung, cũng ở vào trường hợp tương tự nhưng họ đã không làm như vậy. Khi viết, để cho tiện và không chính thức, họ vẫn dùng các con số 1 cho Tháng Giêng, 2 cho Tháng Hai... liên tục cho đến số 12 cho Tháng Chạp trong cách ghi ngày tháng của họ. Nhưng khi phải ghi một cách đầy đủ một cách hình thức và tránh nhầm lẫn họ vẫn viết rõ là January, February... December. Còn khi nói, khi đọc, chính thức hay không chính thức, họ luôn luôn dùng các tiếng này chứ không bao giờ dùng các con số thay thế.

Thoáng đó, nhiều năm đã trôi qua. Vì bận rộn với cuộc sống thường ngày, tôi không có dịp theo dõi chuyện này và bây giờ, khi viết bài này, chúng ta sắp bước sang Tháng Giêng của năm mới tây và tháng Giêng của năm mới ta thì cũng sắp tới, nên tôi chưa thể nói là bà con ta hiện tại có còn cái tật sử dụng tiếng Việt một cách bừa bài, cẩu thả như vậy nữa không. Nói như vậy vì nói tới tháng Giêng Tây nhiều người đã dùng chữ Một, tháng Một và tôi hy vọng các vị này dành hai chữ Tháng Giêng cho tháng đầu năm âm lịch. Tuy nhiên nhiều người khác cũng cảnh cáo tôi là đừng lạc quan hão, đồng thời thỉnh thoảng tôi cũng thấy có người đề cập đến vấn đề này như nói đến một nỗi buồn tiếng Việt.

Sự trong sáng và phong phú của ngôn ngữ của chúng ta dường như mỗi ngày một bị thui chột trước cuộc sống mới nặng về thực tế và lúc nào cũng tất bật, vội vã. Người ta đã nại đủ cớ, kể cả ngang ngược tự cho mình là đúng để muốn nói sao thì nói, muốn viết sao thì viết không theo một nguyên tắc nào cả, nhất là khi mọi người, vì lý do này hay lý do khác, kể cả lười biếng, thiếu suy nghĩ, dễ dãi chạy theo thói nhất thời hay để phá bỏ những gì của một thời xưa cũ.

Bây giờ nói tới chuyện mới hơn một chút. Gọi là mới, nhưng thực sự thì chuyện này đã xảy ra từ hơn hai mươi năm trước. Hồi đó là năm 1995, hai mươi năm sau khi chế độ Cộng hòa ở Miền Nam không còn nữa. Để tưởng nhớ tới biến cố quan trọng nhưng vô cùng phức tạp đối với dân tộc Việt Nam này, đài BBC của người Anh, một dân tộc nổi tiếng là lạnh lùng và thực tế, khác hẳn với người Pháp, đã phỏng vấn một số người Việt về sự khác biệt trong cuộc sống của người Việt Nam ở hai miền Nam-Bắc sau hai chục năm thống nhất đầy bi thương này. Một trong số những người được phỏng vấn là Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng thuộc trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi không nhớ rõ là để trả lời câu hỏi nào Giáo sư Vượng đã có dịp đưa ra nhận xét của mình khi đề cập tới tiếng Việt ở Miền Nam. Đại khái câu nói của ông là ông và nhà văn Nguyễn Tuân, một nhà văn rất nổi tiếng trong thời tiền chiến với lối viết tùy bút vô cùng ý nhị, vô cùng bóng bẩy, nặng tính chất hoài cổ của ông, rất lấy làm đắc ý về một câu nói của đồng bào Miền Nam là "Vậy mà không phải vậy". Phát biểu thế thôi, Giáo sư Vượng đã không giải thích thêm. Người nghe muốn hiểu sao thì hiểu và áp dụng vào khía cạnh nào của cuộc sống thì áp dụng, trong đó có cả sự kiện Miền Bắc đã dùng bạo lực đánh bại Miền Nam để thống nhất đất nước và tình trạng thống nhất hai miền hai chục năm sau đó. Thay vào đó, với thói quen nói lên sự thực của một người dạy và viết sử và với bản tính bộc trực, ông đã thêm một chữ khác hay được dùng ở miền Nam là chữ "nên" khác với chữ "phải" ở Miền Bắc. Với chữ "phải" này, ông chú thích thêm rằng "Đó là tiếng của cán bộ". Tôn trọng Giáo sư Trần Quốc Vượng và để độc giả được thong thả suy luận, theo đúng với tinh thần ra vô thong thả của người Miền Nam, tôi chỉ thuật lại nội dung đại khái của cuộc phỏng vấn này và không bàn rộng hơn nữa.

Hội hay Lễ hội

Trở lại chuyện mùa xuân và tháng Giêng. Cũng trong bài học thuộc lòng kể trên, câu thứ hai của bài này là :

Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè...

Hội hè trong sinh hoạt cổ truyền ở Miền Bắc Việt Nam tượng trưng cho tinh thần và cuộc sống hồn nhiên, vui tươi, thoải mái, hoàn toàn tự do truyền thống không bị ràng buộc bởi những lễ nghi lôi thôi, phiền phức của người Việt theo Khổng giáo, sau những ngày lao động vất vả với đầy dẫy những lo âu mà trên từ vua chúa, quan lại, dưới đến các nhà đạo đức tôn sùng Khổng Giáo hay các bô lão ở các xã thôn đều phải tôn trọng, không động tới.

Người ta đã mở hội để không chỉ riêng dân trong làng vui chơi mà luôn cả dân từ các làng khác hay sau này từ các thành phố về tham dự.

Mùa xuân ấy ông tôi lên tận tỉnh

Đón tôi về xem hội ở làng bên...

Những hội hè này trong suốt thời Pháp thuộc vẫn đều đặn được mở với tất cả những tiết mục mà một số vượt ra ngoài trí tưởng tượng của người trẻ của thế hệ hiện tại. Trừ một số hội chùa hay một số hội đền, đa số các hội được người ta trẩy để vui chơi, để gặp gỡ và nếu có phải lễ thì lễ ít hơn là hội. Chữ lễ do đó hầu như không được dùng mà chỉ có chữ hội hay hội hè hay hội hè đình đám mùa xuân cho cả trăm hội ở khắp trong nước, ở miền núi cũng như khắp miền xuôi, từ hội đền như Hội Đền Hùng, Hội Đền Kiếp Bạc,... hội chùa như Hội Chùa Hương, Hội Chùa Keo,... hội phủ như Hội Phủ Giầy... đến các hội làng. Tất cả đều là hội. Không hề có hội lễ hay lễ hội. Lý do rất đơn giản. Đó là vì hội là mục đích chính và lễ là phụ. Người ta trẩy hội là để vui chơi, để xem hội. Còn lễ thì chỉ là cái cớ, có lễ thì càng tốt mà không lễ thì cũng chẳng sao, không bắt buộc. Người Việt bản chất rất bao dung về tôn giáo, tín ngưỡng. Không phải chỉ qua ngôn ngữ bình thường mà qua thi ca, sau này là tiểu thuyết... người ta cũng thấy phản ảnh rõ rệt điều này. Nhưng đó là chuyện của quá khứ.

ngonngu2

Khai hội chùa Hương hay Lễ hội chua Hương ? - Ảnh minh họa

Sau một thời gian bị lãng quên vì chiến tranh và vì cách mạng, các hội hè cổ truyền của người Việt, do nhu cầu bảo tồn truyền thống của dân tộc, nhu cầu phát triển du lịch hay nhu cầu thuần túy chính trị..., đã được mở lại. Đây là một cố gắng đáng khích lệ. Nhưng từ hội hè theo đúng tinh thần của những biến cố đặc trưng cho một nếp sống đã tồn tại từ nhiều ngàn năm, đổi sang lễ hội với những mục tiêu thực tế, người ta đã vô tình làm mất đi ý nghĩa hồn nhiên, căn bản ban đầu của một hình thức biểu hiện cuộc sống tập thể ở nông thôn thời xưa của người Việt vậy.

Từ 81 Biệt kích Dù Việt Nam Cộng Hòa đến Chiến tháng Đống Đa

Ngôn ngữ là phương tiện để truyền đạt nhưng không phải chỉ là thuần túy truyền đạt mà còn là một biểu hiện của tinh thần, của nếp sống và rộng ra là của văn hóa của người sử dụng và của dân tộc sử dụng ngôn ngữ ấy. Coi là phương tiện, người ta có thể sử dụng nó một cách tùy hỷ nhưng điều này chỉ nên áp dụng cho những gì liên hệ tới cuộc sống tạm bợ hàng ngày. Đối với những phạm vi khác liên hệ tới quá khứ và tương lai lâu dài hơn, người sử dụng phải vô cùng thận trọng hầu tránh làm mất đi những tính cách chính xác, trong sáng và phong phú của ngôn ngữ mà mình yêu mến và có may mắn được dùng vậy. Việc làm nói ra thì dễ nhưng thực hiện và thường xuyên thực hiện, bắt đầu tự nhắc nhở và nhắc nhở người khác không dễ chút nào.

Từ Chiến thắng Đống Đa đến Giỗ trận Đống Đa

Nói chuyện Tháng Giêng mà không nói tới Chiến thắng Đống Đa năm Kỷ Dậu 1789 của Vua Quang Trung là một sự thiếu sót. Có điều vì chiến thắng này đã được quá nhiều người nói tới mỗi độ xuân về nên người viết đã tránh không viết thêm vì sợ làm rậm mắt người đọc. Tuy nhiên trong những ngày cuối năm 2019 này một sự kiện bất ngờ đã xảy ra trong Cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại khiến người viết thấy cần phải viết ít dòng vì nó liên quan tới tinh thần và truyền thống từ bi, bao dung, trọng nhân nghĩa, coi nghĩa tử là nghĩa tận của người Việt, đặc biệt là trong những ngày trước và sau Tết Nguyên Đán. Đó là sự kiện hài cốt của 81 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa thuộc Tiểu đoàn 7 Nhẩy dù tử nạn máy bay trong thời gian Chiến tranh Ba Mươi Năm (1945-1975) vừa qua, được cựu Nghị sĩ Mỹ Jim Webb vận động đem từ Hawaii về an nghỉ trong nghĩa trang Westminster Memorial Park, Thành phố Westminster, Nam California, Hoa Kỳ.

Tai nạn xảy ra ngày 11/12/1965, mãi đến ngày 26/10/2019, tổng cộng ngót 54 năm, hài cốt của các nạn nhân mới được an táng. Lý do là xác máy bay chỉ được tìm thấy vào năm 1974 và di cốt các nạn nhân được chuyển qua Thái Lan, rồi Hawaii để nhận diện, sau đó là tìm nơi an nghỉ.

Nghị sĩ Jim Webb dưới thời Tổng thống Ronald Reagan làm Bộ trưởng Hải quân được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trao cho trách nhiệm giải quyết vấn đề này. Ông đã liên lạc với Chính phủ cộng sản Việt Nam nhưng đã bị chính phủ này từ chối hai lần, không cho những hài cốt này hồi hương an táng tại Việt Nam. Cuối cùng người Mỹ phải quyết định đem tất cả về an táng ở các nơi có Cộng đồng người Việt Nam đông nhất thế giới, sau hơn nửa thế kỷ vô thừa nhận. Lễ an táng đã được cử hành trọng thể với đầy đủ lễ nghi quân cách do Hải quân Hoa Kỳ và các cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đảm nhiệm.

ngonngu3

Lễ an táng hài cốt của 81 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa thuộc Tiểu đoàn 7 Nhẩy dù tử nạn máy bay ngày 11/12/1965 đã được cử hành trọng thể tại Westminster Memorial Park...

ngonngu22

...với đầy đủ lễ nghi quân cách do Hải quân Hoa Kỳ và các cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đảm nhiệm.

Các nguồn tin không nói rõ lý do khiến cho các nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam từ chối lời đề nghị của người Mỹ cho hồi hương các di cốt của 81 chiến sĩ nhảy dù Việt Nam Cộng Hòa về quê hương Việt Nam để an táng họ, nhưng nói chung không ngoài tâm trạng thù địch và sợ hãi nhìn đâu cũng thấy, điều được gọi là "các thế lực thù địch" và phải phòng ngừa của các nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện tại.

Tình trạng này hoàn toàn trái ngược với truyền thống vốn có từ lâu của dân tộc Việt Nam, ít ra là từ sau thời nhà Trần đại thắng quân Mông Cổ, đến thời vua Lê Thái Tổ đánh đuổi quân Minh rồi vua Quang Trung đánh bại quân Nhà Thanh.

Gương đốt cả một tráp chứa đầy biểu xin hàng giặc Mông Cổ thời vua Trần Nhân Tông để làm yên lòng những kẻ có dã tâm phản trắc cũng như việc Nhà vua cởi ngự bào đắp lên đầu tướng Mông Cổ Toa Đô, kèm câu nói bất hủ "Làm bầy tôi nên như người này !" hay sau này thời Lê Thái Tổ đuổi quân Minh, đối với kẻ thù truyền kiếp : "Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển chưa thôi trống ngực. Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến Tầu còn đổ mồ hôi. Nó đã sợ chết cầu hòa, ngỏ lòng thú phục ; ta muốn toàn quân là tốt, cả nước nghỉ ngơi" đã không được những kẻ chiến thắng thời 1975 noi theo, đối với chính đồng bào của mình, từ đó không có được cảnh :

Tứ hải dĩ thanh, trần dĩ tĩnh,

Kim niên du thắng tích niên du.

Bốn bể yên rồi, dơ bụi tạnh,

Cuộc chơi năm trước kém năm nay.

(Thơ Thượng hoàng Trần Thánh Tông,

Ngô Tất Tố dịch)

hay như vua Trần Nhân Tông được thấy cảnh :

Bạch đầu quân sĩ tại,

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.

Lính già phơ tóc bạc,

Kể chuyện thuở Nguyên Phong.

(Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng,

Ngô Tất Tố dịch)

Một hình ảnh vô cùng đẹp đẽ, yên bình của những người già đã làm xong bổn phận ngồi kể lại cho con cháu nghe, hay rộng rãi hơn, trong toàn cảnh xã hội :

Trung hưng văn vận mại Hiên Hy,

Triệu tính âu ca lạc thịnh thì.

Trung hưng văn vận vượt đời xưa,

Thời thịnh muôn dân ngợi hát ca.

(Thơ Trần Nguyên Đán (1325-1390),

Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình dịch)

Trung hưng ở đây có thể hiểu là thời sau thời nhà Trần bình được quân Mông Cổ, khôi phục lại được Kinh đô Thăng Long, giữ vững được quyền làm chủ đất nước. Hiên là Hiên Viên và Hy là Phục Hy, hai vị hoàng đế trong huyền sử Trung Hoa, còn Trần Nguyên Đán là ông ngoại của Nguyễn Trãi vị công thần đệ nhất của Triều Lê, tác giả của Bình Ngô Đại Cáo.

Cuối cùng, gần chúng ta nhất và cũng là đề tài cho bài viết lần này là chuyện Chiến thắng Đống Đa và Giỗ trận Đống Đa. Chiến thắng Đống Đa là chiến thắng của người Việt Nam trước kẻ thù Phương Bắc xảy ra vào năm Kỷ Dậu, 1789, mà không một người Việt Nam nào không biết và không lấy làm hãnh diện ; nhưng trong lịch trình những ngày lễ của người Việt người ta đã không ghi là chiến thắng, Chiến thắng Đống Đa, mà lại ghi là ngày giỗ, Giỗ trận Đống Đa. Tại sao vậy ? Câu trả lời phải chăng đó là do tinh thần hiếu hòa, từ bi, nhân nghĩa và bao dung của người Việt, coi nhẹ chiến tranh, khí giới và bạo lực là một giá trị truyền thống, bất đắc dĩ mới phải dùng đến, đúng như chủ trương của Đạo giáo, một trong Tam giáo của người Việt, qua cái nhìn của Lão Tử, "coi binh khí như một vật chẳng lành, không phải đồ dùng của người quân tử (1)" và "thắng chẳng có gì là hay vì nếu hay là thích giết người và kẻ thích giết người đâu thể trị được thiên hạ. Hãy khóc bi ai. Khi thắng hãy cử hành tang lễ (2)".

Cũng nên biết thêm là ở Hà Nội có một ngõ hẹp mang tên là Ngõ Sầm Công, phía sau Phố Hàng Buồm, sau đổi là Tôn Thất Yên thời Quốc Gia Việt Nam, rồi Đào Duy Từ hiện tại. Sầm Công ở đây chính là Sầm Nghi Đống, Tri phủ Điền Châu đóng ở Đống Đa bị bao vây , thắt cổ chết và người Tầu đã lập đền thờ. Đền này đã tồn tại mà không hề gặp khó khăn gì từ phía người Việt nói chung và từ phía các nhà cầm quyền Việt Nam nói riêng. Đền này đã được nữ sĩ Hồ Xuân Hương đề bốn câu thơ châm biếm sau đây :

Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,

Kìa đền Thái Thú đứng cheo leo.

Ví đây đổi phận làm trai được,

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu

Đây cũng là một truyền thống vô cùng tốt đẹp của người Việt Nam nói chung và của các vua chúa Việt Nam nói riêng đối với các sắc dân thiểu số sống trên lãnh thổ của mình, kể cả người Tầu.

ngonngu4

Tướng Lee đến với lễ phục sạch tinh, nguyên nếp, mang gươm trang trí cực đẹp của một tướng lãnh quý tộc Miền Nam ở cạnh sườn. Ảnh minh họa

Một điều đáng tiếc khác là khác với Lịch sử Hoa Kỳ sau chiến tranh Nam-Bắc, Lịch sử Việt Nam không có được những người như tướng Ulysses S. Grant của Miền Bắc và tướng Robert E. Lee của Miền Nam trong thời Chiến Tranh Nam-Bắc trong cách hai người đối xử với nhau khi tướng Lee tới gặp tướng Grant để chính thức đầu hàng. Tướng Lee đến với lễ phục sạch tinh, nguyên nếp, mang gươm trang trí cực đẹp của một tướng lãnh quý tộc Miền Nam ở cạnh sườn. Còn tướng Grant thì ngược lại. Mặc dù là thuộc phe chiến thắng, ông ăn mặc xoềnh xoàng, không khác một người lính thường, quần áo, giầy trận còn "dính bùn đất hành quân", không mang gươm cạnh sườn, ngoại trừ huy hiệu cấp tướng. Đến khi ra về tướng Lee và các sĩ quan khác của ông vẫn được giữ nguyên tất cả, đặc biệt là không bị sỉ nhục, không phải nạp gươm và tiếp tục được ngồi trên lưng ngựa. Cả hai đều tự giữ được mình, giữ tư cách cho mình và giữ tư cách cho nhau, tôn trọng lẫn nhau trong một hoàn cảnh vô cùng tế nhị. Chuyện này các học sinh Mỹ ngay từ các lớp dưới đều được học, coi như một niềm hãnh diện của họ và là lý do tại sao nước Mỹ sau này đã trở thành một nước lớn và mạnh, lớn và mạnh với đầy đủ ý nghĩa của ngôn từ. Đây cũng là bài học mà các học sinh Việt Nam, nói riêng, và người Việt Nam, nói chung, cần phải học. Câu hỏi được đặt ra ở đây là chừng nào thì dân tộc Việt Nam mới thực sự thoát được tình trạng :

Dân hai nhăm triệu không người lớn,

Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con !

như một nhà thơ hồi đầu thế kỷ trước, nếu tôi nhớ không lầm, Tản Đà, đã từng than ?

Phạm Cao Dương

Những ngày cuối năm 2019

(1) "Binh giả, bất tường chi khí, phi quân tử chi khí, Đạo Đức Kinh", Chương 31, Nguyễn Tôn Nhan dịch

(2) "Dĩ ai bi khấp chi. Chiến thắng dĩ tang lễ xử chi"

Tiến sĩ Sử học, nguyên Giáo sư các Đại học thời Việt Nam Cộng Hòa và Hoa kỳ sau 1975.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Cao Dương
Read 715 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)