Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đã hai lần thi sĩ Amanda Gorman từng được gặp cựu Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama trước đây. Lần đầu tại một buổi lễ vinh danh những nhà thơ sinh viên học sinh vào năm 2016 ngay tại Bạch Ốc và tại sự kiện quy tụ những khuôn mặt nữ da đen trội bật trong năm 2018. Phu nhân Obama lại gặp Amanda một lần nữa sau khi cô diễn đọc bài thơ gây chú ý của mình tại lễ nhậm chức tổng thống Joe Biden. Cuộc gặp gỡ được tờ Time đăng tải dưới hình thức một cuộc phỏng vấn mà chính phu nhân Obama là người thực hiện.

amanda01

Cuộc trao đổi xoay quanh nghệ thuật, bản thể và niềm hy vọng, lạc quan thông qua câu chuyện của Amanda, cũng như những ảnh hưởng sự phục hưng nghệ thuật của người da đen, một dự án mà tạp chí Time cùng giáo sư sử học người Mỹ gốc Châu Phi Ibram X. Hendi thực hiện. Có lẽ dự án và số báo đặc biệt này nhằm chào đón tháng Hai, là Tháng lịch sử người da dden (Black History Month) tại Hoa Kỳ.

Số báo đặc biệt này đăng trang bìa là tấm ảnh toàn thân của thi sĩ trẻ Amanda Gorman, do một nghệ sĩ trẻ cũng tài ba không kém của cộng đồng người Mỹ gốc Phi thực hiện là họa sĩ kiêm nhiếp ảnh gia Awol Erizku.

Là một nghệ sĩ đa tài trong hội họa, điêu khắc và nhiếp ảnh, Awol Erizku đã tham gia thiện nguyện vào dự án này để chụp chân dung cho Amanda Gorman. Awol bảo rằng anh muốn giải thoát Amanda ra khỏi chiều kích, tranh cãi chính trị để thể hiện cô trong không gian thi ca của chính cô, qua những tấm chân dung đầy ý nghĩa mà chỉ có chiều sâu của thi ca mới có thể giải thích. Tấm ảnh anh chụp Amanda cầm cái lồng chim gợi cho độc giả về tác phẩm "I know why the caged birds sings" của nữ thi sĩ da đen Maya Angelou, người cũng từng đọc thơ tại lễ nhậm chức của tổng thống Bill Clinton.  

Bất kể những thử thách thế nào, cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã đạt đến những tột đỉnh vinh quang và các  đóng góp to lớn trong bất cứ lãnh vực nào có thể kể tên, từ quân sự, chính trị, học thuật, khoa học, xã hội, thể thao. Và đầy độc đáo và riêng biệt trong lãnh vực nghệ thuật, như theo số báo đặc biệt của Time thực hiện. Từ trong thi ca, văn chương, hội họa cho đến âm nhạc, điện ảnh.

Tựa như lời giải thích về những tấm ảnh chân dung của họa sĩ Awol Erizku, những nghệ sĩ Mỹ gốc Phi đã diễn đạt các tác phẩm của mình đầy tinh tế và sâu sắc với các ẩn dụ ý nghĩa, những thông điệp vượt thoát và xa hơn những nhìn nhận của đời thường. Hãy nghe nữ thi sĩ trẻ Amanda Gorman giải bày đôi điều về thi phẩm "The hill we climb" của cô trong cuộc phỏng vấn.

Amanda1

Amanda kể rằng khi làm bài thơ này, cô đã đọc lại Frederick Douglass, Winston Churchill, Abraham Lincoln rất nhiều. Cô cũng đã bỏ thời gian nghe những nhà soạn nhạc mà cô cho rằng là những nhà kể chuyện tuyệt vời nhất bằng âm nhạc để hình dung, mường tượng ra câu chuyện và cách mà cô sẽ kể.

Amanda cho biết cô cũng chọn lọc ngôn từ rất cẩn trọng, đọc lại lịch sử của những chữ sử dụng vì theo lời cô nói, "chúng ta từng thấy những cách mà ngôn ngữ bị xúc phạm và để hạ nhân tính. Làm sao có thể phục hồi Anh ngữ để chúng ta có thể thấy nó là một nguồn hy vọng, sự tinh tuyền và ý thức".

Điều Amanda Gorman nói hoàn toàn chính xác. Ngôn ngữ có thể tạo ra niềm hy vọng hay hận thù, những khát vọng hay đắng cay. Nó không chỉ trong Anh ngữ mà cho bất cứ ngôn ngữ nào.

Có lẽ hơn lúc nào, điều này cũng rất cần thiết cho tiếng Việt từng được ca tụng là "giàu và đẹp". Bởi không phải đã có không ít người Việt, kể cả những người được xem trong giới trí thức, đang muốn giết chết một loại ngôn ngữ thanh tao, từng làm rung động lòng người và đưa chúng ta đến những giá trị của chân thiện mỹ hay sao ?

Nhã Duy

(05/02/2021)

Published in Diễn đàn
mardi, 24 décembre 2019 11:28

Ngôn ngữ và nhân cách Việt anh hùng

Ngày Xuân bàn về :

Ngôn ngữ và nhân cách Việt anh hùng

"Nói chuyện Tháng Giêng" là đề tài tôi viết để gửi đăng trên một số các báo xuân ở Hải Ngoại cách đây nhiều năm. Câu chuyện xoay quanh một số các từ ngữ từ sau năm 1975, vì lý do này hay lý do khác, hầu như không còn được dùng nữa.

ngonngu1

Tháng Giêng Xanh là tên tuyển tập 55 bài thơ của nhà giáo Hoàng Thị Thu Hiền (giáo viên dạy môn ngữ văn của Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh minh họa

Người ta, đặc biệt là một số các xướng ngôn viên của các đài phát thanh, đã dùng những từ ngữ khác để thay thế. Trong số đó có từ ngữ "Tháng Giêng", được dùng để gọi tháng đầu tiên của một năm. Thay vì gọi hay đọc tháng này là Tháng Giêng, người ta gọi hay đọc nó là Tháng Một. Lý do có lẽ vì khi viết người ta dùng số 1 cho tiện dụng. Từ đó, "Tháng Chạp" trở thành Tháng Mười Hai, viết bằng số 12, và Tháng Một tất nhiên không còn là Tháng Mười Một nữa. Nhớ lại bài học thuộc lòng mà tôi có dịp học hồi còn nhỏ trong đó có các câu :

Tháng Giêng ăn tết ở nhà....

Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn

mà thỉnh thoảng tôi vẫn thấy các thầy cô ở các trường Việt ngữ hiện tại thường nhắc tới. Tôi không khỏi bùi ngùi khi thấy một chuyện bình thường người ta không nên để xảy ra mà vẫn xảy ra này. Đây không phải là chuyện bảo thủ hay không bảo thủ, chống hay không chống chế độ mới, dù là chuyện liên hệ tới ngôn ngữ, mà ngôn ngữ vốn có tính chất qui ước và luôn thay đổi. Có điều qui ước hay không qui ước, thay đổi hay không thay đổi, người nói vẫn không thể vì lý do gì đi chăng nữa làm mất đi tính cách chính xác, trong sáng và phong phú của ngôn ngữ mình sử dụng.

Một thí dụ điển hình là người Mỹ, nói riêng, và dân của những nước nói tiếng Anh, nói chung, cũng ở vào trường hợp tương tự nhưng họ đã không làm như vậy. Khi viết, để cho tiện và không chính thức, họ vẫn dùng các con số 1 cho Tháng Giêng, 2 cho Tháng Hai... liên tục cho đến số 12 cho Tháng Chạp trong cách ghi ngày tháng của họ. Nhưng khi phải ghi một cách đầy đủ một cách hình thức và tránh nhầm lẫn họ vẫn viết rõ là January, February... December. Còn khi nói, khi đọc, chính thức hay không chính thức, họ luôn luôn dùng các tiếng này chứ không bao giờ dùng các con số thay thế.

Thoáng đó, nhiều năm đã trôi qua. Vì bận rộn với cuộc sống thường ngày, tôi không có dịp theo dõi chuyện này và bây giờ, khi viết bài này, chúng ta sắp bước sang Tháng Giêng của năm mới tây và tháng Giêng của năm mới ta thì cũng sắp tới, nên tôi chưa thể nói là bà con ta hiện tại có còn cái tật sử dụng tiếng Việt một cách bừa bài, cẩu thả như vậy nữa không. Nói như vậy vì nói tới tháng Giêng Tây nhiều người đã dùng chữ Một, tháng Một và tôi hy vọng các vị này dành hai chữ Tháng Giêng cho tháng đầu năm âm lịch. Tuy nhiên nhiều người khác cũng cảnh cáo tôi là đừng lạc quan hão, đồng thời thỉnh thoảng tôi cũng thấy có người đề cập đến vấn đề này như nói đến một nỗi buồn tiếng Việt.

Sự trong sáng và phong phú của ngôn ngữ của chúng ta dường như mỗi ngày một bị thui chột trước cuộc sống mới nặng về thực tế và lúc nào cũng tất bật, vội vã. Người ta đã nại đủ cớ, kể cả ngang ngược tự cho mình là đúng để muốn nói sao thì nói, muốn viết sao thì viết không theo một nguyên tắc nào cả, nhất là khi mọi người, vì lý do này hay lý do khác, kể cả lười biếng, thiếu suy nghĩ, dễ dãi chạy theo thói nhất thời hay để phá bỏ những gì của một thời xưa cũ.

Bây giờ nói tới chuyện mới hơn một chút. Gọi là mới, nhưng thực sự thì chuyện này đã xảy ra từ hơn hai mươi năm trước. Hồi đó là năm 1995, hai mươi năm sau khi chế độ Cộng hòa ở Miền Nam không còn nữa. Để tưởng nhớ tới biến cố quan trọng nhưng vô cùng phức tạp đối với dân tộc Việt Nam này, đài BBC của người Anh, một dân tộc nổi tiếng là lạnh lùng và thực tế, khác hẳn với người Pháp, đã phỏng vấn một số người Việt về sự khác biệt trong cuộc sống của người Việt Nam ở hai miền Nam-Bắc sau hai chục năm thống nhất đầy bi thương này. Một trong số những người được phỏng vấn là Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng thuộc trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi không nhớ rõ là để trả lời câu hỏi nào Giáo sư Vượng đã có dịp đưa ra nhận xét của mình khi đề cập tới tiếng Việt ở Miền Nam. Đại khái câu nói của ông là ông và nhà văn Nguyễn Tuân, một nhà văn rất nổi tiếng trong thời tiền chiến với lối viết tùy bút vô cùng ý nhị, vô cùng bóng bẩy, nặng tính chất hoài cổ của ông, rất lấy làm đắc ý về một câu nói của đồng bào Miền Nam là "Vậy mà không phải vậy". Phát biểu thế thôi, Giáo sư Vượng đã không giải thích thêm. Người nghe muốn hiểu sao thì hiểu và áp dụng vào khía cạnh nào của cuộc sống thì áp dụng, trong đó có cả sự kiện Miền Bắc đã dùng bạo lực đánh bại Miền Nam để thống nhất đất nước và tình trạng thống nhất hai miền hai chục năm sau đó. Thay vào đó, với thói quen nói lên sự thực của một người dạy và viết sử và với bản tính bộc trực, ông đã thêm một chữ khác hay được dùng ở miền Nam là chữ "nên" khác với chữ "phải" ở Miền Bắc. Với chữ "phải" này, ông chú thích thêm rằng "Đó là tiếng của cán bộ". Tôn trọng Giáo sư Trần Quốc Vượng và để độc giả được thong thả suy luận, theo đúng với tinh thần ra vô thong thả của người Miền Nam, tôi chỉ thuật lại nội dung đại khái của cuộc phỏng vấn này và không bàn rộng hơn nữa.

Hội hay Lễ hội

Trở lại chuyện mùa xuân và tháng Giêng. Cũng trong bài học thuộc lòng kể trên, câu thứ hai của bài này là :

Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè...

Hội hè trong sinh hoạt cổ truyền ở Miền Bắc Việt Nam tượng trưng cho tinh thần và cuộc sống hồn nhiên, vui tươi, thoải mái, hoàn toàn tự do truyền thống không bị ràng buộc bởi những lễ nghi lôi thôi, phiền phức của người Việt theo Khổng giáo, sau những ngày lao động vất vả với đầy dẫy những lo âu mà trên từ vua chúa, quan lại, dưới đến các nhà đạo đức tôn sùng Khổng Giáo hay các bô lão ở các xã thôn đều phải tôn trọng, không động tới.

Người ta đã mở hội để không chỉ riêng dân trong làng vui chơi mà luôn cả dân từ các làng khác hay sau này từ các thành phố về tham dự.

Mùa xuân ấy ông tôi lên tận tỉnh

Đón tôi về xem hội ở làng bên...

Những hội hè này trong suốt thời Pháp thuộc vẫn đều đặn được mở với tất cả những tiết mục mà một số vượt ra ngoài trí tưởng tượng của người trẻ của thế hệ hiện tại. Trừ một số hội chùa hay một số hội đền, đa số các hội được người ta trẩy để vui chơi, để gặp gỡ và nếu có phải lễ thì lễ ít hơn là hội. Chữ lễ do đó hầu như không được dùng mà chỉ có chữ hội hay hội hè hay hội hè đình đám mùa xuân cho cả trăm hội ở khắp trong nước, ở miền núi cũng như khắp miền xuôi, từ hội đền như Hội Đền Hùng, Hội Đền Kiếp Bạc,... hội chùa như Hội Chùa Hương, Hội Chùa Keo,... hội phủ như Hội Phủ Giầy... đến các hội làng. Tất cả đều là hội. Không hề có hội lễ hay lễ hội. Lý do rất đơn giản. Đó là vì hội là mục đích chính và lễ là phụ. Người ta trẩy hội là để vui chơi, để xem hội. Còn lễ thì chỉ là cái cớ, có lễ thì càng tốt mà không lễ thì cũng chẳng sao, không bắt buộc. Người Việt bản chất rất bao dung về tôn giáo, tín ngưỡng. Không phải chỉ qua ngôn ngữ bình thường mà qua thi ca, sau này là tiểu thuyết... người ta cũng thấy phản ảnh rõ rệt điều này. Nhưng đó là chuyện của quá khứ.

ngonngu2

Khai hội chùa Hương hay Lễ hội chua Hương ? - Ảnh minh họa

Sau một thời gian bị lãng quên vì chiến tranh và vì cách mạng, các hội hè cổ truyền của người Việt, do nhu cầu bảo tồn truyền thống của dân tộc, nhu cầu phát triển du lịch hay nhu cầu thuần túy chính trị..., đã được mở lại. Đây là một cố gắng đáng khích lệ. Nhưng từ hội hè theo đúng tinh thần của những biến cố đặc trưng cho một nếp sống đã tồn tại từ nhiều ngàn năm, đổi sang lễ hội với những mục tiêu thực tế, người ta đã vô tình làm mất đi ý nghĩa hồn nhiên, căn bản ban đầu của một hình thức biểu hiện cuộc sống tập thể ở nông thôn thời xưa của người Việt vậy.

Từ 81 Biệt kích Dù Việt Nam Cộng Hòa đến Chiến tháng Đống Đa

Ngôn ngữ là phương tiện để truyền đạt nhưng không phải chỉ là thuần túy truyền đạt mà còn là một biểu hiện của tinh thần, của nếp sống và rộng ra là của văn hóa của người sử dụng và của dân tộc sử dụng ngôn ngữ ấy. Coi là phương tiện, người ta có thể sử dụng nó một cách tùy hỷ nhưng điều này chỉ nên áp dụng cho những gì liên hệ tới cuộc sống tạm bợ hàng ngày. Đối với những phạm vi khác liên hệ tới quá khứ và tương lai lâu dài hơn, người sử dụng phải vô cùng thận trọng hầu tránh làm mất đi những tính cách chính xác, trong sáng và phong phú của ngôn ngữ mà mình yêu mến và có may mắn được dùng vậy. Việc làm nói ra thì dễ nhưng thực hiện và thường xuyên thực hiện, bắt đầu tự nhắc nhở và nhắc nhở người khác không dễ chút nào.

Từ Chiến thắng Đống Đa đến Giỗ trận Đống Đa

Nói chuyện Tháng Giêng mà không nói tới Chiến thắng Đống Đa năm Kỷ Dậu 1789 của Vua Quang Trung là một sự thiếu sót. Có điều vì chiến thắng này đã được quá nhiều người nói tới mỗi độ xuân về nên người viết đã tránh không viết thêm vì sợ làm rậm mắt người đọc. Tuy nhiên trong những ngày cuối năm 2019 này một sự kiện bất ngờ đã xảy ra trong Cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại khiến người viết thấy cần phải viết ít dòng vì nó liên quan tới tinh thần và truyền thống từ bi, bao dung, trọng nhân nghĩa, coi nghĩa tử là nghĩa tận của người Việt, đặc biệt là trong những ngày trước và sau Tết Nguyên Đán. Đó là sự kiện hài cốt của 81 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa thuộc Tiểu đoàn 7 Nhẩy dù tử nạn máy bay trong thời gian Chiến tranh Ba Mươi Năm (1945-1975) vừa qua, được cựu Nghị sĩ Mỹ Jim Webb vận động đem từ Hawaii về an nghỉ trong nghĩa trang Westminster Memorial Park, Thành phố Westminster, Nam California, Hoa Kỳ.

Tai nạn xảy ra ngày 11/12/1965, mãi đến ngày 26/10/2019, tổng cộng ngót 54 năm, hài cốt của các nạn nhân mới được an táng. Lý do là xác máy bay chỉ được tìm thấy vào năm 1974 và di cốt các nạn nhân được chuyển qua Thái Lan, rồi Hawaii để nhận diện, sau đó là tìm nơi an nghỉ.

Nghị sĩ Jim Webb dưới thời Tổng thống Ronald Reagan làm Bộ trưởng Hải quân được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trao cho trách nhiệm giải quyết vấn đề này. Ông đã liên lạc với Chính phủ cộng sản Việt Nam nhưng đã bị chính phủ này từ chối hai lần, không cho những hài cốt này hồi hương an táng tại Việt Nam. Cuối cùng người Mỹ phải quyết định đem tất cả về an táng ở các nơi có Cộng đồng người Việt Nam đông nhất thế giới, sau hơn nửa thế kỷ vô thừa nhận. Lễ an táng đã được cử hành trọng thể với đầy đủ lễ nghi quân cách do Hải quân Hoa Kỳ và các cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đảm nhiệm.

ngonngu3

Lễ an táng hài cốt của 81 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa thuộc Tiểu đoàn 7 Nhẩy dù tử nạn máy bay ngày 11/12/1965 đã được cử hành trọng thể tại Westminster Memorial Park...

ngonngu22

...với đầy đủ lễ nghi quân cách do Hải quân Hoa Kỳ và các cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đảm nhiệm.

Các nguồn tin không nói rõ lý do khiến cho các nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam từ chối lời đề nghị của người Mỹ cho hồi hương các di cốt của 81 chiến sĩ nhảy dù Việt Nam Cộng Hòa về quê hương Việt Nam để an táng họ, nhưng nói chung không ngoài tâm trạng thù địch và sợ hãi nhìn đâu cũng thấy, điều được gọi là "các thế lực thù địch" và phải phòng ngừa của các nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện tại.

Tình trạng này hoàn toàn trái ngược với truyền thống vốn có từ lâu của dân tộc Việt Nam, ít ra là từ sau thời nhà Trần đại thắng quân Mông Cổ, đến thời vua Lê Thái Tổ đánh đuổi quân Minh rồi vua Quang Trung đánh bại quân Nhà Thanh.

Gương đốt cả một tráp chứa đầy biểu xin hàng giặc Mông Cổ thời vua Trần Nhân Tông để làm yên lòng những kẻ có dã tâm phản trắc cũng như việc Nhà vua cởi ngự bào đắp lên đầu tướng Mông Cổ Toa Đô, kèm câu nói bất hủ "Làm bầy tôi nên như người này !" hay sau này thời Lê Thái Tổ đuổi quân Minh, đối với kẻ thù truyền kiếp : "Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển chưa thôi trống ngực. Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến Tầu còn đổ mồ hôi. Nó đã sợ chết cầu hòa, ngỏ lòng thú phục ; ta muốn toàn quân là tốt, cả nước nghỉ ngơi" đã không được những kẻ chiến thắng thời 1975 noi theo, đối với chính đồng bào của mình, từ đó không có được cảnh :

Tứ hải dĩ thanh, trần dĩ tĩnh,

Kim niên du thắng tích niên du.

Bốn bể yên rồi, dơ bụi tạnh,

Cuộc chơi năm trước kém năm nay.

(Thơ Thượng hoàng Trần Thánh Tông,

Ngô Tất Tố dịch)

hay như vua Trần Nhân Tông được thấy cảnh :

Bạch đầu quân sĩ tại,

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.

Lính già phơ tóc bạc,

Kể chuyện thuở Nguyên Phong.

(Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng,

Ngô Tất Tố dịch)

Một hình ảnh vô cùng đẹp đẽ, yên bình của những người già đã làm xong bổn phận ngồi kể lại cho con cháu nghe, hay rộng rãi hơn, trong toàn cảnh xã hội :

Trung hưng văn vận mại Hiên Hy,

Triệu tính âu ca lạc thịnh thì.

Trung hưng văn vận vượt đời xưa,

Thời thịnh muôn dân ngợi hát ca.

(Thơ Trần Nguyên Đán (1325-1390),

Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình dịch)

Trung hưng ở đây có thể hiểu là thời sau thời nhà Trần bình được quân Mông Cổ, khôi phục lại được Kinh đô Thăng Long, giữ vững được quyền làm chủ đất nước. Hiên là Hiên Viên và Hy là Phục Hy, hai vị hoàng đế trong huyền sử Trung Hoa, còn Trần Nguyên Đán là ông ngoại của Nguyễn Trãi vị công thần đệ nhất của Triều Lê, tác giả của Bình Ngô Đại Cáo.

Cuối cùng, gần chúng ta nhất và cũng là đề tài cho bài viết lần này là chuyện Chiến thắng Đống Đa và Giỗ trận Đống Đa. Chiến thắng Đống Đa là chiến thắng của người Việt Nam trước kẻ thù Phương Bắc xảy ra vào năm Kỷ Dậu, 1789, mà không một người Việt Nam nào không biết và không lấy làm hãnh diện ; nhưng trong lịch trình những ngày lễ của người Việt người ta đã không ghi là chiến thắng, Chiến thắng Đống Đa, mà lại ghi là ngày giỗ, Giỗ trận Đống Đa. Tại sao vậy ? Câu trả lời phải chăng đó là do tinh thần hiếu hòa, từ bi, nhân nghĩa và bao dung của người Việt, coi nhẹ chiến tranh, khí giới và bạo lực là một giá trị truyền thống, bất đắc dĩ mới phải dùng đến, đúng như chủ trương của Đạo giáo, một trong Tam giáo của người Việt, qua cái nhìn của Lão Tử, "coi binh khí như một vật chẳng lành, không phải đồ dùng của người quân tử (1)" và "thắng chẳng có gì là hay vì nếu hay là thích giết người và kẻ thích giết người đâu thể trị được thiên hạ. Hãy khóc bi ai. Khi thắng hãy cử hành tang lễ (2)".

Cũng nên biết thêm là ở Hà Nội có một ngõ hẹp mang tên là Ngõ Sầm Công, phía sau Phố Hàng Buồm, sau đổi là Tôn Thất Yên thời Quốc Gia Việt Nam, rồi Đào Duy Từ hiện tại. Sầm Công ở đây chính là Sầm Nghi Đống, Tri phủ Điền Châu đóng ở Đống Đa bị bao vây , thắt cổ chết và người Tầu đã lập đền thờ. Đền này đã tồn tại mà không hề gặp khó khăn gì từ phía người Việt nói chung và từ phía các nhà cầm quyền Việt Nam nói riêng. Đền này đã được nữ sĩ Hồ Xuân Hương đề bốn câu thơ châm biếm sau đây :

Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,

Kìa đền Thái Thú đứng cheo leo.

Ví đây đổi phận làm trai được,

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu

Đây cũng là một truyền thống vô cùng tốt đẹp của người Việt Nam nói chung và của các vua chúa Việt Nam nói riêng đối với các sắc dân thiểu số sống trên lãnh thổ của mình, kể cả người Tầu.

ngonngu4

Tướng Lee đến với lễ phục sạch tinh, nguyên nếp, mang gươm trang trí cực đẹp của một tướng lãnh quý tộc Miền Nam ở cạnh sườn. Ảnh minh họa

Một điều đáng tiếc khác là khác với Lịch sử Hoa Kỳ sau chiến tranh Nam-Bắc, Lịch sử Việt Nam không có được những người như tướng Ulysses S. Grant của Miền Bắc và tướng Robert E. Lee của Miền Nam trong thời Chiến Tranh Nam-Bắc trong cách hai người đối xử với nhau khi tướng Lee tới gặp tướng Grant để chính thức đầu hàng. Tướng Lee đến với lễ phục sạch tinh, nguyên nếp, mang gươm trang trí cực đẹp của một tướng lãnh quý tộc Miền Nam ở cạnh sườn. Còn tướng Grant thì ngược lại. Mặc dù là thuộc phe chiến thắng, ông ăn mặc xoềnh xoàng, không khác một người lính thường, quần áo, giầy trận còn "dính bùn đất hành quân", không mang gươm cạnh sườn, ngoại trừ huy hiệu cấp tướng. Đến khi ra về tướng Lee và các sĩ quan khác của ông vẫn được giữ nguyên tất cả, đặc biệt là không bị sỉ nhục, không phải nạp gươm và tiếp tục được ngồi trên lưng ngựa. Cả hai đều tự giữ được mình, giữ tư cách cho mình và giữ tư cách cho nhau, tôn trọng lẫn nhau trong một hoàn cảnh vô cùng tế nhị. Chuyện này các học sinh Mỹ ngay từ các lớp dưới đều được học, coi như một niềm hãnh diện của họ và là lý do tại sao nước Mỹ sau này đã trở thành một nước lớn và mạnh, lớn và mạnh với đầy đủ ý nghĩa của ngôn từ. Đây cũng là bài học mà các học sinh Việt Nam, nói riêng, và người Việt Nam, nói chung, cần phải học. Câu hỏi được đặt ra ở đây là chừng nào thì dân tộc Việt Nam mới thực sự thoát được tình trạng :

Dân hai nhăm triệu không người lớn,

Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con !

như một nhà thơ hồi đầu thế kỷ trước, nếu tôi nhớ không lầm, Tản Đà, đã từng than ?

Phạm Cao Dương

Những ngày cuối năm 2019

(1) "Binh giả, bất tường chi khí, phi quân tử chi khí, Đạo Đức Kinh", Chương 31, Nguyễn Tôn Nhan dịch

(2) "Dĩ ai bi khấp chi. Chiến thắng dĩ tang lễ xử chi"

Tiến sĩ Sử học, nguyên Giáo sư các Đại học thời Việt Nam Cộng Hòa và Hoa kỳ sau 1975.

Published in Diễn đàn
dimanche, 26 novembre 2017 21:57

Ngôn ngữ "đỉnh cao"

Vụ ông giáo sư Bùi Hiền công bố "kôq cìn’ xoa học" 30 năm "qiên kứu kải kác tiếq Việt", thấy bị "cọi dá", "wê wảm, wấy wươq", cũng nên viết vài dòng về các thuật từ chuyên môn mà các "dỉw cao qôn qữ" Việt Nam "cế biến". Theo tôi không chỉ là "sai", "qọq qịu", mà còn dễ bị ngộ nhận.

etat0

Việt Nam là một Nhà nước pháp quyền hay một Nhà nước pháp trị ?

Thứ nhứt (dĩ nhiên) là phải nói chuyện về "nền tảng xây dựng quốc gia" (cộng sản Việt Nam không gọi quốc gia mà gọi là nhà nước).

Theo hiến pháp, nhà nước Việt Nam được xây dựng trên nền tảng "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".

Cụm từ "nhà nước pháp quyền" được cho là dịch từ "l’Etat de Droit", là quan niệm luật học của Pháp về mô hình xây dựng quốc gia trên nền tảng (gồm các hệ thống) luật lệ. Chữ "Etat" có nghĩa là "quốc gia" (hay nhà nước). Chữ "droit" có nghĩa là "pháp luật".

Các nước có ngôn ngữ nền tảng là Hán ngữ, như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, Nam Hàn… dịch "Etat de Droit" thành ra "Quốc gia pháp trị".

Các nước này cũng dùng thuật ngữ "pháp trị", vốn là học thuyết của "pháp gia" thời cổ đại, để dịch cụm từ khái niệm luật học của các nước Mỹ, Anh "the Rule of Law".

Ý nghĩa của "rule of law" là "sự ưu việt của pháp luật".

Hai khái niệm "l’Etat de Droit" và "the Rule of Law" được xem là "có ý nghĩa tương đương" ở các quốc gia dân chủ Âu, Mỹ. Tức là, ý nghĩa của "nhà nước pháp trị" thì tương đương với "pháp trị".

"Pháp trị", chữ nghĩa gợi hình, là "dùng pháp luật để cai trị".

Thời cổ đại, thuyết "pháp trị" chủ trương ông vua (đứng trên và đứng ngoài pháp luật), dùng luật để cai trị.

"Pháp trị" trong một chế độ dân chủ, là làm cái gì cũng "chiếu theo luật mà làm". Người lãnh đạo dựa theo pháp luật để cai trị mà bản thân cũng bị pháp luật chi phối.

Vậy thì cụm từ "pháp quyền" của Việt Nam có ý nghĩa gì ?

"Pháp quyền" là một danh từ ghép, bất khả tách rời, hay là tổng hợp lại từ hai thuật từ "pháp" và "quyền ?

Không một tự điển, một "học giả" Việt Nam nào giải thích việc này.

Nếu "pháp quyền" là một danh từ ghép, không thể tách rời, thì ý nghĩa của nó (theo các từ điển Việt Nam trước 1975) là "juridiction" (Pháp) hay "jurisdiction" (Anh). Tức có nghĩa là "thẩm quyền xét xử".

Trung Quốc có cách dịch khá chính xác "juridiction" là "quản hạt quyền".

Thí dụ, một vụ án xảy ra ở Sài gòn thì chỉ cảnh sát ở Sài gòn mới có thẩm quyền xét xử. Hoặc một tai nạn do hai chiếc tàu mang quốc tịch nước ngoài nhưng xảy ra trên vùng lãnh hải của Việt Nam. Thì Việt Nam là phía có "pháp quyền - juridiction" để đảm nhiệm việc điều tra.

Nếu "pháp quyền" là một khái niệm mới do "dỉn’ cao cí tuệ" đẻ ra, thì "pháp" là gì và "quyền" là gì ?

Nếu dựa lên khái niệm nguồn (tiếng Pháp) là "Etat de Droit" thì "pháp" là "pháp luật" (droit).

Còn "quyền" thì là gì ?

Rõ ràng chữ "quyền" trong "pháp quyền" là dư thừa. Vấn đề là chữ "quyền" có ít nhứt là ba nghĩa, thứ nhứt là "quyền lực - pouvoir, power". Thứ hai "quyền" là "droit, right" (như nhân quyền). Thứ ba là "juridiction", tức quyền hạn được qui định bằng pháp luật.

Vậy các "dỉn’ cao cí tuệ" đưa chữ "quyền" vào để làm gì và với ý nghĩa nào ?

Trên quan điểm khoa học rõ ràng có sư "nhặp nhằng" về ngôn từ. Nhưng trên quan điểm "xã hội chủ nghĩa", dĩ bất biến ứng vạn biến", thì ai muốn hiểu sao hiểu, miễn là đảng nắm quyền.

"Pháp quyền" trở thành nhà nước dùng luật để cai trị nhưng quyền lực nằm trong tay đảng.

Thuật từ thứ hai (về luật) cần nói đó là chữ "đặc quyền".

Chữ "đặc" trong "đặc quyền", giống chữ "đặc" trong "đặc khu kinh tế - Special Economic Zones – SEZ".

Chữ "đặc" ở đây là "đặc biệt - special".

Nếu ta đối chiếu với cụm từ "vùng đặc quyền kinh tế - Exclusive Economic Zone - EEZ". Không lẽ "special" tương ứng với "exclusive" ?

Trung Quốc, Nhật, Đài loan, Nam Hàn (hay Việt NamCH trước kia)... đều dịch là "vùng độc quyền kinh tế".

Trên quan điểm công pháp quốc tế, hai khái niệm "độc quyền - droit exclusive, exclusive right" và "đặc quyền - droit special, special right" khác nhau một trời một vực.

Chỉ có một quốc gia độc lập có chủ quyền mới có "quyền" khẳng định được sự "độc quyền về kinh tế" trên một vùng biển (hay không gian), được xác định theo luật quốc tế. (Vùng EEZ biển của Việt Nam, theo luật định, là 200 hải lý, tính từ đường cơ bản).

Một quốc gia khác có thể được "đặc quyền khai thác" (vùng biển hay vùng không gian) đến từ một quốc gia có chủ quyền.

Khi sử dụng từ "vùng đặc quyền kinh tế" để dịch thuật từ "Exclusive Economic Zone - EEZ" thì Việt Nam có thể bị người ta bắt bẽ là đã nhìn nhận mình không có "chủ quyền" lãnh thổ từ đó phát sinh ra vùng biển EEZ.

Vậy "đặc quyền" của Việt Nam đến từ đâu ?

Dĩ nhiên đến từ Trung Quốc.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 26/11/2017

Published in Diễn đàn
samedi, 07 octobre 2017 15:10

Sự bế tắc của ngôn ngữ

Đọc bài viết của nhà báo Phạm Toàn được báo Vietnamnet trích đăng với tựa đề : "Không nên quá kiêu ngạo nghĩ mình mãi là thầy", thú thật là tôi có cảm giác bế tắc như đụng đầu vào bức tường chặn lối lên phía trước, trông thấy ẩn hiện, nhưng không có cách nào qua để bắt lấy nó. Loáng thoáng hiểu điều ông muốn nói, chờ để được giải thích, hoặc sẽ có gì rõ hơn ở phía sau, nhưng đọc mãi, cho đến hết, cuối cùng không thấy có và cảm giác bế tắc tới uất ức, bất lực. Những triết lý trừu tượng, tối nghĩa, những khái niệm mông lung lơ lửng.

bacthay1

"Không nên quá kiêu ngạo nghĩ mình mãi là thầy"

Có thể một nhà giáo uy tín và nổi tiếng mà có khó khăn trong cách diễn đạt ý tưởng của mình ? Thế thì làm sao là làm nghề giáo được ? Làm sao truyền dậy ?

Câu trả lời nằm ở chỗ khác ?!

Làm thế nào để có một nền giáo dục đa chiều trong một chế độ chính trị độc quyền chân lý ? Làm sao khai phóng tư duy trong một thế giới thông tin bị sàng lọc một chiều ? Làm sao thông với vũ trụ trong một không gian đóng kín ?

Ông Phạm Toàn cố diễn đạt một cái gì đó. Người ta cố gắng hiểu rằng cái gì đó là cái vĩnh cửu vượt ra khỏi giới hạn của thời gian, nghĩa là nền giáo dục không lấy triết lý đương thời làm khung khổ. Cái đương thời rồi sẽ chết, hoặc ít nhất cũng biến hoá, trong khi nền tảng của nền giáo dục có căn bản bất biến. Cái bất biến đó là bản năng tự hoàn thiện mình bằng năng lực tự nhiên của con người. Năng lực tự nhiên và bản năng tự hoàn thiện là cái vẫn tồn tại sau tất cả những áp lực nhân tạo chỉ xuất hiện trong một không gian và thời gian nhất định có hạn.

Nói cho rõ ra thì là thế này : Hãy vượt ra ngoài sự trói buộc bởi tư duy giáo dục cộng sản để quay trở lại với bản chất con người. Có phải Nhà giáo định nói vậy không ?

Đấy có thể là điều mà nhà giáo Phạm Toàn muốn "bắn" tới những đồng nghiệp có trách nhiệm của ông ? Nhưng giáo dục là sự minh bạch, rành mạch, rõ ràng và chuẩn xác về phương pháp tư duy. Ông muốn mọi người phải hiểu và phải làm một điều đang bị cấm kỵ bởi những thế lực quyết định sinh mệnh của họ và của chính ông. Nhưng ngay nói thẳng những điều đó ra, ông cũng còn chưa dám. Nói những điều không giám nói, thì những điều nói ra trở thành tối nghĩa và khó hiểu. Muốn nói về màu đen, nhưng sử dụng ngôn ngữ dùng để diễn tả một mầu không đen, và lại muốn trách người xem sao không thấy nó đen. Đó là bi kịch của ước vọng khai phóng, cũng chính là bi kịch của nền giáo dục thời cộng sản hiện đại trong lốt nhà giáo dục.

Không biết có ai cùng cảm giác bế tắc khi đọc bài viết của nhà giáo Phạm Toàn không, xin đọc ở đây :

"Không nên quá kiêu ngạo nghĩ mình mãi là thầy.

Nhà giáo Phạm Toàn đã khẳng định như vậy trong bài viết gửi tới hội thảo giáo dục 2017 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức sáng 23/9. VietNamNet xin trích đăng bài viết này.

Vấn đề

Chúng ta đang bàn bạc về sự nghiệp giáo dục của dân tộc.

Chúng ta đang bàn bạc về công việc lớn lao này trong nỗi lo lắng và tinh thần trách nhiệm.

Lo lắng và trách nhiệm đè nặng lên vai từng cá nhân có mặt ở hội thảo này và chúng ta còn gánh nặng cả những nỗi ưu tư của biết bao con người vắng mặt tại đây, trong đó có những nhà khoa học và có cả những phụ huynh có con em đi học.

Và không chỉ có thế, vắng mặt hôm nay nhưng luôn luôn có mặt, còn là tổ tiên chúng ta, những ân nhân đã giao lại đất nước này cho chúng ta và còn là cả những bé em sẽ ra đời trên mảnh đất thiêng liêng này, những thế hệ của trăm năm, của nghìn năm sau.

Không ai buộc chúng ta phải lo lắng và phải có trách nhiệm như vậy. Tự chúng ta từng người từng người mang nỗi lo và trách nhiệm đó, đơn giản vậy thôi.

Chúng ta nhất trí trong nỗi lo và tinh thần trách nhiệm.

Nhưng chúng ta lại rất khó nhất trí trong giải pháp cứu nguy, chấn hưng sự nghiệp giáo dục của dân tộc.

Và nỗi bất đồng to lớn nhất lại rơi vào một điều cốt lõi của mọi điều cốt lõi : tư duy về giáo dục.

Cái bất biến của giáo dục

Chọn lựa thứ nhất là đi tìm một cái nút bấm mà nếu tác động vào điều bất biến đó thì mọi việc sẽ hanh thông.

Chọn lựa thứ hai là sa đà vào những điều khả biến với vẻ ngoài đầy hấp dẫn, nhưng sẽ làm ta rơi vào một cái bẫy mê hồn trận.

Chọn lựa thứ nhất dẫn nhà giáo dục và các lực lượng xã hội khác đến với trẻ em - người học như một mục tiêu bất biến. Nó bất biến vì nó nằm trong tầm tay xử trí của nhà giáo dục.

Chọn lựa thứ 2 dẫn các nhà cải cách đến những vấn đề thuộc về thể chế, nằm ngoài tầm tay xử lý của nhà giáo dục.

Cả hai lựa chọn đều là hai cuộc đại phiêu lưu. Không có lựa chọn nào dẫn đến thành công "thần tốc" hết. Nhưng chọn lựa thứ nhất sẽ tạo ra một sự thâm canh - cũng hệt như thâm canh trong sản xuất nông nghiệp - trong khi chọn lựa thứ 2 cũng tương tự như đi tìm cách thay đổi chế độ tô thuế.

Có điều "thâm canh" trong sự nghiệp giáo dục sẽ tạo ra một cái nền màu mỡ, để một trăm năm nữa (có khi lâu hơn thế) sẽ có những sản phẩm mà những bậc thầy ngày hôm nay không sánh kịp. Con hơn cha, trò hơn thầy, đó là mơ ước của công cuộc thâm canh vào cái bất biến cần được tư duy đổi mới giáo dục nhận ra ngay ngày hôm nay : trẻ em.

Nghịch lý cõng người khổng lồ

Nhà cải cách giáo dục đúng sẽ thành công nếu trong tư duy giáo dục và dạy học họ luôn nghĩ rằng mình đang cõng trên vai những người khổng lồ. Không nên quá kiêu ngạo để luôn luôn nghĩ mình mãi là thầy, mãi mãi là người khổng lồ để các em đứng lên vai.

Ấy thế nhưng, ở nơi đây và vào lúc này, họ vẫn đang là thầy. Nghịch lý là ở chỗ đó. Khi tư duy để tìm cách cứu nguy nền giáo dục hiện thời, chúng ta luôn luôn đứng trước hai cách chọn lựa.

Diễn đạt theo cách khác sẽ nói như sau : nhà cải cách giáo dục như những chú lùn có sứ mệnh tạo ra những con người cao ráo hơn mình. Khi chúng ta đang nhắc lại những khái niệm như tự do hoặc khai phóng vô tình hay hữu ý, ta đang thực hiện một phương thức bất biến chi phối công việc đào tạo những người khổng lồ.

Vì thế, đừng có nghĩ nền giáo dục được ta lên kế hoạch chấn hưng sẽ đào tạo những học trò có vài ba năng lực nào đó cộng với dăm bẩy giá trị nào đó rập theo tiêu chuẩn biến động của những chốn vu vớ nào đó.

Một cách khiêm nhưng đủ tự tin như một nghịch lý, chúng ta hãy tổ chức sự trưởng thành của cái đối tượng bất biến mà chúng ta đang phục vụ bằng việc vun trồng bằng chính bàn tay tầm thường của chúng ta ở đây và ngay lúc này.

Mục tiêu tổ chức sự trưởng thành của trẻ em, đến lượt nó, cũng thành một điều bất biến trong tư duy giáo dục. Không phải là tổ chức cuộc chạy đua học giỏi mà tổ chức sự trưởng thành về tâm hồn, về trí tuệ, về lối sống của một nhân cách đúng nghĩa.

Những sản phẩm mang tầm vóc trưởng thành đó sẽ phải là những con người có một năng lực bất biến - năng lực tự học - và tự học để tự lập thành người Việt Nam chính hiệu.

Lộ diện giải pháp

Cuối cùng, "trăm dâu đổ đầu tằm", dù chọn đi theo cách tư duy nào và theo lý thuyết trời biển gì đi nữa thì cũng phải trình ra xã hội bộ chương trình và bộ sách giáo khoa.

Đến lượt chúng, những công cụ này cũng sẽ phải thể hiện một tầm tư duy giáo dục dựa trên những điều bất biến.

Đặt câu hỏi đơn giản hơn : chương trình và sách giáo khoa có tuổi thọ dài, thậm chí rất dài hay là chúng cứ bị thay đổi luôn soành soạch theo tuổi đời từng dự án ?

Xin nói luôn để đỡ mất công chờ đợi : Chương trình và sách giáo khoa cũng phải bất biến. Điều này hoàn toàn trái với những phát ngôn đương thời cho rằng sách giáo khoa trên thế giới cũng chỉ tuổi thọ dăm mười năm.

Ta hãy cùng lý giải về tính bền vững của chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa cho học sinh phổ thông. Chúng sẽ bền vững và có tuổi thọ dài vì những lý do sau :

- Chúng thể hiện cách học của người học, cách học thể hiện ở các thao tác tư duy, là điều bất biến.

- Những vật liệu dùng để tổ chức cách học của học sinh đều mang tính phổ thông và đó là điều bất biến.

- Sách giáo khoa phải giúp giáo viên dễ thực hiện nhiệm vụ tổ chức việc học của trẻ em - một định nghĩa khác về nghề "dạy học" xưa nay.

Tư duy sáng sủa

Càng dấn thân vào sự nghiệp giáo dục, càng thấy mọi chuyện không dễ dàng và càng không thể xong trong ngày một ngày hai.

Vì thế, việc tư duy về giáo dục cần phải rất sáng sủa.

Không được lẫn lộn giữa khái niệm Chương trình tổng thể với chỉ một việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa phổ thông.

Và ngay cả khi rút gọn việc viết sách giáo khoa như là cốt lõi của cái tổng thể thì cũng cần xử lý nghiêm cẩn.

Thời Khổng Tử, sách giáo khoa nằm trong tay vài ba ông "Tử", và thế là đủ.

Thời Pháp thuộc cũng còn đơn giản : những tên tuổi đọng lại không nhiều, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Phạm Huy Lục, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận, và Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Tố cùng với Brachet, Don Lafferanderie. Hết.

Sau năm 1945, cả ngành giáo dục vẫn mới chỉ có một ban thu thư lèo tèo. Dẫu sao, các ban tu thư thời đó đều có uy tín.

Ngày nay, chẳng ai có đủ uy tín để xử lý riêng một khái niệm tích hợp.

Và ai có đủ uy tín để bảo đảm sách đang viết chưa xong, có xong cũng chưa qua thực nghiệm… liệu có đủ độ tin cậy để được thực nghiệm và đem dùng theo lối cuốn chiếu.

Hãy nghĩ lại !

Hãy để các nhóm và các cá nhân tự do đóng góp để có thêm những người lùn cùng công kênh những người khổng lồ.

Hãy minh bạch các sản phẩm - mạng internet có sẵn để mọi người lùn cùng bớt lùn.

Hãy tập sống dân chủ vì dân chủ cũng là cái bất biến trong tư duy người, còn bao trùm lên cả tư duy giáo dục nữa" (hết dẫn).

Nếu cảm giác bế tắc không phải là của riêng tôi, thì tôi nghĩ nút mở của nó là cái đã xảy ra với Gíao sư Tương Lai và cựu Đại sứ Nguyễn Trung.

Paris, 07/10/2017

Bùi Quang Vơm

********************

"Không nên quá kiêu ngạo nghĩ mình mãi là thầy"

Phạm Toàn, VietnamNet, 24/09/2017

"Con hơn cha, trò hơn thầy, đó là mơ ước của công cuộc thâm canh vào cái bất biến cần được tư duy đổi mới giáo dục nhận ra ngay ngày hôm nay: trẻ em".

Nhà giáo Phạm Toàn đã khẳng định như vậy trong bài viết gửi tới hội thảo giáo dục 2017 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức sáng 23/9. VietNamNet xin trích đăng bài viết này.

Vấn đề

Chúng ta đang bàn bạc về sự nghiệp giáo dục của dân tộc.

Chúng ta đang bàn bạc về công việc lớn lao này trong nỗi lo lắng và tinh thần trách nhiệm.

Lo lắng và trách nhiệm đè nặng lên vai từng cá nhân có mặt ở hội thảo này và chúng ta còn gánh nặng cả những nỗi ưu tư của biết bao con người vắng mặt tại đây, trong đó có những nhà khoa học và có cả những phụ huynh có con em đi học.

Và không chỉ có thể, vắng mặt hôm nay nhưng luôn luôn có mặt, còn là tổ tiên chúng ta, những ân nhân đã giao lại đất nước này cho chúng ta và còn là cả những bé em sẽ ra đời trên mảnh đất thiêng liêng này, những thế hệ của trăm năm, của nghìn năm sau.

Không ai buộc chúng ta phải lo lắng và phải có trách nhiệm như vậy. Tự chúng ta từng người từng người mang nỗi lo và trách nhiệm đó, đơn giản vậy thôi.

bacthay2

Nhà giáo Phạm Toàn phát biểu tại hội thảo sáng 23/9. Ảnh : Lê Văn

Chúng ta nhất trí trong nỗi lo và tinh thần trách nhiệm.

Nhưng chúng ta lại rất khó nhất trí trong giải pháp cứu nguy, chấn hưng sự nghiệp giáo dục của dân tộc.

Và mỗi bất đồng to lớn nhất lại rơi vào một điều cốt lõi của mọi điều cốt lõi: tư duy về giáo dục.

Cái bất biến của giáo dục

Khi tư duy để tìm cách cứu nguy nền giáo dục hiện thời, chúng ta luôn luôn đứng trước hai cách chọn lựa.

Chọn lựa thứ nhất là đi tìm một cái nút bấm mà nếu tác động vào điều bất biến đó thì mọi việc sẽ hanh thông.

Chọn lựa thứ hai là sa đà vào những điều khả biến với vẻ ngoài đầy hấp dẫn, nhưng sẽ làm ta rơi vào một cái bẫy mê hồn trận.

Chọn lựa thứ nhất dẫn nhà giáo dục và các lực lượng xã hội khác đến với trẻ em - người học như một mục tiêu bất biến. Nó bất biến vì nó nằm trong tầm tay xử trí của nhà giáo dục.

Chọn lựa thứ 2 dẫn các nhà cải cách đến những vấn đề thuộc về thể chế, nằm ngoài tầm tay xử lý của nhà giáo dục.

Cả hai lựa chọn đều là hai cuộc đại phiêu lưu. Không có lựa chọn nào dẫn đến thành công "thần tốc" hết. Nhưng chọn lựa thứ nhất sẽ tạo ra một sự thâm canh - cũng hệt như thâm canh trong sản xuất nông nghiệp - trong khi chọn lựa thứ 2 cũng tương tự như đi tìm cách thay đổi chế độ tô thuế.

Có điều "thâm canh" trong sự nghiệp giáo dục sẽ tạo ra một cái nền màu mỡ, để một trăm năm nữa (có khi lâu hơn thế) sẽ có những sản phẩm mà những bậc thầy ngày hôm nay không sánh kịp. Con hơn cha, trò hơn thầy, đó là mơ ước của công cuộc thâm canh vào cái bất biến cần được tư duy đổi mới giáo dục nhận ra ngay ngày hôm nay: trẻ em.

Nghịch lý cõng người khổng lồ

Nhà cải cách giáo dục đúng sẽ thành công nếu trong tư duy giáo dục và dạy học họ luôn nghĩ rằng mình đang cõng trên vai những người khổng lồ. Không nên quá kiêu ngạo để luôn luôn nghĩ mình mãi là thầy, mãi mãi là người khổng lồ để các em đứng lên vai.

Ấy thế nhưng, ở nơi đây và vào lúc này, họ vẫn đang là thầy. Nghịch lý là ở chỗ đó.

Diễn đạt theo cách khác sẽ nói như sau: nhà cải cách giáo dục như những chú lùn có sứ mệnh tạo ra những con người cao ráo hơn mình. Khi chúng ta đang nhắc lại những khái niệm như tự do hoặc khai phóng vô tình hay hữu ý, ta đang thực hiện một phương thức bất biến chi phối công việc đào tạo những người khổng lồ.

Vì thế, đừng có nghĩ nền giáo dục được ta lên kế hoạch chấn hưng sẽ đào tạo những học trò có vài ba năng lực nào đó cộng với dăm bẩy giá trị nào đó rập theo tiêu chuẩn biến động của những chốn vu vớ nào đó.

Một cách khiêm nhưng đủ tự tin như một nghịch lý, chúng ta hãy tổ chức sự trưởng thành của cái đối tượng bất biến mà chúng ta đang phục vụ bằng việc vun trồng bằng chính bàn tay tầm thường của chúng ta ở đây và ngay lúc này.

Mục tiêu tổ chức sự trưởng thành của trẻ em, đến lượt nó, cũng thành một điều bất biến trong tư duy giáo dục. Không phải là tổ chức cuộc chạy đua học giỏi mà tổ chức sự trưởng thành về tâm hồn, về trí tuệ, về lối sống của một nhân cách đúng nghĩa.

Những sản phẩm mang tầm vóc trưởng thành đó sẽ phải là những con người có một năng lực bất biến - năng lực tự học - và tự học để tự lập thành người Việt Nam chính hiệu.

Lộ diện giải pháp

Cuối cùng, "trăm dâu đổ đầu tằm", dù chọn đi theo cách tư duy nào và theo lý thuyết trời biển gì đi nữa thì cũng phải trình ra xã hội bộ chương trình và bộ sách giáo khoa.

Đến lượt chúng, những công cụ này cũng sẽ phải thể hiện một tầm tư duy giáo dục dựa trên những điều bất biến.

Đặt câu hỏi đơn giản hơn: chương trình và sách giáo khoa có tuổi thọ dài, thậm chí rất dài hay là chúng cứ bị thay đổi luôn soành soạch theo tuổi đời từng dự án?

Xin nói luôn để đỡ mất công chờ đợi: Chương trình và sách giáo khoa cũng phải bất biến. Điều này hoàn toàn trái với những phát ngôn đương thời cho rằng sách giáo khoa trên thế giới cũng chỉ tuổi thọ dăm mười năm.

Ta hãy cùng lý giải về tính bền vững của chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa cho học sinh phổ thông. Chúng sẽ bền vững và có tuổi thọ dài vì những lý do sau:

- Chúng thể hiện cách học của người học, cách học thể hiện ở các thao tác tư duy, là điều bất biến.

- Những vật liệu dùng để tổ chức cách học của học sinh đều mang tính phổ thông và đó là điều bất biến.

- Sách giáo khoa phải giúp giáo viên dễ thực hiện nhiệm vụ tổ chức việc học của trẻ em - một định nghĩa khác về nghề "dạy học" xưa nay.

Tư duy sáng sủa

Càng dấn thân vào sự nghiệp giáo dục, càng thấy mọi chuyện không dễ dàng và càng không thể xong trong ngày một ngày hai.

Vì thế, việc tư duy về giáo dục cần phải rất sáng sủa.

Không được lẫn lộn giữa khái niệm Chương trình tổng thể với chỉ một việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa phổ thông.

Và ngay cả khi rút gọn việc viết sách giáo khoa như là cốt lõi của cái tổng thể thì cũng cần xử lý nghiêm cẩn.

Thời Khổng Tử, sách giáo khoa nằm trong tay vài ba ông "Tử", và thế là đủ.

Thời Pháp thuộc cũng còn đơn giản: những tên tuổi đọng lại không nhiều, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Phạm Huy Lục, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận, và Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Tố cùng với Brachet, Don Lafferanderie. Hết.

Sau năm 1945, cả ngành giáo dục vẫn mới chỉ có một ban thu thư lèo tèo. Dẫu sao, các ban tu thư thời đó đều có uy tín.

Ngày nay, chẳng ai có đủ uy tín để xử lý riêng một khái niệm tích hợp.

Và ai có đủ uy tín để bảo đảm sách đang viết chưa xong, có xong cũng chưa qua thực nghiệm… liệu có đủ độ tin cậy để được thực nghiệm và đem dùng theo lối cuốn chiếu.

Hãy nghĩ lại !

Hãy để các nhóm và các cá nhân tự do đóng góp để có thêm những người lùn cùng công kênh những người khổng lồ.

Hãy minh bạch các sản phẩm - mạng internet có sẵn để mọi người lùn cùng bớt lùn.

Hãy tập sống dân chủ vì dân chủ cũng là cái bất biến trong tư duy người, còn bao trùm lên cả tư duy giáo dục nữa.

Nhà giáo Phạm Toàn

Published in Quan điểm