Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/12/2019

Phạm Chí Dũng và quyền được bào chữa

Nhiều tác giả

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng không được gặp luật sư bào chữa

RFA, 26/12/2019

Tiến sĩ, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng sẽ bị hạn chế việc gặp luật sư cho đến khi kết thúc quá trình điều tra. Luật sư Đặng Đình Mạnh, người nhận bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng nói với đài Á Châu Tự Do.

vn2

Nhà báo Phạm Chí Dũng - Photo : RFA

Nhà báo Phạm Chí Dũng hiện đang bị tam giam để điều tra với cáo buộc : "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 117 bộ Luật Hình sự.

Luật sư Mạnh cho hay, vào ngày 13/12/2019, các luật sư gồm Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng đã đến Cơ quan An ninh Điều tra (An ninh điều tra), Công an Thành phố Hồ Chí Minh để lập thủ tục đăng ký bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng.

Đến ngày 16/12/2019, Cơ quan An ninh điều tra đã ra văn bản thông báo quyết định của Viện Kiểm sát (Viện Kiểm sát) Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng kể từ khi kết thúc điều tra vụ án. Nghĩa là, luật sư không được gặp thân chủ trong suốt quá trình điều tra vụ án.

"Tại vì họ (cơ quan An ninh điều tra-PV) nói là giới hạn cho luật sư tham gia vào giai đoạn điều tra. Lúc này đang là giai đoạn điều tra vụ án. Do họ giới hạn nên luật sư không nắm được thông tin gì cả.

Chỉ nói riêng về phương diện luật pháp thì đúng là theo luật hình sự có cho họ cái quyền được giới hạn luật sư đối với những vụ án thuộc nhóm an ninh quốc gia".

Hiện nay, Luật sư Mạnh cũng chưa thể khẳng định được đến khi nào mới có thể giam gia bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng vì còn tuỳ thuộc vào Cơ quan An ninh điều tra có mở rộng điều tra hay không và khi nào thì kết thúc quá trình điều tra.

"Cái này cũng không thể nào khẳng định được, chỉ biết rằng họ truy tố anh Dũng vào điều 117, nhưng cụ thể là họ sẽ mở rộng để tập trung vào vấn đề gì thì họ không thông báo, mình không nắm hồ sơ nên mình cũng không biết.

Việc kết thúc giai đoạn điều tra còn phụ thuộc vào việc cơ quan điều tra họ cho rằng đã đầy đủ thì họ kết thúc. Có những vụ án thực ra là có thể kéo dài đến ngoài cả năm trời".

Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định rằng việc hạn chế gặp luật sư là thường xuyên xảy ra trong những vụ án có liên quan đến cái gọi là "an ninh quốc gia".

"Tôi bị bắt vào ngày 16/12/2015. Ngay từ khi họ bắt tôi tại nhà, tôi đã yêu cầu phải cho tôi gặp luật sư khi họ khám nhà. Nhưng ngay lập tức họ có một đại diện của Viện Kiểm sát tối cao đi cùng trình cái giấy của Viện trưởng Viện Kiểm sát kiểm sát tối cao là không cho tôi tiếp cận với luật sư cho đến khi nào kết thúc điều tra.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, đối với các vụ án an ninh quốc gia thì luật sư chỉ có thể tiếp cận với hồ sơ vụ án và gặp thân chủ từ khi kết thúc điều tra thôi. Điều đó trái với Hiến pháp. Bởi vì trong Hiến pháp thì không phân biệt đối xử giữa an ninh quốc gia hay là thường phạm. Hiến pháp nói rằng khi một người bị bắt bị tạm giam thì có quyền gặp luật sư của mình, luật sư cũng có quyền bào chữa cho thân chủ. Thế nhưng mà trong Bộ luật Tố tụng hình sự thì họ lại nêu điều đó là trái với Hiến pháp của Việt Nam".

Cựu tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha cũng chia sẻ về quãng thời gian ông bị tạm giam mà không có luật sư :

"Mình không được tiếp xúc với bất kỳ ai, không được tư vấn về pháp luật. Sau khi họ đã dẫn mình đi hết rồi thì mới được gặp luật sư. Có nghĩa là mình đã nói rất nhiều điều bất lợi cho mình".

Theo đánh giá của luật sư Đài, thời gian tạm giam để điều tra không được gặp luật sư chính là lúc mà những điều tra viên và quản giáo áp chế tinh thần của những người bị tạm giam, buộc phải nhận tội hoặc phải khai theo ý muốn của điều tra viên :

"Khi không được gặp luật sư hoặc không được gặp gia đình thì gặp rất nhiều khó khăn. Trong suốt cả quá trình đó, cơ quan an ninh điều tra cùng với quản giáo của trại áp chế rất nhiều về tinh thần.

Trong hai năm rưỡi tôi bị tạm giam thì đến tận tháng thứ 26 tôi mới được gặp luật sư. Trong 26 tháng đó quản giáo và an ninh nghĩ ra đủ mọi cách để áp chế tinh thần. Ví dụ như tôi bị ăn cơm sống một tháng, họ cho nước uống có mùi rất khó chịu, rồi họ cho đồ ăn thiu, trong nước canh họ cho thêm cả xà phòng vào… Đại khái họ nghĩ rất nhiều cách và cứ lặp đi lặp lại tuần này sang tuần khác.

Nếu như mình không có kinh nghiệm sẽ bị khủng hoảng về tinh thần. Trong khoảng thời gian điều tra như vậy, họ bắt mình phải nhận tội hoặc khi họ hỏi cái gì mình phải trả lời đúng theo ý của họ".

Về vai trò của luật sư trong các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, ông Đài cho rằng họ chính là cầu nối giữa người bị tạm giam và gia đình, truyền thông bên ngoài :

"Nếu như khi mình gặp luật sư thì mình sẽ nói với luật sư rằng tôi bị đối xử bất công như vậy, thì luật sư sẽ thông báo ra bên ngoài cho các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước biết, như vậy sẽ giảm được áp lực cho mình".

Tiến sỹ, nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt giam, khởi tố hình sự vào ngày 21/11/2019 theo điều 117 bộ Luật Hình sự.

Theo đó, người bị buộc tội này có thể phải đối mặt với mức án cao nhất lên tới 20 năm tù giam.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 26/12/2019

***************

Thông tin về vụ án khởi tố nhà báo tự do Phạm Chí Dũng

Đặng Đình Mạnh, VNTB, 23/12/2019

Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng bị Cơ quan An ninh Điều tra – Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt tạm giam hình sự vào ngày 21/11/2019. Ông bị khởi tố về tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 117 Bộ luật hình sự.

pcd1

Ngày 13/12/2019, các luật sư Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng đã đến Cơ quan An ninh Điều tra – Công an Thành phố Hồ Chí Minh lập thủ tục đăng ký bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng.

Ngày 16/12/2019, Cơ quan An ninh điều tra đã phát hành văn bản thông báo quyết định của Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng kể từ khi kết thúc điều tra vụ án. Theo đó, luật sư sẽ bị hạn chế việc tham gia trong quá trình điều tra vụ án.

Đến nay, các luật sư vẫn chưa nhận được bản chính văn bản thông báo này. Văn bản đính kèm theo stt này được chụp lại từ hồ sơ của Cơ quan An ninh điều tra.

Được biết, ông Phạm Chí Dũng hoạt động báo chí với tư cách nhà báo tự do. Môi trường hoạt động của ông chủ yếu trên không gian mạng. Đương nhiên, với tư cách hoạt động báo chí tự do, cho nên, ông không có thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Ông là người chủ trương trang báo mạng tên : Việt Nam Thời Báo. Trang báo thu hút khá nhiều độc giả quan tâm đến những vấn đề chính trị, xã hội Việt Nam. Sau thời điểm ông bị bắt giữ, thì trang Việt Nam Thời Báo đã phải tạm đình chỉ phát hành một tháng tròn, cho đến ngày 22/12/2019 đã có thông báo phục hoạt lại.

Tương tự như ông Nguyễn Hữu Vinh chủ trương trang báo mạng Ba Sàm, các ông đều là những người tiên phong hoạt động báo chí tự do tại Việt Nam kể từ sau năm 1975 và đều phải trả giá đắt cho sự dấn thân của mình.

Điểm cần lưu ý, các ông Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Chí Dũng đều đã là những "hạt giống đỏ" của chế độ. Nhưng có vẻ như, họ đã đặt lợi ích dân tộc lên trên những đặc lợi mà gia thế đã tạo cho họ.

Ngày 23/12/2019

LS. Đặng Đình Mạnh

Nguồn : VNTB, 23/12/2019

************

Sao không kiện về tội vu khống ?

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 22/12/2019

"(VNTB) – "Tôi đọc hết các bài của TS Dũng. Anh ấy có lối hành văn hơi cầu kỳ và khác lạ, nhưng ngồn ngộn thông tin và rất quyết liệt. Nhà nước thấy anh Dũng đưa tin không đúng hoặc vu khống thì cử người ra đối chất, hoặc kiện anh Dũng chứ giở thói cường quyền bắt bớ bịt miệng là cực kỳ hèn hạ và mông muội !"

pcd2

"TS Dũng" ở đoạn trên chính là nhà báo Phạm Chí Dũng, một tiến sĩ về kinh tế với người thầy hướng dẫn làm đề tài là giáo sư Trần Trung Hậu, khoa Kinh tế Chính trị trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Đoạn trích nhận xét là từ tài khoản fb của ông Lê Quang Hợp, nhân một dòng status trên tài khoản fb của nhà báo Chu Vĩnh Hải, về việc tròn một tháng ngày công dân Phạm Chí Dũng bị bắt giam, với lý do các bài viết của ông mang dấu hiệu phạm luật hình sự ở điều 117 "Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Hiện tại trang điện tử Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam vẫn chưa hoạt động trở lại sau vụ người đứng đầu tổ chức này vướng vòng lao lý hôm 21/11/2019, song tất cả các bài viết của nhà báo Phạm Chí Dũng trên VOA vẫn còn được giữ nguyên, kèm dòng chú thích ngay phần giới thiệu : "Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ".

"Không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ", có nghĩa là các nội dung bài viết của Phạm Chí Dũng được VOA chấp nhận đăng và gửi trả nhuận bút, là đáp ứng các yêu cầu về quyền được thông tin mà VOA đã nhấn mạnh : "VOA là cơ quan truyền thông đa phương tiện lớn nhất Hoa Kỳ, phổ biến thông tin qua hơn 45 ngôn ngữ đến độc giả những nơi không có tự do báo chí hoặc tự do báo chí bị giới hạn. Được thành lập năm 1942, VOA cam kết tính toàn diện, độc lập, và đưa tin trung thực. VOA được tài trợ toàn bộ bởi tiền thuế của người dân Mỹ, và là một thành phần của Cơ quan truyền thông toàn cầu Hoa Kỳ".

"Tất cả các tin tức của Ban Việt ngữ VOA phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, và cân bằng, với phương châm "Thông tin để tiến bộ". Câu cuối của phần tự giới thiệu "Về VOA tiếng Việt" đã cam kết như vậy trong việc sử dụng "tiền thuế của người dân Mỹ".

Các bài viết của nhà báo Phạm Chí Dũng trên VOA hầu hết đều nói về hiện tình ở Việt Nam. Ông Dũng chủ yếu sử dụng thể loại bình luận. 

Xuất thân là một sĩ quan an ninh, từng là thư ký cho Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh – Trương Tấn Sang, một chính khách sau này được đảng cộng sản Việt Nam tín nhiệm chọn ông Sang vào ghế chủ tịch nước Việt Nam, lẽ tất nhiên khi trong vị trí một người viết báo, ông Phạm Chí Dũng hiểu rất rõ về ý nghĩa của một bài bình luận trên báo chí là không dừng lại ở những con chữ sống động, văn phong uyển chuyển, mà còn là ở sự phân tích thấu đáo, có lý, có tình, có tính đến hiệu ứng xã hội sau khi bài báo đăng tải, thậm chí những hệ lụy mà bài báo có thể gây ra.

Quan sát các bài bình luận về kinh tế, chính trị đang diễn ra tại Việt Nam, qua ngòi bút của Phạm Chí Dũng thể hiện trên VOA, không khó để nhận ra là có rất nhiều sự kiện, vấn đề nóng về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội kể cả những vụ việc phức tạp, nhạy cảm, đã được ông bình luận kịp thời, nhạy bén, đa chiều để không chỉ đáp ứng, giải quyết nhu cầu tìm hiểu thông tin theo chiều sâu của công chúng, mà còn góp phần khơi thông tinh thần dân chủ, tạo hiệu ứng xã hội lành mạnh theo phương châm "Thông tin để tiến bộ" mà VOA đặt ra khi sử dụng tiền thuế của người dân Hoa Kỳ cho các hoạt động truyền thông.

Lẽ ra, hiểu theo nghĩa cầu thị như hai slogan quen thuộc trên VOA : "Thông tin để tiến bộ" và "Tự do báo chí là quan trọng", thì việc tạo điều kiện để ông Phạm Chí Dũng duy trì bút lực để có các bài bình luận được truyền thống quốc tế như VOA chấp nhận, sẽ là một biểu hiện rõ nét về tính chiến đấu và năng lực, hiệu quả phản biện từ báo chí mà các cơ quan Đảng, nhà nước và bộ máy công quyền ở Việt Nam cần đến. Qua đó có thêm thông tin hữu ích trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý mọi mặt của đời sống xã hội tại Việt Nam.

Sẽ có lập luận từ nhà chức trách biện giải về lý do phải giam giữ ông Phạm Chí Dũng và nhiều trường hợp người viết báo tương tự khác, rằng : "Đồng ý bình luận là một thể loại chủ công của báo chí và luôn được bạn đọc đón nhận một cách nhiệt tình. Tuy vậy, để có một bài bình luận hay theo đúng nghĩa của nó, đòi hỏi người viết không chỉ có một phông văn hóa rộng, trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm sống dày dạn, mà còn phải am hiểu pháp luật, tìm hiểu kỹ lưỡng vấn đề muốn phân tích, lập luận, phản biện và đặc biệt là phải có cái tâm trong sáng, động cơ trung thực, lành mạnh.

Bởi thực tế đã xuất hiện một số bài bình luận trên báo chí, về văn phong, lập luận khá sắc sảo, nhưng không biết vô tình hay hữu ý mà "cái tôi" chưa thật thiện chí, thiện tâm của tác giả chưa thể hiện rõ trong bài viết. Đáng sợ hơn, có bài bình luận còn bộc lộ ý đồ hướng công chúng vào một cách nhìn khác, cách suy nghĩ khác dễ gây hiểu lầm dư luận, thậm chí làm phương hại đến sự đồng thuận trong xã hội".

Tuy nhiên ở đây về pháp luật từ dân sự đến hình sự đều có điều luật liên quan về hành vi nói xấu, đơm đặt, vu khống… Nếu bên vi phạm không sửa chữa, đền bù thỏa đáng hay tiếp tục hành vi này thì họ sẽ bị điều chỉnh của pháp luật tương ứng. Cho đến nay, chưa thấy một biên bản xử phạt hành chính nào về các hành vi đó trong các bài viết của nhà báo Phạm Chí Dũng.

Thử đặt câu hỏi thay cho điều 117 của Bộ luật hình sự, mà nhiều luật sư khi biện hộ cho thân chủ đã thắc mắc : Thế nào là "vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" ?

Phải chăng những bài đăng trên VOA của nhà báo Phạm Chí Dũng, sắp tới đây nếu có phiên tòa xét xử, thì bên có "quyền và nghĩa vụ liên quan" không ai khác chính là Ban Việt ngữ VOA, bởi đây chính là nơi giúp cho nhà báo Phạm Chí Dũng thực hiện hành vi "tàng trữ, phát tán" ?

Xem ra sẽ có nhiều tình huống giả định pháp lý, trong trường hợp vì chủ trương "Thông tin để tiến bộ" và "Tự Do Báo Chí là Quan Trọng" mà ‘chủ quản’ của VOA là Chính phủ Hoa Kỳ buộc phải hầu tòa ở Việt Nam, vì liên đới trách nhiệm hình sự của cáo buộc "chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (!?)

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 22/12/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cao Nguyên, Đặng Đình Mạnh, Trần Dzạ Dzũng
Read 570 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)