Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/12/2019

Kinh tế số phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa !?

Lynn Huỳnh

Sắp tới, trong nhiệm kỳ mới, Bộ Thông tin và truyền thông mang tên gì cho xác đáng thì sẽ được thảo luận trong Chính phủ, nhưng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất một tên mới để thảo luận là "Bộ Truyền thông và kinh tế số".

Trên báo điện tử của Chính phủ Việt Nam (VGP News) chiều 28/12/2019 có bản tin với nội dung như trên (1).

kinhte1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nơi trưng bày sản phẩm 5G của Viettel. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nền kinh tế số có phải tuân thủ định hướng xã hội chủ nghĩa ?

Ghi nhận từ bộ phận theo dõi tin tức trên báo chí chuyên ngành ở Việt Nam của một công ty quảng cáo truyền thông, sẽ nhận ra ngay việc đề xuất tên mới "Bộ Truyền thông và Kinh tế số", xuất phát từ ý kiến của ông Mai Liêm Trực, một cựu quan chức được coi là người mở đường cho bùng nổ Internet tại Việt Nam. Ông Trực từng được bình chọn là người có ảnh hưởng nhất tới sự phát triển của Internet tại Việt Nam trong mười năm gần đây.

Trong một hội nghị chuyên ngành diễn ra vào đầu tháng 11/2019, ông Mai Liêm Trực nói rằng nhiệm kỳ tới đây của chính phủ, đòi hỏi nhiều lĩnh vực như kinh tế, kế hoạch, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thông tin truyền thông… cần tái cấu trúc lại trong cơ cấu ; trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông nên chuyển thành Bộ Kinh tế số. Bộ Kinh tế số này đảm nhận việc xây dựng hạ tầng số, các nền tảng (platform)… cho kinh tế số, cho các ngành kinh tế, xã hội.

Ông Mai Liêm Trực cũng cho rằng, đối với công tác quản lý báo chí, xuất bản, tuyên truyền mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang quản lý như hiện nay, thì nên tách khỏi Bộ Kinh tế số trong tương lai, và nên giao cho các ban Tuyên giáo Trung ương và địa phương quản lý.

Những lời có cánh về triển vọng của ‘kinh tế số’ ở Việt Nam dễ dàng tìm thấy trên rất nhiều trang web. Tuy nhiên những con số dự báo này từ các chuyên gia, tổ chức khảo cứu nước ngoài đã tránh đề cập đến thực trạng ở Việt Nam là các quyền tự do thông tin luôn phải chịu nhiều giới hạn, mà người ta hay nhắc đến lý do là ‘định hướng’ – tương tự như nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Không được cung cấp đa chiều các thông tin về kinh tế số, nên có lẽ với những quan chức ‘ngoại đạo’ với kiến thức chuyên ngành trong lãnh vực này như ông thủ tướng Việt Nam hiện tại, cho thấy ông ấy có vẻ đang hồ hởi về tương lai nội các mới của chính phủ, trong đó có lẽ ông sẽ được tiếp tục tín nhiệm. Ông Nguyễn Xuân Phúc, theo như tường thuật trên báo điện tử chính phủ (nguồn đã dẫn), ông đã dành nhiều mỹ từ tán dương về bước tiếp theo trên con đường phát triển kinh tế, mà nhiệm kỳ chính phủ của ông đang điều hành được tự cho là hết sức tốt đẹp ; trong đó có nền kinh tế số, điều mà người tiền nhiệm là ông Nguyễn Tấn Dũng dường chuđã không mấy quan tâm đến.

Đơn cử, tại các thị trường phát triển như châu Âu, Nhật Bản hay Mỹ, khách hàng thường xuyên sử dụng các dịch vụ trực tuyến, dành rất ít thời gian để lên mạng xã hội. Vậy nên những ứng dụng thành công tại đây thường tập trung vào dịch vụ cụ thể để mang tới cho khách hàng những trải nghiệm thuận tiện, đơn giản và tiết kiệm thời gian nhất có thể.

Ở Việt Nam, các công ty đang được cho là hàng đầu nền kinh tế số đang đi theo hướng ngược lại : mang đến thật nhiều dịch vụ trên cùng một ứng dụng, dù vẫn có dịch vụ kinh doanh cốt lõi để giữ chân người dùng. Ví dụ như khi mở ứng dụng Shopee hay Grab, ngoài danh mục hàng hóa dịch vụ chính, khách hàng còn có thể chơi game, nạp thẻ điện thoại, vay tiêu dùng, thậm chí đặt mua các dịch vụ du lịch. Ngoài ra hình thức ‘livestream’ giới thiệu sản phẩm trực tuyến cũng đang được những nền tảng online tận dụng để gia tăng tương tác với người dùng.

Vì sao vẫn chưa thể minh bạch số liệu ?

Trong một góc nhìn khác từ nhà quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì bộ này đang sở hữu nhiều hệ thống dữ liệu khác nhau về đăng ký doanh nghiệp, đấu thầu, doanh nghiệp nước ngoài… Nhưng quan trọng là các hệ thống dữ liệu đó chưa kết nối, liên thông với nhau. Ở góc độ quốc gia, hiện mỗi bộ có hệ thống thông tin khác nhau, không liên thông với các bộ ngành mà chỉ chia sẻ một phần thông tin liên quan.

Trong kinh tế số, dữ liệu ví là nhiên liệu của nền kinh tế. Nhưng Việt Nam đang ở giai đoạn đầu, các kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành chưa liên thông. Khi chưa liên thông, chưa kết nối thì khó nói chuyện xa xôi, cạnh tranh với thế giới.

Dẫn chứng về chuyện liên thông : Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý 4/2019 của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 vượt mốc 500 tỉ đô la Mỹ, trong đó ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu 9,9 tỉ đô la Mỹ, mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu.

Tại Hội nghị của thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng 23/12/2019, một báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đến nay quy mô tín dụng nền kinh tế đã đặt trên 8 triệu tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng, trong đó dư nợ đối với khối doanh nghiệp là trên 4 triệu tỷ đồng, chiếm trên 53%. Trong số này, doanh nghiệp nhà nước chỉ khoảng xấp xỉ 5% trong tổng dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp. Khối doanh nghiệp tư nhân chiếm 43% tổng dư nợ tín dụng, còn lại là hộ kinh doanh và cá nhân chiếm khoảng 45,7% tổng dư nợ tín dụng.

Tổng hợp các con số từ Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mang đến ngạc nhiên ở đây chính là dư nợ của khối doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm chưa đầy 5% tổng dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp. Đây là tỷ trọng quá nhỏ, trong khi doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế, sản xuất kinh doanh cũng như đóng góp vào ngân sách.

Nếu chỉ chiếm 5% tổng dư nợ thì nó không tương xứng với vai trò của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, khi các doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Việt Nam. Mặt khác, sự lệ thuộc của khối tư nhân (gồm doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và cá nhân) vào nguồn vốn ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Một khi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có biến động về tình hình tài chính thì nó có thể gây ra hậu quả rất lớn cho nền kinh tế.

Nói và làm vẫn là khoảng cách

Nền kinh tế số sẽ cho ra kết quả ra sao từ các báo cáo như phần đề cập ở trên ?

Qua trò chuyện trực tuyến, khi người viết bài này đưa ra câu hỏi "Thách thức của Việt Nam trong sự phát triển kinh tế số là gì ?", thì câu trả lời ngắn gọn của ông Bùi Quang Ngọc, phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, "thách thức lớn nhất và cũng là một trong những điểm yếu nhất của Việt Nam là khoảng cách giữa hoạch định và triển khai chính sách trong thực tế cuộc sống".

Khoảng cách đó, nói như lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ở hôm bế mạc kỳ họp thứ 35 của Quốc hội, ngày 17/7/2019 : "Sợi dây dài nhất là sợi dây kinh nghiệm, rút hoài không hết. Ai cũng rút, năm nào cũng rút, kỳ họp nào cũng rút kinh nghiệm nhưng mà vẫn còn…" (2).

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 29/12/2019

(1) Thủ tướng chỉ ra ‘đôi cánh’, ‘đường bay’ đến đích thịnh vượng, hùng cường (baochinhphu, 28/12/2019)

(2) Chủ tịch Quốc hội : 'Sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết' (Tienphong, 17/07/2019)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lynn Huỳnh
Read 501 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)