Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 28 mars 2020 20:31

Những con tàu Noah hoàn hảo

Tàu Nô-ê (hay Noah) là con tàu được nhắc đến ở chương 6 đến chương 9 của Sách Sáng thế trong Kinh Thánh. Văn bản đó mô tả việc ông Nô-ê đóng con tàu này theo ý Chúa là để cứu ông và gia đình cùng các loài động vật nhằm khỏi bị diệt vong bởi trận trừng phạt đại hồng thủy của Thiên Chúa.

noah0

Rất có thể bờ đất Bắc sẽ là con tàu Noah của đoàn thủy thủ Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân, Trịnh Xuân Thanh, Đinh Ngọc Hệ, Phan Văn Anh Vũ…

Trong một ‘méo mó’ nghề nghiệp, luật sư Đặng Đình Mạnh nghĩ rằng, với không gian khép kín, được canh giữ nghiêm ngặt, vô hình chung, các trại giam đã trở thành những con tàu Noah hoàn hảo. "Sau khi thế giới bên ngoài bị nhấn chìm với cơn đại dịch lớn chưa từng có, thì nhân loại sẽ lại bắt đầu hồi sinh để xây dựng một thế giới mới. Đương nhiên, thủy tổ của họ bước ra từ các con tàu Noah ấy nhỉ ?" – luật sư Mạnh đặt câu hỏi.

Như vậy, nếu thực sự có những con tàu Noah ở đại dịch corona này, thì xem ra Việt Nam lại có Noah với lằn ranh tương tự như bờ Hiền Lương thuở nào.

Rất có thể bờ đất Bắc sẽ là con tàu Noah của đoàn thủy thủ Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân, Trịnh Xuân Thanh, Đinh Ngọc Hệ, Phan Văn Anh Vũ… Dĩ nhiên rất có thể thuyền trưởng của con tàu Noah ‘đỏ chét’ ấy không ai khác ngoài vị đô đốc hải quân Nguyễn Văn Hiến.

Bờ Nam của con tàu Noah chưa biết sẽ có màu gì, nhưng có thể danh sách thủy thủ đoàn là những tên tuổi như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Trương Duy Nhất, Nguyễn Văn Hóa, Hoàng Đức Bình,… và có thể là cả Phạm Chí Dũng.

Cũng ở bờ Nam, có lẽ lại thêm con tàu Noah nữa với nhóm thủy thủ là những cựu quan chức một thời hét ra lửa, như Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài, Đào Anh Kiệt…

Những con tàu Noah đó rồi sẽ giúp Việt Nam đi về đâu, hay là lại tái diễn của một lịch sử dài dằng dặc cho những cuộc nội chiến Bắc – Nam như thời Trịnh – Nguyễn, cho tới câu chuyện ý thức hệ mà bốn mươi lăm năm quá vẫn còn hằn sâu trong tâm thức người Việt ?

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 28/03/2020

Additional Info

  • Author Lynn Huỳnh
Published in Diễn đàn

Hậu dịch Vũ Hán ở Việt Nam

Nguyễn Thị Huyền, VNTB, 20/03/2020

Có lẽ rồi đại dịch đến từ con virus bên thành phố Vũ Hán của Trung Hoa lục địa rồi cũng sẽ đi qua. Hậu của đại dịch sẽ để lại vị đắng chát và có thể là cả men chiến thắng đầy tự hào.

chuong2

Đề nghị với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng hãy ‘xóa bài làm lại’ trong những hoạch định về cơ cấu nhân sự cho Đại hội 13.

Tôi muốn nói đến hai vị chủ tịch cùng họ Nguyễn, một tại Hà Nội, và một tại Sài Gòn. Ông Nguyễn Đức Chung quê ở tỉnh Phú Thọ. Ông Nguyễn Thành Phong quê tỉnh Bến Tre. Tính đến lúc này trong đối phó đại dịch hô hấp được gọi nôm na là ‘cúm Tàu’ (do xuất xứ bên Tàu, tức Trung Quốc), ông Chung và ông Phong đều ứng xử rạch ròi, quyết liệt với tầm nhìn dự báo trong nhiều trường hợp, như việc xây dựng bệnh viện dã chiến, về cách ly, về giáo dục… hơn hẳn rất nhiều chức sắc ‘bề trên’.

Là một đảng viên cấp cơ sở, không có được quyền về lá phiếu trong bầu chọn nhân sự - dù là nhân sự trong diện cán bộ nguồn, tôi vẫn muốn nêu đề nghị với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng hãy ‘xóa bài làm lại’ trong những hoạch định về cơ cấu nhân sự cho Đại hội 13.

‘Xóa bàn làm lại’ có thể là yêu cầu hơi nặng nề, ý tôi muốn nói ở đây là Tổng bí thư hãy bình tâm, sáng suốt để quan sát những đảng viên đang chứng tỏ bản lĩnh quản lý đất nước như thế nào để có thể vượt qua ‘kiếp nạn’ của đại dịch hiện nay, mà ít phải ‘hao binh tổn tướng’ nhất.

Tất cả mọi lý thuyết hô hào đều xám xịt. Hãy nhìn vào hành động quyết liệt của người xuất thân là tướng công an như Nguyễn Đức Chung, và người vốn là một giảng viên Đại học Kinh tế như Nguyễn Thành Phong. Lá phiếu bầu cho họ sẽ thuyết phục hơn bởi hành động của họ hôm nay.

Tôi cũng mong muốn rằng nhiệm kỳ mới sắp tới đây của Đảng phải thật sự mới về cả đòi hỏi sự năng động, tính quyết liệt và bản lĩnh của người đứng đầu. Bản lĩnh đó đồng nghĩa với việc không thể là bản sao chép của một Tập Cận Bình, hay một Putin. Dĩ nhiên với đòi hỏi bản lĩnh như vậy, người đứng đầu Đảng chắc chắn sẽ luôn mang tâm thế "Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm" đúng như dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thị Huyền

Nguồn : VNTB, 20/03/2020

*********************

Mười tuần lễ của chuông nguyện hồn ai

Lynn Huỳnh, VNTB, 20/03/2020

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết khoảng 10.000 người sẽ từ các ‘điểm nóng’ dịch Covid-19 trở về, có thể phải chiến đấu với dịch khoảng 10 tuần nữa ; khuyến cáo tất cả cửa hàng nên đóng cửa (trừ cửa hàng xăng, thuốc, siêu thị) trong thời điểm này.

chuong1

Phiên họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố Hà Nội

Đó là một phần nội dung tại phiên họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố Hà Nội, khi nhận định tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Mười tuần lễ, tức 70 ngày. "Dịch bệnh kéo dài đến bao giờ, thì chúng ta không biết. Nếu như kịch bản giống như ở Trung Quốc, thì chúng ta mới chỉ bước vào tuần thứ 2 thôi. Như vậy, còn phải chiến đấu trong khoảng 10 tuần nữa, để xác định sức chúng ta đi đến đâu" - Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nói.

Nếu kịch bản giống như Trung Quốc ở đây, thì đó là giống tỉnh thành nào : Vũ Hán hay Thượng Hải ? Liệu có dẫn đến quá nhiều người thương vong như Trung Quốc ?

Chuông sẽ nguyện hồn ai khi người đứng đầu cơ quan hành chính của Hà Nội đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ và rõ ràng : "Tôi khuyến cáo tất cả các cửa hàng, nếu thực sự không cần thiết thì nên đóng cửa, trừ trường hợp các cửa hàng xăng, thuốc, siêu thị và lương thực, thực phẩm. Mọi người không có nhiệm vụ trong những ngày tới, từ nay đến 31/3, cố gắng ở nhà càng nhiều càng tốt. Thực sự chúng ta đang bước vào giai đoạn thử thách, nguồn lây nhiễm đang ẩn nấp ở cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm rất cao", ông Chung cảnh báo.

Đặc biệt, với 1,4 triệu người từ 60 tuổi trở lên của Hà Nội, đặc biệt các trường hợp bị bệnh nền đang chữa trị, tốt nhất nên điều trị tại nhà ; nếu đang điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế thì nên ở lại bệnh viện, giảm bớt đi lại, vì đây là nhóm có nguy cơ cao nhất. Tất cả cán bộ, công chức, viên chức, "nếu thấy sức khỏe yếu", thì ông Chung cũng khuyến cáo là "nên nghỉ" (1).

Tại Sài Gòn, chính quyền thành phố này cũng đưa ra những khuyến cáo tương tự. Tại buổi họp giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh chiều 19/3, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đề nghị người dân không có việc cần thiết thì không nên ra đường, hàng quán không cần thiết thì nên đóng cửa, trừ các hàng thuốc, thực phẩm, siêu thị…

Ông Bỉnh nhận định 10 ngày tới là giai đoạn quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Để sẵn sàng ứng phó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai thêm 19.900 giường cách ly người nghi nhiễm. Sở Y tế đã lên kế hoạch tận dụng các khu cách ly ở ngoại ô trước và để dành bệnh viện trung tâm cho các tình huống khẩn cấp. Sở dự kiến sẽ di chuyển toàn bộ ca nghi nhiễm ở bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh qua viện khác. "Thời gian tới sẽ giảm số lượng cách ly tại quận, huyện để tránh lây lan cho cộng đồng, chuyển dần ra những khu cách ly tập trung ở 3 cửa ngõ", ông Bỉnh cho hay.

Về đội ngũ y - bác sĩ, ngoài lực lượng cơ hữu, chủ tịch thành phố, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng phải huy động đội ngũ y - bác sĩ đã nghỉ hưu, sinh viên trường y. "Rà soát, thống kê số lượng, có những phương án nhân sự cụ thể để đáp ứng nhu cầu. Việc này không thừa, phải làm chu đáo ngay từ đầu thì không bao giờ lúng túng" - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, và đề nghị ngành y tế có kế hoạch cụ thể để kêu gọi, huy động lực lượng sinh viên y khoa, các y bác sĩ về hưu tham gia chống dịch Covid1-19.

Trong tâm thế khẩn trương với nhiều căng thẳng của Hà Nội và Sài Gòn về việc đối phó nguồn lây nhiễm dịch corona, thì trong sáng 19/3, tin tức về chuyện họp hành cho ‘cơ cấu’ nhân sự nhiệm kỳ mới của Đảng, trở nên là một gam lỗi nhịp trong guồng quay tất bật chung của cả hệ thống chính trị trong phòng lây nhiễm đại dịch đến từ con virus có xuất xứ ‘made in China’.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 20/03/2020 

(1) Tham khảo :

https://thanhnien.vn/thoi-su/chu-tich-ha-noi-tu-nay-den/313-moi-nguoi-o-nha-cang-nhieu-cang-tot-1197969.html ;

https://news.zing.vn/ong-nguyen-duc-chung/3-4-ngay-nua-la-cao-diem-dich-o-ha-noi-post1060224.html ;

http://kinhtedothi.vn/chu-tich-nguyen-duc-chung-ha-noi-buoc-vao-thoi-gian-cao-diem-chong-dich-benh-covid-19/378178.html

Additional Info

  • Author Nguyễn Thị Huyền, Lynn Huỳnh
Published in Diễn đàn

Từ tháng 7/2017, Việt Nam đã "tốt nghiệp IDA", nghĩa là dừng nhận IDA từ Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) thuộc Worldbank. Việt Nam đã chuyển từ vay IDA của World Bank với mức lãi suất bằng 0% cộng với phí dịch vụ, sang vay từ Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD) – một đơn vị trực thuộc World Bank.

anmay1

Ngày 10/2, Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) có thông báo chính quyền Hoa Kỳ đã thu hẹp danh sách các nước đang phát triển và kém phát triển nhất

Giờ là năm 2020. Ngày 10/2, Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) có thông báo chính quyền Hoa Kỳ đã thu hẹp danh sách các nước đang phát triển và kém phát triển nhất, để giảm ngưỡng kích hoạt các cuộc điều tra của chính quyền Tổng thống Donald Trump, về việc liệu những quốc gia này có gây tổn hại tới các ngành công nghiệp của Mỹ với việc trợ cấp xuất khẩu công bằng hay không.

Danh sách các nước bị Mỹ xóa bỏ ưu đãi đặc biệt gồm có Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Albania, Argentina, Armenia, Brazil, Bulgaria, Hong Kong (Trung Quốc), Colombia, Costa Rica, Gruzia, Indonesia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Malaysia, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Romania, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Thái Lan, Ukraine.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Đoàn Khắc Việt lên tiếng hôm 20/2, rằng, "Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi đánh giá tác động của việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển trong luật chống trợ cấp của Hoa Kỳ, đồng thời duy trì đối thoại, phối hợp với phía Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương tiếp tục phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ".

Một phát biểu với ngôn ngữ ngoại giao đã giúp tránh được việc đề cập trực diện tin tức từ USTR, là sắp tới đây những ưu đãi mà Việt Nam mất đi khi bị Mỹ loại khỏi danh sách quốc gia đang phát triển, sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế, tăng trưởng và duy trì sự ổn định của các hoạt động giao thương và có thể là cả chính trị tại Việt Nam.

Về chế độ tối huệ quốc – tức là những ưu đãi mà Mỹ dành cho các nước đang hay chưa phát triển để vươn lên vượt qua nghèo đói, lâu nay nhà hoạch định chính sách nào cũng hiểu đây không phải là sự hỗ trợ có tính chất nhân đạo, mà là một yêu cầu đáp ứng sự phát triển chung. Chính sự phát triển chung ấy cũng thúc đẩy nước Mỹ phát triển. Theo đó, cả thế giới sẽ phát triển theo một hệ sinh thái chung, một quy luật là mọi người đều được hưởng lợi, có quyền phát triển và phải có trật tự.

Thật đáng tiếc Việt Nam gần như lại cố đi tìm một hướng đi khác, với chủ thuyết được nhắc đến ở hầu hết văn kiện của đảng cộng sản Việt Nam, đó là nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với thực tế chưa có một hệ sinh thái chung nào ở đây.

Một góc nhìn khác, sở dĩ mà lâu nay những nhà kỹ trị của đảng cộng sản vẫn bảo thủ với quan điểm xây dựng một nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, và tin rằng họ đang thành công, vì có yếu tố của cách đánh giá mà WTO dành cho Việt Nam là quốc gia đang phát triển.

Với cách đánh giá đó của WTO và của Hoa Kỳ cho thấy ưu tiên, ưu đãi mang tính chất chia sẻ, tính xã hội nhiều hơn kinh tế, nếu khai thác thái quá sẽ vi phạm quy luật kinh tế, vi phạm nền tảng của sự phát triển. Một khi chế độ tối huệ quốc đã bị nhiều nước khai thác, lợi dụng quá đà nên ông Trump muốn xóa bỏ những ưu đãi này, bởi chính sự lạm dụng ưu đãi đã kìm hãm sự phát triển. Sau khi bị xóa bỏ ưu đãi, các nước kém phát triển sẽ phải tự mình nỗ lực, không ỷ lại vào các ưu tiên, ưu đãi.

Hiện tại thì cả thế giới đang chuyển động theo một quy tắc mới, nên Việt Nam dù duy ý chí đến đâu, dù kiên trì sự bảo thủ về thể chế chính trị đến đâu đi nữa thì cũng không thể hành động như cũ, và các mối quan hệ trong nước cũng như trên thế giới phải thay đổi cơ bản để có thể tham gia sân chơi toàn cầu một cách sòng phẳng trong thời gian tới.

Nói một cách khác, Việt Nam không thể cứ mãi ‘ăn mày’ vào lòng từ tâm của thế giới.

Lynn Huỳnh

Nguồn : 22/02/2020

Published in Diễn đàn

Hệ thống báo chí của nhà nước Việt Nam bắt đầu chuyển hướng kêu gọi về dịch bệnh bằng những lời kêu gọi trấn an ; đơn cử như ở các bài viết trên báo Tuổi Trẻ : "Chống dịch cúm corona, chúng ta cần sự trầm tĩnh" ; "Hãy bình tĩnh, mọi việc rồi sẽ ổn!" ; "Vì sao ta lo lắng thái quá trước dịch bệnh ?"…

Có một nguyên do đưa đến sự lo lắng mang tính mặc định, là luôn luôn cần đến sự thái quá đối với người dân Việt, bất chấp mọi trấn an, nếu như các dịch bệnh đó đến từ Trung Quốc – một quốc gia cộng sản nổi tiếng về những trò lươn lẹo tin tức, và luôn sẳn sàng dùng bạo lực để trấn áp quyền tự do thông tin, nếu thông tin ấy ‘phật lòng’ đảng cộng sản.

Người Việt không thể không lo lắng thái quá trước tin tức về dịch bệnh đến từ Trung Quốc, vì ngay cả tại nơi quốc gia sản sinh ra ra đại dịch này mà họ vẫn còn bưng bít các cảnh báo từ người thầy thuốc của chính quốc gia họ.

qualo1

Theo đài Al Jazeera, sự ra đi đột ngột của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) đang gây ra tâm trạng đau buồn và giận dữ chưa từng thấy trên mạng xã hội Trung Quốc. Đây hiện là chủ đề phủ kín trên Weibo và WeChat – 2 mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc – với hàng triệu bài viết.

Chính quyền tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán hứng chịu vô số chỉ trích từ trung ương và dư luận vì cách phản ứng vụng về, đầy chủ quan khi dịch bệnh bùng phát. Khi Hồ Bắc ghi nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên hồi đầu tháng 12-2019 cho đến giữa tháng 1-2020, dấu hiệu lây nhiễm từ người sang người đã rất rõ, nhưng chính quyền đã cố ngăn chặn thông tin này lọt ra ngoài.

Sự dối trá của nhà nước cộng sản Trung Quốc không hề dừng lại. Tài khoản Weibo của Bệnh viện trung tâm Vũ Hán đăng thông tin nói họ đang ‘hồi sức’ cho Lý Văn Lượng vào lúc… 23g. Sau đó, thông tin tiếp tục xuất hiện cho thấy tim của bác sĩ Lý đã ngừng đập trong hơn 3 giờ, và chuyện ‘hồi sức’ theo nhiều người chỉ là nhằm để làm dịu cơn giận của công chúng.

Lúc 3g48 ngày 7/2, tài khoản chính thức của Bệnh viện trung tâm Vũ Hán trên Weibo mới xác nhận cái chết của bác sĩ Lượng, tức là 6 giờ sau khi tim của ông đã ngừng đập. Đến đây thì cơn giận của dân mạng Trung Quốc càng ‘bốc hỏa’.

Chiều 30-12-2019, trên WeChat, bác sĩ Lượng gửi tin nhắn cho một nhóm bạn học cũ, cảnh báo về 7 ca nhiễm virus đến từ một chợ hải sản địa phương mà theo anh là bệnh giống hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003, từng khiến khoảng 800 người thiệt mạng. Tin nhắn của BS Lượng sau đó rò rỉ lên mạng. Có 7 người khác cũng chia sẻ thông tin tương tự. Ngay lập tức bác sĩ Lượng bị triệu tập tới đồn công an, bị buộc ký biên bản với nội dung "phát tán thông tin sai lệch trên mạng" dẫn tới "làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội".

Đến ngày 8/1/2020, bác sĩ Lượng chữa trị cho một người bị bệnh tăng nhãn áp. Người này sau đó có triệu chứng sốt, hình chụp CT cũng cho thấy bà bị viêm phổi do virus. Tuy nhiên, bệnh viện không có dụng cụ thử nCoV vào thời điểm đó, bác sĩ Lượng cũng không mặc đồ bảo hộ do chỉ là khám thông thường. Sau đó vài ngày, bác sĩ Lượng bị ho, sốt và có các biểu hiện không bình thường, buộc phải nhập viện. Sau nhiều ngày chẩn đoán, bác sĩ Lượng đã bị nhiễm bệnh, dương tính với nCoV.

Khi mọi thứ dần dần sáng tỏ, lúc đó dịch bệnh đã lây lan nhanh tại Trung Quốc.

Dối trá như nhà nước cộng sản Trung Quốc trong dịch bệnh đã là tội ác, thì những quan chức ‘điếc không sợ súng’ ở Việt Nam càng đáng lên án gấp bội ; đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cũng là nhà nước cộng sản, cũng rập khuôn hành xử "phát tán thông tin sai lệch trên mạng" dẫn tới "làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội".

Nhà báo Hoàng Linh của tờ Tuổi Trẻ kể : Tầm nhìn của chính quyền Vĩnh Phúc nhất là giám đốc sở giáo dục và đào tạo phải xem lại khi mà rất nhiều tỉnh thành phố cho học sinh nghỉ học sau Tết thì Vĩnh Phúc vẫn cho học sinh đi học lại và… phát hiện học sinh của Trường THPT Võ Thị Sáu, huyện Bình Xuyên, dương tính với nCoV.

Em NTTD, sinh năm 2004, Vĩnh Phúc, hiện đang là học sinh lớp 10A2 – Trường THPT Võ Thị Sáu, là em gái của bệnh nhân NTD – Công nhân đi tập huấn trở về từ Vũ Hán – Trung Quốc, người đã được phát hiện dương tính với nCoV ngày 30/1/2020.

Sáng ngày 30/1/2020, học sinh NTTD đến lớp học với trạng thái sức khỏe bình thường và không mang khẩu trang vì chưa có thông tin chị gái nhiễm nCoV. Học sinh này có tiếp xúc gần và xa với một số học sinh trong lớp. Sáng 31/1/2020 sau khi có tin chị gái dương tính với nCoV, học sinh đến lớp có đeo khẩu trang y tế với trạng thái sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, ngay sau khi phát hiện, trong sáng 31/1, nhà trường đã phối hợp với gia đình cho em NTTD nghỉ học, cách ly tại nhà.

Ngày 06/02/2020 học sinh NTTD có kết quả xét nghiệm dương tính với virus nCoV và đã được cơ quan y tế cách ly, điều trị tại bệnh viện với trạng thái sức khỏe ổn định.

Theo thông tin từ trường THPT Võ Thị Sáu, lớp 10A2 có 42 học sinh (trong đó có 6 học sinh tiếp xúc gần – ngồi học gần vị trí với em NTTD) ; trong ngày học sinh NTTD đến trường đã có 06 giáo viên dạy tại lớp 10A2…

Ở đô thị được đánh giá là lớn nhất nhì nước là thành phố Hồ Chí Minh cũng từng ghi nhận sau kỳ nghỉ Tết, một phó giám đốc sở giáo dục tuyên bố cần biết sống chung với dịch và các trường vẫn mở lại theo đúng lịch, không có chuyện nghỉ học đề phòng lây lan bệnh dịch. Làn sóng phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng diễn ra ngay sau tuyên bố được đánh giá thuộc dạng ‘ngu còn tỏ ra nguy hiểm’.

Rốt cuộc đến trước lúc nhập học trở lại khoảng 12 tiếng, chính quyền thành phố quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng bệnh dịch lây lan. Ông phó giám đốc sở thì vẫn tiếp tục làm… phó giám đốc.

Thử hỏi với tình cảnh như trên làm sao người dân Việt Nam có thể phó thác tính mạng của mình và người thân để "Đảng và Nhà nước lo" cho được.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 09/02/2020

Additional Info

  • Author Lynn Huỳnh
Published in Diễn đàn
jeudi, 06 février 2020 18:15

Xới lại Thủ Thiêm

Gọi là xới lại Thủ Thiêm theo một kịch bản nào đó, vì văn bản ghi ngày ‘chấp bút’ 25/1, tức mồng Một Tết, song phải đến ngày 5/2, tức chỉ vài hôm nữa là rằm tháng Giêng, các nội dung liên quan về một dự án đất đai ở khu đô thị mới Thủ Thiêm mới được báo chí thông tin, khi mà mùa dịch viêm phổi Vũ Hán đang hoành hành tại Việt Nam.

xoi1

Đơn cầu cứu khẩn cấp của Chủ tịch Novaland gửi ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ngày 25/01/2020

Sự khẩn thiết và cấp bách trước nguy cơ mất tính thanh khoản được thể hiện qua nhiều chi tiết trong lá đơn cầu cứu, do Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn ký, gửi đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Lá đơn đề ngày 25/1, tức mồng Một Tết, ngày đầu tiên của năm mới Canh Tý. Rất có thể đây cũng chính là văn bản ‘khai bút’ đầu năm của Chủ tịch Tập đoàn Novaland (Mã chứng khoán : Novaland-NVL) – một trong những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Dấu công văn đến cho thấy, nó đến Bộ Xây dựng vào ngày 3/2 (thứ Hai tuần này), mất 8 ngày kể từ khi viết. Hẳn ông Bùi Thành Nhơn đã nghĩ rất lung và nâng lên đặt xuống nhiều lần trước khi gửi. Nếu được gửi vào ngày viết hay sau kỳ nghỉ Tết, lá "đơn cầu cứu khẩn cấp" này phải đến sớm hơn, bởi các cơ quan nhà nước đã bắt đầu làm việc trở lại từ thứ Năm tuần trước (30/1).

Trong đơn, Novaland bày tỏ "đã kiệt sức", cần sự hỗ trợ vì đang bị mất tính thanh khoản. Tập đoàn địa ốc lớn bậc nhất Việt Nam khẩn cầu Bộ trưởng Xây dựng cho công ty con của họ là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 (Century 21) được tiếp tục thực hiện dự án Khu dân cư tại lô đất rộng 30,224 ha thuộc phường Bình Khánh, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh ; tức là ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo Novaland, dự án đã đủ điều kiện bán hàng và số vốn bỏ vào đầu tư lên đến 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên việc tạm dừng dự án có khả năng khiến cổ phiếu của doanh nghiệp mất dần tính thanh khoản, dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp, trong đó có thể dẫn đến phát sinh hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng… (1).

Cánh nhà báo am tường vụ việc ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho rằng ở văn thư ‘khóc lóc’ ngay đầu năm mới của Novaland chắc chắn đàng sau nó có vài ‘ông lớn’ nào đó đang sụt sùi. Trước khi những kiện tụng, tranh chấp, bê bối của ‘thảm họa Thủ Thiêm’ kéo dài suốt hơn 20 năm qua được chính phủ giải quyết ổn thỏa, chắc chắn không Bộ trưởng nào dám tự đưa ra một quyết định khác cho nhà đầu tư, dù gật hay lắc.

Đất Thủ Thiêm dù được bê tông hóa cao độ thì vẫn đang là một vũng lầy khổng lồ cả kinh tế, chính trị lẫn an ninh trật tự xã hội mà không ai muốn dây vào để bị nhận chìm. Gửi đơn gây áp lực đòi giải cứu kinh tế của Novaland e khó mà được giải quyết khẩn cấp như họ kỳ vọng.

Bà Nguyễn Thùy Dương, một người dân đeo đuổi vụ ‘khiếu kiện’ Thủ Thiêm suốt thời gian vừa qua, nói rằng khu đất đó là đất xương máu của dân Thủ Thiêm đang kiện tụng.

xoi2

Dự án tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm chuyển sang thành dự án nhà ở thương mại. (Ảnh : Quang Nhựt/TTXVN)

"Novaland đi cầu cứu mà đọc xong thấy giống đe dọa nếu không cho Novaland tiếp tục phát triển dự án thì khiến các nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin ? Hóa ra các nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin vào việc phối hợp cướp đất của doanh nghiệp và chính quyền ở Việt Nam à ?

Tiếp tục đe dọa : "Nguy cơ nợ xấu 50.000 tỷ đồng tới các hệ thống ngân hàng". Một Novaland mà 50.000 tỷ thử hỏi còn bao nhiêu doanh nghiệp ‘tay không bắt cướp’ đe dọa nhà nước ? Và nền kinh tế Việt Nam thật sự là nền kinh tế bong bóng ?

Tiếp, 250.000 khách hàng biểu tình đòi trả nhà gây mất an ninh trật tự ? 250.000 khách mua nhà của Novaland chắc không phải dân nghèo ít học, chí ít cũng đủ ăn, đủ chữ ? Tại sao từ đầu không kiểm tra kỹ doanh nghiệp nhà đầu tư ? Giờ lòi ra đây là con cá mập cắn vốn nợ ngập đầu ? Các bộ, sở, phòng quản lý thế nào, báo cáo ra sao mà có tới 250.000 người mua nhà không sổ ? Suy ra Novaland nợ bao nhiêu thuế ? Trong khi nhà đã lấy tiền gần đủ ? Nới tay cho doanh nghiệp, cướp của dân. Giờ đây, doanh nghiệp quay lại đe dọa thì quá là khủng khiếp…".

xoi3

Hạ tầng giao thông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh : Quang Nhựt/TTXVN)

Dường như ‘lá đơn cầu cứu’ với chuyện dùng khách hàng làm con tin uy hiếp Chính phủ ở đây của Novaland, đang là cú áp phe gì đó chốn hậu trường của mùa ‘làm nhân sự Đảng’ cho nhiệm kỳ mới của đảng cầm quyền tại Việt Nam.

Thủ Thiêm vẫn tiếp tục nóng, bất chấp đang trong mùa dịch viêm phổi Vũ Hán.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 06/02/2020

(1) https://www.novaland.com.vn/tin-tuc-1/thong-tin-bao-chi/thong-tin-lien-quan-du-an-khu-dan-cu-binh-khanh-30ha-tai-quan-2-tphcm

Additional Info

  • Author Lynn Huỳnh
Published in Diễn đàn

Dường như ‘nhắc nhở’ của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh chỉ nhằm muốn nói đến việc Việt Nam đang từng bước thực hiện việc đơn phương tạm đóng cửa khẩu biên giới với Trung Quốc (?).

dong1

Cửa khẩu quốc tế Việt-Trung Móng Cái - Ảnh minh họa

Một kịch bản đang hướng tới ?

Kịch bản về Việt Nam đơn phương tạm đóng cửa khẩu với Trung Quốc được căn cứ như sau, theo báo chí đưa tin : Chiều 30/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế phối hợp Bộ Tư pháp chuẩn bị pháp lý sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế.

Rạng sáng (giờ Việt Nam) ngày 31/1, WHO tuyên bố sự bùng phát chủng virus Corona mới từ Trung Quốc là Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC).

Sáng ngày 31/1, Bộ Y tế và Bộ Tư pháp họp bàn về việc ban hành văn bản đảm bảo tính pháp lý để công bố tình trạng khẩn cấp về dịch do Coronavirus gây ra. Các bên liên quan sẽ báo cáo Thủ tướng, Chính phủ về việc công bố tình trạng dịch bệnh khẩn cấp tại Việt Nam.

Với ban bố PHEIC, trong ngày 31/1, WHO bắt đầu cấp hỗ trợ Việt Nam kít xét nghiệm chuẩn, sinh phẩm chẩn đoán virus corona.

Báo chí Việt Nam dồn dập cập nhật tin tức về dịch bệnh này, đặc biệt là nêu cụ thể các địa phương có liên quan đến ‘yếu tố’ Trung Quốc, trong đó có cả vụ "trước nguy cơ dịch bệnh do virus Corona gây ra, chuyến tàu khách liên vận quốc tế từ ga Gia Lâm (Hà Nội) đi Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường", đăng trên báo điện tử Tiền Phong lúc 10g33 ngày 31/1.

Làn sóng công luận cũng phản ứng gay gắt trước một trích dẫn đăng trên tờ Zing ngày 30/1, "Về ý kiến có đóng cửa biên giới hay không, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng đây là một mức độ khác. Mặt khác, Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương" (1). Rất nhanh sau đó, mạng xã hội đã chỉ ra ở bản hiệp ước này có điều khoản về việc có thể đơn phương tạm đóng cửa biên giới nếu như tối thiểu 24 tiếng trước khi đóng cửa có công văn gửi cho Trung Quốc. Tuy nhiên mạng xã hội không phân tích về các nội dung pháp lý của thỏa thuận này.

Có bao nhiêu cửa khẩu sẽ đóng ?

Một luật gia tại Sài Gòn (ông cũng đồng thời là hội viên của Hội nhà báo độc lập Việt Nam), nói rằng cần cảm ơn về nhắc nhở của ông Phạm Bình Minh mà đồng nghiệp ở tờ Zing đã khéo léo thuật lại.

Tìm đọc thêm Hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề mà Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ‘nhắc nhở’ (2).

Theo phân tích của vị luật gia nói trên, thì "Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa" được ký kết từ căn cứ quy định tại Điều 23, Chương VI của "Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa".

Hiệp định nói trên ký tại Bắc Kinh, ngày 18 tháng 11 năm 2009. Thời điểm ký kết, có 9 cặp cửa khẩu cụ thể như sau :

1. Ma Lù Thàng (tên cửa khẩu của Việt Nam) – Kim Thủy Hà (tên cửa khẩu của Trung Quốc). Cửa khẩu này nằm gần mốc giới số 66 trên biên giới Việt – Trung. Hai bên cửa khẩu là xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Việt Nam và thị trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cửa khẩu này là cửa khẩu song phương.

2. Lào Cai (đường bộ) – Hà Khẩu (đường bộ). Cửa khẩu này nằm gần mốc giới số 102, 103 trên biên giới Việt – Trung. Hai bên cửa khẩu là thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Việt Nam và thị trấn Hà Khẩu, huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cửa khẩu này là cửa khẩu quốc tế.

3. Lào Cai (đường sắt) – Hà Khẩu (đường sắt). Cửa khẩu này nằm gần mốc giới số 102, 103 trên biên giới Việt – Trung. Hai bên cửa khẩu là thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Việt Nam và thị trấn Hà Khẩu, huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cửa khẩu này là cửa khẩu quốc tế.

4. Thanh Thủy – Thiên Bảo. Cửa khẩu này nằm gần mốc giới số 261 trên biên giới Việt – Trung. Hai bên cửa khẩu là xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, Việt Nam và thị trấn Thiên Bảo, huyện Ma Ly Pho, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cửa khẩu này là cửa khẩu song phương.

5. Trà Lĩnh – Long Bang. Cửa khẩu này nằm gần mốc giới số 741, 742 trên biên giới Việt – Trung. Hai bên cửa khẩu là thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam và thị trấn Long Bang, huyện Tĩnh Tây, thành phố Bách Sắc, Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu này là cửa khẩu song phương.

6. Tà Lùng – Thủy Khẩu. Cửa khẩu này nằm gần mốc giới số 943 trên biên giới Việt – Trung. Hai bên cửa khẩu là thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam và thị trấn Thủy Khẩu, huyện Long Châu, thành phố Sùng Tả, Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu này là cửa khẩu song phương.

7. Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan. Cửa khẩu này nằm gần mốc giới số 1116, 1117 trên biên giới Việt – Trung. Hai bên cửa khẩu là thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và thị trấn Hữu Nghị, thành phố Bằng Tường, thành phố Sùng Tả, Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu này là cửa khẩu quốc tế.

8. Đồng Đăng (đường sắt) – Bằng Tường (đường sắt). Cửa khẩu này nằm gần mốc giới số 1121, 1122 trên biên giới Việt –Trung. Hai bên cửa khẩu là thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và thị trấn Hữu Nghị, thành phố Bằng Tường, Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu này là cửa khẩu quốc tế.

9. Móng Cái – Đông Hưng. Cửa khẩu này nằm gần mốc giới số 1369 trên biên giới Việt – Trung. Hai bên cửa khẩu là thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam và thành phố Đông Hưng, thành phố cảng Phòng Thành, Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu này là cửa khẩu quốc tế.

"Nếu sắp tới đây phía Chính phủ Việt Nam đơn phương tạm đóng cửa khẩu từ biên giới Việt Nam thì cộng đồng cần kiểm tra xem có đóng đủ cả 9 cửa khẩu hay không ?" – vị luật gia lưu ý.

Chờ đợi… bản lĩnh chính trị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Về quy định liên quan phần thủ tục của việc tạm đóng cửa khẩu, ở Điều 5.3 của Hiệp định ghi : "Để bảo vệ lợi ích xã hội, an ninh quốc gia hoặc vì lý do thiên tai nghiêm trọng, dịch bệnh truyền nhiễm lớn, dịch bệnh động thực vật và các trường hợp bất khả kháng khác, một Bên có thể tạm thời đóng hoặc hạn chế việc qua lại cửa khẩu. Tuy nhiên, cần phải thông báo cho phía Bên kia trước 5 ngày, trong trường hợp khẩn cấp không được ít hơn 24 giờ".

Như vậy, với ban bố PHEIC "Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế", kèm động thái ngày 31/1, hai bộ Y tế và Tư pháp của Việt Nam họp bàn về việc ban hành văn bản đảm bảo tính pháp lý để công bố tình trạng khẩn cấp về dịch do Coronavirus gây ra, cho thấy đã đủ căn cứ pháp lý để phía Chính phủ Việt Nam có công hàm thông báo về việc tạm đóng cửa khẩu biên giới đối với Trung Quốc.

Nói thêm, trong ngày 31/1, theo Thông tấn xã Việt Nam, ở cuộc họp có tên khá dài "Ban Bí thư để đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tổ chức Tết năm 2020 ; xem xét, quyết định về công tác cán bộ" do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì, đã đặt vấn đề "Trọng tâm, cấp bách chống virus Corona".

Tuy nhiên tất cả phân tích ở trên vẫn là lập luận mang tính giả định. Tất cả vẫn còn chờ đợi bản lĩnh chính trị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến đâu trong ‘cuộc chiến’ với dịch virus Corona này.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 01/02/2020

(1) https://news.zing.vn/pho-thu-tuong-chua-den-muc-dong-cua-bien-gioi-vi-virus-corona-post1041070.html

(2) http://hethongphapluatvietnam.net/1-hiep-dinh-ve-quy-che-quan-ly-bien-gioi-tren-dat-lien-giua-viet-nam-trung-hoa-2-hiep-dinh-ve-cua-khau-va-quy-che-quan-ly-cua-khau-bien-gioi-tren-dat-lien-giua-viet-nam-trung-hoa-3-nghi-dinh-thu-phan-gioi-cam-moc-bien-gio.html

Additional Info

  • Author Lynn Huỳnh
Published in Diễn đàn

Sắp tới, trong nhiệm kỳ mới, Bộ Thông tin và truyền thông mang tên gì cho xác đáng thì sẽ được thảo luận trong Chính phủ, nhưng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất một tên mới để thảo luận là "Bộ Truyền thông và kinh tế số".

Trên báo điện tử của Chính phủ Việt Nam (VGP News) chiều 28/12/2019 có bản tin với nội dung như trên (1).

kinhte1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nơi trưng bày sản phẩm 5G của Viettel. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nền kinh tế số có phải tuân thủ định hướng xã hội chủ nghĩa ?

Ghi nhận từ bộ phận theo dõi tin tức trên báo chí chuyên ngành ở Việt Nam của một công ty quảng cáo truyền thông, sẽ nhận ra ngay việc đề xuất tên mới "Bộ Truyền thông và Kinh tế số", xuất phát từ ý kiến của ông Mai Liêm Trực, một cựu quan chức được coi là người mở đường cho bùng nổ Internet tại Việt Nam. Ông Trực từng được bình chọn là người có ảnh hưởng nhất tới sự phát triển của Internet tại Việt Nam trong mười năm gần đây.

Trong một hội nghị chuyên ngành diễn ra vào đầu tháng 11/2019, ông Mai Liêm Trực nói rằng nhiệm kỳ tới đây của chính phủ, đòi hỏi nhiều lĩnh vực như kinh tế, kế hoạch, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thông tin truyền thông… cần tái cấu trúc lại trong cơ cấu ; trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông nên chuyển thành Bộ Kinh tế số. Bộ Kinh tế số này đảm nhận việc xây dựng hạ tầng số, các nền tảng (platform)… cho kinh tế số, cho các ngành kinh tế, xã hội.

Ông Mai Liêm Trực cũng cho rằng, đối với công tác quản lý báo chí, xuất bản, tuyên truyền mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang quản lý như hiện nay, thì nên tách khỏi Bộ Kinh tế số trong tương lai, và nên giao cho các ban Tuyên giáo Trung ương và địa phương quản lý.

Những lời có cánh về triển vọng của ‘kinh tế số’ ở Việt Nam dễ dàng tìm thấy trên rất nhiều trang web. Tuy nhiên những con số dự báo này từ các chuyên gia, tổ chức khảo cứu nước ngoài đã tránh đề cập đến thực trạng ở Việt Nam là các quyền tự do thông tin luôn phải chịu nhiều giới hạn, mà người ta hay nhắc đến lý do là ‘định hướng’ – tương tự như nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Không được cung cấp đa chiều các thông tin về kinh tế số, nên có lẽ với những quan chức ‘ngoại đạo’ với kiến thức chuyên ngành trong lãnh vực này như ông thủ tướng Việt Nam hiện tại, cho thấy ông ấy có vẻ đang hồ hởi về tương lai nội các mới của chính phủ, trong đó có lẽ ông sẽ được tiếp tục tín nhiệm. Ông Nguyễn Xuân Phúc, theo như tường thuật trên báo điện tử chính phủ (nguồn đã dẫn), ông đã dành nhiều mỹ từ tán dương về bước tiếp theo trên con đường phát triển kinh tế, mà nhiệm kỳ chính phủ của ông đang điều hành được tự cho là hết sức tốt đẹp ; trong đó có nền kinh tế số, điều mà người tiền nhiệm là ông Nguyễn Tấn Dũng dường chuđã không mấy quan tâm đến.

Đơn cử, tại các thị trường phát triển như châu Âu, Nhật Bản hay Mỹ, khách hàng thường xuyên sử dụng các dịch vụ trực tuyến, dành rất ít thời gian để lên mạng xã hội. Vậy nên những ứng dụng thành công tại đây thường tập trung vào dịch vụ cụ thể để mang tới cho khách hàng những trải nghiệm thuận tiện, đơn giản và tiết kiệm thời gian nhất có thể.

Ở Việt Nam, các công ty đang được cho là hàng đầu nền kinh tế số đang đi theo hướng ngược lại : mang đến thật nhiều dịch vụ trên cùng một ứng dụng, dù vẫn có dịch vụ kinh doanh cốt lõi để giữ chân người dùng. Ví dụ như khi mở ứng dụng Shopee hay Grab, ngoài danh mục hàng hóa dịch vụ chính, khách hàng còn có thể chơi game, nạp thẻ điện thoại, vay tiêu dùng, thậm chí đặt mua các dịch vụ du lịch. Ngoài ra hình thức ‘livestream’ giới thiệu sản phẩm trực tuyến cũng đang được những nền tảng online tận dụng để gia tăng tương tác với người dùng.

Vì sao vẫn chưa thể minh bạch số liệu ?

Trong một góc nhìn khác từ nhà quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì bộ này đang sở hữu nhiều hệ thống dữ liệu khác nhau về đăng ký doanh nghiệp, đấu thầu, doanh nghiệp nước ngoài… Nhưng quan trọng là các hệ thống dữ liệu đó chưa kết nối, liên thông với nhau. Ở góc độ quốc gia, hiện mỗi bộ có hệ thống thông tin khác nhau, không liên thông với các bộ ngành mà chỉ chia sẻ một phần thông tin liên quan.

Trong kinh tế số, dữ liệu ví là nhiên liệu của nền kinh tế. Nhưng Việt Nam đang ở giai đoạn đầu, các kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành chưa liên thông. Khi chưa liên thông, chưa kết nối thì khó nói chuyện xa xôi, cạnh tranh với thế giới.

Dẫn chứng về chuyện liên thông : Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý 4/2019 của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 vượt mốc 500 tỉ đô la Mỹ, trong đó ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu 9,9 tỉ đô la Mỹ, mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu.

Tại Hội nghị của thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng 23/12/2019, một báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đến nay quy mô tín dụng nền kinh tế đã đặt trên 8 triệu tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng, trong đó dư nợ đối với khối doanh nghiệp là trên 4 triệu tỷ đồng, chiếm trên 53%. Trong số này, doanh nghiệp nhà nước chỉ khoảng xấp xỉ 5% trong tổng dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp. Khối doanh nghiệp tư nhân chiếm 43% tổng dư nợ tín dụng, còn lại là hộ kinh doanh và cá nhân chiếm khoảng 45,7% tổng dư nợ tín dụng.

Tổng hợp các con số từ Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mang đến ngạc nhiên ở đây chính là dư nợ của khối doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm chưa đầy 5% tổng dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp. Đây là tỷ trọng quá nhỏ, trong khi doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế, sản xuất kinh doanh cũng như đóng góp vào ngân sách.

Nếu chỉ chiếm 5% tổng dư nợ thì nó không tương xứng với vai trò của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, khi các doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Việt Nam. Mặt khác, sự lệ thuộc của khối tư nhân (gồm doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và cá nhân) vào nguồn vốn ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Một khi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có biến động về tình hình tài chính thì nó có thể gây ra hậu quả rất lớn cho nền kinh tế.

Nói và làm vẫn là khoảng cách

Nền kinh tế số sẽ cho ra kết quả ra sao từ các báo cáo như phần đề cập ở trên ?

Qua trò chuyện trực tuyến, khi người viết bài này đưa ra câu hỏi "Thách thức của Việt Nam trong sự phát triển kinh tế số là gì ?", thì câu trả lời ngắn gọn của ông Bùi Quang Ngọc, phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, "thách thức lớn nhất và cũng là một trong những điểm yếu nhất của Việt Nam là khoảng cách giữa hoạch định và triển khai chính sách trong thực tế cuộc sống".

Khoảng cách đó, nói như lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ở hôm bế mạc kỳ họp thứ 35 của Quốc hội, ngày 17/7/2019 : "Sợi dây dài nhất là sợi dây kinh nghiệm, rút hoài không hết. Ai cũng rút, năm nào cũng rút, kỳ họp nào cũng rút kinh nghiệm nhưng mà vẫn còn…" (2).

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 29/12/2019

(1) Thủ tướng chỉ ra ‘đôi cánh’, ‘đường bay’ đến đích thịnh vượng, hùng cường (baochinhphu, 28/12/2019)

(2) Chủ tịch Quốc hội : 'Sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết' (Tienphong, 17/07/2019)

Additional Info

  • Author Lynn Huỳnh
Published in Diễn đàn

Các tựa bài viết trong tuần lễ cuối cùng của năm 2019 trên một số tờ báo ở Việt Nam, đang đưa người đọc tới cảm giác dường như đang có vấn đề gì đó sắp sửa diễn ra theo kiểu cuộc cách mạng trong thể chế ngay ở Bộ Chính trị.

baochi1

"Thường trực Ban Bí thư : ‘Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ thôi’" – báo Thanh Niên.

"’Nhiều thông tin do nội bộ chúng ta đưa ra để thế lực thù địch chống phá’" – báo Thanh Niên.

"Không làm tốt thì tự ta lật đổ ta" – báo điện tử Zing.vn.

Cụm từ ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’ được hiểu là tiền đề của phạm tội ?

Theo nghĩa thông thường thì ‘tự diễn biến’ và ‘tự chuyển hóa’ là một quá trình sự vật tự thay đổi về chất. Nhưng các khái niệm ‘tự diễn biến’ và ‘tự chuyển hóa’ được sử dụng trong văn kiện của đảng cộng sản Việt Nam, và trên sách báo chính trị – xã hôi ở Việt Nam không theo nghĩa như vậy.

‘Tự diễn biến’ và ‘tự chuyển hóa’ có nghĩa là sự suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, về đạo đức và lối sống của cán bộ và đảng viên theo những quy định của đảng. Nôm na, ‘tự diễn biến’ và ‘tự chuyển hóa’ là quá trình tự thay đổi của chủ thể theo hướng tiêu cực. Theo cách nói của Tuyên giáo đảng, thì ‘tự diễn biến’ và ‘tự chuyển hóa’ của cán bộ và đảng viên nếu không được ngăn chặn sẽ dẫn đến sự chuyển hóa của cả chế độ.

Tuy nhiên mới đây theo các phát biểu của ông Trần Quốc Vượng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, thì nguyên nhân của mọi nguyên nhân về chuyện cán bộ, dường như đó là ‘người đứng đầu’ của thể chế.

Bài viết trên báo Thanh Niên tường thuật về chia sẻ của ông Trần Quốc Vượng chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai niệm vụ năm 2020 : "Cán bộ là vấn đề quyết định, là then chốt của then chốt. Do vậy, chúng ta phải đặc biệt chú ý. Đây là thực tiễn và thời sự. Thành bại là do cán bộ. Thành trì xã hội chủ nghĩa cả hệ thống Đông Âu như vậy ai cũng tưởng rằng không bao giờ đổ mà "cơ đồ đổ xuống biển sâu. Có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là nguyên nhân công tác cán bộ, là người đứng đầu", ông Vượng nói.

Ông Vượng cho hay, khi sang Châu Âu 10 năm sau Liên Xô sụp đổ, nghe các phương tiện thông tin đại chúng ở đây nói về sự kiện này như một ngày hội, ông đã rất đau xót. "Mình nghĩ lại làm sao để Đảng ta không bao giờ vướng vào chuyện như vậy", ông nói (nguồn đã dẫn)

Có một thực tế là giả dụ "Đảng ta không bao giờ vướng vào chuyện như vậy", song quan sát trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, qua những khiếu nại, khiếu kiện của dân chúng về đất đai… cho thấy mặc dù thể chế chính trị lâu nay ở Việt Nam vẫn tồn tại, nhưng lòng dân oán thán và với họ sẽ là cả chuổi ngày hội kéo dài hơn cả Liên Xô hồi nào, nếu thể chế chính trị thay đổi.

Ngày 31/12/1991, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết chính thức chấm dứt tồn tại với tư cách một thực thể pháp lý quốc tế. Sự sụp đổ của nhà nước có vẻ ngoài hùng mạnh kéo dài hơn nửa thế kỷ này không hề được dự đoán trước, và tin tức về nó khiến người Liên Xô, các nhà lãnh đạo và giới quan sát quốc tế phải bất ngờ.

Trước đó, Liên Xô có hàng loạt những vấn đề hệ thống vô cùng nghiêm trọng. Từ thói tham nhũng và thân hữu, giới lãnh đạo bảo thủ thiên cực (ultra-conservative), cho đến giai đoạn kinh tế phát triển chững lại và hơn 20% ngân sách quốc gia phải chi cho hoạt động quân sự để gìn giữ "chế độ xã hội chủ nghĩa" ở nước ngoài, có nhiều lý do để tin rằng Liên Xô đã đi đến chỗ buộc phải cải cách nếu muốn sống còn.

Với ba cái chết liên tục của các đời tổng bí thư Leonid Brezhnev, Yuri Andropov, Konstantin Chernenko chỉ trong ba năm, phương thức tuyển chọn lãnh đạo của các chính thể chuyên chế như Liên Xô không còn nhiều sự lựa chọn – và Mikhail Gorbachev trở thành người kế nhiệm của "đế chế" Liên Xô khổng lồ.

Nội bộ Đảng cộng sản Liên Xô đang trong tình trạng khủng hoảng, và một nhân vật có tư tưởng cấp tiến như Gorbachev cuối cùng có cơ hội trỗi dậy. Không ít ý kiến cho rằng Mikhail Gorbachev chính là kẻ tội đồ làm cho liên bang này sụp đổ.

Trên báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, đã có loạt bài viết quy kết việc Liên Xô sụp đổ là do "đường lối cải tổ sai lầm và sự phản bội của Gorbachev".

Việt Nam đang ‘thù trong’ nhiều hơn giặc ngoài ?

Trong bài báo "Nhiều thông tin do nội bộ chúng ta đưa ra để thế lực thù địch chống phá", tờ Thanh Niên đã thuật lời của phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Trọng Nghĩa tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 : "Về lực lượng thế lực thù địch, phản động, ông Nghĩa chỉ rõ, ngoài lực lượng hoạt động thù địch của chế độ cũ thì hiện nay đã có lực lượng mới là những cán bộ thoái hóa, biến chất, những người đã bị xử lý kỷ luật, xử lý về pháp luật, thậm chí có những cán bộ cao cấp, có cả những tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, rồi thanh niên, sinh viên và tầng lớp khác, do đó, công tác đấu tranh diễn ra trên nhiều lĩnh vực và rất phức tạp" (nguồn đã dẫn)

Câu hỏi đặt ra ở đây ai là "những cán bộ cao cấp, có cả những tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang" mà ông Nguyễn Trọng Nghĩa muốn ám chỉ với hàm ý đe dọa thanh trừng ? Đó có phải là những Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đang hầu tòa ? Hay đó là Đinh La Thăng, là trung tướng Bùi Văn Thành, trung tướng Phan Văn Vĩnh, là thượng tướng Trần Việt Tân đang thi hành án ?Hay đó là những quan chức vẫn còn ‘tại ngoại’ như cựu phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ?…

Chỉ riêng trong ngành công an – nơi được mệnh danh ‘là thanh kiếm và lá chắn để bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nhân dân’ như lời phát biểu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 24/12/2019 tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 75, cho thấy chỉ mới xét riêng về lĩnh vực tham nhũng trong đất đai gần đây, đã có hàng loạt vị tướng nhúng chàm : Trung tướng Nguyễn Công Sơn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng ; Trung tướng Nguyễn Văn Ba, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng ; Thiếu tướng Lê Đình Nhường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nguyên Đảng ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) ; Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, nguyên Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53) và Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, nguyên Đảng ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (C46)…

Với tình cảnh dường chừng ‘thù trong’ đông hơn ‘giặc ngoài’, theo vị Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng, vấn đề thành hay bại chính là nằm ở công tác cán bộ, do đó, cần hết sức chú ý công tác nhân sự, nhất là nhân sự cho cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới. "Đây là vấn đề quan trọng. Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi", Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

Phát biểu hùng hồn đó của ông Vượng ở dịp năm hết tết đến khiến nhiều gia đình của các tù nhân lương tâm chạnh lòng, khi nhớ lại người thân của mình đang phải chịu cảnh lao tù vì cáo buộc ‘lật đổ’ cơ đồ 75 năm đó… mà những đồng chí của ông Vượng đã tuyên.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 26/12/2019

Additional Info

  • Author Lynn Huỳnh
Published in Diễn đàn