Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/02/2020

Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị đơn phương đóng cửa khẩu với Trung Quốc ?

Lynn Huỳnh

Dường như ‘nhắc nhở’ của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh chỉ nhằm muốn nói đến việc Việt Nam đang từng bước thực hiện việc đơn phương tạm đóng cửa khẩu biên giới với Trung Quốc (?).

dong1

Cửa khẩu quốc tế Việt-Trung Móng Cái - Ảnh minh họa

Một kịch bản đang hướng tới ?

Kịch bản về Việt Nam đơn phương tạm đóng cửa khẩu với Trung Quốc được căn cứ như sau, theo báo chí đưa tin : Chiều 30/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế phối hợp Bộ Tư pháp chuẩn bị pháp lý sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế.

Rạng sáng (giờ Việt Nam) ngày 31/1, WHO tuyên bố sự bùng phát chủng virus Corona mới từ Trung Quốc là Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC).

Sáng ngày 31/1, Bộ Y tế và Bộ Tư pháp họp bàn về việc ban hành văn bản đảm bảo tính pháp lý để công bố tình trạng khẩn cấp về dịch do Coronavirus gây ra. Các bên liên quan sẽ báo cáo Thủ tướng, Chính phủ về việc công bố tình trạng dịch bệnh khẩn cấp tại Việt Nam.

Với ban bố PHEIC, trong ngày 31/1, WHO bắt đầu cấp hỗ trợ Việt Nam kít xét nghiệm chuẩn, sinh phẩm chẩn đoán virus corona.

Báo chí Việt Nam dồn dập cập nhật tin tức về dịch bệnh này, đặc biệt là nêu cụ thể các địa phương có liên quan đến ‘yếu tố’ Trung Quốc, trong đó có cả vụ "trước nguy cơ dịch bệnh do virus Corona gây ra, chuyến tàu khách liên vận quốc tế từ ga Gia Lâm (Hà Nội) đi Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường", đăng trên báo điện tử Tiền Phong lúc 10g33 ngày 31/1.

Làn sóng công luận cũng phản ứng gay gắt trước một trích dẫn đăng trên tờ Zing ngày 30/1, "Về ý kiến có đóng cửa biên giới hay không, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng đây là một mức độ khác. Mặt khác, Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương" (1). Rất nhanh sau đó, mạng xã hội đã chỉ ra ở bản hiệp ước này có điều khoản về việc có thể đơn phương tạm đóng cửa biên giới nếu như tối thiểu 24 tiếng trước khi đóng cửa có công văn gửi cho Trung Quốc. Tuy nhiên mạng xã hội không phân tích về các nội dung pháp lý của thỏa thuận này.

Có bao nhiêu cửa khẩu sẽ đóng ?

Một luật gia tại Sài Gòn (ông cũng đồng thời là hội viên của Hội nhà báo độc lập Việt Nam), nói rằng cần cảm ơn về nhắc nhở của ông Phạm Bình Minh mà đồng nghiệp ở tờ Zing đã khéo léo thuật lại.

Tìm đọc thêm Hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề mà Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ‘nhắc nhở’ (2).

Theo phân tích của vị luật gia nói trên, thì "Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa" được ký kết từ căn cứ quy định tại Điều 23, Chương VI của "Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa".

Hiệp định nói trên ký tại Bắc Kinh, ngày 18 tháng 11 năm 2009. Thời điểm ký kết, có 9 cặp cửa khẩu cụ thể như sau :

1. Ma Lù Thàng (tên cửa khẩu của Việt Nam) – Kim Thủy Hà (tên cửa khẩu của Trung Quốc). Cửa khẩu này nằm gần mốc giới số 66 trên biên giới Việt – Trung. Hai bên cửa khẩu là xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Việt Nam và thị trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cửa khẩu này là cửa khẩu song phương.

2. Lào Cai (đường bộ) – Hà Khẩu (đường bộ). Cửa khẩu này nằm gần mốc giới số 102, 103 trên biên giới Việt – Trung. Hai bên cửa khẩu là thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Việt Nam và thị trấn Hà Khẩu, huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cửa khẩu này là cửa khẩu quốc tế.

3. Lào Cai (đường sắt) – Hà Khẩu (đường sắt). Cửa khẩu này nằm gần mốc giới số 102, 103 trên biên giới Việt – Trung. Hai bên cửa khẩu là thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Việt Nam và thị trấn Hà Khẩu, huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cửa khẩu này là cửa khẩu quốc tế.

4. Thanh Thủy – Thiên Bảo. Cửa khẩu này nằm gần mốc giới số 261 trên biên giới Việt – Trung. Hai bên cửa khẩu là xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, Việt Nam và thị trấn Thiên Bảo, huyện Ma Ly Pho, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cửa khẩu này là cửa khẩu song phương.

5. Trà Lĩnh – Long Bang. Cửa khẩu này nằm gần mốc giới số 741, 742 trên biên giới Việt – Trung. Hai bên cửa khẩu là thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam và thị trấn Long Bang, huyện Tĩnh Tây, thành phố Bách Sắc, Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu này là cửa khẩu song phương.

6. Tà Lùng – Thủy Khẩu. Cửa khẩu này nằm gần mốc giới số 943 trên biên giới Việt – Trung. Hai bên cửa khẩu là thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam và thị trấn Thủy Khẩu, huyện Long Châu, thành phố Sùng Tả, Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu này là cửa khẩu song phương.

7. Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan. Cửa khẩu này nằm gần mốc giới số 1116, 1117 trên biên giới Việt – Trung. Hai bên cửa khẩu là thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và thị trấn Hữu Nghị, thành phố Bằng Tường, thành phố Sùng Tả, Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu này là cửa khẩu quốc tế.

8. Đồng Đăng (đường sắt) – Bằng Tường (đường sắt). Cửa khẩu này nằm gần mốc giới số 1121, 1122 trên biên giới Việt –Trung. Hai bên cửa khẩu là thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và thị trấn Hữu Nghị, thành phố Bằng Tường, Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu này là cửa khẩu quốc tế.

9. Móng Cái – Đông Hưng. Cửa khẩu này nằm gần mốc giới số 1369 trên biên giới Việt – Trung. Hai bên cửa khẩu là thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam và thành phố Đông Hưng, thành phố cảng Phòng Thành, Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu này là cửa khẩu quốc tế.

"Nếu sắp tới đây phía Chính phủ Việt Nam đơn phương tạm đóng cửa khẩu từ biên giới Việt Nam thì cộng đồng cần kiểm tra xem có đóng đủ cả 9 cửa khẩu hay không ?" – vị luật gia lưu ý.

Chờ đợi… bản lĩnh chính trị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Về quy định liên quan phần thủ tục của việc tạm đóng cửa khẩu, ở Điều 5.3 của Hiệp định ghi : "Để bảo vệ lợi ích xã hội, an ninh quốc gia hoặc vì lý do thiên tai nghiêm trọng, dịch bệnh truyền nhiễm lớn, dịch bệnh động thực vật và các trường hợp bất khả kháng khác, một Bên có thể tạm thời đóng hoặc hạn chế việc qua lại cửa khẩu. Tuy nhiên, cần phải thông báo cho phía Bên kia trước 5 ngày, trong trường hợp khẩn cấp không được ít hơn 24 giờ".

Như vậy, với ban bố PHEIC "Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế", kèm động thái ngày 31/1, hai bộ Y tế và Tư pháp của Việt Nam họp bàn về việc ban hành văn bản đảm bảo tính pháp lý để công bố tình trạng khẩn cấp về dịch do Coronavirus gây ra, cho thấy đã đủ căn cứ pháp lý để phía Chính phủ Việt Nam có công hàm thông báo về việc tạm đóng cửa khẩu biên giới đối với Trung Quốc.

Nói thêm, trong ngày 31/1, theo Thông tấn xã Việt Nam, ở cuộc họp có tên khá dài "Ban Bí thư để đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tổ chức Tết năm 2020 ; xem xét, quyết định về công tác cán bộ" do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì, đã đặt vấn đề "Trọng tâm, cấp bách chống virus Corona".

Tuy nhiên tất cả phân tích ở trên vẫn là lập luận mang tính giả định. Tất cả vẫn còn chờ đợi bản lĩnh chính trị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến đâu trong ‘cuộc chiến’ với dịch virus Corona này.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 01/02/2020

(1) https://news.zing.vn/pho-thu-tuong-chua-den-muc-dong-cua-bien-gioi-vi-virus-corona-post1041070.html

(2) http://hethongphapluatvietnam.net/1-hiep-dinh-ve-quy-che-quan-ly-bien-gioi-tren-dat-lien-giua-viet-nam-trung-hoa-2-hiep-dinh-ve-cua-khau-va-quy-che-quan-ly-cua-khau-bien-gioi-tren-dat-lien-giua-viet-nam-trung-hoa-3-nghi-dinh-thu-phan-gioi-cam-moc-bien-gio.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lynn Huỳnh
Read 577 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)