Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/02/2020

Người Việt đang lo lắng thái quá với nCoV ?!

Lynn Huỳnh

Hệ thống báo chí của nhà nước Việt Nam bắt đầu chuyển hướng kêu gọi về dịch bệnh bằng những lời kêu gọi trấn an ; đơn cử như ở các bài viết trên báo Tuổi Trẻ : "Chống dịch cúm corona, chúng ta cần sự trầm tĩnh" ; "Hãy bình tĩnh, mọi việc rồi sẽ ổn!" ; "Vì sao ta lo lắng thái quá trước dịch bệnh ?"…

Có một nguyên do đưa đến sự lo lắng mang tính mặc định, là luôn luôn cần đến sự thái quá đối với người dân Việt, bất chấp mọi trấn an, nếu như các dịch bệnh đó đến từ Trung Quốc – một quốc gia cộng sản nổi tiếng về những trò lươn lẹo tin tức, và luôn sẳn sàng dùng bạo lực để trấn áp quyền tự do thông tin, nếu thông tin ấy ‘phật lòng’ đảng cộng sản.

Người Việt không thể không lo lắng thái quá trước tin tức về dịch bệnh đến từ Trung Quốc, vì ngay cả tại nơi quốc gia sản sinh ra ra đại dịch này mà họ vẫn còn bưng bít các cảnh báo từ người thầy thuốc của chính quốc gia họ.

qualo1

Theo đài Al Jazeera, sự ra đi đột ngột của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) đang gây ra tâm trạng đau buồn và giận dữ chưa từng thấy trên mạng xã hội Trung Quốc. Đây hiện là chủ đề phủ kín trên Weibo và WeChat – 2 mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc – với hàng triệu bài viết.

Chính quyền tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán hứng chịu vô số chỉ trích từ trung ương và dư luận vì cách phản ứng vụng về, đầy chủ quan khi dịch bệnh bùng phát. Khi Hồ Bắc ghi nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên hồi đầu tháng 12-2019 cho đến giữa tháng 1-2020, dấu hiệu lây nhiễm từ người sang người đã rất rõ, nhưng chính quyền đã cố ngăn chặn thông tin này lọt ra ngoài.

Sự dối trá của nhà nước cộng sản Trung Quốc không hề dừng lại. Tài khoản Weibo của Bệnh viện trung tâm Vũ Hán đăng thông tin nói họ đang ‘hồi sức’ cho Lý Văn Lượng vào lúc… 23g. Sau đó, thông tin tiếp tục xuất hiện cho thấy tim của bác sĩ Lý đã ngừng đập trong hơn 3 giờ, và chuyện ‘hồi sức’ theo nhiều người chỉ là nhằm để làm dịu cơn giận của công chúng.

Lúc 3g48 ngày 7/2, tài khoản chính thức của Bệnh viện trung tâm Vũ Hán trên Weibo mới xác nhận cái chết của bác sĩ Lượng, tức là 6 giờ sau khi tim của ông đã ngừng đập. Đến đây thì cơn giận của dân mạng Trung Quốc càng ‘bốc hỏa’.

Chiều 30-12-2019, trên WeChat, bác sĩ Lượng gửi tin nhắn cho một nhóm bạn học cũ, cảnh báo về 7 ca nhiễm virus đến từ một chợ hải sản địa phương mà theo anh là bệnh giống hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003, từng khiến khoảng 800 người thiệt mạng. Tin nhắn của BS Lượng sau đó rò rỉ lên mạng. Có 7 người khác cũng chia sẻ thông tin tương tự. Ngay lập tức bác sĩ Lượng bị triệu tập tới đồn công an, bị buộc ký biên bản với nội dung "phát tán thông tin sai lệch trên mạng" dẫn tới "làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội".

Đến ngày 8/1/2020, bác sĩ Lượng chữa trị cho một người bị bệnh tăng nhãn áp. Người này sau đó có triệu chứng sốt, hình chụp CT cũng cho thấy bà bị viêm phổi do virus. Tuy nhiên, bệnh viện không có dụng cụ thử nCoV vào thời điểm đó, bác sĩ Lượng cũng không mặc đồ bảo hộ do chỉ là khám thông thường. Sau đó vài ngày, bác sĩ Lượng bị ho, sốt và có các biểu hiện không bình thường, buộc phải nhập viện. Sau nhiều ngày chẩn đoán, bác sĩ Lượng đã bị nhiễm bệnh, dương tính với nCoV.

Khi mọi thứ dần dần sáng tỏ, lúc đó dịch bệnh đã lây lan nhanh tại Trung Quốc.

Dối trá như nhà nước cộng sản Trung Quốc trong dịch bệnh đã là tội ác, thì những quan chức ‘điếc không sợ súng’ ở Việt Nam càng đáng lên án gấp bội ; đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cũng là nhà nước cộng sản, cũng rập khuôn hành xử "phát tán thông tin sai lệch trên mạng" dẫn tới "làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội".

Nhà báo Hoàng Linh của tờ Tuổi Trẻ kể : Tầm nhìn của chính quyền Vĩnh Phúc nhất là giám đốc sở giáo dục và đào tạo phải xem lại khi mà rất nhiều tỉnh thành phố cho học sinh nghỉ học sau Tết thì Vĩnh Phúc vẫn cho học sinh đi học lại và… phát hiện học sinh của Trường THPT Võ Thị Sáu, huyện Bình Xuyên, dương tính với nCoV.

Em NTTD, sinh năm 2004, Vĩnh Phúc, hiện đang là học sinh lớp 10A2 – Trường THPT Võ Thị Sáu, là em gái của bệnh nhân NTD – Công nhân đi tập huấn trở về từ Vũ Hán – Trung Quốc, người đã được phát hiện dương tính với nCoV ngày 30/1/2020.

Sáng ngày 30/1/2020, học sinh NTTD đến lớp học với trạng thái sức khỏe bình thường và không mang khẩu trang vì chưa có thông tin chị gái nhiễm nCoV. Học sinh này có tiếp xúc gần và xa với một số học sinh trong lớp. Sáng 31/1/2020 sau khi có tin chị gái dương tính với nCoV, học sinh đến lớp có đeo khẩu trang y tế với trạng thái sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, ngay sau khi phát hiện, trong sáng 31/1, nhà trường đã phối hợp với gia đình cho em NTTD nghỉ học, cách ly tại nhà.

Ngày 06/02/2020 học sinh NTTD có kết quả xét nghiệm dương tính với virus nCoV và đã được cơ quan y tế cách ly, điều trị tại bệnh viện với trạng thái sức khỏe ổn định.

Theo thông tin từ trường THPT Võ Thị Sáu, lớp 10A2 có 42 học sinh (trong đó có 6 học sinh tiếp xúc gần – ngồi học gần vị trí với em NTTD) ; trong ngày học sinh NTTD đến trường đã có 06 giáo viên dạy tại lớp 10A2…

Ở đô thị được đánh giá là lớn nhất nhì nước là thành phố Hồ Chí Minh cũng từng ghi nhận sau kỳ nghỉ Tết, một phó giám đốc sở giáo dục tuyên bố cần biết sống chung với dịch và các trường vẫn mở lại theo đúng lịch, không có chuyện nghỉ học đề phòng lây lan bệnh dịch. Làn sóng phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng diễn ra ngay sau tuyên bố được đánh giá thuộc dạng ‘ngu còn tỏ ra nguy hiểm’.

Rốt cuộc đến trước lúc nhập học trở lại khoảng 12 tiếng, chính quyền thành phố quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng bệnh dịch lây lan. Ông phó giám đốc sở thì vẫn tiếp tục làm… phó giám đốc.

Thử hỏi với tình cảnh như trên làm sao người dân Việt Nam có thể phó thác tính mạng của mình và người thân để "Đảng và Nhà nước lo" cho được.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 09/02/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lynn Huỳnh
Read 549 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)