Hội thảo phòng chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa"
Cách đây 27 năm, cuối năm 1989, ông Trần Xuân Bách, ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phát biểu công khai, đề xuất vấn đề đa nguyên và phải cải tổ chính trị song song với cải cách kinh tế. Khi đó chưa có Nghi quyết số 04-NQ/TW khóa 11, ông Bách chưa bị ghép vào 1 trong 27 điều nhận diện "tự diễn biến, tự suy thoái" trong nội bộ đảng. Nhưng ông đã bị đảng thi hành kỷ luật.
Đến nay, sau 27 năm, kể từ khi ông Bách bị thi hành kỷ luật, vấn đề cấp thiết phải "cải tổ chính trị song song với cải cách kinh tế" lại được bàn luận sôi nổi, nhằm mở ra con đường tiếp tục phát triển của đất nước, của dân tộc. Vậy bài phát biểu của ông Bách từ năm 1989 có còn giá trị thời sự đến hôm nay hay không ?
Ông Trần Xuân Bách, tên thật là Vũ Thiện Tuấn, sinh ngày 23/5/1924, quê tại xã Nam Ninh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, mất ngày 01/01/2006 tại Hà Nội. Ông Bách là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1986. Ông được đảng giao nhiệm vụ nghiên cứu lý luận, làm Trưởng ban Đối ngoại của Trung ương đảng, dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Trước đó, ông Bách đã từng giữ nhiều chức vụ khác nhau : Giám đốc công an Khu 3 ; Chánh văn phòng Liên khu ủy 3 ; Bí thư tỉnh ủy các tỉnh Sơn Tây, Nam Định, Nam Hà ; Bí thư trung ương đảng từ năm 1982, Chánh văn phòng trung ương đảng ; Tổng thư ký Ủy ban trung ương Mặt trân Tổ quốc Việt Nam ; đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV ; ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa III, IV.
Cuối năm 1989, diễn biến chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa rất căng thẳng, phức tạp và tác động dây chuyền đến Việt Nam. Trần Xuân Bách đã có một bài phát biểu công khai với tiêu đề "chủ nghĩa xã hội đích thực" là gì, trong đó ông đã đưa ra vấn đề đa nguyên, cải tổ chính trị song song với cải cách kinh tế. Tại hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 8 vào tháng 3/1990, bài phát biểu của ông đã bị phê phán gay gắt là đi chệch khỏi quỹ đạo của chủ nghĩa Mác-Lênin. Hai người phê phán kịch liệt nhất là ông Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư và ông Đào Duy Tùng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ông đã bị đảng kỷ luật, cách chức khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đảng.
Toàn bộ bài phát biểu đó của ông Bách đã được đăng ngày 9/1/2006 tại Thư viện Talawas, mục Chính trị Việt Nam, với đầu đề "Trần Xuân Bách : Chủ nghĩa xã hội thật sự là gì ?".
Nội dung chủ yếu của bài phát biểu đó như sau : "Chỉ còn 10 năm nữa là bước sang thế kỷ XXI. Dân tộc nào bị tụt hậu vào giữa thế kỷ đó là nguy hiểm vô cùng vì đây là thời đại của cách mạng khoa học kỹ thuật, của bùng nổ thông tin và giao lưu quốc tế. Xử lý vấn đề này không thể một nhóm, một người nào làm được. Cả dân tộc phải chuẩn bị và làm công việc này.
Tình hình chung hiện nay là biểu hiện của tư duy khoa học đang lấn át tư duy giáo điều. Lịch sử đang thay đổi mạnh. Marx không trao cho chúng ta Kinh Thánh. Marx sống trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản cổ điển. Ngày nay là chủ nghĩa tư bản hiện đại, có nhiều cái khác với thời Marx. Ngay thời Lenin, khi Lenin đưa ra chính sách kinh tế mới (NEP) thì cũng đã đổi khác so với những dự báo của Marx rồi. Cho đến nay ta thấy có nhiều kiểu chủ nghĩa xã hội : kiểu của Stalin, kiểu của Mao Trạch Đông, kiểu của Pôn Pốt. Bây giờ đang có nhiều ý kiến khác nhau về chủ nghĩa xã hội. Những dòng ý kiến khác nhau đó thể hiện quá trình trưởng thành, không sợ gì cả. Ta đã chọn một mô hình lai ghép giữa chủ nghĩa xã hội phương Tây và chủ nghĩa xã hội phương Đông. Bây giờ ta phải gỡ ra khỏi 2 thứ giáo điều ấy.
Đai hội VI đã khởi động theo 2 xu thế chủ yếu là chuyển sang kinh tế hàng hóa và dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa. Dân chủ không phải là ban ơn cũng không phải là mở rộng dân chủ. Dân chủ là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử. Dân chủ không phải là ban phát. không phải do tấm lòng của người lãnh đạo này hay của người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ hóa là khơi động trí tuệ của toàn dân tộc để tháo gỡ khó khăn và đưa đất nước đi lên kịp thời đại.
Từ 2 vấn đề đó, xẩy ra vấn đề quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là thế nào ? Có nước tự cho mình không cần đổi mới thì đã bị bục vỡ. Có nước coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh còn đổi mới chính trị thì cứ chầm chậm cũng đã bục chuyện. Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị đã bục to. Có nước làm cả hai nhưng không nhịp nhàng đã gặp khó khăn. Hai lĩnh vực này phải làm nhịp nhàng, không đi chân trước chân sau, không đi tấp tểnh một chân.
Ngày 25/11/1989 Bộ Chính trị đã họp và đánh giá tình hình và nguyên nhân khủng hoảng ở các nước Đông Âu. Cuộc khủng hoảng ở các nước đó diễn ra trong bối cảnh khoa học kỹ thuật và giao lưu quốc tế phát triển mạnh, ý thức độc lập và dân chủ tăng nhanh, thông tin bùng nổ. Trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng có nguyên nhân là lãnh đạo sai lầm, vi phạm dân chủ, duy ý chí, bảo thủ trì trệ, đổi mới lệch lạc, đội ngũ đảng viên cán bộ thoái hóa. Trong lúc này, vấn đề năng lực của Đảng nổi lên hàng đầu. Không thể dùng quyền lực thay cho năng lực. Thời đại nào có trí tuệ của thời đại ấy. Đảng phải có năng lực trí tuệ. Vấn đề đặt ra lúc này là phải đổi mới đồng bộ, cả cơ chế kinh tế lẫn cơ chế chính trị. Hai vấn đề chủ yếu của cơ chế kinh tế là vấn đề sở hữu và vấn đề thị trường. Kế hoạch phải nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên thị trường. Hai vấn đề chính của cơ chế chính trị là quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh, vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền lực của nhân dân. Đảng phải nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên xã hội ".
Ngày 30/10/2016 vừa rồi, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã ký ban hành Nghị quyết số 04/NQ/TW chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ đảng. Chiếu theo nghị quyết này, bài phát biểu công khai của ông Bách cuối năm 1989 chắc chắn bị ghép vào tội danh "đảng viên tự diễn biến, tự chuyển hóa". Nhưng theo hồi ký của nhà báo lão thành Tống Văn Công, người đã nhiều lần được gặp và trao đổi ý kiến với ông Bách thì những ý kiến của ông Bách trong bài phát biểu công khai năm 1989 là chính xác và vẫn còn giá trị thời sự đến ngày hôm nay.
Theo ông Nguyễn Trung thì "Thế giới hôm nay đã sang trang làm phá sản mọi ý thức hệ và mọi thứ chủ nghĩa. Sức mạnh nội lực quốc gia và ý chí dân tộc là yếu tố quyết định trong thế giới sang trang. Quốc gia hôm nay phải được phát triển như thế nào, cùng đi với cả thế giới ra sao để tồn tại và phát triển. Đó là con đường dân tộc và dân chủ, nhưng hôm nay đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng con người và thể chế vận hành quốc gia". Chắc rằng sẽ còn nhiều ý kiến khác nữa xung quanh chủ đề này. Xin nhường để các bạn đọc cùng xem xét và cùng thêm nhận xét.
Hà Huy Tùng
Nguồn : Anhbasam, 24/12/2016