Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/01/2020

Phá bỏ cầu cảng Hàm Ninh, xây dập Rào Nan, đền bù Thủ Thiêm còn xa

Nhiều tác giả

Phá trước và… sẽ-dự-tính-xây-lại-sau

Lynn Huỳnh, VNTB, 04/01/2020

Khi vấp phản ứng mạnh mẽ của người dân làng chài cổ Hàm Ninh trước việc chính quyền phá bỏ cầu cảng nơi đây, đại diện nhà chức trách nói rằng họ ‘sẽ-dự-tính-xây-lại-sau’. Có nghĩa là cứ việc đập bỏ trước, còn chuyện sau đó thì hạ hồi phân giải, không loại trừ ‘cứt trâu’ sẽ lại ‘hóa bùn’.

pha1

Cơ quan chức năng chuẩn bị tháo dỡ cầu cảng ở làng chài cổ Hàm Ninh thì vấp phải sự phản ứng quyết liệt của nhiều người dân.

Ghi nhận của báo chí, sáng ngày 3/1/2020, khi cơ quan chức năng chuẩn bị tháo dỡ cầu cảng ở làng chài cổ Hàm Ninh thì vấp phải sự phản ứng quyết liệt của nhiều người dân. Tin tức cho hay có 4 người dân phản đối đã bị công an địa phương bắt giữ. Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư, Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc nói rằng, theo quy hoạch sẽ xây dựng lại cây cầu khác khang trang hơn. Quy hoạch này như thế nào, xây ở đâu, quy mô ra sao… thì theo ông Huỳnh vẫn còn dừng ở ‘dự tính quy hoạch’.

Theo người dân, trước đây xã này rất nghèo vì không có cầu cảng. Sau đó người dân gom góp để làm một cây cầu bằng gỗ cho thuyền bè ngư dân dễ neo đậu. Đến năm 2003, một lãnh đạo huyện lúc bấy giờ đã vận động xây dựng một cây cầu bê tông thay cho cây cầu gỗ.

"Cây cầu đã giúp đời sống chúng tôi tốt hơn nhiều so với trước đây. Con cái chúng tôi được đến trường, có đứa còn được học tới đại học, cũng một phần là nhờ có cây cầu này. Đồng thời chính cây cầu này đã làm nên thương hiệu của làng chài Hàm Ninh mà du khách đến Phú Quốc đều ghé tham quan mua sắm và thưởng thức hải sản", nhiều người dân trải lòng với đại diện báo chí có mặt tại buổi tháo dỡ cầu cảng.

Nhiều người dân cho rằng nếu chính quyền nhận thấy cầu bị yếu thì chỉ cần trùng tu lại, và người dân sẵn sàng đóng góp để trùng tu. Hoặc nếu đã có bản vẽ xây mới thì cũng cần công khai cho mọi người biết để có thể an tâm về chuyện mưu sinh ở thời gian tới, khi dịp kinh doanh Tết Canh Tý cận kề.

Cư dân làng chài cổ Hàm Ninh kể rằng không ai biết ngôi làng này có tự bao giờ, chỉ biết rằng khi đảo Phú Quốc còn hoang vắng, một số cư dân từ xa đến đây khai thác hải sản, rồi lập làng để sinh sống. Khi cửa biển Dương Ðông vang tiếng sóng thì Hàm Ninh là bến đậu ghe yên tĩnh và an toàn. Các ghe buồm, ghe bầu từ đất liền đến cập bến ở đây để lên hàng hóa rồi chở hải sản đi.

Biển Hàm Ninh ra xa vài trăm thước mà vẫn còn cạn. Khi nước ròng, bãi cát mênh mông chạy tít ra xa, lúc nước lên, tràn ngập bãi, vào tận mé rừng. Ðứng trên bãi Hàm Ninh, các hòn thuộc quần đảo Hải Tặc (của Hà Tiên) ló dạng xa xa. Chệch về Ðông Nam, Hòn Nghệ mờ mờ trên làn nước biếc. Phía Nam là mũi ông Ðội – mũi đất cuối cùng của đảo.

Trước khi có cầu cảng bằng bê tông ở vị trí hiện tại, khách bộ hành muốn vào bờ phải đi qua cầu cảng Bãi Vòng, một chiếc cầu dài mà dân chơi ảnh luôn thích thú tìm đến đây để sáng tác những bộ ảnh thơ mộng.

Kể từ khi có cầu cảng bê tông, ghe thuyền vào neo đậu và thương lái hải sản tấp nập, kéo theo nhiều dịch vụ ăn uống, mua sắm phục vụ cư dân địa phương lẫn du khách.

Từ khi có cầu cảng, không khí bến ghe, tàu ở Hàm Ninh náo nhiệt không thua ở Dương Đông. Nhiều nhà hàng, quán ăn, tiệm bách hóa và các cửa hàng phục vụ du lịch mọc lên. Du khách đến đây ngoài vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, hít thở không khí trong lành, mua hàng lưu niệm còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bốn mùa, trên bờ cảnh sắc lung linh, cầu cảng tấp nập ghe xuồng.

Chưa rõ ẩn tình đàng sau việc phá bỏ cầu cảng ở làng chài cổ Hàm Ninh. Trước mắt, việc kỳ vọng mua bán thủy hải sản thiệt xôm tụ của ngư phủ nơi đây trong mùa Tết Canh Tý cận kề coi như đã khép lại.

Xuân 2020 thật buồn với người ở làng chài cổ Hàm Ninh, Phú Quốc.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 04/01/2020

********************

Đập Rào Nan đe dọa sẽ là quả bom nước dội xuống đầu dân chúng

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 03/01/2020

Các linh mục Giáo hạt Hòa Ninh, Quảng Bình phát lời kêu gọi Hiệp Thông yêu cầu dừng xây dựng đập Rào Nan để tránh đe dọa của viễn cảnh quả bom nước đang đung đưa trên đầu cư dân.

pha2

Giữa tháng 8/2019, một số linh mục, tu sĩ và giáo dân cũng như những anh chị em lương dân đã cầm băng rôn đến khu vực đập Rào Nan để phản đối dự án.

Thư kêu gọi Hiệp Thông được linh mục Giáo hạt Hòa Ninh thuộc Giáo phận Hà Tĩnh đồng ký tên vào ngày 27/12/2019. Trong thư kêu gọi, quý linh mục cho biết, nếu đập Rào Nan được xây dựng cao lên sẽ tạo thành "quả bom nước" treo lơ lững trên đầu người dân của 9 xã vùng nam Quảng Trạch, và yêu cầu nhà chức trách cần phải "giải trình dự án một cách công khai và rộng rãi".

Thư kêu gọi hiệp thông cũng nói tới việc "chính quyền dùng đủ cách, như dụ dỗ, dọa dẫm, chạy chọt, và nhất là dùng truyền thông để bêu xấu người dân và linh mục, thậm chí họ còn hăm dọa giết các linh mục". Vụ việc đe dọa này xuất phát từ việc vào giữa tháng 8/2019, một số linh mục, tu sĩ và giáo dân cũng như những anh chị em lương dân đã cầm băng rôn đến khu vực đập Rào Nan để phản đối dự án.

Theo tài liệu mà người viết được tiếp cận, dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan có vị trí xây dựng tại xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Đây là một dự án nằm trong nguồn trái phiếu của chính phủ, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, thẩm định và phê duyệt.

Dự án với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng. Phương án xây dựng công trình thuỷ lợi Rào Nan sẽ dựa trên hệ thống kênh đã có. Dựa trên nền móng của đập dâng tràn cũ, đập dâng tràn mới sẽ xây dựng bằng bê tông cốt thép dài 177,4m và cao 7m.

Tại dự án hệ thống thủy lợi trọng điểm Rào Nan, vấn đề tranh cãi nổi lên giữa người dân vùng dự án và nhà quản lý liên quan đến vị trí tuyến công trình. Dự án này chỉ cách hộ dân gần nhất là 150m, nếu có sự cố vỡ đập sẽ uy hiếp đến tính mạng và cuộc sống của hàng thăm hộ dân trong thôn. Sợ hãi về quả bom nước lơ lững đó hoàn toàn hợp lý ở bối cảnh có nhiều ý kiến lo lắng về sự cố, mất an toàn công trình thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu cực đoan, diễn biến bất thường.

Bà Nguyễn Thị Thu (ảnh), người dân sống sát chân đập tràn cũ cho biết : "Xây đập thì cũng được, nhưng phải di dời lên cách đập cũ 5km, dân chúng tôi không cho xây dựa trên đập cũ, bình thường mùa mưa bão nước đã lên cao quá nửa chúng tôi rồi, nay xây dựng đập thuỷ lợi mới thì chúng tôi còn lo sợ gấp trăm lần, nếu sự cố đập mà vỡ thì cả thôn chúng tôi sẽ bị xóa sổ. Đã có rất nhiều cuộc họp và tất cả người dân ở Thôn không đồng tình triển khai xây dựng Dự án".

Tiếp lời, bà Phan Thị Thuỷ (ảnh), thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, chia sẻ nỗi niềm : "Dân chúng tôi khổ lắm, đây gần như là thượng nguồn sông Rào Nan, nên mùa mưa bão là chúng tôi ảnh hưởng nặng nhất, nước lũ dâng cao đến quá nữa nhà, với dòng chảy siết lũ cuốn trôi tất cả những gì có thể. Cứ sau một trận lũ lụt như thế, dân chúng tôi đã khiếp sợ rồi. Mà bây giờ chắn ngang dòng sông, xây đập cao 7m, mùa mưa lũ, đập quá gần dân, rồi lỡ đập vỡ thì dân chúng tôi bị trôi sạch à ?".

Ngày 30/12/2019, công thông tin điện tử của Công an tỉnh Quảng Bình có bài viết "Triển khai dự án thủy lợi Rào Nan : Hợp lòng dân, lợi ích kinh tế lớn" (1). Bài viết có đoạn : "Không có đập Rào Nan dân đây quá khổ, thiếu gạo, thiếu lương thực, nhưng từ khi có Rào Nan đến nay đời sống người dân được cải thiện rõ rệt". Nhận định đó của bài viết là nói về câu chuyện của hơn nửa thế kỷ trước, lúc chính quyền miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho xây dựng đập này ở bờ bắc sông Gianh.

Bài báo của Công an tỉnh Quảng Bình có đoạn mang tính ‘chụp mũ’, hình sự hóa quan hệ dân sự : "Trong thời gian qua, một số đối tượng phản động đã tung tin, bịa đặt nhằm gây mất lòng tin trong nhân dân về dự án đập thủy lợi Rào Nan. Chúng còn tung tin cho rằng, nhân dân Linh Cận Sơn đã móc nối, nhờ cậy các "Linh mục" để rao giảng, cản trở việc thi công Dự án thủy lợi Rào Nan".

Rộng đường dư luận, xin trích ghi ở đây các số liệu ở bài viết về tỉnh Quảng Bình trên báo Nông Nghiệp Việt Nam, cơ quan báo chí nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn : "Trong 133 hồ đập do địa phương quản lý, theo báo cáo của các huyện, thành phố, thì chưa có tổ chức nào được chính quyền huyện, xã bàn giao quản lý đích thực. Các hợp tác xã nông nghiệp, thôn chỉ làm dịch vụ chuyên khâu tưới, còn công tác quản lý đơn thuần chỉ là quản lý hành chính chung. Các hồ đập không có hồ sơ lưu trữ, thiếu các thông số về hồ chứa và cán bộ quản lý hồ không có trình độ chuyên môn nên những quy định về quản lý hồ, đập thực hiện không đầy đủ".

"Ông Đinh Thiếu Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cũng xác nhận, việc quan trắc trong mùa mưa bão chủ yếu quan trắc mực nước hồ. Có nghĩa là, cán bộ xem, quan sát mực nước hồ bằng mắt thường để phục vụ công tác vận hành. Vì vậy có thể nói, nằm trong rốn bão lũ, nhưng Quảng Bình vẫn đang còn sơ sài trong quy trình vận hành hồ chứa nước".

"Trong mùa mưa lũ, phần lớn các hồ chứa tại Quảng Bình được vận hành theo cơ chế kinh nghiệm có sẵn".

"Hiện nay, chỉ mới có hồ chứa nước Vực Tròn đã được kiểm định (năm 2016) còn lại chưa thực hiện kiểm định an toàn đập. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh thì Quảng Bình có 5/9 hồ (dung tích trên trên 10 triệu m3 nước), đã tích nước trên 10 năm chưa được sửa chữa, nâng cấp cần kiểm định. Có 133/141 hồ (dung tích dưới 10 triệu m3) có thời gian tích nước trên 7 năm chưa được sửa chữa, nâng cấp".

Các đoạn trích ở trên nằm trong bài "An toàn hồ đập ở Quảng Bình : Còn đó nỗi lo", phát hành ngày 10/12/2019 (2).

Nhắc lại, không như những gì mà trang thông tin điện tử Công an tỉnh Quảng Bình đã đăng hôm 30/12/2019 (nguồn đã dẫn), theo người dân tại thôn Linh Cận Sơn cho biết, họ không phản đối việc xây dựng dự án nhưng lo ngại việc xây đập thủy lợi gần nhà sẽ gây nên tình trạng lũ lụt khi có mưa lớn và có mong muốn di dời con đập của dự án này lên cách dân 5 km hoặc hạ thấp độ cao của đập.

Những năm 2010, 2013 và 2016 tại xã Quảng Sơn đều xảy ra lũ lớn. Trải qua các trận lũ lụt lớn này hầu hết những người dân trong thôn Linh Cận Sơn đều có mong muốn di chuyển con đập lên cách xa dân để an toàn hơn khi có lũ về.

Trước yêu cầu soạn thảo các phương án di dời hoặc làm nhà chống lũ để người dân có thể trú tránh trong các trường hợp khẩn cấp ở dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan, cho đến nay phía cơ quan quản lý nhà nước vẫn từ chối, với lý do được đăng trên nhiều tờ báo : "Dự án đã được các chuyên gia đầu ngành khảo sát kỹ, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất kinh doanh của bất kỳ một cá nhân, hộ gia đình nào, vì vậy, không có lý do gì chúng ta phải tính phương án di dời dân" (3).

Tuyên bố chắc nịch đó khiến không ít người nhớ đến ông Nông Đức Mạnh từng ‘hùng hồn’ (hay ‘hùng hổ’) phát biểu (4) :

"Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng thành công tốt đẹp đang mở ra một giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn nhằm sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng theo lời kêu gọi của đại hội, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta sẽ tiếp tục nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng và của dân tộc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội X của Đảng".

(Trích phát biểu của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tại lễ kỷ niệm chiến thắng 30/4, Ngày quốc tế lao động 1/5 và chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, ngày 28/4/2006)

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 03/01/2020

(1) https://conganquangbinh.gov.vn/trien-khai-du-an-thuy-loi-rao-nan-hop-long-dan-loi-ich-kinh-te-lon/

(2) https://nongnghiep.vn/an-toan-ho-dap-o-quang-binh-con-do-noi-lo-post254462.html

(3) https://www.nguoiduatin.vn/250-ho-dan-lo-dap-thuy-loi-350-ty-gay-nguy-hiem-chinh-quyen-len-tieng-tran-an-a426943.html

(4) https://tuoitre.vn/viet-nam-tro-thanh-nuoc-cong-nghiep-nam-2020-135290.htm

**********************

Lời hứa giải quyết dứt điểm khiếu kiện Thủ Thiêm năm 2019 : ‘gió thoảng, mây bay’ !

RFA, 03/01/2020

Vào ngày 5/3/2019 ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu rằng "Vấn đề Thủ Thiêm không thể giải quyết trong ngày một ngày hai nhưng dứt khoát là trong năm 2019".

pha3

Người dân bức xúc và khu đô thị mới Thủ Thiêm. RFA Edited

Tại buổi tiếp xúc cử tri Thủ Thiêm hôm ngày 19 tháng 6, ông Phan Nguyễn Như Khuê, phó đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố, cho rằng "Giải quyết chậm ngày nào là có tội với dân ngày đó, chúng tôi nhận rõ trách nhiệm của mình. Tổ đại biểu đã trao đổi liên tục với Tổng Thanh tra Chính phủ. Tôi tin là cuối tháng 6 sẽ công bố kết luận thanh tra về Thủ Thiêm".

Và trong phát biểu vào ngày 2/10/2019, bí thư thành phố Hồ Chí Minh ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định từ nay đến cuối năm 2019 thành phố sẽ tập trung giải quyết xong các vấn đề khiếu nại, khiếu kiện kéo dài liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Chúng tôi liên lạc với ông Cao Thăng Ca, một người dân Thủ Thiêm và cũng là người đại diện cho những hộ dân khiếu kiện nhiều năm, và được ông cho biết, tất cả những lời hứa của các quan chức thành phố đều là lời hứa gió bay, chưa có hứa hẹn nào được thực hiện.

"Họ không có thiện chí để giải quyết và thực hiện những lời họ đã hứa, họ hứa xong họ quên hết không nhớ mình đã hứa gì nữa. Cho nên người dân chúng tôi không còn một chút tin tưởng nào vào những người có chức có quyền trong việc giải quyết khiếu nại ở Thủ Thiêm".

Ông Ca nói thêm, hiện nay người dân Thủ Thiêm mỗi ngày càng bức xúc vì "Chính phủ cũng đã hứa giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì đối thoại và báo cáo Thủ tướng chính phủ trước ngày 1/1/2020 nhưng tới nay Thanh tra Chính phủ vẫn chưa thực hiện được. Tại sao họ không thực hiện được, vì nhóm lợi ích tại Thành phố Hồ Chí Minh không còn là nhóm lợi ích nữa mà biến thành tập đoàn lợi ích, tập đoàn tham nhũng và tập đoàn tội ác rồi như lời của ông Trần Quốc Vượng rằng không có ai mang máy bay, đạn dược, đại bác vào chống phá Việt Nam mà chỉ có mình tự phá mình mà thôi".

Người đưa ra lời hứa mà ông Cao Thăng Ca vừa đề cập đến là ông Phó thủ tướng Trương Hòa Bình.

Mục sư Nguyễn Hồng Quang, một trong những người dân khiếu kiện Thủ Thiêm hàng chục năm qua, bức xúc cho rằng các ban lãnh đạo Thành phố đã từng nói Thủ Thiêm là nhiệm vụ chính trị cuối cùng của quận 2 và thành phố trong năm 2019 nhưng đã qua đến 2020 mà vẫn không thấy gì xảy ra khiến cho sự phẩn nộ, uất ức của người dân càng bị đẩy lên cao và thất vọng hơn.

"Ngay cả tạm cư, anh nói cuối năm 2018 và chậm nhất vào tháng 1 năm 2019 nhưng nói cho sướng thôi chứ người thực hiện như ông Nguyễn Phước Hưng hay những người Ban đền bù của chính quyền thì cũng toàn là những người cũ. Chính họ đã thực hiện cưỡng chế tàn bạo, hung hãn rồi họp Hội đồng Nhân dân cũng những ông đó đứng ra nói ; hay như ông Tất Thành Cang biểu quyết về Thủ Thiêm. Không ra thể thống nào cả. Chính quyền giải quyết với người dân như vậy không biết Trung Ương có thấy hay không, hệ thống guồng máy nhân sự của mình làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước hay không chứ người dân mất niềm tin hết rồi".

Mục sư Nguyễn Hồng Quang nhắc lại cụ thể những hứa hẹn mà chính quyền đến nay vẫn chưa thực hiện :

"Họ nói không chứ không thấy hành động, ngay cả chúng tôi chưa nhận được tiền đề bù mà bị cưỡng chế không có quyết định cưỡng chế, không có quyết định thu hồi, khiếu nại gay gắt suốt hơn 20 năm qua nhưng đến nay họ không mời lên đàm phán để nói về cái gì, không có một biên bản nói về mục tiêu khiếu nại, hay kiến nghị thư giải quyết tới đâu,… Nói chung là họ không có làm gì hết, họ chỉ làm hình thức nếu có đối thoại cũng chỉ là hình thức chứ không phải thực tâm thực chất để đối thoại tìm hướng giải quyết trên nền tảng pháp lý và nguyện vọng của người dân".

Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn cho rằng sau hơn 20 năm người dân Thủ Thiêm chờ đợi thì đến nay ít nhất chính quyền cũng phải thừa nhận đã hành xử sai trong vấn đề Thủ Thiêm ; tuy nhiên cũng chỉ dừng lại ở mức độ đó thôi.

"Còn lời hứa của chính quyền về việc giải quyết như ông Nguyễn Thiện Nhân từng có những lời hứa về việc hoàn thành giải quyết từ tháng 7/2019 rồi có một vài lần nữa thêm nhưng đến nay hầu như tất cả những lời hứa chưa thực hiện được điều nào cả. Vì vậy sự trung tín của chính quyền thành phố với người dân còn nhiều giới hạn lắm. Theo như tôi biết, vấn đề lớn nhất tại Thủ Thiêm là vấn đề chi phí bồi thường cho dân, nếu như tính đúng tính đủ thì nó sẽ là một con số khổng lồ mà con số này xem ra không có nguồn nào có thể chi trả bồi thường cho người dân được, vì vậy tôi nghĩ chính quyền lúng túng ở điểm này".

Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, từ chỗ thừa nhận sai trái, chính quyền có thể làm ở mức độ là đưa các quan chức chịu trách nhiệm gây nên vụ Thủ Thiêm ra trước pháp luật để truy tố, xem xét trách nhiệm. Bời vì những công việc đó hoàn toàn nằm trong tầm tay của chính quyền trong giai đoạn hiện tại.

Ông Cao Thăng Ca khẳng định, nếu từ nay đến Tết Nguyên Đán 2020 mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không giải quyết khiếu nại của người dân thì buộc lòng họ phải lại tiếp tục kéo ra Hà Nội kêu cứu tới Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và ông Trần Quốc Vượng Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.

Ông Cao Thăng Ca cũng nói rõ cách thức mà người dân sẽ thực hiện :

"Chúng tôi sẽ đề xuất phương án nếu không trả lại nhà đất thì chúng tôi sẽ về dựng lại nhà cửa để chúng tôi ở vì không thể để nhà cửa mất vào tay những tập đoàn lợi ích như vậy. Nếu như để nhà cửa cho việc "ích nước lợi dân" thì chúng tôi cũng có thể hy sinh nhưng việc này không hề mang lại một chút nào cho lợi ích nhà nước mà chỉ vào túi tham quan thôi".

Nguồn : RFA, 03/01/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lynn Huỳnh, Trần Dzạ Dzũng, RFA tiếng Việt
Read 589 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)