Vậy ông Trọng mới là người chỉ huy tối cao đứng sau vụ đàn áp đẫm máu Đồng Tâm. Ba người công an, cảnh sát cơ động bị thiệt mạng trong biến cố được ông Trọng ban huy chương "chiến công hạng nhứt".
Quyết định truy tặng Huân chương Chiến công Hạng nhất của Chủ tịch nước ký ngày 10/01/2020 - Ảnh minh họa
Thì ra vụ "quân đội nhân dân" và "công an nhân dân" đánh úp "nhân dân" Đồng Tâm lúc 4 giờ sáng là một "cuộc chiến tranh". Bởi vì, theo qui định của pháp luật, chỉ có những chiến sĩ hy sinh trong một cuộc chiến vệ quốc mới được vinh danh, được truy tặng "huân chương chiến công hạng nhứt".
Công an, quân đội từ nhân dân mà ra, từ nhân dân mà có. Vụ Đồng Tâm, quân đội và công an theo lời của ai mà mở cuộc hành quân "đánh" nhân dân ?
Hôm qua tôi có viết ý kiến phản đối thủ tướng Phúc về việc vinh danh những người tử nạn trong vụ đàn áp Đồng Tâm (1). Tôi tưởng rằng đây là chủ trương của ông Phúc. Tôi cho rằng những người tử nạn này có thể chết vì phục vụ cho tài phiệt đỏ hay chết do thiếu chuyên nghiệp. Họ có thể chết vì cấp lãnh đạo đã đánh tráo mục tiêu. Thay vì bảo vệ và thi hành luật, họ trở thành những người "ngồi xổm" lên luật. Những người này không hề có công lao gì trong công cuộc "bảo vệ đất nước". Vinh danh họ như vậy là phỉ báng vong linh của hàng triệu anh hùng liệt sĩ vì nước quên thân.
Thực tế thì tôi viết chưa đủ. Chủ trương vụ này là ông Trọng. Ông Phúc và ông Tô Lâm, là người "đồng lõa", thừa hành.
Ông Trọng là một người cộng sản hiếm hoi có bộ mã nho nhã thư sinh, có tác phong giản dị bình dân, như một kiểu mẫu "thiên tả" của giới trí thức Tây phương thập niên 60-70.
Nhìn rồi phê phán theo bề ngoài là "lầm chết" !
Ông Trọng mới là người có đầu óc cực đoan khuynh tả, chủ trương sử dụng bạo lực để giải quyết những tranh chấp thuộc phạm vi dân sự.
Theo tôi, ông Trọng đã phạm sai lầm. Tranh chấp đất đai Đồng Tâm lưu cửu từ nhiều năm. Dân chúng ở đây đã mỏi mệt với lối giải quyết "cù nhây", lập lờ cả vú lấp miệng em của Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND Hà Nội, đại diện cho lợi ích của "nhà nước".
Bên "nhà nước" nói đất tranh chấp là đất "quốc phòng". Vấn đề là "nhà nước" không đưa ra được bằng chứng nào. Không có văn bản, cũng không có bản đồ.
Chính ông Chung đã ký cam kết với dân Đồng Tâm, nhìn nhận rõ "đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp".
Dân Đồng Tâm không ngờ là sau đó ông Chung "lật lọng".
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, người có ký tên vào giấy cam kết, nhìn nhận là điểm yếu của nhà nước là không đưa ra được văn bản, bản đồ hợp lệ chứng minh đất tranh chấp là "đất quốc phòng".
"Nhà nước" không đưa ra được giấy tờ thuyết phục, vậy giấy tờ của phía Lê Đình Kình là hợp lệ.
"Nhà nước" trở mặt, "đánh" với dân không lại trên mặt giấy tờ, "nhà nước" đánh dân bằng "luật rừng". Nhà nước của ông Trọng, ông Phúc, ông Tô Lâm, ông Chung... là nhà nước phản bội và lật lọng.
Hiện tượng dân Đồng Tâm không tin vào nhà nước trung ương, tự đứng ra tổ chức "chính quyền địa phương" để chống lại áp bức, bất công rõ ràng là mô hình "Xô viết".
Ta có thể gọi là Xô viết Đồng Tâm. Thập niên 30 thế kỷ trước, dân Nghệ An và Hà Tĩnh sau những cuộc biểu tình chống áp bức của thực dân, tự động tụ hợp lại thành lập chính quyền. Lịch sử gọi đó là "phong trào xô viết Nghệ Tĩnh".
Đảng cộng sản sống, và lớn lên nhờ bú mớn ở những bầu sữa "Xô viết". Đảng này lấy sức mạnh từ nơi người dân nổi dậy chống áp bức.
Qua vụ "Xô viết Đồng Tâm", đảng cộng sản bây giờ đã trở thành một lực lượng "nội xâm". Lực lượng này đã phản bội lại nguồn gốc của chính họ.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb :nhantuan.truong, 12/01/2020
*******************
(1) Tôi cực lực phản đối thủ tướng Phúc trong việc vinh danh những công an đã chết trong vụ cưỡng chế Đồng Tâm. Tôi ủng hộ việc làm rõ trách nhiệm, ai là cấp có thẩm quyền ra lệnh cho cuộc đàn áp này. Rõ ràng việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu chuẩn bị trong công tác đã làm cho 3 công an tử nạn.
Những người công an này, có thể chết vì "tài phiệt đỏ", hay chết oan ức vì bị cấp có thẩm quyền đánh tráo mục tiêu. Không bao giờ những người này chết vì "bảo vệ đất nước".
So sánh như vậy công lao của hàng trăm ngàn, hàng triệu người Việt đã đổ máu xuống bảo vệ đất nước, như ở biên giới phía Bắc, hay ở Gạc Ma... trở thành vô nghĩa.
Vụ "cưỡng chế" Đồng Tâm không chỉ để lộ ra sự "vô năng" của ông Nguyễn Đức Chung trong vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai lưu cữu từ năm 2017 đến nay, mà còn thể hiện sự lạm dụng quyền lực đến mức "sổ sàng" của công an Hà Nội.
Công an là người "thi hành luật" vì vậy làm gì cũng phải "chiếu theo luật mà làm".
Vụ "tấn công" nhà cụ Kình vào lúc 4 giờ sáng không phải là việc "thi hành công vụ" trong nội dung "cưỡng chế" nhằm thi hành "quyết định giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn xã Đồng Tâm".
Công vụ là những việc "công", khi "thi hành" sẽ đem lại lợi ích cho nhân quần, xã hội.
Việc đánh vào nhà cụ Kình, lý do còn chờ công an Hà Nội giải thích, nhưng việc này không hề đem lại lợi ích cho nhân quần xã hội. Vụ "đánh úp" vào xã Đồng Tâm vì vậy không thể gọi là việc "thi hành công vụ".
Công an Hà Nội đã "vi phạm luật" khi họ nại lý do "thi hành công vụ cưỡng chế đất". Đất và nhà cụ Kình không phải là đối tượng cưỡng chế.
Công an cũng vi phạm luật về cưỡng chế. Luật chỉ cho phép "thi hành cưỡng chế" từ 6 giờ sáng.
Với một lực lượng nhân viên công lực đông đảo, với sống ống, dùi cui, hơi cay... đánh vào nhà dân lúc 4 giờ sáng, công an Hà Nội đã lạm dụng quyền lực một cách tệ hại.
Kiến pháp 2003 ghi : "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý."
Đại khái được hiểu là "đất đại thuộc sở hữu toàn dân" do nhà nước quản lý".
Khái niệm này đã sai từ bản chất.
Luật của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày hôm nay đi ngược lại nội dung toàn diện các bộ luật khác của các nhà nước tiền nhiệm, từ các triều đại phong kiến cho tới nhà nước bảo hộ Pháp.
Không có bộ luật nào của Việt Nam, từ bất cứ thời kỳ nào trước đây, qui định rằng "đất đai thuộc sở hữu toàn dân" hay thuộc sở hữu của một triều đại, một vị vua chúa nào. Thời kỳ nào, chế độ nào cũng nhìn nhận và phân biệt sở hữu tư nhân và sở hữu "công" (tư điền với công điền).
Luật pháp Việt Nam hôm nay chỉ là "cái dấu ngoặc ngoại lệ" của luật Việt Nam trong suốt thời gian lập nước và mở nước của tổ tiên người Việt. Luật này phủ nhận công lao mở nước và khai khẩn đất đai của người dân, đi ngược lại tập quán của dân tộc, và nhân dân cả thế giới. Vì vậy luật này đã sai từ bản chất.
Luật này lại qui định "Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý". "Nhà nước" là ai ?
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói là "của dân do dân và vì dân" nhưng thực tế những vụ cưỡng chế đất đai cho thấy "nhà nước" này là nhà nước của "công an, quân đội", của "tài phiệt đỏ", của quan chức lộng quyền.
Nhà nước Việt Nam nhân danh đủ thứ, đại diện đủ thứ, làm đủ thứ việc. Điều mâu thuẩn trọng đại là "nhà nước" không có trách nhiệm nào, trước pháp luật, về những chuyện "nhà nước" làm sai.
Vì vậy các quan tham, các tài phiệt đỏ... núp sau lưng "nhà nước" làm những việc sai phạm, trái luật mà không có cách chi trừng phạt.
Nguồn : fb : nhantuan.truong, 11/01/2020