Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/01/2020

Ép cung, chặn tiền phúng điếu là phản ứng của một chính quyền yếu và nghèo

Nhiều tác giả

Đồng Tâm : 'Thú tội trên truyền hình' là 'ép cung', 'vi phạm pháp luật'

Quốc Phương, BBC, 17/01/2020

Ý kiến rằng, thú tội trên truyền hình, như trong vụ Đồng Tâm mới đây, là một hình thức ép cung, và người ép cung có thể bị phạt tù.

epcung1

Ông Lê Đình Công xuất hiện thú tội trên truyền hình Việt Nam sau vụ cảnh sát vào Đồng Tâm rạng sáng 9/1. Vụ việc khiến 3 cảnh sát và ông Lê Đình Kình, bố ông Công, thiệt mạng

Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nói với BBC News tiếng Việt hôm 15/1 rằng, chính quyền Việt Nam có thể đã học từ Trung Quốc hình thức thú tội trên truyền hình, và thời gian gần đây đã sử dụng chiêu thức này ngày càng nhiều hơn.

Hiện Tổ chức Defend the Defenders (DTD) đang hợp tác với Tổ chức Safeguard (SD) để thực hiện một nghiên cứu về việc 'thú tội trên truyền hình' tại Việt Nam.

Ông Vũ Quốc Ngữ nói với BBC News tiếng Việt :

"Báo cáo này là sự hợp tác giữa DTD và SD, bắt nguồn từ ý tưởng của SD, vì tổ chức này từng làm một báo cáo tương tự về 'thú tội trên truyền hình' ở Trung Quốc. SD muốn DTD cộng tác và chúng tôi thấy có lợi cho phong trào dân chủ và nhân quyền nên nhận lời ngay".

Theo ông Vũ Quốc Ngữ, "hiện tượng buộc thú tội rồi quay video để đưa lên truyền hình" đã được chính quyền Việt Nam thực hiện "từ những năm đầu thế kỷ 21".

"Hai trường hợp đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận được là luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân (năm 2007)".

"Chúng tôi không có dữ liệu về những trường hợp khác sớm hơn nếu có. Trong thời gian gần đây, có vẻ chế độ cộng sản áp dụng chiêu trò này thường xuyên hơn. Và như chúng ta đã thấy, vụ mới nhất là vào ngày 13/1/2020, bốn công dân làng Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã bị đưa lên truyền hình để thú tội".

"Việc áp dụng hình thức này nhằm mục đích tuyên truyền với dân trong nước và cộng đồng quốc tế, mục đích là để nói với cộng đồng quốc tế cũng như trong nước rằng, nhân quyền Việt Nam rất tốt, Việt Nam không giam giữ tù nhân lương tâm mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật.''

"Chúng tôi không có dữ liệu về Bắc Hàn và Cuba, nhưng báo cáo trước đây của SD thì nói khá rõ tình trạng này ở Trung Quốc, với quy mô lớn hơn và chiêu thức tinh vi hơn nhiều so với Việt Nam. Có lẽ, lực lượng an ninh ở Việt Nam đã học được những chiêu trò này từ Bắc Kinh",

'Bị cấm bởi luật pháp Việt Nam'

Theo phân tích của ông Vũ Quốc Ngữ, việc buộc thú tội trên truyền hình là một hình thức ép cung và bị cấm bởi luật pháp Việt Nam.

epcung2

Ông Trịnh Xuân Thanh đã 'ra đầu thú' và có đơn 'tự thú' trước chính quyền Việt Nam, theo truyền thông nhà nước.

Ông Ngữ trích dẫn Điều 374 của Bộ luật Hình sự (2015) : Tội bức cung. Theo đó, người phạm tội ép cung trong hoạt động tố tụng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

"Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng Hình sự (năm 2015) cũng có một số điều khoản bảo vệ nghi phạm. Như Điều 13 nói về suy đoán vô tội.

"Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật,

"Hoặc Điều 60 : Bị can có quyền "Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội", ông Ngữ cho hay.

'Vi phạm công ước nhân quyền'

Cũng theo ông Ngữ, ép 'thú tội trên truyền hình' vi phạm các công ước về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.

"Thứ nhất, việc này vi phạm quyền được xét xử công bằng. Điều 11 của Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát viết rằng : "Bị cáo về một tội hình sự được suy đoán là vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp trong một phiên xử công khai với đầy đủ bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ".

"Việc ép buộc này thường đi kèm với việc bắt giữ độc đoán, tra tấn và biệt giam. Và đây những điều này vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền. Nhiều người đã bị buộc phải thú nhận những điều mà mình không làm để giữ mạng sống của mình, như trong nhiều vụ án nghiêm trọng, ví dụ như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang", ông Ngữ dẫn chứng.

'Quốc tế cần biết đến sự vi phạm này'

Theo ông Vũ Quốc Ngữ, hình thức "thú tội trên truyền hình" có lợi ích trong ngắn hạn đối với chế độ cộng sản và là lá bài phục vụ mục đích tuyên truyền.

Tuy nhiên, việc này "có hại cho nạn nhân vì nó chính là một bản án không chính thức, ảnh hưởng đến quyết định của tòa án sau này, thường là mang tính tiêu cực cho nạn nhân. Tiếp đến, nó sẽ đi theo suốt cuộc đời của họ".

Chính vì vậy, ông Ngữ cho rằng cần chấm dứt hình thức 'thú tội trên truyền hình'. Toàn dân và cộng đồng quốc tế cần biết rõ về bản chất vi phạm pháp luật của hình thức này.

"Báo cáo sắp công bố của chúng tôi về tình trạng 'thú tội trên truyền hình' ở Việt Nam sẽ cung cấp cho cộng đồng quốc tế tình trạng cụ thể hiện nay", ông Ngữ nói với BBC News tiếng Việt qua email.

Các ý kiến khác

Trong khi đó, tác giả Phạm Toàn viết trên Facebook cá nhân rằng, không được sử dụng các lời nhận tội trên truyền hình làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Ngoài Bộ Luật Hình sự, ông Toàn cũng viết rằng, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã quy định rõ "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật".

"Điều này nói lên rằng : nếu "chưa được đưa ra xét xử tại tìa án và bị tòa tuyên là có tội" thì việc "nhận tội" của các công dân nói trên không có giá trị pháp lý. Vì rất có thể lời, nhận tội của công dân, bị can, bị cáo "không tương thích" với những chứng cứ khác của vụ án", ông Toàn phân tích.

Luật sư Luân Lê cũng có ý kiến trên Facebook cá nhân rằng, việc thú tội trên truyền hình là không đúng nguyên tắc chứng minh và kết tội.

"Nó không đảm bảo là chứng cứ để sử dụng trong vụ án, thậm chí nó còn là chứng cứ chứng minh sự vi phạm của cơ quan tố tụng tại một giai đoạn tố tụng tiếp theo nào đó. Việc thú nhận tội trên truyền hình cũng làm cho bản chất vụ án bị hiểu sai đi, việc chứng minh bị làm cho thay đổi và việc kết tội trở nên là hiển nhiên (vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội).

"Mọi chứng cứ và việc chứng minh phải qua một quá trình tố tụng và chỉ được xem xét thẩm tra trực tiếp tại phiên tòa chứ không phải là cảnh sát", ông Luân Lê viết.

Một số vụ 'thú tội trên truyền hình' Việt Nam

Mới đây nhất, hôm 13/1/2020, ba người dân thôn Hoành, trong đó con và cháu ông Lê Đình Kình, người thiệt mạng trong vụ đụng độ với lực lượng cảnh sát tại Đồng Tâm đã bị đưa lên truyền hình 'thú tội' sau biến cố cảnh sát đem quân vào làng Hoành hôm 9/1.

Năm 2019, ông Nguyễn Văn Đông - hung thủ vụ giết gia đình người em do tranh chất đất đai ở Đan Phượng, Hà Nội - cũng xuất hiện trên truyền hình, khai báo hành vi phạm tội với công an. Vụ việc này khi đó đã gây bất bình trong dư luận. Nhiều người cho rằng do công chúng phẫn nộ vì công an đã không làm gì để ngăn chặn vụ thảm sát nên tung ra video này như một cách hóa giải hình ảnh của họ trong mắt công chúng.

Năm 2018, Will Nguyễn - người Mỹ gốc Việt - cũng 'thú tội trên truyền hình' sau khi bị bắt trong thời điểm nổ ra cuộc biểu tình phản đối Formosa ở TP Hồ Chí Minh.

Năm 2017, ông Trịnh Xuân Thanh bỗng xuất hiện 'thú tội' trên truyền hình, liên quan tới vụ tham nhũng trong ngành dầu khí, sau khi có tin ông đang trốn ở Đức.

Năm 2007, luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà bất đồng chính kiến Lê Thị Công Nhân thú tội trên truyền hình.

Quốc Phương

Nguồn : BBC, 17/01/2020

*****************

Thú tội qua truyền hình : Chiêu trò của nhà nước độc tài

Diễm Thi, RFA, 15/01/2020

Với gương mặt bầm tím và nhiều vết xước trên sống mũi, ông Lê Đình Công, con ông Lê Đình Kình, người bị chính quyền cáo buộc là chủ mưu tấn công lực lượng chức năng ở Đồng Tâm hôm 9/1, thừa nhận những hành động sai trái của mình trên truyền hình Việt Nam ngày 13/1 :

"Tôi đóng xăng vô chai bia, tổng cộng được 4 két"

"Lúc đầu chúng tôi cũng ném đá, xong rồi ném bom xăng. Các lực lượng chức năng kêu gọi chúng tôi đầu hàng. Chúng tôi không đầu hàng và chúng tôi tiếp tục ném đá và bom xăng".

epcung3

Ông Lê Đình Công 'thú tội' trên VTV hôm 13/1/2020. Hình chụp lại từ VTV

Cùng thú tội việc chế tạo bom xăng, đổ xăng đốt công an còn có những người họ hàng gần khác của ông Lê Đình Kình, người đã tử nạn trong vụ công an tấn công vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội rạng sáng ngày 9/1 vừa qua.

Phóng sự này của VTV ngay lập tức vấp phải những phản ứng từ nhiều người trên mạng xã hội vì họ cho rằng đây chỉ là những lời thú tội bị cưỡng bức.

Theo thông tin từ người dân Đồng Tâm mà Đài Á Châu Tự Do nhận được, rạng sáng ngày 9/1, chính quyền Hà Nội đã huy động hàng ngàn quân có trang bị vũ khí và chó đến để bắt giữ những người dân chống đối việc cưỡng chế đất ở khu đồng Sênh thuộc xã Đồng Tâm. Người dân cho rằng đất này là đất canh tác của dân trong khi chính quyền khẳng định đây là đất quốc phòng.

Theo thông báo của Bộ Công an, vụ đụng độ đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng bao gồm 1 người dân và 3 công an, khoảng 30 người khác bị bắt giữ.

Chiều 13/1 năm 2020, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố 22 bị can với các tội danh "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ". Quyết định khởi tố này cũng trùng với những lời thú tội của các ông Lê Đình Công, Lê Đình Quang và Lê Đình Danh trên VTV vào cùng ngày.

Thế nhưng, người dân trong nước từ lâu không lạ gì với việc nhận tội tương tự vì nó xảy ra cả chục năm trước với những video "nhận tội" ; "ân hận" ; "xin được khoan hồng"… của các nhà bất đồng chính kiến như Trần Anh Kim, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định…

Đó là chuyện của một thập niên trở về trước, khi mạng xã hội chưa lớn mạnh như bây giờ, người dân không có thông tin gì khác ngoài báo chí và truyền hình trong nước. Với một thế giới được coi là phẳng như hiện nay, thông tin không chỉ gói gọn trong khuôn khổ truyền thông nhà nước thì cách đưa những video ‘thú tội’ lên truyền hình có còn tác dụng hay không ?

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng từ Hà Nội lên tiếng :

"Tôi thấy đây là một phương pháp đã ăn vào não trạng của ngành công an cũng như truyền hình. Họ sẵn sàng bất chấp mọi phương pháp với mục đích miễn sao người bị bắt nhận tội trên truyền hình. Khi làm như vậy họ cho rằng đã trấn an được dân chúng. Cách làm của VTV theo tôi là ngu ngốc và coi thường dư luận cũng như cộng đồng quốc tế".

Ông Lã Việt Dũng không tin vào những lời được cho là nhận tội này, bởi theo ông, những nông dân can trường giữ đất bao nhiêu năm, phản đối việc chính quyền cướp đất bao nhiêu năm không thể nhận tội ngay chỉ sau vài ngày bị giam giữ như vậy. Ông cho rằng, những người bị đưa ra ‘thú tội’ đã chứng kiến việc ông Kình bị bắn chết, họ bị đánh đập đến bầm tím mặt mày nên tinh thần họ bị lung lay và họ buộc phải "nhận tội".

Có thể dẫn chứng một ví dụ tháng 10/2018, trong một bức thư gửi về cho gia đình, anh Nguyễn Văn Hóa - người đang phải thụ án 7 năm tù tại Trại An Điềm, Quảng Nam về cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước - cho biết Phó giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đã đánh đập anh tại phòng cách ly của Tòa án khi anh được đưa đến để làm chứng trong phiên xử ông Lê Đình Lượng vào ngày 16 tháng 8.

epcung4

Ông Trịnh Xuân Thanh 'thú tội' trên VTV hôm 3/8/2017. AFP

Việc đánh đập xảy ra sau khi Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng phản cung tại toà, bác bỏ mọi cáo buộc mà cả hai tù nhân trẻ này cho là qui chụp nhắm vào ông Lê Đình Lượng.

Luật sư Ngô Anh Tuấn, người trợ giúp pháp lý cho người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai, nói với RFA rằng việc "nhận tội" như vậy không có nghĩa là họ "phạm tội". Ông giải thích :

"Theo như báo chí và truyền thông nhà nước đưa tin thì đại đa số họ nhận tội. Tuy nhiên việc nhận tội đó không đồng nghĩa với việc có quyền hồ đồ phán quyết họ là những người phạm tội, bởi vì vẫn có thể xảy ra oan sai trong suốt quá trình tố tụng. Thực tế ở Việt Nam các tình huống bị can, bị cáo nhận tội trên truyền hình, thậm chí nhận tội trước phiên tòa vẫn có sự oan sai".

Nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ, giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders), người được vinh danh giải Nhân Quyền & Pháp Quyền năm 2019, nói với RFA rằng chính quyền Việt Nam làm như vậy để cố chứng minh cho người dân trong nước và cộng đồng quốc tế rằng họ bắt đúng người đúng tội ; để chứng minh ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm, không có tù nhân chính trị mà chỉ có những người làm sai pháp luật. Mục đích của họ chỉ là tuyên truyền.

Ông Vũ Quốc Ngữ khẳng định cách làm của chính phủ Việt Nam rập khuôn Trung Quốc :

"Đây là cách làm bắt chước Trung Quốc !. Theo báo cáo của Tổ chức Safeguard Defenders thì đây là hình thức rất phổ biến ở Trung Quốc, đã có mấy chục nhà bất đồng chính kiến bị đưa lên truyền hình nhận tội như vậy.

Báo cáo của Tổ chức Safeguard Defenders có tên "Behind the scenes of China’s forced TV’s confessions" (Tạm dịch : Phía sau những lời thú tội trên TV) đưa ra con số 45 trường hợp thú tội trên truyền hình từ năm 2013 dến năm 2018. Báo cáo có bằng chứng cho thấy những người bị tạm giam và gia đình của họ bị đe dọa, bị tra tấn và cảnh sát chỉ đạo những lời thú tội.

Liệu có còn tác dụng ?

Ngoài việc những nhà bất đồng chính kiến, những người tranh đấu cho tự do, dân chủ trong nước bị đưa lên truyền hình với những lời ‘thú tội’, một người được đưa lên truyền hình "nhận tội" khiến người dân ngỡ ngàng là vụ ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức chính phủ bị bắt cóc từ Đức về.

Ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên VTV vào tối 3 tháng 8 năm 2017 ‘thú tội’ về việc bỏ trốn sang Đức vì ‘lo sợ trước kết luận về vi phạm và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC’. Trên truyền hình, ông Thanh cũng tỏ ra hối lỗi và nhận đầu thú. Trong khi đó, Chính phủ Đức cáo buộc tình báo Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin vào ngày 23 tháng 7 năm 2017.

Ông Vũ Quốc Ngữ cho rằng chính phủ Việt Nam vẫn có thể lừa được quốc tế nếu không có những báo cáo từ phía những người bất đồng chính kiến trong nước đưa ra. Chính vì vậy, tổ chức Defend the Defenders và Tổ chức Safeguard Defenders đang phối hợp làm một báo cáo về tình trạng ép nhận tội trên truyền hình ở Việt Nam, trong đó có cả vụ mới nhất là Đồng Tâm. Ông nói :

"Tổ chức của chúng tôi cũng như tổ chức Safeguard Defenders sẽ đưa vụ này ra quốc tế với những báo cáo rõ ràng. Chúng tôi sẽ công bố báo cáo về hiện tượng này trong vòng một vài tuần tới".

Một trường hợp nữa là tối 18 tháng 6 năm 2018, anh William Nguyễn, người Mỹ gốc Việt, bị bắt do tham gia biểu tình phản đối Luật đặc khu và An ninh mạng vào ngày 10 tháng 6, đã xuất hiện trên Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh - HTV phát biểu rằng anh lấy làm tiếc những hành động vi phạm luật Việt Nam, gây tắc nghẽn giao thông trên đường ra sân bay, gây phiền nhiễu cho người thân và gia đình.

Lúc bấy giờ AFP cho rằng hình thức thú tội được dàn dựng là phổ biến tại Việt Nam với việc những người bị cáo buộc phải công khai lên tiếng nhận tội để đổi lại một mức án nhẹ hơn.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 15/01/2020

********************

Đừng uýnh Vietcombank !

Đồng Phụng Việt, RFA, 17/01/2020

Vụ thảm sát ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội vừa phát sinh thêm một scandal : Có 688 người cư ngụ ở nhiều nơi khác nhau gửi tiền vào tài khoản cô Nguyễn Thúy Hạnh – nhờ cô chuyển giúp cho gia đình cụ Lê Đình Kình. Chỉ trong hai ngày, 688 người mà "ruột mềm" vì "máu chảy" này góp được 528 triệu (xin làm tròn số cho dễ nhớ).

epcung5

Hình minh họa. Một địa điểm rút tiền của Vietcombank ở Hà Nội - Reuters

Sáng 17/1, cô Hạnh đến một chi nhánh của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) để rút số tiền này ra giao cho thân nhân cụ Kình nhưng nhân viên VCB từ chối vì "tài khoản bị phong tỏa". Ông Huỳnh Ngọc Chênh – người tháp tùng cô Hạnh và là một nhân chứng - đã kể rất cặn kẽ về diễn biến trên facebook của ông (1).

Cũng vì vậy, người Việt đang kêu gọi nhau tẩy chay VCB. Một số người am tường lĩnh vực tài chính – tín dụng thì tình nguyện tư vấn để cả cô Hạnh lẫn những người chuyển tiền cho cô Hạnh kiện VCB. Đây rõ ràng là chuyện nên làm, thậm chí là rất cần phổ biến rộng rãi bên ngoài Việt Nam.

Các ngân hàng, các tổ chức tài chính – tín dụng quốc tế cần biết chuyện này để đề phòng và có những đối sách cần thiết, khỏi phải rước lấy những rắc rối khi thực hiện các giao dịch với VCB nói riêng và hệ thống ngân hàng tại Việt Nam nói chung. Quan hệ giữa các ngân hàng, các tổ chức tài chính – tín dụng quốc tế với những ngân hàng, tổ chức tài chính – tín dụng ở Việt Nam đâu chỉ có giúp các cá nhân chuyển – nhận tiền, còn nhiều giao dịch khác quan trọng hơn nhiều.

Xét cho đến cùng, VCB cũng chỉ là nạn nhân ! Nếu không có "lệnh", chắc VCB không hành xử càn quấy như vừa thấy. Thành ra uýnh VCB là… trật ! Đừng uýnh VCB. Phải thương và phải giúp VCB. Vấn đề là thương hay giúp đúng cách. Nhìn một cách tổng quát, thương và giúp hữu hiệu nhất, có lẽ là lưu ý thiên hạ, khi VCB nói riêng và những ngân hàng, tổ chức tài chính – tín dụng ở Việt Nam bị buộc nhắm mắt, bất chấp thông lệ, nguyên tắc chung, làm theo những mệnh lệnh kỳ quái thì chuyện gì cũng có thể xảy ra và tất nhiên các ngân hàng, hệ thống tài chính – tín dụng quốc tế rất dễ lãnh… búa trong tất cả các nghiệp vụ tài chính – tín dụng !

Qua scandal này, nếu VCB nói riêng và hệ thống ngân hàng tại Việt Nam nói chung, bị thiệt hại, họ phải đòi những kẻ ra lệnh, bồi thường thiệt hại và từ nay, nếu muốn tồn tại, phát triển, họ phải tập lắc đầu, tập nói không với những kẻ vừa ngu, vừa xấu. Còn vẫn sợ cường quyền, vẫn nhắm mắt "trao thân cho… tướng cướp" thì ráng chịu !

Tới đây ắt sẽ có người hỏi : Không uýnh VCB, chẳng lẽ bỏ qua chuyện đáng phẫn nộ vừa xảy ra ? Đâu có ai nói bỏ ! Muốn uýnh, phải uýnh chính phạm ! Từ lâu thiên hạ đã biết chính phạm độc đoán, tàn bạo, bà con cũng đã chỉ trích, tố cáo nhiều rồi nhưng có một điểm, qua chuyện phong tỏa tài khoản – giúp đỡ gia đình cụ Kình được chính phạm khắc họa thêm một lần nữa. Đó là "đuổi tận, diệt tuyệt" ! Chính phạm không chỉ diệt cụ Kình mà còn muốn bóp cho "cả lò nhà nó" chết trong đói khổ để răn những "thằng", những "con" khác !

Thật ra, trước nay, chính phạm vẫn thế. Trong nhiều phát biểu, trên vô số Kết luận Điều tra, Cáo trạng, Bản án, chính phạm từng xem việc giúp đỡ người khác hoặc nhận giúp đỡ từ người khác, không như bằng chứng buộc tội thì cũng như tình tiết tăng nặng (2). Đã bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21, bà con mình cần gom những chuyện này đi hỏi khắp thiên hạ xem có hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nào còn man rợ như thế không ? Nếu không, tại sao họ ngồi yên ? Và mình, chính mình có nên ngồi yên nữa không ?

Đồng Phụng Việt

Nguồn : RFA, 17/01/2020

Chú thích :

(1) https://www.facebook.com/ho.lytien.1/posts/10207071000371089

(2) https://www.tienphong.vn/phap-luat/bo-cong-an-bo-con-anh-em-ong-kinh-nhan-tien-tu-phan-tu-chong-doi-1509085.tpo

***********************

Đối thoại im lặng

Tuấn Khanh, RFA, 17/01/2020

Lịch sử của những cuộc quyên góp giúp đỡ ở Việt Nam, đặc biệt là đối với một người bị nhà nước Việt Nam đặt tên là "khủng bố", đã có một kỷ lục chưa từng có : chỉ hơn 2 ngày kêu gọi giúp cho gia đình ông Lê Đình Kình, đã có hơn nửa tỷ đồng gửi vào từ hàng trăm người.

epcung6

Người dân Đồng Tâm giận dữ trước đội kiểm soát quân sự. (Hình chụp qua màn hình)

Lê Đình Kình là ai ? Một cụ già 84 tuổi bị lực lượng công an hơn 3000 người bao vây nơi ông ở, tra tấn và bắn chết chỉ vì ông trước sau như một : Đất của nông dân, phải thuộc về nông dân. Nếu không có lời nhắn ra từ cụ bà thều thào trong đau đớn và mệt mỏi về hành động dũng mãnh của những "chiến sĩ" công an, không ai hình dung được cụ Kình đã ra đi như thế nào.

Nhà nước đã vận hết lực lượng truyền thông lẫn trấn áp thực tế để giải quyết hậu kỳ, chuyện bê bết của một đạo quân trang bị đáng sợ như hải chiến với Trung Quốc, đã tấn công bắt, đánh, giết… vào một ngôi làng khoảng hơn 2500 hộ dân. Sau đó, phía Nhà nước phải gồng lên, gán nhiều tội danh cho cụ già và những đứa con của ông là quân khủng bố, có trang bị gì đó và chuẩn bị hành động nguy hại đến an ninh quốc gia. Hàng chục ngàn dư luận viên, tức các thành phần tay sai về đả kích ngôn luận bất cần danh dự được lệnh tìm và diệt bất kỳ hình ảnh, bài viết, video… có cảm tình đứng về phía người dân bị cướp đất ở Đồng Tâm. Đã có những người bị bắt làm gương. Đã có những bài viết hay bình luận đã bị Đài truyền hình của công an điểm tên như tù nhân dự bị.

Phải kể như vậy, để biết rõ hơn về một cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra trong người dân. Trước bối cảnh xã hội căng thẳng, đến mức Bộ trưởng Công an phải xuất tướng chụp ảnh, làm thơ cùng cháu bé, con một công an viên té giếng qua đời, nhằm nâng tinh thần chiến sĩ cứu quốc, rồi thủ tướng phải đăng đàn nói rằng xét lại mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân... vẫn có rất nhiều người đã đứng lên, công khai tên mình để gửi tiền giúp cho một gia đình nông dân bị thảm nạn – mà từ nay chắc sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn bình yên nữa.

Trước đó, chỉ share hay like trên các trang facebook về chuyện Đồng Tâm, cũng ít người dám làm. Nhắn cho nhau về chuyện này cũng ngại bởi Nhà nước và Bộ Công an đã bày tỏ một thái độ rất quyết liệt. Ấy vậy, mà giờ thì người ta không ngại việc giúp đỡ, và cũng không ngại nói với nhau, thậm chí còn dấy lên một làn sóng tẩy chay ngân hàng Vietcombank, nơi đã phối hợp với công an để khóa, chặn không cho rút tiền những phần tiền giúp đỡ những người nông dân, và dù là phúng điếu cho đám tang cụ Kình, cũng nhất quyết không.

Lòng dân đã rõ. Họ không buồn nói đến nhà cầm quyền và những lời đe dọa. Họ hành động với mục đích cụ thể, như một đối thoại im lặng của phản kháng. 

Những bài bản hôm nay diễn ra từ phía nhà cầm quyền, rất quen thuộc với những gì đã diễn ra ở Trung Quốc. Và người dân Việt Nam cũng - rất bất ngờ - đã làm giống như những gì người dân Trung Quốc từng im lặng đối thoại với Bắc Kinh.

Năm 2011, Bắc Kinh tức giận trước thái độ phản kháng của nghệ sĩ Ngải Vị Vị (Ai Wei Wei), đã kiếm cớ phạt ông khoảng 2,4 triệu Mỹ kim, và buộc phải đóng một số lớn, nếu không sẽ bị bỏ tù. Dù Ngải Vị Vị là một nghệ sĩ tầm thế giới, nhưng số tiền đó với ông là quá sức, thậm chí quá sức tưởng tượng.

Chuyện không ngờ xảy đến, là người dân Trung Quốc lâu nay vẫn lầm lũi làm ăn, luôn cúi đầu vâng-dạ với chính quyền, bỗng im lặng cùng nhau đến góp tiền cho ông Ngải Vị Vị, giúp ông đóng mức phạt bắt buộc ban đầu. Theo ghi nhận của báo chí, có đến 20.000 người đến góp tiền trong một thời gian rất ngắn, lên đến 800.000 Mỹ kim. Dĩ nhiên giới tay sai tuyên truyền cũng được lệnh mở chiến dịch mạt sát, nguyền rủa Ngải Vị Vị là "phản động" và những ai giúp đỡ cho ông là "đu bám bọn phản động". Công an địa phương cũng cử lực lượng đến gác trước cửa để ngăn chận nguồn tiền đầy sỉ nhục với nhà cầm quyền như vậy. Sợ, nhưng người dân vẫn gửi đến. Có những người gấp tiền thành hình máy bay và ném vào nhà ông. Có những người quăng bao tiền đồng gom góp được, kèm theo dòng chữ "xin cho tôi là chủ nợ của ông".

Trở lại với làng Đồng Tâm, nơi cuộc giết người kỳ quái diễn ra, chỉ còn cách Tết Nguyên Đán Canh Tý hai tuần. Người dân Việt Nam đã quên cả việc chuẩn bị Tết bằng cách chuyền tay nhau tin tức, tự mình ra mặt đáp trả các ngôn luận hèn mạt của bọn tay sai tuyên truyền, và gửi tiền giúp cho gia đình ông Kình. Cũng giống như cách mà người Trung Quốc không muốn Ngải Vị Vị phải nợ nần gì với Bắc Kinh, hàng triệu người dân Việt Nam cũng thay nhau, dùng sự thật để đáp trả cuộc chiến nối tiếp mà thế lực nào đó đang điên cuồng chà đạp và hủy diệt người dân Đồng Tâm và cụ Lê Đình Kình.

Cuộc đối thoại đó im lặng đó, đang diễn ra từng ngày, âm thầm dữ dội trên bề mặt rất nhẹ nhàng của xã hội. Cuộc đối thoại đó giới thiệu một đất nước Việt Nam khác : Người dân vẫn mỉm cười và cúi chào nhà cầm quyền, nhưng nụ cười đó và cái cúi đầu mang nội hàm gì, thì khó mà biết được.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 17/01/2020 (tuankhanh's blog)

********************

Làm theo lệnh

Nguyễn Lân Thắng, RFA, 17/01/2020

Tôi có một cô em, quen thân từ hồi Công Hùng - hiệp sĩ công nghệ thông tin còn sống. Hồi đó lão Gió còn ở nhà, hay kéo tôi về Linh Đàm chơi với Công Hùng và đám đệ tử lít nhít ở đó. Cô bé này là tình nguyện viên, chuyên giúp đỡ cho nhóm Nghị Lực Sống. Anh em chúng tôi gặp nhau lúc ấy cũng rất vui vẻ. Chủ yếu gắn bó với nhau là vì cái tình, cái nghĩa với các bạn bị khuyết tật ở đây. 

epcung7

Một chi nhánh của Ngân hàng VietcomBank ở Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh minh họa

Bẵng đi lâu rồi không liên lạc, hôm nay tự dưng tôi bị cô ấy nhắn tin "mắng" cho một trận. Số là ngày hôm nay xảy ra một vụ việc liên quan đến Đồng Tâm. Một tài khoản mang tên chị Nguyễn Thúy Hạnh mở ở VCB đã bị phong tỏa khi nhận hơn 500 triệu từ 700 người khắp cả nước để gửi phúng viếng ông Lê Đình Kình. Ngân hàng VCB ngoài việc thông báo tài khoản bị khóa do yêu cầu của "cơ quan chức năng" đã không đưa ra bất cứ giấy tờ gì thể hiện tính hợp pháp của quyết định này. Sự việc nhanh chóng bùng nổ và gây phẫn uất rất lớn trên cộng đồng mạng. Hàng loạt người đi rút tiền. Hàng trăm thẻ ATM VCB bị chủ thẻ bẻ gẫy. Hàng chục ngàn status phản đối và kêu gọi tẩy chay hành động vô nhân tính này của VCB. Tôi cũng là một trong những người ủng hộ việc tẩy chay này, nên đã bị cô em kia vốn là nhân viên của VCB nhắn tin "mắng". Nguyên văn một đoạn chat là như thế này :

"Các khoản phong tỏa tiền là theo yêu cầu của bên CA, Ngân hàng biết deck gì mà bảo ăn cả tiền đám ma ạ...

Em chỉ nói để anh hiểu… là ko có sự chỉ đạo nào trong nội bộ VCB

Mà trước giờ bất kì yêu cầu phong tỏa nào từ công an bọn em đều phải làm

Tiền còn nguyên trong tk VCB có lấy mất đâu mà bảo bọn em dc lợi ?" - Hết trích.

Qua đoạn trao đổi ngắn này các bạn có thể hình dung ý của cô ấy là : chúng em làm theo lệnh thôi...

Vâng, làm theo lệnh. Đấy là điều hiển nhiên mà bất cứ ai nằm trong một hệ thống nào đó cũng phải tuân thủ. Nhưng cuộc đời lắm lúc không phải làm như vậy là đúng. Để tôi kể cho các bạn một câu chuyện như thế này. 

Sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt của thế chiến 2, từ những năm 1946 cho đến năm 1949, lực lượng quân đồng minh tại Đức đã bắt giữ và đưa ra tòa án quốc tế xét xử 185 tội phạm chiến tranh. Trong số nghi phạm có 22 bộ trưởng và quan chức chính phủ, 43 tướng, 26 sĩ quan và binh lính, 56 sĩ quan SS, 39 thẩm phán và bác sĩ, trong đó có 5 bị cáo là phụ nữ. Các nghi phạm này được phân loại và chia thành 12 nhóm khác nhau để xét xử riêng rẽ. Ngày 9/12/1946 tại Nuremberg đã diễn ra phiên xét xử các bác sĩ từng phục vụ cho chế độ Đức quốc xã.

Đối mặt với các cáo buộc tội ác, các bác sĩ phát xít đã lập luận rằng, họ chỉ nghe theo lệnh của cấp trên. Tuy nhiên tòa án quốc tế đã vạch mặt họ rằng, không có lệnh cưỡng ép cụ thể nào ép họ đi làm những việc tàn ác, cũng không có bác sĩ nào bị bức hại vì từ chối mệnh lệnh. Các bác sĩ phát xít này dường như được giáo dục tốt nhất, một số trong đó còn là nhà khoa học nổi tiếng. Viện cớ "tôi chỉ làm theo mệnh lệnh cấp trên" không đủ thuyết phục để biện minh cho tội ác tày trời của họ.

Kết quả là các bác sĩ này đều bị kết án hàng chục năm tù đầy. Có vài trường hợp tuy trốn thoát được một thời gian đầu, nhưng vẫn bị bắt lại sau đó. Cả cuộc đời còn lại của họ sống trong tù ngục, chui lủi, và sự phỉ nhổ của cả nhân loại.

Đó, "làm theo lệnh" là như vậy đó. Tôi muốn kể câu chuyện vừa rồi để không chỉ gửi đến những người có trách nhiệm ở VCB, mà còn đến cả những người lính ở ngành công an, ở bên quân đội... một thông điệp rằng : Bạn phải chịu trách nhiệm 100% về những hành vi mà bạn đã làm trong cuộc đời này. Nếu sau này có ai đó thoát được khỏi lưỡi gươm công lý thì cũng không thoát nổi cái mà người ta gọi là quả báo.

Tết đến rồi. 22 người Đồng Tâm bị bắt. Số tiền phúng viếng nếu đến tay gia đình là cho những người còn lại lo chuyện trong nhà. Nhà cửa bị nổ mìn phá tan hoang hết cả. Hãy thử nghĩ xem hàng bao nhiêu con người còn lại, toàn bà già trẻ con ở thôn Hoành sẽ sống như thế nào trong mấy ngày tết cổ truyền này. Ngăn chặn và tiếp tay ngăn chặn những tấm lòng hảo tâm để giúp cho họ trang trải cuộc sống ngay lúc khó khăn nhất này quả là một việc vô cùng tàn nhẫn. Đó có thể gọi là một tội ác.

Tội ác ấy rồi sau này mà bị phanh phui ra thì con cháu nhục ngàn đời không ngẩng mặt lên được. Vì mong ai rồi cũng bình an và hạnh phúc, nên tôi mới phải cảnh báo cho các bạn bằng câu chuyện ghê gớm đó.

Tôi yêu bạn

Tôi xin lỗi bạn

Hãy tha thứ cho tôi

Cảm ơn bạn

Yêu thương tất cả

Đêm ngày 23 tháng Chạp năm Kỷ Hợi

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 17/01/2020 (nguyenlanthang's blog)

*******************

Bộ Công an phong tỏa tất cả các tài khoản nhận tiền cho Đồng Tâm

RFA, 17/01/2020

Bộ Công an hôm 17/1 chính thức thông báo việc phong tỏa toàn bộ các tài khoản ngân hàng nhận tiền gửi cho người dân Đồng Tâm sau vụ đụng độ giữa công an và người dân ở xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội hôm 9/1 vừa qua.

epcung8

Hình minh họa. Bộ Công an phong tỏa tất cả các tài khoản VCB nhận tiền cho Đồng Tâm - Ảnh minh họa

Thông báo của Bộ Công an cho biết : "Để phục vụ yêu cầu điều tra, mở rộng vụ án, trong đó có hành vi tài trợ khủng bố, Cơ quan điều tra đã đề nghị các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước phối hợp rà soát, phong tỏa một số tài khoản có liên quan".

Thông báo này được đưa ra sau khi vào cùng ngày, bà Nguyễn Thúy Hạnh, chủ một tài khoản nhận tiền phúng viếng ông Lê Đình Kinh ở Đồng Tâm, được ngân hàng Vietcombank thông báo tài khoản với khoảng 500 triệu đồng dưới tên bà đã bị phong tỏa. Ngân hàng Vietcombank không nêu lý do tại sao.

Trong thông báo mới, Bộ Công an đã nêu đích danh tài khoản do bà Nguyễn Thúy Hạnh đứng tên, đồng thời cho biết Bộ Công an sẽ tiếp tục cập nhật danh sách các tài khoản nghi vấn có liên quan bị phong tỏa.

Bộ Công an đề nghị các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước không gửi tiền vào tài khoản của những người có hành vi kêu gọi tài trợ và thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng xác minh, xử lý.

Vụ đụng độ giữa hàng ngàn cảnh sát với vài chục người dân Đồng Tâm liên quan đến tranh chấp đất ở xã Đồng Tâm vừa qua đã khiến ít nhất 4 người chết bao gồm một người dân là ông Lê Đình Kình – 84 tuổi, và 3 công an. Một người dân khác bị thương trong đụng độ, 22 người khác bị bắt giữ và khởi tố về các tội giết người, chống người thi hành công vụ, sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép.

Tổ chức theo dõi Nhân quyền Quốc tế đã lên tiếng về vụ tấn công và yêu cầu chính phủ Việt Nam phải có điều tra minh bạch về vụ việc, đồng thời cho các quan sát viên nước ngoài đến Đồng Tâm. Ân Xá Quốc Tế hôm 16/1 cũng ra thông cáo lên án chính quyền Việt Nam đã tìm cách đàn áp những người đưa tin về Đồng Tâm trên mạng xã hội, đồng thời bày tỏ quan ngại về khả năng những người bị bắt giữ có thể bị tra tấn.

Sau vụ việc, đã có những kêu gọi trên mạng để quyền góp tiền phúng viếng ông Lê Đình Kình. Bà Nguyễn Thúy Hạnh, người điều hành quỹ 50k chuyên giúp đỡ các tù nhân lương tâm, đã đứng ra nhận tiền giúp gia đình ông Lê Đình Kình. Bà cho biết đã có khoảng 700 cá nhân gửi tiền vào tài khoản những ngày qua với số tiền là khoảng 524 triệu đồng.

Trong khi đó, Bộ Công an cáo buộc những người dân Đồng Tâm đã nhận tiền của các tổ chức như Việt Tân, Triều Đại Việt, chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời qua các đối tượng trong nước để gây rối. Việt Nam xếp các tổ chức này vào danh sách khủng bố dù các tổ chức này vẫn hoạt động bình thường ở Mỹ.

Đảng Việt Tân hôm 17/1 ra thông cáo lên án Bộ Công an đã vu khống đảng Việt Tân và cuộc đấu tranh của bà con Đồng Tâm. Việt Tân cam kết sẽ tham gia vào các nỗ lực vận động nhằm bảo vệ người dân Đồng Tâm.

Việt Tân đồng thời cũng quyết định thành lập Quỹ Hỗ Trợ Bà Con Đồng Tâm nhằm hỗ trợ về pháp lý và giúp đỡ những nạn nhân bị thương vong trong cuộc đàn áp vừa qua.

********************

Tài khoản quyên tiền phúng điếu cho cụ Kình 'bị Vietcombank phong tỏa'

BBC, 17/01/2020

Sáng hôm 17/1, mạng xã hội lan tràn tin tài khoản hơn nửa tỉ đồng tiền phúng điếu ông Lê Đình Kình do khắp nơi gửi về đã bị Vietcombank (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - VCB) phong tỏa.

Vietcombank chưa lên tiếng về cáo buộc này.

epcung9

Bản sao kê tài khoản quyên tiền phúng điếu cho cụ Quỳnh tại VCB

Cuối ngày, giờ Việt Nam, Bộ Công an ra thông báo viết về vụ án 'Giết người ; Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và Chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm".

Bộ này xác nhận "cơ quan điều tra đã đề nghị các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước phối hợp rà soát, phong tỏa một số tài khoản có liên quan", gồm tài khoản ở VCB của bà Nguyễn Thúy Hạnh.

Trong khi đó Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an được báo Pháp Luật dẫn lời nói với phóng viên báo này rằng quyết định phong tỏa tài khoản nói trên là vì có "dấu hiệu khủng bố".

"Như chúng tôi đã công bố, các đối tượng trong vụ việc này đã khai nhận việc quyên góp và sử dụng tiền quyên góp để mua sắm vũ khí, vật liệu nổ, sản xuất vũ khí thô sơ và đã dùng để tấn công lại lực lượng chức năng.

"Những việc như vậy có dấu hiệu của khủng bố. Pháp luật Việt Nam và các nước đều rất nghiêm khắc với khủng bố, trong đó cho phép áp dụng các biện pháp cần thiết, chẳng hạn như ngăn chặn, kiểm soát dòng tiền", Tướng Quang nói.

Tin từ người quyên tiền phúng

Trước đó, ông Trịnh Bá Phương, người trực tiếp kêu gọi việc quyên tiền phúng điếu cho cụ Kình cho BBC News Tiếng Việt biết qua điện điện thoại, đây là số tiền do gần 700 người gửi về đóng góp chỉ trong vòng vài ngày qua.

"Có rất nhiều người liên hệ và muốn gửi phúng điếu hương hoa lên hương hồn của cụ Lê Đình Kình. Ngay sau đó, tôi đã trao đổi và được gia đình đồng là sẽ đứng lên nhận giúp số tiền phúng điếu này, sau đó sẽ chuyển cho gia đình".

"Tôi nhận được sự trợ giúp của cô Nguyễn Thúy Hạnh vì cô có tài khoản VCB cá nhân, chưa sử dụng và muốn dùng tài khoản này để mọi người có thể gửi tiền đến phúng viếng cụ Kình dễ dàng hơn".

"Nhà của tôi và của cô Hạnh đều bị công an canh giữ suốt 8 ngày qua, cho mãi đến tối 16/1/2020 lực lượng công an mới rút đi. Do vậy, sáng nay, chúng tôi đã đến phòng giao dịch Thái Thịnh của VCB để rút tiền, dự tính là sẽ chuyển cho gia đình cụ Kình. Tuy nhiên, khi đến đây thì phía VCB trả lời cô Hạnh là hiện tại tài khoản nói trên đã bị phong tỏa nên không thể giao dịch như rút tiền được nữa".

Ông Trịnh Bá Phương cho biết là khi đó, VCB không đưa ra bất cứ giấy tờ nào liên quan đến quyết định phong tỏa của ngân hàng này. VCB chỉ đưa ra bản sao kê, với số tiền tổng cộng là 528,453.669 đồng từ gần 700 người thời gian qua đã gửi đến phúng viếng cụ Kình.

Ông cho biết thêm : "Khi được thông báo như vậy, cô Hạnh cũng chất vấn phía VCB, nói đây là việc hiếu, không vi phạm pháp luật và cũng không nhằm mục đích gì khác. Tuy nhiên, phía VCB không nói rõ lý do phong tỏa tài khoản mà chỉ trả lời quanh co và thông báo miệng là tài khoản đã phong tỏa mà thôi".

Ông Phương cho biết là đã đăng công khai danh sách những người gửi tiền đến viếng cụ Kình trong bản sao kê trên facebook cá nhân.

"Đây hoàn toàn là số tiền phúng viếng, của nhiều người, không chỉ trong nước mà từ khắp mọi nơi trên thế giới. Họ đã theo dõi sự việc diễn ra, xót thương cho một cụ già 84 tuổi bị sát hại và muốn chia sẻ tấm lòng lên hương hồn cụ Kình. Họ viết nguyên văn khi chuyển khoản như thế này : "Xin được chia buồn với gia đình cụ", "xin chia buồn một lão anh hùng"…"

Ông Phương cũng cho biết là đã linh cảm thấy sẽ gặp rắc rối, bởi trước đây, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một nhà tranh đấu cho dân chủ, cũng từng bị phong tỏa tài khoản.

Do vậy, trong khi bà Hạnh ra ngân hàng, ông đã làm việc với một luật sư, với dự định sẽ chuyển toàn bộ số tiền phúng điếu để nhờ luật sư giữ hộ. Luật sư này cũng sẵn sàng viết cam kết giữ hộ và bàn giao cho gia đình bất cứ lúc nào gia đình cần.

"Sau khi làm việc với luật sư xong tôi gọi cho cô Hạnh liên tục, mãi sau tôi mới liên lạc được mới biết cô Hạnh đang ở ngân hàng và tài sản đã bị phong tỏa", ông Phương nói.

epcung10

Khu đất 47,36ha phía Đông đã được bàn giao cho chính quyền, sau này là quân đội từ 1981. Người dân nói đất phía tây mốc giới là đất nông nghiệp vì chưa có quyết định thu hồi, trong khi chính quyền nói đó là đất quốc phòng

"Không điều luật nào cấm người dân gửi tiền phúng viếng người đã khuất. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của VCB và của lực lượng đứng sau chỉ đạo việc này". Ông nói.

"Chúng tôi đã công bố bản sao kê cho mọi người để đối chiếu và tham khảo một số luật sư để tiến hành thủ tục khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật nói trên của VCB. Chúng tôi cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế gây sức ép để VCB và chính quyền Việt Nam chấm dứt những hành vi vi phạm pháp luật như trên", ông Phương nhấn mạnh.

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh viết trên trang Facebook cá nhân :

"Do thúc bách từ bà con cả nước muốn đi dự đám tang và phúng điếu cho cụ Kình nhưng bị nhà cầm quyền ngăn cấm, cháu Trịnh Bá Phương, nông dân Dương Nội là con trai của cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu đã đứng ra sẵn sàng nhận giúp tiền phúng điếu của bà con. Do tài khoản của cháu Phương bị đặt vào tình trạng nguy hiểm, nên cháu nhờ gởi vào tài khoản VCB của Nguyễn Thúy Hạnh.

Chỉ sau hai ngày công bố tài khoản nhận phúng điếu, đến chiều ngày 14/1 thì thông báo ngưng, mà đã có 688 người gởi tiền đến phúng điếu đám tang cụ Kình, kể cả hai ngày 15 và 16 sau khi ngưng vẫn còn nhiều người gởi đến.

Từ những số tiền bé nhỏ 100 ngàn đồng lên đến 500 ngàn, 1 triệu, và lớn nhất là 20 triệu của 688 người đã gom thành một khoản khá lớn là 528.453.669 đồng.

Sau 8 ngày bị giam chặt tại nhà, đến sáng ngày 17/1, gia đình tôi mới được giải tỏa, tôi đưa Nguyễn Thúy Hạnh đến chi nhánh VCB Chương Dương để rút tiền.

Nhìn thấy số tài khoản của Nguyễn Thúy Hạnh, nhân viên giao dịch vào hỏi ý kiến quản lý cấp trên rồi ra thông báo tài khoản đã bị phong tỏa. Nguyễn Thúy Hạnh truy hỏi lý do nhiều lần, nhưng nhân viên không trả lời, chỉ cho biết bị phong tỏa nên không cho rút tiền. (Quá trình này, do đứng cạnh bên Nguyễn Thúy Hạnh nên tôi có ghi âm và hình ảnh lại đầy đủ).

Nguyễn Thúy Hạnh xin bảng sao kê rồi ra về và đang làm những thủ tục tiếp theo để khiếu kiện VCB.

688 người gởi tiền phúng điếu khi được biết tin cũng đang làm thủ tục khiếu nại VCB".

Phản ứng dư luận

Mạng xã hội hiện đang ồn ào bàn tán sự kiện này, và một phong trào kêu gọi tẩy chay Vietcombank đã được nhanh chóng phát động và lan nhanh. Facebooker Đinh Thảo viết :

"'Sự việc VCB phong tỏa tài khoản của cô Nguyễn Thúy Hạnh khi nhận tiền phúng viếng cụ Kình mà không kèm theo bất cứ lời giải thích thỏa đáng nào cho thấy VCB đã không đặt sự an toàn tài chính của khách hàng lên hàng đầu và hành xử một cách tuỳ tiện".

"Hành động này hoàn toàn trái pháp luật, trái đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong ngành ngân hàng. Không những thế, nó gây tổn thất tài sản cho khách hàng.

"Trong trường hợp nêu trên của cô Hạnh, tổn thất ở đây không chỉ có cá nhân cô, gia đình cụ Kình mà còn là toàn bộ những người đã gửi tiền đóng góp trong những ngày vừa qua. Những cá nhân liên quan hoàn toàn có thể khởi kiện VCB vì hành vi sai trái này".

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn kêu gọi "Vietcombank nên nghĩ lại" trên Facebook cá nhân.

"Có thể VCB rằng với vị thế là ngân hàng lớn nhất Việt Nam, rủi ro bị tẩy chay là không cao, nên mới sẵn sàng ra quyết định tệ hại như vậy.

Song có vài chuyện có thể VCB chưa tính tới. Hiện nhà nước chỉ chiếm hơn 70% cổ phần của VCB, còn lại thuộc về các cổ đông chiến lược quốc tế, trong đó Mizuho (Nhật Bản) chiếm 15%.

Trong khi đó, vụ việc Đồng Tâm bắt đầu gây được sự chú ý của các tổ chức nhân quyền và báo chí quốc tế".

Luật quy định ra sao ?

BBC News Tiếng Việt đã gọi điện thoại đến VCB phòng giao dịch Thái Thịnh, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, người trả lời điện thoại nói rằng, họ không thể cung cấp thông tin gì liên quan đến chuyện này và yêu cầu BBC đến liên hệ trực tiếp với hội sở chính của VCB ở 198 đường Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo Nghị định 64 Về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán của Chính phủ Việt Nam (năm 2001) thì tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền có trên tài khoản trong các trường hợp sau :

- Khi có thỏa thuận giữa chủ tài khoản và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ;

- Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ;

- Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

******************

500 triệu đồng phúng điếu ông Lê Đình Kình bị Vietcombank phong tỏa

RFA, 17/01/2020

Sáng ngà 17/1/2020, ngân hàng Vietcombank thông báo phong tỏa số tiền hơn 500 triệu đồng Việt Nam của khoảng 700 cá nhân gửi vào tài khoản của bà Nguyễn Thúy Hạnh ở Hà Nội dùng để phúng viếng ông Lê Đình Kình mà không nêu lý do.

epcung11

Hình minh họa. Trụ sở của Vietcombank ở Hà Nội - AFP

Ông Lê Đình Kình là người đã thiệt mạng trong vụ đụng độ giữa công an và người dân ở xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, hôm 9/1 vừa qua.

Bà Hạnh thuật lại vụ việc qua điện thoại như sau :

"Sáng nay tôi ra lĩnh (tiền) thì họ loay hoay rất là lâu, họ gọi điện đến chỗ nọ, chỗ kia xong rồi họ mới trả lời mình là tài khoản của chị bị phong tỏa. Hỏi nguyên nhân vì sao thì họ không trả lời. Đấy là ở Ngân hàng Vietcombank chi nhánh đường Thái Thịnh, số tiền khoảng 524 triệu".

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gọi điện cho ngân hàng Vietcombank chi nhánh Chương Dương để hỏi về vụ việc, tuy nhiên nhân viên ngân hàng từ chối cung cấp thông tin lấy lý do là bảo mật thông tin khách hàng.

Trước đó, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương viết trên Facebook cá nhân kêu gọi người dân gửi tiền phúng điếu cho gia đình ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, một thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm bị cảnh sát cơ động bắn chết trong vụ đụng độ ngày 9/1/2020.

Hàng trăm người đã gửi tiền vào một tài khoản khác của bà Nguyễn Thúy Hạnh, người điều hành quỹ 50K chuyên giúp cho tù nhân lương tâm cho đến khi xảy ra vụ việc.

Nhận xét về việc này bà Hạnh cho rằng bà không phải là tội phạm, việc phong tỏa tài khoản ngân hàng của bà là việc làm chà đạp lên nhân quyền và đây còn là số tiền để phúng điếu một công dân vừa mới qua đời.

Năm 2011, ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank từng phong tỏa tài khoản với số tiền 50 triệu đồng của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng (đã qua đời năm 2019) theo lệnh của Bộ Công an.

Đến năm 2015, sau nhiều lần phản đối ngân hàng Vietcombank buộc phải trả lại số tiền này cho ông Nguyễn Thanh Giang.

Theo Nghị định 64/2001/NĐ-CP thì tài khoản tiền gửi phong tỏa là tài khoản tiền gửi thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ khi có thỏa thuận giữa chủ tài khoản và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ; hoặc có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Vụ đụng độ giữa công an và người dân ở Đồng Tâm vừa qua liên quan đến một lô đất tranh chấp đang gây chú ý trong dư luận. Theo thông báo của Bộ Công an, đã có ít nhất 4 người thiệt mạng trong vụ đụng độ và hơn 20 người khác bị khởi tố về các tội giết người, chống người thi hành công vụ, sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Phương, Diễm Thi, Đồng Phụng Việt, Tuấn Khanh, Nguyễn Lân Thắng, RFA tiếng Việt, BBC tiếng Việt
Read 470 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)