Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/01/2020

Thế giới (và Việt Nam) đã sa vào bẫy nợ Trung Quốc như thế nào ?

Nhiều tác giả

Con đường tơ lụa hay con đường bẫy nợ - Từ câu chuyện của Myanmar đến Việt Nam

Hoàng Gia Phúc, RFA, 19/01/2020

Chuyến thăm của ông Tập đến Myanmar

Ngày 17/1/2020, ông Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức đến Myanmar - quốc gia thuộc ASEAN. RFI cho biết có hai dự án quan trọng được đề xuất trong chuyến thăm này, đó là: Bắc Kinh đề nghị xây dựng một hành lang kinh tế Trung Quốc-Miến Điện (CMEC) với một cảng nước sâu 1,3 tỉ đô la tại Kyaukphyu ở bang Rakhine, mở lối vào Ấn Độ Dương cho Trung Quốc. Một dự án lớn khác có thể được bàn bạc trong dịp này, đó là đập thủy điện 3,6 tỉ đô la ở Myitsone, bang Kachin. Với chuyến thăm này của ông Tập, Myanmar thể hiện quyết tâm tiến sâu vào quan hệ với Trung Quốc trong Dự án Con đường tơ lụa mới. Dự án này là một phần trong Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) do ông Tập khởi xướng từ 2013.

myanmar1

Hình minh họa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Myanmar baf Aung San Suu Kyi bắt tay tại Dinh Tổng thống ở Naypyidaw hôm 18/1/2020 - AFP

Vai trò địa chính trị của Myanmar

Myanmar là một mắt xích quan trọng trong chiến lược vươn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Tầm quan trọng của Myanmar bắt đầu từ vị trí địa chính trị của quốc gia này. Myanmar là một trong các quốc gia có biên giới trên đất liền giáp với Trung Quốc. Với học thuyết quốc phòng của Trung Quốc, Trung Quốc muốn chi phối được Myanmar để tạo ra một vùng đệm, bảo vệ sự an toàn của Trung Quốc trước sự tấn công của các cường quốc khác. Mặt khác, Myanmar lại có đường thông ra vịnh Bengal. Đây là vị trí tuyệt vời để Trung Quốc có thể thiết lập một đường ống dẫn dầu chạy từ vịnh Bengal thông qua Myanmar tới Côn Minh (Trung Quốc).

Các học giả hay nhắc tới vị trí hiểm yếu của eo biển Malacca, vốn nằm giữa Singapore và Malaysia. Khoảng 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua eo biển này. Lượng dầu mỏ dự trữ của Trung Quốc chỉ đủ cho một tháng sản xuất, do đó, Trung Quốc lo ngại rằng, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tuyến năng lượng này, mà eo biển này đang có sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ và đồng minh. Chính vì vậy, Trung Quốc phải chủ động an ninh năng lượng, và vì thế, Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng các đường ống dẫn dầu đến Trung Quốc, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào tuyến vận chuyển Malacca. Trong bối cảnh đó, Myanmar có vai trò quan trọng đối với Trung Quốc là như vậy.

Thêm nữa, Myanmar là một quốc gia thuộc ASEAN. ASEAN lại hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận. Myanmar lại gần như không có lợi ích gì ở biển Đông. Vì thế, kéo được Myanmar về phía mình là "lợi cả đôi đường" cho quốc gia muốn "xưng hùng xưng bá" ở biển Đông.

Myanmar và BRI

Myanmar vừa bước ra khỏi giấc ngủ triền miên dưới thời chế độ quân sự độc tài, hà khắc. Myanmar cần rất nhiều vốn và dự án để phát triển hạ tầng, "đánh thức nàng công chúa ngủ quên" bấy lâu nay. Vì thế, chính quyền Myanmar hiện thời đang tìm thấy ở Trung Quốc một nhà đầu tư giàu có và hào phóng. Điều đó đã thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia lên mức cao hơn.

Tuy nhiên, có quá nhiều chuyện phải bàn về câu chuyện đầu tư từ Trung Quốc. Đã có rất nhiều quốc gia châu Á và châu Phi vướng phải "gánh nặng nợ nần" từ các dự án có sự tham gia của Trung Quốc. Một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Toàn cầu cho biết có 23 quốc gia nằm trong danh sách mắc rủi ro cao bởi "bẫy nợ" từ Trung Quốc, 8 quốc gia trong số đó đang mắc phải "gánh nặng nợ nần" với Trung Quốc.

Giống như đa phần các quốc gia ASEAN lục địa khác, Myanmar cũng có một thể chế với sự quản trị thiếu minh bạch, cộng với sự tham nhũng, nên các dự án với Trung Quốc sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những bất công tồn tại.

Cũng giống như đã làm với Lào, các nhà đầu tư Trung Quốc đang khuyến khích Myanmar xây các dự án thủy điện. Dự án mà trong chuyến đi này ông Tập sẽ đề cập tới là dự án đập thủy điện 3,6 tỉ đô la ở Myitsone, bang Kachin. Tập đoàn quân sự cầm quyền trước đây đã ký với Tập Cận Bình năm 2009, nhưng dự án đã phải ngưng lại do bị dân chúng chống đối. Một khi con đập được xây dựng thì cả một vùng có diện tích bằng đất nước Singapore sẽ bị chìm dưới lòng nước, gây ra những thiệt hại vĩnh viễn cho dòng sông Ayeyarwady và những xáo trộn về môi trường mà khó lòng dự đoán được.

myanmar2

Hình minh họa. Hơn một ngàn người Myanmar biểu tình đòi chính phủ chấm dứt hẳn việc xây dựng đập Myitsone ở Myitkyina, thủ phủ của bang Kachin hôm 7/2/2019 AFP

Các quốc gia phát triển bây giờ đã quá hiểu cái giá phải trả cho các đập thủy điện. Lợi ích thì chỉ một số người được hưởng, còn lại thì chịu thiệt hại rất nhiều về môi trường và tái định cư.

Các chuyên gia Myanmar đã khuyến nghị chính quyền Myanmar những vấn đề sau khi tham gia BRI của Trung Quốc:

Một là phải cải tổ lại ủy ban Phụ trách BRI của Myanmar. Không để ủy ban này đặt dưới quyền của một người hoặc một nhóm cho dù dưới sự chỉ đạo của bà Aung San Suu Kyi. Mà ủy ban này phải có các thành viên là các chuyên gia trong các thinktank và các thành viên của các tổ chức xã hội dân sự. Các chuyên gia trong các thinktank là những người có đầy đủ kiến thức chuyên môn, am hiểu về vấn đề. Các thành viên của tổ chức xã hội dân sự tham gia nhằm giám sát, tạo sự minh bạch, công khai trong các hoạt động.

Hai là công khai tất cả các thông tin về các dự án. Tất cả các hợp đồng được ký kết ra sao ? Giá cả nguyên vật liệu và nhân công thế nào ? Tiến độ cam kết của dự án tới đâu ? Tất cả những thông tin đó cần công khai cho công chúng biết và theo dõi.

Ba là tất cả các dự án phải được đặt trên lợi ích của đất nước Myanmar. Myanmar cần xây dựng một khung khổ pháp lý rõ ràng và minh bạch để việc tiến hành các dự án không gặp các trở ngại không cần thiết.

Trông người lại ngẫm đến ta

Những khuyến nghị của các chuyên gia Myanmar cũng đúng với trường hợp Việt Nam. Việt Nam đã và đang vướng vào vòng "bẫy nợ" của Bắc Kinh. Việt Nam đang là quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất từ ảnh hưởng của các con đập của hai quốc gia trên thượng nguồn Mekong là Trung Quốc và Lào. Tuy nhiên, thay vì có chính sách rõ rệt để ứng phó, thì chính quyền Việt Nam đang để mặc cho người dân Đồng bằng sông Cửu long tự xoay sở. Người dân Việt Nam còn bất mãn hơn khi mới đây được biết một công ty Việt Nam là PetroVietnam Power Corporation sẽ là một bên tham gia xây đập Luang Prabangvới Lào. Con đập này sẽ cùng với nhiều con đập khác trên thượng nguồn góp phần "giết chết" Đồng bằng sông Cửu long.

Chúng ta nên biết, các tài liệu quan trọng của Đảng Cộng sản luôn đánh giá vai trò quan trọng của lực lượng nông dân Việt Nam, vì đây là lực lượng đông đảo nhất của xã hội Việt Nam. Cho nên, nếu để mặc cho nông dân "chết dần" như vậy, chính quyền Việt Nam sẽ nguy khốn khi "người nông dân nổi dậy".

Hoàng Gia Phúc

Nguồn : RFA, 19/01/2020

*****************

Bẫy nợ và ảnh hưởng Trung Quốc

Trung Lâm, VNTB, 18/01/2020

Thế nhưng, câu chuyện hợp tác tiếp tục diễn ra… và bẫy nợ tiếp tục giăng trên đầu mỗi quốc gia, đặc biệt là Việt Nam.

bayno2

Đảo quốc Maldives lâm vào các khoản nợ khổng lồ trị giá 1,4 tỷ Mỹ kim đối với Trung Quốc.

Cảnh báo đó vẫn chưa đủ với Lào, Campuchia, Myanmar, những quốc gia vẫn đang bất chấp các khoản nợ trong tương lai để tiếp tục thiêu thân vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Việt Nam, quốc gia đang "dè chừng" với các khoản đầu tư của Bắc Kinh, một phần do áp lực của dư luận xã hội. Mặc dù, vào tháng 11-2017, hai nước đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường".

Trong buổi lễ công bố ‘Báo cáo phát triển Việt Nam (VDR) 2019 : Việt Nam – Kết nối vì phát triển và thịnh vượng chung’, vào ngày 15/1/2020, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện. WB cảnh báo Việt Nám sẽ đối mặt với nhiều thách thức nếu như không giải quyết về hạ tầng kết nối. Và một lần nữa, "Sáng kiến Vành đai và Con đường" được nhắc đến.

Điều đó cho thấy, ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên khi mà thương mại phát triển. Bất chấp, Dự án "Vành đai và Con đường" đầy tham vọng của Trung Quốc đã được triển khai vào năm 2013, và kết quả của nó cũng làm dấy lên mối lo ngại về ý định của Bắc Kinh trong việc nhốt các quốc gia vào bẫy nợ.

Trung Quốc đã liên tục gây áp lực tranh chấp trên biển ở Biển Đông trong thời gian gần đây.

Bằng nguồn lực tài chính dồi dào, Trung Quốc đưa một số quốc gia trở thành đồng minh của mình.

Trung Quốc vừa qua đã đứng về phía Pakistan sau khi hầu hết các thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủng hộ quan điểm của Ấn Độ rằng tranh chấp Kashmir là song phương và yêu cầu hai nước láng giềng phải giải quyết. Trung Quốc là quốc gia duy nhất sát cánh cùng Pakistan khi nước này bị Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF) liệt vào danh sách "xám" gồm các nước thiếu sự kiểm soát chặt chẽ về việc chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Trong một ví dụ khác, nhóm tàu Trung Quốc đã vào vùng Natuna đầu tháng này để thách thức chủ quyền của Indonesia. Và tại một số thời điểm, có tới 50 tàu đang ở vùng biển Indonesia.

Một ví dụ thứ ba là quan hệ Úc-Trung, căng thẳng đã nổi lên giữa hai quốc gia do những cáo buộc rằng Bắc Kinh đã thực hiện các cuộc tấn công mạng và cố gắng can thiệp vào công việc nội bộ của Canberra.

Dù có sự xói mòn thiện chí giữa nhiều nước láng giềng và các quốc gia khác đối với Bắc Kinh. Dù vậy, Trung Quốc vẫn hình thành ảnh hưởng trên thế giới.

Số lượng các quốc gia hiện tại có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, chỉ còn 20, so với 30 nước vào năm 2018.

Một ví dụ điển hình khác là trong một lá thư do 22 quốc gia đồng ký tên gửi Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc kêu gọi Trung Quốc chấm dứt chương trình giam giữ khổng lồ tại Tân Cương năm ngoái, đã xuất hiện một lá thư tương tự của 37 quốc gia khác, với nội dung bảo vệ chính sách của Trung Quốc.

Bức thư 37 nước đánh đồng sự phản đối của các quốc gia đối với vấn đề nhân quyền tại Tân Cương là "chính trị hóa nhân quyền" và nhắc lại luận điểm của Trung Quốc về cái mà Bắc Kinh gọi là "trung tâm giáo dục và đào tạo nghề".

Trung Quốc ngày nay là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, điều mà Bắc Kinh đang cố gắng thể hiện là cung cấp sự trợ giúp hoặc hỗ trợ các khoản vay giá rẻ. Và sau đó, cũng như Việt Nam, sẽ gặp rắc rối với Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, hoặc bị bắt nạt tại Biển Đông. Thế nhưng, câu chuyện hợp tác tiếp tục diễn ra… và bẫy nợ tiếp tục giăng trên đầu mỗi quốc gia, đặc biệt là Việt Nam.

Trung Lâm

Nguồn : VNTB, 18/01/2020

*******************

Việt Nam đã vướng vào "bẫy nợ" của Trung Quốc như thế nào ?

Trần Thảo Vy, RFA, 17/01/2020

Chính sách ngoại giao bẫy nợ là gì ?

Trong Chiến lược Quốc phòng Quốc gia năm 2018 của Hoa Kỳ, phía Hoa Kỳ đã cảnh báo là Trung Quốc đang sử dụng chính sách "kinh tế cưỡng đoạt" để nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược tại khu vực Châu Á cũng như trên toàn cầu [1] . Một trong những hình thức của chính sách "kinh tế cưỡng đoạt" đó chính là chính sách "ngoại giao bẫy nợ" được giăng ra với các nước đang và chậm phát triển.

bayno1

Hình minh họa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nâng cốc tại Hà Nội hôm 5/11/2015 - AFP

"Chính sách ngoại giao bẫy nợ" được một số nhà nghiên cứu của Trường đại học Harvard giải thích "là một kỹ nghệ đang được Trung Quốc gia tăng áp dụng để tận dụng các khoản nợ cộng dồn lại, từ đó đạt được các mục tiêu chiến lược mà Trung Quốc đã đặt ra" [2]. Theo đó, có 3 mục tiêu chiến lược quan trọng mà các "bẫy nợ" của Trung Quốc giăng ra để đạt được, đó là : 1) Thiết lập trên thực tế chiến lược "chuỗi ngọc trai" để có thể chi phối được khu vực Châu Á ; 2) Làm suy yếu mạng lưới đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, để Trung Quốc có thể nắm ưu thế tại biển Đông ; 3) Hỗ trợ Hải quân Trung Quốc vượt qua Chuỗi đảo thứ nhất để có thể vươn ảnh hưởng ra khu vực Thái Bình Dương.

Cách thức thực hiện chính sách "ngoại giao bẫy nợ" này được Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Rex Tillerson tóm tắt : "Khuyến khích sử dụng các hợp đồng không rõ ràng, thực hiện các khoản vay mang tính chất cưỡng đoạt, đi đến các thỏa thuận bằng các phương cách tham nhũng, từ đó đẩy các quốc gia vay mượn lún sâu vào nợ nần, từ đó họ phải bán rẻ chủ quyền của chính họ…" [3].

bayno2

Một nhóm người Srilanka đang đứng nhìn tàu nạo vét của Trung Quốc hoạt động ở cảng Hambantota hôm 25/3/2010 Reuters

Báo chí gần đây nhắc đến trường hợp nhiều quốc gia vướng phải bẫy nợ phải bán rẻ chủ quyền cho Trung Quốc như trường hợp Srilanka đối với việc phải bắt buộc cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota với thời hạn 99 năm, sau khi không trả nổi món nợ khổng lồ từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, câu chuyện Việt Nam lại gần như không được nhắc tới như các "nạn nhân" của chính sách "kinh tế cưỡng đoạt" này của Trung Quốc.

Việt Nam vướng vào "bẫy nợ" của Trung Quốc

Mặc dù báo chí nước ngoài không nhắc tới, báo chí Việt Nam thì không được phép nhắc tới việc này, nhưng chúng ta có thể tìm hiểu để thấy được thực sự Việt Nam đã và đang trở thành "nạn nhân" của chính sách này hay không.

Với vị trí là một quốc gia có bờ biển chạy dọc biển Đông, Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong các quốc gia ven biển Đông, và Việt Nam cũng đang là một bên "cứng đầu" chống lại tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông. Chính vì vậy, các quan hệ ngoại giao hay kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc cũng không thể tách ra khỏi bối cảnh này. Và vì thế cũng không có chuyện, Trung Quốc chỉ áp dụng chính sách "ngoại giao bẫy nợ" với các quốc gia khác, mà hơn hết, Trung Quốc hiểu rằng khó có thể dùng biện pháp quân sự với Việt Nam, nhưng dùng các "biện pháp kinh tế cưỡng đoạt" thì dễ hơn nhiều.

Báo chí Việt Nam gần đây đang xôn xao về một loạt sự kiện liên quan đến các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Trong khuôn khổ bài báo này, sẽ điểm một số trường hợp cụ thể để xem xét. Tiêu biểu là trường hợp tuyến đường sắt nội ô Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội ; Dự án đường sắt Lào cai - Hà Nội - Hải Phòng ; Nhà máy đạm Ninh Bình và Nhà máy gang thép Thái Nguyên.

1. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Tuyến đường sắt này thực hiện từ khoản vay 250 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, do Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu thi công. Dự án này khởi công từ năm 2011 và đến nay vẫn chưa thể vận hành, nhưng đã đến hạn phải trả tiền lãi cho Ngân hàng Trung Quốc khoảng 650 tỉ đồng/ năm [4].

bayno3

Hình minh họa. Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội AFP

2. Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải phòng

Cuối/11/2019, dư luận Việt Nam rộ lên việc Bộ giao thông vận tải Việt Nam đang triển khai lập kế hoạch chi tiết cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Thông tin từ báo chí cũng cho biết là Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng tài trợ số tiền 10 triệu nhân dân tệ, tương đương 33,4 tỉ đồng để khảo sát lập quy hoạch cho dự án này. Các nhà nghiên cứu cho rằng, tuyến đường sắt này thực sự không đáp ứng nhu cầu đi lại cùa người dân mà chiếm vốn đầu tư ban đầu lên tới khoảng 100.000 tỉ đồng là quá phung phí. Chưa kể như người phương Tây hay nói "không có bữa trưa nào là miễn phí" để giải thích việc không phải bỗng dưng mà phía Trung Quốc "cho không" hơn 33 tỉ đó.

3. Nhà máy đạm Ninh Bình

Theo phân tích của các chuyên gia thì nhà máy Đạm Ninh Bình đang phải gồng mình trả khoản nợ 5.000 tỷ đồng với lãi suất 4%/năm cho Ngân hàng Eximbank Trung Quốc. Và nguồn vốn mà Chính phủ Trung Quốc cho phía Việt Nam vay đầu tư nhà máy Đạm Ninh Bình thông qua Eximbank không phải là vốn ODA.

Theo thông lệ quốc tế, ODA là hình thức cho vay đặc biệt bởi tính lợi nhuận không cao, nó là các quan hệ hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển. Các nước đi tiên phong thường viện trợ hoặc cho các nước chậm phát triển vay ưu đãi, hỗ trợ họ nhanh chóng ngang bằng với các nước khác ở nhiều phương diện nhằm tạo ra một hệ thống phát triển tương đồng hơn.

Nhưng khi vay tiền của Exim bank Trung Quốc, một trong những điều kiện của họ là Việt Nam phải sử dụng nhà thầu của họ.

Tờ báo Đất Việt cho biết : "Ban đầu phía Việt Nam tưởng có lợi khi được vay với lãi suất 4%, dù không thấp nhưng vẫn rẻ hơn so với vay thương mại, tuy nhiên nó lại đi kèm với điều kiện phải sử dụng nhà thầu Trung Quốc, dùng máy móc, thiết bị thay thế của Trung Quốc...

Đó là những ràng buộc khiến bên đi vay "sập bẫy" và khi ấy công cụ tài chính của Trung Quốc đã vượt khỏi mục tiêu kinh tế đơn thuần. Đằng sau đó là vấn đề chính trị, nền móng của sự phát triển. Quan hệ giữa hai bên cũng không phải là hai đối tác bình thường, sòng phẳng và bình đẳng trong nền kinh tế thị trường, giữa người cho vay và bên đi vay nữa mà nó đã mang tính chất giữa hai chính phủ, hai quốc gia" [5].

4. Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thài Nguyên giai đoạn 2

Thông tin về dự án này trên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh như sau : "dự án này được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2005 ; giao VNS tổ chức thẩm định, xem xét phê duyệt ; Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là chủ đầu tư.

Tổng mức đầu tư được Hội đồng quản trị VNS phê duyệt là 3.843 tỉ đồng, gồm hai gói thầu chính : (1) Gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán là 224 tỉ đồng ; (2) Gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim (143 triệu USD, sau là 160,9 triệu USD) đấu thầu rộng rãi, Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá 160,9 triệu USD.

Sau ký hợp đồng, MCC đã được tạm ứng 35,6 triệu USD ; tiếp đó TISCO và MCC ký 10 phụ lục điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng của hợp đồng EPC đã ký.

Ngày 15/5/2013, chủ tịch Hội đồng quản trị TISCO ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là hơn 8.100 tỉ đồng (tăng 4.200 tỉ đồng), thời gian thực hiện đến hết năm 2014 đi vào hoạt động. Thực tế, gói thầu EPC đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành.

bayno4

Hình minh họa. Dự án mở rộng ở nhà máy Gang Thép Thái Nguyên Courtesy of toquoc.vn

TISCO đã thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị là 4,737 tỉ đồng, vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD (42 xe ô tô là 1,033 triệu USD, năm đầu máy toa xe là 5,4 triệu USD…)" [6].

Sai phạm tại dự án này cũng liên quan tới nhà thầu Trung Quốc, đã khiến ông Hoàng Trung Hải - đương kim Bí thư thành uỷ Hà Nội, Cựu phó thủ tướng đã bị chịu án kỷ luật.

Một báo cáo của Bộ kế hoạch đầu tư Việt Nam năm 2018 cho biết : "trong số 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công thương, có đến 4 dự án là sử dụng vốn vay từ Trung Quốc. Trong đó, nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ, bị đội vốn lên tới 10.000 tỷ đồng ; nhà máy Đạm Hà Bắc đội vốn lên hơn 10.000 tỷ đồng ; dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên bị đội vốn từ hơn 3.800 tỷ đồng ban đầu lên hơn 8.100 tỷ đồng ; dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và Nhà máy Gang thép Lào Cai bị đội vốn gấp đôi từ 175 triệu USD lên hơn 335 triệu USD" [7].

Các khoản vay từ Trung Quốc "lãi suất cao hơn gấp rưỡi hoặc gấp 2 lần so với các thị trường khác ; điều kiện vay kém ưu đãi ; yêu cầu chỉ định thầu cho các công ty Trung Quốc ; các dự án cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện thường xuyên bị chậm tiến độ, đội vốn…"[8]

Kết luận

Qua khảo sát 4 trường hợp mà báo chí Việt Nam nêu gần đây đã cho thấy, các cảnh báo từ phía các nhà nghiên cứu và chính khách Hoa Kỳ về "chính sách ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc là hoàn toàn có cơ sở thực tế. Tất cả các dự án sai phạm lớn của Việt Nam mà bài này đã nêu đều có bóng dáng của Trung Quốc với những vấn đề như hợp đồng không rõ ràng, lãi suất cao, các điều kiện kèm theo như sử dụng nguyên liệu và bên thi công từ Trung Quốc… Tất cả những yếu tố này được Trung Quốc triển khai trong bối cảnh chính quyền thiếu minh bạch, công khai và không loại trừ việc các bên ký kết các hợp đồng như vậy có bóng dáng của tham nhũng.

Những lo ngại về việc chính quyền Việt Nam nhượng bộ hoặc "vướng vào" tham nhũng với phía Trung Quốc, từ đó sẽ dẫn đến những nhượng bộ về chủ quyền như trường hợp Srilanka, Pakistant là hoàn toàn có lý do. Chính vì vậy, nếu chính quyền Việt Nam thực tâm muốn vượt qua "bẫy nợ" này thì chỉ có công khai, minh bạch các thông tin, tôn trọng sự phản biện từ các chuyên gia mới có thể thực hiện được.

Trần Thảo Vy

Nguồn : RFA, 17/01/2020

[1] U.S. Department of Defense. Summary of the 2018 National Defense Strategy of The United States of America, 19 Jan. 2018.

[2] https://www.belfercenter.org/sites/default/files/files/publication/Debtbook%20Diplomacy%20PDF.pdf

[3] Tillerson, Rex W. "U.S.-Africa Relations : A New Framework". 6 March 2018, George Mason University, Fairfax, VA.

[4] https://soha.vn/duong-sat-cat-linh-ha-dong-vay-trung-quoc-14-ngan-ty-chua-biet-bao-gio-xong-20191101152927474rf20191101152927474.htm

[5] https://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/dam-ninh-binh-nang-no-trung-quoc-sap-bay-the-nao-3317025/

[6] https://plo.vn/thoi-su/sai-pham-khung-tai-du-an-gang-thep-thai-nguyen-876355.html

[7] https://trithucvn.net/kinh-te/1-3-so-du-an-thua-lo-nganh-cong-thuong-co-von-vay-tu-trung-quoc.html

[8] https://trithucvn.net/kinh-te/1-3-so-du-an-thua-lo-nganh-cong-thuong-co-von-vay-tu-trung-quoc.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Gia Phúc, Trung Lâm, Trần Thảo Vy
Read 615 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)