Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/04/2017

Tấn công Syria : Mỹ nắn gân Nga hay kịch bản mới ?

Ngọc Việt & Ngọc Dương

Phải chăng Washington chỉ nắn gân Moscow, còn kịch bản mới sẽ được Washington kích hoạt sau các cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự của Syria ?

Washington tấn công quân sự Syria trên cơ sở mặc định Assad là thủ phạm của "sự kiện Idlib"

"Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, hôm thứ Năm ông đã tuyên bố tấn công bằng tên lửa vào sân bay của Syria, nơi bắt đầu cho vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Ildib. Syria. Ông Trump cho rằng ông đã hành động vì an ninh của nước Mỹ, trước lối hành xử của Tổng thống Syria Bashar al-Assad", Reuters ngày 7/4 tường thuật.

"Nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad đã phát động một cuộc tấn công vũ khí hóa học khủng khiếp đối với thường dân vô tội... Tối nay tôi đã ra lệnh cho một cuộc tấn công quân sự nhắm vào mục tiêu là sân bay quân sự ở Syria, nơi mà việc tấn công vũ hóa học đã được đưa ra.

Đó là lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Mỹ nên Mỹ phải hành động, qua đó ngăn chặn sự lây lan cũng như việc sử dụng vũ khí hóa học để giết người", ông Trump tuyên bố.

syria2

Mỹ tấn công quân sự Syria dựa trên cơ sở mặc định chính quyền Assad là thủ phạm trong "sự kiện Idlib"

Theo Reuters, các quan chức Mỹ cho hay, Washington đã bắt đầu tăng cường vai trò quân sự của Mỹ tại Syria, khi hai tàu chiến Mỹ bắn hàng chục tên lửa hành trình từ phía Đông Địa Trung Hải xuống căn cứ không quân do lực lượng Assad kiểm soát để đáp trả cuộc tấn công bằng chất độc mà Washington cho là Damascus là thủ phạm.

"Trước cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại lớn nhất kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Trump đã có hành động thẳng thắn nhất của Mỹ trong cuộc nội chiến kéo dài đã 6 năm tại Syria, tăng nguy cơ đối đầu với Nga và Iran, hai người ủng hộ chính quyền Assad. Mỹ đã thông báo trước cho Nga và tấn công vào các căn cứ không có sự hiện diện của binh sĩ Nga".

Theo số liệu sơ bộ từ Lầu Năm Góc, có 59 tên lửa Tomahawk đã được phóng từ hai chiến hạm USS Porter và USS Ross, tấn công vào nhiều mục tiêu - bao gồm sân bay, máy bay và trạm nhiên liệu - tại căn cứ không quân Shayrat, mà theo nhận định của cơ quan đầu não quân sự Mỹ là được chính quyền Assad sử dụng để chứa vũ khí hóa học .

Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, đại tá Jeff Davis cho hay : "Những kết quả ban đầu cho thấy cuộc tấn công này đã làm hư hỏng nghiêm trọng sân bay và phá hủy nhiều máy bay của Syria cũng như cơ sở hạ tầng và thiết bị hỗ trợ tại sân bay Shayrat, qua đó làm giảm khả năng cung cấp vũ khí hóa học của chính phủ Syria.

Sau các vụ tấn công của Mỹ và Syria, thị trường tài chính toàn cầu đã có những phản ứng tiêu cực, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016. Chứng khoán Châu Á sụt giảm và chỉ số chứng khoán của Mỹ dự báo cũng sẽ sụt giảm, khi mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu. Giá dầu, giá vàng tăng, còn đô la Mỹ đã giảm giá trị so với đồng yên Nhật.

Như vậy là Washington đã không chọn biện pháp điều tra để tìm kiếm đầy đủ bằng chứng trước khi đưa ra các quyết định và thực hiện các hành động của mình. Dường như Mỹ và các đồng minh đã mặc định chính quyền Assad là thủ phạm trong "sự kiện Idlib" và đã chọn "thà đánh lầm" Damascus, còn hơn như Obama "bỏ sót vũ khí hóa học" của Syria.

Đặc biệt, theo các quan chức của lầu Năm Góc cho biết, Washington chỉ báo trước cho Moscow biết việc tấn công vào cơ sở quân sự của chính quyền Damascus, nhưng không tìm kiếm, không chờ đợi sự chấp thuận của Moscow. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi : Washington hành động nhằm nắn gân Moscow hay chính thức bắt đầu cho kịch bản mới mà họ đã soạn sẵn ? 

Tấn công quân sự Syria chỉ là nắn gân Moscow, Washington sẽ kích hoạt kịch bản mới tại Syria bằng phương cách khác ?

syria2

Washington tấn công quân sự Syria chỉ nhằm nắn gân Moscow ?

Việc Washington chọn tấn công các cơ sở quân sự của Syria chỉ là một trong những phương cách mà Washington sẽ thực hiện nhằm thay đổi vị thế của mình tại ván cờ Syria và họ chọn "sự kiện Idlib" làm cái cớ tốt nhất cho việc thực hiện hành động của mình. Do đó, Washington không chờ điều tra, không đề nghị hay chấp nhận việc điều tra cho rõ trắng đen.

Lời người phát ngôn của Nhà Trắng Sean Spicer sau "sự kiện Idlib" đã báo trước điều đó.

"Những hành động của chế độ Assad là hậu quả bởi sự yếu kém và phân vân của chính quyền tiền nhiệm. Năm 2012, Tổng thống Barack Obama đã nói rằng ông sẽ thiết lập một giới hạn đỏ chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học, nhưng sau đó ông ấy đã không làm được gì cả". 

Có thể thấy rằng, lời chỉ trích của người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer đối với việc chính quyền Obama không làm được gì tại Syria sau khi đặt ra "giới hạn đỏ" vể vũ khí hóa học cũng như thực hiện việc tiêu huỷ, giám sát tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria, không chì là thể hiện sự thất vọng của Washington khi cho rằng Obama đã "bỏ sót vũ khí hóa học" của Syria.

Mà có thể nhận diện phía sau lời chỉ trích chính quyền tiền nhiệm cùng việc chỉ mặt gọi tên và sự lên án mạnh mẽ chính quyền Assad trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Shaykhun ở Idlib, Syria, chính quyền Trump đã chuẩn bị cho những hành động mới tại Syria, mà vũ khí hóa học là cái cớ, còn chính quyền Assad là mục tiêu của hành động ấy.

Có thể nhận định, mục đích của Washington luôn là giảm tối đa ưu thế của Moscow trong ván cờ Syria, qua đó khiến nền tảng quyền lực của chính quyền Assad nằm ở thế bấp bênh nhất và khi một tiến trình chính trị cho Syria được xúc tiến thì việc Assad ra đi gần như là tất yếu.

Khi đó sẽ có một bàn cờ chính trị theo ý đồ của Mỹ tại Syria, đưa Moscow thành "dã tràng xe cát".

Do vậy, khi việc thiết kế một nghị quyết của LHQ lên án Damascus trong việc sử dụng vũ khí hóa học đứng trước nguy cơ bị thất bại bởi Moscow sẽ phủ quyết, Washington đã nhanh chóng thực hiện việc tấn công Syria, bất chấp chứng cứ cho "sự kiện Idlib" chưa rõ ràng. Điều này nhẳm đẩy Moscow rơi vào thế bị động, cả trên thực địa lẫn trong phòng họp của HĐBA.

syria3

Liệu Moscow sẽ có hành động cứng rắn với Washington ?

Phản ứng trước việc Washington thông báo tấn công Syria, Phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vladimir Safronkov, đã cảnh cáo về "những hậu quả tiêu cực" nếu Mỹ tiến hành hành động quân sự và Washington sẽ phải chịu trách nhiệm khi niềm tin quốc tế bị gạt bỏ bởi những hành động tàn nhẫn được thực hiện chỉ dựa trên cơ sở là sự nghi ngờ, thiếu căn cứ.

Vậy nhưng, theo Reuters, khi khẳng định "không cần tranh cãi về việc Syria đã sử dụng vũ khí hóa học, vi phạm nghĩa vụ của mình theo hiệp định về loại bỏ vũ khí hóa học và phớt lờ yêu cầu của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc", song dường như Trump chỉ nhắm vào những mục tiêu được định sẵn, thay vì một cuộc tấn công toàn diện đối với Assad.

Phải chăng Washington chỉ nắn gân Moscow, còn kịch bản mới sẽ được Washington kích hoạt bằng cách thức khác sau các cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự của Syria ?

Ngọc Việt

Nguồn : Đất Việt, 07/04/2017

********************

Putin nói gì khi Mỹ nã tên lửa hành trình vào Syria ? (Đất Việt, 07/06/2017)

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo mối quan hệ Nga - Mỹ tổn hại nghiêm trọng sau vụ tấn công hàng loạt tên lửa đạn đạo.

RT hôm 7/4 dẫn thông báo của ông Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, phản ánh các quan điểm của ông Putin trước vụ tấn công bất ngờ vào căn cứ quân sự Syria tại tỉnh Homs.

Theo đó, Tổng thống Putin cho rằng đòn tấn công mà Hoa Kỳ giáng vào Syria gây tổn hại cho quan hệ với Liên bang Nga, tạo trở ngại nghiêm trọng đối với việc tạo lập liên minh quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố.

"Hành động này của Washington gây phương hại đáng kể cho mối quan hệ Mỹ-Nga, vốn đã ở tình trạng tồi tệ" - ông Peskov nói.

syria4

Hình ảnh viễn thám chụp căn cứ không quân Shayrat của Syria.

Tổng thống Putin cho rằng, hành động của Mỹ không giúp đỡ mà còn tạo ra trở ngại nghiêm trọng trong liên minh chống khủng bố trên thế giới.

"Còn điều chính yếu nhất, như Tổng thống Putin nhận xét, hành động này không giúp đưa chúng ta tới gần mục tiêu cuối cùng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, trái lại, đang tạo ra trở ngại nghiêm trọng đối với việc thành lập một liên minh quốc tế hiệu quả để chống lại thế lực độc ác toàn cầu là chủ nghĩa khủng bố mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công bố là nhiệm vụ chính ngay trong thời gian tranh cử" - Thư ký Tổng thống Nga nhấn mạnh.

Người phát ngôn của Tổng thống Putin cũng cho hay, nhà lãnh đạo Nga coi "cuộc tấn công như là một cuộc xâm lăng, chống lại một quốc gia có chủ quyền".

Ông Peskov cũng lưu ý, Tổng thống Putin tin rằng cuộc tấn công đã được tiến hành "vi phạm các luật pháp quốc tế".

"Quân đội Syria không có vũ khí hóa học... Điều này đã được các quan sát viên thuộc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) - một đơn vị đặc biệt của Liên Hiệp quốc- xác nhận" - vị Thư ký nói.

60 tên lửa hành trình Tomahawk bay về Syria, triệt phá một ngôi làng

Thống đốc tỉnh Homs, Talal Barazi nói với RT, cuộc tấn công của Mỹ vào một sân bay Syria đã dẫn đến thương vong ở căn cứ không quân và một ngôi làng gần căn cứ căn cứ không quân này.

Ít nhất có 5 người đã chết và 7 người bị thương. Trong số người chế có 2 thường dân và 3 người lính tử mạng.

Theo các cập nhật mới nhất từ phía Syria, hiện đã có 5 người chết, 7 người khác bị thương trong đó có một số người không phải là người Syria sau khi gần 60 quả tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ nhằm thẳng mục tiêu căn cứ quân sự của Chính quyền Tổng thống Assad ở tỉnh Homs.

Vụ tấn công đã phá hủy gần hết sân bay, số máy bay được đặt tại căn cứ không quân này, trúng một tàu chở dầu và gây nên một số vụ nổ và hỏa hoạn chưa từng có. Ít nhất 15 máy bay chiến đấu đã bị hư hỏng và phá hủy.

"Lãnh đạo Syria và chính sách của Syria sẽ không thay đổi" - Thống đốc tỉnh Homs nói với đài truyền hình Nhà nước Syria. "Mục tiêu này (của Mỹ - PV) không phải là lần đầu tiên và tôi không tin nó sẽ là mục tiêu cuối cùng".

Ông Talal Barazi khẳng định rằng căn cứ không quân Shayrat sẽ được xây dựng lại và tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.

syria5

Syria tố Mỹ tấn công sân bay Shayrat và một ngôi làng lân cận.

Trước đó, ông Barazi cho biết, các hoạt động cứu hỏa và cứu hộ đã được tiến hành nhanh chóng tại sân bay Shayrat sau vụ tấn công của Mỹ.

Ông Barazi cho biết động thái leo thang của Washington trong cuộc xung đột ở Syria chỉ phục vụ các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Truyền hình nhà nước Syria gọi cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Mỹ là một cuộc xâm lược.

Cuộc trả đũa vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib của Hoa Kỳ xảy ra trước khi Liên Hiệp quốc hoặc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học - cơ quan giám sát vũ khí hóa học cân nhắc việc sẽ tiến hành điều tra vụ việc hay không.

Ngọc Dương

********************

Mỹ bắn tên lửa Tomahawk vào Syria : Thổ khen, Nga giận (Đất Việt, 07/04/2017)

Nga sẵn sàng đình chỉ thỏa thuận đảm bảo an toàn bay ở Syria với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh Mỹ tấn công tên lửa hành trình vào Homs.

Kênh Fox của Mỹ ngày 7/4 đưa tin cho biết, theo những báo cáo ban đầu từ cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk từ tàu khu trục của Hải quân Mỹ mà họ có được, căn cứ không quân Shayrat ở miền Trung Syria gần như đã bị hủy diệt hoàn toàn.

Almasdar News cho hay, tại căn cứ không quân Shayrat luôn có sự hiện diện của các sỹ quan Nga.

syria6

Bản đố sân bay quân sự Shayrat bị phá hủy sau đòn không kích của quân đội Mỹ.

Cụ thể, có sự hiện diện của các quân nhân Nga tại căn cứ quân sự vừa bị Mỹ tập kích bằng tên lửa Tomahawk vào sáng sớm ngày 7/4 theo giờ địa phương.

Almasdar News cho hay, tại căn cứ không quân Shayrat luôn có sự hiện diện của các sỹ quan Nga nhưng trong đợt tấn công vừa qua dường như không có người Nga bị thương vong.

Interfax cũng khẳng định, không có người Nga nào bị tổn thương trong các đợt tên lửa của Mỹ dội vào căn cứ không quân ở Syria.

Tên lửa Tomahawk của Mỹ chủ yếu tấn công vào các đường băn, kho chứa nhiên liệu và nhà chứa máy bay của Không quân Syria ở Shayrat.

Việc Mỹ phóng loạt tên lửa vào căn cứ không quân Shayrat khiến Moscow tức giận.

syria7

Nga đình chỉ thỏa thuận đảm bảo an toàn bay với Mỹ ở Syria.

Bộ Ngoại giao Nga hôm nay tuyên bố đình chỉ thỏa thuận an toàn bay với Mỹ ở Syria. Thỏa thuận này ngăn chặn các sự cố và đảm bảo an toàn bay giữa 2 nước khi cùng thực hiện không kích ở Syria- một nỗ lực rất khó khăn để Moscow và Washington cùng đi tới thực hiện.

Thỏa thuận giữa Moscow và Washington được kí sau khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích tại Syria hồi tháng 9/2015. Theo thỏa thuận này, Nga và Mỹ sẽ trao đổi thông tin các chuyến bay để tránh sự cố va chạm trên bầu trời Syria.

"Không nhằm mục đích điều tra bất cứ điều gì, Mỹ chỉ đang tiến hành phô trương lực lượng và đối đầu với một quốc gia đang chiến đấu chống khủng bố quốc tế" – Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.

Cùng ngày, phía Nga cũng triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc liên quan tới vụ phóng tên lửa này.

Chủ tịch Hội đồng An ninh và quốc phòng thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga), ông Viktor Ozerov chỉ trích cuộc tấn công của Mỹ là "hành động xâm lược chống lại một thành viên Liên Hiệp Quốc" và sẽ làm ảnh hưởng đến các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố. Theo ông, hợp tác Nga - Mỹ tại Syria sau sự kiện này đang bị lung lay.

Thổ Nhĩ Kỳ hoanh nghênh Mỹ không kích Syria

Thổ Nhĩ Kỳ gọi việc Mỹ không kích một căn cứ không quân Syria là động thái "tích cực", kêu gọi cộng đồng quốc tế giữ quan điểm về chính phủ Syria.

"Chúng tôi gọi động thái này là tích cực... Chúng tôi tin chính quyền al-Assad phải bị trừng phạt trên trường quốc tế", Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus trả lời phỏng vấn Fox TV. "Cộng đồng quốc tế cần duy trì lập trường rõ ràng chống lại chủ nghĩa tàn bạo này".

syria8

Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus. Ảnh : Reuters.

Kurtulmus mô tả đợt không kích là "có ý nghĩa" và "quan trọng" sau khi nhiều dân thường thiệt mạng vì vũ khí hóa học. "Chính quyền al-Assad phải bị chặn lại", ông Kurtulmus nói. "Tôi hy vọng chiến dịch của Mỹ sẽ đóng góp cho bảo vệ hòa bình".

Người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi cần lập vùng cấm bay và các vùng an toàn ở Syria ngay lập tức.

Đợt không kích của Mỹ tạo ra phản ứng trái chiều từ cộng đồng quốc tế. Nga, Iran, Syria đều lên án, gọi đó là hành động "gây hấn". Các nước như Anh, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi và Israel lên tiếng ủng hộ Mỹ. Đức nói hành động của Mỹ là "có thể hiểu được".

Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan tuân thủ cách giải quyết chính trị, tránh làm tình hình xấu thêm.

Ngọc Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngọc Việt, Ngọc Dương
Read 1069 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)