Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/04/2017

Bắn tên lửa vào Syria, Trump muốn gởi thông điệp nào cho Tập ?

Hồng Thủy

Trump ra lệnh bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào Syria và thông điệp cho Trung Quốc (GDVN, 07/04/2017)

Theo AP, hành động của Trump ở Syria có thể mang thông điệp đến Trung Quốc rằng, tân chủ nhân Nhà Trắng không "ngán" các hành động quân sự đơn phương.

South China Morning Post, Hồng Kông ngày 7/4 đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi "tất cả các quốc gia văn minh" cùng với Mỹ tìm kiếm giải pháp kết thúc các cuộc tàn sát ở Syria, sau khi ông ra lệnh dội tên lửa hành trình vào Syria, ngay trước khi tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida.

Đây là cuộc tấn công trực tiếp của Mỹ đầu tiên nhằm vào lực lượng quân chính phủ Syria, đồng thời là hoạt động quân sự ấn tượng nhất kể từ khi Donald Trump trở thành Tổng thống.

Khoảng 60 quả tên lửa Tomahawk từ chiến hạm trên Địa Trung Hải đã được Mỹ dội thẳng vào căn cứ không quân Shayrat, miền Trung Syria, nơi các quan chức Mỹ nói rằng các máy bay quân sự Syria mang theo bom hóa học đã cất cánh.

Theo đài CNN, chính xác có 59 quả tên lửa Tomahawk đã được Mỹ phóng từ chiến hạm.

Lầu Năm Góc cho biết, dấu hiệu ban đầu cho thấy cuộc tấn công này đã làm hư hỏng nặng hoặc phá hủy các máy bay Syria cũng các công trình hạ tầng hỗ trợ tại căn cứ không quân Shayrat, làm giảm khả năng chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Các nhà lập pháp Hòa Kỳ nhìn chung ủng hộ quyết định của ông Donald Trump trong vụ tấn công Syria vừa rồi, nhưng cảnh báo ông không được đơn phương bắt đầu một cuộc chiến tranh mà không tham khảo ý kiến Quốc hội [4].

Cuộc tấn công diễn ra lúc 3 giờ 45 phút sáng thứ Sáu, giờ Syria. Phát biểu trên chuyên cơ Air Force One với báo giới khi lên đường tới Florida chủ trì cuộc đón tiếp ông Tập Cận Bình, ông Trump cho biết :

"Tôi nghĩ rằng những gì đã xảy ra ở Syria là một trong những hành động tội phạm thực sự nghiêm trọng không nên xảy ra và nó không được phép xảy ra".

tap1

Tên lửa hành trình Tomahawk Mỹ phóng từ chiến hạm ngoài Địa Trung Hải vào Syria, ảnh : SCMP.

Sự cố mà ông Trump nhắc đến là vụ tấn công vũ khí hóa học tại Syria hôm 4/4 khiến hơn 200 dân thường thương vong (theo Thời báo Hoàn Cầu) [2].

Sau vụ tấn công, ông nói với báo giới : Hoa Kỳ phải phòng ngừa và ngăn chặn sự lây lan và sử dụng vũ khí hóa học chết người, bởi việc chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học bị cấm là điều không thể chối cãi.

Hòa bình và hòa giải sẽ chiếm thế thượng phong chừng nào "Mỹ còn đại diện cho công lý", chủ nhân Nhà Trắng được AP dẫn lời cho biết. 

Điều đáng ngạc nhiên là, cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk vào căn cứ quân sự Syria của Mỹ đánh dấu một bước đảo ngược đáng chú ý trong chính sách của Donald Trump.

Bởi lẽ suốt chiến dịch tranh cử, ông là ứng viên phản đối mạnh mẽ nhất việc Mỹ bị lôi kéo vào cuộc chiến Syria, quốc gia bị tàn phá bởi xung đột và chiến tranh đã bước sang năm thứ 7 liên tiếp.

Nhưng Tổng thống Mỹ được cho là đã rất xúc động trước hình ảnh trẻ em Syria thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Ông gọi đó là "sự ô nhục cho nhân loại" đã vượt qua rất nhiều giới hạn đỏ.

Donald Trump đã không báo trước cuộc tấn công, mặc dù ông và các quan chức an ninh quốc gia khác đã liên tục cảnh báo chính phủ Syria suốt cả ngày thứ Năm 6/4.

tap2

Tên lửa Mỹ tấn công Syria, ảnh : SCMP.

Trong khi 3 năm rưỡi trước đó, người tiền nhiệm Barack Obama đã đe dọa ông Bashar al-Assad về một hành động quân sự sau vụ tấn công vũ khí hóa học giết chết hàng trăm người ở ngoại ô Damascus.

Chiến hạm Mỹ khi đó đã sẵn sàng ở Địa Trung Hải chỉ chờ lệnh Obama, nhưng khả năng tấn công đã bị đột ngột dừng lại bởi sự do dự của đồng minh Anh quốc lẫn Quốc hội Hoa Kỳ.

Đầu tuần này, thế giới sững sờ trước các đoạn video ghi lại cảnh chết chóc kinh hoàng trên các đường phố ở Syria, nơi thi thể trẻ em chất chồng lên nhau sau một vụ tấn công vũ khí hóa học.

Thông điệp cho Trung Quốc

Cuộc tấn công vào Syria xảy ra khi Tổng thống Mỹ đang tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Florida.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung đầu tiên dưới thời ông Donald Trump đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức an ninh, từ chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên đến Biển Đông.

Theo AP, hành động của Trump ở Syria có thể mang thông điệp đến Trung Quốc rằng, tân chủ nhân Nhà Trắng không "ngán" các hành động quân sự đơn phương, ngay cả khi các nước lớn như Trung Quốc ngáng đường.

Donald Trump đã chủ trương hợp tác chống khủng bố lớn hơn với Nga, nước hậu thuẫn vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. 

tap3

Vụ tấn công diễn ra khi Tổng thống Donald Trump đang tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, ảnh : SCMP.

Chỉ mới tuần trước, chính quyền ông Trump tỏ ra họ không còn quan tâm đến mục tiêu lật đổ Bashar al-Assad.

Hành động tấn công quân sự vào Syria bằng tên lửa của Mỹ có thể gửi thông điệp đến Trung Quốc khi Washington đang cố gắng thuyết phục Bắc Kinh ép Bình Nhưỡng từ bỏ theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên cuộc tấn công này cũng đang bị đặt ra những vấn đề về pháp lý. Khi Obama can thiệp vào Libya năm 2011, ông sử dụng sự ủy nhiệm của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và NATO.

Theo CNN, ông Donald Trump đã nhóm họp với các cố vấn an ninh quốc gia trước khi chủ trì tiệc chiêu đãi ông Tập Cận Bình tối 6/4 tại Mar-a-Lago.

Ông ngồi ăn tối với vợ chồng ông Tập Cận Bình trong lúc tên lửa Tomahawk đang nã vào căn cứ Shayat.

Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis có mặt tại Mar-a-Lago thời điểm tấn công, trong khi Phó Tổng thống Mike Pence đang ở Nhà Trắng [4].

Bình luận từ truyền thông Trung Quốc

Xã luận Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc ngày 7/4 bình luận : 

"Quyết định tấn công quân sự chính phủ Syria của Donald Trump là nhằm tạo uy cho tân Tổng thống Mỹ. Ông Trump muốn chứng minh, cái gì Obama không dám làm thì ông ta dám.

Obama do dự không quyết, Donald Trump thì thái độ dứt khoát rõ ràng. Trump muốn chứng minh với thế giới, ông ta không phải Tổng thống doanh nhân, mà khi cần sẽ không ngại dùng sức mạnh quân sự Mỹ"...

..."Cuộc tấn công này cũng đánh dấu sự trở mặt của chính phủ Donald Trump với chính phủ Vladimir Putin, kết thúc tuần trăng mật giữa hai nhà lãnh đạo. Mâu thuẫn Mỹ - Nga lại được đẩy lên cao trào" [2].

Tân Hoa Xã ngày 7/4 bình luận nóng về sự kiện này :

Thứ nhất, Donald Trump nóng lòng muốn thể hiện hình tượng lãnh đạo cứng rắn với dư luận trong và ngoài nước Mỹ và xóa tan những tin đồn "thân Nga".

Thứ hai, Donald Trump muốn chứng tỏ lập trường cứng rắn của mình trong vấn đề Syria, tránh lặp lại "vết xe đổ của người tiền nhiệm Barack Obama".

Thứ ba, Donald Trump muốn chứng minh Mỹ không hề bị gạt ra bên lề trong vấn đề Syria, đặc biệt là sau các cuộc tấn công của Nga vào "lực lượng khủng bố" tại quốc gia này.

Tân Hoa Xã dự đoán, sau khi đạt mục tiêu chính trị trong đợt tấn công này, nhiều khả năng Mỹ sẽ không có các hoạt động quân sự tiếp theo tại Syria.

Nhưng điều đáng lo ngại nằm ở chỗ, cuộc tấn công của Mỹ không giúp gì cho việc giải quyết vấn đề Syria, mà làm cho tình hình càng trở nên phức tạp [3].

Hồng Thủy

Tài liệu tham khảo :

[1] http://www.scmp.com/news/world/middle-east/article/2085667/us-launches-massive-cruise-missile-attack-syria

[2] http://opinion.huanqiu.com/editorial/2017-04/10439184.html

[3] http://us.xinhuanet.com/2017-04/07/c_1120768262.htm

[4] http://edition.cnn.com/2017/04/06/politics/donald-trump-syria-military/index.html

***************************

Trung Quốc có bị bất ngờ trước cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào Syria ? (GDVN, 07/04/2017)

Cuộc tấn công tên lửa Tomahawk vào Shayrat mà Mỹ tiến hành ngay khi tiếp ông Tập Cận Bình có khả năng khiến chủ nhân Trung Nam Hải "nóng gáy".

Tờ Financial Review, Australia ngày 7/4 bình luận, Trung Quốc đã bị "phục kích bất ngờ" trong vụ Mỹ tấn công tên lửa vào một căn cứ quân sự miền Trung Syria sáng sớm hôm nay giờ Syria.

Vụ tấn công diễn ra trong lúc Tổng thống Donald Trump tiếp vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago.

Ông Tập Cận Bình "nóng gáy" ?

Guo Xiangang, một nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu quốc tế, kiêm chuyên gia - cố vấn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được Financial Review dẫn lời cho biết, Bắc Kinh sẽ không ủng hộ cuộc tấn công này.

Theo nhà nghiên cứu này, động thái trên của Mỹ là "vội vàng và liều lĩnh" trước khi sự thật về vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria hôm 4/4 được làm rõ.

Tờ báo Úc nhận định :

Vụ Mỹ tấn công tên lửa vào căn cứ quân sự Shayrat, Syria sáng sớm hôm nay sẽ là một thử thách đối với sự nhạy bén của Trung Quốc về ngoại giao, khi chính quyền ông Tập Cận Bình ngày càng cứng rắn hơn trên vũ đài chính trị khu vực và quốc tế.

tap4

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh : Reuters / VCG / Đa Chiều.

Mới tháng trước, Tổng thống Syria Bashar al-Assad còn phát biểu trên đài truyền hình Phượng Hoàng, Hồng Kông rằng : Trung Quốc là một người bạn thực sự, một trong những người bạn chính quyền Syria có thể dựa vào.

Suốt 7 năm qua bất chấp chiến tranh xung đột liên miên ở Syria, Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động của đại sứ quán tại Damascus và hợp tác thương mại song phương.

Thậm chí Bắc Kinh còn mở rộng sự hiện diện tại Syria bên cạnh chính phủ ông Assad, bằng cách giúp đào tạo nhân sự và viện trợ nhân đạo.

Chính vì thế, cuộc tấn công tên lửa Tomahawk vào Shayrat mà Mỹ tiến hành ngay khi tiếp ông Tập Cận Bình có khả năng khiến chủ nhân Trung Nam Hải "nóng gáy".

Lập trường của Bắc Kinh trong các vấn đề khu vực và quốc tế như Biển Đông, Bắc Triều Tiên ngày càng gặp nhiều khó khăn, khi Trung Quốc muốn duy trì sự cứng rắn.

Bắc Kinh đang chịu nhiều áp lực từ Mỹ về việc kiềm chế Bắc Triều Tiên, trong khi Biển Đông nóng lên với tuyên bố mới nhất của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte : chiếm nốt các cấu trúc không người ở Trường Sa [1].

3 lần ông Donald Trump "nắn gân" ông Tập Cận Bình

Đa Chiều ngày 7/4 bình luận, đằng sau những nụ cười, những cái bắt tay đặc trưng phong cách Donald Trump và bữa tiệc xa hoa chủ nhân Nhà Trắng đón tiếp vợ chồng ông Tập Cận Bình, trong ngày làm việc đầu tiên ông Trump đã 3 lần "nắn gân" ông chủ Trung Nam Hải.

55555555555555

2 chiến hạm Hoa Kỳ đã phóng tên lửa vào căn cứ quân sự Shayrat, Syria sáng sớm hôm nay, ảnh : AP.

Cái "nắn gân" thứ nhất chính là cuộc tấn công tên lửa vào căn cứ Shayrat, Syria.

Trước hội nghị thượng đỉnh 24 giờ giữa Donald Trump và Tập Cận Bình, Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao đã có 48 tiếng bàn bạc về kế hoạch tấn công.

Sau khi quyết định bắn tên lửa vào Shayrat, Phó Tổng thống Mike Pence được giao nhiệm vụ ở lại "trực ban Nhà Trắng" chỉ đạo hoạt động này, trong khi ông Trump lên đường đến Florida tiếp ông Tập Cận Bình.

Trước buổi tiếp Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Mỹ hạ lệnh tấn công tên lửa Tomahawk vào Shayrat, Syria. Sau buổi tiếp, ông Trump không rời khỏi địa điểm tiếp ông Tập Cận Bình, mà tổ chức họp báo về vụ tấn công.

Đa Chiều cho rằng, rõ ràng đây là động thái nhằm "nắn gân" nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Tờ The Washington Post, Mỹ thì tin rằng, động thái này là nhằm cảnh báo ông Bình, Mỹ sẽ hành động nếu Trung Quốc tiếp tục từ chối gây sức ép lên Bình Nhưỡng.

Cái nắn gân thứ hai do Ngoại trưởng Rex Tillerson thực hiện. 

Vốn là vị Ngoại trưởng Mỹ không ưa gì báo chí, truyền thông, khi thăm chính thức Trung Quốc ông Tillerson chỉ cho theo 1 phóng viên, hạn chế trả lời báo chí.

Nhưng khi đón vợ chồng ông Tập Cận Bình tới sân bay ở Florida ông Tillerson lập tức chủ động trả lời báo chí về vụ tấn công Syria và phát biểu trong 3 phút về 5 trọng điểm quan hệ Trung - Mỹ.

5 điểm ông Tillerson nhấn mạnh khi đón vợ chồng Chủ tịch Tập Cận Bình tại sân bay gồm : một là, Mỹ hoàn toàn ý thức được thách thức mà Trung Quốc gây ra đối với lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ ;

Hai là, Mỹ hy vọng Trung Quốc gây sức ép buộc Bình Nhưỡng dừng theo đuổi chương trình hạt nhân để đảm bảo hòa bình, ổn định ở Đông Bắc Á ;

Ba là, Mỹ tiếp tục thực hiện các cam kết với đồng minh ;

Bốn là, hợp tác Mỹ - Trung luôn luôn phải lấy kết quả làm thước đo, phúc lợi kinh tế của người dân Mỹ phải được đặt lên trên hết, đảm bảo hợp tác kinh tế - thương mại song phương công bằng và cùng có lợi ;

Năm là Mỹ sẽ không né tránh vấn đề tấn công mạng, nhân quyền, tự do tôn giáo trong hội nghị thượng đỉnh.

Khẩu khí của Ngoại trưởng Tillerson tại sân bay khác hoàn toàn những gì ông thể hiện trong chuyến thăm Bắc Kinh trước đó.

Cái nắn gân thứ ba được Donald Trump thể hiện khi tiếp ông Tập Cận Bình. Khi bắt đầu tiệc chiêu đãi tối 6/4, ông Donald Trump đã giới thiệu Đệ nhất phu nhân Trung Quốc là người rất tài hoa và là một ca sĩ trứ danh. Tiếp đó ông nói :

"Tôi rất vinh dự được đón ngài Chủ tịch và phu nhân đến thăm nước Mỹ. Chúng tôi vừa mới thảo luận khá lâu, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa thấy mình được cái gì, hoàn toàn chưa đạt được cái gì.

Tuy nhiên, chúng tôi có thể xây dựng một tình bạn. Về lâu về dài, tôi cho rằng chúng tôi sẽ có một mối quan hệ vĩ đại".

Phát biểu này của ông Donald Trump khiến những người có mặt trong bữa tiệc đều cười vui vẻ, nó thể hiện không khí thân mật của một cuộc gặp phi chính thức.

Tuy nhiên theo Đa Chiều, với tích cách của Trump thì câu nói "thảo luận khá lâu nhưng chưa được cái gì" có lẽ là lời nói thật lòng.

Đó là một đòn tâm lý chiến gây sức ép lên đối phương trước giờ bước vào bàn đàm phán chính thức sáng 7/4, giờ Mỹ.

3 lần "nắn gân" này cho thấy, hội đàm chính thức giữa 2 nhà lãnh đạo sáng 7/4 sẽ có nhiều khó khăn [2].

Người viết cho rằng, Trung Quốc có bị bất ngờ với vụ Mỹ tấn công tên lửa vào Syria đúng lúc ông Tập Cận Bình sang thăm hay không, hiện chưa đủ dữ liệu khẳng định.

Tuy nhiên, chắc chắn đằng sau những nụ cười và những cái bắt tay xã giao giữa 2 nhà lãnh đạo vẫn là những toan tính và thăm dò, thậm chí có thể có những ngã giá.

Bắc Kinh cũng không phải không có chuẩn bị gì cho chuyến thăm này. Chiến đấu cơ J-11 hiện diện bất hợp pháp tại đường băng trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa đúng lúc ông Tập Cận Bình đi Mỹ, có lẽ là một sự tính toán kỹ [3].

Những diễn biến tiếp theo đằng sau cánh cửa phòng họp ở Mar-a-Lago trong những giờ tới sẽ trở thành tâm điểm của truyền thông và giới quan sát quốc tế.

Hồng Thủy

Tài liệu tham khảo :

[1] http://www.afr.com/news/policy/foreign-affairs/china-caught-offguard-by-us-strike-on-syria-20170407-gvg2h4

[2] http://global.dwnews.com/news/2017-04-07/59809337.html

[3] http://www.express.co.uk/news/world/788923/south-china-sea-dispute-chinese-fighter-jet-spotted-trump-jinping-meeting

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hồng Thủy
Read 979 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)