Virus corona lây nhiễm sang kinh tế Trung Quốc
Antoine Bondaz, RFI, 28/01/2020
Bắc Kinh phải đối mặt với một loại virus có nguy cơ lây lan nhanh trên một đất nước rộng lớn. Kèm theo đó là mối đe dọa siêu vi corona tấn công vào cả lĩnh vực tiêu thụ lẫn khu vực sản xuất của nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Với cộng đồng quốc tế, dịch viêm phổi 2020 đang chứng minh : "Trung Quốc mới ho cũng đủ để cả thế giới phải xanh mặt".
Một chiếc ô tô chạy trên một con phố vắng bóng người ở tỉnh Hồ Nam, gần biên giới với tỉnh Hồ Bắc, vốn đang bị cách ly vì virus corona mới, ngày 28/01/2020. Reuters/Thomas Peter
Kinh tế Trung Quốc chưa hết vận hạn từ năm Tân Hợi cho dù đã bước vào năm Canh Tý. Tưởng chừng tạm yên tâm về mặt thương mại sau khi đã ký kết một hiệp đình "ngừng bắn" với Washington, nhưng lại phải đối mặt với một đối thủ đáng sợ không kém là siêu vi gây viêm phổi corona.
Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia về Đông Bắc Á Antoine Bondaz, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris, Sciences Po. trước hết nhắc lại, khi dịch viêm phổi cấp tính SARS bùng phát hồi năm 2002-2003, phải mất nhiều tháng Bắc Kinh mới lên tiếng, lần này từ đầu tuần trước, chính chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng minh đang làm chủ tình hình và nhìn nhận "tình hình nghiêm trọng" :
"Bắc Kinh rút kinh nghiệm từ dịch SARS. Khi đó Trung Quốc đã không cung cấp thông tin kịp thời, chính quyền Trung Quốc bị cả công luận trong nước lẫn quốc tế cáo buộc che giấu thông tin. Lần này thì ngược lại, ngay từ Thứ Hai tuần trước, chính ông Tập Cận Bình đã yêu cầu các cán bộ Nhà nước ở mọi cấp minh bạch thông tin và xử lý các ca lây nhiễm. Cũng có thể nói là Bắc Kinh phô trương nỗ lực đang làm tất cả để ngăn chận dịch bệnh lây lan. Dù vậy, một bộ phận trong công luận ở Trung Quốc vẫn hoài nghi về thực tâm của chính quyền. Số nạn nhân có thể còn lên cao hơn nhiều trong những ngày tới".
Trung Quốc đang chạy đua với thời gian để trấn an công luận trong nước và quốc tế. Ngoài vấn đề y tế thì kinh tế mới là mối quan tâm của ban lãnh đạo trong tay ông Tập Cận Bình. Từ một tuần qua, Vũ Hán một lá phổi công nghiệp của Trung Quốc, trong tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập", đường phố vắng bóng người. Các nhà máy đóng cửa chưa biết đến khi nào, nhân viên bất đắc dĩ phải nghỉ phép "vô hạn định".
Gần một tháng kể từ khi những ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, giới quan sát lo ngại, virus corona cướp đi từ 1 đến 1,5 điểm tăng trưởng của Trung Quốc, trong bối cảnh GDP của nước này chỉ còn 6 % thay vì 11/12 % như vào cuối những năm 1990, đầu những năm 2000. Chuyên gia Antoine Bondaz phân tích thêm :
"Về mặt kinh tế, sẽ có nhiều tác động cả về ngắn lẫn trung hạn đối với Vũ Hán và ngay cả với kinh tế của Trung Quốc nói chung. Vũ Hán có 11 triệu dân, là thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Tỉnh này tương đối giàu có. Phải đợi thêm vài ngày nữa mới có thể biết thêm về tác động kinh tế do virus gây nên, nhưng chắc chắn một điều là các sinh hoạt đang bị chựng lại. Trung Quốc là nơi các hoạt động mua bán trực tiếp rất quan trọng.
Với dịch viêm phổi lần này, người ta hạn chế ra đường, hay đi xem phim, đi mua sắm... Chỉ số tiêu thụ sẽ giảm mạnh. Nhiều chương trình du lịch vào dịp Tết tại Hoa Lục hay các kế hoạch đi ra nước ngoài đã bị hủy.
Nhìn đến khu vực sản xuất, tất cả đã bị ngưng lại từ nhiều ngày qua. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc bị ảnh hưởng đã đành, mà hơn thế nữa cả cỗ máy sản xuất của Trung Quốc cũng bị tác động dây chuyền, bởi vì Hồ Bắc vừa là nguồn cung cấp nguyên liệu cho cả nước, đồng thời cũng là nơi có nhiều nhà máy sản xuất. Trước mắt, Vũ Hán bị nặng nhất và những tác động về kinh tế được nhận thấy rõ nhất tại thành phố này".
Lá phổi công nghiệp Trung Quốc
Vũ Hán là một trong những thành phố năng động nhất của Trung Quốc, với sông Dương Tử bao quanh, là chiếc nôi của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc và từng được mệnh danh là một "Detroit" của ông khổng lồ Châu Á này. Một trong bốn tứ trụ của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc là Đông Phong (Dongfeng) đặt trụ sở tại Vũ Hán từ thời Mao Trạch Đông. Thành phố với 11 triệu dân cũng là nơi có khoảng một chục nhà máy lắp ráp xe hơi, mỗi năm sản xuất trên 2 triệu chiếc ô tô để phục vụ thị trường nội địa, là địa bàn mà hai tập đoàn xe hơi Pháp là Peugeot Citroen và Renault chọn làm cổng vào để thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Vũ Hán không chỉ là tủ kính trưng bày của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc mà còn là một lò công nghệ luyện kim, nơi sản xuất đến 66 % đường ray xe lửa cho toàn quốc. Gần đây, nhiều công ty khởi nghiệp của Trung Quốc và nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao cũng đã dồn về Vũ Hán.
Hơn 300 tập đoàn nước ngoài đã đổ vốn đầu tư vào thành phố này. Trong số đó, phải kể đến Microsoft của Mỹ, công ty sản xuất phần mềm của Đức SAP, hơn 160 hãng lớn nhỏ của Nhật Bản. Theo báo South China Morning Post, năm ngoái, vào lúc tỷ lệ tăng trưởng trung bình của Trung Quốc là 6,5 % thì tại riêng thành phố này, tăng trưởng đạt 7,8 %. Báo The Guardian của Anh lưu ý GDP của riêng thành phố Vũ Hán lên tới 224 tỷ đô la năm 2018, tương tương với tổng sản phẩm nội địa của một quốc gia như Việt Nam hay Bồ Đào Nha.
Không chỉ là một thành phố năng động, một cơ sở sản xuất của Trung Quốc, Vũ Hán còn là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền cung ứng, là một chặng trung chuyển không thể thiếu trong quan hệ thương mại : với một cảng lớn trên sông Dương Tử, với phi trường và các sân ga cỡ "XXL", Vũ Hán được xem là cánh cổng giao thương giữa Trung Quốc với Châu Âu, với Trung Đông và cả Hoa Kỳ. Từ ba năm nay, một chuyến đường sắt đã nối liền thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc với thành phố Lyon, miền trung nước Pháp.
Về mặt ngoại giao và văn hóa, nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ mở tòa lãnh sự tại Vũ Hán. Thành phố này cũng là một điểm đến được nhiều sinh viên quốc tế ưa chuộng.
Tất cả những lợi thế vừa nêu đủ cho thấy quyết định "cách ly" Vũ Hán trong những ngày qua sẽ đem lại những hậu quả tai hại tới mức độ nào. Nhà báo Pierre Haski, từng là thông tín viên thường trực của báo Pháp Libération khi dịch SARS hoành hành hồi năm 2002-2003, trả lời trên đài France Inter và cho biết Trung Quốc đang bị một đòn đau và kèm theo đó là nguy cơ công phẫn trong xã hội gia tăng :
"Chắc chắn là sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc. Trong vụ SARS, dịch viêm phổi cấp tính đã cướp đi từ 1 cho tới 1,5 điểm tăng trưởng của Trung Quốc. Khi đó, tỷ lệ tăng trưởng là hơn 10 %. Ngày nay, các dự báo đều cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc dự trù cho năm 2020 chỉ bằng một nửa so với gần 20 năm trước và vào khoảng hơn 6 % một chút. Với tình trạng các hoạt động mua bán và sản xuất bị đình trệ kéo dài, xóa đi từ 1 đến 1,5 % tăng trưởng nữa, tức là dự báo GDP của nước này còn có 5 %, những điều này lại càng đẩy Trung Quốc vào "vùng nguy hiểm". Nguy cơ bất ổn trong xã hội và những nỗi phẫn nộ chồng chất trong xã hội lại càng dễ dâng trào".
Trung Quốc ho, thế giới cảm lạnh
Trước mắt, lãnh đạo nhiều công ty đang hoạt động tại Vũ Hán đều muốn tin rằng, dây chuyền sản xuất không bị gián đoạn, nhưng đó là trước khi có lệnh "kéo dài thời gian nghỉ phép" vào dịp Tết Canh Tý đề phòng dịch bệnh lây lan. Nhìn rộng ra ngoài phạm vi Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc, thế giới đang lo cỗ máy tiêu thụ của nước đông dân nhất địa cầu bị đóng băng vì siêu vi corona.
Ngành du lịch của Châu Á nói riêng và của thế giới nói chung lo ngại dịch bệnh kéo dài, du khách Trung Quốc hủy các chương trình tham quan ra hải ngoại. Thế giới điện ảnh Hollywood đang lo khi thấy số vé vào cửa tại Trung Quốc trong những ngày Tết vừa qua giảm mạnh. Vào ngày 30 Tết năm nay, các rạp chiếu phim trên toàn quốc thu vào được 1,8 triệu nhân dân tệ (tương đương với 260 ngàn đô la). Con số này giảm gần 1.000 lần so với đúng một năm trước.
17 năm trước, khi dịch SARS khi được phát hiện và đã kéo dài trong hơn 5 tháng (từ 15/03/2003 đến 05/07/2003) gây thiệt hại cho kinh tế thế giới chừng 40 tỷ đôla, gần 0,1 % GDP toàn cầu.
Vấn đề đặt ra là khi đó GDP Trung Quốc tương đương với 8,3 % của thế giới ngày nay, còn nay tỷ lệ này được nâng lên tới hơn 20 %. Virus corona do vậy sẽ "ảnh hưởng" tới kinh tế toàn cầu nhiều hơn. Hồi năm 2003, sức mua của 1,4 tỷ dân Trung Quốc không sánh được với bây giờ. Một số nhà quan sát lo rằng, thuần túy về kinh tế mà nói, có nguy cơ virus corona "độc hại" hơn SARS xưa kia.
Nguồn : RFI, 28/01/2020
***********************
Virus corona : Trung Quốc chỉ thuộc một nửa bài học SARS
Minh Anh, RFI, 28/01/2020
Mười bảy năm sau dịch viêm phổi cấp SARS, bùng phát giữa năm 2002-2003, làm gần 800 người chết trong số 8.000 người bị lây nhiễm, dịch virus corona lần này lại đặt chính quyền Bắc Kinh trước một thử thách mới.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đeo mặt nạ và bộ đồ bảo hộ nói chuyện với các nhân viên y tế tại một bệnh viện có bệnh nhân nhiễm virus ở Vũ Hán, ngày 27/01/2020. cnsphoto via Reuters
Cùng chủng loại với virus SARS nhưng ít gây chết người hơn, lãnh đạo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, ông Ma Xiaowei, cảnh báo coronavirus 2019-nCov "dễ lây truyền", đồng thời ông thừa nhận "những khó khăn kiểm soát dịch bệnh ngày càng lớn" và "nguy cơ biến hóa" của chủng virus. Trước đó, lãnh đạo thành phố Vũ Hán xác nhận, hơn 5 triệu người đã ra khỏi thành phố trước khi khu vực này bị cách ly.
Những tuyên bố thẳng thắn này được đưa ra sau khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hùng hồn thông báo một loạt các biện pháp : Ban hành tình trạng khẩn cấp ngày 25/01/2020, ngày đầu năm Tết Nguyên Đán ; mời ông Chung Nam San (Zhong Nanshan) - một giáo sư 83 tuổi và cũng là gương mặt tiêu biểu trong cuộc chiến chống dịch SARS đứng ra chỉ đạo việc nghiên cứu coronavirus ; loan báo xác định được bộ gien của chủng virus corona hay như thông báo ca nhiễm đầu tiên cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO)….
Những động thái cho thấy phản ứng nhanh chóng của Bắc Kinh trước dịch bệnh. Phải chăng Trung Quốc đã thật sự rút kinh nghiệm từ bài học SARS 2002-2003 ? Xã luận của báo Le Monde tin rằng Trung Quốc mới chỉ làm được "một nửa". Bắc Kinh vẫn lặp lại những sai lầm của năm xưa : Chính quyền địa phương chậm chạp đề ra các biện pháp, thiếu minh bạch, và những bệnh viện quá tải gặp khó khăn trong việc xin hỗ trợ từ cấp trên. Bởi một lẽ đơn giản, tất cả bộ máy chính quyền được huy động chỉ để kiểm duyệt thông tin nhằm bảo vệ hai chữ "bình ổn" thiêng liêng thay vì là để hành động.
Nhật báo Pháp nhắc lại, trong quá khứ, Bắc Kinh phải mất đến 5 tháng để xác định con virus corona gây dịch hội chứng hô hấp cấp tính nặng sau ca nhiễm đầu tiên. Và chính quyền Trung Quốc che giấu sự thật trong vòng ba tháng.
Cuộc khủng hoảng y tế tại Vũ Hán cũng giống dịch hội chứng hô hấp cấp tính SARS, một lần nữa làm dấy lên một câu hỏi cơ bản tại Trung Quốc : Liệu người dân có nên tin tưởng vào các nhà lãnh đạo của mình hay không ? Cuộc khủng hoảng dịch SARS năm 2003, từng là cơ hội để giới lãnh đạo Trung Quốc thời đó thúc đẩy những tiến bộ chưa từng có trong lĩnh vực luật, xã hội dân sự và cố gắng nâng cao năng lực khoa học.
Ngược lại, cuộc khủng hoảng y tế ở Vũ Hán lần này đã ảnh hưởng trực tiếp đến một vị lãnh đạo duy nhất đang cầm quyền từ bảy năm qua. Chỉ vì muốn củng cố quyền lực, Tập Cận Bình đã làm tê liệt cả hệ thống điều hành và bóp nghẹt mọi không gian chỉ trích và phản đối, vốn dĩ là những nơi phản biện hữu ích giúp quản lý dịch bệnh hiệu quả hơn.
Le Monde kết luận : Cách xử lý cuộc khủng hoảng y tế lần này chính là một thách thức chính trị lớn đối với Tập Cận Bình.
Minh Anh
*******************
Virus corona Vũ Hán : Nở rộ các đồn đoán và thuyết âm mưu trên internet
Đức Tâm, RFI, 28/01/2020
Virus corona do CIA tung ra để gây bất ổn tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh chủ ý cho virus lan truyền để làm xẹp phong trào phản kháng tại Hồng Kông, "xóa sổ" người Duy Ngô Nhĩ, các tập đoàn dược phẩm cho phát tán virus để bán được vac-xin… Mỗi khi có một sự kiện lớn trên thế giới, thì lại có nhiều đồn đoán vô căn cứ, thậm chí cả thuyết âm mưu nở rộ trên mạng xã hội, trái ngược với những thông tin chính thống. Và virus corona Vũ Hán Trung Quốc không phải là một ngoại lệ. Sau đây là một số tin đồn.
Một nhân viên mặc bảo hộ phòng chống lây nhiễm virus tại một bến tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 27/01/2020 Reuters/Carlos Garcia Rawlins
1. Các phòng thí nghiệm dường như muốn bán vac-xin
Một cư dân mạng viết cho nhật báo Pháp Le Parisien nói rằng có những tài liệu bí hiểm đang được "lưu hành" đề cập đến "một loại virus do Hoa Kỳ tạo ra". Đồng thời, người này khẳng định – mà không cần chứng minh – đang có một loại vac-xin kháng được virus nói trên, thậm chí, vac-xin này "hết hạn sử dụng vào ngày 23/01/2020".
Một người khác trên mạng xã hội Twitter tin chắc rằng các tập đoàn dược phẩm lớn sẽ hái ra tiền với loại virus corona. Thế rồi, một người thứ ba đặt câu hỏi : Tập đoàn dược phẩm nào tung ra virus này ? Thông tin và tranh luận giữa các cư dân mạng này đều hướng tới việc dường như có một phòng thí nghiệm chủ ý tung ra và cho lây truyền virus nhằm kiếm tiền qua việc bán vac-xin.
Thực ra, theo giới chuyên gia, cho đến lúc này, chưa có một loại vac-xin nào chống được virus corona. Các nhà khoa học và chuyên gia cần có thời gian để bào chế được loại vac-xin hiệu quả. Khó mà có thể tưởng tượng được là vào lúc này, một tập đoàn dược phẩm nào đó lại có thể đưa ra thị trường vac-xin chống virus corona.
Theo giáo sư Yazdan Yazdapanah, trưởng khoa nhiễm khuẩn, bệnh viện Bichat, Paris, được báo Le Parisien trích dẫn, "thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng sẽ có một vac-xin chống được dịch bệnh này, nhưng dịch bệnh hiện nay có thể là cơ hội để tạo ra được những bước tiến quan trọng".
2. Virus có thể thoát ra từ một phòng thí nghiệm
Tuần trước, một cư dân mạng tự giới thiệu là một nhà phân tich "không chuyên" về các loại bệnh lây nhiễm, cho rằng súc vật bán ở chợ Vũ Hán bị nghi gây ra dịch bệnh này. Vậy phải chăng là do phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán chủ ý gây "sự cố" vào tháng trước, phát tán các tác nhân gây bệnh ?
Tin đồn này xuất phát từ một thực tế : Tạp chí khoa học Nature năm2017 thông báo là Vũ Hán – hiện là trung tâm ổ dịch "2019-nCoV" lập một trung tâm nghiên cứu virus. Vì thế, nhiều cư dân mạng cứ "khơi khơi" khẳng định là virus corona thoát ra cơ sở nghiên cứu này, chứ không phải từ khu chợ buôn bán súc vật của Vũ Hán. Mặt khác, người ta không rõ là phòng thí nghiệm Vũ Hán có nghiên cứu về virus SARS, chủng loại gần gũi với virus "2019-nCoV" hay không.
3. Chính quyền Trung Quốc có thể dùng virus corona để xử lý hồ sơ Hồng Kông hoặc giết hại người Duy Ngô Nhĩ
Trên Twitter, có người viết : "Hồng Kông sẽ sớm trở thành Vũ Hán" với lập luận : cảnh sát Hồng Kông "khuyến khích những người mắc bệnh cho lây truyền virus tại Hồng Kông", nơi xẩy ra phong trào phản kháng chống Bắc Kinh từ nhiều tháng qua. Một người khác thì tỏ lo ngại là "phải chăng Trung Quốc cố tình để cho virus lây lan ở Hồng Kông với ý đồ làm xẹp tinh thần những người đấu tranh ?".
Cho đến hôm nay, ở Hồng Kông mới có 6 trường hợp bị nhiễm bệnh. Theo báo Le Parisien, người ta nghi ngờ là một bộ phận những người đấu tranh cho dân chủ tại Hồng Kông và có tinh thần chống Trung Quốc, dùng virus như một luận điểm chính trị.
Cũng theo hướng này, trên mạng internet lưu truyền thuyết âm mưu : phải chăng chính phủ Trung Quốc đưa virus corona vào thủ phủ Urumqi, vùng tự trị Tân Cương, để giết hại cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, hiện đang bị Bắc Kinh giam giữ trong các trại tập trung, dưới danh nghĩa "trung tâm huấn nghệ". Cơ sở của thuyết này là các chuyến bay tới Urumqi vẫn hoạt động bình thường. Thực ra, các tuyến đường hàng không tại Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường, trừ các chuyến bay tới và đi từ Vũ Hán.
Một biến thể của thuyết âm mưu này là Cục Tình báo Trung ương Mỹ - CIA có kế hoạch gây mất ổn định chế độ Trung Quốc. Qua việc virus lây lan, các cơ quan tình báo Mỹ có thể hy vọng là các chuyến bay quốc tế tới Trung Quốc sẽ bị hủy bỏ và điều này làm cho chế độ Bắc Kinh bị cô lập.
4. Số liệu bệnh nhân nhiễm virus corona
Ngày 26/01/2020, chính quyền Trung Quốc thừa nhận là virus corona lây nhiễm nhanh và mạnh hơn SARS. Ngay lập tức, trên Facebook lan truyền một đoạn băng ghi âm, không ghi nguồn, của một người phụ nữ tự giới thiệu là đang sống tại Trung Quốc. Người này nói đến con số có "200 ngàn bệnh nhân". Tuy nhiên, thông tin này có nhiều sai lệnh và nhầm lẫn, ví dụ khi người này nói rằng có nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh tại Lyon, miền nam nước Pháp.
Trên Twitter, một người khác tỏ ra thông thạo hơn khi nói rằng dựa theo một số nguồn tin – nhưng không nêu ra rõ ràng là những nguồn nào – thì tại Trung Quốc, có 200 ngàn người nhiễm bệnh. Sau khi đưa ra một số phép tính, người này thẩm định, mỗi ngày có 14.285 người bị nhiễm virus, tức là cao gấp 7 lần tổng số bệnh nhân được tính cho đến nay.
Bản tổng kết số bệnh nhân mà chính quyền Trung Quốc đưa ra hàng ngày chắc chắn sẽ tăng do virus lây lan nhanh và không ai rõ còn có bao nhiều người bị nhiễm bệnh nhưng ở nhà, không đến bệnh viện. Theo các nhà nghiên cứu tại Hồng Kông, dựa trên các mô hình toán học, tính cho đến nay, có thể số bệnh nhân tại Trung Quốc lên tới hơn 40 000. Nhưng không một nghiên cứu nghiêm túc nào nêu ra con số 200 ngàn.
Đức Tâm
Nguồn : RFI, 28/01/2020
*********************
Virus corona : 106 người chết, Trung Quốc trấn an "kiểm soát được tình hình"
Thu Hằng, RFI, 28/01/2020
Đã có thêm ít nhất 26 người chết vì virus corona mới tại Trung Quốc chỉ trong vòng một ngày. Tính đến ngày 28/01/2020, tổng cộng có 106 người chết, hơn 4.500 người bị nhiễm virus corona tại Trung Quốc, theo số liệu chính thức. Trong số những ca tử vong mới, Trung Quốc ghi nhận trường hợp đầu tiên tại Bắc Kinh, buộc chính quyền đưa ra nhiều biện pháp phòng ngừa.
Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vắng vẻ trong đại dịch corona, ngày 27/01/2020. Reuters/Carlos Garcia Rawlins
Thông tín viên Liu Zhifan tường trình từ Bắc Kinh :
"Nạn nhân đầu tiên của virus corona mới ở Bắc Kinh là một người đàn ông 50 tuổi, từng đến Vũ Hán trong tháng này, trong khi Vũ Hán là ổ dịch của loại virus mới.
Cho đến nay, tại thủ đô có đến 20 triệu dân, đã có 80 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới. Và để hạn chế virus lây lan, chính quyền đã quyết định kéo dài thời gian nghỉ đến ngày 02/02, các trường học tạm thời sẽ đóng cửa vô thời hạn. Việc đeo khẩu trang sẽ bị bắt buộc trong các trường học ở thành phố, từ trường mẫu giáo đến đại học. Và các trạm kiểm tra thân nhiệt sẽ được lắp đặt trước khi học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Chính quyền cũng khuyến cáo người dân hoãn đi du lịch nước ngoài. Các trạm tầu điện ngầm ở Bắc Kinh, một trong những mạng lưới lớn nhất thế giới, tiến hành kiểm tra thân nhiệt hành khách.
Thách thức hiện nay của Trung Quốc là quản lý làn sóng đông đảo người dân muốn trở lại các thành phố sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán với gia đình".
Bắc Kinh trấn an Liên Hiệp Quốc là "kiểm soát" tình hình
Theo giới chuyên gia, số trường hợp có nguy cơ nhiễm virus corona mới cao hơn nhiều so với thực tế, có thể là hơn 40.000 người trên toàn thế giới. Dịch virus corona mới có thể kéo dài nhiều tháng trong trường hợp khả quan nhất. Cụ thể, trả lời AFP, giáo sư David Fisman, trường đại học Toronto, nhận định : "Kịch bản được cho là khả quan nhất là dịch virus corona tiếp tục vào mùa xuân, mùa hè và sau đó sẽ lắng xuống".
Trong khi đó, trong buổi họp ngày 27/01 tại trụ sở ở New York, ông Trương Quân (Zhang Jun), đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, khẳng định với tổng thư ký Antonio Guterres rằng Trung Quốc "hoàn toàn có khả năng và niềm tin để chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch" viêm phổi cấp tính. Theo AFP, ngoài việc công nhận rằng Trung Quốc đang trải qua "một giai đoạn khó khăn", ông Trương Quân nêu những biện pháp được Bắc Kinh triển khai nhằm khống chế dịch, đồng thời khẳng định "Trung Quốc làm việc với cộng đồng quốc tế trong tinh thần cởi mở, minh bạch và phối hợp khoa học".
Theo thông cáo của phái đoàn Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Antonio Guterres trả lời rằng Liên Hiệp Quốc "hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịnh bệnh và sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ và giúp đỡ cần thiết cho Trung Quốc". Bộ phận truyền thông của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc không bình luận thêm khi được AFP đặt câu hỏi.
Thu Hằng
******************
Virus corona: Ăn thịt thú rừng, coi chừng rước dịch bệnh
Thụy My, RFI, 28/01/2020
Cách đây 17 năm, virus SARS do thú hoang truyền đi đã cho thấy rõ sự nguy hiểm của việc ăn thịt các loại động vật hoang dã. Việc xuất hiện loại virus corona mới tại Trung Quốc chứng tỏ thói quen ăn thịt rừng vẫn phổ biến, và là nguy cơ ngày càng tăng đe dọa sức khỏe con người.
Giải phẫu dơi tại Trung tâm nghiên cứu y khoa Franceville (Gabon). Động vật hoang dã này là vật chủ của nhiều loại virus, nhưng là món ăn ưa thích tại Trung Quốc. IRD
Cũng giống như SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), virus corona mới - cho đến ngày 27/01/2020 đã làm 81 người chết và 2.835 người bị nhiễm bệnh - có nguyên nhân từ các loại thú hoang được bán làm thức ăn cho người.
1,7 triệu loài virus chưa được nhận diện trong thú hoang
Cho dù xuất xứ dịch bệnh chưa được kết luận, nhưng cơ quan y tế Trung Quốc khẳng định đó là từ các động vật hoang dã được buôn bán bất hợp pháp tại chợ Hoa Nam ở Vũ Hán. Chợ này bán đủ loại thú rừng còn sống, từ chuột, chó sói cho đến kỳ nhông khổng lồ. Mãi đến Chủ Nhật 26/01/2020, Bắc Kinh mới loan báo tạm cấm bán mọi loại thú hoang.
Việc buôn bán thịt rừng đi kèm với việc phá hủy không gian sinh tồn của thú rừng, khiến con người ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các loại virus có trong thú hoang. Chúng có thể lan tràn nhanh chóng trong môi trường siêu kết nối của chúng ta – theo giải thích của Peter Daszak, chủ tịch EcoHealth Alliance, một tổ chức phi chính phủ chuyên về phòng chống các loại bệnh dễ lây nhiễm.
Theo dự án Global Virome có mục đích cải thiện cung cách đối phó với dịch bệnh, hiện nay trong động vật hoang dã có đến 1,7 triệu loài virus chưa được nhận diện, trong đó gần phân nửa có hại cho sức khỏe con người.
Ông Daszak khẳng định với AFP : "Các loại dịch bệnh sẽ xảy ra thường xuyên hơn, chúng ta ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với các loại thú là vật chủ của virus". May thay, không phải kịch bản thảm họa lúc nào cũng diễn ra, tuy nhiên số lượng virus từ thú vật lây sang người khiến người ta phải cân nhắc.
Thú rừng là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh truyền nhiễm được ghi nhận từ những năm 80. Cầy hương đã truyền đi đại dịch SARS làm 916 người tử vong trên thế giới, chủ yếu ở Trung Quốc và Hồng Kông vào năm 2002-2003, loài dơi gây ra dịch Ebola và loài khỉ là tác nhân của SIDA.
Ngay cả gà, vịt và trâu bò cũng có thể là nguyên nhân của các loại bệnh như cúm gà và bệnh bò dại (Creutzfeldt-Jacob).
Ăn thịt rừng : Thói quen từ 5.000 năm tại Trung Quốc
Diana Bell, chuyên gia sinh học dịch tễ và bảo tồn thực vật, động vật hoang dã thuộc trường đại học Eat Anglia (Anh) kêu gọi : "Vì tương lai các loài thú hoang và vì sức khỏe loài người, chúng ta cần giảm tiêu thụ thịt rừng".
Thật ra bản thân việc ăn thịt thú rừng không thực sự nguy hiểm, vì đa số virus cũng chết một khi con thú bị giết. Nhưng các nhân tố gây bệnh có thể truyền sang con người khi bắt giữ, vận chuyển hay giết thịt thú hoang, đặc biệt nếu trong điều kiện vệ sinh tồi tệ, hoặc không có trang thiết bị bảo hộ.
Chính quyền Trung Quốc cố gắng giải quyết vấn đề khi khuyến khích nuôi các loại thú hoang này. Kể cả các loài đang bị nguy hiểm như cọp, vốn được ưa thích tại Trung Quốc và Châu Á vì được cho là giúp cường dương.
Theo các nhóm bảo vệ môi trường, nhu cầu ở Trung Quốc tăng lên cùng với sức mua của người tiêu thụ, là động cơ chính của việc buôn bán cọp trên thế giới. Dương Chiêm Thu (Yang Zhanqiu), chuyên gia sinh học thuộc đại học Vũ Hán cho rằng đó còn do kỹ nghệ thực phẩm Trung Quốc, vốn gây ra nhiều bê bối.
Chuyên gia Daszak nhìn nhận : "Rất khó ngăn chặn, chấm dứt một hoạt động đã thành truyền thống từ 5.000 năm". Ông hy vọng thế hệ mới sẽ quay lưng với thói quen ăn thịt động vật hoang dã, đặc biệt nhờ các chiến dịch được các nhân vật nổi tiếng Trung Quốc ủng hộ. "Tôi nghĩ rằng chừng 50 năm nữa, việc ăn thịt rừng sẽ trở thành quá khứ".
Thụy My