Virus corona : Trung Quốc gây áp lực với Tổ chức Y tế Thế giới
Thanh Phương, RFI, 29/01/2020
Sau hai ngày họp và sau nhiều cuộc tranh cãi gay gắt, ngày 22/01/2020, các thành viên ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO ) vẫn bị chia rẽ trong việc ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng ở cấp độ quốc tế liên quan dịch viêm phổi do virus corona mới.
Kiểm tra thân nhiệt một hành khách Trung Quốc tại sân bay Incheon, Hàn Quốc, ngày 29/01/2020 Yonhap via Reuters
Sau khi họp thêm một ngày, ủy ban này cũng không thống nhất được ý kiến. Theo nhận định của tờ Le Monde, dường như những tính toán về chính trị đã lấn át các lập luận khoa học, bởi vì Trung Quốc dứt khoát không muốn WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Sau cuộc họp, bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, nói rằng hiện giờ dịch viêm phổi cấp tính do virus corona mới chỉ là "vấn đề khẩn cấp y tế ở Trung Quốc", chứ chưa phải là một "vấn đề khẩn cấp y tế toàn cầu". Theo lời ông, sự bùng phát mạnh mẽ của virus corona ở Trung Quốc là một nguy cơ "rất cao" ở Trung Quốc và là một nguy cơ "cao" đối với khu vực và trên thế giới.
Ngoài những tuyên bố của tổng giám đốc, trong Tổ chức Y tế Thế giới, cũng như trong ủy ban khẩn cấp, trong những ngày qua, không một ai phát biểu điều gì về vấn đề này. Nhưng theo các thông tin mà tờ Le Monde thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau, sở dĩ WHO không ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, đó chính là do sự chống đối quyết liệt của Trung Quốc và các nước đồng minh. Những nước này đã gây áp lực đối với các thành viên ủy ban khẩn cấp và ban lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới.
Le Monde nhắc lại WHO có một công cụ pháp lý, Quy định Y Tế Quốc Tế. Bản quy định này đã được sửa đổi vào năm 2005, do Trung Quốc trong nhiều tháng đã che giấu các thông tin về dịch viêm phổi cấp tính nặng SARS 2002-2003. Bản mới có những quy định gắt gao hơn với các nước thành viên WHO, nhằm giúp cộng đồng quốc tế ngăn ngừa và đối phó với những nguy cơ nghiêm trọng về y tế, có thể từ một quốc gia lan ra nhiều nước khác và đe dọa cả thế giới.
Theo các quy định đó, WHO đã lập ra một ủy ban khẩn cấp về dịch viêm phổi do virus corona mới, với 15 thành viên và 6 cố vấn, chủ yếu là các chuyên gia dịch tễ học, đến từ những quốc gia đại diện cả năm Châu. Trong cuộc họp hai ngày 22 và 23/01, tổng giám đốc của WHO đã mời đại sứ của bốn quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản, đến dự với tư cách quan sát viên. Chính tại cuộc họp này mà đại sứ Trung Quốc đã gây áp lực với ủy ban và qua đó gây áp lực đối với tổng giám đốc WHO.
Theo một người nắm rành về hồ sơ này, được Le Monde trích dẫn, không phải là chính quyền Bắc Kinh xem nhẹ tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh, bằng chứng là họ đã thi hành những biện pháp rất nghiêm ngặt theo lệnh của chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc không còn là một nước thế giới thứ ba nữa, mà nước này hoàn toàn có đủ khả năng để tự mình đối phó với khủng hoảng y tế, khác với lúc xảy ra dịch SARS. Một trong những điểm khác so với thời dịch SARS : lần này Trung Quốc đã công bố rộng rãi cho thế giới những dữ liệu mà họ nắm được từ con virus corona mới.
Một lý do khác khiến Bắc Kinh không muốn WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, đó là vì họ sợ làm như vậy sẽ gây tác hại cho trao đổi mậu dịch và cho giao thông, điều mà Trung Quốc và các đồng minh của họ muốn tránh.
Trước thái độ cương quyết này, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cố tìm ra một thỏa hiệp với Bắc Kinh. Trong chuyến đi Trung Quốc của hai ngày qua, ông đã thuyết phục được Bắc Kinh chấp nhận cho WHO gởi một phái đoàn chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc để phối hợp các nỗ lực đối phó ở cấp độ toàn cầu với dịch viêm phổi do virus corona mới.
Thanh Phương
*******************Tại sao WHO rụt rè với Coronavirus ?
Mặc Lâm, VOA, 29/01/2020
Trong cuộc họp báo chiều 26/1 (mùng 2 Tết), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc làm việc thứ ba trong vòng 4 ngày qua với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch viêm hô hấp cấp do virus Corona mới (nCoV).
Tất cả các trường hợp ca bệnh xâm nhập đến các quốc gia hiện nay đều có tiền sử đi từ Thành phố Vũ Hán hoặc đã từng đến đây.
Bà Satoko, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết hiện các bằng chứng cho thấy việc lây nhiễm nCoV chỉ diễn ra ở các chùm ca bệnh là những người trong gia đình và những người tiếp xúc rất gần. Tất cả các trường hợp ca bệnh xâm nhập đến các quốc gia hiện nay đều có tiền sử đi từ Thành phố Vũ Hán hoặc đã từng đến đây. Tỷ lệ tử vong khi nhiễm nCoV tại Trung Quốc khoảng 3-4%, số ca bệnh nặng 20-25%. Với cách trình bày này bà Satoko chắc chắn đồng tình với WHO chưa nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho Coronavirus tại Trung Quốc cũng như các nước khác.
Trước đó ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc của WHO đã có những tuyên bố rõ ràng về quan điểm của WHO : chưa cần thiết tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Theo ông Tedros mặc dù đây là trường hợp khẩn cấp ở Trung Quốc nhưng nó vẫn chưa trở thành một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Do số lượng các trường hợp hạn chế đã lan ra bên ngoài Trung Quốc cho đến nay và Trung Quốc nỗ lực kiểm soát ổ dịch, WHO xác định vẫn còn quá sớm để sử dụng chỉ định. Vào thời điểm này, không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc.
Có phải WHO chần chừ không đưa ra quyết định tuyên bồ tình trạng khẩn cấp là do chưa đủ yếu tố nguy hiểm đối với con virus chết người Corona hay còn một nguyên nhân gì khác ngoài những yếu tố y tế như ông Tedros đưa ra ?
Khác với những gì mà thế giới trông đợi, ý kiến của Tiến sĩ Kelley Lee trong vai trò cố vấn cho WHO làm người ta băn khoăn không hiểu WHO đang hướng dẫn thế giới tránh dịch bệnh hay nó đang lãnh trọng trách bảo vệ nền kinh tế cho các quốc gia nhiễm bệnh, ở đây là Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn của Michel Martin, người đang làm việc cho đài phát thanh NPR của Mỹ, Tiến sĩ Kelley Lee cho rằng "khi một trường hợp khẩn cấp được tuyên bố, người ta có thể tưởng tượng rằng hệ thống kinh tế của đất nước đó sẽ vùi dập vì mọi người không muốn đi du lịch đến đất nước này. Giao dịch chậm lại. Cộng đồng doanh nghiệp trở nên rất, rất lo lắng, như chúng ta đã thấy. Có rất nhiều gợn sóng kinh tế xảy ra. Vì vậy, tôi nghĩ rằng WHO đang cố gắng cân bằng mức độ nghiêm trọng của vụ dịch, nơi nó đang xảy ra, mô hình lây nhiễm, tất cả những điều này cũng chống lại những tác động lớn hơn đối với đất nước, đối với nền kinh tế thế giới".
Ý tưởng của Tiến sĩ Kelley Lee có vẻ trùng hợp với ý tưởng của các nhà làm chính sách Trung Quốc, luôn muốn đem vấn đề "đại cục" ra để biện hộ những bất cập mà chính phủ chưa thể đối phó. Trung Quốc không hề che giấu ý định ngăn cản mọi thông tin bất lợi cho nền kinh tế mà nó khao khát muốn đạt tới bất kể sinh mạng của người dân. Tư tưởng Mao Trạch Đông cùng hệ lụy của các cuộc cách mạng mà ông ta phát động tuy làm cho nhân dân Trung Quốc chìm đắm trong bần cùng, chết chóc nhưng xem ra những lãnh đạo sau Mao Trạch Đông không hề lấy đó làm bài học : sinh mạng nhân dân luôn đứng đầu trong mọi kế sách của chính quyền.
Trong lần dịch này, Trung Quốc nhận thức được vấn đề ở một chiều kích khác, nếu tiếp tục ngăn cản thông tin họ vẫn có thể làm được trong một thời gian nào đó nhưng về lâu về dài khi Coronavirus tiến tới tầm không thể kiểm soát nỗi thì đó là lúc mọi chính quyền sẽ bị cuốn trôi theo dòng thác xác chết của vài triệu người dân Trung Quốc. Sự tức giận không cần phải bàn tới mà hệ lụy lớn nhất là cả đất nước này sẽ trờ thành hoang phế, không ai dám ra đường, xác chết nhiều hơn người sống… hình ảnh ấy đã làm cho lãnh đạo cao cấp nhất của Bắc Kinh phải lạnh gáy, và đó là lý do tại sao họ không thề tiếp tục che đây thông tin, kề cả thuyết phục cơ quan quyền lực y tế lớn nhất thế giới trì hoãn đưa ra tình trạng khẩn cấp.
Theo CNA, có lẽ nhận thức được sự nguy hiểm đang đè nặng trên vai WHO khiến cơ quan này đã đủ "can đảm" đề tuyên bố vào Chủ nhật 26/1 rằng Coronavirus gây rủi ro "rất cao ở Trung Quốc, cao ở cấp khu vực và cao ở cấp toàn cầu". Trong một chú thích, WHO cho biết đã nói "không đúng" trong các thông tin trước đó được công bố vào thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy, khi nói rằng rủi ro toàn cầu là "vừa phải".
Qua đính chính đó, người ta có thể nhận ra không một định chế nào, ngay cả Liên Hiệp Quốc, có thể hoàn hảo, bởi vì người điều hành luôn luôn đối mặt với mọi loại áp lực công việc.
Những người chờ đợi quyết định của WHO có thể thất vọng, nhưng ngược lại, những ai không chờ đợi một ngón tay chỉ đường mà tự hành xử theo lương tâm cùng kiến thức, kỹ năng chuyên môn mình có được sẽ có câu trả lời thỏa đáng : Cứ làm hết sức mình trước khi chờ người khác góp lời chỉ bảo.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 29/01/2020
********************
Ai tiếp tay cho Corona ?
Mặc Lâm, VOA, 27/01/2020
Mùng Hai Tết năm con chuột có lẽ là ngày đáng nhớ trong những cái tết của Việt Nam. Đáng nhớ vì dịch bệnh Corona đã ám ảnh cả nước khi nguồn tin từ các phương tiện truyền thông quốc tế cho biết virus Corona có thể lây sang đường hô hấp và nó có thể gây chết người hàng loạt.
Vì virus Corona không có thuốc đặc trị nên Trung Quốc rất lo bị phát tán trên diện rộng nếu tình trạng lây lan không thể kiểm soát thì số người chết không ai tưởng tượng nổi là bao nhiêu. Hình minh họa
Ủy ban Sức khỏe Trung Quốc và WHO đã xác nhận vi rút mới gây ra bệnh viêm phổi Vũ Hán thuộc chủng Corona, vốn gây ra dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Dịch bệnh SARS đã cướp đi sinh mạng của gần 650 người khắp Trung Quốc đại lục và Hồng Kông trong năm 2002 - 2003.
Chứng bệnh này phát tán nhanh và rộng khắp khiến cho cả hệ thống y tế của một nước có thể sụp đổ dễ dàng và vì vậy nó đang tấn công Trung Quốc, đặc biệt là tại thành phố Vũ Hán, nơi căn bệnh lạ này được tìm ra. Mặc dù nổi tiếng là đất nước có thông lệ che giấu thông tin nhưng lần này Bắc Kinh không thể tiếp tục lấy vải bọc lửa như những năm trước bởi người dân Trung Quốc ngày càng thông hiểu cách truyền tải thông tin dù đang bị bao vây một cách chặt chẽ nhất. Vì vậy mặc dù cả thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân bị phong tỏa nghiêm ngặt nhưng những video clip vẫn thoát ra ngoài chỉ rõ thảm trạng bên trong với những hình ảnh kinh hoàng gây cho người xem có cảm giác đang xem một cuốn phim ma của Holywood.
Một bài báo của VTC cho biết dân Vũ Hán nhiễm virus Corona đổ bệnh ‘như zombie’, thi thể bị bỏ trên hành lang bệnh viện "người dân ở Vũ Hán được yêu cầu tránh các đám đông và các cuộc tụ họp công cộng sau khi tất cả các liên kết giao thông trong thành phố 11 triệu người bị đóng cửa. Bên trong thành phố, người dân hoảng loạn về tình trạng thiếu lương thực.
Các cảnh quay xuất hiện cho thấy xe tăng và sĩ quan của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã di chuyển vào thành phố, nơi được mệnh danh là "zombieland". Trung Quốc cũng đã bổ sung thêm bốn thành phố vào lệnh cấm di chuyển, khiến 41 triệu người bị cách ly".
Với thông tin rất đơn giản về dịch bệnh quái ác này người dân có thể tìm thấy qua công cụ tìm kiếm Google như : Tránh ở chung phòng với một hệ thống máy lạnh, tránh đi máy bay dân dụng hay xe bus công cộng, tránh đám đông, không đụng chạm thân thể với người khác, dùng khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay bằng xà phòng nhiều lần, tránh người bị tình nghi là nhiễm bệnh, khi có triệu chứng sốt cao, đau cổ họng và ho liên tục phải khai báo ngay với cơ quan y tế… Vì virus Corona không có thuốc đặc trị nên Trung Quốc rất lo bị phát tán trên diện rộng nếu tình trạng lây lan không thể kiểm soát thì số người chết không ai tưởng tượng nổi là bao nhiêu.
Trong khi đó tại Việt Nam, chính phủ rất chậm chạp trong việc phòng tránh và có những biện pháp mạnh mẽ nhằm không chế dịch bệnh. Hàng đoàn khách du lịch từ Vũ Hán vẫn tiếp tục vào Đà Nẵng rồi đi Nha Trang mà không bị bất cứ biện pháp ngăn ngừa nào. Cửa khẩu các tỉnh phía Bắc mở toang bất kể sự lo âu của người dân. Chính phủ không tin rằng dịch bệnh sẽ nguy hiểm như Bắc Kinh đang lo sợ và vì vậy những hành vi tiếp tay lây nhiễm đang xảy ra mọi nơi nhất là tại các cơ quan du lịch.
Tình đến ngày mùng hai tết đã có 6.700 du khách Trung Quốc đã đến Quảng Ninh du xuân 3 ngày Tết
Thông tin do Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thuỷ cho biết khi trao đổi với VietNamNet. Theo ông Phạm Ngọc Thủy, ngày 30 Tết Nguyên đán có 3.000 khách Trung Quốc nhập cảnh theo đường bộ, hàng không và đường biển. Ngày mùng 1 Tết có khoảng 1.900 khách và hôm mùng 2 Tết có 1.800 khách từ Trung Quốc nhập cảnh vào Quảng Ninh.
Lạ một điều là Tổng cục Du lịch không yêu cầu dừng các đoàn khách tới Việt Nam từ các vùng có nguy cơ viêm phổi Vũ Hán cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp đưa khách ra nước ngoài đã nhận được yêu cầu "không tổ chức tour du lịch cho khách đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm vi rút nCoV cao theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế".
Cách đối phó này của Tổng cục du lịch đã là tiền đề cho một hành động khác xảy ra tại Đà Nẵng. Chủ khách sạn Danang Riverside vừa lên Facebook cá nhân cho biết khuya giao thừa 24/1, bà Trương Thị Hồng Hạnh - giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - đã đến khách sạn này yêu cầu gỡ tờ giấy không tiếp khách Trung Quốc mà khách sạn đã công khai đặt trước quầy tiếp tân vì sợ bị lây nhiễm virus Corona.
Chủ khách sạn cho biết ông đã hủy đặt phòng trước đó, trả tiền lại và không tiếp khách Trung Quốc mới - những người đến từ vùng dịch Corona. Thế nhưng bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc sở du lịch thành phố Đà Nẵng đã đến gây áp lực gỡ tấm biển đó.
Việc làm của bà Hạnh vừa vi phạm quyền kinh doanh của doanh nghiệp vừa tiếp tay cho virus Corona tràn lan nếu có một người khách nào từ Vũ Hán đến lưu trú trong khách sạn mà không được kiểm tra xem có bị lây nhiễm hay không. Hành vi này không thể được xem là vì lý do kinh tế.
Chưa hết.
Một vụ "Tu tập Hồi hướng hóa giải nạn dịch Virus Corona" được Chùa Ba Vàng phát động có lẽ hậu quả sẽ rất kinh hoàng nếu hàng ngàn Phật tử nghe và tin theo những lời lẽ phản khoa học từ một sư thầy mang tai tiếng trước đây là ông Thích Trúc Thái Minh. Sư thầy viết :
"Kính thưa đại chúng
Hiện nay tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp tính do chủng virus Corona mới tại Trung quốc đang diễn biến phức tạp và lan nhanh đến nhiều nước trên thế giới. Đây là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus Corona biến chủng gây ra chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắn xin phòng bệnh
Đức Phật dạy mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian đều có nguyên nhân của nó. Mọi thiên tai dịch bệnh gốc là do ác nghiệp của chúng sinh, đặc biệt là từ việc phá diệt Tam bảo, hủy hoại Phật pháp. Nạn dịch virus Corona cũng không ngoài nguyên nhân trên.
Theo lời Đức Phật dạy muốn nạn dịch hóa giải được phải bằng công đức phát nguyện Bồ Đề, tu tập chân thật của tăng ni, Phật Tử và tất cả chúng ta.
Được sự chỉ dạy trên Sư trụ trì chùa Ba Vàng tổ chức chương trình tu tập tại chùa và phát động nhân dân, Phật tử tinh tấn tu tập 49 ngày để hồi hướng cho nạn dịch sớm được tiêu trừ".
Có thật là giáo lý nhà Phật có Tu tập hồi hướng để tiêu diệt dịch bệnh hay thiên tai dịch họa như lời của sư thầy Thái Minh hay không ?
Theo web site của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết thì "Hồi hướng (Paridanayati) là hành động chuyển về, trao đến, nhận về và trao đến. Hồi hướng công đức (Pridana) nghĩa là bố thí (Dana) khắp cả (Pari), tức bố thí công đức của mình cho hết thảy chúng sanh. Sách Đại thừa nghĩa chương phân biệt ba ý nghĩa của hồi hướng công đức : a/mong cầu trí tuệ ; b/đem thiện pháp do mình tu được ban cho chúng sanh và c/đưa thiện căn của mình đến pháp tánh bình đẳng như thật. Có thể hiểu hồi hướng công đức là công hạnh tu hành vừa là lởi lạc, là sự thể hiện của từ bi (cũng là một công hạnh tu tập), thiện nguyện của người hồi hướng ; và theo lý bình đẳng thì mọi chúng sanh đều được hưởng công đức hồi hướng. Cũng trong ý nghĩa bình đẳng, vô chấp, vô phân biệt, kinh Tiểu phẩm Bát-nhã ghi : "Hồi hướng mà không có một pháp nào được gọi là hồi hướng mới gọi là hồi hướng A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (…), vì chư Phật dạy rằng hồi hướng thì không được chấp tướng".
Rõ ràng ông thầy trụ trì chùa Ba Vàng một lần nữa phỉ báng đạo Phật bằng cách biến những lời Phật dạy thành bùa chú chữa bệnh lấy tiền của dân chúng. Nếu người dân tin vào lời của ông ta kéo đến ngồi chung với nhau và bị virus tấn công thì ai là người chịu trách nhiệm cho hậu quả thấy trước này ?
Họ bắt tay nhau lợi dụng con virus Corona để làm tiền thiên hạ. Chính quyền nếu thấy mà làm ngơ trước những hành vi bẩn thỉu này thì khác gì quay mặt lại với dân đen vì những đồng tiền bất chính ?
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 27/01/2020