Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/01/2020

Thua bạc sao lại giết người ?

Cánh Cò - Diễm Thi

Trong khi người dân còn đang hoang mang trước con virus hung dữ Corona thì một vụ xả súng giết người làm cho ai bình tĩnh nhất cũng phải run sợ. Việt Nam đã học tập một cách nhanh chóng những vụ xả súng giết người của Mỹ mặc dù khác mục tiêu và đối tượng.

Những nạn nhân ngã xuống trong các vụ xả súng tại Mỹ hầu như không dính gì tới kẻ thủ ác, bọn chúng giết người vì muốn theo thánh Allah của chúng hay giết người vì ghét một sắc dân, một tập thể, thậm chí một dân tộc. Chúng giết người vì niềm tin lớn lao : Sự sung sướng khi thấy kẻ bị giết đầm đìa trong vũng máu.

giet1

Thượng úy công an Lê Quốc Tuấn là người nổ súng khiến 5 người tử vong và 1 người bị thương xảy ra tại địa bàn huyện Củ Chi. Hình Tuấn bỏ chạy sau khi gây án.

Ở Việt Nam thì khác, chỉ trong vòng chưa đầy tháng hai vụ giết người xảy ra, một tại Hà Nội và một tại Sài Gòn. Cả hai vụ đều do xả súng và đều do công an thủ ác.

Vụ mới nhất do đánh bạc, thua quá nóng mặt lại bị không cho cầm cái vì hết vốn, kẻ thủ ác là Lê Quốc Tuấn, thượng úy công an, cán bộ Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự (THA) - Hỗ trợ Tư pháp - Nhà Tạm Giữ, Công an Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Tuấn về nhà lấy súng ra bắn vào chiếu bạc giết chết tại chỗ 4 người. Hiện y đang đào tẩu và bị hơn 600 công an cùng với chó nghiệp vụ bao vây, lùng bắt.

Cây súng trên tay của Tuấn là do nhà nước cấp dùng để trấn áp tội phạm nhưng Tuấn lại dùng nó vào việc trấn áp người dân, kể cả người làm cho hắn tức giận. Thua bạc là việc xảy ra thường xuyên trên bất cứ chiếu bạc nào nhưng với Tuấn đã thua bạc còn bị sòng bạc khinh bỉ thì cơn giận của hắn không thề kiểm soát, nhất là trong tay hắn có sẵn thứ khí giới giết người kinh khủng mà bất cứ một kẻ khủng bố nào cũng ao ước có cho bằng được. Lê Quốc Tuấn không những có súng mà hắn còn được phép bắn vào bất cứ ai khi lên cơn cuồng nộ. Cái sự cho phép ấy không thành văn bản nhưng từ xưa tới nay bộ sắc phục công an đã mặc nhiên là tấm giấy phép vô hình nhưng đầy quyền lực cho những ai tin và theo đảng.

Lê Quốc Tuấn giết người vì thua bạc, mất trắng một số tiền mà hắn kiếm được bằng bộ sắc phục của mình. Người dân không để ý tới việc thua hay thắng của Tuấn đã làm nên "kỳ tích" giết người mà chỉ chú ý tới động cơ làm cho Tuấn dính tay vào máu. Động cơ là tiền, là tâm lý không sợ pháp luật chế tài vì mình là công an, cho dù có thế nào thì đảng và nhà nước không thể làm ngơ. Động cơ ấy phát xuất từ những vụ việc xảy ra trước đó trên khắp đất nước này : Công an luôn được bao che, chăm sóc cho dù tội trạng tày đình chăng nữa.

Tuy nhiên vụ giết người của Lê Quốc Tuấn không làm người dân căm phẫn bằng một vụ giết người khác xảy ra khuya 9 tháng 1 năm 2020 tại làng Hoành, Đồng Tâm cách Hà Nội 40 cây số.

Nạn nhân là cụ Lê Đình Kình, người bị thành phố Hà Nội kết án là dẫn dắt dân oan Đồng Tâm chống lại việc giao đất cho nhà nước. Chính quyền và người dân Đồng Tâm đã cùng ngồi trên chiếu bạc mang tên đất đai. Vật dùng để đặt cược là uy tín, niềm tin, sự tranh đấu và cuối cùng là sinh mạng của người trong cuộc.

Nhân dân Đồng Tâm chiến thắng nhiều trận chiến với chính quyền trong khi trong tay không có một tất sắt nào. Sau khi ông Lê Đình Kình bị chính quyền lừa và bắt đi người dân Đồng Tâm bao vây bắt làm con tin 36 cảnh sát cơ động và các cán bộ của chính quyền địa phương. Chính Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải về Đồng Tâm nài nỉ xin tha lúc ấy đân Đồng Tâm mới thả người. Canh bạc ấy người dân Đồng Tâm đã thắng.

Nhưng bù lại họ bị chính quyền căm thù còn hơn lúc xưa họ thù giặc Mỹ đánh bom Hà Nội.

Canh bạc Đồng Tâm chính quyền thua trắng uy tín, lòng tin của người dân vào nhà nước. Người dân Đồng Tâm thắng vì họ có chân lý. Cụ Lê Đình Kình tỏa sáng như một icon của nhân dân Đồng Tâm. Cụ bất chấp gian nguy và không ngớt phanh phui những khuất tất mà chính quyền Mỹ Đức cũng như Đồng Tâm thay nhau lừa gạt dân chúng.

Canh bạc này chính quyền không cam lòng, vì nếu thua Đồng Tâm thì mọi vùng đất đang tranh chấp khác sẽ bị phá sản. Nều thua Đồng Tâm thì người nông dân mọi nơi trên đất nước này sẽ theo gương Đồng Tâm mà quật khởi. Chính quyền quá thừa kinh nghiệm về công tác dân vận nên họ không thể để cho một cuộc Cách mạng Tháng Tám xảy ra lần nữa và vì vậy bằng mọi cách họ phải giết cho bằng được ông Lê Đình Kình, linh hồn của cuộc tranh đấu này.

Và họ giết ông thật.

giet2

Canh bạc Đồng Tâm chính quyền thua trắng uy tín, lòng tin của người dân vào nhà nước nên phải giết cho bằng được ông Lê Đình Kình, linh hồn của cuộc tranh đấu này. Hình Thi thể cụ Lê Đình Kình với vết mổ chạy dọc phía trước cơ thể, trên phần ngực ngay tim có dấu đạn bắn.

Theo lời tường trình trong nước mắt của vợ ông là cụ bà Dư Thị Thành, người chứng kiến cuộc xả súng vào gia đình bà vào đêm 8 rạng ngày 9 tháng Giêng. Bà cho biết sau khi công an cơ động bắn trái cay vào nhà họ bắt toàn bộ gia đình bà về đồn Miếu Môn. Ở đó bà chứng kiến chúng đánh đập, tra tấn con cháu bà cũng như người dân Đồng Tâm mà chúng bắt được. Cho tới hai giờ sáng chúng cho bà về nói là để lo hậu sự cho cụ Kình và còn lên giọng đạo đức : "Chúng tao mà không nhân đạo thì chúng tao bắn chết hết chúng mày".

Video của bà Dư Thị Thành chứng minh cho dư luận thấy rằng chính quyền khao khát tiêu diệt cụ Lê Đình Kình bằng mọi giá, kể cả mang tiếng giết người không vũ khí trong tay họ cũng chấp nhận. Những kẻ thua bạc thường giống nhau về sự mất khôn ngoan kể cả những kẻ đang trên chót vót quyền lực.

Lê Quốc Tuấn thua hết nhẵn tiền nên say máu giết người. Chính quyền Hà Nội thua sạch uy tín và lòng tin của dân nên giết người để thỏa mãn lòng khát khao quyền lực. Kẻ có quyền lực luôn luôn không muốn nhân dân thắng mình, dù là một câu nói huống chi một chính sách, một âm mưu.

Lê Quốc Tuấn sẽ vào tù hoặc cùng lắm là hắn tự sát trước khi bị bắt nhưng ba ngàn cảnh sát cơ động cùng lực lượng trấn áp tại Đồng Tâm sẽ không bao giờ bị bắt, bị tòa án trừng phạt vì tội thua bạc giết người, bởi lẽ tòa án tại Việt Nam cũng đang thua bạc, canh bạc mang tên tam quyền phân lập.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 30/01/2020 (canhco's blog)

*****************

Công an giết người : Lỗi do cơ chế ?

Diễm Thi, RFA, 30/01/2020

Chiều ngày 29/1/2020, tức Mùng 5 Tết Canh Tý, khi không khí vui Xuân còn chưa dứt thì báo chí loan tin một nghi phạm là công an, công tác tại nhà tạm giữ Công an quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh xả súng AK giết chết 4 người tại sòng bạc ở huyện Củ Chi. Nghi phạm đã tham gia đá gà, đánh bạc từ sáng đến trưa, thua bạc và có cự cãi với một số người, sau đó bỏ về, vài tiếng sau quay lại gây án.

giet3

Hình ảnh về nghi phạm Trần Quốc Tuấn được camera an ninh ghi lại Ảnh minh họa.

Hung thủ chưa bị bắt thì đến rạng sáng ngày 30/1, một vụ bắn chết người, cướp xe lại xảy ra ở huyện Củ Chi được camera người dân ghi lại khiến người dân hoang mang, lo sợ.

Cùng ngày, Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, Hà Nội đã tuyên phạt ba công an phường Thanh Xuân Nam mỗi người 7 năm tù với tội nhận hối lộ, trả lại ma túy cho người nghiện. Trong đó ông Nguyễn Thế Biết từng là Phó trưởng Công an phường, ông Trần Văn Trọng và ông Nguyễn Minh Tuấn là cán bộ thuộc Tổ Cảnh sát hình sự phường.

Cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang nói với RFA vào tối 30/1 rằng ông thấy buồn vì những ứng xử như vậy của những người được gọi là ‘công an nhân dân’, nhưng ông không thấy lạ. Ông nói :

"Việc làm của những chiến sĩ công an trong ngành như vậy làm tôi trước hết thấy buồn và sốc. Điều này sẽ xảy ra không sớm thì muộn đối với một số cá nhân thôi vì công tác giáo dục chính trị tư tưởng không được chu toàn cho lắm.

Theo chú thì dù có giáo dục tư tưởng chính trị bao nhiêu chăng nữa mà luật pháp không nghiêm thì người ta vẫn coi thường kỷ luật và dẫn đến tình trạng mất hiệu nghiệm".

Việc nghi phạm được cho là công an xả súng giết người như vậy gây bàng hoàng cho người dân cả nước vào những ngày đầu năm mới. Người dân hoài nghi về tính nghiêm minh trong việc thực thi các thông tư, nghị định dành cho lực lượng này đã được pháp luật quy định. Chẳng hạn như Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 hay Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đều có những quy định chặt chẽ các trường hợp được nổ súng và nghiêm cấm hành vi lạm dụng việc sử dụng vũ khí để xâm phạm sức khỏe, tính mạng của công dân.

Cụ thể, điều 22 pháp lệnh năm 2011 quy định rõ rằng, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.

Ngoài việc nổ súng giết người vừa xảy ra, nhiều sự việc không hay liên quan đến công an làm ảnh hưởng xấu đến ngành này nói riêng và toàn xã hội nói chung bị người dân đưa lên mạng xã hội, điển hình là Đại úy công an Lê Thị Hiền đồng thời là cán bộ xử lý hành chính của Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - phản ứng nhanh thuộc Công an quận Đống Đa, Hà Nội, đã la hét, xô đẩy lực lượng chức năng ở sân bay Tân Sơn Nhất hồi tháng 8 năm 2019 ; Thượng úy công an Nguyễn Xô Việt, công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên ném đồ ăn và tát vào mặt một nhân viên tại quầy tính tiền khi bị nhắc nhở/11 năm 2019…

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định về hành xử sai trái của nhân viên công lực Việt Nam như vừa nêu :

"Tôi cho rằng tình trạng cán bộ công an vi phạm pháp luật đã được Bộ trưởng công an Tô Lâm nói đến và ngành công an cũng ban hành chỉ thị 64 về học tập tác phong của Hồ chủ tịch và phải thưởng xuyên rèn luyện, tu dưỡng, không được vi phạm pháp luật. Ngành công an có 6 điều nhằm ngăn chặn suy thoái về đạo đức. Bản thân những người công an vi phạm là do không có sự rèn luyện. Tình trạng này đến lúc báo động. Tôi cho rằng phải thực hiện chặt chẽ hơn nữa quy trình đào tạo, tuyển dụng, quy hoạch cán bộ chiến sĩ công an".

Một số người dân mà RFA tiếp xúc đều cho rằng thói hành xử côn đồ ‘có sẵn trong máu’ của công an Việt Nam do bản tính, môi trường, tư duy nhận thức. Nếu họ sinh ra, lớn lên được học tập, rèn luyện trong một môi trường tốt hơn thì họ sẽ không có cách hành xử như vậy.

Ông Trần Trọng Nhân, một người dân Sài Gòn nhận định rằng việc công an cư xử như vậy xuất phát từ thể chế. Với kinh nghiệm bản thân, ông thấy hầu hết công an có cách làm việc hết sức thiếu tôn trọng người dân và bạo lực. Ông phân tích rằng, do công an Việt Nam thấm nhuần cách mà họ được đào tạo cai trị người dân bằng bạo lực chứ không bằng lẽ công chính, bằng luật pháp, cho nên trong bất cứ trường hợp nào, dù người dân phạm tội hay không thì họ cũng hành xử một cách côn đồ, bạo lực để thị uy và trấn áp người dân ngay từ ban đầu. Chính vì vậy mà khi ra đời sống, cách hành xử nó bộc phát ra.

Qua sự việc nghi phạm là một công an xả súng bắn người trong sòng bạc ở Củ Chi, anh Nguyễn Văn Quang từ Sài Gòn nêu cảm nhận của mình :

"Bây giờ tôi không còn niềm tin vô luật pháp Việt Nam, không tin vô những người thực thi pháp luật ở Việt Nam nữa. Ở góc độ người dân thì cực chẳng đã mới phải nhờ đến họ thôi. Luật pháp không nghiêm thì cũng nằm trong cái chế độ độc tài, độc đảng, công an được trao quá nhiều quyền lực nên họ đứng trên pháp luật. Bao nhiêu sự việc xử lý bao che thấy rõ".

Anh nói thêm rằng cảnh sát huy động 500 người bao vây một khu vực không rộng lớn mà sau hai ngày vẫn chưa bắt được nghi phạm chứng tỏ năng lực yếu kém của cơ quan chức năng.

Sự vụ này khiến nhiều người nhớ lại rạng sáng ngày 9/1, mấy ngàn quân tràn vào thôn Hoành, Xã Đồng Tâm chỉ để giết cho được ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, ngay tại tư gia. Ông là đảng viên cộng sản 58 tuổi đảng và được dân làng tin tưởng giao phó trọng trách đi đầu đấu tranh giữ 59 héc ta đất nông nghiệp của làng.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 30/01/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cánh Cò, Diễm Thi
Read 765 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)