‘Xài qua – xài lại’ ở chính trường Việt Nam
Nguyễn Nam, VNTB, 10/02/2020
Gọi cách dân dã ‘xài qua – xài lại’ là vì đang làm phó thủ tướng trong nội các chính phủ, ‘đùng một cái’ ông Tổng bí thư cho ‘thôi chức phó thủ tướng’ để về làm Bí thư Thành ủy – một chức vụ thuần cơ quan đảng dưới trướng ông Tổng bí thư. Không chịu thua, Thủ tướng chính phủ đã bổ nhiệm một phó trưởng ban tuyên giáo trung ương, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế.
Ông Vương Đình Huệ ‘thôi chức phó thủ tướng’ để về làm Bí thư Thành ủy ; ông Nguyễn Thanh Long rời chức phó trưởng ban tuyên giáo trung ương về làm Thứ trưởng Bộ Y tế
Nếu căn cứ về thẩm quyền trong hệ thống luật pháp Việt Nam thì việc ‘thôi chức’ – ‘điều về’ – ‘bổ nhiệm’ này chưa thấy nằm trong luật nào trong rừng luật ở Việt Nam.
Trước hết, vị trí phó thủ tướng là theo đề xuất của Thủ tướng và trình tự hành chính chấp thuận ở cấp Quốc hội (Hiến pháp năm 2013, Chương VII, Điều 98). Việc miễn nhiệm chức danh phó thủ tướng cũng phải được chính Thủ tướng đưa ra và lại qua thủ tục hành chính của Quốc hội.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ‘bị/được’ rời ghế phó thủ tướng để nhận chức danh Bí thư Thành ủy Hà Nội
Thế nhưng trên thực tế vừa qua cho thấy phó thủ tướng Vương Đình Huệ ‘bị/được’ rời ghế phó thủ tướng để nhận chức danh Bí thư Thành ủy Hà Nội lại là ‘ý chỉ’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội cùng ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ đều không thấy có ý kiến gì về chuyện ‘lấy người – xài người’ này của ông Nguyễn Phú Trọng.
Đến lượt mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khôn khéo hơn khi ‘sắm thêm vai’ cho phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – ông Nguyễn Thanh Long, khi nhân mùa chống dịch virus Corona/ Vũ Hán. Lý do đơn giản và thuyết phục : ông Nguyễn Thanh Long là một chuyên gia y tế, người từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế trước đó.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao quyết định và chúc mừng tân Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long.
Lý lịch khoa học của ông Nguyễn Thanh Long thấy trích đăng như sau : Tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại Đại học Y Thái Bình (ngày nay là Đại học Y Dược Thái Bình) năm 1990, sau đó là Thạc sĩ Y khoa chuyên ngành Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội năm 1995 ; Tiến sĩ Y khoa năm 2003 ; Phó Giáo sư y học năm 2009, Phó Giáo sư kiêm nhiệm Trường Đại học Griffith, Úc năm 2011 ; Giáo sư y học năm 2013.
Ngày 30/10/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Long giữ chức phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ngày 31/01/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định bổ nhiệm ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam.
Hiện tại coi như ông Nguyễn Thanh Long cùng lúc phải ‘vừa ẳm em, vừa xay lúa’ với đầu lương của chức phó Tuyên giáo, đầu lương kia là thứ trưởng Bộ Y tế.
Chuyện ‘xài qua – xài lại’ ở trên bất chấp quy định của pháp luật liên quan cho thấy đã đến lúc những người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam không thể thoái thác cho việc ban hành một luật về hoạt động của đảng cộng sản. Đồng thời, mặc dù là độc đảng toàn trị, song với nội dung ở Điều 4, Hiến pháp 2013 cho thấy cần thiết việc Quốc hội Việt Nam soạn thảo dự luật về hoạt động đảng phái chính trị.
Lâu nay ở các tài liệu, bài báo của cơ quan Tuyên giáo Trung ương, vẫn luôn nhấn mạnh việc nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với sự lãnh đạo toàn diện của đảng cộng sản, song đảng không làm thay các công việc của nhà nước.
Thế nhưng thử nhìn lại những vụ án được gọi là đến từ chuyện ‘đốt lò’ của ông Nguyễn Phú Trọng, sẽ thấy rằng lẽ ra những ‘củi’ này đã phải vào lò từ rất lâu rồi. Song vì củi đó là đảng viên, nên khi một quan chức là đảng viên có hành vi vi phạm pháp luật thì đầu tiên là phải báo cáo với tổ chức Đảng. Khi tổ chức Đảng ‘gật đầu’ thì mới qua công đoạn xử lý của Chính phủ, của các cơ quan nhà nước và các cơ quan tố tụng. Rõ ràng Đảng đã đứng trên pháp luật.
Ở thời dịch bệnh virus Corona/ Vũ Hán bùng nổ, chuyện ‘xài qua – xài lại’ này trong bộ máy công quyền sẽ dễ lây lan hơn nữa một con virus cũ mèm mang tên ‘kinh nghiệm’, với chuyện ‘rút kinh nghiệm’ ở ‘sợi dây’ rút hoài vẫn không hết trong thể chế chính trị Việt Nam.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 10/02/2020
*****************
Tại sao kỳ vọng ông Vương Đình Huệ ?
Quang Thành, VNTB, 10/02/2020
Bỏ qua những nội dung tin bài lá cải, nịnh bợ như ‘đèn đom đóm’ hay ‘đi chợ trả tiền’, người viết cho rằng, sự công tâm trong đánh giá ông Huệ là một việc nên làm, và chúng ta vẫn phải cần thêm một thời gian để ông Huệ phô bày thực tài của mình.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh : VGP/Nhật Bắc
Tuy nhiên, dưới góc độ người viết, ông Huệ vẫn là gương mặt sáng của ‘quê choa’ và trong bộ chính trị Việt Nam hiện thời. Nếu so với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thì thực tài và khả năng điều hành kinh tế của ông Vương Đình Huệ vượt trội hơn hẳn. Nếu đặt trong hoàn cảnh ông có thể tiếp cận chức vụ Thủ tướng trong thời kỳ tới thì người viết vẫn đặt ra hy vọng về một nền kinh tế Việt phát triển bền vững hơn.
Lý do gì khiến người viết kỳ vọng như vậy ?
Đầu tiên là vào những ngày cuối tháng 5/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đọc tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ. Quyết định này xuất phát từ khi Bộ Chính trị có quyết định phân công ông Huệ làm Trưởng ban kinh tế Trung ương. Quyết định này cũng đồng nghĩa, đưa người đứng đầu ngành nóng (Bộ Tài chính) phải về ngồi bàn giấy (thời kỳ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm quyền, các ban bệ của Đảng là hết sức mờ nhạt). Và theo như báo chí mô tả, ông Huệ đã từ chối phát biểu trước Quốc Hội liên quan đến sự kiện này. Hành vi này cho thấy một quan điểm điền đạm và hợp lý, khi vai trò chính trị bị các nhóm lợi ích phong toả.
Điểm thứ hai cần nhắc đến là Tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam : Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy", với tư cách là Phó thủ tướng, ông Vương Đình Huệ đã có những chia sẻ cực kỳ đúng đắn và khoa học về bài toán phát triển kinh tế Việt Nam, không chỉ liên quan đến trọng tâm phát triển, mà cả vấn đề FDI.
Ông "cảnh báo về việc chọn nhiều trọng tâm, trọng điểm" trong bối cảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân phát cho mỗi tỉnh thành là một mũi nhọn, một đầu tàu. Điều đó không chỉ nhấn mạnh tính tập trung, trọng tâm nền kinh tế. Mà cho thấy góc nhìn của ông Vương Đình Huệ là dựa trên nội lực của mỗi tỉnh thành, cẩn trọng trong phát triển lợi thế hơn là ban phát các liều doping cho các tỉnh thành đến mức các tỉnh thành rơi vào trạng thái ảo tưởng.
Ông Vương Đình Huệ còn đề cập đến một thiếu hụt liên quan đến chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng, dẫn đến hoàn cảnh không xác thực được số liệu thống kê, và cả chỉ số tăng trưởng hằng năm cũng đều bị nghi ngờ. Điều này là cần thiết để minh bạch nền kinh tế và đảm bảo các số liệu chuẩn để phát triển thực nền kinh tế quốc gia.
Đối với vấn đề FDI, ông đề cập đến lựa chọn "doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, có chuỗi giá trị, thân thiện môi trường". Những yếu tố này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu cần có ở một chính phủ kiến tạo, nó đảm bảo loại bỏ các doanh nghiệp FDI mà nguy cơ công nghệ cũ, thiếu chuỗi giá trị và chứa đựng khả năng huỷ hoại môi trường như Formosa từng tồn tại. Chấm dứt biến Việt Nam trở thành nơi xuất khẩu các mặt hàng gia công dựa trên nhân công giá rẻ, thuế quan trải thảm, và thực hiện các hành vi "chuyển giá" gây bất lợi cho ngân sách nhà nước. Quan điểm thu hút doanh nghiệp FDI của ông Vương Đình Huệ cũng dẫn dắt các chủ trương, chính sách (nếu có) bám sát theo và đưa Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn liên quan đến tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, cũng như tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi mà các hiệp định tự do thế hệ mới mang lại, đảm bảo Việt Nam phát triển "bền vững" hơn trong tương lai.
Điều thứ ba, là khi ông Vương Đình Huệ họp với các doanh nghiệp, cơ quan xăng dầu nhấn mạnh "thanh tra, minh bạch". Ông cũng tuyên bố sẽ thay ngay doanh nghiệp nếu như không làm được, cũng như khẳng định "doanh nghiệp đừng có dọa nhà nước". Tuyên bố này, cùng với quan điểm trong Hội thảo về kinh tế nêu trên cho thấy phần nào đó, ông Vương Đình Huệ đánh giá cao tính minh bạch trong nền kinh tế, hiểu tác dụng tích cực của nó. Và ông sẵn sàng răn đe nhóm lợi ích nếu như điều đó đi ngược lại sự minh bạch.
Ông Vương Đình Huệ thực tài có thể so với Thống đốc Nguyễn Văn Bình về mặt tư duy, điều hành kinh tế. Và điều này nên được xem là điểm sáng. Đó là lý do vì sao người viết nhận thấy, ông Vương Đình Huệ không chỉ giỏi về thực học, và việc ông từng đứng đầu Bộ Tài chính cũng cho thấy thực lực của ông. Con đường chính trị của ông Vương Đình Huệ khá khó khăn, có lúc tưởng chừng như về hưu non. Nhưng thời vận của ông đã không dừng tại đó, và có lẽ Thủ đô Hà Nội sẽ trở nên ổn hơn dưới thời kỳ của Bí thư thành uỷ Vương Đình Huệ, cũng như đây sẽ là điểm nhấn cho ông tiếp cận ghế Thủ tướng trong tương lai. Một vị trí mà ông Huệ xứng đáng ngồi trong dãy bộ mặt Uỷ viên Bộ chính trị hiện nay.
Quang Thành
Nguồn : VNTB, 10/02/2020
*********************
Vương Đình Huệ : Quan lộ thần tốc
Hải Yến, thoibao.de, 08/02/2020
Ngày 7/2, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam thông báo đã phân công ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, làm Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội.
Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị giao ông Vương Đình Huệ làm bí thư thành ủy Hà Nội
Động thái này của Bộ Chính trị cho thấy hai nhân vật này sẽ đi theo hai chiều hướng ngược chiều nhau, một là khả năng thăng tiến hơn nữa cho ông Vương Đình Huệ và khả năng ông Hoàng Trung Hải sẽ trở thành củi đốt lò vì những sai phạm gây thất thoát và thiệt hại khổng lồ cho tài sản của nhà nước .
Ông Hoàng Trung Hải thôi giữ chức Bí thư Thành Hà Nội để giữ chức Phó Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Chức Phó Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII dành cho ông Hoàng Trung Hải coi như một vị trí văn thư quèn, không có quyền hành gì cả, số phận ông Hoàng Trung Hải xem như đã rõ.
Tháng Giêng năm nay, ông Hoàng Trung Hải nhận kỷ luật cảnh cáo của Bộ Chính trị vì có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình chỉ đạo thực hiện Dự án Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II) khi còn là Phó Thủ tướng.
Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thông báo ông Vương Đình Huệ thôi giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ để chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội khóa XIV của Thành phố Hà Nội thay ông Hoàng Trung Hải.
Hiện nay, giới quan sát đặt ra hai giả thiết :
Hoặc việc ông Vương Đình Huệ lãnh đạo Thành ủy Hà Nội chỉ là biện pháp tạm thời từ nay tới Đại hội Đảng 13, dự kiến tháng Giêng 2021. Theo đó, ông Vương Đình Huệ sẽ có khả năng được đề cử vào một trong Tứ Trụ (Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội).
Dù dự đoán ra sao, điều rõ ràng là con đường quan lộ của ông Vương Đình Huệ ngày càng thuận lợi.
Hoặc nếu không vào Tứ Trụ tại Đại hội Đảng 13, ông Vương Đình Huệ sẽ tiếp tục chức Bí thư Thành ủy Hà Nội thêm một nhiệm kỳ.
Trước đó, từ hồi tháng 5 năm 2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ủng hộ hai ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ, đang là các trưởng ban Ban Nội chính và Ban Kinh tế Trung ương, ứng cử vào hai vị trí trong Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương lại bầu cho hai ứng viên khác là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tại Hội nghị trung ương 7 kết thúc hôm 11/5/2013, 175 ủy viên trung ương chính thức có quyền bỏ phiếu đã bầu các ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng, và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch quốc hội, vào Bộ Chính trị vốn đã có 14 ủy viên, đưa tổng số nhân sự lên 16 ghế.
Trong khi đó, Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh và Trưởng bn Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ lại không vào được cơ quan quyết sách tối cao này của Đảng.
Thời điểm đó, giới bình luận gọi đây là thất bại của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tiếp xúc cử tri ngày 13/5/2013, ông Nguyễn Phú Trọng bình luận : "Thẩm quyền là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cũng là cơ quan chuẩn bị để Trung ương quyết thôi. Vừa rồi bầu bổ sung được thành 16 ủy viên Bộ Chính trị, định bổ sung 3 thì được 2, định bổ sung thêm 2 ủy viên Ban Bí thư thì được 1, so với yêu cầu về số lựợng thì chưa đạt, cái đó Trung ương cũng không hài lòng".
Báo chí nhà nước khi đó dẫn lời ông Trọng giải thích rằng, "trong không khí dân chủ này cơ chế phải có số dư, để tôn trọng các ý kiến của người ta".
Ông Vương Đình Huệ, khi đó tiếp tục là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, từ tháng 12/2012 tới tháng 1/2016, khi diễn ra Đại hội Đảng 12.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nay là bí thư thành ủy Hà Nội
Vào Bộ Chính trị năm 2016 : Nhưng tại Đại hội 12, ông Huệ được bầu vào Bộ Chính trị, vào nhóm các nhân vật quyền lực nhất của Việt Nam.
Từ tháng 4/2016, ông chính thức là Phó Thủ tướng Chính phủ cho đến ngày 7/2 năm nay, khi được điều động làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Với học vị Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế, ông Vương Đình Huệ được giới quan sát xem là một trong những nhà kỹ trị nổi trội nhất trong chính giới Việt Nam.
Trong vai trò Phó Thủ tướng, ông Huệ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực về kinh tế, trong đó có việc theo dõi sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
Ông Huệ cũng là người trực tiếp chỉ đạo đàm phán và thực hiện các Hiệp định kinh tế song phương và đa phương.
Ông giúp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ : Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi.
Ông còn là Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia ; Trưởng ban Chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương nhà nước ; Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp…
Sinh năm 1957, với chuyên môn kinh tế, tài chính, ông Huệ được đồn đoán là một trong các ứng viên cho chức Thủ tướng trong tương lai.
Theo truyền thống, các thủ tướng Việt Nam gần đây, từ ông Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, đều xuất phát từ chức vụ phó thủ tướng.
Theo tiểu sử chính thức, từ 1979 tới 1985, ông Vương Đình Huệ là giảng viên Trường Đại học Tài chính và kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính).
Từ 1986 tới 1990, ông làm nghiên cứu sinh ở Đại học Kinh tế Bratislava, Cộng hòa Slovakia.
Sau khi về nước, ông làm giảng viên ở Đại học Tài chính và kế toán Hà Nội, rồi trở thành Trưởng khoa Kế toán từ 1994 tới 1999.
Hình ảnh 19 nhân vật trong Bộ chính trị khóa 12 đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 5 Phó thủ tướng
Trong hai năm từ 1999 tới 2001, ông là Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Đại học Tài chính và kế toán Hà Nội. Từ 2001 tới 2006, ông là Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Ông trở thành Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, Đại biểu quốc hội từ 2006 tới 2011.
Trong thời gian ngắn, từ tháng 8/2011 tới tháng 12/2012, ông giữ chức Bộ trưởng Tài chính.
Cuối năm 2012, Bộ Chính trị do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu quyết định tái lập Ban Kinh tế Trung ương. Ban này được gọi là Ban tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế, theo đường lối và Cương lĩnh của Đảng đã chỉ ra.
Ông Vương Đình Huệ được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, điều động làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương từ cuối 2012 tới 2016.
Việc giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng là lần đầu tiên ông Vương Đình Huệ nắm chức vụ lãnh đạo ở một cấp địa phương.
Việc điều hành Đảng bộ Thủ đô vào thời điểm hiện nay sẽ là cơ hội để ông chứng tỏ khả năng trước Đại hội Đảng 13 năm sau.
Trước đó đã có nhiều lời đồn đoán rằng Phó thủ tướng Vương Đình Huệ được đề bạt chức vụ mới. Mạng xã hội bỗng xôn xao vì một số người bắt đầu chia sẻ câu chuyện mang tên Tuổi thơ "dữ dội" của Bộ trưởng Vương Đình Huệ với chi tiết "Những khi đèn dầu hết, ông học nhờ ánh trăng và bắt chước người xưa bắt đom đóm bỏ vào quả cà rỗng để học".
Ông Trần Quốc Vượng trao quyết định chính thức cho ông Vương Đình Huệ
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá ông Vương Đình Huệ là cán bộ được đào tạo cơ bản, đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng.
Theo ông Vượng, việc này nhằm phát huy kiến thức, năng lực nghiên cứu chiến lược và kinh nghiệm công tác của ông Hải vào công việc chung của Đảng.
Cùng với đó, Bộ Chính trị cũng họp, thảo luận, cân nhắc các mặt để điều động ông Vương Đình Huệ thôi làm Phó thủ tướng để giữ chức Bí thư Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hà Nội thay ông Hoàng Trung Hải.
Cũng theo Thường trực Ban Bí thư, ông Vương Đình Huệ là cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, có kiến thức chuyên môn phù hợp với yêu cầu lãnh đạo và nhiệm vụ chính trị của thành phố, nắm vững công tác xây dựng Đảng và quản lý Nhà nước ở Trung ương.
Đặc biệt, ông Huệ có uy tín và khả năng quy tụ đoàn kết nội bộ, có bề dày kinh nghiệm công tác và am hiểu tình hình kinh tế xã hội của đất nước cũng như Hà Nội.
Có lẽ để chuẩn bị thi hành kỷ luật với cựu Bí thư Hoàng Trung Hải, nên Bộ Chính trị đã nhanh chóng ra quyêt định, để chiều ngày 7/2/2020 Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố quyết định chính thức là ông Vương Đình Huệ sẽ đảm nhận cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020.
Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ là một cá nhân, dù có khả năng đến đâu, nhưng ông vẫn phải thực hiện việc điều hành đất nước theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản Việt Nam đề ra, điều đó sẽ dẫn đến thất bại vì thứ lý thuyết sai lầm và vô nghĩa này.
Hải Yến (Hà Nội) tổng hợp
*********************
Liệu Đồng Tâm có là 'một thách thức' cho Tân bí thư Hà Nội ?
BBC, 08/02/2020
Thành phố Hà Nội vừa có tân Bí thư Thành ủy, khi ông Vương Đình Huệ, đang là Phó Thủ tướng, nhận quyết định của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, về thành ủy Hà Nội, thay thế cho ông Hoàng Trung Hải.
Tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ (giữa) được Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam điều động thay thế ông Hoàng Trung Hải (trái) hôm 07/02/2020.
Quyết định thay đổi nhân sự cao cấp ở thủ đô của Việt Nam diễn ra trung với mốc thời gian tròn một tháng xảy ra vụ bố ráp, tập kích đầy bạo lực, gây đổ máu ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội làm cho nhiều người, trong đó ngoài ba sĩ quan Công an, một công dân 84 tuổi, ông Lê Đình Kình, thiệt mạng.
Nhân dịp này, một nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam nêu bình luận của mình trước câu hỏi, liệu giải quyết hậu quả vụ tập kích ở Đồng Tâm hôm 01/09/2020 có phải là một thách thức đối với ông Vương Đình Huệ.
"Đồng Tâm là một vụ mà rất là không hay và đang là vấn đề khó xử", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), nói với BBC News Tiếng Việt hôm 07/02 từ Hà Nội.
"Thế nhưng nhiệm vụ của ông Huệ lại không nằm ở một chỗ cụ thể như thế.
"Nhiệm vụ của ông Vương Đình Huệ là ông phải tiếp tục thực hiện được Nghị quyết của Đại hội lần thứ 16 của Đảng bộ Hà Nội và thực hiện các vấn đề thuộc về Nghị quyết của Đại hội đảng (toàn quốc) lần thứ 12.
"Có khoảng 16 nhiệm vụ thể mà vừa rồi trong vòng bốn năm vừa rồi, khi mà người ta tổng kết, người ta thấy rằng là cả 16 nhiệm vụ ấy, thì ông Hoàng Trung Hải thực hiện một cách là tốt".
Theo nhà nghiên cứu này, từ nay đến Đại hội lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam, tân Bí thư Thành ủy Hà Nội sẽ phải 'làm tốt' tất cả những việc đó.
'Đồng Tâm - chắc chắn sẽ phải đụng'
Liên quan vụ việc Đồng Tâm hôm 09/01 và hậu sự kiện này từ đó về sau, trong bối cảnh Hà Nội có tân Bí thư thành ủy, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp bình luận tiếp :
"Việc Đồng Tâm là một việc cụ thể mà chắc chắn trong quá trình mà làm Bí thư Hà Nội, thì sẽ có lúc ông ấy phải đụng đến nó.
"Bởi vì bây giờ ông ấy thay ông Hoàng Trung Hải làm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội của Hà Nội.
"Cho nên việc Đồng Tâm thì thế nào người ta cũng phải nêu ra ở Quốc hội.
"Không sớm thì muộn sẽ phải nêu ra. Cho nên, sẽ đến lúc người ta sẽ phải đụng đến nó".
Nhân nhắc đến Quốc hội Việt Nam liên quan vụ tập kích 'đẫm máu' ở Đồng Tâm xảy ra tròn một tháng trước, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm của mình về việc cơ quan lập pháp này cần phải làm gì và vì sao.
"Xét về mặt Quốc hội, thì Quốc hội có vai trò giám sát việc thực thi pháp luật, nên phải có những hành động. Trước hết là những cuộc họp để mà giám sát lại vụ việc Đồng Tâm, vì sao nó xảy ra như thế ? Và vì sao lại xảy ra việc giết ông Lê Đình Kình như thế ?
"Tôi cũng nhắc lại là người ta đã khởi tố vụ án giết người, tức là giết ba người sĩ quan cảnh sát đấy, thì cũng rất nên, Quốc hội cũng rất cần thiết là phải điều tra và khởi tố vụ án giết ông Lê Đình Kình.
"Quay lại Quốc hội, thì vai trò giám sát việc thực thi pháp luật là một việc.
"Vai trò thứ hai là vai trò giám sát thực hiện Hiến pháp, hành vi, hành động nào của chính quyền có thể dính đến việc vi hiến, thì Quốc hội cũng có vai trò như thế.
"Ở đây, Quốc hội, theo luật của Quốc hội, luật Tổ chức Quốc hội, giao cho Ban thường vụ Quốc hội giải thích việc hợp hiến hay là vi hiến trong hành động cụ thể như là việc xảy ra ở Đồng Tâm, xem nó có hợp hiến hay không.
"Trên cơ sở hai việc này, cũng phải dẫn đến việc điều tra và khởi tố vụ án giết ông Lê Đình Kình", ông Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm với BBC hôm thứ Sáu.
Trở lại với việc Hà Nội có tân Bí thư thành ủy, tin cho hay hôm 7/2, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ra thông báo đã phân công ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, làm Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội.
Ông Hoàng Trung Hải thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội và thôi giữ chức Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020 để giữ chức Phó Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Trước đó, hồi tháng 01/2020, ông Hoàng Trung Hải nhận kỷ luật cảnh cáo của Bộ Chính trị vì được cho là có những "vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng" trong quá trình chỉ đạo thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II) khi còn là Phó Thủ tướng.
*********************
Quan lộ của tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ
BBC, 07/02/2020
Ngày 7/2, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam thông báo đã phân công ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, làm Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội.
Vì sao ông Huệ thay ông Hải làm Bí thư Hà Nội ?
Ông Hoàng Trung Hải thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội và thôi giữ chức Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020 để giữ chức Phó Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Tháng Giêng năm nay, ông Hoàng Trung Hải nhận kỷ luật cảnh cáo của Bộ Chính trị vì có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình chỉ đạo thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II) khi còn là Phó Thủ tướng.
Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thông báo ông Vương Đình Huệ thôi giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ để chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV của TP. Hà Nội thay ông Hoàng Trung Hải.
Hiện nay, giới quan sát đặt ra hai giả thiết :
Hoặc việc ông Vương Đình Huệ lãnh đạo Thành ủy Hà Nội chỉ là biện pháp tạm thời từ nay tới Đại hội Đảng 13, dự kiến tháng Giêng 2021. Theo đó, ông Vương Đình Huệ sẽ có khả năng được đề cử vào một trong Tứ Trụ (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội).
Hoặc nếu không vào Tứ Trụ tại Đại hội Đảng 13, ông Vương Đình Huệ sẽ tiếp tục chức Bí thư Thành ủy Hà Nội thêm một nhiệm kỳ.
Dù dự đoán ra sao, điều rõ ràng là con đường quan lộ của ông Vương Đình Huệ ngày càng thuận lợi.
Tháng 5 năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ủng hộ hai ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ, đang là các trưởng ban Ban Nội chính và Ban Kinh tế Trung ương, ứng cử vào hai vị trí trong Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương lại bầu cho hai ứng viên khác là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tại Hội nghị trung ương 7 kết thúc hôm 11/5/2013, 175 ủy viên trung ương chính thức có quyền bỏ phiếu đã bầu các ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng, và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội, vào Bộ Chính trị vốn đã có 14 ủy viên, đưa tổng số nhân sự lên 16 ghế.
Trong khi đó, Trưởng Ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ lại không vào được cơ quan quyết sách tối cao này của Đảng.
Thời điểm đó, giới bình luận gọi đây là thất bại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tiếp xúc cử tri ngày 13/5/2013, ông Nguyễn Phú Trọng bình luận : "Thẩm quyền là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cũng là cơ quan chuẩn bị để Trung ương quyết thôi. Vừa rồi bầu bổ sung được thành 16 ủy viên Bộ Chính trị, định bổ sung 3 thì được 2, định bổ sung thêm 2 ủy viên Ban Bí thư thì được 1, so với yêu cầu về số lựợng thì chưa đạt, cái đó Trung ương cũng không hài lòng".
Báo chí nhà nước khi đó dẫn lời ông Trọng giải thích rằng, "trong không khí dân chủ này cơ chế phải có số dư, để tôn trọng các ý kiến của người ta".
Ông Vương Đình Huệ, khi đó tiếp tục là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, từ tháng 12/2012 tới tháng 1/2016, khi diễn ra Đại hội Đảng 12.
Vào Bộ Chính trị năm 2016
Nhưng tại Đại hội 12, ông được bầu vào Bộ Chính trị, vào nhóm các nhân vật quyền lực nhất của Việt Nam.
Từ tháng 4/2016, ông chính thức là Phó Thủ tướng Chính phủ cho đến ngày 7/2 năm nay, khi được điều động làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Với học vị Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế, ông Vương Đình Huệ được giới quan sát xem là một trong những nhà kỹ trị nổi trội nhất trong chính giới Việt Nam.
Trong vai trò Phó Thủ tướng, ông Huệ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực về kinh tế.
Trong đó có việc theo dõi sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
Ông Huệ cũng là người trực tiếp chỉ đạo đàm phán và thực hiện các Hiệp định kinh tế song phương và đa phương.
Ông giúp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ : Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi.
Ông còn là Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia ; Trưởng Ban Chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương nhà nước ; Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp…
Sinh năm 1957, với chuyên môn kinh tế, tài chính, ông Huệ được đồn đoán là một trong các ứng viên cho chức Thủ tướng trong tương lai.
Theo truyền thống, các Thủ tướng Việt Nam gần đây, từ ông Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, đều xuất phát từ chức vụ phó thủ tướng.
Theo tiểu sử chính thức, từ 1979 tới 1985, ông Vương Đình Huệ là Giảng viên Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính).
Từ 1986 tới 1990, ông làm nghiên cứu sinh ở Đại học Kinh tế Bratislava, Cộng hòa Slovakia.
Sau khi về nước, ông làm giảng viên ở Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, rồi trở thành Trưởng khoa Kế toán từ 1994 tới 1999.
Trong hai năm từ 1999 tới 2001, ông là Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội.
Từ 2001 tới 2006, ông là Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Ông trở thành Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, Đại biểu Quốc hội từ 2006 tới 2011.
Trong thời gian ngắn, từ tháng 8/2011 tới tháng 12/2012, ông giữ chức Bộ trưởng Tài chính.
Cuối năm 2012, Bộ Chính trị do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu quyết định tái lập Ban Kinh tế Trung ương.
Ban này được gọi là Ban tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế, theo đường lối và Cương lĩnh của Đảng đã chỉ ra.
Ông Vương Đình Huệ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, điều động làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương từ cuối 2012 tới 2016.
Việc giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng là lần đầu tiên ông Vương Đình Huệ nắm chức vụ lãnh đạo ở một cấp địa phương.
Việc điều hành Đảng bộ Thủ đô vào thời điểm hiện nay sẽ là cơ hội để ông chứng tỏ khả năng, tỏa sáng trước Đại hội Đảng 13 năm sau.
******************
Ông Hoàng Trung Hải bị cách chức hay sẽ được đề bạt lên cao ?
RFA, 07/02/2020
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải vào ngày 7/2 đã bị thay thế bởi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ theo quyết định của Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam và được chuyển về Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng XIII.
Hình minh họa. Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải và hình ảnh dự án TISCO II ở Công ty Gang thép Thái Nguyên - Photo : RFA
Tăng hay hạ chức ?
Nhận xét về việc điều ông Hoàng Trung Hải về Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng XIII, nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, người từng làm việc tại Tạp Chí Cộng sản cho rằng đây có thể là một bước lùi trong sự nghiệp chính trị của ông Hải. Ông giải thích :
"Có những trường hợp như ông Đinh La Thăng lên làm Phó trưởng ban kinh tế Trung ương sau đó bị bắt. Thường thường việc điều chuyển lên một cơ quan trung ương có tính chất ít quyền lực, không quan trọng thường thường để vô hiệu hóa trước khi về hưu hoặc trước khi bị bắt. Chưa thấy trường hợp nào đang ở vị trí chủ chốt của một địa phương mà lên trung ương nhưng ở ban không quan trọng sau đó được điều chuyển lại những vị trí quan trọng, hầu như chưa có trường hợp nào. Bây giờ chưa rõ là ông ấy sẽ về hưu hay bị bắt. Tôi nghĩ khả năng bị bắt khoảng 30-40%, còn lại 60-70% là cho về ngồi chơi xơi nước rồi về hưu".
Không đồng tình với quan điểm của nhà báo Nguyễn Vũ Bình, ông Phạm Thành, cựu nhà báo từng công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng với thiệt hại lớn như TISCO 2 gây ra nhưng ông Hoàng Trung Hải chỉ bị cảnh cáo là hình thức kỷ luật nhẹ nhàng nhất, cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng phải làm động tác xem xét kỷ luật nhằm làm dịu phản ứng của dư luận.
Trước đó, trong phiên họp thứ 17 của Ban chỉ đạo tại Hà Nội vào ngày 10/1, ông Hoàng Trung Hải bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do những vi phạm liên quan đến Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang Thép Thái Nguyên (TISCO 2).
Dự án TISCO 2 do Công ty Gang thép Thái Nguyên cùng với Tổng Công ty thép Việt Nam và nhà thầu Trung Quốc MCC đảm nhiệm. Vào năm 2013, dự án đã tạm dừng thi công đến nay.
Theo kết luận thanh tra toàn diện về dự án TISCO 2 của Thanh Tra Chính phủ Hà Nội thì Công ty Gang thép Thái Nguyên điều chỉnh sai qui định từ 3.800 tỷ đồng lên trên 8.100 tỷ đồng, thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục của dự án đều chưa hoàn thành.
Còn ông Hoàng Trung Hải được xác định có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án này.
Văn Phòng Trung Ương Đảng đăng tải thông báo ghi rõ những vi phạm, khuyết điểm của ông Hoàng Trung Hải là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân.
Đụng đến Trung Quốc !
Nhà báo Phạm Thành khẳng định không hề có chuyện ông Nguyễn Phú Trọng đang hạ chức ông Hoàng Trung Hải vì ông cho rằng ‘Xử lý Hoàng Trung Hải là đụng đến vấn đề cán bộ do Trung Nam Hải quản lý’.
Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ở Hà Nội hôm 15/1/2020 Courtesy of noichinh.vn
Vẫn theo nhà báo Phạm Thành, chức vụ mới của ông Hoàng Trung Hải được ông Nguyễn Phú Trọng soạn thảo trên thực tế nhằm kế vị cho sự lãnh đạo kế tiếp của Đảng cộng sản. Có thể thấy sự sắp xếp để ông Hải là Phó Trưởng ban và Trưởng ban là ông Nguyễn Phú Trọng thì rõ ràng không phải chức vụ ông Hải bị giảm đi mà do có mưu đồ lớn. Nhà báo Phạm Thành lập luận :
"Ông Nguyễn Phú Trọng theo kịch bản của Trung Quốc sẽ nhấc ông Hoàng Trung Hải lên một vị trí quan trọng hơn trong Đảng và Nhà nước, hơn cả chức Bí thư thành ủy thành phố Hà Nội như ông đã từng giữ chức. Ông này là con bài của Trung Cộng cài cắm lâu và thường chỉ làm việc đứng sau phá hoại nước Việt Nam bằng kịch bản kinh tế chứ không phải kịch bản chính trị. Ông này rất ít phát biểu đối với vấn đề chính trị mà ông lặng lẽ làm việc rất cụ thể là ký hiệp định, bật đèn xanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc đưa đầu tư vào Việt Nam theo nguyên tắc đầu tư lỗ thì Việt Nam chịu, còn Trung Quốc theo mức đầu tư đó mà tính lãi. Trung Quốc không những không mất bãi để nhà máy phế thải mà còn bán được cho Việt Nam. Chẳng hạn như đường sắt trên cao Hà Nội – Cát Linh là một bằng chứng rõ ràng. Bây giờ vẫn chưa hoạt động dù dự án tăng 3 lần vốn mà đã 10 năm rồi, hiện mỗi năm Việt Nam vẫn phải trả cho Trung Quốc 436 tỉ".
Trách nhiệm tập thể lãnh đạo !
Dưới góc nhìn cá nhân, nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng những tổn thất trong các dự án liên kết với Trung Quốc không chỉ do ông Hoàng Trung Hải, nguyên Phó Thủ tướng gây ra mà còn có sự tham gia của các cấp lớn hơn :
"Các dự án của Việt Nam nói chung liên kết với Trung Quốc gây thiệt hại cho đất nước này. Còn cái riêng phần ông Hoàng Trung Hải vì ông có nguồn gốc Trung Quốc nên nhiều người đặt vấn đề cá nhân, nhưng thường thường những dự án lớn theo tôi biết phải thông qua Bộ Chính trị chứ cá nhân không có vai trò lớn lắm để quyết. Còn những dự án nhỏ thì Thủ tướng, Phó Thủ tướng có thể quyết. Cái chung của Việt Nam là các dự án với Trung Quốc gây thiệt hại cho đất nước rất nhiều".
Trong phiên họp thứ 17 của Ban chỉ đạo tại Hà Nội được tổ chức vào ngày 10/1, ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã khẳng định Việt Nam sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án kinh tế lớn được dư luận quan tâm trong đó có vụ án tại Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên là một trong 12 dự án ngàn tỷ bị cho là yếu kém của ngành Công Thương Việt Nam đến nay vẫn chưa thể giải quyết.
Ông Hoàng Trung Hải bị kỷ luật là trường hợp thứ hai một ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật trong nhiệm kỳ khóa XII của đảng cộng sản Việt Nam. Trường hợp thứ nhất là ông Đinh La Thăng, hiện đang phải thụ án tù 30 năm.
Vào đầu sang năm, đảng cộng sản Việt Nam tiến hành đại hội khóa XIII. Nhiều nhà quan sát cho rằng thời gian trước đại hội là giai đoạn các phe phái trong đảng ra sức để củng cố thế lực của họ trước đối phương.
******************
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải bị thay thế bởi phó thủ tướng Vương Đình Huệ
RFA, 07/02/2020
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải bị thay thế bởi phó thủ tướng Vương Đình Huệ theo quyết định của Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam.
Ảnh ông Hoàng Trung Hải chụp vào tháng 2 năm 2016 AFP
Truyền thông trong nước loan tin vào ngày 7 tháng 2 cho biết ông Hoàng Trung Hải bị chuyển đi làm phó trưởng bộ phận thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng XIII. Đây là tiểu ban do đích thân ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban.
Bản thân ông Hoàng Trung Hải vừa qua đã bị Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình chỉ đạo thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2- Công ty Gang Thép Thái Nguyên (gọi tắt là dự án TISCO 2).
Ông Hoàng Trung Hải, ủy viên Bộ Chính trị, trong thời gian giữ cương bị ủy viên Ban Cán sự đảng, phó thủ tướng chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi có một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO 2.
Cơ quan Thanh tra đã kiến nghị thủ tướng chính phủ xử lý về kinh tế với số tiền sai phạm lên đến hằng ngàn tỷ đồng tại dự án này.
Vào tháng tư năm ngoái,Cơ quan Cảnh sát Điều Tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội ‘vi phạm qui định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’ tại Dự án TISCO 2.
Ông Hoàng Trung Hải, sinh năm 1959, quê Thái Bình, từng đảm nhận chức vụ phó thủ tướng chính phủ Việt Nam từ năm 2007 đến năm 2016. Ông được điều về làm bí thư Hà Nội vào tháng 2 năm 2016.
Ông Vương Đình Huệ, ủy viên Bộ Chính Trị, nay thôi tham gia Ban Cán sự đảng chính phủ để tham gia Ban Chấp Hành, Ban Thường Vụ và giữ chức bí thư thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957, quê Nghệ An, từng kinh qua các chức vụ Tổng Kiểm Toán Nhà Nước, Bộ trưởng Tài Chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng.