Người Việt xưa nay vẫn thơm thảo, luôn sẵn lòng nhường cơm sẻ áo. Người Việt còn sẵn lòng bỏ tiền bạc ra để ‘giải cứu nông sản’ mỗi khi nông dân lâm cảnh khốn khó, làm ra hàng hóa nhưng bị ép giá và bán chẳng ai mua.
Hoa quả Việt Nam - Ảnh minh họa
Công tâm mà nói mọi rối ren về chuyện hàng hóa nông sản xuất khẩu này đều đến từ bạn hàng Trung Quốc. Hiện tại vào mùa dịch virus Corona/Vũ Hán nên giao thương mậu biên Việt – Trung bị gián đoạn, đưa đến hàng hóa nông sản của Việt Nam lâm cảnh dội chợ. Thế nhưng tình cảnh đó lại vốn thường xảy ra có lúc mặt hàng này, có lúc hàng hóa khác và đều có chung bàn tay thương buôn Trung Quốc ‘đạo diễn’ theo một kịch bản được liệu toan trước.
Theo báo cáo của Bộ Công thương Việt Nam, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm bình quân khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản ra thế giới. Trong đó, có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch lớn như rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản.
"Nhiều mặt hàng bị ép giá, chính sách thay đổi, hàng loạt loại trái cây bị đổ bỏ… khiến nông dân thiệt hại nặng nề là điệp khúc mà chúng ta từng chứng kiến trong nhiều năm qua" – ông Ngô Trí Long, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), nhận xét trong một cảnh báo về việc nông sản Việt Nam phụ thuộc đầu ra vào thị trường Trung Quốc.
Vẫn theo ông Ngô Trí Long, trong việc phụ thuộc này có phần trách nhiệm không thể thoái thác của cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều chính sách quan trọng về chuyện ‘thoát Trung’ đề ra nhưng không thực thi, giám sát đến nơi đến chốn. Nông dân nhiều nơi vẫn mày mò xem trồng gì, nuôi gì hoặc làm ăn theo "phong trào tự phát" nên khi xảy ra chuyện là lại rơi vào cảnh trắng tay và thuế nông nghiệp thì vẫn phải đóng đều đặn, đầy đủ cho nhà nước.
Trên thực tế thì chẳng cần phải đến nhận xét cấp chuyên gia như ông Ngô Trí Long. Ai cũng thấy rõ các thương lái Trung Quốc sẵn sàng mua sản phẩm thô của Việt Nam về tái chế, chế biến để nâng cao giá trị rồi kiếm lời. Gạo Việt Nam nhiều, Trung Quốc có nhu cầu, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cứ thế mang đi bán, không thiết lập được chuỗi giá trị, thiết lập được bạn hàng chiến lược.
Lưu ý, Trung Quốc chiếm hơn 40% thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, 60% thị trường xuất khẩu cao su, 70% thị trường xuất khẩu thanh long… Theo đó, khi đã nắm thị phần cao, gần như độc quyền tiêu thụ họ sẽ hạ giá sản phẩm, đặt điều kiện cho Việt Nam và lúc ấy họ được quyền kén cá chọn canh, không mua thì chúng ta chết. Ở đây lỗi phần lớn từ chủ trương xuất khẩu gạo giá rẻ của chính phủ nên tất cả mọi người làm giá rẻ, những người làm gạo chất lượng cao giá tốt sẽ bị ra rìa hoặc tước đi quyền nọ, quyền kia. Nhà nước tập trung sản xuất gạo giá rẻ, xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng khi Trung Quốc không mua, xuất khẩu gạo của Việt Nam lại chới với…
Người Việt thơm thảo có thể tham gia giải cứu nông sản của bà con nông dân trong những tình cảnh ngặt nghèo. Người Việt không thể cứ mãi thơm thảo từ thiện như thế khi mà các chính sách, quyết sách và thái độ của nhà chức trách Việt Nam vẫn chưa dám dứt khoát thoát sự phụ thuộc vào Trung Quốc không chỉ về kinh tế, mà còn cả thể chế chính trị.
Hiền Lương
Nguồn : VNTB, 09/02/2020