Công trình chữ Quốc ngữ cải tiến của 2 tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình đã chính thức được Cục Bản quyền tác giả cấp bản quyền.
Giả dụ ‘chữ VN’ được hiểu là viết tắt của ‘chữ Việt Nam’, thì xem ra để công trình này đi vào ứng dụng và phù hợp với pháp luật hiện hành, có lẽ phải sửa đổi Hiến pháp 2013 ở Điều 5.3 "Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình".
Theo tin tức đăng trên báo chí, thì "Chữ VN song song 4.0 là chữ viết không dấu chỉ sử dụng 26 chữ cái La-tinh và trong đó dùng 18 chữ cái La-tinh để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ", và nhóm tác giả đã tiêu tốn thời gian 27 năm cho công trình này (1).
"Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục" - Điều 11.1, Luật Giáo dục 2019, quy định như vậy.
Từ ít nhất hai căn cứ pháp lý ở trên, cho thấy công trình "Chữ VN song song 4.0" không khả thi về ứng dụng trong môi trường giáo dục, cũng như trên hệ thống văn bản chung.
Công trình chữ Quốc ngữ cải tiến của 2 tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình đã chính thức được Cục Bản quyền tác giả cấp bản quyền
Vấn đề đặt ra là vì sao trong bối cảnh đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam lại có những kiểu phung phí thời gian, sức lực và tiền bạc cho các nội dung nghiên cứu không hứa hẹn về tính ứng dụng phù hợp ? Lưu ý, với hiến định Đảng cộng sản ‘là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội’ - trích Điều 4.1, tất yếu việc Đảng sẽ rất dè dặt trước những kiểu thay đổi có thể gây xáo trộn lớn về trật tự xã hội, như vụ việc ‘chữ Bùi Hiền’, và giờ là ‘Chữ VN song song 4.0’ mà ngay phần tên gọi đã cho thấy tối nghĩa.
Ai cũng hiểu rõ ràng là không hề quan trọng việc nền giáo dục khoa bảng ở Việt Nam đào tạo được bao nhiêu người có bằng tiến sĩ, mà quan trọng ở chỗ các luận án tiến sĩ ấy để làm gì, đóng góp giá trị gì cho đời sống xã hội ra sao ? Khoa học không phải là chỗ để dễ dãi. Làm khoa học mà không khắt khe là bản thân các nhà khoa học chịu trách nhiệm đào tạo đang hạ giá chính họ.
Một đơn cử liên quan đến tiếng Việt và đang là vấn đề thời sự nóng : "cách ly xã hội".
"Thủ tướng chỉ thị : Cách ly toàn xã hội từ 0 giờ 1/4 trên phạm vi toàn quốc" là nội dung ở tất cả các trang báo hôm 31/3/2020 (2). Thế nhưng thế nào là ‘cách ly toàn xã hội’ thì không có giải thích cặn kẽ. Chính điều này dẫn tới tùy vào cách hiểu của từng địa phương mà thực hiện mệnh lệnh đó của thủ tướng (3).
"Cách ly xã hội", theo dịch giả Phạm Viêm Phương, có thể thuật ngữ này trong văn bản của thủ tướng được dịch từ ‘social distance/ social distancing’ vốn đang phổ biến trên báo chí tiếng Anh.
Cơ quan Y tế công cộng Anh định nghĩa sự vụ này là : Social distancing measures are steps you can take to reduce social interaction between people. This will help reduce the transmission of coronavirus (Covid-19). - "Các biện pháp giữ khoảng cách giao tiếp là các bước mà bạn có thể thực hiện nhằm giảm thiểu tương tác giao tế giữa người dân với nhau. Nó sẽ giúp giảm bớt lây lan virus corona".
Sau đó Cơ quan Y tế công cộng Anh liệt kê các bước mà báo chí Việt Nam đã nghe nói tới nhiều, như tránh tiếp xúc với người có triệu chứng ho và sốt cao, tránh dùng phương tiện chuyên chở công cộng, làm việc qua mạng (nếu được, và hãy yêu cầu chủ công ty sắp xếp việc này), tránh tụ họp đông người, kể cả bạn bè và người thân…
Họ khuyên cố gắng ở lỳ trong nhà, chỉ ra ngoài để mua thực phẩm, tìm trợ giúp y tế và tới chỗ làm việc (nếu không thể làm tại nhà). Khi ra ngoài thì luôn giữ khoảng cách 2 mét. Về tới nhà phải rửa tay cẩn thận ngay lập tức…
Việt Nam có hẳn một cơ quan mà thời gian qua bất ngờ nổi đình nổi đám vì liên quan tới con virus corona, đó là Hội đồng Lý luận Trung ương (4). Tiếc là các vị trong hội đồng đó không góp ý cho ngài thủ tướng về chuyện nên hiểu sau cho phù hợp yêu cầu "cách ly toàn xã hội".
Hiền Lương
Nguồn : VNTB, 03/04/2020
Chú thích :
(3)https://thanhnien.vn/thoi-su/cach-ly-xa-hoi-ai-cho-phep-ho-rao-duong-cam-xe-1205116.html
(4)http://hdll.vn/vi/chuc-nang-nhiem-vu/chuc-nang-nhiem-vu-hdll-tw.html
Chính những người nghèo này có thể là một nguồn lây nhiễm vì sự thiếu bảo vệ. Tất nhiên là họ bất chấp bởi vì chưa chết dịch thì có thể đã chết đói rồi.
Nhà giáo Vũ Thị Phương Anh nhận xét và kêu gọi ở đây rất cần sự cẩn trọng, bởi "chính họ cũng có thể là một nguồn lây nhiễm vì sự thiếu bảo vệ. Tất nhiên là họ bất chấp bởi vì chưa chết dịch thì có thể đã chết đói rồi. Bảo vệ họ vừa thể hiện tình thương vừa là bảo vệ chính mình mình và cộng đồng. Có ai quan tâm và bảo vệ họ không ?" (1).
Rất có thể vụ án ‘cướp Bách Hóa Xanh’ tại Sài Gòn vào chiều cuối tuần (2) là không mấy liên quan đến chuyện làm ăn đình đốn bởi dịch bệnh nên người ta phải chọn nghề ăn cướp, mà là cướp có súng ống đe dọa sát thương. Song đây cũng là một báo động cho chuyện hè phố vắng, hàng quán thì ‘bán đi’ không ‘bán ngồi’ (3).
Đôi khi những điều quan trọng với những người lao động ở hôm nay, đó chỉ là có đủ tiền thuê trọ tháng này, có đủ tiền lo ăn uống cho gia đình vài ngày tới, kịp hạn trả nợ tiền lãi chợ đen…
Trong mùa dịch, nhiều người nghèo vẫn lầm lũi mưu sinh, nhưng thu nhập của họ đã giảm đi rất nhiều. Có lẽ cần câu cơm của người nghèo trong mùa dịch vẫn ‘chạy đều’, thậm chí là nằm trong chính sách ưu tiên của chính phủ về ‘mua hàng online’ là nghề có tên gọi rất Tây : "shipper". Đã đặt hàng qua mạng, thì ắt phải có người đi giao hàng – tức shipper.
Những ngày này, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động sản xuất, buôn bán ngưng trệ, người dân hạn chế tiếp xúc nơi đồng người nên nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao, dịch vụ giao nhận hàng có phần sôi động. Trước những khuyến cáo của Bộ y tế về việc hạn chế tiếp xúc và tụ tập nơi đông người, vậy là người dân lựa chọn đặt hàng qua mạng, các ứng dụng trên điện thoại thông minh, nhất là các nhu cầu liên quan đến thực phẩm, ăn uống hằng ngày.
Bên cạnh đó, các cửa hàng, quán ăn thay vì phục vụ trực tiếp đã chuyển qua hình thức bán hàng online thông qua lực lượng giao nhận hàng hóa (shipper). Đây được xem là phương pháp hữu hiệu nhất để áp dụng trong mùa dịch.
Ở cực đối nghịch, khi mà ngoài đường chủ yếu chỉ có các shipper, không còn đông đảo khách qua lại trên đường, thì người vô gia cư sẽ không được cho tiền hay thức ăn. Họ đang phải vật lộn để được sống khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Nói một cách khác, khi cả thế giới được khuyên ‘ở nhà’, chỉ còn người vô gia cư là vẫn phải ngoài đường.
Ông Hùng – người nhặt ve chai ở đường Hai Bà Trưng, Sài Gòn – cho biết, trong mấy tháng dịch, hàng quán đóng cửa nên ông kiếm không đủ sống. Dịch bệnh cũng khiến các nhóm thiện nguyện ngại đi phát cơm từ thiện, nên ông bữa đói bữa no.
"Tôi lo lắng và lo sợ đặc biệt là với những người không chỉ dễ bị tổn thương nhất, mà còn dễ mắc bệnh nhất. Hơn ai hết, họ có nguy cơ mắc các bệnh nền cao nhất" – bác sĩ chuyên về dịch tễ, ông Nguyễn Trung Nghĩa nói về những người vô gia cư ở đêm Sài Gòn hiện nay.
Thi thoảng trên báo chí vẫn đưa tin về người vô gia cư ở mùa dịch, như hôm 26/3, báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã trao tặng 100 phần quà trị giá 50 triệu đồng cùng khẩu trang, nước rửa tay đến các trẻ em, người lao động ở khu trọ của người thu nhập thấp và người vô gia cư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh…
Cơn bão dịch Covid-19 đang càn quét qua mọi lĩnh vực của đời sống. Riêng đối với người dân nghèo, người vô gia cư, miếng cơm từ thiện hay đồng bạc lẻ còm cõi sau ngày mưu sinh còn ám ảnh hơn cả con virus đang gây dịch chết người hiện tại. Họ về đâu trong mùa dịch ? Không chỉ là một chỗ qua đêm mà là câu hỏi gieo neo sinh tồn…
Hiền Lương
Nguồn : VNTB, 239/03/2020
Chú thích :
(1) https://vietnamthoibao.org/vntb-sai-gon-phong-toa-co-khi-chet-doi-truoc-khi-chet-dich/
(2) https://tuoitre.vn/tao-ton-khong-che-nhan-vien-roi-cuop-tai-san-tai-cua-hang-bach-hoa-xanh-o-tp-hcm-20200328152427095.htm
(3) https://tuoitre.vn/han-che-ra-khoi-vung-dich-tam-dinh-chi-mot-so-co-so-kinh-doanh-dich-vu-hieu-the-nao-cho-dung-20200328153842476.htm
Ảnh minh họa sự suy thoái của sông Mekong và nhiều nhánh sông của nó đang tàn phá sức khỏe kinh tế và môi trường của vùng hạ lưu sông Mekong, địa bàn của khoảng 20 triệu nông dân và ngư dân.
Campuchia sẽ không phát triển các đập thủy điện mới trên sông Mekong trong 10 năm tới và tạo năng lượng từ than, khí đốt tự nhiên cùng năng lượng mặt trời.
Reuters dẫn lời một quan chức năng lượng cấp cao Campuchia cho biết như trên hôm 18/3 (1).
Quyết định này có nghĩa là Lào và Việt Nam là hai quốc gia tại lưu vực hạ lưu sông Mekong lên kế hoạch phát triển thủy điện trên sông Mekong. Trong vòng 6 tháng qua, Lào đã xây thêm 2 con đập trên dòng chảy chính của sông Mekong.
Ông Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Biến đổi Khí hậu (Đại học Cần Thơ), người có thời gian dài làm việc tại Lào và từng nghiên cứu các dự án trên dòng chính Mekong, cho biết những nhà đầu tư dự án thủy điện Luang Prabang chuẩn bị khởi động lại dự án vào tháng 4/2020. Chủ đầu tư dự án thủy điện này là một doanh nghiệp thuộc nhà nước Việt Nam : Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (2).
Cuối năm 2019, trên Asia Sentinel, ông David Brown – một nhà cựu ngoại giao Mỹ và rất am tường với Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đã có lời khuyên Việt Nam nên xem lại bài toán kinh tế với dự án đập thủy điện Luang Prabang (3).
Theo tác giả, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đã ký một thỏa thuận với Lào vào năm 2007 liên quan đến con đập. Kể từ đó, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Đã thấy rõ sự suy thoái của sông Mekong và nhiều nhánh sông của nó đang tàn phá sức khỏe kinh tế và môi trường của vùng hạ lưu sông Mekong, địa bàn của khoảng 20 triệu nông dân và ngư dân. Những tác động này không còn là vấn đề phỏng đoán.
Phù sa và chất dinh dưỡng hằng năm bị bóp nghẹt, sự trù phú của đồng bằng sông Cửu Long đang suy thoái. Cá di cư đã từng là nguồn sống của nghề cá nội địa lớn nhất thế giới, nhưng vì cá không thể đến được nơi sinh sản, nghề cá đang gặp khó. Năm 2019, khu vực này đã trải qua hạn hán thảm khốc sau đó là lũ lụt kỷ lục. Biến đổi khí hậu chịu trách nhiệm một phần, nhưng theo các chuyên gia Việt Nam, việc lưu trữ và xả nước không điều hòa từ các đập thượng nguồn làm trầm trọng thêm các biến đổi theo mùa mà nông dân phụ thuộc.
"Nếu Việt Nam không thể cấm việc xây dựng thủy điện ở Lào, thì nên chủ động tham gia yêu cầu họ từ khâu thiết kế đến quy trình vận hành…" – Đó là biện minh mà Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đưa ra ở dự án thủy điện Luang Prabang.
Trước câu hỏi : "nhiều người cho rằng nếu ta không làm thì Trung Quốc sẽ nhảy vào ?", ông Lê Anh Tuấn đặt ngược vấn đề : "Thử hỏi, nếu Trung Quốc muốn ra mặt đầu tư vào thủy điện này thì Việt Nam có ngăn cản được không ?. Chẳng qua, họ lui một bước, và giăng ra một cái ‘bẫy’, khi Việt Nam nhảy vào dự án thủy điện Luang Prabang thì sau này phải "câm luôn", không thể phê phán tác hại thủy điện trên dòng chính của Trung Quốc hay Lào được nữa".
Dòng sông Mekong đang bị các đập thủy điện cắt ngang dọc, các dự án tạo cộng hưởng bất lợi khôn lường cho vùng hạ lưu. Có công trình do vốn từ Trung Quốc đầu tư hại Việt Nam, nhưng cũng có công trình do chính mình hại mình.
Hãy nhìn hạn mặn, hạn hán đầy khốc liệt đang diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long, để thấy rằng chẳng còn nước mắt nào để khóc cho một dòng sông đang bị chính những tập đoàn của nhà nước Việt Nam bức tử !
Hiền Vương
Nguồn : VNTB, 19/03/2020
(2) http://www.pvpe.vn/vn/du-an/p13
(3) https://www.asiasentinel.com/p/vietnam-utility-mekong-devastation
Theo khảo sát mới được công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI). Kết quả này được Microsoft công bố nhân ngày quốc tế An toàn Internet. Hiện Việt Nam đứng thứ 5 sau Nga, Columbia, Peru và Nam Phi.
Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng - Ảnh minh họa
Các rủi ro phổ biến trên không gian mạng tại Việt Nam, theo ghi nhận từ cuộc khảo sát, gồm : liên lạc không mong muốn (49%), tin lừa đảo (39%), tin nhắn gợi dục không mong muốn (41%), quấy rối tình dục (30%), gạ gẫm gợi dục (29%).
Các chủ đề mà người Việt hành xử thiếu văn minh trên không gian mạng, gồm : các mối quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%) và quan điểm chính trị (23%).
Có 25 quốc gia được Microsoft khảo sát : Argentina, Brazil, Canada, Chile, Colombia, Mexico, Peru, Mỹ, Bỉ, Pháp, Đức, Hungary, Ai-len, Ý, Hà Lan, Ba Lan, Nga, Anh, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.
Trung Quốc không có tên trong danh sách, nếu không thì tin chắc Việt Nam sẽ đứng thứ 6 vì cả hai quốc gia đều có chung một lực lượng với quân số ‘khủng’ mà người Việt quen gọi là ‘dư luận viên’, AK47.
"Hiện nhân sự Lực lượng 47 đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, "vừa hồng vừa chuyên", kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao" - Trích phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (1).
Giáo sư Đoàn Bảo Châu viết trên tài khoản facebook của ông : "Tôi tự hỏi lực lượng này có khác gì với đội ngũ dư luận viên lương tháng 3 triệu, mà sứ mệnh cao cả nhất của họ là chửi bới cục cằn, ngôn ngữ hạ cấp, lý luận cùn, thiếu não và có thể nói là ngu một cách ‘kiên định’ và ‘bền vững’ trong thời gian qua không ? Nếu là một lực lượng mới thì đây là một tin rất buồn cho đất nước vốn đã xơ xác bởi nạn tham nhũng kinh hoàng, bởi môi trường ô nhiễm, giáo dục càng cải cách càng lạc hậu… Tôi nghĩ với tư tưởng lãnh đạo sáng suốt, con đường đi đúng đắn thì chừng 800 tờ báo đã là quá đủ cho công tác tuyên truyền rồi, tại sao lại khoác thêm một gánh nặng cho ngân sách vốn đã rất hạn hẹp ?".
Nhà báo Trương Huy San thì bình luận ngắn gọn trên tải khoản facebook của ông : "Lâu nay, cứ đọc những tin nhắn tục tĩu, những cmts khiên cưỡng, ngờ nghệch mà không biết ở đâu ra".
Liệu khảo sát mới được công bố của Microsoft liên quan đến thứ hạng của người Việt xấu xí, có phải phần lớn là từ thành phần ‘dư luận viên’ và AK47 ?
Hiền Lương
Nguồn : VNTB, 23/02/2020
(1) https://tuoitre.vn/hon-10-000-nguoi-trong-luc-luong-47-dau-tranh-tren-mang-20171225150602912.htm
Người Việt xưa nay vẫn thơm thảo, luôn sẵn lòng nhường cơm sẻ áo. Người Việt còn sẵn lòng bỏ tiền bạc ra để ‘giải cứu nông sản’ mỗi khi nông dân lâm cảnh khốn khó, làm ra hàng hóa nhưng bị ép giá và bán chẳng ai mua.
Hoa quả Việt Nam - Ảnh minh họa
Công tâm mà nói mọi rối ren về chuyện hàng hóa nông sản xuất khẩu này đều đến từ bạn hàng Trung Quốc. Hiện tại vào mùa dịch virus Corona/Vũ Hán nên giao thương mậu biên Việt – Trung bị gián đoạn, đưa đến hàng hóa nông sản của Việt Nam lâm cảnh dội chợ. Thế nhưng tình cảnh đó lại vốn thường xảy ra có lúc mặt hàng này, có lúc hàng hóa khác và đều có chung bàn tay thương buôn Trung Quốc ‘đạo diễn’ theo một kịch bản được liệu toan trước.
Theo báo cáo của Bộ Công thương Việt Nam, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm bình quân khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản ra thế giới. Trong đó, có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch lớn như rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản.
"Nhiều mặt hàng bị ép giá, chính sách thay đổi, hàng loạt loại trái cây bị đổ bỏ… khiến nông dân thiệt hại nặng nề là điệp khúc mà chúng ta từng chứng kiến trong nhiều năm qua" – ông Ngô Trí Long, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), nhận xét trong một cảnh báo về việc nông sản Việt Nam phụ thuộc đầu ra vào thị trường Trung Quốc.
Vẫn theo ông Ngô Trí Long, trong việc phụ thuộc này có phần trách nhiệm không thể thoái thác của cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều chính sách quan trọng về chuyện ‘thoát Trung’ đề ra nhưng không thực thi, giám sát đến nơi đến chốn. Nông dân nhiều nơi vẫn mày mò xem trồng gì, nuôi gì hoặc làm ăn theo "phong trào tự phát" nên khi xảy ra chuyện là lại rơi vào cảnh trắng tay và thuế nông nghiệp thì vẫn phải đóng đều đặn, đầy đủ cho nhà nước.
Trên thực tế thì chẳng cần phải đến nhận xét cấp chuyên gia như ông Ngô Trí Long. Ai cũng thấy rõ các thương lái Trung Quốc sẵn sàng mua sản phẩm thô của Việt Nam về tái chế, chế biến để nâng cao giá trị rồi kiếm lời. Gạo Việt Nam nhiều, Trung Quốc có nhu cầu, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cứ thế mang đi bán, không thiết lập được chuỗi giá trị, thiết lập được bạn hàng chiến lược.
Lưu ý, Trung Quốc chiếm hơn 40% thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, 60% thị trường xuất khẩu cao su, 70% thị trường xuất khẩu thanh long… Theo đó, khi đã nắm thị phần cao, gần như độc quyền tiêu thụ họ sẽ hạ giá sản phẩm, đặt điều kiện cho Việt Nam và lúc ấy họ được quyền kén cá chọn canh, không mua thì chúng ta chết. Ở đây lỗi phần lớn từ chủ trương xuất khẩu gạo giá rẻ của chính phủ nên tất cả mọi người làm giá rẻ, những người làm gạo chất lượng cao giá tốt sẽ bị ra rìa hoặc tước đi quyền nọ, quyền kia. Nhà nước tập trung sản xuất gạo giá rẻ, xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng khi Trung Quốc không mua, xuất khẩu gạo của Việt Nam lại chới với…
Người Việt thơm thảo có thể tham gia giải cứu nông sản của bà con nông dân trong những tình cảnh ngặt nghèo. Người Việt không thể cứ mãi thơm thảo từ thiện như thế khi mà các chính sách, quyết sách và thái độ của nhà chức trách Việt Nam vẫn chưa dám dứt khoát thoát sự phụ thuộc vào Trung Quốc không chỉ về kinh tế, mà còn cả thể chế chính trị.
Hiền Lương
Nguồn : VNTB, 09/02/2020
Dường như ông Nguyễn Phú Trọng đang muốn thêm củi vào lò để nhờ sức nóng của ‘củi gộc’ sẽ thui luôn được con virus Vũ Hán đến từ Trung Hoa đại lục.
Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Phú Trọng mệt mỏi và lo âu - Ảnh minh họa
"Ban Bí thư họp đánh giá kết quả tổ chức Tết Canh Tý 2020" là tựa của bài báo trên trang web của Thông tấn xã Việt Nam, phát hành lúc 14g53 ngày 31/1. Nội dung bài báo có tình tiết đáng chú ý nhưng được thuật rất vắn tắt : "Tại cuộc họp, sau khi xem xét tờ trình của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Bí thư xem xét quyết định một số nhân sự thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư" (1).
Từ giữa tháng Chạp năm Kỷ Hợi, dư luận đồn đoán sau Tết Canh Tý sẽ có một số ‘củi gộc’ được cho vào lò, hoặc sẽ trong tầm ngắm ‘thành củi’ : ở Hà Nội có đương kim bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có cựu bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, và ‘củi vào lò’ ở tháng Giêng sẽ là Tất Thành Cang, hiện là Thành ủy viên của Thành phố Hồ Chí Minh.
Dư luận cũng xôn xao khi nhiều giám đốc công an tỉnh được ‘thay đổi’. Tỉnh Đồng Nai thì bất ngờ nhận tin Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tăng cường 400 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Nam bộ và Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Nam Thành phố Hồ Chí Minh về Đồng Nai. Dự kiến sau tháng 2/2020, quân số tăng cường này mới rõ là sẽ tiếp tục ở lại Đồng Nai hay trở về đơn vị.
Thế rồi bùng phát vụ dịch cúm Vũ Hán từ Trung Quốc tràn sang khiến dư luận tạm gác qua cả vụ ‘thảm sát Đồng Tâm’ còn nóng hổi, vụ người dân Thủ Thiêm, người dân Lộc Hưng đang tiếp tục không có nhà để ăn Tết… Vấn đề nhân quyền cho người dân Việt Nam ở các thỏa thuận FTA với Châu Âu cũng dần được gác lại vì chuyện dịch cúm Vũ Hán.
Giới quan sát chính trị ở Sài Gòn nói rằng tính đến thời điểm hiện tại thì có vẻ ngay trong nội bộ của Bộ Chính trị đang mâu thuẫn nhau. Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban bí thư, đưa ra yêu cầu tại Công văn số 79-CV/TW, ký ngày 29/1 : "Quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp thành công".
Trong khi đó thì Ủy viên Bộ Chí trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố : "Phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh như ‘chống giặc’, kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra kể cả phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế" – trích Chỉ thị 06/CT-TTg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ban hành ngày 31/1.
Xem ra thời gian tới nếu như Việt Nam ‘chống giặc’ đến từ Vũ Hán thành công, thì lá phiếu tín nhiệm trong nội bộ Đảng sẽ nghiêng hẳn về phía Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người được cho là trong nhóm nhân sự đang ngấp nghé chiếc ghế quyền lực số một quốc gia vào nhiệm kỳ tới của đảng cầm quyền.
Và trong thời gian chờ đợi đó, có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng muốn nhóm lại chiếc lò đang dần nguội lạnh từ khi nạn dịch cúm Vũ Hán từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam.
Nguồn : VNTB, 01/02/2020
(1) https://www.vietnamplus.vn/ban-bi-thu-hop-danh-gia-ket-qua-to-chuc-tet-canh-ty/2020/620705.vnp