Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/04/2020

Việt Nam nhăm nhe sửa hiến pháp ?

Hiền Lương

Công trình "Chữ VN song song 4.0" do tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm sáng tạo vừa chính thức được Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận bản quyền số 1850/2020/QTG.

chu1

Công trình chữ Quốc ngữ cải tiến của 2 tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình đã chính thức được Cục Bản quyền tác giả cấp bản quyền.

Giả dụ ‘chữ VN’ được hiểu là viết tắt của ‘chữ Việt Nam’, thì xem ra để công trình này đi vào ứng dụng và phù hợp với pháp luật hiện hành, có lẽ phải sửa đổi Hiến pháp 2013 ở Điều 5.3 "Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình".

Theo tin tức đăng trên báo chí, thì "Chữ VN song song 4.0 là chữ viết không dấu chỉ sử dụng 26 chữ cái La-tinh và trong đó dùng 18 chữ cái La-tinh để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ", và nhóm tác giả đã tiêu tốn thời gian 27 năm cho công trình này (1).

"Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục" - Điều 11.1, Luật Giáo dục 2019, quy định như vậy.

Từ ít nhất hai căn cứ pháp lý ở trên, cho thấy công trình "Chữ VN song song 4.0" không khả thi về ứng dụng trong môi trường giáo dục, cũng như trên hệ thống văn bản chung.

chu0

Công trình chữ Quốc ngữ cải tiến của 2 tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình đã chính thức được Cục Bản quyền tác giả cấp bản quyền

Vấn đề đặt ra là vì sao trong bối cảnh đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam lại có những kiểu phung phí thời gian, sức lực và tiền bạc cho các nội dung nghiên cứu không hứa hẹn về tính ứng dụng phù hợp ? Lưu ý, với hiến định Đảng cộng sản ‘là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội’ - trích Điều 4.1, tất yếu việc Đảng sẽ rất dè dặt trước những kiểu thay đổi có thể gây xáo trộn lớn về trật tự xã hội, như vụ việc ‘chữ Bùi Hiền’, và giờ là ‘Chữ VN song song 4.0’ mà ngay phần tên gọi đã cho thấy tối nghĩa.

Ai cũng hiểu rõ ràng là không hề quan trọng việc nền giáo dục khoa bảng ở Việt Nam đào tạo được bao nhiêu người có bằng tiến sĩ, mà quan trọng ở chỗ các luận án tiến sĩ ấy để làm gì, đóng góp giá trị gì cho đời sống xã hội ra sao ? Khoa học không phải là chỗ để dễ dãi. Làm khoa học mà không khắt khe là bản thân các nhà khoa học chịu trách nhiệm đào tạo đang hạ giá chính họ.

Một đơn cử liên quan đến tiếng Việt và đang là vấn đề thời sự nóng : "cách ly xã hội".

"Thủ tướng chỉ thị : Cách ly toàn xã hội từ 0 giờ 1/4 trên phạm vi toàn quốc" là nội dung ở tất cả các trang báo hôm 31/3/2020 (2). Thế nhưng thế nào là ‘cách ly toàn xã hội’ thì không có giải thích cặn kẽ. Chính điều này dẫn tới tùy vào cách hiểu của từng địa phương mà thực hiện mệnh lệnh đó của thủ tướng (3).

"Cách ly xã hội", theo dịch giả Phạm Viêm Phương, có thể thuật ngữ này trong văn bản của thủ tướng được dịch từ ‘social distance/ social distancing’ vốn đang phổ biến trên báo chí tiếng Anh.

Cơ quan Y tế công cộng Anh định nghĩa sự vụ này là : Social distancing measures are steps you can take to reduce social interaction between people. This will help reduce the transmission of coronavirus (Covid-19). - "Các biện pháp giữ khoảng cách giao tiếp là các bước mà bạn có thể thực hiện nhằm giảm thiểu tương tác giao tế giữa người dân với nhau. Nó sẽ giúp giảm bớt lây lan virus corona".

Sau đó Cơ quan Y tế công cộng Anh liệt kê các bước mà báo chí Việt Nam đã nghe nói tới nhiều, như tránh tiếp xúc với người có triệu chứng ho và sốt cao, tránh dùng phương tiện chuyên chở công cộng, làm việc qua mạng (nếu được, và hãy yêu cầu chủ công ty sắp xếp việc này), tránh tụ họp đông người, kể cả bạn bè và người thân…

Họ khuyên cố gắng ở lỳ trong nhà, chỉ ra ngoài để mua thực phẩm, tìm trợ giúp y tế và tới chỗ làm việc (nếu không thể làm tại nhà). Khi ra ngoài thì luôn giữ khoảng cách 2 mét. Về tới nhà phải rửa tay cẩn thận ngay lập tức…

Việt Nam có hẳn một cơ quan mà thời gian qua bất ngờ nổi đình nổi đám vì liên quan tới con virus corona, đó là Hội đồng Lý luận Trung ương (4). Tiếc là các vị trong hội đồng đó không góp ý cho ngài thủ tướng về chuyện nên hiểu sau cho phù hợp yêu cầu "cách ly toàn xã hội".

Hiền Lương

Nguồn : VNTB, 03/04/2020

Chú thích :

(1)https://thanhnien.vn/giao-duc/cong-trinh-chu-viet-nam-song-song-40-duoc-cap-ban-quyen-tac-gia-1204554.html ;

https://tintuconline.com.vn/giao-duc/tieng-viet-khong-dau-chinh-thuc-duoc-cap-ban-quyen-n-434415.html

(2)http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Thu-tuong-chi-thi-Cach-ly-toan-xa-hoi-tu-0-gio-14-tren-pham-vi-toan-quoc/20203/27482.vgp

(3)https://thanhnien.vn/thoi-su/cach-ly-xa-hoi-ai-cho-phep-ho-rao-duong-cam-xe-1205116.html

(4)http://hdll.vn/vi/chuc-nang-nhiem-vu/chuc-nang-nhiem-vu-hdll-tw.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hiền Lương
Read 673 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)