Hơn 1 tháng sau vụ nhà cầm quyền gây tội ác ở Đồng Tâm, không khí tang tóc vẫn bao trùm lên cả nhà cụ Lê Đình Kình. Cụ Dư Thị Thành giàn giụa nước mắt, vừa khóc vừa ra đón chúng tôi. Con cháu cụ Kình và họ hàng đang tụ tập dưới mái che trước nhà. Có lẽ những ngày này, Cụ bà không thể chịu đựng được cảnh côi cút một mình. Cũng may, con cháu và những người thân của Cụ đều ở quanh đấy.
Chúng tôi bước vào nhà, không khỏi ngậm ngùi. Nơi cụ Kình thường tiếp chúng tôi bây giờ là nơi thờ Cụ. Bàn thờ cho người mới khuất để thờ cúng trong vòng thất tuần, sau đó mới rước di ảnh lên bàn thờ chính. Bàn thờ đang nghi ngút khói hương, và rất nhiều đồ cúng lễ. Ảnh Cụ đó, một cụ già dừng lại ở tuổi 84, quắc thước, râu tóc bạc đang nhìn ra xung quanh, có lẽ Cụ cũng nhận ra chúng tôi là người quen.
Hôm nay chúng tôi đến, từ Nguyễn Thúy Hạnh, Trịnh Bá Phương, Ngô Duy Quyền, Nguyễn Thanh Hà, ai cũng mang theo đồ lễ hoặc quà thăm hỏi của khắp nơi nhờ chuyển. Ngoài đồ lễ của Hội Bầu bí tương thân, tôi cũng mang theo quà thăm hỏi của anh Trần Hùng và nhóm Gioan Tiền Hô từ Hoa Kỳ tới gia đình Cụ và những gia đình có người bị bắt trong đêm mùng 8 rạng mùng 9 tháng 1 kinh hoàng ấy. Khi thắp hương trước bàn thờ Cụ, tự nhiên tôi có một cảm giác rất kỳ lạ chạy rần rật dọc sống lưng. Nó vừa thiêng liêng, vừa đau xót, vừa ngậm ngùi, vừa căm phẫn. Tôi nhìn qua những người bạn đồng hành, thấy ai cũng rưng rưng lệ.
Bên "giếng trời"
Cô con gái Cụ đưa chúng tôi đi xem "chiến trường" 9/1, vừa hướng dẫn vừa giải thích. Chúng tôi dừng khá lâu bên hố kỹ thuật theo cách gọi của công an hay giếng trời theo cách gọi của cư dân facebook. Thực ra đấy là mảnh đất nhỏ hình chữ nhật không xây dựng đến nên tự nhiên nó trở thành cái hố sâu. Ngô Duy Quyền thủ sẵn chiếc thước cuộn từ nhà đo ngang, đo dọc. Nơi đây được cho là "quyết chiến điểm" của trận đánh phi nghĩa, 3 cảnh sát rơi xuống và bị quân "khủng bố" tưới xăng đốt. Đấy là theo lời giải thích của Bộ công an đưa ra nhưng đầy mâu thuẫn. Mâu thuẫn như thế nào, mời bạn đọc xem phân tích của Giáo sư Viện sĩ Hoàng Xuân Phú qua bài viết "Tội ác Đồng Tâm"
Phòng cụ Kình
Cụ Dư Thị Thành đưa tôi đi khắp nhà, chỉ cho tôi những vết tích bắn như vãi đạn. Viên nào bắn vào tủ sắt thì dấu vết tròn xoe, viên nào bắn vào tường thì bung một mảng đến tận phần gạch. Phòng cụ Kình, người bị coi là "trùm khủng bố" ở tầng 1, chỉ rộng chưa đầy 9 mét vuông, giường nằm là một chiếc phản gỗ hẹp cũ kỹ cho hai cụ và một chiếc tủ sắt mà ta thường thấy ở văn phòng của các công ty nhỏ. Có lẽ từ khi cụ ông bị giết, cụ Thành không ngủ ở đấy được nữa vì ám ảnh. Cô con gái cụ chỉ cho tôi bức tường phía dưới cửa sổ còn dính những vết máu cha mình mà lau rửa vẫn chưa sạch. Những dấu vết còn ghi lại trên tường, trên cánh tủ, các khung cửa nhiều người đã đăng lên mạng.
Thợ khóa theo dõi quay lén nhà cụ Kình
Chúng tôi xin phép ra mộ thắp hương cho Cụ. Ra xe, thấy thấy hai cô con gái và cháu dâu cụ Kình đang gay gắt giằng co với gã đàn ông chữa khóa ngồi đối diện nhà Cụ vì các cô phát hiện ra hắn chĩa máy vào nhà quay chụp :
- Chú có còn là con người nữa không ? Nhà cháu đã khốn khổ như thế này mà chú vẫn còn làm cái việc khốn nạn ấy được à ?
Các cô yêu cầu hắn đưa điện thoại để các cô xóa ảnh. Trước sự kiên quyết có phần dữ dằn của các cô, hắn cũng ngoan ngoãn đưa. Cô cháu dâu Cụ nói với tôi hắn người làng bên, xuất hiện ở đây trước khi Đồng Tâm bị tấn công ít ngày. Cháu tìm những video quay lén nhà bà cháu, xóa hết.
Tôi chợt nhớ ngay hôm trước, công an đến nhà cụ Thành đòi lấy hết cửa kính đã in dấu các vết đạn. Ai cũng phải hiểu, việc này là nhằm xóa dấu vết. Sau khi chúng tôi về, họ vào nhà đưa giấy triệu tập cụ Thành lên làm việc. Đương nhiên cả hai yêu cầu này, Cụ không không hợp tác.
Sau khi tấn công vào Đồng Tâm, phía công an thông báo khởi tố 20 người về tội giết người và 2 người về tội chống người thi hành công vụ. Không khí thôn xóm vô cùng căng thẳng, luôn luôn bị canh gác, theo dõi chặt chẽ.
Tuy nhiên, theo danh sách mà chúng tôi có được, số người bị bắt hiện nay lên tới 27 người. Cụ Dư Thị Thành, con cháu cụ và bà con Đồng Tâm tiếp tục bị sách nhiễu và đau khổ còn kéo dài.
*
Cô Giang và cô Dương, hai con gái Cụ Kình đưa chúng tôi ra mộ cụ cách nhà chừng 2 km. Xung quanh khu mộ cụ được rào bằng tre và dây thép gai. Lúc này, chúng tôi đã rất gần Cụ. Ai cũng tin rằng Cụ rất thiêng. Giao thừa năm nay và cho đến tận mùng 3 Tết, sấm chớp, mưa rào, mưa đá ở nhiều tỉnh thành miền Bắc, người ta cho rằng Trời nổi giận vì cái chết đau đớn, bi thương và oan khuất của Cụ Kình. dự cảm đang có một sự chuyển động rất ghê gớm đối với đất nước và dân tộc này.
Khác với các sự kiện khác dư luận ồn ào lên một dạo rồi chìm dần. Vụ cụ Kình bị hành quyết không như thế. Đại dịch covid-19 không những không át đi được biến cố Đồng Tâm mà vấn đề Đồng Tâm đặt ra ngày càng gay gắt, thúc bách trong dư luận trong nước và quốc tế. Phải có một cuộc điều tra độc lập về sự kiện 9/1/2020.
Chúng tôi nấn ná mãi quanh mộ cụ Lê Đình Kình, khấn cầu nhiều lần, cầu cho vong linh Cụ mát mẻ. Tin rằng những lời khấn của mình linh nghiệm, chúng tôi xin Cụ phù hộ cho Cụ bà, cho con cháu, xin Cụ phù hộ cho đất nước và dân tộc, cho "ngày mai đất nước tươi sáng sẽ trở về, ánh vàng, Hạnh phúc và Chân lý sẽ lại người trên Đất nước ta".
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : nguyentuongthuy's blog, 14/02/2020