Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/02/2020

Ví Văn kiện đảng với Văn bia : tuyệt vọng hay kiêu ngạo cộng sản ?

BBC, RFA

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi Văn kiện Đại hội Đảng XIII phải là ‘Văn bia’ !

RFA, 18/02/2020

Tham vọng để đời !

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa phát biểu cho rằng phải coi văn kiện đại hội đảng là ‘văn bia’, còn để lại đời sau…

vankien1

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. AFP

Ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra so sánh vừa nói hôm 14/2, khi chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, gửi đại hội đảng bộ cơ sở đóng góp ý kiến.

Trao đổi với RFA hôm 18/2, Nhà ngôn ngữ học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, đưa ra phân tích câu nói của ông Trọng :

"Ý ông Trọng là ông muốn nói đó không phải là loại ‘lời nói gió bay’, mà cái đó còn để lại đời đời, cho đời sau đọc, và người ta sẽ căn cứ vào đó mà phán xét mình, cho nên phải rất là cẩn thận, có lẽ ý ông là như thế. Nhưng ông Trọng dùng chữ ‘văn bia’ là không cẩn thận, vì khi ông nói đã quên mất người Việt có câu thành ngữ ‘khôn văn tế, dại văn bia’…

Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, giải thích thêm với RFA hôm 18/2 :

"Trong dân gian có câu ‘khôn văn tế, dại văn bia’ tức là người khôn thì viết văn tế, viết xong đốt bỏ, không có tang chứng nào để lại. Còn văn bia là văn viết xong phải khác vào đá, bền vững với thời gian. Vì vậy ai dại mới viết văn bia, vì để mãi và người ta sẽ phán xét về nội dung đó, hậu thế sẽ phán xét. Ông Nguyễn Phú Trọng muốn nhấn mạnh, văn kiện này sẽ lưu lại mãi và ai viết thì phải chịu trách nhiệm".

Cũng tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng giải thích, vì văn kiện đảng như văn bia, còn để lại đời sau, nên việc tiếp thu các ý kiến đóng góp phải có quan điểm, lập trường, lý lẽ, phương châm là bình tĩnh lắng nghe, trân trọng tất cả các ý kiến, cân nhắc thật kỹ, rồi tiếp thu tối đa.

Trách nhiệm lãnh đạo !

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, như vậy là ông Nguyễn Phú Trọng đã gián tiếp thừa nhận những văn kiện này là những thứ lưu lại cho hậu thế và đảng công sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm với nhân dân, với hậu thế về những gì đã viết ra trong văn kiện đại hội đảng thứ 13. Ông nói tiếp :

"Ở đây tôi muốn nhắc lại việc trước đây khi ông Nông Đức Mạnh còn là Tổng bí thư có nói, đến năm 2020 Việt Nam đã trở thành một nước công nghiệp hóa. Đến bây giờ năm 2020 thì Việt Nam có công nghiệp hóa hay không ? Vừa rồi mạng xã hội có lôi câu đó ra để đàm tiếu đối với người lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản Việt Nam trước đây, tức ông Nông Đức Mạnh".

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng, có thể hiểu ông Trọng lưu ý như vậy là để những người viết văn kiện đại hội đảng thứ 13… thứ nhất phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, lịch sử về những điều ghi trong đó. Thứ hai có thể là nhắc nhở, những mục tiêu, đề xuất, phải trong chừng mực nhất định, chứ không thể nói như hồi ông Nông Đức Mạnh được.

vankien2

Văn bia Tiến sĩ tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội. (Ảnh minh họa) Courtesy vanmieu.gov.vn

Để hiểu rõ thêm thế nào là văn bia, và những trường hợp nào thường được dựng văn bia tại Việt Nam ? Đài Á Châu Tự Do hôm 18/2 liên lạc Sử gia Dương Trung Quốc, hiện đang sống tại Hà Nội, và được ông giải thích :

"Văn bia là một hình thức khá phổ biến trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Chúng tôi coi là một thứ thư tịch để lại cho đời sau, vì nó được khắc trên chất liệu có thể nói là bền vững. Như vậy đó là những thông điệp của người đời nay không chỉ để nói với người đời nay mà muốn để lâu dài. Có thể đơn giản như một tấm bia mộ chí, để thông tin về những người đang nằm dưới ngôi mộ ấy, hay có thể là một tấm bia biển hiệu, bia hạ mã, nhắc nhở mọi người tôi trọng không gian có di tích, có tâm linh tôn giáo… Nhưng nó cũng có thể chứa đựng rất nhiều thông tin, kể cả những án văn, những thông điệp, nó có thể tôn vinh những người đỗ đạt như bia tiến sĩ chẳng hạn. Hay một tấm bia để người ta chuyển tải cái gì đó cho đời sau, như bia trong Lăng Vua Tự Đức chẳng hạn. Hay về kinh Phật như bia Nhất Trụ ở Ninh Bình…".

Bia đá-bia miệng !

Theo Sử gia Dương Trung Quốc, điều quan trọng là phải sử dụng những chất liệu bền vững như bia đá tượng đồng dựng văn bia, để chuyển tải thông điệp cho đời sau. Đó có lẽ là đặt trưng cơ bản khi người ta ghi lên những tấm bia tại Việt Nam, cũng như nhiều nước khác trên thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, khi trao đổi với RFA hôm 18/2 liên quan vấn đề này cho rằng, kiểu nói như ông Trọng vừa nói là một phong cách rất cổ, của các vị lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam.

Còn những người không già lắm như ông Trọng thì theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A là đã bắt chước những vị lãnh đạo đã chết từ lâu rồi. Và khi người đứng đầu nói như thế thì những người nịnh hót theo sau cũng lại vào hùa, noi theo như con vẹt. Thật sự đó là phong cách lãnh đạo, mà với người dân Việt Nam hiện nay, nhất là giới trẻ, thì đó là điều hết sức lạc lỏng, không ăn nhập gì đến thời đại. Ông nói tiếp :

"Nếu mà có thể có một nhận xét khác thì Việt Nam cũng có một câu tục ngữ có ý là, nếu làm những điều tốt cho dân, thì tiếng thơm trong dân, thì dù bia bằng lời miệng vẫn lưu ngàn đời. Còn bia bằng đá, bằng đồng mà ghi lại những cái không ra gì, thì nó cũng nhanh chóng đi vào lãng quên mà thôi".

Theo Nhà ngôn ngữ học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, những câu nói của các vị lãnh đạo bị nhiều anh em đem ra mỉa mai, vì theo ông, đằng sau tất cả câu chữ đó, là do người ta không bằng lòng với sự lãnh đạo của đảng, những chính sách không đáp ứng được lòng dân, nên người ta mới cười cợt, mỉa mai được. Chứ nếu xã hội Việt Nam vận hành một cách thông suốt, người dân thấy hài lòng với cuộc sống, thì theo ông, chẳng ai đem lời ông Trọng ra mà mỉa mai.

Nhận định của tiến sĩ Hoàng Dũng cũng không khác mấy với câu của dân gian Việt Nam ‘Trăm năm bia đá cũng mòn ; ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ’.

Nguồn : RFA, 18/02/2020

****************

Chủ tịch Trọng ví văn kiện Đảng với văn bia

BBC tiếng Việt, 17/02/2020

Sau khi ca ngợi Đảng cộng sản 'thật vĩ đại', Chủ tịch Trọng ví văn kiện Đảng với văn bia

Báo Việt Nam thường đăng tải nhiều câu nói mang tính chỉ đạo đầy ấn tượng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

dotlo1

Công cuộc chống tham nhũng nhằm vào nội bộ của Tổng bí thư Trọng khiến ông chính thức được truyền thông Việt Nam ca ngợi là "người đốt lò vĩ đại" đầu 2018

Gần đây nhất, hôm 14/02, ông Trọng dùng khái niệm 'văn bia' để cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam, dự kiến vào năm 2021.

Nói đến phương châm phải lắng nghe các đại hội đảng bộ cơ sở đóng góp ý kiến, ông Trọng, giáo sư ngành 'xây dựng Đảng' nhắc người biên tập văn kiện phải có bản lĩnh.

Theo ông, phải coi "văn kiện Đảng như văn bia để lại muôn đời sau", như lời trích trên báo Việt Nam.

"Việc tiếp thu các ý kiến đóng góp không được đơn giản, dễ dãi về cả hai phía, không tiếp thu cũng là sai, mà nói cái gì tiếp thu ngay cũng là sai".

Trước đó, ngày 03/02, báo Việt Nam đăng tải rộng rãi lời Tổng bí thư Trọng khen đảng của mình :

"Với tất cả sự khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có thể nói rằng : "Đảng ta thật là vĩ đại ! Nhân dân ta thật là anh hùng !"

Truyền thông chính thống ở Việt Nam nói bài diễn văn được đọc "trong không khí phấn khởi, tự hào, cảm xúc đón mùa xuân mới cũng là dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam".

Tuy thế, dư luận nước này và thế giới cùng thời gian lại đang hết sức lo ngại về virus corona lan ra từ Trung Quốc.

Các câu nói dễ nhớ và mang tính chỉ đạo

Cách nói hơi bất ngờ, ngược với logic bình thường có thể là cách ông Nguyễn Phú Trọng sử dụng để đánh thức tư duy thường nhật của các quan chức là đồng chí của ông.

Việt Nam được cho là có dân số trẻ, và đông đảo thanh thiếu niên với suy nghĩ khác xa thế hệ 'cách mạng' và ngưỡng mộ những nhân vật không thuộc hệ thống chính trị.

Các câu của ông Trọng thường được chia sẻ trên mạng xã hội, với các bình luận khen, chê, nhưng dù sao cũng vẫn có dư luận chú ý.

Ví dụ hồi cuối năm 2019, khi nói về các đại án như vụ AVG, ông Trọng được truyền thông trích lời cho rằng sau đại án AVG, còn nhiều vụ phải làm tiếp.

Ông cũng nói "tất cả các bị cáo lúc đầu thì cãi, nhưng sau đều tâm phục, khẩu phục".

"Các bị cáo cho đi tù còn cảm ơn".

Hồi giữa năm 2019, Giáo sư Trọng cũng đặt ra một loạt câu hỏi về tương lai Việt Nam và nói đến khái niệm đô thị thông minh.

Ông hỏi :

"Ví dụ Thành phố Hồ Chí Minh, mươi năm nữa, 15 năm nữa sẽ là thế nào ? Có hình dung được hết không ? Hà Nội sẽ là thế nào ?"

Rộng hơn, ông tự hỏi : "Nước ta đến 2030 sẽ là nước gì ?"

dotlo2

Xã hội Việt Nam nay có đông thanh thiếu niên với suy nghĩ khác xa thế hệ 'cách mạng' và ngưỡng mộ những nhân vật không thuộc hệ thống chính trị

Ông cũng lật lại vấn đề "nước công nghiệp" mà một vị tiền nhiệm, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nói hồi 2006 rằng đến 2020 thì Việt Nam sẽ đạt được :

"... Chúng ta đã xác định đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, giờ đã trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa ? Phải thay đổi rồi, không dùng cái từ ấy nữa rồi".

Hồi tháng 11/2017, ông cũng "công khai hóa" khái niệm 'chán Đảng khô Đoàn' từng được nêu ra không rộng rãi trong hệ thống chính trị Việt Nam :

"Cần ngăn chặn tình trạng chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị, ngăn chặn cho được tình trạng tha hóa, hư hỏng, tư tưởng dao động không vững vàng, kèn cựa nhau..".

Nhìn chung, trước các sự kiện chính trị lớn do ông chỉ đạo thực hiện, Tổng bí thư Trọng đều có các phát biểu dùng hình ảnh đơn giản, động từ mạnh để công luận nắm được vấn đề.

Chẳng hạn hồi tháng 6/2018 chính ông nói rằng "sắp xếp bộ máy công an đụng chạm ghê gớm lắm".

Trước đó, báo chí Việt Nam đồng loạt đăng lời của ông vào tháng 4/2018 rằng "bất kỳ là ai, đã tham nhũng, tay nhúng chàm đều phải xử lý triệt để".

Cách đây hơn 5 năm, vào tháng 5/2015 ông Trọng, khi đó chỉ mới là Tổng bí thư Đảng nói với cử tri Hà Nội về việc ghép hai chức vụ Đảng và chính quyền :

dotlo3

Bia ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hà Nội

"Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ?"

Nhưng đến tháng 10/2018 thì ông nắm cả hai chức vụ Chủ tịch nước và Tổng bí thư Đảng.

Cùng năm, ông chú ý đến thành tích của tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam, đội đoạt AFF-Suzuki Cup năm 2018 và nói :

"Bóng đá Việt Nam gặt hái nhiều thành công trên đấu trường khu vực, đã khơi dậy niềm tự hào và tinh thần đoàn kết dân tộc, tạo không khí phấn chấn trong xã hội".

Cũng vào năm 2018, trong dịp đầu năm, ông Trọng (sinh tháng 4/1944) chính thức được truyền thông Việt Nam ca ngợi là "người đốt lò vĩ đại".

Nguồn : BBC, 17/02/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt, RFA tiếng Việt
Read 591 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)