Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/02/2020

Đừng đánh tráo lịch sử

Phạm Đình Trọng

Ngày 17/2/2020, bốn mươi mốt năm khởi đầu cuộc chiến tranh mười năm 1979 – 1989 bảo vệ biên cương phía Bắc. Hàng chục ngàn chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống trong cuộc chiến đẫm máu giành đi giật lại từng tấc đất biên cương kéo dài suốt mười năm.

vixuyen1

Một cựu binh thắp hương tưởng nhớ các đồng đội hy sinh đang nằm tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên

Trên suốt 1.400 kilomet đất biên cương phía Bắc thì những mỏm núi đá vôi thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang là nơi những người lính Việt Nam giữ đất của tổ tiên phải giành giật với bọn Tàu Bắc phương cướp nước ác liệt nhất, dai dẳng nhất, đẫm máu nhất.

Sau trận đánh của một đại đội đặc công giành lại một mỏm đá vôi có kí hiệu là C3 trên bản đồ tác chiến, tôi đã đến Thanh Thủy. Tôi đã bám vào đá tai mèo, đạp lên bột vôi trắng xóa do đạn pháo nung đá thành vôi, leo lên mỏn C3, đã gặp những người lính vừa giành lại C3.

Xuống núi, trong một chiều ảm đạm, giữa cánh rừng bên sông Lô, tôi đã đứng lặng chứng kiến người vợ trẻ, chị Nguyễn Thị Định gục xuống giang tay ôm nấm đất còn in hằn dấu xẻng, nấm mồ chồng chị, thượng úy đại đội trưởng Cao Hoàng Việt. Đứa con trai bốn tuổi của vợ chồng anh Việt chị Định đứng cạnh mẹ mắt vô tư chăm chú nhìn theo con chuồn chuồn đỏ từ sông Lô bay đến cứ xập xè bay lượn quanh nấm mồ mới.

Sự hồn nhiên chưa biết đến sự mất mát quá lớn của đứa bé con người lính Cao Hoàng Việt làm cho những người lính chứng kiến càng bùi ngùi, xót xa. Tuần nhang đã cháy hết, người vợ vẫn không rời mộ chồng. Tôi đến bên chị, thắp ba nén nhang mới và hình ảnh người vợ ôm mộ chồng trong cánh rừng chiều ảm đạm ở biên giới Vị Xuyên, Hà Giang mãi mãi ở lại trong tôi

Giặc chiếm được C3 hai ngày thì đêm thứ ba thượng úy đại đội trưởng Cao Hoàng Việt dẫn những người lính thiện chiến đi êm như gió đến từng hang đá thả thủ pháo vào trong hang lúc nhúc bọn giặc Tàu. Tiêu diệt gọn bọn giặc trên C3, cả đại đội không ai trầy da sước vảy. Nhưng khói thủ pháo trong hang đá chưa tan hết thì pháo giặc từ bên kia biên giới sầm sập trùm kín cả mỏm C3. Đi kiểm tra bố trí đội hình chiến đấu, Cao Hoàng Việt chưa kịp về hầm chỉ huy thì pháo giặc dập tới. Đại đội trưởng Cao Hoàng Việt là người lính duy nhất hi sinh trong trận đánh giành lại C3.

Hàng năm ngày 17/2 đến tôi lại nhớ đến Cao Hoàng Việt, tôi lại thấy hình ành vợ anh Việt phủ phục trên nấm mồ anh, giang hai tay ôm ghì nấm mồ. Ngày 17/2 ra tượng Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, thắp hương tưởng nhớ những người Việt Nam đã hi sinh trong cuộc chiến giữ đất biên cương 1979 – 1989 tôi đều thầm gọi tên Cao Hoang Việt. Không ra tượng đài Trần Hưng Đạo được thì tôi thắp hương ở nhà.

Ngày 17/2/2020, từ sáng sớm gần chục tên an ninh trẻ mặc đồ dân sự đã rải quân chốt chặn từ cửa thang máy ra đến hai ngả đường dẫn vào nhà tôi. Họ chặn không cho tôi ra khỏi nhà đi tham dự lễ kỉ niệm cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược giữ đất biên cương.

Ngày 17/2/2020 cả bộ máy truyền thông khổng lồ của nhà nước cộng sản Việt Nam, mỗi năm ngốn hàng ngàn tỉ tiền thuế của dân nhưng không có một chữ, một lời nhắc đến sự kiện 17/2/1979 đau thương nhưng lẫm liệt bi tráng của lịch sử Việt Nam.

Một facebooker là một sĩ quan từng cầm súng đánh quân Trung Quốc xâm lược giữ đất biên cương 1979 – 1989 đã cảnh cáo bộ máy truyền thông đớn hèn và nhảm nhí của nhà nước cộng sản : "Báo chí hôm nay không nhắc đến 17/2/1979, thì từ nay cũng đừng nhắc đến 30/4/1975 nữa".

Không đủ lòng yêu nước, không đủ tư thế hiên ngang của một nền độc lập để nhắc đến ngày đổ máu giữ nước 17/2/1979 thì cũng đừng trơ tráo, lươn lẹo nhắc đến ngày kết thúc cuộc chiến tranh người Việt bắn giết người Việt 30/4/1975.

Trong lịch sử, nhắc đến ngày 17/2/1979 là nhắc đến trang sử giữ nước vẻ vang, nhắc đến hào khí Bạch Đằng, Đống Đa, nhắc đến khí phách lẫm liệt Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung. Còn 30/4 chỉ nhắc đến nỗi đau 100 năm chia cắt đất nước thời Trịnh - Nguyễn phân tranh người Việt giết người Việt máu nhuộm đỏ biển Đông, xương chất cao như dãy Trường Sơn.

Không nhắc đến trang sử máu giữ nước 1979 – 1989 mà chỉ nhắc đến sự kiện cả giống nòi Việt Nam trở thành nô lệ cộng sản từ ngày 30/4/1975 là sự đánh tráo lịch sử.

Vừa là phong kiến trung cổ, cướp quyền dân, dìm người dân trong tăm tối ngu dân, vừa là phát xít hiện đại, tàn bạo đàn áp dân, thể chế cộng sản tưởng rằng có thể đánh tráo được lịch sử, tưởng rằng những văn kiện cộng sản lừa dối dân sẽ trở thành văn bia muôn đời. Dù lầm than trong thể chế cộng sản nhưng người dân Việt Nam cũng đã được đón nhận ánh sáng kỉ nguyên văn minh tin học của nhân loại.

Trong kỉ nguyên tin học, dù thể chế cộng sản có dối trá và tàn bạo đến đâu cũng đừng hòng đánh tráo lịch sử tội lỗi của đảng cộng sản với lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Phạm Đình Trọng

17/02/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Đình Trọng
Read 660 times

1 comment

  • Comment Link Bùi Quang Lưu mardi, 18 février 2020 07:17 posted by Bùi Quang Lưu

    Tôi thấy bây giờ báo chí của Nhà nước vẫn thoải mái nhắc lại cuộc chiến chống Tàu xâm lược năm 1979 đấy chứ. Theo dõi các nguồn tin độc lập như BBC, RFI thì thấy bọn Tàu tránh nhắc đến cuộc chiến này hơn là VN. Cũng phải thôi, chính bọn chúng mới phải hổ thẹn hơn mình chứ. VN chỉ tránh không công kích trực diện Tàu quá thôi, vì tình thế hiện nay chúng là siêu cường, mình chỉ là nước nhỏ, không như hồi đó ỷ vào Liên bang Xô viết, ghi cả vào hiến pháp Trung quốc là kẻ thù!

    Còn "cuộc chiến tranh người Việt bắn giết người Việt 30.4.1975" ư?

    Thế thì hơn nửa triệu quân Mỹ và chư hầu vào miền nam chắc để đi du lịch?

    Sau khi quân Mỹ rút hết thì hầu như chỉ cần búng tay là QLVNCH thi nhau cởi quần áo, vứt giày mũ chạy hết, có chết bao nhiêu người đâu?

    Đúng như lời nói của ông Nguyễn Cao Kỳ : "Đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ ...".

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)