Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/02/2020

Chiến tranh 1979 : "Sòng phẳng ra, nay Trung Quốc phải xin lỗi Việt Nam"

BBC tiếng Việt

Sau 41 năm cuộc chiến Biên giới Trung - Việt (1979-2020), Trung Quốc và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ, đã đến lúc nhà cầm quyền Trung Quốc phải xin lỗi nhân dân Việt Nam vì nước đã 'vô cớ' đánh Việt Nam 2/1979 và phải cải việc 'xuyên tạc' rằng đó là Trung Quốc 'phản kích tự vệ' chống Việt Nam xâm lược.

19791

Đặng Tiểu Bình chọn Hứa Thế Hữu và Dương Đắc Chí làm tư lệnh 2 cánh quân xâm lược Việt Nam năm 1979. Ảnh Hứa Thế Hữu, Tổng chỉ huy cánh quân phía Đông đến gặp động viên trước khi xua quân xâm lược Việt Nam. (Tư liệu Trung Quốc)

Quan điểm này được một nhà nghiên cứu Trung Quốc từng làm việc trong ngành địch vận, cựu Trung tá quân đội nhân dân Việt Nam, bà Nguyễn Nguyên Bình đưa ra trong một phỏng vấn với BBC News tiếng Việt hôm 20/02.

"Theo tôi là nếu bây giờ Trung Quốc và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, thì Trung Quốc cũng phải chịu trách nhiệm về việc đấy và bình đẳng với nhau ra, thì Trung Quốc phải xin lỗi nhân dân Việt Nam", nhà nghiên cứu có thân phụ là cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nói.

"Bởi vì tự nhiên đánh, không có cớ gì, tự nhiên đánh, một lúc huy động mấy chục vạn quân sang gây bao nhiêu thứ tội ác, thế rồi lại vu cáo cho Việt Nam là đi xâm lược Trung Quốc, gọi tên cuộc chiến tranh ấy là phản kích tự vệ. Những chuyện ấy, nếu sòng phẳng ra, thì Trung Quốc phải cải chính những cái đó".

Có ý kiến từ trước cho rằng ban lãnh đạo đảng, nhà nước Việt Nam, hậu thời kỳ của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc đó đã không xử lý tốt bang giao với Trung Quốc, để nảy sinh bất hòa, khiến Trung Quốc mở chiến tranh, tiến đánh qua biên giới Việt Nam tháng 2/1979, trước quan điểm này, bà Nguyễn Nguyên Bình nói :

"Tôi không cho là như thế, tại sao Trung Quốc lại gây quân đội Pol Pot lên để chúng xâm phạm vào biên giới phía Tây Nam của Việt Nam ? Tại sao lại gây ra như thế ?

"Thực ra thì nếu như Việt Nam xử lý không tốt, trước hết, nó gây chiến tranh ở Campuchia mà chống Việt Nam, đấy là một tội ác, đấy là không tốt.

"Thế còn, giả sử bây giờ cứ nói là khôn khéo, chẳng khôn khéo được với Trung Quốc đâu. Bởi vì nhà cầm quyền Trung Quốc, mưu của họ thâm lắm.

19792

Một đơn vị pháo của Quân đội Việt Nam tại tỉnh Lạng Sơn đang chiến đấu chống lại cuộc xâm lấn của Trung Quốc dọc biên giới dài 230 km giữa hai nước ngày 23/2/1979. Vào ngày 17/2/1979 sau nhiều tháng khẩu chiến và xung đột, Trung Quốc tiến hành cuộc tổng tấn công vào Việt Nam, nước đồng minh cộng sản của họ để "dạy cho Việt Nam một bài học" vì đã tỏ ra không lệ thuộc vào Trung Quốc như họ trông đợi.

"Cho nên Việt Nam có khéo đến đâu, rồi vẫn có chiến tranh. Chẳng hạn cứ liên hệ bây giờ, Việt Nam rất là nhường nhịn, rất mềm mỏng, nhưng Trung Quốc có dừng lại việc chiếm đâu ?

"Thực ra trước đây Trung Quốc lấy vũ khí để đánh Việt Nam, nhưng bây giờ là chiến tranh xâm lược mềm, nó còn gây cho Việt Nam bao nhiêu tác hại hơn cả cuộc chiến tranh đấy chứ".

'Luôn luôn lu loa'

Một luồng ý kiến khác lại đặt câu hỏi rằng liệu Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979 là do Việt Nam trước đó gây ra vấn đề "bài xích người Hoa", "nạn kiều" và đã khiến Trung Quốc có hành động chiến tranh do nguyên nhân đó, đáp lại quan điểm này, nhà nghiên cứu Nguyễn Nguyên Bình nói :

"Tôi vẫn cho là không phải như thế. Tại vì người ta cũng nhìn thấu được âm mưu của Trung Quốc rồi, cho nên người ta mới thấy ở trong chỗ người Hoa đó tiềm ẩn những nguy hiểm, cho nên người ta mới phải đẩy người Hoa về.

"Nhưng tôi cho là trong việc làm đó, việc làm về phương hướng thì cũng không sai, nhưng khi thực hiện cụ thể thì nhiều khi đi quá đà.

"Mà Trung Quốc thì luôn luôn lu loa, luôn luôn lấy những việc như thế để mà làm ầm lên. Thậm chí tôi thấy mưu của Trung Quốc có thể tự 'bẻ què', tức là tự đập gẫy chân mình, song rồi vu cho người khác là đánh gẫy chân mình.

"Tôi nghĩ là không thể đối phó với Trung Quốc một cách gọi là cứ tưởng là mình mềm mỏng với họ, cứ tưởng là mình không phạm sai lầm gì, mà họ lại sòng phẳng với mình đâu. Tôi không tin chuyện đó !"

19793

Dân quân Trung Quốc tại tỉnh Quảng Tây bày tỏ ủng họ quân đội của họ đang chiến đấu ở tiền tuyến trong cuộc chiến biên giới với Việt Nam. Họ tổ chức thành một toán những người khênh cáng hôm 22/2/1979. Cuộc chiến tranh biên giới này được xem là Chiến tranh Đông dương thứ Ba, mà nguồn gốc của xung đột tuy ngắn nhưng đẫm máu là do mâu thuẫn ý thức hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô cũ.

Hôm thứ Năm, 20/02, một nhà nghiên cứu chính trị và bang gia quốc tế từ Hà Nội chia sẻ với BBC tại một Hội luận chuyên đề đặc biệt nhìn lại cuộc chiến sau 41 năm về khía cạnh cuộc chiến đã tác động ra sao tới Việt Nam :

"Nếu ai đã đọc bài viết về năm cái nhất mà tôi đã viết về cuộc chiến tranh 17/02/1979, thì thấy rằng lần này tác động là người Việt bất cứ ở đâu, ở trong nước hay là ở nước ngoài, đều cảm nhận, đều thấm thía một nỗi bất hạnh lớn.

"Cái bất hạnh đó là gì ? Cái này là một bí mật công khai đã được một ông tướng bên an ninh nói cách đây mấy năm rồi, tức là chúng ta không thể dời Việt Nam đi đâu cả.

"Chúng ta phải kiên nhẫn, phải thông minh, để sống bên cạnh một ông hàng xóm trọc phú nhưng mà rất hung hãn.

"Thế thì đây không chỉ Việt Nam, mà phải là toàn Đông Nam Á hiện nay người ta đều đang phải vận hết nội công, vận hết nội lực để ứng xử với trật tự ngày càng phức tạp trong đó cuộc tranh hùng giữa các nước lớn đang đe dọa thế "cân bằng chiến lược" của hầu hết các nước ASEAN, chứ không phải chỉ của riêng Việt Nam.

"Thứ hai nữa là sau hơn 40 năm nhìn lại, phải nói rằng sự thay đổi, hiện nay từ cả phía chính quyền, lẫn xã hội đã đủ độ chưa ? Thì phải nói là hiện nay xã hội Việt Nam đang phân ly, nhiều ý kiến khác biệt, mặc dù 41 năm nhìn lại thì thấy nhiều biến đổi, nhiều điều chỉnh, như là các kiến trước tôi đã phân tích.

"Nhưng mà hiện nay vẫn có nhiều ý kiến ngược nhau. Trong một thời buổi mở cửa và hội nhập, điều khác nhau như thế là dễ hiểu".

19794

Ba mươi năm sau, khu vực Lạng Sơn gần Hữu Nghị Quan, nơi từng chứng kiến cuộc chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt giữa hai nước, nay là khu dân cư phát triển và yên bình. Ảnh chụp 5/2/2009, cho thấy một xe tải thương mại của Trung Quốc đang trên đường về nước và bên đường là cột mốc cây số cũ còn sót lại.

Cần nghĩ lại điều gì ?

Nhìn lại cuộc chiến sau 41 năm, bình luận về cách thức chính quyền Việt Nam ứng xử với cuộc chiến và di sản, hệ lụy của nó và về mặt ôn cố tri tân, người Việt Nam cần tái tư duy gì về mặt quốc gia, dân tộc, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nói tiếp :

"Nhưng mà có một thực tế là nếu chính quyền cứ đẩy mạnh đàn áp người dân trong nước tưởng niệm những hy sinh mất mát trong cuộc chiến, đàn áp những người dân phản đối những chính sách xâm chiếm biển đảo của Trung Quốc, thì nay mai khi hữu sự, lấy ai ra tiền tuyến bảo vệ Tổ quốc ? Cho nên tôi nghĩ cái này chính quyền cũng phải suy nghĩ lại.

"Cuối cùng, về tác động thứ ba, tôi thấy cả hai bên, cả chính quyền lẫn dân sự đều có một cái khoan dung. Bởi vì cộng sản hay Quốc gia, nói cho cùng nó chỉ là một giai đoạn của lịch sử, còn Việt tộc mới là trường tồn.

"Và chúng ta đang ở một kháng điểm đầu tiên và cũng là kháng điểm cuối cùng trên giải đất trên bờ biển Đông Nam Á này, không còn chỗ nào để thiên di tiếp nữa, không còn chỗ nào để mà đi tiếp nữa.

"Ở đây, không phải "văn minh dừng ở đây", mà là "cuộc việt dã", "cuộc thiên di của chúng ta" dừng lại ở đây. Chúng ta phải bám trụ và phải trường tồn. Còn đương nhiên, thời nào thì cũng có những Trần Ích Tắc, cũng có những Lê Chiêu Thống.

"Nhưng Trung Quốc không thể cứ quá tự tin, tự cho mình đủ mưu sâu để qua mặt thế giới", nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Phát triển, thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) nói với BBC.

Nguồn : BBC, 22/02/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 660 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)