Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/02/2020

Lại nổ : Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, coi chừng bị hố !

Nhiều nguồn tin

Việt Nam : Số người bị nghi nhiễm virus corona mới tăng vọt

Trọng Thành, RFI, 27/02/2020

Hôm 27/02/2020, Bộ Y tế Việt Nam thông báo, số người bị nghi nhiễm virus corona mới (SARS-CoV/2) tăng vọt từ 31 hôm trước, lên thành 92 người. Cùng lúc với việc nâng số người phải cách ly theo dõi nghiêm ngặt, chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sàng đối phó với "bước ngoặt lây lan" dịch Covid-19 ra toàn cầu.

tang1

Phun thuốc khử trừ virus cho xe hơi trên đường phố ở tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam, ngày 07/02/2020 Reuters/Kham

"Siết chặt phòng tuyến" trước dịch Covid-19, "chủ quan là tự sát", sẵn sàng đối phó với "các ca nhiễm mới"… là các hàng tựa nổi bật trên báo chí trong nước hôm nay. Ngày 25/02, dường như nhiều người đã thở phào nhẹ nhõm sau khi chính quyền Việt Nam thông báo toàn bộ 16 trường hợp nhiễm virus corona mới đã khỏi bệnh, hôm 25/02. Tuy nhiên, nguy cơ dịch Covid-19 lan rộng ra ngoài Trung Quốc đang ngày càng rõ rệt, đặt Việt Nam vào một tình thế mới.

Báo chí chính thức trong nước hôm nay đăng tải rộng rãi thông tin về 92 trường hợp bị cách ly nghiêm ngặt. Bộ Y Tế Việt Nam không cho biết số người bị cách ly nói trên là ở tại các khu vực nào. Cho đến nay, ngày 11/02 được ghi nhận số ca bị nghi nhiễm cao nhất, với 97 trường hợp. Vào lúc đó, Việt Nam có 15 người mắc bệnh.

Hoài nghi về số lượng dương tính với virus quá thấp

Theo Bộ Y tế Việt Nam, tính đến ngày 26/02/2020, tổng số người "có tiếp xúc gần hoặc đi về từ vùng dịch" đang được cách ly để theo dõi sức khỏe là 5.474. Tổng số "mẫu đã xét nghiệm" 1.381 (mẫu dương tính : 16, mẫu âm tính : 1.365). Về số lượng ca được coi là chính thức nhiễm virus, không ít người hoài nghi về số lượng rất thấp nói trên, trong bối cảnh tại Việt Nam, có rất đông người Trung Quốc làm việc, sinh sống, và số người Việt Nam từ Trung Quốc trở về lọt lưới hàng rào kiểm dịch có thể là không ít.

Chính quyền Việt Nam cũng thông báo tăng cường chuẩn bị các cơ sở xét nghiệm virus corona mới. Cho đến nay, đã có 6 cơ sở được chính thức công nhận, trong đó có ba cơ sở được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận đạt chuẩn quốc tế. Bộ Y Tế Việt Nam hôm 25/02 cho biết hơn 20 cơ sở khác cũng sẵn sàng đi vào hoạt động.

Trẻ em đến trường có an toàn hơn ở nhà ?

Có được một chính sách đối phó với dịch bệnh phù hợp với mỗi địa phương là một thách thức hàng đầu với Việt Nam. Hôm nay, trong một cuộc họp với ngành y tế Hà Nội, tân bí thư thành ủy Vương Đình Huệ thừa nhận nguy cơ dịch xảy ra là rất lớn, và có thể phải tính đến "phương án cách ly cả khu phố".

Tình hình đặc biệt căng thẳng tại thành phố Hồ Chí Minh. Về mặt chính thức, thủ phủ kinh tế của Việt Nam vẫn trong tình trạng dịch. Hiện tại, lo ngại hàng đầu của chính quyền thành phố là nguy cơ lây nhiễm với trẻ em. Chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ học cho đến giữa tháng 3 hoặc cuối tháng 3/2020. Tuy nhiên, về vấn đề này, có nhiều quan điểm ngược lại. Viện trưởng viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Trọng Lân, cho rằng chính việc đến trường sẽ giúp cho các em được "an toàn hơn", vì hiện tại, theo các số liệu chính thức, gần như không có tình trạng trẻ em bị lây nhiễm tại học đường, thêm vào đó, số người nhiễm virus dưới 10 tuổi chỉ chiếm 1% trong tổng số.

Trong khi đó, bí thư Thành ủy Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân cảnh báo là không nên lạc quan thái quá về năng lực điều trị của hệ thống y tế với Covid-19, "đem thành tích để chữa hết bệnh cho một vài người so với chuyện phải chữa bệnh cho cả ngàn người" là điều không nên, bởi cần rất nhiều người để chăm sóc, chữa trị người mắc bệnh dịch Covid-19. Theo lãnh đạo thành phố, địa phương này sẽ quá tải khi phải chăm sóc 1.000 bệnh nhân nhiễm virus corona mới.

Tâm trạng hoang mang

Để tâm trạng hoang mang lấn át có thể ảnh hưởng nặng nề đến khả năng đối phó với dịch. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, lưu ý đến việc nhiều người mua sắm khẩu trang quá nhiều, trong lúc phần lớn khẩu trang này rất có thể sẽ không được sử dụng. Báo chí trong nước ghi nhận tình trạng "khẩu trang, nước rửa tay khô cháy hàng, tăng giá phi mã trong thời gian vừa qua, khiến nhiều người khốn đốn có lẽ là một trong những hậu quả dễ nhận thấy nhất của sự hoảng loạn quá mức này".

Vào thời điểm dịch Covid-19 mới xuất hiện, ngày 31/01/2020, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ra Chỉ thị 06CT-TTg, khuyến cáo người dân đeo khẩu trang tại các "nơi công cộng". Cụm từ "nơi công cộng" không được xác định cụ thể rất có thể đã góp phần thổi bùng lên phong trào sử dụng khẩu trang tràn lan tại Việt Nam. Ngày 05/02, lãnh đạo Bộ Y tế đã có thông báo điều chỉnh lại cách hiểu sai lạc này, tuy nhiên, nội dung nói trên trong Chỉ thị của thủ tướng hiện vẫn chưa được sửa đổi.

Trọng Thành

********************

Việt Nam tuyên bố đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19

RFA, 25/02/2020

Phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam hôm 25/2 tuyên bố tất cả 16 bệnh nhân nhiễm virus viêm phổi cấp Covid-19 đã được chữa khỏi và Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh.

no1

Hình minh họa. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố tất cả 16 bệnh nhân nhiễm virus viêm phổi cấp Covid-19 đã được chữa khỏi và Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh. VnExpress

Người đứng đầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra phát biểu điều này tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với 700 điểm cầu toan quốc về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Truyền thông trong nước trích lời ông Vũ Đức Đam phát biểu : "Với sự khiêm tốn của người Việt, chúng tôi ít nói đến điều này, nhưng đến nay có thể đánh giá Việt Nam đã kiểm soát được dịch".

Dịch bệnh Covid-19 phát xuất từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ giữa tháng 12 năm ngoái và hiện đã lan ran hàng chục quốc gia với số ca nhiễm lên đến hơn 80.000 người và số ca tử vong là hơn 2.700 người, phần đông là tại Trung Quốc.

Việt Nam cho đến giờ mới báo cáo phát hiện được 16 ca dương tính với virus Covid-19 và theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, tất cả các ca bệnh này đều đã được chữa khỏi. Tuy nhiên, hiện không rõ ca thứ 16 được xuất viện khi nào.

Việt Nam hiện đang áp dụng một số các biện pháp phòng chống dịch bao gồm, cách ly những người về từ vùng dịch bao gồm Trung Quốc và Hàn Quốc, ngừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Việc kiểm soát hàng hóa và người qua lại ở cửa khẩu biên giới với Trung Quốc cũng được tăng cường. Tuy nhiên, một số địa phương cho biết họ đang trong tình trạng quá tải vì số người từ Trung Quốc về phải cách ly quá đông.

********************

Covid-19 : Việt Nam thật sự đã khống chế được dịch ?

Thanh Phương, RFI, 24/02/2020

Theo tin báo chí trong nước, tính đến ngày 21/02/2020, trên tổng số 16 bệnh nhân lây nhiễm virus corona mới Covid-19, 15 người đã khỏi bệnh và được xuất viện, chỉ còn một bệnh nhân ở tỉnh Vĩnh Phúc. Bệnh nhân thứ 16 này cũng có thể sẽ xuất viện trong vài ngày tới, sau khi hôm 23/02, giám đốc Sở Y Tế Vĩnh Phúc thông báo với báo chí là người này đã cho kết quả âm tính lần đầu tiên. Như vậy, nếu trong những ngày tới ở Việt Nam không phát hiện một trường hợp lây nhiễm nào mới, phải chăng là Việt Nam đã thành công trong việc khống chế dịch ?

no2

Kiểm tra thân nhiệt tài xế Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh chụp ngày 20/02/2020. Reuters

Sau khi bị chỉ trích là phản ứng chậm trước nguy cơ dịch bệnh cho virus corona mới gây ra, chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp mạnh. Ngay từ ngày 01/02, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết công bố dịch virus corona ở Việt Nam, thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, đồng thời tiếp tục hô hào "chống dịch như chống giặc".

Theo lời thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, được tờ Tuổi Trẻ trích dẫn ngày 22/02, Việt Nam đã sử dụng những biện pháp "chưa có tiền lệ" để phòng chống dịch Covid-19 : Cách ly đủ 14 ngày với những người nghi nhiễm, những người đến hoặc đi qua vùng dịch, thậm chí xem toàn bộ những người từ Hồ Bắc (Trung Quốc) đến Việt Nam là những người bệnh, phải bị cách ly.

Tuy không đóng cửa toàn biên giới với Trung Quốc, nhưng Việt Nam đã tạm ngưng các chuyến bay giữa Việt Nam với Trung Quốc, tạm ngưng cấp visa cho du khách Trung Quốc. Việt Nam cũng đã là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc cách ly cả một xã hơn 10 ngàn dân tại tỉnh Vĩnh Phúc kể từ ngày 14/02, với thời gian cách ly dự kiến là 20 ngày. Lo ngại dịch bệnh lan rộng, Việt Nam cũng đã chuẩn bị nhiều bệnh viện dã chiến ở nhiều nơi.

Cho tới nay, tuy là quốc gia có đường biên giới dài với Trung Quốc, tiếp nhận rất nhiều du khách Trung Quốc và làm ăn buôn bán rất nhiều với láng giềng phương Bắc này, Việt Nam chỉ thông báo có 4 tỉnh thành có bệnh nhân là Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Thanh Hóa và Sài Gòn.

Theo quy định hiện hành ở Việt Nam, địa phương có thể công bố khống chế dịch sau 28 ngày kể từ khi ngành y tế quản lý được nguồn lây nhiễm, tính từ khi bệnh nhân cuối cùng được cách ly tại bệnh viện. Như thế, Khánh Hòa, Thanh Hóa và Sài Gòn là ba nơi được xem là hội đủ điều kiện để công bố hết dịch. Trước mắt, tỉnh Thanh Hóa, nơi có một ca bệnh được phát hiện ngày 24/01 và đã khỏi bệnh ngày 03/02, đang xin phép chính phủ cho công bố hết dịch.

Trước hết, chúng ta hãy xem các bệnh nhân ở Việt Nam được điều trị như thế nào, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng I, Sài Gòn, giải thích :

"Thật ra phương pháp điều trị viêm phỗi do virus là phương pháp rất là kinh điển, bởi vì virus corona là virus chưa có thuốc đặc trị chính thống. Ở Việt Nam, bệnh nhân nhẹ thì mình điều trị triệu chứng và bệnh nhân nặng thì mình hỗ trợ hô hấp và dùng thuốc kháng sinh để chống bội nhiễm. Thứ ba là mình phải điều trị các bệnh nền như tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh lý về phổi mãn tính, để giữ cho những bệnh nền đó không bị nặng thêm trong thời gian trong thời gian họ bị nhiễm virus Covid-19. Phác đồ điều trị ở Việt Nam hiện là như vậy, chứ chưa có sử dụng loại thuốc kháng virus nào đặc biệt cả".

Như vậy, Việt Nam dùng những phương pháp xét nghiệm nào để có thể khẳng định là các bệnh nhân Covid-19 đã được chữa khỏi ? Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết :

"Thật ra xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR (Realtime Polymerase chain reaction)không phải là phương pháp gì mới lạ, bởi vì nguyên tắc chung của phương pháp xét nghiệm đó là chúng ra chỉ cần sử dụng một cái mồi đặc hiệu cho con virus, thì chúng ta có thể xét nghiệm được các bệnh tương đương. Quan trọng là cái mồi, chứ còn các máy xét nghiệm thì nơi nào cũng có hết. Xét nghiệm bằng phương pháp PCR thì độ dương tính thật và âm tính thật của nó rất cao, còn tỷ lệ dương tính "giả" hay âm tính "giả" thì rất thấp.

Về tiêu chuẩn xuất viện của Việt Nam thì đây là một loại virus mới, mình cũng không nghiên cứu được là sau bao lâu mình có thể phết vào cái họng âm tính, rồi sau bao lâu dù là dương tính nhưng vẫn không lây. Những bệnh khác thì mình đã nghiên cứu rồi, ví dụ như cúm, sởi, dù là phết dương, nhưng vẫn không lây được, tại vì nồng độ quá thấp.

Còn đây là virus mới, thành ra Việt Nam quyết định là muốn cho bệnh nhân xuất viện thì phải có hai điều kiện : Thứ nhất là sự an toàn cho bệnh nhân, tức là bệnh nhân đó thật sự khỏi bệnh, kết quả các xét nghiệm phải trở lại chỉ số bình thường, dù là có các bệnh nền thì cũng phải chữa cho xong. Thứ hai là bệnh nhân đó phải trở lại cộng đồng một cách an toàn.

Cho nên ở Việt Nam, người ta dùng phương pháp PCR : phết hai lần cách nhau một ngày và khi phết thì bệnh nhân không được làm cái gì có thể làm sai lệch các kết quả, ví dụ như trước khi phết thì lại súc miệng bằng dung dịch sát trùng thì sẽ cho kết quả không đúng. Thành ra phải nghiêm ngặt về điều đó. Nếu phết hai lần cách nhau một ngày mà đều cho kết quả âm tính thì mới có thể xem là bệnh nhân này không có khả năng lây bệnh. Nếu một trong hai lần đó mà dương tính thì bắt buộc phải làm lại từ đầu".

Nhưng trong bối cảnh mà dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành ở Trung Quốc và ngày càng lan rộng ra thế giới, hãy còn quá sớm để khẳng định là Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh này. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng tỏ ra thận trọng :

"Ở Việt Nam kể từ khi bệnh nhân cuối cùng mắc bệnh tới bây giờ đã khá là lâu rồi, mà bệnh nhân mới thì không có và mình vẫn tiếp tục cách ly những đối tượng nghi ngờ để làm sao không có ca mới xâm nhập ra ngoài, thì khả năng khống chế bệnh là tốt. Còn nói Việt Nam là nước đầu tiên khống chế dịch, thì có thể nói là cho tới lúc này thôi, chứ còn luồng du nhập vẫn tiếp tục đi vào thì chắc chắn là phải tiếp tục ngăn ngừa đối với những người từ nước ngoài trở về, chứ còn lây trong nội tại Việt Nam hiện nay khống chế được rồi.

Theo tôi, vẫn phải tiếp tục phòng chống dịch cho tới khi nào Trung Quốc và các nước khác có giao thương với Việt Nam cùng hết dịch bệnh, cho tới khi nào toàn thế giới tuyên bố không còn ca bệnh nữa. Điều này có lẽ bất cứ nước nào cũng phải làm như vậy thôi, chứ không riêng gì Việt Nam".

Có thể nói Việt Nam hiện đang chịu hai áp lực cùng một lúc, một mặt phải thi hành các biện pháp chặt chẽ để phòng chống dịch, nhưng mặt khác phải làm sao giảm thiểu tác hại của dịch bệnh đối với thương mại và kinh tế, nhất là kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Chính áp lực thứ hai khiến Việt Nam không thể nào đóng cửa hoàn toàn biên giới với Trung Quốc như một số nước khác, mà phải cho thông quan các cửa khẩu ở các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai để giải tỏa hàng trăm xe nông sản, hàng hóa đang kẹt ở biên giới.

Vấn đề là ngoài Trung Quốc, Việt Nam nay lại có thêm một mối quan ngại khác, đó là Hàn Quốc, quốc gia vừa được đặt trong tình trạng báo động tối đa cao, sau khi có hơn 760 người bị lây nhiễm Covid-19, và tổng cộng 7 người chết vì dịch bệnh này (đứng hàng thứ hai về số bệnh nhân và số tử vong chỉ sau Trung Quốc), mà Hàn Quốc cũng là một quốc gia giao thương rất nhiều với Việt Nam và cũng là nơi có đến 48 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc, trong đó có 4.000 người ở Deagu và Gyeongbuk, hai ổ dịch Covid-19 ở Hàn Quốc.

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chưa xem Hàn Quốc là vùng dịch giống như Trung Quốc, nhưng theo báo chí trong nước, chính quyền thành phố Hà Nội đề nghị phải cách ly những người Hàn Quốc đến từ những vùng có dịch, cũng như cách ly tập trung 14 ngày đối với những người Việt Nam từ vùng dịch của Hàn Quốc trở về Hà Nội.

Ngày 23/02, Sở Y Tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng có văn bản kiến nghị Bộ Y tế cho phép áp dụng khai báo y tế đối với người nhập cảnh đến từ Hàn Quốc hoặc đi qua Hàn Quốc, đồng thời hướng dẫn việc cách ly kiểm dịch đối với người nhập cảnh đến từ Hàn Quốc hoặc đi qua Hàn Quốc.

Hiện giờ, Bộ Giao thông và vận tải Việt Nam chưa quyết định tạm ngưng các chuyến bay giữa Việt Nam với Hàn Quốc, theo lời thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói với Thông tấn xã Việt Nam hôm 23/02, nhưng có lẽ không thể loại khả năng này nếu tình hình dịch Covid -19 ở Hàn Quốc trở nên trầm trọng hơn. Dầu sao, cũng theo lời ông Lê Anh Tuấn, do mối lo ngại dịch bệnh, hiện tại giao thông hàng không giữa hai nước đã bị giảm chung khoảng 65% và hiện giờ các chuyến bay từ Việt Nam chỉ chở khách trả về Hàn Quốc.

Thanh Phương

******************

Việt Nam có quá tự tin tuyên bố sẽ không còn người nhiễm Covid-19 vào tuần tới ?

RFA, 20/02/2020

Sau khi cho xuất viện bệnh nhân thứ 15 trong tổng số 16 bệnh nhân nhiễm virus Covid-19, giới chức y tế Việt Nam tự tin nói với báo giới rằng tuần tới Việt Nam sẽ không còn bệnh nhân nào nhiễm virus này. Phát biểu đầy tự tin của giới chức y tế Việt Nam không làm người dân và các chuyên gia y tế khác yên tâm về thực trạng kiểm soát bệnh dịch ở Việt Nam.

no3

Tài xế mặc đồ bảo hộ đã kiểm tra giấy tờ trước khi qua biên giới tại cửa khẩu Hữu Nghị nối với Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 20/2/2020. Reuters

Nhận xét về phát biểu của ông Lương Ngọc Khuê, dưới góc nhìn cá nhân, anh Hưng - một người dân hiện đang ở Đà Nẵng bày tỏ :

"Tôi chỉ cảm nhận không biết Việt Nam dựa trên những tổng kết nào từ ngành y tế. tuyên bố như vậy thực ra chúng tôi rất muốn tin như vậy, cũng muốn có những thông tin tốt về việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, có điều thông tin xác đáng và mang lại lạc quan đúng đắn cho người dân tôi nghĩ tôi chưa xác tín được. Bản thân những thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, những địa phương như Sài Gòn, Hà Nội thì khả năng lây nhiễm vẫn còn chứ không phải không".

Bạn Hương, một người dân khác đang sống và làm việc tại Sài Gòn lại cho rằng :

"Thực ra tôi nghĩ sẽ nhiều (người nhiễm) hơn nhưng có thể chưa phát hiện hoặc có thể phát tán thông tin vì không muốn dân loạn. Chỉ mười mấy người (nhiễm bệnh) thôi mà đã xếp hàng mua khẩu trang kiểu đó nên sẽ không kiểm soát được nếu nói ra sự thật. Vì vậy phát biểu như vậy chỉ để trấn an dân".

Dịch bệnh Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc từ tháng 12 năm ngoái hiện đã lan ra khắp thế giới với hơn 75.000 ca nhiễm bệnh và hơn 2.100 cả tử vong, chủ yếu là tại Trung Quốc.

Việt Nam là nước có đường biên giới dài với Trung Quốc nhưng cho đến giờ mới chỉ phát hiện được 16 ca dương tính với virus Covid-19. Tuy nhiên, giới chức chính phủ thừa nhận trong các tuần qua, hàng ngàn người Trung Quốc và Việt Nam từ Trung Quốc đã vào Việt Nam và phải theo dõi, cách lý. Một số tỉnh thành ở Việt Nam đã phải lập các bệnh viện dã chiến lên đến hàng trăm giường bệnh.

Với kinh nghiệm từng làm Bộ Y tế về vệ sinh dịch tễ và vaccine, Bác sĩ - Tiến sĩ Trần Tuấn nhận định :

"Tôi nghĩ việc này phải xem xét xem liệu ông Khuê phát biểu như thế có dựa trên thông tin nào khác về hoạt động giám sát trong thời gian vừa qua cũng như hiệu quả của hệ thống này để có thể dự đoán chắc chắn nguy cơ xuất hiện không còn bệnh nhân nữa trong tuần tới hay không".

Giao thương bình thường với Trung Quốc trong mùa dịch

Để phòng dịch bệnh lây lan, từ đầu/2 vừa qua, Việt Nam đã thực hiện một loạt các biện pháp hạn chế luồng người đến từ Trung Quốc bao gồm ngưng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, ngưng cấp visa điện tử cho khách từ Trung Quốc.

Hôm 19/2, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề nghị phía Việt Nam sớm để cho người Trung Quốc ra vào Việt Nam bình thường như trước kia.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 20/2 cho biết Việt Nam không đóng cửa hay tạm dừng hoạt động thương mại với Trung Quốc ở biên giới mà chỉ có các biện pháp về quản lý dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Việt Nam chỉ đóng tạm các lối mở, đường mòn không chính thức giữa hai bên. Những người từ Trung Quốc vào Việt Nam phải chịu cách ly 14 ngày.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng và Huế vẫn đang tiếp tục đón các tàu du lịch nước ngoài với hàng trăm khách vào thăm giữa mùa dịch Covid-19, sau khi tỉnh Quảng Ninh trước đó đã từ chối hai tàu du lịch nước ngoài khác vì sợ bệnh dịch lây lan.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, hầu hết các hành khách trên hai tàu này đến tứ Bắc Mỹ, Châu Âu và Úc, hoàn toàn không có du khách Trung Quốc. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã tiến hành kiểm dịch y tế cho toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn có nhu cầu lên bờ và không có trường hợp nào có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19.

Trong khi đó, cũng trong ngày 20/2, cảng hàng không thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Đắk Lắk, đang sẵn sàng tiếp nhận 630 công dân Việt Nam trở về nước từ vùng dịch Covid-19 ở Trung Quốc.

Nhiều người dân bày tỏ lo ngại trước những thông tin vừa nêu vì sợ nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vẫn còn tiềm tàng trước đây nay lại được tăng cao hơn thông qua việc mở cửa của chính phủ. Anh Hùng cho biết :

"Với tư cách một người dân tôi nghĩ chính phủ nên hy sinh quyền lợi kinh tế để tuyên bố đóng cửa hẳn, không nên tiếp nhận du khách nước ngoài nữa".

Dưới góc nhìn khoa học, bác sĩ Trần Tuấn giải thích :

"Sẽ không sợ lây nhiễm nếu Việt Nam đảm bảo tốt tối thiểu hai điều kiện. Thứ nhất là hệ thống sàng lọc người nhiễm, người có triệu chứng lâm sàng được làm chặt chẽ đối với du kahcsh, nhất là từ Trung Quốc sang. Đặc biệt làm tốt với bộ phận đi từ Vũ Hán, Hồ Bắc trở về vì có nguy cơ khá cao. Thứ hai là phải đảm bảo tất cả mọi cá nhân từ Trung Quốc sang cũng như người Việt Nam sang Trung Quốc rồi trở về phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ trong thời gian quy định 14 ngày. Nếu 2 điều kiện này được làm tốt thì hệ thống giám sát dịch, hệ thống sàng lọc ở các cửa khẩu, đường biên cũng như hàng không, đường thủy, đường bộ và hệ thống giám sát theo dõi sau khi vào đất nước thì nguy cơ lây nhiễm có thể khống chế được vì khoa học cho phép đánh giá rằng với loại dịch này, làm đúng các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới thì có thể nguy cơ dịch rất thấp. Nhưng nếu sàng lọc và giám sát dịch không tốt thì thực sự lại là nguy cơ để cho dịch phát tán trở lại".

Vẫn theo Bác sĩ Tuấn, trong thời gian sắp tới, khả năng xuất hiện người dương tính với dịch bệnh vẫn có khả năng xảy ra, nhưng số lượng rất thấp và không đến mức quá đáng ngại bởi vì 3 nguyên nhân. Thứ nhất là do thời gian ủ bệnh đã qua, dịch chưa lên đến đỉnh hoặc lên đến đỉnh nhưng chưa bùng phát được. Thứ hai là do điều kiện khí hậu nắng, nóng, không thuận lợi để virus phát triển, thời điểm này trở đi càng bất lợi cho virus. Thứ ba là virus lây lan muốn phát triển dựa vào hệ thống vệ sinh của người dân. Thời gian vừa qua thông tin về vệ sinh phòng dịch rất tốt, tạo ra sự nhận thức của người dân giúp hạn chế dịch phát triển.

Vẫn theo ông, việc quan trọng nhất người dân cần làm hiện nay là không nên để bản thân bị áp lực vì virus, vì stress không giúp ích được cho khả năng miễn nhiễm và đề kháng của cơ thể.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào chiều ngày 17/2 về phòng chống dịch Covid -19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam là đất nước an toàn, đang làm tốt công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời cũng kêu gọi người dân đồng lòng, ủng hộ Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành.

Nguồn : RFA, 20/02/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, RFA tiếng Việt, RFI tiếng Việt, Thanh Phương
Read 519 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)