Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/02/2020

Covid-19 : Giải mã lý do Trung Quốc bị cả thế giới xa lánh

Thụy My - Minh Anh

Tại sao thế giới không cảm thương cho Trung Quốc trong nạn dịch virus corona ?

Thụy My, RFI, 25/02/2020

Vì sao toàn thế giới xúc động và cảm thương cho Paris khi Nhà thờ Đức Bà bị cháy, mà lại không khóc cho những người bệnh ở Vũ Hán ? - Le Monde đặt câu hỏi. Tệ hơn nữa, từ khi xảy ra nạn dịch virus corona, sự kỳ thị người Trung Quốc lại công khai ở khắp nơi trên thế giới.

giaima1

Từ khi xảy ra nạn dịch virus corona, sự kỳ thị người Trung Quốc lại công khai ở khắp nơi trên thế giới. Hình một người đàn ông đứng trên một con đường gần như trống rỗng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh minh họa

Tại Châu Á, người ta mỉa mai "những kẻ ăn thịt dơi nay phải trả giá". Ở Châu Âu, người ta tránh xa người Hoa trên các phương tiện vận chuyển công cộng. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thậm chí còn tỏ ra hớn hở khi Bắc Kinh bị khốn đốn, nói rằng nạn dịch sẽ kích thích các công ty đưa sản xuất trở về Hoa Kỳ.

Bắc Kinh đang thua trong cuộc chiến truyền thông

Tuy có vẻ bất công, nhưng các phản ứng này chứng tỏ chính quyền Trung Quốc đang bị thua trong cuộc chiến truyền thông. Đúng hơn là nhiều cuộc chiến, cả với bên ngoài lẫn trong nội bộ.

Năm 2008, khi xảy ra vụ động đất ở Tứ Xuyên, người Hồng Kông là những mạnh thường quân hào phóng nhất để giúp tái thiết vùng bị nạn. Còn năm 2020, đông đảo nhân viên y tế Hồng Kông lại đình công đòi đóng cửa biên giới với Hoa lục.

Ngay cả những nước tham gia vào "Con đường tơ lụa mới" do ông Tập Cận Bình lăng-xê năm 2013 để thiết lập một mạng lưới các nhà nước bạn bè trên thế giới, như Kazakhstan hay Philippines, lại đóng sập cửa với Trung Quốc. Bắc Triều Tiên dù lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc cũng nhanh nhẩu đóng chặt biên giới.

Le Monde ghi nhận Ý, quốc gia đầu tiên thuộc nhóm G7 tham gia "Con đường tơ lụa", nay coi du khách Trung Quốc như hủi, ngay cả trước khi nạn dịch lan sang. Ý cũng là nước Châu Âu đầu tiên mau mắn cho ngưng tất cả các chuyến bay đi và đến Hoa lục ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước dịch virus corona. Nga thì cho đóng cửa biên giới, trục xuất những người nhiễm bệnh - điều mà Moskva đã không làm trong dịch SARS năm 2003.

Trung Quốc lên án thái độ này, nhưng liệu còn có thể làm gì hơn ? Tất cả các quốc gia trên đều chỉ lặp lại những gì mà Bắc Kinh đã áp đặt cho Hồ Bắc : cô lập những vùng đang bị con virus hoành hành. Trung Quốc đối với thế giới cũng như Hồ Bắc đối với Trung Quốc.

Làm áp lực với WHO, nhưng rốt cuộc tình trạng khẩn cấp đã được tuyên bố

Thất bại của Bắc Kinh thấy rõ trên lãnh vực ngoại giao. Trung Quốc đã làm áp lực dữ dội lên Tổ chức Y tế Thế giới để WHO không tuyên bố tình trạng khẩn cấp hôm 23/1, đặt chính trị lên trên khoa học dù có những tranh cãi kịch liệt. Rốt cuộc trước sự phản đối của các nhà chuyên môn do Pháp dẫn đầu, một tuần sau đó Bắc Kinh đành phải chấp nhận xuôi tay : Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước dịch bệnh trên toàn thế giới hôm 30/1.

Trong khi trước đó hai ngày, tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus trong chuyến thăm Bắc Kinh không hề có một lời chỉ trích chính quyền Trung Quốc, mà ngược lại còn hoan nghênh "sự minh bạch" và "nhanh chóng" hành động của ông Tập !

"Minh bạch" ? Cũng trong cùng ngày hôm ấy, 28/1, người ta biết được rằng hôm 1/1 Bắc Kinh đã bắt tám bác sĩ ở Vũ Hán vì đã cảnh báo về nạn dịch, dám so sánh con virus mới với SARS. Trên trang change.org, kiến nghị đòi ông Tedros từ chức đến hôm nay 25/02/2020 đã thu thập được gần 400.000 chữ ký.

Và rõ ràng là chính quyền Bắc Kinh đã làm mất đi ba tuần lễ quyết định trong cuộc chiến chống virus corona. Tuy có nhanh hơn so với năm 2003, khi đó Trung Quốc che giấu sự trầm trọng của dịch SARS trong suốt ba tháng trời. Tuy nhiên từ đó đến nay, số người ngoại quốc đến Hoa lục đã tăng lên gấp ba lần, còn số lượng người Trung Quốc đi ra nước ngoài cũng tăng gấp bảy lần. Thế nên tốc độ lan tràn của virus nhanh chóng hơn rất nhiều.

Một dấu hiệu nữa cho thấy Trung Quốc coi trọng ngoại giao hơn vấn đề dịch tễ, là Bắc Kinh tiếp tục ngăn trở, không cho Đài Loan được gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới, tuy Đài Loan bị ảnh hưởng khá nặng bởi con virus, và các bác sĩ xứ Đài rất giỏi. Việc loại Đài Loan cho bằng được đã bị các nhà lãnh đạo Canada và Nhật Bản lên án, chứng tỏ Trung Quốc luôn chủ trương dùng sức mạnh thay vì hợp tác.

Sau khi WHO quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp, bộ Ngoại Giao Trung Quốc liền ra thông cáo nói rằng sẽ tiếp tục làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới và các nước khác. Tuy nhiên hành động đi ngược với lời nói. Bắc Kinh lại tiếp tục giọng điệu chống phương Tây, tố cáo báo chí thế giới tự do bài Hoa quá đáng.

Giấu thông tin, đàn áp khiến bất bình lan tỏa tại Hoa lục

Sự thất bại trong việc áp đặt quan điểm của mình, và thậm chí không thể tạo ra phong trào liên đới với Trung Quốc trong nạn dịch, còn phản ánh sự bất lực của chính quyền trong việc tạo ra tình đoàn kết dân tộc xung quanh Đảng cộng sản.

Tuy người dân Trung Quốc chấp nhận các biện pháp nghiêm ngặt hạn chế di chuyển, nhưng nhiều người chỉ trích thời gian vàng bị đánh mất. Mãi đến ngày 20/1, chính quyền Trung Quốc mới chịu nhìn nhận rằng con virus corona chủng mới có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên ngay từ hôm 25/12/2019 các bác sĩ đã nêu ra khả năng này. Và đến hôm 01/01/2020 chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, được cho là nơi xuất phát dịch bệnh, mới bị đóng cửa, nhưng với danh nghĩa là để "sửa chữa". Trong khi vào lúc đó, rất nhiều người làm việc tại chợ này đã bị cách ly.

Thời điểm cận Tết âm lịch, cộng với các đại hội của tổ chức đảng địa phương và chuẩn bị cho cuộc họp Quốc Hội ở Bắc Kinh vào đầu tháng Ba, việc phải báo cáo những tin xấu lên trung ương là cơn ác mộng của các quan chức địa phương. Vũ Hán còn muốn gây ấn tượng với việc tổ chức buổi tiệc khổng lồ trên 40.000 người tham dự hôm 19/1, nếu hủy bỏ vào phút chót coi như ký vào bản án tử.

Những điều đó nay người dân đều đã biết hết, cũng như việc Tập Cận Bình im lặng trong một thời gian dài, đẩy thủ tướng Lý Khắc Cường ra tiền tuyến. Khác với các nhà lãnh đạo thời trước như Ôn Gia Bảo, ông Tập không tìm ra từ nào để an ủi người dân trong các cuộc khủng hoảng. Trái lại, ông lại nặng tay hơn trong việc trấn áp những tiếng nói chỉ trích trên mạng. Vụ bác sĩ Lý Văn Lượng, người cảnh báo sớm sủa nạn dịch bị bắt và sau đó bị chết vì con virus corona, đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ chưa từng thấy tại Hoa lục.

Cường quốc không bạn bè

Trên trường quốc tế "Chính trong những thời điểm khó khăn mà người ta biết được ai là bạn thực sự. Và Trung Quốc nhận ra rằng họ chẳng có bao nhiêu bạn bè" - Le Figaro trích lời một nhà ngoại giao cấp cao tại Bắc Kinh.

Chỉ có nhà độc tài Hun Sen đang trị vì Cam Bốt, nước chư hầu của Trung Quốc đến Bắc Kinh để bắt tay Tập chủ tịch, bày tỏ lòng trung thành. Tờ báo cũng tiết lộ ông Hun Sen còn đưa quý tử Hun Manet, tổng tư lệnh quân đội Cam Bốt trình diện "thiên triều". Đó là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới đến Trung Quốc trong thời dịch bệnh, nhưng có lẽ để cầu cạnh nhằm kéo dài triều đại.

Sao Bắc Kinh lại cô đơn đến vậy ?

Mạng xã hội từng tràn ngập nến, hoa, và những dòng chữ "Cầu nguyện cho Paris", chia sẻ những hình ảnh về công trình nổi tiếng 800 năm tuổi đang bốc cháy giữa thủ đô nước Pháp. Hay là cầu nguyện cho Amazon, cho nước Úc…trong thảm họa cháy rừng, cho những nạn nhân các vụ khủng bố tại nhiều nơi trên thế giới. Nhưng còn Vũ Hán, với hàng loạt người bệnh ngã gục, các đại đô thị như Thượng Hải trở thành thành phố ma…sao không có phong trào liên đới nào ?

Dư luận đồng cảm với các nạn nhân của dịch bệnh tại Hoa lục, nhưng không phải với chính quyền độc đoán của họ.

Không ít người tự hỏi, phải chăng nhân nào quả nấy. Năm 2013 có đến 10.000 người Philippines thiệt mạng trong siêu bão Hải Yến (Haiyan). Một số nước hứa tặng hàng chục triệu đô la, Indonesia cũng thường bị thiên tai cũng hỗ trợ đến một triệu đô la, nhưng Bắc Kinh thông báo chỉ giúp Manila có 100.000 đô la ! Bằng đúng số tiền của một nước nghèo và cũng bị ảnh hưởng của trận bão này như Việt Nam. Thời điểm đó, Philippines dưới sự lãnh đạo của tổng thống Benigno Aquino có thái độ kiên quyết trước việc Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông.

Về kinh tế, phải chăng qua nạn dịch này chính phủ và doanh nghiệp các nước đã nhận ra mối nguy khi lệ thuộc vào một nhà nước toàn trị thiếu minh bạch, và ngày càng muốn xa lánh.

Phải chăng việc ỷ mạnh hiếp yếu bắt nạt các nước nhỏ, dùng thủ đoạn để cạnh tranh, chèn ép về kinh tế, đánh cắp công nghệ… lâu nay đã gây nhiều bất bình, nay mới bộc lộ. Một nhà nước chạy đua lên không gian, tranh giành vị trí siêu cường hàng đầu với Mỹ nhưng để dân chết như rạ vì dịch bệnh, bắt bớ các nhà báo công dân đưa tin về Vũ Hán…đã làm cho hình ảnh Trung Quốc ngày càng xấu xí hơn trước thế giới.

Thụy My

Nguồn : RFI, 25/02/2020

*******************

Virus Corona thử thách "tầm nhìn 9 tầng" của Tập Cận Bình

Minh Anh, RFI, 25/02/2020

Dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (Covid-19) gây ra sẽ chẳng bao giờ là một Tchernobyl mới cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Thế nhưng, đối với giới quan sát, trận dịch này là một đợt trắc nghiệm về khả năng thích ứng và đối phó của Đảng cộng sản Trung Quốc trước những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng có quy mô lớn.

giaima2

Ảnh minh họa : Xử lý khủng hoảng dịch viêm phổi virus corona đang là thách thức lớn cho chính quyền Tập Cận Bình. Reuters

Khi lên cầm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã quyết định thâu tóm mọi quyền lực và từ bỏ bài học "chữ nhẫn" của Đặng Tiểu Bình : "Ẩn mình chờ thời, chớ vội xưng bá". Một chủ trương mà lãnh đạo họ Tập cho rằng đã quá lỗi thời, không còn giá trị. Thời thế đã đổi thay, Trung Quốc nay là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, thế nên, cần phải phô trương thế mạnh của mình. Như để khẳng định xu thế này, lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra một "tầm nhìn thế giới" mới được xây dựng dựa theo mô hình "tháp nhu cầu" năm tầng của nhà tâm lý học người Nga Abraham Maslov.

Tuy nhiên, như giải thích của ông Kevin Rudd, cựu ngoại trưởng Úc, hiện là lãnh đạo của Viện Asia Society Policy, được kênh phát thanh France Culture trích dẫn, "Tháp tầm nhìn mới" của Tập Cận Bình có đến 9 tầng. Mỗi một tầng tháp mục tiêu sẽ ấn định khuôn khổ cho việc thực hiện tầng kế tiếp.

Đặc biệt, việc duy trì quyền lực của Đảng cộng sản đối với đất nước là điều tất yếu tuyệt đối, là nền tảng cơ bản, là bệ đỡ quan trọng cho ngọn tháp mục tiêu của Tập Cận Bình liên quan đến mọi lĩnh vực từ an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, đối ngoại hay an ninh chiến lược… nhất nhất đều do Đảng cộng sản quản lý và hoạch định tương lai.

Nhờ vào tòa tháp mục tiêu này mà Trung Quốc của Tập Cận Bình có thể lừng lững đi lên thành cường quốc không chỉ trong kinh tế mà cả trong quân sự và công nghệ. Tiếng nói của Trung Quốc ngày càng có trọng lượng trên trường quốc tế. Đà đi lên thành siêu cường của Trung Quốc khiến các nước láng giềng phải lo sợ, phương Tây phải run rẩy và đặc biệt là Hoa Kỳ của Donald Trump phải lo lắng, phát động cuộc chiến thương mại và nhất là trong lĩnh vực công nghệ.

Chỉ có điều trong quá trình xây tháp, Tập Cận Bình dường như đã không tính đến yếu tố "thảm họa thiên nhiên", thường là những yếu tố làm lộ rõ thực trạng một vấn đề. Dịch bệnh Covid-19 đã cho thấy rõ sự lúng túng và bất cập của đảng Cộng sản Trung Quốc trong cách xử lý dịch bệnh.

Vì sao phải trấn áp các bác sĩ báo động ? Vì sao lãnh đạo Trung Quốc phải đợi đến 14 ngày sau mới có tuyên bố chính thức đầu tiên là vào ngày 20/1 để huy động toàn chính phủ và chính quyền địa phương vào cuộc chiến chống dịch bệnh ? Vì sao Bắc Kinh liên tục đổi cách tính số thống kê số nạn nhân và người nhiễm virus corona ?...

Đành rằng chính sức mạnh chuyên chế của Đảng cộng sản đã cho phép Trung Quốc cách ly được 60 triệu dân, đưa ra những biện pháp triệt để như xây dựng bệnh viện dã chiến trong vòng 10 ngày, huy động đông đảo đội ngũ nhân viên y tế, an ninh kiểm soát người dân để chống dịch bệnh…

Nhưng nếu không vì nỗi ám ảnh duy trì quyền lực cho đảng và bình ổn xã hội, dịch bệnh đã có thể sớm được ngăn chặn. Nếu không vì hệ thống chính trị chuyên chế khiến cấp dưới phải "sợ chịu trách nhiệm với cấp trên" như nhận xét của một du học sinh người Hoa với tờ South China Morning Post, thì mọi sáng kiến để xử lý khủng hoảng có lẽ cũng không bị dập tắt theo như phân tích của nhà nghiên cứu Alice Eikman.

Chính vì là "bệ đỡ", là nền tảng cơ bản phải nâng đỡ chín tầng mục tiêu, Đảng cộng sản Trung Quốc thời Tập Cận Bình, với khoảng 90 triệu đảng viên, hoạt động tại 4,5 triệu cơ sở đảng, hoạt động giống như một người khổng lồ chậm chạp phản ứng trước các đợt tấn công của "đàn kiến" virus corona.

Giờ đây trước những lời chỉ trích, Tập Cận Bình không còn cách nào khác huy động hàng trăm phóng viên, làm công tác tuyên truyền tô bóng lại hình ảnh của Đảng. Đằng sau những hình ảnh các y bác sĩ tình nguyện cạo đầu để phòng ngừa virus corona, cảnh ra quân rầm rộ của các y bác sĩ quân y, việc huy động mọi phương tiện công nghệ tiên tiến hay như hình ảnh Tập Cận Bình giờ lại trên tuyến đầu chống dịch bệnh, là guồng máy kiểm duyệt chạy hết công suất, là các cuộc truy bắt những tiếng nói chỉ trích. Bởi vì theo nhà nghiên cứu Alice Eikman trên đài France Culture "mọi ý kiến trái ngược giờ trở nên đầy rủi ro không chỉ ở trong mà cả ngoài Đảng".

Sau trận dịch này, chiếc bệ đỡ "Đảng cộng sản Trung Quốc" vẫn sẽ còn vững chắc. Chỉ có điều như nhận xét thú vị của nam sinh viên Zeyi Yang, trường đại học Columbia với South China Morning Post, trong cuộc đọ sức bất cân xứng này, "chính phủ Trung Quốc đã thua cược" trước siêu vi Covid-19.

Minh Anh

Nguồn : RFA, 25/02/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My, Minh Anh
Read 874 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)