Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/02/2020

Giáo dục ‘chiến thắng’ tạo thói dữ dằn trong xã hội Việt Nam ?

Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm)

Chẳng phải đến khi báo Tuổi trẻ ngày 24/2/2020 đăng bài "Người Việt kém văn minh trên mạng?", cùng chỉ số thật đáng xấu hổ, rằng "Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia kém văn minh nhất trên Internet", nhu cầu cần bàn bạc thẳng thắn về những cái xấu của người Việt mình mới được đặt ra.

giaouc1

Ngắm thử súng trường bắn tỉa do Nga sản xuất trong một Hội chợ triển lãm quốc phòng và an ninh Việt Nam 2019 tại Hà Nội (Hình có tính chất minh họa)

Hiện tượng "kém văn minh" đó có phải chỉ trên mạng, có phải chỉ tới nay mới bộc lộ?

Theo tôi, không phải bây giờ mới có và ta thử tìm vài lý do.

Niềm tự hào "thắng mấy đế quốc to"

Chiến tranh, với thắng lợi luôn có những hậu quả tàn khốc dễ thấy rõ lẫn những thứ khó thấy, có khi ghê gớm, dài lâu hơn nhiều.

Say sưa thắng lợi, mãi tự ngợi ca để khích lệ tinh thần dân chúng không thể không có hậu quả là quá coi trọng sức mạnh bạo lực, coi thường những ai không có được "chiến thắng" như mình. Đến độ người ta "đá" thắng mình, mình cũng không chịu nổi, vì ngày xưa họ "đánh" kém mình cơ mà.

Chẳng khó để tìm ra được bằng chứng cho luận điểm trên, chỉ bằng cách so sánh ngay trong dân ta: giữa các vùng miền, giữa người "chiến thắng" và kẻ "bại trận".

Ví như người Bắc, rõ là "ghê gớm" hơn người Nam; đương nhiên có nhiều lý do, nhưng cái "thế mạnh" để có đặc tính đó là bởi một thời được giáo dục mạnh mẽ rằng phải chiến thắng trong cuộc chiến bằng mọi giá, coi ngày ra trận như ngày hội, giết "giặc" (cùng người Việt với mình) như trò tiêu khiển. Tâm lý đó ngấm vào máu mấy thế hệ, từ tấm bé…

Và đương nhiên, một khi đã tự vỗ ngực mình là nhất thiên hạ kiểu đó, thì những cái xấu của mình ắt phải cố mà che đậy, không chỉ xấu của chính quyền, mà cả cái tật xấu của dân cũng bị hạn chế bàn tới.

Giận nơi công quyền chém nhau ngoài phố

Cuộc sống ngày càng nhiều bức xúc không được giải quyết. Từ xung khắc hàng ngày với xóm giềng, nơi chợ búa, trên đường, tới công sở, doanh nghiệp…, quá khó để có tòa án nào phân xử, khách quan công minh cho.

Những "hội", "đoàn thanh niên", "Mặt trận" này nọ được lập ra từ phường xóm cho tới cả nước nhưng nào có thấy bóng dáng người của các tổ chức này hòa giải giúp, đỡ phải viện tới tòa.

Rồi báo chí, rặt những ngôn từ đẹp đẽ được ưu tiên hàng đầu, bảo vệ quyền lợi hàng ngày của dân không khéo bị treo bút, đình bản.

Tức quá, phải xả! "Con giun xéo lắm phải quằn", nó "quằn" với kẻ xéo nó không được, thì nó "quằn" với đồng loại.

Thế là nảy sinh nhiều vụ đánh nhau quá; giết nhau cũng ngày càng nhiều; đánh cả du khách ngoại quốc.

Chính báo của Đảng cũng không thể che đậy được, chỉ làm mềm câu chữ bằng tính từ như 'phẫn nộ', 'đau đớn' con chém mẹ, anh giết em… chẳng hạn, để khỏi bị cho là thiếu tính giáo dục, xây dựng và câu độc giả.

May quá, có cái Internet, "xả" lên đó cũng đỡ được phần nào, lại an toàn hơn, vì cũng ẩn danh được, cùng lắm chỉ vạ miệng.

Tùy tiện khen chê và tung hô

Ở Việt Nam hiện nay, trên mạng có hàng ngàn dư luận viên, nhiều loạt bài "chống thế lực thù địch", "chống diễn biến hòa bình", trên các báo quyền uy của Đảng, Công an, Quân đội, Đài truyền hình quốc gia.

Dư luận viên thì luôn ẩn danh tuyệt đối, xông vào các blog, FB nào nói xấu chế độ để chửi bới tục tĩu. Các bài chống "thế lực thù địch" thì bất chấp những nguyên tắc tối thiểu của nghề báo và luật pháp, sẵn sàng bôi nhọ cá nhân của ai không ưa chế độ mà dám lên tiếng nói thẳng.

Oai hơn, còn chỉ trích đích danh cả các đài báo nước ngoài, chẳng hề sợ bị kiện gì cả. Điển hình mới đây và vẫn còn tiếp tục là đợt tấn công các nghi can vụ Đồng Tâm, với lối viết như thể bản án của tòa để buộc tội họ, cả với cụ ông 85 tuổi Lê Đình Kình bị sát hại dã man...

Đến lúc phải tìm mà trị vài kẻ "đầu têu" cho cái tình trạng kém văn hóa trên mạng, tuy là số ít, nhưng được trao và tự cho mình quyền lực quá lớn, phương tiện quá đầy đủ, hiện đại.

Bên cạnh đó, Việt Nam là nơi có lối ngăn chặn kém văn minh trên mạng, như dựng "tường lửa", đe nẹt vô lối theo kiểu "hình sự hóa" từ với người sử dụng mạng cho tới các nhà mạng, và rủa xả kiểu như "mạng xã hội chửi từ trên xuống dưới, chửi tràn lan cơ quan công quyền như hát hay", mà không chịu thấy, đánh giá công bằng những đóng góp vô giá của các cư dân mạng.

Đến độ, mới đây thôi, đưa thông tin lên mạng, được báo quốc doanh 'bảo chứng' thế mà cũng bị tai vạ.

Cùng lúc, khi cần hâm nóng tinh thần, niềm tin tưởng vào chế độ thì báo chí đăng liên tiếp những tin vui từ các đội bóng đá nước nhà. Mọi phương tiện có trong tay được kích hoạt, quên luôn cả tỉnh táo, cả lẽ công bằng (giữa các bộ môn thể thao) và những bài vở về giáo dục ý thức "cộng sản chủ nghĩa" (coi thường tiền bạc vật chất, đề cao tinh thần phục vụ…).

Bao nhiêu hình ảnh hoành tránh về các cuộc đón rước, trao huân huy chương, tiền tỉ tỉ, rồi mua sắm siêu xe, đám cưới linh đình … được báo chí quốc doanh thả phanh tung hứng mà không sợ bị "thổi còi" gì.

Với cái không khí đó, cộng với tinh thần "bách chiến bách thắng" trong chiến tranh, đương nhiên khó tránh khỏi thái độ bực bội cao độ khi bị thua, nghi ngờ bị xử bất công, …, lại còn sẵn cả tâm lý "giận đảng chém nhau" nữa). Không chỉ với trọng tài như bài báo đề cập, mà với cả câu lạc bộ, cầu thủ đội bóng nước ngoài cũng bị "ném đá'.

Trị bệnh chỉ bằng môi trường dân chủ

Theo tôi chẳng có phương thuốc nào hiệu nghiệm bằng "tự do ngôn luận", "tự do báo chí" - thứ "thuốc" mà cha ông ta, trong đó có cả các bậc tiền bối cộng sản đã đòi thực dân Pháp từ trăm năm trước, và cũng đã được đáp ứng ít nhiều, để làm nền tảng cho báo chí cách mạng ngày nay.

Không có được thứ thuốc đó, thì vài bài viết kiểu như trên của báo quốc doanh chỉ như tiếng kêu rên vào thinh không, thậm chí chĩa mũi dùi vào dân chúng, mà không dám chỉ thẳng vào căn nguyên chính là bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức phải chịu trách nhiệm trên hết cho những thói hư tật xấu của xã hội.

Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm)

Nguồn : BBC, 29/02/2020

Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, cựu Thiếu tá An ninh công an Việt Nam, từng làm việc tại Cục bảo vệ chính trị 1, cựu tù nhân chính trị, ông hiện đang sinh sống tại Hà Nội như một blogger và nhà báo tự do.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm)
Read 606 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)