Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/03/2020

Chính quyền địa phương và Chính phủ

Nguyễn Nam

Nói về luật lệ, chính quyền địa phương sẽ hoạt động theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Chính phủ hoạt động theo Luật Tổ chức Chính phủ. Dường như trong nhiều trường hợp dầu sôi, lửa bỏng như vụ dịch Coronavirus Vũ Hán, ông chủ tịch chính quyền địa phương lại có tầm nhìn chiến lược ăn đứt ông thủ tướng chính phủ.

phong1

Ông Nguyễn Thành Phong phát biểu trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 29/2/2020 do Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức

Cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 29/2 của chính quyền địa phương thành phố Hồ Chí Minh dường như lại có nhiều nội dung thiết thực dân sinh hơn so với cuộc họp cùng nội dung ở tầm chính phủ.

Quan sát từ các bản tin tường thuật gần đây trên báo chí về những cuộc họp với các quy mô khác nhau của chính phủ trong việc phòng chống dịch Covid-19, cho thấy trách nhiệm cụ thể của những quan chức đứng đầu bộ, ngành vẫn còn mờ nhạt, thiếu những đề xuất mang tính quyết đoán mạnh mẽ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người dân xứ Quảng, vùng đất có câu ví "Quảng Nam hay cãi", cũng đã không "phản biện" được điều gì ở những lần họp hành chống dịch đó.

"Nếu Trung ương giao thành phố sẽ lập khu cách ly quốc gia, phối hợp Bộ Y tế để thực hiện. Việc này không chỉ tốt cho Thành phố mà còn trợ giúp các tỉnh, thành phía Nam khi chưa chủ động việc cách ly". Báo chí tường thuật như vậy về đề xuất của ông Nguyễn Thành Phong ở chiều 29/2.

Theo ông Phong, các cơ quan chuyên trách của Thành phố đã bàn với các tỉnh thành khác về việc tiếp nhận người nhập cảnh từ vùng dịch vào cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Đồng thời, cũng yêu cầu các tỉnh, thành nhanh chóng đưa xe vào tiếp nhận, Thành phố sẽ phối hợp và trợ giúp xe đưa đón trong khả năng của mình.

Cũng có ý kiến về đề xuất tạm mượn khu vực có căn hộ thương mại, khách sạn nằm trong khu gọi là "Sân golf Tân Sơn Nhất" để làm bệnh viện dã chiến, là nơi ‘cách ly’ với những người nhập cảnh từ vùng dịch vào cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất.

Ngoài việc thực hiện kiểm tra y tế tại khu vực sân bay, ông Phong đề nghị cơ quan xuất nhập cảnh và hàng không chủ động nắm bắt thông tin, số lượng người trên mỗi chuyến bay trước khi hạ cánh. "Không thể để máy bay hạ cánh rồi mới tính toán kiểm tra, cách ly ra sao, gây ùn ứ", ông Phong nói.

"Một nước phát triển như Hàn Quốc khi dịch bùng phát vẫn không đủ giường bệnh. Nếu chúng ta không chủ động, để xảy ra dịch bệnh sẽ rất khó khăn đối phó", ông Phong cảnh báo.

"Nếu các tỉnh, thành khả năng tiếp nhận hạn chế, Thành phố sẽ giúp. Nhưng về phương diện quốc gia, phải tính toán đến việc thành lập khu cách ly phía Nam. Nếu Trung ương giao thì Thành phố sẵn sàng phối hợp với Bộ Y tế để triển khai việc này", ông Phong khẳng định.

"Sáng nay, nhiều tổng lãnh sự thắc mắc về kiến nghị của Thành phố cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 3, tôi có nói sự an toàn cho học sinh là hàng đầu. Khó khăn của các trường ngoại quốc là có nhưng cần sự chia sẻ với Thành phố" - ông Phong nói tại cuộc họp chiều 29/2.

Theo ông Phong, việc đề xuất nghỉ hết tháng 3 là để tránh tình trạng nghỉ lắt nhắt, tăng tính chủ động cho phụ huynh, học sinh. Người đứng đầu Thành phố cũng cho biết, đây là kiến nghị của Thành phố lên Chính phủ. Tuy nhiên Chính phủ lại không có câu trả lời, và khi phía Bộ Giáo dục và đào tạo xác định khung thi cuối cùng, Thành phố buộc lòng phải tính lại, vì nếu cho học sinh lớp 12 nghỉ hết tháng 3 thì ảnh hưởng đến lịch thi tốt nghiệp toàn quốc.

"Nếu kiến nghị nghỉ đến hết tháng 3 mà được Chính phủ, Bộ Giáo dục và đào tạo đồng ý thì lúc đó phải cho Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội quy trình riêng trong thời gian thi cử và kết thúc khung thời gian học. Có thể Bộ Giáo dục và đào tạo cho kéo dài thi tốt nghiệp, lúc đó Thành phố vẫn xử lý được. Nhưng Bộ Giáo dục và đào tạo đã thông báo khung thời gian kết thúc năm học nên chúng tôi buộc phải điều chỉnh theo. Riêng khối 12 nghỉ đến 8/3 là kịch khung, nếu nghỉ thêm thì không còn thời gian mà bù", ông Phong tâm tư.

Như vậy, với tất cả các phát biểu được trích dẫn ở trên – giả dụ ai đó nghịch ngợm để gắn tên của người phát ngôn là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hoặc tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì có thể mọi chuyện liên quan đến phòng, chống dịch, chí ít là cũng cho thấy tầm nhìn quản lý trong bảo vệ quyền lợi thiết thực của dân sinh.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 02/03/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nam
Read 432 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)