Là công dân, trừ khi thuộc chủ nghĩa vô chính phủ, chúng ta không cố gắng đưa mình trở thành một thực thể tách biệt, đối kháng nhà nước và xã hội.
Công dân phản tỉnh làm bất kỳ điều gì mà họ thấy phù hợp với hiến pháp, pháp luật, lương tri con người - Ảnh minh họa
Không nên gọi ‘nhóm người phản động’, thay vào đó gọi họ là ‘công dân phản tỉnh.’
Công dân phản tỉnh làm bất kỳ điều gì mà họ thấy phù hợp với hiến pháp, pháp luật, lương tri con người.
Một điều nghịch lý trong xã hội hiện tại là, những nhóm công dân phản tỉnh bị chính nhà nước chỉ trích, bêu xấu, kết án lại là những người đưa mình vào trật tự pháp luật theo đúng tinh thần pháp luật.
Ở xã hội dân chủ, đó là công dân gương mẫu.
Ở xã hội chuyên chế, độc đoán, đó là bọn phản động.
Đối nghịch với lời nói và hành vi của nhóm công dân phản tỉnh, là nhóm người dân danh quyền lực nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước làm sai lệch bản chất của pháp luật.
Lực lượng an ninh canh giữ nhà những người công dân phản tỉnh là hành vi can thiệp, xâm phạm thô bạo vào quyền tự do đi lại của công dân. Thực trạng là thế, nhưng lãnh đạo ngành công an nghiễm nhiên coi đó là điều tất nhiên, tất yếu.
Sẽ khó trách nhóm ngành công an phải làm vậy, bởi tư tưởng chỉ đạo từ người đứng đầu đảng thuộc Bộ Công an là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định trước sau như thế. Người đứng đầu lạm dụng nguyên tắc pháp luật để làm lợi cho tính đảng thì khó thể trách đội ngũ bên dưới làm sai, làm liều, làm lệch một cách ngạo mạn.
Giả như vị lãnh tụ của Đảng tuyên bố, cấm các công an nhân dân cản trở phi pháp quyền tự do đi lại của công dân, trừ phi họ bị hạn chế hoặc tước quyền công dân theo bản án có hiệu lực pháp luật, được tuyên bởi Tòa án. Thì câu chuyện ‘canh cửa’ sẽ không bao giờ xảy ra.
Ông Vũ Mạnh Hùng, một nhà hoạt động xã hội (Hà Nội) bị ‘canh giữ’, không cho ra khỏi phạm vi nhà khi ông đang có lịch làm việc với Tòa án là xâm phạm thô bạo cần lên tiếng.
Hành vi này không chỉ gây phẫn nộ với người bị canh, mà còn lây lan sang những người được chứng kiến gián tiếp qua tin bài tường thuật hoặc trực tiếp. Làm suy yếu trầm trọng niềm tin vào nhà nước, hình thành một hiện trạng – ‘vốn tin xã hội cạn kiệt dần.’
Hệ quả là khi cần huy động sức dân, thì chính quyền sẽ gặp phải phản ứng yếu ớt. Các công dân thuộc về công cụ nhà nước chỉ đóng góp khi và chỉ khi bị cưỡng ép bằng các công cụ hành chánh, và ngược lại. Còn các công dân phản tình và những người cảm tình với họ sẽ phản ứng bằng thái độ bất tuân dân sự.
Câu chuyện huy động vàng, đô-la trong dân trước đây không thể thực hiện được dù chính phủ năm lần, bảy lượt kêu gọi là một tình huống như thế.
Tình huống tương tự có thể diễn ra khi chính phủ huy động sức tiền trong dân để chống dịch, máu của công dân trong chống giặc.
Cáng đáng xã hội từ nay nhường cho chính phủ và công cụ chính phủ. Sự phẫn nộ vì bị tước quyền tự do một cách trắng trợn trong một thời gian dài bởi nhà nước sẽ khiến nhà nước đứng trước một viễn cảnh ‘lẻ loi’ trong ứng phó với các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội.
Chính phủ có tự hỏi, liệu lúc nguy khốn vận mệnh, ai sẽ đứng cạnh chính phủ và ai sẽ tháo chạy. Là công cụ của chính phủ nặng nề ‘khen thưởng, kỷ luật’ hay những công dân phản tỉnh nặng lòng với quốc gia, đất nước ! ?
Để tránh một tương lai ‘cô đơn’, hình thành một số lượng nhóm công dân phản tỉnh đủ lớn để trở thành tòa án công lý truy xét vai trò và trách nhiệm của chính phủ. Chính phủ cần phải trả lại quyền tự do cho công dân, không phân biệt họ bất đồng chính kiến hay là lẳng lặng phục vâng. Một trong số quyền đó là quyền tự do đi lại mà Hiến pháp nhà nước ghi nhận.
Nên là một chính phủ trong vòng pháp luật để được ứng đãi bởi một hình ảnh công dân đồng hành cùng chính phủ, trong thời điểm nguy biến tương lai.
Kiên Giang
Nguồn : VNTB, 02/03/2020