Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/03/2020

Thành triệu phú Việt Nam thời 'lấy xẻng xúc vàng' ở Đông Âu

Bình Khuê

"Thời của chúng tôi là 'dùng xẻng xúc vàng'," doanh nhân Trần Quốc Quân vui vẻ cười, nói đùa.

trieuphu1

Thời gian hai năm Liên Xô vẫn bị cấm vận trong lúc Ba Lan đã chuyển đổi thể chế, 1989-1991, được cho là 'thời cơ vàng' để hình thành nên một thế hệ triệu phú người Việt ở các nước thuộc khối Cộng sản ở Đông Âu

Ngồi trong văn phòng làm việc đặt tại Trung tâm Thương mại Á-Âu EACC ở ngoại vi thủ đô Warsaw của Ba Lan mà ông là đồng sở hữu chủ, ông Trần Quốc Quân hào hứng kể về thời "bắt đầu khởi nghiệp" của mình và nhiều 'tướng', 'soái' người Việt ở Đông Âu hồi cuối thập niên 1980 cho đến cuối thập niên 1990.

"Lúc Ba Lan mới chuyển đổi sang kinh tế thị trường, đó là thời cơ ngàn vàng để chúng tôi làm giàu rất nhanh."

"Có thể chia ra làm hai giai đoạn kinh doanh của người Việt tại Đông Âu và Liên Xô."

"Thời kỳ đầu là khi cả Ba Lan và khối xã hội chủ nghĩa, gồm cả Việt Nam, vẫn đang là tập trung quan liêu bao cấp. Khi đó buôn lậu là chính, quy mô nhỏ."

"Giai đoạn thứ hai là khi Việt Nam cũng như Ba Lan, sau đó là Liên Xô rồi Nga chuyển sang kinh tế thị trường, cởi mở tự do."

Buôn lậu thời bao cấp

Sang Warsaw làm nghiên cứu sinh từ năm 1988, ông Quân nói ông "khởi nghiệp" bằng việc buôn lậu thuốc tây về Việt Nam, cách kiếm tiền đem về lợi nhuận "khủng" 200-300%.

Buôn lậu là cách kiếm tiền "phổ biến ở tất cả các thị trường" Đông Âu của người Việt thời đó, ông Quân cười, nói với BBC vào một chiều tháng 10/2019.

Nhiều người Việt trở nên giàu có, được gọi là 'tướng', 'soái' với số tiền kiếm được lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn đô la, tại thời điểm mà một căn hộ đắt tiền ở trung tâm thủ đô Warsaw chỉ có giá vài ngàn đô la.

Mọi chuyện thay đổi nhanh chóng khi Ba Lan chuyển đổi thể chế vào năm 1989, trở thành một thị trường cởi mở.

trieuphu2

Doanh nhân Trần Quốc Quân nói người Việt trải qua hai giai đoạn kiếm tiền ở Đông Âu, 'buôn lậu' thời bao cấp và kinh doanh quy mô lớn thời mở cửa

Những người nhanh nhạy trong cộng đồng người Việt tại Đông Âu khi đó lập tức thích ứng hoàn cảnh.

"Lúc chuyển sang kinh tế cởi mở tự do thì không còn bị hạn chế về mặt số lượng. Lúc đó, từ quy mô buôn với khối lượng hàng ở mức 'túi ba tầng' (loại túi du lịch được người Việt dùng phổ biến để đóng gói hàng hóa từ Việt Nam sang Đông Âu) lên một khoang tàu hỏa đã là hàng trăm lần rồi, từ khoang tàu hỏa lên đến container lại là hàng trăm lần nữa," ông Quân nói.

"Cho nên với một container, chỉ cần lãi vài chục phần trăm đã thu về gấp bao nhiêu lần những túi du lịch mình lén lút đi, dù đi buôn với túi du lịch thì đem lại tỷ suất lợi nhuận rất cao."

Làm giàu nhờ thị trường Liên Xô

Năm 1989, Liên Xô vẫn đang trong mô hình xã hội chủ nghĩa, bị các nước phương Tây cấm vận.

Thời còn hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, mỗi năm từ Việt Nam có hàng chục sinh viên, còn gọi là 'lưu học sinh', và một số nhỏ hơn 'nghiên cứu sinh tiến sĩ' sang Ba Lan, Đông Đức, Tiệp Khắc, Romania và Bulgaria.

Số đi sang học tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô thì luôn đông hơn, lên tới hàng trăm mỗi năm.

Mạng lưới quan hệ của người Việt tại các quốc gia này còn gồm cả công nhân xuất khẩu lao động sang Liên Xô, Tiệp Khắc, Đông Đức, Bulgaria (không có Ba Lan).

Với cộng đồng người Việt, "du học sinh ở Ba Lan giống như cái nôi lan tỏa chuyện làm ăn kiếm tiền ra cả Đông Âu và Liên Xô", ông Quân nhớ lại.

Vào buổi giao thời giữa hai mô hình, kinh tế tập trung, kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa, và kinh tế thị trường tư bản sơ khai, người Việt Nam nhờ mạng lưới bạn bè, đồng môn khắp Đông Âu, đã đóng vai trò trung gian cho kinh doanh ngoài luồng.

Mặt hàng đem lại lợi nhuận 'khủng' khi đó là đồ điện tử hiện đại do các nước tư bản sản xuất, như máy fax, máy tính cá nhân.

Người Việt trở thành người đảm nhiệm "nhiệm vụ trung chuyển từ thị trường tự do vào thị trường cấm vận".

Việc đưa các mặt hàng điện tử, máy tính mà Ba Lan nhập ồ ạt từ Đài Loan, Nam Triều Tiên và Singapore sang Liên Xô cũng hình thành nên một thế hệ 'tướng', 'soái' mới với quy mô, tốc độ kiếm tiền mạnh hơn hẳn so với thế hệ 'tướng', 'soái' thời buôn lậu.

"Du học sinh Việt Nam tại Ba Lan, tại Nga và các nước khác có thể chỉ cần một chuyến [buôn đồ điện tử, máy tính] đã có 20 ngàn đô, 50 ngàn đô la tiền lãi."

"Cái gọi là các 'soái' thời buôn lậu nếu không kịp thời chuyển đổi, thay đổi lối tư duy thì bị những người trẻ như tôi hoặc trẻ hơn tôi vượt qua chỉ bằng một cú nhích."

trieuphu3

Máy tính, máy fax từng là mặt hàng được người Việt đem từ Ba Lan sang Liên Xô trong những năm đầu thập niên 1990 (hình minh họa)

Một thế hệ triệu phú người Việt ở Đông Âu dần được hình thành.

Kể từ đó, nhiều người sau khi đã rất thành công về mặt kinh tế ở nước ngoài đã quay trở về đầu tư vào nhiều dự án đình đám ở Việt trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính, ngân hàng.

Hai 'cú ngã' khét tiếng của các doanh nhân người Việt

Nhìn lại quá trình kinh doanh thời đó, doanh nhân Trần Quốc Quân nói bản thân ông kiếm được tiền nhanh, nhưng mất cũng nhanh.

"Tôi đã ba lần phá sản," ông nói, trong đó có hai lần hàng loạt các doanh nhân người Việt cùng chịu chung số phận như ông.

Đặc nhiệm OMON tấn công tòa nhà Dom 5 và Dom 11 ở Moscow, 5/1994

"Biến cố Dom 5 và Dom 11" là vụ mà theo ông Quân là "rất nhiều các đại gia, tỷ phú, các chủ ngân hàng, chủ doanh nghiệp, chủ kinh doanh bất động sản rất lớn ở Việt Nam ngày nay đều biết".

Hai trung tâm buôn bán của người Việt tại Moscow khi đó đã bị Omon, lực lượng đặc nhiệm Nga thuộc cảnh sát Nga, bố ráp và tịch thu toàn bộ tiền, hàng.

"Có lệnh từ Thành phố Moscow là xóa sổ nơi được gọi là 'ổ buôn lậu' của người Việt ở hai tòa nhà, ở Dom 5 và Dom 11 phố Aminiev, Moscow. Vụ đó, các 'soái' Ba Lan, trong đó có tôi, gần như trắng tay hết," ông Quân kể lại.

Áo da Trung Quốc và cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, 1998

Vụ thứ hai xảy ra sau đó chỉ bốn năm, khi các 'đại gia' người Việt dính phải "khủng hoảng kép", do thua lỗ trong thương vụ buôn áo giả da và bị tác động của cuộc ảnh hưởng tài chính Châu Á 1998.

Mang tham vọng làm ăn lớn, nhiều người trong đó có ông Quân đã quyết định nhập các lô hàng áo giả da trị giá nhiều triệu đô la, chủ yếu là tiền vay mượn, từ Trung Quốc vào Đông Âu.

"Tôi lúc đó không có nhiều tiền nhưng 'đánh' rất lớn, vì tôi có nguồn hỗ trợ 'chống lưng' đằng sau," ông Quân kể về vụ phá sản thứ ba của mình.

"40, 50 container hàng là bốn, năm triệu đô la Mỹ. Mà bốn triệu, năm triệu đô thời 1997, 1998, tôi đào đâu ra?"

Nói về cách huy động vốn thời đó của các doanh nhân người Việt tại Đông Âu, ông Quân cho biết, "chỉ có hai hình thức".

"Một là được doanh nghiệp ở Việt Nam hỗ trợ, họ là bạn bè, cùng 'đánh hàng' chung, cùng chịu rủi ro chung."

"Hai là có quan hệ tốt với công ty xuất nhập khẩu hoặc nhà máy tại Trung Quốc và được họ cho trả chậm."

"Nguồn tín dụng trả chậm đó vừa là đòn bẩy, vừa là bệ phóng để mình trở thành triệu phú đô la rất nhanh, nhưng nó cũng chính là cái bẫy nhấn chìm tất cả các triệu phú mới nổi."

Mùa đông và giấc mơ được diện áo giả da ở Đông Âu nhanh chóng qua đi khiến những lô hàng khổng lồ trở thành thứ không thể bán.

Cơn ác mộng thực sự ập xuống khi cuộc khủng hoảng Châu Á hồi 1998 lan rộng khiến đồng nội tệ của Nga mất giá 300% so với đô la Mỹ, tạo cú đánh kép giáng xuống giới doanh nhân người Việt tại Đông Âu.

"Không ai là không thấm đòn," ông Quân nhớ lại. Bản thân ông đã bị "nhấn xuống vực sâu" với những khoản nợ khổng lồ.

Không tiết lộ chi tiết quá trình thoát khỏi "vực sâu" một cách ngoạn mục để "tái xuất" thành một doanh nhân thành đạt vài năm sau đó, ông Quân chỉ nói vắn tắt đó là nhờ ông được sự giúp đỡ của bạn bè và việc ông chuyển sang kinh doanh bất động sản, lĩnh vực mà ông "luôn thành công rực rỡ và chưa thất bại lần nào" trong suốt gần 20 năm qua.

Bình Khuê

Nguồn : BBC, 01/03/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bình Khuê
Read 500 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)