Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/02/2020

Kỷ luật cán bộ nghỉ hưu và quy hoạch báo chí : khó thực hiện

RFA tiếng Việt

Dự thảo xử lý kỷ luật cán bộ nghỉ hưu mới có đủ tính răn đe ? (RFA, 28/02/2020)

Bộ Nội vụ Việt Nam đang đưa ra dự thảo lấy ý kiến người dân về việc xử lý kỷ luật những cán bộ đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng có sai phạm trong thời gian công tác trước đó.

canbo1

Kỷ luật cán bộ nghỉ hưu đến cấp nào thì nghiêm minh?

Nội dung mới

Dự thảo mới được cập nhật gồm có 5 chương và 32 điều. Những điều khoản này dựa trên Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, cùng với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức .

Đáng quan tâm hơn hết, dự thảo lần này có 2 nội dung nhận được nhiều sự chú ý gồm việc xử lý kỷ luật những cán bộ đã nghỉ việc, nghỉ hưu có sai phạm trong thời gian công tác được thực hiện sau khi có quyết định xử lý kỷ luật đảng và không phải thành lập hội đồng kỷ luật.

Trao đổi với RFA, ông Lê Văn Triết, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại từng nhiều năm làm việc cho chính phủ Hà Nội nhận định về nội dung mới vừa nêu như sau :

"Đứng về nguyên tắc, người ta chỉ xử lý một cá nhân nếu cá nhân đó bị khuyết điểm, nếu cá nhân đó còn là đảng viên, còn có chức vụ trong đảng nếu xử lý đưa ra tòa thì tòa không thể tuyên bố xử người đó là cán bộ của Đảng, người ta tránh chuyện đó nên tòa không xử người đó trước khi có án về mặt Đảng".

Trên các diễn đàn, nhiều nhà quan sát nhận xét rằng khi chính phủ làm luật xử lý kỷ luật cán bộ nghỉ hưu sai phạm vẫn chưa nỗ lực hết sức, vì kỷ luật đảng và kỷ luật bằng luật pháp là hai phạm trù riêng biệt.

Luật sư Đặng Đình Mạnh hiện đang ở Sài Gòn cho biết việc phải xử lý kỷ luật đảng trước mới đến kỷ luật hành chính, hình sự không được nêu ra trong luật Việt Nam. Theo quan điểm cá nhân của ông thì điều này không hợp lý. Luật sư Mạnh giải thích :

"Vấn đề xử lý về mặt đảng chỉ trong phạm vi của đảng và chỉ có giá trị đối với đảng viên và trong tổ chức đảng mà thôi. Điều này không phù hợp với pháp luật vì pháp luật không quy định. Một người có dấu hiệu hình sự bị khởi tố phải bị khai trừ đảng trước để khi người đó ra tòa người ta không nói là xử lý đảng viên mà là xử lý công dân".

Theo Bộ Nội vụ, những sai phạm nghiêm trọng hầu hết đều ở những người đã từng giữ vị trí lãnh đạo. Do đó, việc giới hạn kỷ luật hành chính sau khi kỷ luật đảng đối với đối tượng này là cần thiết, bảo đảm tính răn đe và phù hợp với quy định của Đảng.

Thêm vào đó, tiến trình như Bộ Nội vụ đưa ra trong dự thảo sẽ tránh phức tạp về trình tự, thủ tục, thẩm quyền do đã có kết luận về sai phạm, hình thức xử lý kỷ luật cũng đã được xác định rõ. Vì vậy, không cần phải thực hiện các quy định về thành lập Hội đồng kỷ luật, triệu tập họp… mà theo Bộ Nội vụ là rất khó khả thi.

Tính răn đe ?

Việc sửa đổi luật để xử lý những cán bộ về hưu mắc sai phạm khi còn đương chức vẫn luôn là đề tài được công luận quan tâm. Tuy nhiên, những điều khoản được bổ sung trong các bản dự thảo được đưa ra trong thời gian gần đây thường xuyên vấp phải các chỉ trích.

Cụ thể, trong phiên họp Quốc hội sáng ngày 24/10, khi thảo luận về những nội dung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, một đại biểu quốc hội đề xuất cắt lương vĩnh viễn đối với cán bộ nghỉ hưu và xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm của công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Đề xuất này ngay lập tức bị nhiều người phản đối với lý do không đúng với luật pháp hiện hành.

Sau đó, trong văn bản soạn thảo dự án luật công chức sửa đổi trình chính phủ vào tháng 11/2019, Bộ Nội vụ cũng đề ra hai phương án riêng biệt : phương án một là xử lý đối với tất cả cán bộ, công chức đã về hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác, khi phát hiện sai phạm. Hai là chỉ quy định xử lý đối với những người có vi phạm khi chưa về hưu từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên ở trung ương. Dự thảo này gây nhiều tranh cãi vì nếu được thông qua, liệu các quan chức có chức vụ từ tổng cục trưởng trở xuống có thể yên tâm "hạ cánh an toàn" ?

Do đó, nhiều người bày tỏ lo ngại liệu những qui định được đề xuất trong dự thảo lần này có thật sự mang tính răn đe đối với những cán bộ đang tại chức, hay chỉ là đề xuất trên giấy, không mang tính thực tiễn ?

Theo ông Lê Văn Triết, việc bổ sung để luật hoàn thiện hơn là tốt. Tuy nhiên :

"Vấn đề vẫn là xử lý kỷ luật nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đừng kiểu tội to nhưng án kỷ luật nhỏ, không tương xứng với tội gây ra mà lâu nay đất nước vẫn có. Nếu xử phạt với mức độ kỷ luật như vậy coi như bắt cóc bỏ dĩa chứ không phải xử lý kỷ luật. Phần lớn bây giờ có mối quan hệ chằng chịt, thậm chí có sự chỉ đạo nên tội rất nặng xử còn rất nhẹ. Việc đó không có tác dụng răn đe gì hết, từ xưa tới giờ thường xảy ra như vậy. Nên từ giờ nếu có chấn chỉnh lại phải theo tinh thần công minh, công bằng, đúng người, đúng tội, tội nặng xử nặng, tội nhẹ phạt nhẹ".

Còn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, dự luật mới được Bộ Nội vụ đưa ra có lẽ vẫn chưa đủ. Ông cho rằng nếu phải đặt vấn đề kỷ luật như hiện nay hoặc kỷ luật hơn nữa thì điều này chỉ có thể làm giảm, nhưng để chấm dứt tình trạng tham nhũng hoặc những vấn đề khác phát sinh thì không đủ khả năng để làm được điều đó.

"Thật ra những người hiện đang làm ở cơ quan nhà nước thì đầu vào của họ không phải nhờ vào khả năng của họ. Ở Việt Nam hiện nay có tình trạng chính cơ quan Đảng phải thừa nhận là việc mua quan bán chức. Khi họ vào đó bằng tiền bạc thì tâm lý làm việc của họ là con buôn, mà con buôn khi đã bỏ tiền ra để vào làm thì họ bằng mọi cách phải có lời. Vì vậy vấn đề không phải ở chỗ kỷ luật vì họ không bị thoái hóa mà bản chất là con buôn do đó vấn đề ở chỗ là sửa đổi luật theo chiều hướng bảo đảm đầu vào của cán bộ công nhân viên chức phải là người có thực tài, thực tâm và có đạo đức".

Dưới góc nhìn cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội nhận xét :

"Tôi nghĩ chắc chắn làm cho những người đang đương chức phải chùn tay một chút nhưng có lẽ không hiệu quả cho lắm chừng nào luật trị tức thượng tôn pháp luật không trừ ai, từ ông Chủ tịch nước đến ông thủ tướng nếu đã phạm pháp thì phải xử theo pháp luật. Muốn như thế phải có tư pháp độc lập, lức đó mới giải quyết rốt ráo. Còn trong chế độ mà cái gì ông Đảng cũng nhúng vào theo lợi ích của đảng thì có thể trong nội bộ họ có thể răn đe nhau nhưng nhìn chung không có tác động lớn, hiệu quả đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự".

Thời gian gần đây, một số vụ đại án có liên quan đến cán bộ cấp cao của nhà nước được đưa ra xét xử. Một ủy viên Bộ Chính trị như ông Đinh La Thăng bị án tù. Thực tế đó được nhiều người cho là sự quyết tâm trong cuộc chiến chống tham nhũng do ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ xướng.

Tuy nhiên, như trình bày của tiến sĩ Nguyễn Quang A thì thực sự gốc rễ dẫn đến tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo, cán bộ từ trung ương đến địa phương qua bao vụ việc được đưa lên mặt báo lâu nay vẫn chưa được động đến. Do đó để có được ‘tấm lưới’ tóm gọn hết những phần tử lãnh đạo, cán bộ tha hóa, tham những là điều không dễ dàng hiện nay.

******************

Quy hoạch báo chí : Thay đổi về lượng chứ không thay đổi về phẩm (RFA, 28/02/2020)

19 tổ chức hội trung ương vừa hoàn thành quy hoạch báo chí, thực hiện theo Quyết định số 362, của Thủ tướng Việt Nam ban hành năm 2019, phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Cụ thể, 24 tổ chức hội trung ương phải chuyển đổi mô hình, sắp xếp cơ quan báo, tạp chí… Theo đó, mỗi tổ chức hội có 1 tạp chí.

canbo2

Một sạp bán báo ở Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP

Trong quy hoạch lần này là các cơ quan báo chí được sắp xếp theo hướng số lượng giảm. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến hết năm 2020, mỗi nơi chỉ có tối đa 5 cơ quan báo in, không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo… Những nơi khác, mỗi tỉnh, thành có một báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, một tạp chí in thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh.

Nhà báo Phạm Thành, đưa ra nhận định với RFA về quy hoạch báo chí lần này :

"Nhà cầm quyền cộng sản họ có cả ngàn tờ báo rồi, nhưng họ muốn nữa. Chủ yếu họ muốn dùng cái loa dối trá của họ nhét vào bất kỳ trong tai một người dân nào, đấy là cái tư tưởng của họ, nhưng họ buộc phải giảm vì nuôi báo chí tốn kém lắm".

Nhà báo Ngô Nhật Đăng cũng cho rằng, thật ra, nhà nước Việt Nam muốn càng nhiều cơ quan báo chí càng tốt, để tạo ra cái không khí nhìn có vẻ là đa chiều. Nhưng việc ngân sách để nuôi một hệ thống quá đồ sộ như thế cũng rất là khó khăn.

Trong quy hoạch báo chí đến năm 2025, như thường lệ, chính phủ Việt Nam vẫn khẳng định báo chí là công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của đảng và nhà nước.

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, cựu tù nhân nhân quyền, trước khi chịu án 3 năm tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ vào năm 2016, ông từng là Phó trưởng ban Kế hoạch – Dự án và Phó trưởng ban Tư Liệu của Đài truyền hình HTV (Hochiminh City Television), nhận định với RFA hôm 28/2 về việc quy hoạch báo chí tại Việt Nam theo 3 góc nhìn :

"Trong quyết định đó họ coi báo chí là vũ khí, theo đó tôi nhìn ở góc độ là một chiến trường, cho thấy một điều rất rõ, sau rất nhiều trận đánh của nhà cầm quyền Việt Nam trên mặt trận báo chí, thì họ đã thua tan tác. Thì động tác họ quy hoạch lại, thu gọn lại, giống như bãi chiến trường họ thu lại bãi vũ khí ‘sứt càng gãy gọng’ gì đó… để tinh gọn lại, thì điều đó chỉ thay đổi về lượng chứ không thay đổi về phẩm. Bởi vì chiến trường thì vũ khí chỉ là phương tiện, nó cần những nhà quân sự có đầu óc, mà nhà quân sự có đầu óc thì xin lỗi, người cộng sản Việt Nam không có. Bởi nhà chiến lược quân sự về báo chí phải tôn trọng tôn chỉ quan trọng nhất, đó là sự thật, thì bản chất người cộng sản là dối trá trên mọi lãnh vực".

Dước góc độ kinh tế, báo chí là một sản phẩm, mà theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, sản phẩm của người cộng sản đưa ra không phù hợp với thị trường, tức là người tiêu dùng không xài… thì có quy hoạch hay không, có thu gọn hay để nguyên… thì hàng của họ ra vẫn bán ế. Điều này Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng cũng đúng với quy luật của thị trường. Ông nói tiếp :

"Ở góc độ thứ ba là các trường phái triết học, họ nói là quy hoạch về báo chí, về nhân sự, tức là quy hoạch về con người… Mà tôi nghĩ, con người sinh ra để sống, để mưu cầu hạnh phúc, chứ con người không phải là một cái máy, một vật thể, hay đường xá, cơ sở hạ tầng để mà quy hoạch. Cái đó là sai về mặt triết học. Vì vậy, đứng ở góc độ triết học, quy hoạch báo chí cản trở sự phát triển của con người. Bởi vì quan trọng nhất của con người là tự do tư tưởng. Từ tự do tư tưởng, con người mới phát triển, và có thể văn minh như tất cả các quốc gia khác".

Theo Bộ Thông tin và truyền thông, Việt Nam có khoảng 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng 40.000 người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo trung ương. Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp của Ban Tuyên giáo từ trung ương đến địa phương. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này.

Nhà báo Phạm Thành cũng cho rằng, sản phẩm báo chí bây giờ đưa tin không thuyết phục, nó vừa chậm, vừa bị định hướng :

"Báo chí Việt Nam hiện nay nhìn trên tổng thể thì phần lớn họ vẫn được nhà nước bao cấp, chẳng hạn như những anh lớn hiện nay như thông tấn xã, tạp chí cộng sản, đài phát thanh thì cũng bao cấp, còn những tờ thuộc chủ quản khác thì cũng bao cấp. Những cái tin của họ không thuyết phục, nó vừa chậm, vừa bị định hướng… Cho nên đối với bạn đọc nó không còn là món ăn tinh thần để họ trông chờ họ đọc nữa"…

Theo quy hoạch báo chí đến năm 2025, đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phải làm xong việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Tính đến cuối tháng 2/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai xong việc chuyển đổi mô hình, sắp xếp các cơ quan báo chí đối với 19 tổ chức hội. Còn 5 báo thuộc 5 tổ chức hội chưa thực hiện.

Theo Bộ Thông tin và truyền thông giải thích, trong số 5 báo này, có 2 báo đang tạm dừng xuất bản để triển khai thực hiện quy hoạch, 1 báo chuyển đổi cơ quan chủ quản và 2 báo đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, sẽ tiếp tục triển khai sau.

Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng, việc quy hoạch thu gọn hệ thống báo chí nhằm mục đích kiểm soát dễ hơn, cũng khó thực hiện :

"Dân trí cao hơn, trình độ nhận thức của nhân dân cũng cao hơn, thành ra khó mà nhốt một xã hội rộng lớn trong một ngục tù tập thể. Về ý thức hệ thì chúng ta cũng thấy, nhiều bài báo bị ban tuyên giáo yêu cầu gỡ, tức là nhiều quá cũng không kiểm soát được. Vì báo chí họ cũng cần phải sinh sống, cần có nhiều bạn đọc, phải có những tin khác, vì thế họ muốn thu gọn lại để kiểm soát dễ hơn. Nhưng đó cũng là mâu thuẫn, anh đã kiểm soát toàn bộ thông tin trên xã hội mà anh còn không định hướng được, thì thu gọn lại thì mục tiêu kia cũng khó đạt được".

Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, chính phủ do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã khẳng định trong quyết định quy hoạch rằng báo chí là công cụ của đảng, là phương tiện của đảng, chứ nó không phải là cứu cánh. Mà cứu cánh ở đây theo ông là tự do, như vậy phương tiện báo chí đã trở nên chống lại con người nói chung, và nó chống lại nhân dân Việt Nam nói riêng. Nên ông cho rằng, quyết định quy hoạch báo chí này là phản khoa học và chống lại con người.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 435 times

1 comment

  • Comment Link chim cò lundi, 02 mars 2020 23:48 posted by chim cò

    "Một người có dấu hiệu hình sự bị khởi tố phải bị khai trừ đảng trước để khi người đó ra tòa người ta không nói là xử lý đảng viên mà là xử lý công dân".Luật đảng cao hơn luật nhà nước.Việc khai trừ đảng vien phạm pháp chỉ để che đậy bộ mặt xấu xa của đảng.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)