Chiều ngày 26/02 vừa qua, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp về tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus corona (Covid-19) lên ngành công nghiệp và sản xuất của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp đánh giá tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona đến các ngành sản xuất của Việt Nam.
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều nền kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nghiêm trọng với những tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất trong đó, đặc biệt nền sản xuất tại Việt Nam đang trong giai đoạn thiếu hụt trầm trọng nhiều loại linh kiện để cấu thành sản phẩm.
Tại cuộc họp này, Bộ Công thương Việt Nam loan báo nguyên liệu trong các ngành điện, điện tử và dệt may chỉ còn đủ cho sản xuất đến hết tháng 3/2020. Và nguyên liệu dệt may, da giày, túi xách cũng gặp tình trạng tương tự, nghĩa là chỉ đủ cho tháng Ba hay chậm lắm là đầu tháng Tư, dẫn đến khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ phải tạm dừng hoạt động.
Các doanh nghiệp cũng thừa nhận thực trạng này. Doanh nhân Diệp Thành Kiệt, chuyên gia May Mặc & Da Giày, phân tích :
"Cái đó hoàn toàn đúng. Bộ Công thương một mặt dựa trên số liệu mà Bộ được báo cáo, một mặt dựa trên tổng hợp ý kiến các ngành, các hội, cho nên thông tin đó khá là chính xác".
Doanh nhân Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc công ty phần mềm BKAV và điện thoại di động ở Hà Nội, đồng ý với thông tin của Bộ Công thương rằng việc nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu sản xuất là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra :
"Hiện nay chuỗi sản xuất của các nhà sản xuất trên toàn thế giới đều có sự phụ thuộc lẫn nhau. Một sản phẩm bây giờ thì linh kiện của nó có mặt ở rất nhiều nước. Ngay như Nhật Bản, nơi sản xuất rất nhiều linh kiện cho các thiết bị điện tử mà nếu tình hình Covid-19 cứ diễn biến xấu thì chắc chắn điều Bộ Công thương nói là đúng".
Giải thích về thực trạng đáng báo động này, Bộ Công thương cho biết vì Trung Quốc là nước xuất khẩu nguyên liệu lớn nhất cho các ngành công nghiệp trên thế giới, nay đang bị dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến các ngành sản xuất, vận tải, hậu cần, phân phối, dịch vụ… qua Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đều bị tác động.
Thực tế, các ngành công nghiệp, chế biến, sản xuất, chế tạo của Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Đây là điều đáng báo động, chứng minh phần nào sự phụ thuộc của Việt Nam vào việc nhập nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc khi các chuỗi sản xuất bị đứt đoạn.
Số liệu mới nhất từ Trung Tâm Thông Tin Công Nghiệp- Thương Mại, Bộ Công thương cho thấy năm 2019 gần 30% hàng nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 13,8 tỷ USD (chiếm 34%).
Đặc biệt, ngành dệt may, da giày và túi xách của Việt Nam năm 2019 nhập từ Trung Quốc tổng giá trị 1,3 tỷ USD xơ sợi phục vụ sản xuất, tương đương 57,39%. Trong khi đó nhập 7,73 tỷ USD vải (chiếm 60,91%) và khoảng 2,45 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày (chiếm 43,67%).
Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, nhất là sản xuất ô tô tải đang phụ thuộc tới 70% linh phụ kiện nhập từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tình hình Covid-19 tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng ngày càng phức tạp khiến nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu từ hai nước này vào Việt Nam cũng sẽ bị giảm sút.
Hình chụp hôm 24/5/2019 tại một nhà máy may mặc ở Hà Nội
Cũng theo báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng linh kiện điện tử từ Hàn Quốc với tổng giá trị là 16,8 tỷ USD (chiếm 42%), từ Nhật Bản là 1,7 tỷ USD (chiếm 4,2%).
Ngành dệt may, da giày và túi xách của Việt Nam năm 2019 nhập khẩu từ Hàn Quốc là 2,02 tỷ USD vải (tương đương 15,91%) và 0,71 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày (tương đương 12,65%).
Với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, những dòng xe du lịch có linh kiện được nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản để tiến hành lắp ráp, tuy nhiên, những nước này cũng đang bùng phát dịch bệnh. Do đó, dự kiến đến cuối quý đầu tiên năm 2020, nhiều doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh kiện phục vụ sản xuất, chế tạo và lắp ráp.
Không dừng lại ở đó, theo các doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh nỗi lo về nguyên liệu đầu vào thiếu hụt thì còn nỗi lo khác là đầu ra của sản phẩm.
Biểu đồ kim ngạch nhập khẩu linh kiện điện tử của Việt Nam với 3 nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản trong năm 2019
Doanh nhân ngành May Mặc& Da Giày Diệp Thành Kiệt giải thích :
"Cái mà chúng tôi lo ngại là hiện Covid-19 đã lây lan đến khu vực thị trường. Tức là trước đây nó nằm chủ yếu ở khu vực cung ứng mà đặc biệt là Trung Quốc, thì bây giờ nó đã lan đến nơi tiêu thụ rồi, thí dụ như Ý rồi một số nước Châu Âu. Chưa cần nó có thể lan ra khắp Châu Âu và Mỹ, nhưng với tâm lý hiện nay là người ta rất ngại tập họp đông và người ta giảm chuyện mua sắm đi, thì cái lo lớn hiện nay của chúng tôi là đầu ra của sản phẩm. Nói nôm na là thị trường tiêu thụ sẽ bị sút giảm. Đó là cái đáng lo mà tôi nghĩ cũng nên báo động để các doanh nghiệp phải lo tính toán ngay từ bây giờ".
Đặc biệt, nhóm các sản phẩm của ngành công nghiệp – điện tử gồm cả điện thoại và tivi là những mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc.
Cục Công nghiệp nhận định, Trung Quốc hay một số quốc gia đang bùng phát dịch bệnh khác là Hàn Quốc và Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn đối với một số mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam như dệt may, da giày, túi xách, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, điện thoại di động và linh kiện. Chắc chắn, ảnh hưởng của dịch bệnh cũng tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu và thị trường tiêu thụ ngoài nước của những ngành hàng này.
Về phía Trung Quốc, hoạt động của các nhà máy ở nước này sụt giảm với tốc độ kỉ lục vào tháng 2/2020, thậm chí còn tệ hơn lúc diễn ra cuộc khủng hỏang tài chính toàn cầu. Nó nêu bật thiệt hại to lớn mà dịch virus corona gây ra đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Biểu đồ các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019
Chỉ số Quản lí Sức mua (PMI) chính thức của Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỉ lục 35,7 trong tháng 2 so với 50,0 trong tháng 1.
Chỉ số này cho thấy bức tranh tổng quát chính thức đầu tiên về nền kinh tế Trung Quốc, kể từ khi dịch virus corona bùng phát làm tử vong gần 3.000 người ở Trung Quốc đại lục và lây nhiễm khoảng 80.000 người.
Dữ liệu này báo trước sự gián đoạn kinh tế do virus có thể sẽ kéo dài hết cả quý đầu tiên của năm 2020 vì dịch bệnh đã khiến nhà chức trách ban hành những hạn chế du hành rộng khắp và các biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt đã làm tê liệt hoạt động kinh tế.
Một chỉ số phụ của hoạt động sản xuất lao dốc xuống mức 27,8 trong tháng 2 từ mức 51,3 trong tháng 1, trong khi chỉ số đơn đặt hàng mới giảm xuống mức 29,3, giảm từ mức 51,4 một tháng trước đó.
Các đơn đặt hàng xuất khẩu mới mà các nhà sản xuất Trung Quốc nhận được cũng giảm với tốc độ nhanh nhất trong nhiều năm, với Cục Thống kê Quốc gia cảnh báo về áp lực đối với các nhà xuất khẩu từ các lô hàng bị trì hoãn và các đơn đặt hàng bị hủy.
Các nhà phân tích đang cảnh báo sự lây lan của virus corona sang các quốc gia khác sẽ tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu và hạn chế sự phục hồi cho các nhà sản xuất Trung Quốc.
Câu hỏi mà nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đang đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19 là đã tới lúc kinh tế Việt Nam thoát khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc ?
Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông quốc tế, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích sự lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc và ‘cơ hội thoát ra‘ nhân biến cố dịch cúm do Covid-19 hay virus corona gây ra.
Theo bà ‘trong cái rủi, có cái may’ và đây là cơ hội và thời điểm để Việt Nam tái cấu trúc, tổ chức lại nền kinh tế, thương mại, đầu tư của mình để đa dạng hóa, đa phương hóa tốt hơn kinh tế đối ngoại, đem lại cân bằng bền vững cho nền kinh tế và phát triển của đất nước. "Dịch cúm này cũng cho thấy những cái yếu của Trung Quốc, chứ không phải Trung Quốc là quá mạnh và giỏi giang về tất cả các mặt".
Bà nhấn mạnh : "Đây là cơ hội để Việt Nam thấy là lệ thuộc vào bất cứ nước nào thì cũng tệ, nhưng lệ thuộc vào một nước mà có nhiều vấn đề kể cả trong quan hệ riêng với mình, cũng như những vấn đề nội bộ của họ thì lại càng tệ hơn. Cho nên muốn hay không thì phải vượt lên thôi, cùng nhau và vượt lên vào lúc này, không thì sẽ là quá muộn". Bà hy vọng với những FTA đã có cũng như EVFTA mới đây, hy vọngViệt Nam sẽ tự chủ được vấn đề sản xuất nguyên liệu cho chính mình, không tùy thuộc quá nhiều vào bất cứ một nguồn cung ứng nhất định nào nữa.
Liệu nhà nước Việt Nam mà người đứng đầu là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có dám "chớp" lấy thời cơ, cùng nhân dân "thoát khỏi sự lệ thuộc" ?
Trong tình thế đại dịch nguy hiểm do virus Corona chủng mới khởi nguồn từ Trung Quốc đang lan tràn trên thế giới. Nền kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, nguy cơ hàng chục nghìn văn phòng, công xưởng sẽ bị đóng cửa vì mất thị trường, hàng triệu công nhân, nông dân Việt Nam sẽ mất việc làm, đây là một bài học đau đớn mà cả dân tộc đang phải trả giá cho việc Đảng cộng sản Việt nam đã quá lệ thuộc về mọi mặt đối với Trung quốc.
Thảo Nguyên (Đà Nẵng)
Nguồn : Thoibao.de, 02/03/2020