Hồi ức vụ án Năm Cam
Hiền Vương, VNTB, 06/03/2020
Tháng 2/2003, tôi quyết định mua một laptop, khi ấy có giá 999 USD, hiệu Acer, ổ cứng 20Gb. Mục đích chính là có thể làm công việc tường thuật ngay sân tòa án Thành phố Hồ Chí Minh sau buổi xét xử vụ án ông trùm Năm Cam để kịp gửi ra tòa soạn Hà Nội. Giờ, laptop đã ‘vào viện bảo tàng’, nhưng vụ án Năm Cam xem chừng vẫn chưa kết thúc.
Ít nhất, có đến cả trăm bị cáo khi ấy cũng bị oan khi bị đưa chung vào một vụ đại án đầy tai tiếng mang tên "Trương Văn Cam và đồng phạm".
Thời gian xét xử vụ án kéo dài 100 ngày, từ 25/02/2003 đến 05/06/2003. Hình phạt nặng nhất trong vụ án gồm 06 án tử hình và 04 án chung thân. Nhiều đồng nghiệp của tôi ở báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, báo Tuổi Trẻ cũng dính án tù. Nhiều đồng nghiệp khác thì vạ lây, và nghe đâu con số cả trăm bị cáo cũng được cho là ‘đồng phạm’, dù chưa thực tế họ chưa bao giờ biết đến ‘anh Năm’.
Tướng Nguyễn Việt Thành - báo chí thời đó gọi bằng cái tên dân dã là Tư Bốn, giám đốc Công an Tiền Giang- được Trung ương chọn làm Trưởng ban chuyên án. Người mà tướng Thành phải triệt hạ khi ấy là ông Bùi Quốc Huy, tên thường gọi Năm Huy, nguyên Thiếu tướng An ninh, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Anh hùng lực lượng vũ trang. Ông Năm Huy xuất thân ở Công an tỉnh An Giang, từng là ‘tay trong’ ở một vụ án liên quan đến lật đổ chế độ sau tháng tư năm 1975.
Ông Năm Huy được cho là đã phạm tội liên quan trong vụ án Năm Cam. Ông bị cách chức, bị tước quân tịch, quân hàm, bị tù và đã được ân xá sau chưa đầy 2 năm kể từ khi tuyên án. Cùng đợt đặc xá với ông Năm Huy, là cựu trưởng phòng cảnh sát hình sự công an Thành phố Hồ Chí Minh Dương Minh Ngọc, bản án 6 năm tù trong vụ Năm Cam.
Nhiều nhà báo được tòa soạn phân công ‘đeo đuổi’ vụ án Năm Cam, đến nay hầu hết đã rời khỏi cơ quan báo chí nhà nước. Những nhà báo vạ lây với án tù trong vụ án đình đám bậc nhất thời ấy, hiện cũng đã trở về với đời thường từ lâu rồi. Song dường như vụ án vẫn chưa thể khép lại, khi hôm 5/3, bất ngờ Bộ Công an tổ chức buổi xin lỗi hai công dân bị bắt oan trong vụ án Năm Cam. Hai công dân này là hai doanh nhân tên tuổi của tỉnh Bình Dương.
Trong một chia sẻ trên tài khoản cá nhân facebook, luật sư Đặng Đình Mạnh không giấu cảm xúc chua chát : "Thực ra, không chỉ hai người được Bộ Công an tổ chức buổi xin lỗi vì bị giam giữ oan uổng. Mà ít nhất, có đến cả trăm bị cáo khi ấy cũng bị oan khi bị đưa chung vào một vụ đại án đầy tai tiếng mang tên "Trương Văn Cam và đồng phạm".
Rất có thể tội trạng của họ hoặc hình phạt là không oan, tương xứng với hành vi phạm tội của họ. Nhưng cả hàng trăm người trong vụ án đã phạm tội khi không có bất kỳ sự liên quan nào đến ông Trương Văn Cam, thậm chí, họ, người đầu vụ hoặc đồng phạm còn không biết đến nhau. Việc gộp chung họ vào một vụ án đầy tai tiếng như thế là không chính đáng, khiến nhân thân của họ mang tiếng xấu khó có thể gột rửa hoặc dễ dàng giải thích cho con cháu của họ được.
Ông Đ., một trong bốn thân chủ của tôi trong vụ án. Ông được mô tả như là một đối thủ cạnh tranh để tranh giành lãnh địa với ông Trương Văn Cam, theo kiểu "một rừng không thể có hai hổ". Mặc dù hành vi của ông và ông Trương Văn Cam là hoàn toàn độc lập, không liên quan, không ai nhận lệnh của ai. Nhưng cuối cùng, ông đã phải bất đắc dĩ làm bị cáo chung trong một vụ án mang tên của đối thủ : "Trương Văn Cam và đồng phạm". Khôi hài hơn, khi ông lại bị xem như là đồng phạm với đối thủ.
Không chỉ ông, mà cả ba thân chủ khác của tôi cũng trong hoàn cảnh tương tự trong vụ đại án.
02 người được Bộ Công An xin lỗi hôm nay đã may mắn, nhưng rất nhiều người bị tai tiếng oan trong một vụ đại án tày trời mà họ không có liên quan, không phải là đồng phạm … thì đã chưa có sự may mắn đó.
Vụ án "Trương Văn Cam và đồng phạm" đạt kỷ lục với những con số vô địch, trong đó, được cộng bằng cả sự oan uổng của nhiều người dân".
Với những phóng viên pháp đình như tôi thuở đó, mãi khi đến phiên phúc thẩm vụ án ông trùm Năm Cam, mới nhận ra mang máng đàng sau hậu trường chính trị là những vở tuồng triệt hạ nhau giữa những người vẫn hay gọi nhau là đồng chí.
Và mãi cho đến lúc này, mặc dù vụ án ông trùm đang được xới lại, thì một nhân vật có tên Tống Viết Hòa được cho là duyên cớ khởi sự vụ án ông trùm Năm Cam, tuy Hòa vẫn hầu tòa, song vẫn là ‘tờ giấy trắng’, liệu tới đây Tống Viết Hòa có được ‘xướng tên’ ?
Liệu sắp tới đây, khi đảng chuẩn bị ‘so găng’ lẫn nhau để bước vào nhiệm kỳ mới, những đồng chí nào sẽ ‘lộ mặt’, và ‘gót chân Achilles’ sẽ ứng vào ai ?4
"Tiền không phải là tất cả, nhưng con người có thể làm tất cả vì tiền" – đó là câu nói được cho là để đời của ông trùm giang hồ một thời của Sài Gòn có tên Trương Văn Cam (1947 – 2004).
Hiền Vương
Nguồn : VNTB, 06/03/2020
*******************
Chẳng riêng công an cần ‘phát động học tập toàn ngành’ !
Trân Văn, VOA, 05/03/2020
Có lẽ ông Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bộ trưởng Công an – chỉ cảm thấy may mắn khi ngành do ông lãnh đạo không phải bồi thường cho ông Bùi Mạnh Lân, mặc dù lý do ông Lân từ chối nhận bồi thường vì bị bắt sai, giam oan rất đáng để ông Tô Lâm "phát động trong toàn lực lượng công an nhân dân" một đợt học tập, rút kinh nghiệm…
Ông Nguyễn Việt Thành, Thiếu tướng, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát, Trưởng ban Chuyên án Z5.01 – trở thành ngôi sao, được báo chí ca tụng như một anh hùng, được tặng thêm một sao, trở thành Trung tướng (2003) và được bổ nhiệm làm Phó Ban Chỉ đạo trung ương về phòng – chống tham nhũng (2006)... trước khi bị kiện về vyuj Năm Cam
***
Năm 2000, công an Việt Nam thành lập một Ban Chuyên án với bí số Z5.01 để điều tra, truy tố ông Trương Văn Cam (Năm Cam) và nhiều thuộc hạ từng phạm hàng loạt tội ác "giết người", "cố ý gây thương tích", "tổ chức đánh bạc", "đánh bạc", "che giấu tội phạm", "hối lộ", "tổ chức đưa người khác trốn ra nước ngoài"…
Bởi Năm Cam được viên chức nhiều ngành thuộc nhiều cấp hỗ trợ nên ông ta mới trở thành trùm tổ chức tội phạm khuynh đảo sinh hoạt xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh trong hàng chục năm. Dọn dẹp tổ chức tội phạm do Năm Cam chỉ huy đồng nghĩa với việc lôi ra ánh sáng, trừng trị các viên chức hậu thuẫn cho Năm Cam.
Đó cũng là lý do "Ban Chuyên án Z5.01" trở thành một cơ quan siêu quyền lực. Lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hệ thống tư pháp khởi tố - điều tra – đưa ra xét xử các Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam là Thứ trưởng Công an (Bùi Quốc Huy), Viện phó Viện Kiểm sát tối cao (Phạm Sỹ Chiến)...
Ông Nguyễn Việt Thành, Thiếu tướng, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát, Trưởng ban Chuyên án Z5.01 – trở thành ngôi sao, được báo chi ca tụng như một anh hùng, được tặng thêm một sao, trở thành Trung tướng (2003) và được bổ nhiệm làm Phó Ban Chỉ đạo trung ương về phòng – chống tham nhũng (2006)...
***
Sau khi triệt phá tổ chức tội phạm do Năm Cam chỉ huy, "Ban Chuyên án Z5.01" của Bộ Công an đã "mở rộng điều tra về một số vụ án có dấu hiệu liên quan đến các nhóm tội phạm có tổ chức khác". Một trong những vụ được "Ban Chuyên án Z5.01" xem như… "vụ án" là sự kiện "gây rối trật tự công cộng" tại Công ty Gas Bình Dương.
Công ty Gas Bình Dương tọa lạc trong Khu công nghiệp Đồng An ở Bình Dương. Khu công nghiệp này do Công ty Hưng Thịnh đầu tư. Thay vì để tòa án phân giải bất đồng về góp vốn giữa các thành viên của Công ty Gas Bình Dương, có liên quan đến Công ty Hưng Thịnh thì "Ban Chuyên án Z5.01" khởi tố vụ án "gây rối trật tự công cộng".
Vụ "gây rối trật tự công cộng" mà "Ban Chuyên án Z5.01" xem là vụ án xảy ra từ năm 2000 nhưng đến năm 2003 mới được… lật lại để khởi tố. "Ban Chuyên án Z5.01" đã tống giam bảy người, trong đó có ông Bùi Mạnh Lân (Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Hưng Thịnh) và ông Phạm Văn Hướng (Phó Tổng giám đốc của Công ty Hưng Thịnh)…
Song song với việc tống giam, "Ban Chuyên án Z5.01" chủ động cung cấp thông tin để hệ thống truyền thông chính thức loan báo rộng rãi rằng Công ty Hưng Thịnh là một tổ chức tội phạm trá hình và những cá nhân như Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng… là những ông trùm kiểu như Năm Cam !
Cho dù dư luận lại sôi sùng sục nhưng sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ mà "Ban Chuyên án Z5.01" cung cấp, Viện Kiểm sát tối cao không dám phê chuẩn đề nghị tạm giam ông Hướng của "Ban Chuyên án Z5.01", hoặc vội vàng hủy bỏ quyết định tạm giam ông Lân và một số người khác mà cơ quan này từng phê chuẩn.
Tuy nhiên "Ban Chuyên án Z5.01" lờ đi, kéo dài thời gian giam giữ ông Lân và ông Hướng. Tính ra ông Hướng bị giam giữ trái phép 63 ngày, ông Lân bị giam giữ trái phép 41 ngày và ông Hướng bị giam giữ trái phép 63 ngày. Sau thời gian vừa kể, cả hai được phóng thích nhưng vẫn là bị can cho đến tháng 8/2004…
Vì sao "Ban Chuyên án Z5.01" lại làm như thế ? Do áp lực từ tố cáo của nhiều nạn nhân trong một thời gian dài, năm 2011, Cục Điều tra hình sự của Viện Kiểm sát tối cao đã khởi tố vụ án "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan đến một số sĩ quan từng là thành viên "Ban Chuyên án Z5.01"…
Theo Kết luận điều tra vụ án do Cục Điều tra hình sự của Viện Kiểm sát tối cao thực hiện, ông Lân, ông Hướng bị bắt vì ông Lân từng mua 23.000 mét vuông đất của một cặp vợ chồng ở Bình Dương. Tuy "tiền đã trao, cháo đã múc" nhưng cặp vợ chồng này lại muốn hủy giao dịch đó và hai bên đưa nhau ra tòa. Vụ án "gây rối trật tự" mà "Ban Chuyên án Z5.01" khởi tố đã đẩy ông Lân vào thế yếu nên trong quá trình bị tạm giam, ông phải thực hiện gợi ý của Điều tra viên Nguyễn Văn Nên : Trả lại giấy tờ cho chủ cũ của thửa đất, nhận lại 5,2 tỉ đồng. Nhận lại giấy tờ, chủ cũ đã giao 5,2 tỉ cho Điều tra viên Nguyễn Văn Nên như "tang vật" của "vụ án"…
Sau khi được phóng thích, ông Lân tiếp tục theo đuổi vụ kiện cặp vợ chồng đã bán đất cho ông. Vì Tòa buộc cặp vợ chồng này phải giao đất cho ông Lân, họ quay lại đòi 5,2 tỉ đồng đã nộp cho "Ban Chuyên án Z5.01". Tới lúc đó người ta mới biết Điều tra viên Nguyễn Văn Nên giữ khoản tiền này trong… tài khoản riêng của ông ta !
Nhiều sĩ quan từng là thành viên của "Ban Chuyên án Z5.01" còn dính líu vào nhiều chuyện động trời khác. Chẳng hạn đem hơn 20 tỉ đồng và 200.000 Mỹ kim là tang vật của một số vụ án đem gửi ngân hàng để lấy hàng tỉ tiền lãi rồi chia cho nhau (1). Những sĩ quan dính líu đến những chuyện bầy hầy như vừa kể đều thuộc Công an tỉnh Tiền Giang !
Tại sao các sĩ quan của Công an tỉnh Tiền Giang lại trở thành thành viên của "Ban Chuyên án Z5.01" của Bộ Công an ? Rất đơn giản ! Trước khi trở thành Trưởng ban Chuyên án Z5.01, ông Thành là Giám đốc Công an Tiền Giang nên Công an Tiền Giang trở thành lực lượng chủ trong tấn công tội phạm có tổ chức !
***
Ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng đã được xác định là vô tội (đình chỉ điều tra, không còn là bị can) từ năm 2004. Một năm sau khi "Anh hùng" Nguyễn Việt Thành nghỉ hưu (2009), chuyện "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" của nhiều sĩ quan là thành viên "Ban Chuyên án Z5.01" đã được làm rõ.
Nhiều "người hùng" đã hầu Tòa và bị phạt tù : Nguyễn Tuyến Dũng (năm 2003 là Điều tra viên cao cấp Công an tỉnh Tiền Giang) bốn năm tù. Ngô Thanh Phong (năm 2003 là Trưởng phòng Cảnh sát điều tra Công an Tiền Giang) ba năm tù, Phạm Văn Út (Thủ quỹ kiêm Thủ kho tang vật của Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang) một năm tù. Nguyễn Văn Nên (năm 2003 là Phó phòng Cảnh sát điều tra Công an Tiền Giang) thì đang bị cưỡng bức chữa bệnh… tâm thần (2) !
Vì sao 16 năm sau khi đình chỉ điều tra Bộ Công an mới tổ chức xin lỗi ông Lân, ông Hướng và hứa sẽ xem xét bồi thường ? Tại sao phải mất 16 năm mới "xin rút kinh nghiệm sâu sắc không để trường hợp tương tự xảy ra" ? Song đó chưa phải là những vấn đề đáng ngẫm nghĩ.
Đáng ngẫm nghĩ nhất là tâm sự của ông Lân, giải thích tại sao ông không muốn nhận bồi thường oan sai : Thứ nhất, tiền bồi thường oan sai là tiền thuế do nhân dân đóng nộp, trong khi những người dân không có liên quan tới sự việc của ông. Thứ hai, tiền không thể bù đắp những tổn thất về danh dự, uy tín của ông và gia đình ông (3).
Trước nay, Bộ Công an cũng như các ngành còn lại thuộc hệ thống tư pháp (Viện Kiểm sát, Tòa án), rồi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không nhìn ra được hai khía cạnh mà ông Lân nêu, cho nên oan khiên tiếp tục chất chồng. Đó cũng là lý do một số oan án đã được giải như oan án của Nguyễn Thanh Chấn, oan án của Huỳnh Văn Nén, oan án của Hàn Đức Long... chỉ mới được nhìn nhận để tuyên truyền như một… điểm son của "cải cách tư pháp" là… nhận sai và chấp nhận bồi thường nhiều tỉ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 05/03/2020
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/khoi-to-3-si-quan-cong-an-tien-giang-441523.htm
(2) https://www.tienphong.vn/phap-luat/vi-sao-ong-nguyen-van-nen-bi-loai-ngu-522921.tpo
(3) https://dantri.com.vn/phap-luat/vi-doanh-nhan-tu-choi-boi-thuong-tu-bo-cong-an-20200305103100320.htm