Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/03/2020

Vì sao Việt Nam khó lòng thay thế vai trò công xưởng thế giới của Trung Quốc ?

David Dodwell

Nhà nghiên cứu David Dodwell cho rằng nếu nghĩ rằng vai trò không thể thiếu của Trung Quốc đang suy yếu thì đó là một suy nghĩ ngây thơ và sai lầm. Ảnh minh họa

congxuong1

Nữ công nhân trong một công ty sản xuất hàng hóa cho trẻ em ở Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, vào tháng 5 năm 2019. Ảnh: EPA-EFE

Tạm gác câu chuyện dịch virus corona sang một bên và trên hầu hết các phương tiện truyền thông, 3 chủ đề chi phối thảo luận về Trung Quốc và nền kinh tế thế giới tại thời điểm này là : Sự tách rời khỏi Trung Quốc, chuyển dịch sản xuất sang các nước Châu Á và sự sụp đổ của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu có sẵn và nhận thức chung đơn thuần, quá trình chuyển dịch phức tạp hơn rất nhiều và câu chuyện tách rời ra khỏi Trung Quốc có vẻ không hợp lý.

Có lẽ cũng đúng khi cho rằng chính quyền Mỹ hiện tại đang gây áp lực và buộc các công ty đa quốc gia Mỹ chuyển hoạt động sản xuất về quê nhà với mục tiêu "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Tuy vậy, xét tới chuyện General Motors sản xuất và bán 40% xe hơi ở Trung Quốc, hoặc Apple sản xuất phần lớn iPhone ở Trung Quốc và thị trường Châu Á chiếm 1/3 doanh số công ty, thì việc chuyển dịch hoạt động sản xuất không chỉ không hợp lý mà còn tàn phá hoạt động của chính các công ty này.

Chuyện kể rằng Trung Quốc vẫn là công xưởng thế giới, cung cấp các sản phẩm công nghệ cấp thấp, giá rẻ cho các thị trường giàu có vì mức lương bèo bọt và điều kiện làm việc khốn khổ mà công nhân phương Tây và các công đoàn của họ không bao giờ chịu đựng được.

Trong hai thập kỷ qua, thời thế xoay vần và Trung Quốc nay đã khác. Trung Quốc đã trở thành một thị trường tiêu dùng khổng lồ và ngày càng giàu có theo cách riêng của mình, điều này góp phần giải thích dòng chảy đầu tư sản xuất mạnh mẽ ổn định vào nước này.

Trung Quốc vẫn chiếm 35% sản lượng sản xuất toàn cầu, nhưng tỷ trọng sản lượng ngày càng tăng này là để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa China. Trung Quốc chỉ chiếm 10% khoản tiêu dùng của hộ gia đình trên toàn cầu, nhưng nước này là nguyên nhân đằng sau đà tăng trưởng 38% về tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu.

Đối với phần lớn công ty đa quốc gia đã xây dựng chuỗi cung ứng xoay quanh Trung Quốc, việc pha loãng hoạt động ở Trung Quốc hoặc di dời sang nơi khác sẽ là tai họa cho chính các công ty này.

Tuy vậy, điều này không thể ngăn các biên tập viên ở New York, London hoặc Frankfurt tìm kiếm các ví dụ về việc di dời sản xuất khỏi Trung Quốc. "Đứa con cưng" của đợt nghiên cứu lần này là Việt Nam, nơi đã xây dựng một nền kinh tế sản xuất xuất khẩu, đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và thu hút đầu tư nước ngoài đáng kể.

congxuong2

Một khách hàng nhìn chăm chú vào chiếc iPhone tại một cửa hàng của Apple ở Trung Quốc. Nguồn : SCMP

Các công ty quốc tế như Kyocera và Ricoh từ Nhật Bản, Samsung từ Hàn Quốc, Guizhou Tyre và HL Corporation từ Trung Quốc đều là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam trong vài năm qua.

Theo Báo cáo Đầu tư Thế giới của Liên Hiệp Quốc (UN) trong năm 2018, khoản đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 16 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 139 tỷ USD chảy vào Trung Quốc. Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là 145 tỷ USD, trong khi của Trung Quốc lên đến 1,63 ngàn tỷ USD. Do đó, tổng dòng vốn FDI của Việt Nam chỉ bằng dòng FDI chảy vào Trung Quốc trong 1 năm duy nhất.

Thật ra, lối ngụy biện chuyển dịch sản xuất một phận được dựa trên việc không thể nhận sự khác biệt to lớn về quy mô và phạm vi của Việt Nam – hoặc bất kỳ quốc gia nào khác ở Đông Nam Á – so với Trung Quốc. Từ đó, kìm hãm những gì Việt Nam có thể hấp thụ được.

GDP của Việt Nam trong năm 2018 lên tới 245 tỷ USD – nhỏ hơn 55 lần so với mức 13,6 ngàn tỷ USD của Trung Quốc. Trung Quốc có 15 tỉnh có GDP (xét theo ngang giá sức mua – PPP) lớn hơn cả Việt Nam, và 8 tỉnh có GDP cao gấp đôi.

Trung Quốc có lực lượng sản xuất khoảng 800 triệu người, trong khi Việt Nam chỉ có 55 triệu người. Trong năm 2017, tỷ trọng đóng góp của Trung Quốc trong sản lượng sản xuất toàn cầu là 28,2% - cao hơn nhiều so với mức 17,2% của Mỹ và chỉ 0,27% của Việt Nam.

Tổng giá trị gia tăng thêm từ lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc là 4 ngàn tỷ USD trong năm 2018, hơn 100 lần so với Việt Nam. Cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn mong manh và kém hơn của Trung Quốc. Công suất tạo điện năng của Việt Nam khoảng 41 triệu kilowatt, quá thấp so với 1,65 tỷ kilowatt của Trung Quốc.

Việt Nam có tổng cộng 2.600 km đường sắt, trong khi Trung Quốc có tới 131.000 km, trong số này có 29.000 km đường sắt cao tốc.

Đường cao tốc để đẩy nhanh tốc độ cung ứng hàng và linh kiện trên cả nước đến và đi từ các nhà máy vẫn chưa nhiều ở Việt Nam, so với 136.000 km ở Trung Quốc. Đất nước này có 7 trong số 10 cảng container bận rộn nhất thế giới : Đặt lên bàn cân, thông lượng 40 triệu container mỗi năm của Thượng Hải cao hơn nhiều lần so với mức 6,15 triệu container qua cảng Sài Gòn, cảng lớn nhất Việt Nam.

Nói tóm lại, nhiều tỉnh riêng lẻ của Trung Quốc sẽ có khả năng hấp thụ các nhà sản xuất nước ngoài tốt hơn Việt Nam. Các công ty quốc tế đang tìm cách đa dạng hóa khỏi Greater Bay Area, Thượng Hải hoặc Thiên Tân đang xem xét các tỉnh này trước khi họ xem xét các nền kinh tế nhỏ của Đông Nam Á với cơ sở hạ tầng sản xuất tương đối mong manh.

Thêm vào đó, thị trường tiêu dùng nội địa của Trung Quốc vẫn rất khổng lồ và cho đến này là thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Do đó, việc dịch chuyển đáng kể hoạt động sản xuất từ Trung Quốc ra nước ngoài có vẻ không hợp lý cho lắm.

congxuong3

Càng trục đứng và lượng container tại cảng nước sâu Yang Sơn, do Tập đoàn cảng quốc tế Thượng Hải vận hành, vào ngày 7 tháng 8 năm 2019. Cảng xử lý 40 triệu container mỗi năm. Ảnh : Bloomberg

Tác giả bài viết nói ra những điều ở trên không phải là để khẳng định sẽ chẳng có gì thay đổi ở Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc đã thúc giục các nhà chế biến xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp và gây ô nhiễm môi trường từ Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ - vốn được thành lập vào những năm 1980 tại Greater Bay Area – giảm bớt mức độ gây ô nhiễm hoặc dời cơ sở ra nước ngoài.

Các lỗ hổng của chuỗi cung ứng dài và phức tạp dần dần hiện rõ trong thời gian gần đây và nhiều công ty đã tìm cách đơn giản hóa chuỗi cung ứng và đảm bảo nguồn dự phòng cho các thành phần chính.

Nhưng đối với các công ty ở Trung Quốc - nước ngoài hoặc địa phương, điều này có liên quan đến việc đưa thêm chuỗi cung ứng vào Trung Quốc cũng như xem xét việc nhập nguồn dự phòng từ nước ngoài.

Có nhiều lý do hợp lý để các công ty đa dạng hóa trên toàn cầu trong những năm gần đây, và những lý do đó vẫn còn hợp lý cho đến nay. Trung Quốc đang gắn kết sâu vào các chuỗi toàn cầu này, không chỉ dưới vai trò ông lớn xuất khẩu mà còn là thị trường tiêu dùng ngày càng quan trọng hơn đối với thế giới.

Các nền kinh tế đang lên như Việt Nam đang tham gia vào những chuỗi cung ứng này và điều đó chỉ mang lại lợi ích. Thế nhưng, nếu nghĩ rằng vai trò không thể thiếu của Trung Quốc đang suy yếu thì đó là một suy nghĩ ngây thơ và sai lầm.

David Dodwell

Nguyên tác : Why Vietnam will not replace China any time soon as the world’s manufacturing hub, South Morning China Post, 07/03/2020

Vũ Hạo dịch

Nguồn : Nhịp Cầu Đầu Tư, 07/03/2020

*Bài viết thể hiện quan điểm của nhà nghiên cứu David Dodwell trên SCMP.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: David Dodwell
Read 550 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)