Điều được ghi nhận đầu tiên về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Đông Nam Á, là những con số rất khiếm tốn về ca nhiễm, nhìn chung chỉ từ vài người cho đến vài chục người.
Ảnh minh họa : Ton Tam Rap Thai, một nhà hàng nổi tiếng đón du khách Trung Quốc tại Bangkok, đóng cửa do thiếu vắng khách vì dịch Covid-19. Ảnh 06/03/2020. Reuters/Chalinee Thirasupa
Đây quả là một điều rất khác thường đối với một vùng là láng giềng sát cạnh Trung Quốc, nơi xuất phát của dịch Covid-19 vốn đã lan rộng ra toàn thế giới, với nhiều nơi có số ca nhiễm đã vượt mức 1000. Càng khác thường hơn nữa là một số nước có biên giới chung với Trung Quốc, cho đến cuối tháng Giêng, vẫn tiếp đón những chuyến bay thẳng thường nhật từ tâm dịch là thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc.
Giới quan sát đã bước đầu tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới những con số nhỏ bé đó để cho rằng chính quyền một số nước, vì những động cơ chính trị, đã cố tình giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của tình hình.
Theo những con số được chính thức thông báo cho đến hết ngày hôm qua, 09/03/2020, Singapore là nước Đông Nam Á ghi nhận số ca bị nhiễm virus corona cao nhất, với 150 trường hợp, theo sau là Malaysia với 99 ca, kế đến là Thái Lan với 50 ca lây nhiễm, Việt Nam 31 ca.
Và ở tận cuối bảng, người ta ghi nhận 7 trường hợp ở Philippines, 4 trường hợp ở Indonesia, 2 trường hợp ở Cam Bốt. Còn ở Lào, Miến Điện và Brunei, hoàn toàn không có một trường hợp lây nhiễm nào.
Những lời giải thích "trời ơi" từ một số nước
Theo Carole Isoux, thông tín viên đài RFI và nhật báo Libération tại Bangkok, không thiếu cách diễn giải của một số chính quyền tại chỗ về tình trạng miễn dịch, hay ít bị lây lan của nước họ.
Tiêu biểu nhất là lời giải thích của bộ trưởng Y Tế Indonesia. Nhân vật này đã không ngần ngại giải thích công khai rằng : "Chính những lời cầu nguyện đã bảo vệ chúng tôi khỏi virus".
Còn tại Thái Lan, lời giải thích không đến nỗi siêu hình, nhưng rất vô tư : Đó là do thói quen sạch sẽ của người Thái, thường tắm nhiều lần trong ngày. Mặt khác, đó cũng là do cách chào của người Thái, chỉ chắp tay vái chứ không bắt tay, hay ôm hôn.
Tại Việt Nam, cụ thể là ở miền Nam, lập luận cho rằng con virus corona, cũng như một số virus khác, rất sợ trời nóng, vì thế đã tránh Việt Nam !
Hệ thống y tế yếu kém
Nhưng đối với giới chuyên môn, những con số lây nhiễm cực thấp tại nhiều nước phản ánh một hệ thống y tế yếu kém.
Một báo cáo gần đây của một nhóm bác sĩ và nhà toán học thuộc đại học Mỹ Harvard cho rằng căn cứ vào các dữ liệu thống kê về những dịch bệnh khác, đối với các quốc gia Đông Nam Á, nhất là Indonesia, Thái Lan và Cam Bốt, số các ca nhiễm Covid-19 trong thực tế không thể thấp như vậy.
Marc Lipsitch, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Động lực các loại bệnh truyền nhiễm, đại học Mỹ Harvard khẳng định : "Có nhiều ca nhiễm bị bỏ qua không bị phát hiện trong vùng".
Dẫu sao thì tại các nước phát triển, các giới chức y tế đã hiểu rất rõ tình trạng đó. Mặc dù có số liệu chính thức về các ca nhiễm Covid-19 rất thấp, Thái Lan và Cam Bốt chẳng hạn, đều bị đưa vào danh sách các quốc gia nguy hiểm và những người trở về từ hai quốc gia đó đã được khuyến cáo là nên chịu một thời gian cách ly.
Tại các quốc gia mà phần đông người dân sống mấp mé ngưỡng nghèo khó, do thiếu bảo hiểm y tế, nhiều người không đi khám bệnh khi chỉ có những triệu chứng giống như bệnh cúm. Ngay cả khi có đi khám, thì họ gặp phải tình trạng thiếu phương tiện xét nghiệm, chỉ được dành cho những ca rất nặng hay những người vừa đến từ những nước có nguy cơ cao. Những người bị ho và sốt thì được cho về với thuốc kháng sinh.
Lãnh đạo y tế thành phố Phuket ở Thái Lan chẳng hạn, mới đây đã công nhận trước các phóng viên là ông không được phép cung cấp cho nhà báo thông tin về chuyển biến của dịch Covid-19 !
Ngân sách y tế hạn hẹp
Trong khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore được đánh giá cao và được giới chuyên gia khen ngợi về cách xử lý khủng hoảng, các nước ASEAN còn lại chỉ dành ngân sách tối thiểu cho hệ thống y tế của mình.
Một ví dụ điển hình là Miến Điện, nước chia sẻ đường biên giới dài 1.400 cây số với Trung Quốc, với người và hàng hóa tự do qua lại dọc theo biên giới này. Cho đến ngày 20/02 vừa qua, đất nước này không có thiết bị thử nghiệm của mình mà các mẫu xét nghiệm phải gởi sang Thái Lan phân tích. Hàng năm ngân sách Miến Điện dành cho y tế chỉ là 600 triệu euro. Để so sánh, ngân sách y tế của Pháp lên đến 20 tỷ.
Ngoài ra còn có vấn đề ưu tiên khiến cho dịch Covid-19 không được coi trọng. Theo Carole Isoux, vào lúc Đông Nam Á đang phải vật lộn với một đợt dịch sốt xuất huyết tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của khu vực, một số nước còn phải đối phó với bệnh lao đang trỗi dậy trở lại. Vấn đề tử vong trẻ sơ sinh, nạn suy dinh dưỡng vẫn luôn là yếu tố bình thường trong cuộc sống thường ngày ở nhiều vùng. Trong tình hình đó, theo như phân tích của bác sĩ Somnak Kongchathai, ở Surat Thani, miền nam Thái Lan thì "việc hoảng hốt trước virus corona, thẳng thắn mà nói, chỉ là vấn đề của nước giàu mà thôi".
Giấu bệnh để thu hút du khách
Tầm quan trọng của ngành du lịch cũng giải thích phần nào những báo cáo về số liệu ít ỏi người nhiễm virus corona.
Ngày 02/03, bộ trưởng Y Tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã công bố trên mạng xã hội một tài liệu theo đó những người đến từ Pháp và Đức cam kết sẽ tuân thủ một thời gian tự cách ly trong phòng khách sạn của họ. Trước làn sóng phản ứng, ông đã phải lùi bước ; đất nước Thái Lan không thể làm phật lòng số ít du khách còn lại với những biện pháp cứng rắn hay số liệu quá thật.
Theo bộ trưởng Du Lịch Thái Lan, du khách Trung Quốc giảm đến 86%, ngành thua thiệt đến 7,5 tỷ euro. Ở những nơi trong vùng Đông Nam Á, các bãi biển hầu như hoang vắng, những địa điểm du lịch như đền Angkor ở Cam Bốt hay vịnh Hạ Long ở Việt Nam cũng trống vắng. Du khách Trung Quốc mang lại ít ra một phần tư thu nhập cho ngành du lịch trong khu vực.
Không muốn làm Trung Quốc mếch lòng
Ngoài ra, theo giới quan sát, cũng có tính toán chính trị. Nhiều nước trong vùng không muốn cho thấy là họ quá sốt sắng trong việc thông báo quá sát về số lượng người nhiễm virus để khỏi làm mếch lòng người láng giềng Trung Quốc hùng mạnh mà kinh tế cả vùng đều lệ thuộc vào, nhưng lại là nơi phát tán con virus độc hại.
Một ví dụ điển hình. Ngay đầu tháng Hai, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã đến Trung Quốc và đã tuyên bố trong một tin nhắn Twitter rằng : "Người ta không thể bỏ bê một người bạn trong cơn khó khăn".
Mai Vân
Nguồn : RFI, 10/03/2020