Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/03/2020

Virus corona : Viễn cảnh nào cho kinh tế Việt Nam

Lê Viết Thọ

Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Long trao đổi với BBC News tiếng Việt qua thư điện tử về tác động của Covid-19 lên nền kinh tế Việt Nam và những gì Việt Nam cần làm để vượt qua khó khăn do tác động đó, cũng như để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững.

viencanh1

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng đến ngành dịch vụ Việt Nam. Trong ảnh : Phố bia Tạ Hiện (Hà Nội) vắng vẻ lạ thường trong mùa dịch

Ông Phạm Long đang làm việc tại Trường Kinh doanh và Khoa học xã hội, Đại học Louisiana, Hoa Kỳ.

Tác động tiêu cực, toàn diện với kinh tế Việt Nam

Truyền thông trong nước phổ biến kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân với hơn 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh.

Khảo sát trên cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.

Đánh giá về ảnh hưởng của dịch Covid-19 với nền kinh tế Việt Nam, Phó giáo sư tiến sĩ Phạm Long cho rằng, đó là điều khá rõ ràng :

"Ngoài du lịch, các ngành sản xuất như may mặc, da giầy, điện, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô… đang chịu áp lực rất lớn vì hầu hết các nguyên nhiên vật liệu, phụ trợ, phụ tùng, hay thiết bị đầu vào cho quá trình sản xuất được nhập từ Trung Quốc, nay do dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch mà Trung Quốc đang triển khai trong đó có kiểm soát biên giới và các dòng lưu chuyển hàng hóa, đang trở nên thiếu hụt".

"Nhìn chung, các chuyên gia nhận định là các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành này cố gắng thì cũng chỉ chống đỡ được cho đến cuối tháng 3 hay nửa đầu tháng 4, sau đó nếu tình hình không tiến triển tốt lên thì sẽ không đủ các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất, lúc đó việc đóng cửa từng phần hoặc toàn bộ nhà máy chỉ là vấn đề thời gian". Tiến sĩ Phạm Long nhận định.

"Cũng lưu ý rằng bên cạnh việc nhập khẩu đầu vào cho quá trình sản xuất từ Trung Quốc, các doanh nghiệp của chúng ta còn nhập khẩu đáng kể từ Hàn Quốc và Nhật Bản và tình hình Covid-19 ở hai quốc gia này cũng đang có những dấu hiệu xấu đi, do đó càng gây áp lực lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất của chúng ta".

"Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản cũng bị ảnh hưởng vì phần lớn là chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc, nay Trung Quốc đang tạm thời kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu và dòng lưu chuyển hàng hóa".

"Nói tóm lại, không trực tiếp thì gián tiếp, hầu hết các ngành, lĩnh vực, và doanh nghiệp của Việt Nam đang bị tác động tiêu cực do Covid-19 gây ra".

GDP Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào ?

Dù Việt Nam đang chuẩn bị các kịch bản theo tình hình dịch Covid-19 để chủ động ứng phó, nhưng chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay.

Câu hỏi đặt ra là GDP Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào từ dịch ?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 12/2, khi công bố báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với kinh tế-xã hội Việt Nam, đã giảm mức dự báo GDP xuống chỉ còn 5,96% nếu dịch bệnh kéo dài đến quý II, so với mục tiêu đặt ra trước đó cho cả năm là 6.8%.

Về chuyện này, Phó giáo sư Phạm Long cho rằng, con số còn phụ thuộc vào dịch sẽ được kiểm soát hoàn toàn như thế nào ở Việt Nam, các nước cung cấp đầu vào sản xuất cho Việt Nam, và trên thế giới, mức độ chịu ảnh hưởng của GDP là khác nhau.

viencanh2

Dệt may cũng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19.

"Một số ngành bị thiệt hại của Việt Nam, ví dụ ngành Hàng Không từ cuối tháng 1 đến nay giảm doanh thu là khoảng 25 nghìn tỷ đồng ; ngành du lịch có thể thiệt hại đến 5 tỷ USD nếu dịch kéo dài đến hết quý 2. Các kịch bản cho sự sụt giảm của GDP phụ thuộc vào khi nào Covid-19 được kiểm soát : hết quý 1, hết quý 2, hay lâu hơn".

"Các chuyên gia cho rằng khả năng GDP của Việt Nam sẽ sụt giảm trong khoảng từ 0,5% - 1% trong năm 2020. Tuy nhiên, đó chỉ là con số dự đoán. Nếu tình hình tích cực, tức là Covid-19 được kiểm soát sớm hơn, "công suất" hoạt động của các nhà máy sản xuất và chế biến sẽ ở mức cao hơn bình thường sau khi bị "nén" trong thời gian dịch để bù đắp cho những tổn thất trước đó, thì mức giảm của GDP có thể thấp hơn 0,5%".

Kích thích tiền tệ, nên hay không ?

Giữa tình hình đó, chính phủ Việt Nam có nên đưa ra gói kích thích tài chính, tiền tệ hay không ?

Tiến sĩ Đinh Tuấn Minh, trong bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng, "Dù với bất kể kịch bản nào, Chính phủ cần kiên định không lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế".

Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng, kích thích tiền tệ là điều cần thiết, nhấn mạnh là trong bối cảnh Việt Nam hiện nay một khu vực chính phủ có thể/cần tăng chi tiêu ngay là bổ sung nguồn lực cho hệ thống y tế ; tăng và mở rộng chi bảo hiểm thất nghiệp. Quan điểm này cũng viện dẫn việc gần đây, Hong Kong đã có gói kích thích tiền tệ lớn, với việc phát cho mỗi người dân (trên 18 tuổi) 1.200 USD không điều kiện.

Phó Giáo sư Phạm Long cho rằng Việt Nam cần một gói kích thích tài chính.

Tuy nhiên, điều này phải đặt trong bối cảnh tổng thể của phát triển kinh tế với mục tiêu tăng trưởng, giảm thiểu tác động của xu hướng đang chững lại của nền kinh tế thế giới và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững ; chứ không phải là vì những gì đang diễn ra xung quanh câu chuyện Covid-19. Bởi theo ông, Covid-19 cũng chỉ là một nhân tố trong nhiều nhân tố rủi ro và bất trắc có thể xảy ra sau này.

Ông nhận định : "Cái mà chúng ta quan tâm hiện nay là khi nào Covid-19 sẽ chấm dứt, có thể là cuối quý 1 hay cuối quý 2 năm 2020, hay cũng có thể là lâu hơn. Thuật ngữ chúng ta dùng ở đây là "Hỗ trợ" tạm thời trong ngắn hạn, với kỳ vọng dịch sẽ nhanh chóng được kiểm soát".

"Các doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19 đang rất cần sự hỗ trợ của chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sụt giảm vì hoạt động cầm chừng, hay phải dừng hoạt động, hay không xuất khẩu được sẽ làm giảm doanh thu đáng kể, trong khi các chi phí vẫn phát sinh, đặc biệt là các khoản vay ngân hàng, rồi các khoản nghĩa vụ với nhà nước".

"Các hình thức hỗ trợ có thể là gia hạn nợ, giảm lãi suất, miễn lãi suất, điều chỉnh linh hoạt thời điểm thanh toán nợ hay lãi, khoanh nợ, giãn nợ, lùi thời gian nộp các khoản nghĩa vụ với ngân sách, giảm các khoản nộp, và phí để giảm bớt một phần gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp".

"Hơn nữa, chính quyền trung ương, địa phương và các bộ, ngành có thể giúp cung cấp thông tin và thủ tục hành chính, để các doanh nghiệp có thể thương thảo với các đối tác cung ứng đầu vào ở nước ngoài điều chỉnh hợp lý các điều khoản của hợp đồng, cũng như tìm các nguồn cung ứng thay thế".

"Chính phủ cũng cần chủ động lập các kênh liên lạc thường xuyên với các nước bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và có doanh nghiệp cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, để có thể khai thông và thúc đẩy các dòng luân chuyển nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu, phụ tùng và thiết bị đầu vào ngay khi dịch vụ có thể được kiểm soát".

"Các chiến lược và kế hoạch xây dựng hình ảnh và quảng bá trên nền tảng sự thật là Việt Nam đang kiểm soát tích cực và bước đầu có hiệu quả, sẽ giúp cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp, và du khách nước ngoài yên tâm, nhanh chóng đến Việt Nam cho các mục đích sản xuất, kinh doanh hay du lịch ngay sau khi dịch được kiểm soát".

viencanh3

Hôm nay (11/3) số phận giải đua F1 tại Hà Nội sẽ được quyết định.

"Nói tóm lại thuật ngữ "gói kích thích tài chính" nên được đặt trọng một bối cảnh tổng thể hơn, vì chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng nhiều rủi ro và bất trắc. Và Covid-19 cũng chỉ là một trong những rủi ro và bất trắc đó thôi".

"Chúng ta cần có chiến lược và các gói kích thích để giúp nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng, có tính cạnh tranh, khả năng chống đỡ đối với các rủi ro và bất trắc, vừa có tính hội nhập và vừa có tính độc lập".

"Tuy nhiên, trong câu chuyện Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam đang và có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực do Covid-19 gây ra trong ngắn hạn (có thể dài hạn, phụ thuộc vào tình hình kiểm soát Covid-19), nên rất cần sự hỗ trợ của chính phủ".

"Khi Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động sẽ trở về trạng thái bình thường thậm chí gia tăng "công suất" để giúp doanh nghiệp một phần hay toàn bộ bù đắp những thiệt hại đã xảy ra. Kết quả như thế nào còn phụ thuộc vào thời điểm mà Covid-19 được kiểm soát trong ngưỡng an toàn", Phó giáo sư Phạm Long nhận định.

Chuẩn bị cho hậu Covid-19

Phó giáo sư Phạm Long cho rằng, đánh giá một cách tổng thể, ảnh hưởng của Covid-19 đến nền kinh tế khác một chút so với những câu chuyện khủng hoảng kinh tế đã từng xảy ra trước đây.

Hầu hết các cuộc khủng hoảng kinh tế có đặc trưng là nhiều vấn đề kinh tế nghiêm trọng tồn tại âm ỉ lâu dài và đến thời điểm bung ra và không thể "đỡ" được nữa nên tạo ra khủng hoảng. Với Covid-19, dù nền kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại một chút để lấy đà, năng lực sản xuất và chế biến của các doanh nghiệp Việt Nam đang vận hành, các nguồn cung cấp đầu vào không phải thiếu, các cơ hội và triển vọng tạo ra từ EVFTA và EVIPA.

Covid-19 xuất hiện đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn ; đối với nông lâm hải sản bị ảnh hưởng bởi gián đoạn xuất khẩu ; đối với cách đoanh nghiệp sản xuất khác thì vận hành có thể bị tạm dừng. Nếu Covid-19 được kiểm soát, thì các hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các ngành sẽ được "bung ra" sau khi bị "nén" lại do Covid-19.

Phó giáo sư Phạm Long nhận định : "Như vậy, sau khi Covid-19 được kiểm soát, chúng ta kỳ vọng các dòng hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu, thiết bị, các dòng khách và chuyên gia sẽ khơi thông trở lại vào Việt Nam. Do đó, chính phủ Việt Nam nên chuẩn bị các các giải pháp phối hợp và chỉ đạo các cơ quan ban ngành liên quan, các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải lên kế hoạch hoạt động để đảm bảo khơi thông hiệu quả các dòng chảy này".

"Bên cạnh đó, hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp nên tiếp tục cân nhắc giảm lãi suất trong ngắn hạn và linh hoạt về thời điểm hoàn trả lãi suất và gốc đối với các khoản vay cũ và mới của doanh nghiệp, bởi vì dòng tiền thu của doanh nghiệp sẽ có thể bị lệch pha với các dòng tiền ra, trong đó có dòng tiền trả nợ. Điều tương tự đó là cho phép mức độ linh hoạt nào đó về thời gian hoàn trả đối với các khoản nghĩa vụ ngân sách của doanh nghiệp".

"Để hỗ trợ các doanh nghiệp có các hoạt động xuất khẩu, chính phủ nên rà soát để có giải pháp giảm một số loại thuế và phí, ví dụ phí cầu đường, bến bãi, lưu giữ, lưu thông…", Phó giáo sư Phạm Long phân tích.

Cơ hội thoát Trung ?

Với câu chuyện trong nguy có cơ như ông Nguyễn Xuân Phúc, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh từng cho rằng, đây là cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế nhằm "ít phụ thuộc hơn vào một thị trường duy nhất".

Phó giáo sư Phạm Long, một lần nữa, nhấn mạnh rằng chúng ta nên xem xét trên một giác độ tổng thể, chứ không phải từ câu chuyện Covid-19 này.

"Mọi người thấy rõ rằng nền kinh tế Việt Nam có quan hệ quá chặt chẽ và phụ thuộc vào Trung Quốc. Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỉ USD các linh kiện điện tử, thì nhập từ Trung Quốc là gần 14 tỉ USD ; nhập khẩu trên 23 tỉ USD bông, xơ, sợi, vải, phụ liệu da giầy, trong đó nhập từ Trung Quốc là trên 11 tỉ USD. Đó là minh chứng cho thấy chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất".

"Về cơ bản là chúng ta phải tái cấu trúc lại nền kinh tế của chúng ta ; việc tái cấu trúc này không phải vì có Covid-19, mà chẳng qua đây là một tác nhân thôi thúc chúng ta hơn nữa thôi. Ai cũng biết là phải đa phương hóa và đa dạng hóa trong các quan hệ kinh tế, sản xuất, thương mại và đầu tư với nhiều đối tác, nhiều quốc gia, hay vùng lãnh thổ khác".

"Tuy nhiên, nói thì rất dễ, nhưng bắt đầu làm từ đâu và làm như thế nào thì lại là câu chuyện không đơn giản. Đến Mỹ hay Nhật còn phụ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc nữa là Việt Nam".

"Lấy ví dụ đơn giản, có khoảng 800 nhà cung cấp của Apple, thì có khoảng 300 nhà cung cấp đến từ Trung Quốc. Hàn Quốc cũng là một cường cuốc về ngành sản xuất, nhưng cũng phụ thuộc rất chặt chẽ vào nguồn cung của Trung Quốc".

"Cũng phải khẳng định thẳng thắn rằng, Trung Quốc có những lợi cạnh tranh nhất định mà các nước khác không có. Để sản xuất ra các nguyên vật liệu hay phụ liệu đầu vào cho việc sản xuất ra các sản phẩm thì phải có công nghệ, mà chúng ta thì rất yếu về công nghệ. Hay giả sử nếu chúng ta có thể sản xuất được các nguyên vật liệu hay phụ liệu đầu vào, thì giá thành lại rất cao và không có khả năng cạnh tranh, hay thậm chí cả chất lượng cũng có thể có vấn đề".

"Tuy nhiên, về dài hạn, chúng ta phải có chiến lược tổng thể để không quá phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc sản xuất ra các nguyên vật liệu hay phụ liệu đầu vào".

"Trước hết, quy hoạch tổng thể thế đứng của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu cho toàn bộ các sản phẩm hay dịch vụ. Ví dụ, chúng ta muốn ngành may mặc của chúng ta mỗi năm xuất khẩu bao nhiêu về số lượng và giá trị ? Chỉ là gia công hay tự chúng ta làm và bán ? Tăng trưởng mỗi năm là bao nhiêu phần trăm".

"Với quy hoạch này, thì chúng ta phải cần bao nhiêu nguyên nhiên vật liệu và phụ liệu đầu vào ? Bao nhiêu chúng ta có thể nhập khẩu ? Bao nhiêu chúng ta phải tự lực trong nước. Rồi từ đó, mới quy hoạch các khu công nghiệp hay các vùng để tạo ra mức tự lực về nguyên nhiên vật liệu và phụ liệu trong nước".

viencanh4

Các nhà hàng ế ẩm vào mùa dịch

"Các ngành, sản phẩm, hay dịch vụ khác, chúng ta cũng phải đặt ra câu hỏi tương tự và tìm ra câu trả lời trên cơ sở quy hoạch tổng thể và chi tiết".

"Thứ hai, về giáo dục đào tạo và các viện nghiên cứu phải thay đổi triệt để, nâng cao đội ngũ giảng viên thế nào, chất lượng sinh viên như thế nào để có thể tạo ra được những công nghệ hay hiểu được các công nghệ và quá trình vận hành để sản xuất các nguyên nhiên vật liệu và phụ liệu đầu vào".

"Đây là một vấn đề rất khó vì nếu chúng ta không có công nghệ, không tạo ra được công nghệ, không làm chủ được công nghệ, thì chúng ta vẫn bị lệ thuộc. Có thể có công nghệ thì lại dẫn đến vấn đề chi phí chúng ta làm ra các nguyên nhiên vật liệu hay phụ liệu lại rất cao và không có sức cạnh tranh bền vững".

"Tiếp đó, với cải cách thể chế, phải làm sao để có thể minh bạch và tạo niềm tin cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo, nghĩ dài hạn, chứ không phải tư duy tiểu nông ngắn hạn".

"Thứ tư, quan hệ trong ASEAN cần được tăng cường hơn nữa bằng cách nào để phát huy được vai trò của ASEAN và từng nước thành viên trong khối".

"Cuối cùng, tận dụng các cơ hội tạo ra từ EVFTA và EVIPA ; và các hiệp định với các đối tác khác như thế nào để có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trong đó có đầu tư sản xuất các nguyên vật liệu và phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất".

Lê Viết Thọ

Nguồn : BBC, 11/03/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Viết Thọ
Read 514 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)