Ý kiến giải thích vì sao tỉ lệ nhiễm Covid-19 ở Việt Nam thấp ; trong tình hình hiện nay, cách chống dịch của Việt Nam cần thay đổi gì
Cảnh sát kiểm tra danh tính một cư dân sống trong khu cách ly ở quận Cầu Giấy, Hà Nội
Giữa lúc tình hình phòng dịch corona virus đang căng như dây đàn, những thông tin khác nhau về các biện pháp phòng chống dịch đang được các nước áp dụng lại càng gây tranh cãi.
Có tin rằng ở Châu Âu, nhất là Anh đang phòng chống dịch theo hướng tiến đến miễn dịch cộng đồng bằng chủ động cho dịch lây lan.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ trưởng Y tế Anh lại nói 'miễn dịch cộng đồng không phải là mục tiêu hay chính sách của chúng tôi'.
Và nước Anh cũng đã công bố nhiều biện pháp nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch.
Như một ván bài ?
Miễn dịch cộng đồng là gì ? Tại sao ý tưởng này lại bị nhiều nhà khoa học phản đối ?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Úc) trao đổi với BBC News tiếng Việt sáng 17/3 rằng, khái niệm miễn dịch cộng đồng ('community immunity' hay 'herd immunity') thường được đề cập trong tình huống can thiệp dịch bệnh bằng vaccine.
"Ý tưởng là nếu một cộng đồng bị nhiễm virus, thì cách can thiệp đơn giản nhứt là xây dựng một cộng đồng có khả năng miễn dịch để giảm lây lan sang người khác. Cách xây dựng hệ thống miễn dịch mạnh là tiêm chủng vaccine cho một số người trong cộng đồng, và do đó có kháng thể (antibodies) để chống trả virus và bacteria, thì sự lây lan của dịch bệnh sẽ được hạn chế. Nói cách khác, người được tiêm chủng ngừa gián tiếp bảo vệ người chưa/không được tiêm chủng".
"Điều này cũng có nghĩa là tỉ lệ tiêm chủng càng cao thì nguy cơ lây lan trong cộng đồng càng thấp, và dịch sẽ được dập tắt. Đây là nguyên lý chánh của khái niệm miễn dịch cộng đồng".
Việt Nam quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở khu vực công cộng từ ngày 16/3
Tuy nhiên, Giáo sư Tuấn cho hay rằng, ý tưởng miễn dịch cộng đồng được nhà chức trách Anh nghĩ đến như một chiến lược để làm giảm dịch Vũ Hán (Covid-19) và lý luận đằng sau chiến lược này không liên quan đến vaccine, mà liên quan đến thực tế sinh học.
Ông giải thích :
"Thực tế sinh học là khi một người bị nhiễm virus, và sau khi hồi phục thì cơ thể người đó sẽ có khả năng chống lại virus, không bị nhiễm nữa. Quy luật này được phát hiện từ thế kỉ 18 bên Anh, nhưng có lẽ một hoàng đế Trung Hoa đã phát hiện ra quy luận này trước từ giữa thế kỷ 17 khi ông bị bệnh đậu mùa. Do đó, một số nhà chức trách và khoa học Anh nghĩ rằng nếu để cho một phần dân số nhiễm SARS-cov-2 thì nhóm này sẽ tạo ra một hệ miễn nhiễm đủ mạnh để đẩy lùi dịch".
"Nhưng có bao nhiêu người 'cần' được nhiễm tùy thuộc vào hệ số lây lan. Với hệ số lây lan hiện nay là 2, họ ước tính rằng khoảng 60% dân số Anh cần được nhiễm SARS-cov-2 để đủ lực miễn dịch".
"Cách suy nghĩ và chiến lược của nhà chức trách Anh rất... táo bạo. Nhưng suy nghĩ này có vài vấn đề về giả định. Giả định quan trọng nhứt là người bị nhiễm sẽ có hệ miễn dịch tốt hơn chống chọi lại với virus. Nhưng sự thật thì đây là virus mới, nên chưa ai biết mô típ lây nhiễm của chúng, và trong thực tế thì đã có bệnh nhân hồi phục nhưng lại tái nhiễm".
"Giả định thứ hai là chờ cho đến khi có vaccine mới để xây dựng hệ miễn dịch cho cộng đồng, nhưng phải chờ đến 6 tháng hay 1 năm. Và trong lúc đó thì số ca bệnh sẽ gây áp lực lớn đến hệ thống y tế. Chỉ cần 5% (trong số 60% nhiễm) phải nhập viện thì hệ thống y tế Anh Quốc sẽ lâm vào khủng hoảng. Do đó, chiến lược miễn dịch cộng đồng này giống như một ván bài".
"Đó chính là lý do mà nhiều nhà khoa học Anh và ngoài Anh phản đối. Rất may là nhà chức trách Anh và chánh phủ Anh đã lắng nghe giới khoa học, nên họ đã đính chánh rằng đây chỉ là một ý tưởng khoa học chớ không phải là chánh sách của họ".
Nếu áp dụng, Việt Nam sẽ có cả trăm ngàn người tử vong ?
Cũng liên quan đến miễn dịch cộng đồng, có chuyên gia ước lượng với truyền thông Việt Nam rằng : 'Nếu chọn cách miễn dịch cộng đồng, Việt Nam sẽ có ít nhất 126.000 người tử vong'.
Bình luận về ý kiến này, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, "Tôi nghĩ chắc chắn Việt Nam sẽ không áp dụng chiến lược miễn dịch cộng đồng, vì ngay từ đầu, khi dịch bộc phát bên Tàu, đã có chiến lược can thiệp rồi. Do đó, chúng ta bàn về chuyện này ở đây chỉ là lí thuyết có phần giả tưởng thôi".
"Con số 126.000 tử vong thì tôi không rõ dựa vào cơ sở khoa học nào, vì nguy cơ nhiễm và tử vong tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như mức độ lây lan, cơ cấu dân số theo độ tuổi, khả năng của hệ thống y tế, v.v".
"Cách tính của tôi cho thấy kết quả rất khác với con số đó. Qua kinh nghiệm ở Vũ Hán, chúng ta biết rằng phân bố của số ca nhiễm dao động lớn giữa các độ tuổi, với người cao tuổi có nguy cơ cao hơn người trẻ tuổi ; chúng ta cũng biết rằng nguy cơ tử vong tăng theo độ tuổi".
"Tôi sử dụng dữ liệu của Vũ Hán và tạo ra hai phân bố như trình bày qua Biểu đồ 1".
Biểu đồ 1 : Số ca nhiễm SARS-cov-2 phân bố theo độ tuổi (bên trái, đường màu xanh), và nguy cơ tử vong tính theo xác suất (bên phải, màu đỏ)
Biểu đồ 1 cho thấy, đa số (72%) những ca bị nhiễm tuổi từ 40 trở lên. Nguy cơ tử vong tăng nhanh theo độ tuổi. Đa số (92%) những ca tử vong tuổi từ 50 trở lên và thường có những bệnh đi kèm như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, ung thư, và viêm phổi mãn tính. Dữ liệu được mô phỏng từ kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Vũ Hán.
Theo Giáo sư Tuấn, với phân bố về số ca nhiễm và xác suất tử vong, có thể ước tính hậu quả của chiến lược miễn dịch cộng đồng nếu Việt Nam theo đuổi theo ba tình huống : tình huống thứ nhứt là mức độ lây lan thấp (ví dụ như hệ số lây lan 1.4, theo ước tính của WHO), và tình huống thứ hai là hệ số lây lan cao như 2.0, và tình huống thứ ba là khi hệ số lây lan lên đến 2.5 (số liệu của WHO).
Mỗi tình huống sẽ có những con số tử vong và số nhiễm khác nhau.
Cụ thể, Giáo sư Tuấn phân tích :
"Tình huống thứ nhứt : với dân số có nguy cơ lây nhiễm 95 triệu (dân số ước tính năm 2020 là 97 triệu), Việt Nam sẽ có chừng 27,1 triệu người bị nhiễm để xây dựng miễn dịch quần thể. Chúng ta có thể thấy phân bố số ca nhiễm theo độ tuổi như Biểu đồ 2, với đa số trên 40 tuổi. Nguy cơ tử vong tùy thuộc vào độ tuổi, với người cao tuổi có nguy cơ tử vong cao hơn người trẻ tuổi. Giả định rằng hệ thống y tế Việt Nam tốt hơn Tàu và do đó tỉ lệ tử vong chỉ bằng 20% tỉ lệ tử vong quan sát bên Vũ Hán, thì có thể ước tính rằng có đến 102.300 ca tử vong".
"Tình huống thứ hai : với hệ số lây lan là 2,0, sẽ có 47,5 triệu người bị nhiễm virus mới. Với giả định về cơ cấu dân số, phân bố số ca theo độ tuổi như tình huống 1, cùng tỉ lệ tử vong như tình huống 1, thì số ca tử vong có thể ước tính lên đến 179.300".
"Tình huống thứ ba : với hệ số lây lan là 2,5, sẽ có 57 triệu người bị nhiễm virus mới. Và, với những giả định trên, có thể ước tính số số ca tử vong là 215.100 người".
Theo Giáo sư Tuấn, qua mô hình trên, chúng ta có thể thấy nếu chiến lược miễn dịch cộng đồng được triển khai và nếu giả định rằng khả năng y tế của Việt Nam tốt hơn Trung Quốc, số ca tử vong vẫn có thể rất cao : từ 102.300 đến 215.100 ca, tùy theo tình huống và hệ số lây lan (Biểu đồ 2). Đó là chưa tính đến số ca phải nhập viện, mà theo ước tính của ông là khoảng 5% số ca bị nhiễm.
"Với 5% ca nhập viện thì hệ thống y tế của Việt Nam sẽ rất khó mà đáp ứng được. Do đó, tôi nghĩ Việt Nam sẽ không bao giờ - và cũng không nên - theo đuổi chiến lược miễn dịch cộng đồng", ông Tuấn nói.
Biểu đồ 2 : Ước tính số ca tử vong cho mỗi độ tuổi theo 3 tình huống : tình huống 1 (màu đỏ) với hệ số lây lan là 1.4 ; tình huống 2 (màu xanh lá cây) với hệ số lây lan 2 ; và tình huống 3 (màu xanh dương) với hệ số lây lan 2.5.
Còn quá sớm để đánh giá hiệu quả chiến lược của Việt Nam
Được hỏi về đánh giá cá nhân của ông về thực tế xử lý dịch Covid-19 của Việt Nam thời gian qua, Giáo sư Tuấn nói rằng, do ông không có mặt ở trong nước, cũng chẳng có trải nghiệm thực tế ở trong nước, nên ông không thể nói gì cụ thể.
Tuy nhiên, ông cho rằng, "Số ca nhiễm được báo cáo từ Việt Nam thì đúng là có quan điểm cho rằng thấp. Nhưng số ca nhiễm tùy thuộc vào số người được xét nghiệm. Kinh nghiệm bên Hàn Quốc cho thấy xét nghiệm càng nhiều thì số ca nhiễm cũng càng nhiều. Việt Nam không theo đuổi chánh sách xét nghiệm đại trà, nên số ca nhiễm thấp cũng có thể hiểu được".
So sánh cách chống dịch của Việt Nam và Trung Quốc, Giáo sư Tuấn cho rằng : "Cách chống dịch ở Việt Nam có vẻ giống với Trung Quốc, nhưng không hà khắc như Trung Quốc. Việt Nam cũng cho xây dựng bệnh viện dã chiến, cũng tầm soát ca có nguy cơ cao, và có cách ly tại gia. Nhưng Việt Nam không hạn chế làn sóng du khách từ Trung Quốc".
"Vì số ca nhiễm còn quá ít và chưa có tử vong, nên còn quá sớm để đánh giá chiến lược của Việt Nam thành công cỡ nào", Giáo sư Tuấn nói.
Phòng chống dịch giai đoạn 2 cần thay đổi gì ?
Trả lời câu hỏi về việc, trước tình hình số ca nhiễm ở Việt Nam đang tăng nhanh, phương án chống dịch của Việt Nam cần thay đổi gì ? Giáo sư Tuấn cho rằng, tuy số ca nhiễm ở Việt Nam có tăng trong thời gian gần đây, nhưng nhà chức trách Việt Nam cũng 'tích cực' tầm soát và cách ly những người có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam cân thúc đẩy mạnh hơn các biện pháp như hạn chế du khách vào Việt Nam, hay cho phép vào, nhưng phải áp dụng biện pháp cách ly tại gia 2 tuần ; ứng dụng công nghệ thông tin, như qua điện thoại di động, để thông báo những địa điểm có dịch đến từng người trong cộng đồng ; và quan trọng nhứt là nên xét nghiệm ở qui mô cộng đồng.
Ông nói : "Nếu tôi là nhà chức trách Việt Nam, tôi sẽ chọn ngẫu nhiên một số địa điểm, lấy mẫu ngẫu nhiên theo độ tuổi, và làm xét nghiệm trên những người đó để tìm kháng thể liên quan đến SARS-Cov-2".
"Kinh nghiệm từ Đức, Ý, và Hàn Quốc cho thấy, có những ca nhiễm tồn tại trong cộng đồng có liên quan một cách tiềm ẩn chưa được phát hiện, và những ca này có thể chẳng liên quan gì với những người đã bị nhiễm. Qua cách xét nghiệm ngẫu nhiên này, nhà chức trách sẽ dễ phát hiện thêm những ổ nhiễm mới và can thiệp kịp thời".
Bên cạnh đó, theo Giáo sư Tuấn, chống dịch là quan trọng, nhưng bảo vệ nhân phẩm cho bệnh nhân cũng là yếu tố quan trọng. "'Bảo vệ nhân phẩm' ở đây tôi muốn nói về bảo mật danh tánh cho bệnh nhân, tránh những xỉ vả gián tiếp hay trực tiếp gây ấn tượng bệnh nhân như là thủ phạm gây nhiễm".
Lê Viết Thọ
Nguồn : BBC, 17/03/2020
Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Long trao đổi với BBC News tiếng Việt qua thư điện tử về tác động của Covid-19 lên nền kinh tế Việt Nam và những gì Việt Nam cần làm để vượt qua khó khăn do tác động đó, cũng như để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng đến ngành dịch vụ Việt Nam. Trong ảnh : Phố bia Tạ Hiện (Hà Nội) vắng vẻ lạ thường trong mùa dịch
Ông Phạm Long đang làm việc tại Trường Kinh doanh và Khoa học xã hội, Đại học Louisiana, Hoa Kỳ.
Tác động tiêu cực, toàn diện với kinh tế Việt Nam
Truyền thông trong nước phổ biến kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân với hơn 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh.
Khảo sát trên cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.
Đánh giá về ảnh hưởng của dịch Covid-19 với nền kinh tế Việt Nam, Phó giáo sư tiến sĩ Phạm Long cho rằng, đó là điều khá rõ ràng :
"Ngoài du lịch, các ngành sản xuất như may mặc, da giầy, điện, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô… đang chịu áp lực rất lớn vì hầu hết các nguyên nhiên vật liệu, phụ trợ, phụ tùng, hay thiết bị đầu vào cho quá trình sản xuất được nhập từ Trung Quốc, nay do dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch mà Trung Quốc đang triển khai trong đó có kiểm soát biên giới và các dòng lưu chuyển hàng hóa, đang trở nên thiếu hụt".
"Nhìn chung, các chuyên gia nhận định là các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành này cố gắng thì cũng chỉ chống đỡ được cho đến cuối tháng 3 hay nửa đầu tháng 4, sau đó nếu tình hình không tiến triển tốt lên thì sẽ không đủ các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất, lúc đó việc đóng cửa từng phần hoặc toàn bộ nhà máy chỉ là vấn đề thời gian". Tiến sĩ Phạm Long nhận định.
"Cũng lưu ý rằng bên cạnh việc nhập khẩu đầu vào cho quá trình sản xuất từ Trung Quốc, các doanh nghiệp của chúng ta còn nhập khẩu đáng kể từ Hàn Quốc và Nhật Bản và tình hình Covid-19 ở hai quốc gia này cũng đang có những dấu hiệu xấu đi, do đó càng gây áp lực lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất của chúng ta".
"Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản cũng bị ảnh hưởng vì phần lớn là chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc, nay Trung Quốc đang tạm thời kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu và dòng lưu chuyển hàng hóa".
"Nói tóm lại, không trực tiếp thì gián tiếp, hầu hết các ngành, lĩnh vực, và doanh nghiệp của Việt Nam đang bị tác động tiêu cực do Covid-19 gây ra".
GDP Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào ?
Dù Việt Nam đang chuẩn bị các kịch bản theo tình hình dịch Covid-19 để chủ động ứng phó, nhưng chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay.
Câu hỏi đặt ra là GDP Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào từ dịch ?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 12/2, khi công bố báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với kinh tế-xã hội Việt Nam, đã giảm mức dự báo GDP xuống chỉ còn 5,96% nếu dịch bệnh kéo dài đến quý II, so với mục tiêu đặt ra trước đó cho cả năm là 6.8%.
Về chuyện này, Phó giáo sư Phạm Long cho rằng, con số còn phụ thuộc vào dịch sẽ được kiểm soát hoàn toàn như thế nào ở Việt Nam, các nước cung cấp đầu vào sản xuất cho Việt Nam, và trên thế giới, mức độ chịu ảnh hưởng của GDP là khác nhau.
Dệt may cũng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19.
"Một số ngành bị thiệt hại của Việt Nam, ví dụ ngành Hàng Không từ cuối tháng 1 đến nay giảm doanh thu là khoảng 25 nghìn tỷ đồng ; ngành du lịch có thể thiệt hại đến 5 tỷ USD nếu dịch kéo dài đến hết quý 2. Các kịch bản cho sự sụt giảm của GDP phụ thuộc vào khi nào Covid-19 được kiểm soát : hết quý 1, hết quý 2, hay lâu hơn".
"Các chuyên gia cho rằng khả năng GDP của Việt Nam sẽ sụt giảm trong khoảng từ 0,5% - 1% trong năm 2020. Tuy nhiên, đó chỉ là con số dự đoán. Nếu tình hình tích cực, tức là Covid-19 được kiểm soát sớm hơn, "công suất" hoạt động của các nhà máy sản xuất và chế biến sẽ ở mức cao hơn bình thường sau khi bị "nén" trong thời gian dịch để bù đắp cho những tổn thất trước đó, thì mức giảm của GDP có thể thấp hơn 0,5%".
Kích thích tiền tệ, nên hay không ?
Giữa tình hình đó, chính phủ Việt Nam có nên đưa ra gói kích thích tài chính, tiền tệ hay không ?
Tiến sĩ Đinh Tuấn Minh, trong bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng, "Dù với bất kể kịch bản nào, Chính phủ cần kiên định không lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế".
Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng, kích thích tiền tệ là điều cần thiết, nhấn mạnh là trong bối cảnh Việt Nam hiện nay một khu vực chính phủ có thể/cần tăng chi tiêu ngay là bổ sung nguồn lực cho hệ thống y tế ; tăng và mở rộng chi bảo hiểm thất nghiệp. Quan điểm này cũng viện dẫn việc gần đây, Hong Kong đã có gói kích thích tiền tệ lớn, với việc phát cho mỗi người dân (trên 18 tuổi) 1.200 USD không điều kiện.
Phó Giáo sư Phạm Long cho rằng Việt Nam cần một gói kích thích tài chính.
Tuy nhiên, điều này phải đặt trong bối cảnh tổng thể của phát triển kinh tế với mục tiêu tăng trưởng, giảm thiểu tác động của xu hướng đang chững lại của nền kinh tế thế giới và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững ; chứ không phải là vì những gì đang diễn ra xung quanh câu chuyện Covid-19. Bởi theo ông, Covid-19 cũng chỉ là một nhân tố trong nhiều nhân tố rủi ro và bất trắc có thể xảy ra sau này.
Ông nhận định : "Cái mà chúng ta quan tâm hiện nay là khi nào Covid-19 sẽ chấm dứt, có thể là cuối quý 1 hay cuối quý 2 năm 2020, hay cũng có thể là lâu hơn. Thuật ngữ chúng ta dùng ở đây là "Hỗ trợ" tạm thời trong ngắn hạn, với kỳ vọng dịch sẽ nhanh chóng được kiểm soát".
"Các doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19 đang rất cần sự hỗ trợ của chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sụt giảm vì hoạt động cầm chừng, hay phải dừng hoạt động, hay không xuất khẩu được sẽ làm giảm doanh thu đáng kể, trong khi các chi phí vẫn phát sinh, đặc biệt là các khoản vay ngân hàng, rồi các khoản nghĩa vụ với nhà nước".
"Các hình thức hỗ trợ có thể là gia hạn nợ, giảm lãi suất, miễn lãi suất, điều chỉnh linh hoạt thời điểm thanh toán nợ hay lãi, khoanh nợ, giãn nợ, lùi thời gian nộp các khoản nghĩa vụ với ngân sách, giảm các khoản nộp, và phí để giảm bớt một phần gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp".
"Hơn nữa, chính quyền trung ương, địa phương và các bộ, ngành có thể giúp cung cấp thông tin và thủ tục hành chính, để các doanh nghiệp có thể thương thảo với các đối tác cung ứng đầu vào ở nước ngoài điều chỉnh hợp lý các điều khoản của hợp đồng, cũng như tìm các nguồn cung ứng thay thế".
"Chính phủ cũng cần chủ động lập các kênh liên lạc thường xuyên với các nước bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và có doanh nghiệp cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, để có thể khai thông và thúc đẩy các dòng luân chuyển nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu, phụ tùng và thiết bị đầu vào ngay khi dịch vụ có thể được kiểm soát".
"Các chiến lược và kế hoạch xây dựng hình ảnh và quảng bá trên nền tảng sự thật là Việt Nam đang kiểm soát tích cực và bước đầu có hiệu quả, sẽ giúp cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp, và du khách nước ngoài yên tâm, nhanh chóng đến Việt Nam cho các mục đích sản xuất, kinh doanh hay du lịch ngay sau khi dịch được kiểm soát".
Hôm nay (11/3) số phận giải đua F1 tại Hà Nội sẽ được quyết định.
"Nói tóm lại thuật ngữ "gói kích thích tài chính" nên được đặt trọng một bối cảnh tổng thể hơn, vì chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng nhiều rủi ro và bất trắc. Và Covid-19 cũng chỉ là một trong những rủi ro và bất trắc đó thôi".
"Chúng ta cần có chiến lược và các gói kích thích để giúp nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng, có tính cạnh tranh, khả năng chống đỡ đối với các rủi ro và bất trắc, vừa có tính hội nhập và vừa có tính độc lập".
"Tuy nhiên, trong câu chuyện Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam đang và có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực do Covid-19 gây ra trong ngắn hạn (có thể dài hạn, phụ thuộc vào tình hình kiểm soát Covid-19), nên rất cần sự hỗ trợ của chính phủ".
"Khi Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động sẽ trở về trạng thái bình thường thậm chí gia tăng "công suất" để giúp doanh nghiệp một phần hay toàn bộ bù đắp những thiệt hại đã xảy ra. Kết quả như thế nào còn phụ thuộc vào thời điểm mà Covid-19 được kiểm soát trong ngưỡng an toàn", Phó giáo sư Phạm Long nhận định.
Chuẩn bị cho hậu Covid-19
Phó giáo sư Phạm Long cho rằng, đánh giá một cách tổng thể, ảnh hưởng của Covid-19 đến nền kinh tế khác một chút so với những câu chuyện khủng hoảng kinh tế đã từng xảy ra trước đây.
Hầu hết các cuộc khủng hoảng kinh tế có đặc trưng là nhiều vấn đề kinh tế nghiêm trọng tồn tại âm ỉ lâu dài và đến thời điểm bung ra và không thể "đỡ" được nữa nên tạo ra khủng hoảng. Với Covid-19, dù nền kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại một chút để lấy đà, năng lực sản xuất và chế biến của các doanh nghiệp Việt Nam đang vận hành, các nguồn cung cấp đầu vào không phải thiếu, các cơ hội và triển vọng tạo ra từ EVFTA và EVIPA.
Covid-19 xuất hiện đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn ; đối với nông lâm hải sản bị ảnh hưởng bởi gián đoạn xuất khẩu ; đối với cách đoanh nghiệp sản xuất khác thì vận hành có thể bị tạm dừng. Nếu Covid-19 được kiểm soát, thì các hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các ngành sẽ được "bung ra" sau khi bị "nén" lại do Covid-19.
Phó giáo sư Phạm Long nhận định : "Như vậy, sau khi Covid-19 được kiểm soát, chúng ta kỳ vọng các dòng hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu, thiết bị, các dòng khách và chuyên gia sẽ khơi thông trở lại vào Việt Nam. Do đó, chính phủ Việt Nam nên chuẩn bị các các giải pháp phối hợp và chỉ đạo các cơ quan ban ngành liên quan, các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải lên kế hoạch hoạt động để đảm bảo khơi thông hiệu quả các dòng chảy này".
"Bên cạnh đó, hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp nên tiếp tục cân nhắc giảm lãi suất trong ngắn hạn và linh hoạt về thời điểm hoàn trả lãi suất và gốc đối với các khoản vay cũ và mới của doanh nghiệp, bởi vì dòng tiền thu của doanh nghiệp sẽ có thể bị lệch pha với các dòng tiền ra, trong đó có dòng tiền trả nợ. Điều tương tự đó là cho phép mức độ linh hoạt nào đó về thời gian hoàn trả đối với các khoản nghĩa vụ ngân sách của doanh nghiệp".
"Để hỗ trợ các doanh nghiệp có các hoạt động xuất khẩu, chính phủ nên rà soát để có giải pháp giảm một số loại thuế và phí, ví dụ phí cầu đường, bến bãi, lưu giữ, lưu thông…", Phó giáo sư Phạm Long phân tích.
Cơ hội thoát Trung ?
Với câu chuyện trong nguy có cơ như ông Nguyễn Xuân Phúc, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh từng cho rằng, đây là cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế nhằm "ít phụ thuộc hơn vào một thị trường duy nhất".
Phó giáo sư Phạm Long, một lần nữa, nhấn mạnh rằng chúng ta nên xem xét trên một giác độ tổng thể, chứ không phải từ câu chuyện Covid-19 này.
"Mọi người thấy rõ rằng nền kinh tế Việt Nam có quan hệ quá chặt chẽ và phụ thuộc vào Trung Quốc. Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỉ USD các linh kiện điện tử, thì nhập từ Trung Quốc là gần 14 tỉ USD ; nhập khẩu trên 23 tỉ USD bông, xơ, sợi, vải, phụ liệu da giầy, trong đó nhập từ Trung Quốc là trên 11 tỉ USD. Đó là minh chứng cho thấy chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất".
"Về cơ bản là chúng ta phải tái cấu trúc lại nền kinh tế của chúng ta ; việc tái cấu trúc này không phải vì có Covid-19, mà chẳng qua đây là một tác nhân thôi thúc chúng ta hơn nữa thôi. Ai cũng biết là phải đa phương hóa và đa dạng hóa trong các quan hệ kinh tế, sản xuất, thương mại và đầu tư với nhiều đối tác, nhiều quốc gia, hay vùng lãnh thổ khác".
"Tuy nhiên, nói thì rất dễ, nhưng bắt đầu làm từ đâu và làm như thế nào thì lại là câu chuyện không đơn giản. Đến Mỹ hay Nhật còn phụ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc nữa là Việt Nam".
"Lấy ví dụ đơn giản, có khoảng 800 nhà cung cấp của Apple, thì có khoảng 300 nhà cung cấp đến từ Trung Quốc. Hàn Quốc cũng là một cường cuốc về ngành sản xuất, nhưng cũng phụ thuộc rất chặt chẽ vào nguồn cung của Trung Quốc".
"Cũng phải khẳng định thẳng thắn rằng, Trung Quốc có những lợi cạnh tranh nhất định mà các nước khác không có. Để sản xuất ra các nguyên vật liệu hay phụ liệu đầu vào cho việc sản xuất ra các sản phẩm thì phải có công nghệ, mà chúng ta thì rất yếu về công nghệ. Hay giả sử nếu chúng ta có thể sản xuất được các nguyên vật liệu hay phụ liệu đầu vào, thì giá thành lại rất cao và không có khả năng cạnh tranh, hay thậm chí cả chất lượng cũng có thể có vấn đề".
"Tuy nhiên, về dài hạn, chúng ta phải có chiến lược tổng thể để không quá phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc sản xuất ra các nguyên vật liệu hay phụ liệu đầu vào".
"Trước hết, quy hoạch tổng thể thế đứng của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu cho toàn bộ các sản phẩm hay dịch vụ. Ví dụ, chúng ta muốn ngành may mặc của chúng ta mỗi năm xuất khẩu bao nhiêu về số lượng và giá trị ? Chỉ là gia công hay tự chúng ta làm và bán ? Tăng trưởng mỗi năm là bao nhiêu phần trăm".
"Với quy hoạch này, thì chúng ta phải cần bao nhiêu nguyên nhiên vật liệu và phụ liệu đầu vào ? Bao nhiêu chúng ta có thể nhập khẩu ? Bao nhiêu chúng ta phải tự lực trong nước. Rồi từ đó, mới quy hoạch các khu công nghiệp hay các vùng để tạo ra mức tự lực về nguyên nhiên vật liệu và phụ liệu trong nước".
Các nhà hàng ế ẩm vào mùa dịch
"Các ngành, sản phẩm, hay dịch vụ khác, chúng ta cũng phải đặt ra câu hỏi tương tự và tìm ra câu trả lời trên cơ sở quy hoạch tổng thể và chi tiết".
"Thứ hai, về giáo dục đào tạo và các viện nghiên cứu phải thay đổi triệt để, nâng cao đội ngũ giảng viên thế nào, chất lượng sinh viên như thế nào để có thể tạo ra được những công nghệ hay hiểu được các công nghệ và quá trình vận hành để sản xuất các nguyên nhiên vật liệu và phụ liệu đầu vào".
"Đây là một vấn đề rất khó vì nếu chúng ta không có công nghệ, không tạo ra được công nghệ, không làm chủ được công nghệ, thì chúng ta vẫn bị lệ thuộc. Có thể có công nghệ thì lại dẫn đến vấn đề chi phí chúng ta làm ra các nguyên nhiên vật liệu hay phụ liệu lại rất cao và không có sức cạnh tranh bền vững".
"Tiếp đó, với cải cách thể chế, phải làm sao để có thể minh bạch và tạo niềm tin cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo, nghĩ dài hạn, chứ không phải tư duy tiểu nông ngắn hạn".
"Thứ tư, quan hệ trong ASEAN cần được tăng cường hơn nữa bằng cách nào để phát huy được vai trò của ASEAN và từng nước thành viên trong khối".
"Cuối cùng, tận dụng các cơ hội tạo ra từ EVFTA và EVIPA ; và các hiệp định với các đối tác khác như thế nào để có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trong đó có đầu tư sản xuất các nguyên vật liệu và phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất".
Lê Viết Thọ
Nguồn : BBC, 11/03/2020
Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thoạt đầu dự kiến tổ chức vào ngày 14/3 tới tại Las Vegas, đã bị hoãn giữa lo ngại về sự lây lan của virus corona chủng mới.
Tại Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ lần thứ 7 tại Bangkok, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien dã chuyển thư mời của ông Trump tới lãnh đạo các nước ASEAN.
Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Mỹ sẽ không chỉ có ý nghĩa với ASEAN trong việc tìm thế cân bằng với Trung Quốc, mà còn quan trọng với Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN và ngay cả với Hoa Kỳ trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 25/2 nói Hội nghị này được tổ chức sau khi ông Trump không đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN cũng như Thượng đỉnh Đông Á tại Bangkok (Thái Lan) hồi năm ngoái. Tuy nhiên, sau đó, theo Reuters, hai quan chức ngoại giao Hoa Kỳ tiết lộ với báo giới rằng Hội nghị đã bị hoãn.
Do virus corona hay vì lý do gì khác ?
Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc thuộc Đại học New South Wales), trong thư điện tử trả lời BBC News Tiếng Việt sáng 3/3 viết rằng, việc vì sao hội nghị này bị hoãn vẫn là câu hỏi, nhưng lý do lo ngại về dịch được nêu "là một lời giải thích hợp lý nhưng không thuyết phục".
"Ngoại trưởng Mike Pompeo vừa được [báo chí] trích dẫn nói rằng, Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ vẫn diễn ra vào cuối tuần thứ hai của tháng Ba, tại Las Vegas. Nhưng ngay sau đó, quan chức Bộ Ngoại giao lại tuyên bố rằng, hội nghị đã bị hủy giữa khi các quốc gia trên toàn cầu tiếp tục chống lại sự lây lan của dịch bệnh do virus corona (Covid-19). Chưa rõ việc Hoa Kỳ hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh theo quyết định riêng của họ, hay để đáp lại yêu cầu từ một hoặc nhiều thành viên ASEAN".
"Theo những gì được loan ra, không quốc gia Đông Nam Á nào đưa lý do rằng, lãnh đạo nước họ phải ở nhà để chiến đấu với dịch do virus corona. Trong khi trên thực tế, Hội nghị Hoa Kỳ-ASEAN chính là địa điểm hoàn hảo để phối hợp các hoạt động của Hoa Kỳ và ASEAN nhằm ứng phó với loại virus này", Giáo sư Thayer bình luận thêm.
Giáo sư Thayer cũng lưu ý đến một diễn tiến khác là trước khi Hoa Kỳ thông báo hoãn hội nghị, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố không tham dự. Kin Phea, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia, được tờ Phnom Penh Post trích dẫn lưu ý rằng, một số nhà lãnh đạo ASEAN có thể cũng sẽ không tham dự gồm Philippines, Myanmar và Malaysia. Cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Malaysia chắc chắn sẽ khiến Thủ tướng Mahathir không thể tới Las Vegas.
"Điều này dẫn đến kết luận rằng, hội nghị đặc biệt này đã bị Hoa Kỳ hoãn vì một số quốc gia ASEAN không hào hứng tham dự, và chưa đồng thuận về một chương trình nghị sự cụ thể nào. Điều này cho thấy sự bối rối giữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Nhà Trắng", Giáo sư Thayer phân tích.
Cơ hội bị bỏ lỡ ?
Nhận định rằng việc Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ bị hoãn là cơ hội bị bỏ lỡ, Giáo sư Carl Thayer trên Facebook cá nhân cũng liên hệ việc này với việc gần đây, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte (Philippines) thông báo hủy bỏ Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) với Hoa Kỳ.
Các chuyên gia lo rằng, việc Philippines khước từ sự hiện diện quân sự của quân đội Mỹ không chỉ làm rạn vỡ quan hệ liên minh Hoa Kỳ - Philippines, mà còn có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông.
Giáo sư Thayer cho rằng, Washington sẽ đàm phán riêng với Philippines để ngăn việc hủy bỏ này, nhằm tạo điều kiện để tàu sân bay Mỹ và các tàu chiến khác thường xuyên ghé Philippines.
"Nhưng giả như quan hệ với Philippines xấu đến mức VFA bị chấm dứt, thì việc các tàu chiến Hoa Kỳ tiếp cận các cảng tại Việt Nam một cách thường xuyên hơn sẽ rất quan trọng. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi Hoa Kỳ phải nỗ lực vận động hành lang để Việt Nam thay đổi chính sách, cho phép tàu hải quân nước ngoài thăm viếng các cảng ở nước này thường xuyên.
Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN dự tính diễn ra vào giữa tháng 3 là cơ hội như vậy để ông Donald Trump nêu vấn đề này với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc", Giáo sư Thaer nói.
Nhưng nay cơ hội này đã bị bỏ lỡ, Giáo sư Thayer kết luận.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington hôm 25/2
Việt Nam có thể làm gì ?
Với cơ hội bị bỏ lỡ như vậy do Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN- Hoa Kỳ bị hoãn, ông Derek J. Grossman, chuyên gia cao cấp Trung tâm chính sách Châu Á - Thái Bình Dương, thuộc tập đoàn RAND (Hoa Kỳ), bình luận với BBC News Tiếng Việt qua thư điện tử ngày 2/3 rằng, để tăng cường quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, điều quan trọng là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hoặc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tổ chức chuyến thăm Hoa Kỳ càng sớm càng tốt, để bù đắp cho việc ông Trọng đã hủy bỏ chuyến thăm hồi năm ngoái do bệnh.
"Dù Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ bị hoãn, một chuyến thăm ở cấp lãnh đạo sẽ giúp khẳng định tầm mức của mối quan hệ song phương hiện nay. Và nếu Việt Nam thấy phù hợp, Hoa Kỳ gần như chắc chắn sẽ sẵn sàng tăng cường lên 'quan hệ đối tác chiến lược', như một chỉ dấu với Trung Quốc rằng, Washington và Hà Nội có lợi ích chung, lâu dài để đối trọng với Bắc Kinh trong cả tranh chấp Biển Đông, lẫn ở khu vực Đông Dương - nơi Trung Quốc đang sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm lôi kéo các đồng minh truyền thống của Việt Nam là Lào và Campuchia".
"Việt Nam cũng có thể xem xét tới việc để Mỹ tham gia sâu hơn trong các bàn thảo liên quan đến "văn bản duy nhất" để đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông mà ASEAN đang tiến hành khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm nay".
"Cuối cùng, Việt Nam cũng có thể tận dụng vai trò là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để phối hợp chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ trong các vấn đề liên quan đến việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế ở Ấn Độ-Thái Bình Dương", ông Grossman nói.
Thế cân bằng giữa các nước lớn
Trước đó, hôm 28/2, cũng qua thư điện tử, ông Grossman cho rằng, ông Trump muốn tổ chức Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ không chỉ bởi ông đã vắng mặt tại hai hội nghị tổ chức nhân Thượng đỉnh ASEAN vào năm 2019, mà còn bởi ông đã cử một quan chức Hoa Kỳ không tương xứng đến tham dự những cuộc họp quan trọng này.
"Ông Trump đã không cử Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao hay Bộ trưởng Quốc phòng mà thay vào đó chỉ cử Cố vấn An ninh Quốc gia tham dự. Các nước ASEAN đã cảm thấy bị xúc phạm bởi quyết định này và họ kết luận rằng, khu vực này đã không còn được Hoa Kỳ coi trọng", ông Grossman nói.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ lần thứ 7 tại Bangkok, ông Trump cử Cố vấn An ninh quốc gia Robert O'Brien tham dự
Bình luận về vị thế của ASEAN trong chính sách đối ngoại mà Hoa Kỳ đang theo đuổi trong kỷ nguyên của Trump, mà nhiều chuyên gia nói rằng, đang trong quá trình dịch chuyển trọng tâm sang thừa nhận cạnh tranh giữa các nước lớn, ông Grossman nói rằng, dường như có sự khác biệt đáng kể giữa quan điểm của ông Trump với phần còn lại trong chính quyền Hoa Kỳ về Trung Quốc.
"Ông Trump dường như tin rằng, ông có thể sử dụng mối quan hệ cá nhân của mình với ông Tập Cận Bình để giảm bớt sự căng thẳng giữa hai bên. Chỉ vài tuần trước, khi tham dự hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tổ chức ở Davos, Thụy Sỹ, ông Trump nói rằng, quan hệ Mỹ - Trung chưa bao giờ tốt như lúc này. Tuy nhiên, các quan chức của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng rõ ràng là có suy nghĩ khác. Điều đó thể hiện trong Chiến lược An ninh Quốc gia, Chiến lược Quốc phòng Quốc gia và Báo cáo Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tất cả các tài liệu này đều đề cập đến Trung Quốc như một 'đối thủ cạnh tranh', 'đối thủ', 'cường quốc xét lại'.
"Tôi nghĩ, những khác biệt này sẽ ra gây khó khăn cho các nước vừa và nhỏ, cụ thể là các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, vốn đang bị cuốn vào cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc".
"Điều rõ ràng là khi cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn gia tăng, các nước nhỏ sẽ thấy lo khi Trump nói rằng, quan hệ với Trung Quốc là tốt đẹp ? Các nước Đông Nam Á nên nghe theo những gì các tài liệu chiến lược viết, thay vì nghe lời Trump nói ? Tất cả đều không rõ ràng. Và chắc chắn, điều này sẽ khiến các nước phải quan tâm hơn đến tính chính xác trong chính sách của Hoa Kỳ, từ lời nói đến việc làm", ông Drossman nêu nhận xét.
Ảnh hưởng gì đến quan hệ ASEAN - Trung Quốc ?
Về việc quan hệ ASEAN và Hoa Kỳ được tăng cường ảnh hưởng thế nào đến quan hệ ASEAN và Trung Quốc, ông Grossman cho rằng, sẽ không nhiều :
"Các nước ASEAN đang cố gắng giữ thế cân bằng, bằng việc tránh xa sự chọn phe giữa Mỹ hay Trung Quốc. Bắc Kinh cũng duy trì đối thoại Trung Quốc - ASEAN. Ngay cuộc tập trận quân sự Mỹ - ASEAN đầu tiên diễn ra vào năm 2018 thì một năm sau đó, cũng diễn ra tập trận Trung Quốc và ASEAN.
"Cân bằng trong khu vực chính là chìa khóa và nó chỉ có thể bị phá vỡ nếu niềm tin của ASEAN vào sự bền vững trong mối quan hệ của Mỹ với các đối tác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương bị suy giảm (mà ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể thấy được điều này trong vài năm qua). Một trường hợp khác là thái độ của Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn, buộc các nước ASEAN phải ủng hộ Mỹ hơn so với Bắc Kinh".
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMiếu Môn) vừa diễn ra tại Hà Nội vào ngày 19/2/2020
Với Việt Nam, nước đang luân phiên giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, ông Grossman nói thêm rằng, vai trò Chủ tịch ASEAN giúp Việt Nam thúc đẩy chương trình nghị sự của khối.
Cụ thể, ông Grossman đơn cử việc Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ hơn với các nước Thái Lan. Mới tuần trước, Thái Lan đã chính thức yêu cầu hủy dự án nổ đá trên dòng sông Mekong. Dự án này từng nằm trong chương trình nghị sự của Thái Lan trong gần 20 năm qua, có mục tiêu loại bỏ thác, gềnh trên sông Mekong thông qua việc nạo vét và nổ đá, nhằm cho tàu thuyền tải trọng 500 tấn di chuyển quanh năm giữa tỉnh Vân Nam của Trung Quốc tới biên giới Thái Lan - Lào và Luang Prabang (Lào).
Tuy nhiên, ông Grossman cũng cho rằng, Việt Nam sẽ cần một chặng đường dài nữa để Campuchia - về cơ bản là một quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc - có thể đưa ra những quan điểm khác với ý kiến của quốc gia đối tác lớn nhất của nước này là Trung Quốc, trong các vấn đề quốc tế. Với Lào, cũng rất khó, bởi nước này đang muốn biến mục tiêu trở thành 'ắc quy Châu Á' thành hiện thực và do đó, đặt ưu tiên vào việc xây dựng các nhà máy thủy điện mới.