Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/03/2020

Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ bị hoãn : cơ hội nào đang bị bỏ lỡ ?

Lê Viết Thọ

Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thoạt đầu dự kiến tổ chức vào ngày 14/3 tới tại Las Vegas, đã bị hoãn giữa lo ngại về sự lây lan của virus corona chủng mới.

asean1

Tại Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ lần thứ 7 tại Bangkok, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien dã chuyển thư mời của ông Trump tới lãnh đạo các nước ASEAN.

Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Mỹ sẽ không chỉ có ý nghĩa với ASEAN trong việc tìm thế cân bằng với Trung Quốc, mà còn quan trọng với Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN và ngay cả với Hoa Kỳ trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 25/2 nói Hội nghị này được tổ chức sau khi ông Trump không đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN cũng như Thượng đỉnh Đông Á tại Bangkok (Thái Lan) hồi năm ngoái. Tuy nhiên, sau đó, theo Reuters, hai quan chức ngoại giao Hoa Kỳ tiết lộ với báo giới rằng Hội nghị đã bị hoãn.

Do virus corona hay vì lý do gì khác ?

Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc thuộc Đại học New South Wales), trong thư điện tử trả lời BBC News Tiếng Việt sáng 3/3 viết rằng, việc vì sao hội nghị này bị hoãn vẫn là câu hỏi, nhưng lý do lo ngại về dịch được nêu "là một lời giải thích hợp lý nhưng không thuyết phục".

"Ngoại trưởng Mike Pompeo vừa được [báo chí] trích dẫn nói rằng, Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ vẫn diễn ra vào cuối tuần thứ hai của tháng Ba, tại Las Vegas. Nhưng ngay sau đó, quan chức Bộ Ngoại giao lại tuyên bố rằng, hội nghị đã bị hủy giữa khi các quốc gia trên toàn cầu tiếp tục chống lại sự lây lan của dịch bệnh do virus corona (Covid-19). Chưa rõ việc Hoa Kỳ hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh theo quyết định riêng của họ, hay để đáp lại yêu cầu từ một hoặc nhiều thành viên ASEAN".

"Theo những gì được loan ra, không quốc gia Đông Nam Á nào đưa lý do rằng, lãnh đạo nước họ phải ở nhà để chiến đấu với dịch do virus corona. Trong khi trên thực tế, Hội nghị Hoa Kỳ-ASEAN chính là địa điểm hoàn hảo để phối hợp các hoạt động của Hoa Kỳ và ASEAN nhằm ứng phó với loại virus này", Giáo sư Thayer bình luận thêm.

Giáo sư Thayer cũng lưu ý đến một diễn tiến khác là trước khi Hoa Kỳ thông báo hoãn hội nghị, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố không tham dự. Kin Phea, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia, được tờ Phnom Penh Post trích dẫn lưu ý rằng, một số nhà lãnh đạo ASEAN có thể cũng sẽ không tham dự gồm Philippines, Myanmar và Malaysia. Cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Malaysia chắc chắn sẽ khiến Thủ tướng Mahathir không thể tới Las Vegas.

"Điều này dẫn đến kết luận rằng, hội nghị đặc biệt này đã bị Hoa Kỳ hoãn vì một số quốc gia ASEAN không hào hứng tham dự, và chưa đồng thuận về một chương trình nghị sự cụ thể nào. Điều này cho thấy sự bối rối giữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Nhà Trắng", Giáo sư Thayer phân tích.

Cơ hội bị bỏ lỡ ?

Nhận định rằng việc Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ bị hoãn là cơ hội bị bỏ lỡ, Giáo sư Carl Thayer trên Facebook cá nhân cũng liên hệ việc này với việc gần đây, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte (Philippines) thông báo hủy bỏ Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) với Hoa Kỳ.

Các chuyên gia lo rằng, việc Philippines khước từ sự hiện diện quân sự của quân đội Mỹ không chỉ làm rạn vỡ quan hệ liên minh Hoa Kỳ - Philippines, mà còn có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông.

Giáo sư Thayer cho rằng, Washington sẽ đàm phán riêng với Philippines để ngăn việc hủy bỏ này, nhằm tạo điều kiện để tàu sân bay Mỹ và các tàu chiến khác thường xuyên ghé Philippines.

"Nhưng giả như quan hệ với Philippines xấu đến mức VFA bị chấm dứt, thì việc các tàu chiến Hoa Kỳ tiếp cận các cảng tại Việt Nam một cách thường xuyên hơn sẽ rất quan trọng. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi Hoa Kỳ phải nỗ lực vận động hành lang để Việt Nam thay đổi chính sách, cho phép tàu hải quân nước ngoài thăm viếng các cảng ở nước này thường xuyên.

Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN dự tính diễn ra vào giữa tháng 3 là cơ hội như vậy để ông Donald Trump nêu vấn đề này với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc", Giáo sư Thaer nói.

Nhưng nay cơ hội này đã bị bỏ lỡ, Giáo sư Thayer kết luận.

asean2

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington hôm 25/2

Việt Nam có thể làm gì ?

Với cơ hội bị bỏ lỡ như vậy do Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN- Hoa Kỳ bị hoãn, ông Derek J. Grossman, chuyên gia cao cấp Trung tâm chính sách Châu Á - Thái Bình Dương, thuộc tập đoàn RAND (Hoa Kỳ), bình luận với BBC News Tiếng Việt qua thư điện tử ngày 2/3 rằng, để tăng cường quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, điều quan trọng là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hoặc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tổ chức chuyến thăm Hoa Kỳ càng sớm càng tốt, để bù đắp cho việc ông Trọng đã hủy bỏ chuyến thăm hồi năm ngoái do bệnh.

"Dù Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ bị hoãn, một chuyến thăm ở cấp lãnh đạo sẽ giúp khẳng định tầm mức của mối quan hệ song phương hiện nay. Và nếu Việt Nam thấy phù hợp, Hoa Kỳ gần như chắc chắn sẽ sẵn sàng tăng cường lên 'quan hệ đối tác chiến lược', như một chỉ dấu với Trung Quốc rằng, Washington và Hà Nội có lợi ích chung, lâu dài để đối trọng với Bắc Kinh trong cả tranh chấp Biển Đông, lẫn ở khu vực Đông Dương - nơi Trung Quốc đang sử dụng Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường nhằm lôi kéo các đồng minh truyền thống của Việt Nam là Lào và Campuchia".

"Việt Nam cũng có thể xem xét tới việc để Mỹ tham gia sâu hơn trong các bàn thảo liên quan đến "văn bản duy nhất" để đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông mà ASEAN đang tiến hành khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm nay".

"Cuối cùng, Việt Nam cũng có thể tận dụng vai trò là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để phối hợp chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ trong các vấn đề liên quan đến việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế ở Ấn Độ-Thái Bình Dương", ông Grossman nói.

Thế cân bằng giữa các nước lớn

Trước đó, hôm 28/2, cũng qua thư điện tử, ông Grossman cho rằng, ông Trump muốn tổ chức Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ không chỉ bởi ông đã vắng mặt tại hai hội nghị tổ chức nhân Thượng đỉnh ASEAN vào năm 2019, mà còn bởi ông đã cử một quan chức Hoa Kỳ không tương xứng đến tham dự những cuộc họp quan trọng này.

"Ông Trump đã không cử Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao hay Bộ trưởng Quốc phòng mà thay vào đó chỉ cử Cố vấn An ninh Quốc gia tham dự. Các nước ASEAN đã cảm thấy bị xúc phạm bởi quyết định này và họ kết luận rằng, khu vực này đã không còn được Hoa Kỳ coi trọng", ông Grossman nói.

asean3

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ lần thứ 7 tại Bangkok, ông Trump cử Cố vấn An ninh quốc gia Robert O'Brien tham dự

Bình luận về vị thế của ASEAN trong chính sách đối ngoại mà Hoa Kỳ đang theo đuổi trong kỷ nguyên của Trump, mà nhiều chuyên gia nói rằng, đang trong quá trình dịch chuyển trọng tâm sang thừa nhận cạnh tranh giữa các nước lớn, ông Grossman nói rằng, dường như có sự khác biệt đáng kể giữa quan điểm của ông Trump với phần còn lại trong chính quyền Hoa Kỳ về Trung Quốc.

"Ông Trump dường như tin rằng, ông có thể sử dụng mối quan hệ cá nhân của mình với ông Tập Cận Bình để giảm bớt sự căng thẳng giữa hai bên. Chỉ vài tuần trước, khi tham dự hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tổ chức ở Davos, Thụy Sỹ, ông Trump nói rằng, quan hệ Mỹ - Trung chưa bao giờ tốt như lúc này. Tuy nhiên, các quan chức của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng rõ ràng là có suy nghĩ khác. Điều đó thể hiện trong Chiến lược An ninh Quốc gia, Chiến lược Quốc phòng Quốc gia và Báo cáo Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tất cả các tài liệu này đều đề cập đến Trung Quốc như một 'đối thủ cạnh tranh', 'đối thủ', 'cường quốc xét lại'.

"Tôi nghĩ, những khác biệt này sẽ ra gây khó khăn cho các nước vừa và nhỏ, cụ thể là các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, vốn đang bị cuốn vào cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc".

"Điều rõ ràng là khi cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn gia tăng, các nước nhỏ sẽ thấy lo khi Trump nói rằng, quan hệ với Trung Quốc là tốt đẹp ? Các nước Đông Nam Á nên nghe theo những gì các tài liệu chiến lược viết, thay vì nghe lời Trump nói ? Tất cả đều không rõ ràng. Và chắc chắn, điều này sẽ khiến các nước phải quan tâm hơn đến tính chính xác trong chính sách của Hoa Kỳ, từ lời nói đến việc làm", ông Drossman nêu nhận xét.

Ảnh hưởng gì đến quan hệ ASEAN - Trung Quốc ?

Về việc quan hệ ASEAN và Hoa Kỳ được tăng cường ảnh hưởng thế nào đến quan hệ ASEAN và Trung Quốc, ông Grossman cho rằng, sẽ không nhiều :

"Các nước ASEAN đang cố gắng giữ thế cân bằng, bằng việc tránh xa sự chọn phe giữa Mỹ hay Trung Quốc. Bắc Kinh cũng duy trì đối thoại Trung Quốc - ASEAN. Ngay cuộc tập trận quân sự Mỹ - ASEAN đầu tiên diễn ra vào năm 2018 thì một năm sau đó, cũng diễn ra tập trận Trung Quốc và ASEAN.

"Cân bằng trong khu vực chính là chìa khóa và nó chỉ có thể bị phá vỡ nếu niềm tin của ASEAN vào sự bền vững trong mối quan hệ của Mỹ với các đối tác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương bị suy giảm (mà ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể thấy được điều này trong vài năm qua). Một trường hợp khác là thái độ của Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn, buộc các nước ASEAN phải ủng hộ Mỹ hơn so với Bắc Kinh".

asean4

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMiếu Môn) vừa diễn ra tại Hà Nội vào ngày 19/2/2020

Với Việt Nam, nước đang luân phiên giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, ông Grossman nói thêm rằng, vai trò Chủ tịch ASEAN giúp Việt Nam thúc đẩy chương trình nghị sự của khối.

Cụ thể, ông Grossman đơn cử việc Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ hơn với các nước Thái Lan. Mới tuần trước, Thái Lan đã chính thức yêu cầu hủy dự án nổ đá trên dòng sông Mekong. Dự án này từng nằm trong chương trình nghị sự của Thái Lan trong gần 20 năm qua, có mục tiêu loại bỏ thác, gềnh trên sông Mekong thông qua việc nạo vét và nổ đá, nhằm cho tàu thuyền tải trọng 500 tấn di chuyển quanh năm giữa tỉnh Vân Nam của Trung Quốc tới biên giới Thái Lan - Lào và Luang Prabang (Lào).

Tuy nhiên, ông Grossman cũng cho rằng, Việt Nam sẽ cần một chặng đường dài nữa để Campuchia - về cơ bản là một quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc - có thể đưa ra những quan điểm khác với ý kiến của quốc gia đối tác lớn nhất của nước này là Trung Quốc, trong các vấn đề quốc tế. Với Lào, cũng rất khó, bởi nước này đang muốn biến mục tiêu trở thành 'ắc quy Châu Á' thành hiện thực và do đó, đặt ưu tiên vào việc xây dựng các nhà máy thủy điện mới.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Viết Thọ
Read 476 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)