Vết thương Đồng Tâm rất khó hàn gắn giữa chính quyền và người địa phương
Vụ Đồng Tâm : Cực kỳ bạo ngược, vô lương tâm !
Nguyễn Đình Ấm, VNTB, 03/03/2020
Việc dùng vũ lực khổng lồ trấn áp cướp đất của dân Đồng Tâm trong trường hợp này là cực kỳ bạo ngược, vô lương tâm !
Tại sao họ không phản ứng mạnh mẽ như thế trước việc chiếm 157,6 ha đất vàng quốc phòng sân bay Tân Sơn Nhất, 117 ha sân bay Gia Lâm, hàng chục ha đất sân bay Bạch Mai… làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, chia chác ?
1. Quyết định 113 ngày 14/4/1980 chính phủ thu hồi của huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức tỉnh Hà Sơn Bình 208 ha làm sân bay Miếu Môn trong đó có 47,36 ha thuộc xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức nhưng dự án để treo 37 năm. Riêng trong 47,36 ha ở Đồng Tâm, quân đội cho 14 hộ dân thuê làm nhà ở, canh tác.
Vậy luật pháp, lương tâm nào cho phép nhà nước lấy đất canh tác của dân rồi dân phải thuê lại trên chính mảnh đất của mình kiểu "phát canh thu tô" ? Thời phong kiến người giàu đem ruộng của họ cho dân thuê còn nay lại lấy quyền sử dụng đất của dân cho họ thuê là hành vi gì ? Những ai phải chịu trách nhiệm về hành vi "coi dân như rác" này ?
2. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thanh tra Hà Nội, chính phủ luôn khẳng định 59 ha cánh đồng Sênh là "đất quốc phòng" (tức bị quyết định 113 tu hồi làm sân bay Miếu Môn) vậy bản đồ gianh giới,quyết định thu hồi, đền bù của chính phủ hoặc quyết định của tỉnh Hà Sơn Bình thừa lệnh chính phủ năm 1981 về thu hồi cánh đồng Sênh đâu ?
Không có những tài liệu "cốt tử" ấy cho lai lịch của một thửa đất nhưng lãnh đạo huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội cứ khăng khăng nhận bừa cánh đồng Sênh là "đất quốc phòng". Nếu là "đất quốc phòng" tức quân đội quản lý vậy tại sao thành phố Hà Nội lại đi đòi dân chứ không phải chủ đất là quân đội ? Việc lãnh đạo Hà Nội ký thỏa thuận với doanh nghiệp Vietel "phía bên A có trách nhiệm giải phóng mặt bằng" càng chứng tỏ cánh đồng Sênh là đất nông nghiệp của dân. Ngược lại nếu là đất quốc phòng thì dân sẵn sàng trả lại như với 47,36 ha năm 2016 khi quân đội đòi 14 hộ dân đã ngay lập tức di chuyển nhà cửa, thu hoạch hoa màu trả lại cho D31, lữ 28 "quân dân vui như tết" (lời cụ Kình). Tôi chưa thấy ở đâu dân lại dám chiếm đoạt đất do lực lượng vũ trang quản lý !
3. Điều cực kỳ vô lý, vô cảm, bạo ngược là hàng vạn dân xã Đồng Tâm có 800 ha đất canh tác thì từ năm 1961 nhà nước đã thu mất 300 ha làm trường bắn,năm 1980 thu 47,36 ha làm sân bay Miếu Môn… còn lại hơn 400ha thì lãnh đạo xã chỉ chia cho dân hơn 200ha, 200 ha còn lại bị cán bộ xã xà xẻo chia cho một số cá nhân làm mỗi người dân Đồng Tâm còn quá ít đất để sinh sống, cỡ 1/3 số phải tha phương cầu thực kiếm ăn. Đã thế, từ năm 2015 chính quyền huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội cấu kết với tham nhũng các cấp liên tục có hành vi dùng vũ lực tranh chấp cánh đồng Sênh của dân Đồng Tâm mà đỉnh điểm là cuộc tập kích, thảm sát bắt bớ kinh hoàng hôm 9/1/2020 trong khi 2011 có yêu cầu chuyển trường bắn Miếu Môn thành sân golf !
Tại sao họ quá nhiệt huyết "bảo vệ" 59 ha "đất quốc phòng" của dân Đồng Tâm đến như vậy trong khi muốn chuyển trường bắn 300ha liền kề thành sân golf, bỏ hoang cả hàng nghìn, vạn ha đất vàng ở Mê Linh, Hoài Đức, Hà Dông khắp nơi ở Hà Nội và 208 ha 37 năm ở Chương Mỹ, Mỹ Đức ?
Tại sao họ không phản ứng mạnh mẽ như thế trước việc chiếm 157,6 ha đất vàng quốc phòng sân bay Tân Sơn Nhất, 117 ha sân bay Gia Lâm, hàng chục ha đất sân bay Bạch Mai… làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, chia chác ?
Tại sao họ dây dưa mấy chục năm qua để bao nhiêu rừng phòng hộ ở Sóc Sơn, Ba Vì… bị lấn chiếm, tàn phá mà lại quá sắt máu tranh chấp 59 ha đồng Sênh nguồn sống của dân Đồng Tâm ?
Chẳng lẽ cụ Kình và dư luận tố cáo bọn tham nhũng đã bán cánh đồng Sênh hơn 200 tỷ đồng trong đó cán bộ xã Đồng Tâm có 28 tỷ đồng là đúng ?
Việc dùng vũ lực khổng lồ trấn áp cướp đất của dân Đồng Tâm trong trường hợp này là cực kỳ bạo ngược, vô lương tâm !
Nguyễn Đình Ấm
Nguồn : VNTB, 03/03/2020
*****************
Vụ Đồng Tâm : Luật sư nói các ông Hiểu, Chức mang thương tích, còn sống
VOA, 03/03/2020
Hai luật sư hôm 3/3 cho biết các ông Bùi Viết Hiểu và Lê Đình Chức "vẫn sống" và mang trên người một số thương tích, sau khi bị bắt trong vụ cảnh sát Việt Nam đột kích vào xã Đồng Tâm, Hà Nội, hồi đầu tháng 1.
Ông Lê Đình Công trong một video "thú tội" về vụ Đồng Tâm, phát trên VTV, 14/1/2020
Ông Hiểu và ông Chức cùng 20 người khác bị công an bắt hôm 9/1 và bị khởi tố sau đó 4 ngày trong vụ án được nhà chức trách gọi là "đặc biệt nghiêm trọng". Trong khi đó, giới hoạt động vì tiến bộ xã hội lại xem vụ việc là một "tội ác rất lớn" của phía chính quyền.
Tranh chấp đất sát với sân bay Miếu Môn giữa người dân Đồng Tâm, với chính quyền trở nên gay gắt từ năm 2017, lên đến đỉnh điểm là cuộc đột kích cách đây gần 2 tháng.
Trong vụ này, thủ lĩnh nông dân Lê Đình Kình, 84 tuổi, bị thiệt mạng khi cảnh sát cơ động đột kích trước lúc trời sáng vào các ngôi nhà của ông và con cháu ở xung quanh.
Ba viên cảnh sát cũng chết trong vụ này, nhà chức trách cáo buộc các con cháu ông Kình ném bom cháy vào 3 người này khi họ rơi xuống một "giếng trời" trong quá trình diễn ra cuộc đột kích.
Luật sư Hà Huy Sơn hôm 3/3 cho VOA biết ông Bùi Viết Hiểu, người được xem là nhân vật số 2 sau thủ lĩnh Lê Đình Kình, hiện vẫn còn sống và có một số thương tích.
"Tôi gặp ông Hiểu khi tham dự buổi hỏi cung với điều tra viên. Ông Hiểu nói rằng từ khi tạm giam ông ko bị đánh đập, tra tấn", luật sư Sơn kể lại với VOA.
Ông Hiểu, 77 tuổi, cho hay trong tháng 1 ông trải qua ba cuộc phẫu thuật vì bị thủng tá tràng, đứt đại tràng và vỡ xương bàn chân, hiện ông đang phải đeo túi hậu môn nhân tạo, theo lời luật sư Sơn.
Khi được VOA hỏi liệu các thương tích này là do đạn bắn hay nguyên nhân nào khác, luật sư trả lời rằng ông chưa thể cung cấp thông tin vụ việc vẫn trong giai đoạn điều tra. Ông Sơn nói thêm ông được con gái ông Hiểu "mời" bào chữa cho bị can này.
Hơn 20 bị can trong đó có ông Hiểu bị khởi tố về các tội danh giết người, tàng trữ vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ, luật sư Hà Huy Sơn nói với VOA. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, chưa rõ nhà chức trách sẽ áp các điều khoản và mức hình phạt cụ thể thế nào đối với các bị can, theo lời luật sư.
Công an xông vào khám nhà, vợ cụ Kình ngất xỉu
Về hai bị can khác là các con trai ông Lê Đình Kình, luật sư Lê Văn Hòa trong cùng ngày 3/3 thông báo với gia đình của họ rằng ông Chức "vẫn sống chứ không chết như tin đồn", và ông Công không có vấn đề gì bất thường về thể chất và sự minh mẫn.
Viết trên Facebook cá nhân, luật sư Hòa cho biết ông cũng đã dự cung cùng công an Hà Nội với hai bị can kể trên và gia đình họ có thể "yên tâm".
Tuy nhiên, ông Hòa cho hay ông Chức bị "vỡ đầu" trong vụ đột kích rạng sáng 9/1 và vết thương này gây hiện tượng "có lúc nhớ lúc quên" và nửa người bên trái "vẫn bị liệt". Mặc dù vậy, ông Chức nói rằng tình trạng liệt nửa người "có dấu hiệu đỡ hơn", luật sư Hòa thuật lại trên trang cá nhân.
Trong khi đó, ông Lê Đình Công đi lại và có trí nhớ "bình thường", ngoài ra, các vết thâm trên mặt có thể thấy trong video "thú tội" được đài VTV chiều hồi tháng trước "nay không còn nữa", luật sư cho biết.
Vài tuần sau khi vụ Đồng Tâm xảy ra, giáo sư toán học Hoàng Xuân Phú, người thường lên tiếng phản biện về các vấn đề chính trị-xã hội ở Việt Nam, đưa lên mạng hai bài phân tích mang tên "Tội ác Đồng Tâm" dài tổng cộng 66 trang.
Trong đó hai bài này, giáo sư Phú, hiện cũng là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Kỹ thuật Đức, liệt kê nhiều bằng chứng để khẳng định người dân Đồng Tâm "hoàn toàn vô tội", ông Lê Đình Kình bị công an "tra tấn và giết hại hết sức man rợ", và ba công an bị chết thiêu "không thể" do nhân dân Đồng Tâm gây ra mà là việc làm của công an "nhằm đổ tội cho dân Đồng Tâm".
Theo quan sát của VOA, sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan báo chí thuộc chính quyền đưa ra các phát ngôn và nhiều bài viết dài thể hiện quan điểm rằng công an không đàn áp người dân Đồng Tâm, một số người địa phương đã sai khi "chống người thi hành công vụ", và việc các nhà hoạt động "phát tán" thông tin về vụ Đồng Tâm là hành động "chống phá".
Giới hoạt động và những người ủng hộ nhân dân Đồng Tâm bác bỏ những quan điểm nêu trên và kêu gọi "điều tra độc lập" với hy vọng chỉ có như vậy mới "bảo vệ được sinh mạng mong manh" của những người dân đang bị giam giữ, hiện đối mặt với mức án cao nhất có thể lên đến "tử hình".