Có phải là vì gói tài trợ nhân đạo mấy chục triệu Mỹ kim ?
Lynn Huỳnh, VNTB, 13/03/2020
Có vẻ bất nhẫn khi ở Sài Gòn nhiều đồn đoán rằng, sở dĩ Việt Nam rất nhanh trong công bố danh tính, lộ trình của những ca nghi nhiễm con virus Vũ Hán Corona, vì tất cả liên quan tới khả năng được nhận từ gói tài trợ nhân đạo gần bốn mươi triệu Mỹ kim của Tổng thống Donald Trumph.
Chính phủ Mỹ thông báo cung cấp hỗ trợ khẩn cấp 37 triệu đôla để giúp Việt Nam đối phó với sự lây lan của chủng virus Corona mới (Covid-19).
Một bản tin trên Đài tiếng nói Hoa Kỳ – tức VOA nơi mà nhà báo Phạm Chí Dũng và nhà báo Lê Anh Hùng (cả hai đều là thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam) từng là cây bút chính luận của đài này – cho biết, Chính phủ Mỹ mới thông báo cung cấp hỗ trợ khẩn cấp trị giá 37 triệu đôla để giúp Việt Nam và hơn 20 nước đối phó với sự lây lan của chủng virus Corona mới (Covid-19).
Đây là một phần của khoản ngân quỹ lên tới 100 triệu đôla mà Mỹ cam kết tháng trước nhằm khống chế và ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 tại 25 nước Hoa Kỳ nói là "ưu tiên" trên thế giới.
Ngoài Việt Nam, có nhiều nước Đông Nam Á đang phải đối mặt với dịch bệnh do virus Corona gây ra, như Thái Lan và Campuchia, cũng nhận được khoản hỗ trợ nhiều triệu đôla lấy từ Quỹ Dự trữ Khẩn cấp để phòng chống các bệnh lây nhiễm của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
VOA cho biết vẫn đang cập nhật tin tức liên quan về gói tài trợ này.
Trước đó, báo chí Việt Nam cũng loan tin phía Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã có mặt tại Việt Nam ngay khi vừa xảy ra việc đe dọa của lây lan dịch cúm của con virus Vũ Hán. Thế nhưng trong suốt thời gian có 16 ca bệnh ban đầu đó, gần như trên truyền thống người ta chỉ biết đến hai ca đang chữa ở bệnh viện Chợ Rẫy, một ca ở bệnh viện Nhiệt đới – bệnh viện này nằm trong khuôn viên của nhà thương Chợ Quán ở Sài Gòn trước 1975. Cả ‘Chợ Rẫy’ và ‘Chợ Quán’ đều giúp cho ba ca bệnh ‘sạch virus Vũ Hán’ trong cơ thể.
Thế nhưng từ khi Hoa Kỳ bắt đầu đánh tiếng về những gói tài trợ nhân đạo cho các quốc gia bị dịch bệnh, thì khá bất ngờ Việt Nam ‘mạnh dạn’ công khai những danh tính, lộ trình cùng các động thái quyết liệt trong phòng, chống dịch. Dĩ nhiên ở đây là loại trừ trường hợp ca 21 là một quan chức cấp cao của Đảng thì vẫn còn lắm mù mờ.
Rất có thể những nhận định trên là ảnh hưởng của thuyết âm mưu. Nhưng cần lưu ý là ‘âm mưu’ ấy dường như là kịch bản mà các chuyên gia CDC Hoa Kỳ có mặt tại Việt Nam đã dự liệu.
Dẫu gì thì trên hết vẫn là tin tốt lành cho Việt Nam lúc này.
Lynn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 13/03/2020
*********************
‘Ghen Cô Vy’ góp phần giúp Việt Nam chống dịch Covid-19
Ngọc Lễ, VOA, 13/03/2020
Bài hát và vũ điệu về rửa tay thường xuyên trong mùa dịch Covid-19 do chính quyền Việt Nam thực hiện ‘chỉ nhằm để nâng cao ý thức cộng đồng’ chứ ‘không phải để được thế giới biết đến’, người nhạc sĩ sáng tác bài này nói với VOA.
Ảnh chụp màn hình bài hát Ghen Cô Vy trên nền hoạt hình
‘Ghen Cô Vy’ đi kèm với ‘Vũ điệu rửa tay’ xuất hiện ở Việt Nam kể từ cuối tháng Hai đã ‘tạo sóng’ trên mạng xã hội và được công chúng Việt Nam hưởng ứng rộng rãi : nhiều người, kể cả trẻ em, đã hát và múa theo bài hát và vũ điệu này.
Bài hát và vũ điệu này nhanh chóng nhận được lời khen của thế giới : tạp chí âm nhạc Billboard của Mỹ đã xếp bài hát ở vị trí thứ hai trong ‘Top 10 ca khúc về virus corona giúp giảm nhẹ sự hoảng loạn toàn cầu’ và được khen là ‘truyền đạt thông tin một cách hài hước’. Show truyền hình ‘Last Week Tonight with John Oliver’ của Mỹ cũng giới thiệu ‘Ghen Cô Vy’ và cho rằng đây là một cách phòng chống dịch ‘hiệu quả’ của Việt Nam.
Ngoài ra, bài hát này còn được phát và ngợi khen trên kênh truyền hình Pháp BFMTV và được báo chí Đức đưa tin. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cũng đã chia sẻ bài hát cùng vũ điệu trên trang fanpage của mình.
Đây là dự án tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19 do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế Việt Nam thực hiện. Người sáng tác bài hát là ca sĩ Khắc Hưng, vũ điệu của Quang Đăng và các ca sĩ Min và Eric trình bày.
‘Không phải để nổi tiếng’
Trao đổi với VOA, ca sĩ Khắc Hưng nói anh viết lời cho bài hát này ‘cũng chỉ muốn mọi người chú ý đến thông điệp của chiến dịch nâng cao nhận thức’ là tự giác rửa tay, tránh nơi đông người, giữ môi trường xung quanh sạch sẽ.
"Sau hai tuần ra mắt thì mọi người cũng đã ý thức hơn rất nhiều về việc rửa tay đúng cách", người nhạc sĩ này nói. "Ngay cả trẻ em giờ cũng đã rửa tay một cách bài bản và làm việc đó rất vui vẻ".
"Rất nhiều người phản hồi lại với tôi là sau một thời gian thì bài hát và vũ điệu đã được phổ cập nhiều nơi, văn phòng, xí nghiệp, tổ chức và các trường học", anh cho biết.
"Chủ đích của bài hát này không phải để cho mọi người cảm thấy hay hay để trở thành nổi tiếng như thế nào mà quan trọng nhất là giúp mọi người nâng cao ý thức của mình. Việc nó được đón nhận không quan trọng bằng mọi người nghe và làm theo và có ý thức hơn", anh nói thêm và cho biết anh ‘tự hào’ vì ‘làm việc có ý nghĩa cho xã hội’.
‘Ghen Cô Vy’ được Khắc Hưng viết lời lại từ bản ‘hit’ của chính anh là ‘Ghen’ vốn cũng được Erik và Min trình bày được giới trẻ trong nước rất yêu thích hồi năm 2017.
"Viện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã liên hệ với tôi và yêu cầu viết một bài hát mới. Tôi nói rằng e không có đủ thời gian viết bài hát mới mà tình hình dịch bệnh như thế này cần giải pháp nhanh hơn", anh Khắc Hưng lý giải tại sao viết lại lời cho bài hát cũ.
Bài hát xuất hiện dưới phiên bản hoạt hình với hình ảnh virus corona nhảy ra đe dọa mọi người. Đoạn điệp khúc hát : "Cùng rửa tay xoa, xoa, xoa đều. Đừng để tay lên mắt, mũi, miệng, và hạn chế đi ra nơi đông người. Luôn nâng cao sức khỏe và vệ sinh không gian xung quanh mình để đẩy lùi virus corona".
‘Tránh tuyên truyền khô cứng’
Lý giải về thành công của bài hát tuyên truyền nay, anh Khắc Hưng cho là đó tổng hợp của ‘giai điệu dễ nghe dành cho giới trẻ, vũ đạo dễ thương, dễ thực hiện đối với trẻ con và ca từ ý nghĩa đối với người lớn’.
"Bản ‘Ghen’ là bài hit mà cách nay 3 năm giới trẻ ai cũng biết, giờ phổ lời lại thì không chỉ giới trẻ thích mà người lớn cũng thấy được thông điệp ý nghĩa", anh nói.
Anh nói tinh thần bài hát là ‘sự tích cực, lạc quan’ nên dễ lan tỏa.
"Giữa tình hình dịch bệnh như hiện nay thì mọi người cần sự khích lệ, sự lạc quan chứ không phải cái gì đó quá ủ ê hay căng thẳng", anh nói.
Về ‘Vũ điệu rửa tay’ của Quang Đăng, Khắc Hưng nói rằng ‘nếu không có vũ điệu thì chắc chắn chiến dịch này không được lan tỏa như vậy’.
"Bài hát mọi người có thể nghe nhưng vũ điệu thật sự dễ thương thì mọi người có thể làm theo", anh nói thêm và cho biết vũ điệu được Quang Đăng sáng tác trên nền bài hát và được cả ê-kíp chọn vì ‘dễ nhớ, dễ thuộc’.
Giải thích lý do được cơ quan của Bộ Y tế ‘chọn mặt gửi vàng’ trong chiến dịch truyền thông này, anh Khắc Hưng nói ‘vì anh là ca sĩ trẻ’.
"Họ muốn làm một cách truyền thông khác với những gì mà trước đây họ đã làm vì mọi người thường nghĩ là nhà nước tuyên truyền khô cứng và không đến được với người trẻ", anh nói và nói thêm việc anh đã có tên tuổi và có tuổi nghề lâu cũng là lý do giúp anh được chọn.
Anh cho biết anh rất ‘hào hứng và nhiệt huyết’ khi nhận được dự án vì đây là ‘dự án vì cộng đồng’ nên anh ‘toàn tâm toàn ý’.
Anh nói anh đã dựa vào những tài liệu y tế mà Bộ Y tế đưa cho để anh tham khảo và anh viết lại thành lời bài hát để dễ nghe hơn và dễ đi vào lòng người hơn. Theo lời anh thì anh ‘sáng tác trong vòng hai ngày’ và toàn bộ quá trình sản xuất, hậu kỳ các thứ ‘chỉ trong vòng 10 ngày’.
‘Tin tưởng Bộ Y tế’
Về công tác chống dịch của Việt Nam, ca sĩ Khắc Hưng nói anh ‘rất tin tưởng Bộ Y tế cho đến thời điểm này’.
"Các trạm y tế hay những bác sĩ mà phát hiện người bị dịch thì luôn có sự ứng phó kịp thời và giải quyết tình hình hợp lý", anh giải thích. "Các trại cách ly có cơ sở vật chất tốt. Tin nhắn phòng dịch mà Bộ Y tế đưa ra cho người dân rất rõ ràng và được gửi cho tất cả mọi người".
Trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có mất kiểm soát dịch bệnh hay không khi mấy ngày qua nước này phát hiện thêm nhiều ca dương tính dồn dập, người nhạc sĩ này nói : "Cũng không thể biết trước nhưng mà tất cả mọi người đều đang cố gắng hết sức".
"Đây không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Chỉ cần một người thiếu ý thức thôi thì cũng ảnh hưởng toàn bộ cộng đồng", anh nói.
Khi được hỏi liệu anh có muốn viết bài hát nào đó để cổ động mọi người tự giác thực hiện cách ly nếu đi về từ vùng dịch hay khai báo trung thực triệu chứng bệnh, Khắc Hưng nói anh ‘không muốn làm cái gì đó gây căng thẳng, áp lực’.
"Chỉ là một vài cá nhân nhỏ lẻ vô ý thức thôi. Không cần âm nhạc nói lên mà bác sĩ nói thôi đã là quá đủ rồi", anh giải thích.
Theo quan sát của anh thì người dân Việt Nam ‘hiện có tinh thần chống dịch cao độ’.
"Mọi người ý thức được tránh ra ngoài, tránh tụ tập đông người. Trước giờ rất khó làm nhưng giờ đây mọi người đều làm như là việc hiển nhiên", anh cho biết.
Theo lời anh thì phiên bản tiếng Anh của ‘Ghen Cô Vy’ hiện đã thực hiện xong xuôi và đã được bàn giao cho Bộ Y tế. Dự kiến cuối tuần này (tầm 15/3) thì phiên bản tiếng Anh sẽ lên sóng.
Về mục đích làm phiên bản tiếng Anh này, Khắc Hưng nói là để ‘đem âm nhạc Việt Nam, chiến dịch tuyên truyền của Việt Nam ra thế giới’ vì ‘Việt Nam là nước tiên phong trong việc tích cực tuyên truyền phòng chống dịch corona’.
Anh cũng nói là anh ‘thực sự bất ngờ’ khi tác phẩm của anh tạo được hiệu ứng vượt xa bên ngoài lãnh thổ Việt Nam và cho đó là ‘điều may mắn’.
"Dù (bản tiếng Anh) có lên đến mức nào hay chỉ là tiếng nói rất nhỏ thôi thì tôi cũng mãn nguyện vì để nổi tiếng không là mục tiêu cuối cùng", anh cho biết.
Theo lời anh thì sau khi dự án được tung ra thì ‘Đại sứ quán các nước có gửi lời chúc mừng đến chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Y tế’.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 13/03/2020
********************
Việt Nam trong nhóm nhận 37 triệu đôla chống Corona của Mỹ
VOA, 12/03/2020
Chính phủ Mỹ mới thông báo cung cấp hỗ trợ khẩn cấp trị giá 37 triệu đôla để giúp Việt Nam và hơn 20 nước đối phó với sự lây lan của chủng virus Corona mới (Covid-19).
Đây là một phần của khoản ngân quỹ lên tới 100 triệu đôla mà Mỹ cam kết tháng trước nhằm khống chế và ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 tại 25 nước Hoa Kỳ nói là "ưu tiên" trên thế giới.
Ngoài Việt Nam, có nhiều nước Đông Nam Á đang phải đối mặt với dịch bệnh do virus Corona gây ra, như Thái Lan và Campuchia, cũng nhận được khoản hỗ trợ nhiều triệu đôla lấy từ Quỹ Dự trữ Khẩn cấp để phòng chống các bệnh lây nhiễm của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Hoa Kỳ thông báo khoản hỗ trợ trên gần một tháng sau khi chính quyền của Tổng thống Trump đưa Việt Nam khỏi danh sách của Mỹ về các nước đang phát triển.
Một phát ngôn viên của USAID nói với VOA Việt Ngữ rằng "tại Việt Nam, sự gia tăng tương tác giữa người và vật nuôi, các thay đổi về môi trường, sự gia tăng đi lại và thương mại quốc tế và việc thay đổi mục đích sử dụng đất đã nâng nguy cơ từ các bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh có nguồn gốc từ động vật lây nhiễm sang người".
Người phát ngôn này nói thêm rằng "chính vì các lý do đó, nên USAID đã làm việc với chính phủ Việt Nam để tăng cường hệ thống phản ứng, lập kế hoạch và giám sát bệnh tật của nước này".
USAID cho biết rằng cơ quan này đã "hỗ trợ Việt Nam trong hơn 10 năm qua nhằm tăng cường khả năng ngăn chặn, phát hiện và đối phó với các mối đe dọa do bệnh dịch gây ra".
Cơ quan chuyên trách về viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ nhận định rằng "việc đối phó kịp thời và quyết liệt của chính phủ Việt Nam đối với mối đe dọa từ nCoV cho thấy tác động của các nỗ lực tăng cường khả năng của USAID".
Phát ngôn viên của USAID nói thêm với VOA Việt Ngữ rằng nỗ lực của cơ quan này ở Việt Nam "đã mang lại một số thành công trong những năm qua" như thiết lập mạng lưới phòng thí nghiệm, các kỹ thuật chuẩn đoán mới cũng như hệ thống trực tuyến để thông báo các ca lây nhiễm.
Chủng virus Corona mới, vốn đang gây chết chóc, lây nhiễm và quan ngại trên toàn thế giới, được cho là xuất phát từ một khu chợ buôn bán động vật sống ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.
Ngày 12/3, Bộ Y tế của Việt Nam, quốc gia láng giềng của Trung Quốc, ghi nhận 5 người liên quan đến "bệnh nhân 34" đã nhiễm Covid-19 ở tỉnh Bình Thuận, nâng số ca lây từ nguồn này lên 8 ca và tổng số bệnh nhân ở Việt Nam lên 44, trong đó có nhiều người nước ngoài, nhất là công dân Anh bị nhiễm từ "bệnh nhân 17".
"Bệnh nhân 34" là một công dân Việt Nam từng tới thăm Hoa Kỳ và có quá cảnh ở Hàn Quốc, nơi có nhiều ca lây nhiễm Covid-19 trong giáo phái Tân Thiên Địa.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh của Mỹ, tới ngày 12/3, Hoa Kỳ đã ghi nhận gần 940 ca dương tính với Covid-19, và đã có 29 người tử vong.
Tổng thống Trump tối 11/3 đã có bài phát biểu bất ngờ, được truyền hình trực tiếp từ Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng, thông báo cấm toàn bộ các hoạt động đi lại từ Châu Âu (trừ Anh) vào Mỹ trong vòng 30 ngày, trong một nỗ lực "đối đầu với virus từ nước ngoài" mà ông nói là "toàn diện và quyết liệt nhất trong lịch sử hiện đại".
"Đối với phần lớn người dân Mỹ : Nguy cơ rất, rất thấp. Những người trẻ và khỏe mạnh có thể hồi phục hoàn toàn và nhanh chóng nếu họ nhiễm virus. Nhóm có nguy cơ cao nhất là những người cao tuổi, đã có tiền sử bệnh tật. Những người cao tuổi cần phải hết sức, hết sức cẩn trọng", ông Trump nói.