Lá thư từ Mỹ
Nạn dịch Covid-19 đã lan tràn khắp nơi trên thế giới, hơn trăm quốc gia có người nhiễm bệnh, trừ miền băng giá Antarctica. Tổ chức Y tế Liên Hiệp Quốc đã chính thức gọi đây là đại dịch toàn cầu.
Số người nhiễm CôVi tại Hoa Kỳ cũng đã lên hơn 1.200, với 38 tử vong trong 40 tiểu bang, theo số liệu cập nhật tối thứ Tư 11/3. Courtesy of eNews Park Forest 11/03/2020.
Tôi gọi coronavirus là CôVi, một vi-rút nguy hiểm cho sức khỏe của con người, bùng phát từ thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc từ cuối năm 2019. Nhân loại lo lắng vì chưa có thuốc tiêm chủng phòng ngừa, chưa có cách chữa.
Trung Quốc với 8 vạn người bị nhiễm và hơn 3 nghìn tử vong, sau đó là Hàn Quốc, Ý, Iran mỗi nước có gần vạn người bị lây nhiễm, hàng trăm tử vong.
Số người nhiễm CôVi tại Hoa Kỳ cũng đã lên hơn 1.200, với 38 tử vong trong 40 tiểu bang, theo số liệu cập nhật tối thứ Tư 11/3. Quận King ở tiểu bang Washington có nhiều ca nhiễm nhất, gần 400 người và 26 tử vong hầu hết từ một nhà dưỡng lão. Tiểu bang Washington cũng là nơi phát hiện ca nhiễm CôVi đầu tiên tại Hoa Kỳ vào ngày 21/1.
California đã có 157 ca và hai tử vong. Vùng Vịnh San Francisco với 9 quận hạt là nơi có nhiều người nhiễm nhất. Riêng Quận Santa Clara với thành phố chính là San Jose có số người nhiễm vi-rút cao nhất, 45 người, có một người chết.
Tình hình quanh vùng đang dao động lên từng ngày vì sự lây nhiễm trong cộng đồng đã có, tức là những người mắc phải vi-rút này đã không du lịch đến những nơi có lây lan nhiều như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Ý trong thời gian qua.
Nhiều nơi bán gạo, hóa chất rửa tay, nước uống, giấy đi cầu vào hai cuối tuần qua đã có đông người xếp hàng mua để dự phòng. Điều xấu hổ là có nhiều người Châu Á nói chung, người Việt nói riêng vào Costco đẩy xe ra chất quá nhiều những mặt hàng trên. Nhiều siêu thị sau đó phải giới hạn số lượng một khách hàng được mua.
Gạo thương hiệu Ba Cô Gái từ Thái Lan mà nhiều người Việt quen ăn đã hết sạch ở nhiều siêu thị trong những khu dân cư có đông người Việt.
Trong khi đó siêu thị Lee’s ở San Jose lại đẩy giá lên cao ngất ngưởng, từ bình thường 40 đôla cho một bao gạo 50 cân Anh, lên 70 đôla. Khách hàng đưa biên nhận lên tố cáo tiệm tăng giá bất hợp pháp, chủ tiệm lo sợ bị nhà nước phạt ít nhất 10 nghìn đôla và có thể bị tù nữa nên đã vội vàng lên sóng phát thanh để thanh minh, xin lỗi và hoàn trả tiền sai biệt.
Sáng thứ Hai 9/3 nhiều công ti đã cho nhân viên làm việc ở nhà, qua internet, như Facebook, Apple.
CôVi hiện đang làm nhiều người lo không có thu nhập để chi tiêu trong những ngày tới. Kỹ nghệ du lịch, bán vé máy bay, cửa hàng ăn uống, khách sạn và những dịch vụ liên quan đang trong khủng hoảng, không biết bao giờ mới phục hồi.
Sáng nay du thuyền Grand Princess cũng được phép vào bến, đậu ở cảng Oakland, sau nhiều ngày lênh đênh ngoài khơi, để khoảng 2500 du khách được lên bờ. Trên tầu đã có 21 người được xác định nhiễm bệnh sau khi lấy mẫu thử 46 người có triệu chứng.
Du thuyền Grand Princess đậu ở cảng Oakland, California hôm 11/3 (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Du thuyền đã có người mắc bệnh mấy tuần trước, trong chuyến đi từ California xuống Mexico. Sau đó tầu cập bến San Francisco, đón khách cho chuyến du hành trên biển đến Hawaii.
Một cụ ông 71 tuổi nhiễm vi-rút trên tầu trong chuyến du hành xuống Mexico, về lại nhà ít hôm rồi qua đời ở bệnh viện gần thủ phủ Sacramento.
Du thuyền Grand Princess trên đường đi Hawaii thì nhiều người có dấu hiệu bị vi-rút CôVi. Cơ quan y tế Hoa Kỳ cho máy bay trực thăng ra để lấy mẫu xét nghiệm 46 ca, kết quả 21 người bị dương tính, 19 là nhân viên làm việc trên tầu và2 du khách. Điều đó cho thấy CôVi đã có trên tàu từ chuyến du hành trước.
Trưa thứ Hai 9/3 tàu vào cảng Oakland. Những người bệnh được đưa đi trước, còn lại 2.500 người, nếu là cư dân Mỹ thì phải cách li 14 ngày tại những căn cứ quân sự, hay khách sạn, nhà trọ được chính quyền liên bang và tiểu bang chỉ định. Du khách nước ngoài được đưa lên máy bay về nguyên quán.
Thống đốc California Gavin Newsom trong họp báo trưa thứ Ba 10/3 cho biết trên du thuyền có công dân từ 54 quốc gia và cư dân của 24 tiểu bang Hoa Kỳ.
Tình hình phòng chống đại dịch Covid-19 ở vùng Vịnh San Francisco trở nên khẩn trương khi Đại học UC Berkeley, UC Santa Cruz, Đại học Stanford, San Francisco State U., San Jose State U. và nhiều trường khác đã chuyển hầu hết các lớp học trực tiếp với giáo sư sang học trên mạng (online) để sinh viên có thể học từ nhà.
Sân trường Đại học Berkeley giờ trưa thường đông sinh viên nhưng hôm 10/3 rất vắng (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Giáo phận San Francisco đã cho 90 trường công giáo từ lớp mẫu giáo đến lớp 12 nghỉ hai tuần.
Còn các trường công, vấn đề cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 nghỉ họckhông đơn giản vì liên quan đến thời biểu làm việc của phụ huynh và sự an toàn của trẻ nhỏ từ 12 tuổi trở xuống không được ở nhà một mình, nên nhiều sở học chánh chưa có quyết định. Cho đến lúc này, chỉ trường nào có một học sinh nhiễm vi-rút CôVi thì bắt buộc phải đóng cửa ngay.
Liên đoàn Bóng Rổ Hoa Kỳ đã ra thông báo hoãn các trận đấu vì vận động viên Rudy Gobert bị nhiễm vi-rút. Nam diễn viên Tom Hanks và vợ cũng bị nhiễm và đang được điều trị. Thượng nghị sĩ Ted Cruz từ tiểu bang Texas đang tự cách li vì có tiếp xúc với một người mang dương tính vi-rút tại một hội nghị tuần trước.
Đối với những nước độc tài thì dù nhà nước đưa ra cách phòng nhiễm ra sao, người dân không có quyền phản đối, như tại Trung Quốc, nếu không muốn vào tù hay mất tích. Chính sách kinh tế có ảnh hưởng xấu do nạn dịch gây ra thế nào thì người dân cũng không dám lên tiếng phản đối.
Trong các quốc gia tự do dân chủ, nhà nước phải minh bạch trong chính sách. Truyền thông và người dân sẽ đặt vấn đề trực tiếp với lãnh đạo.
Lãnh đạo Mỹ bị chỉ trích đã không đưa ra những biện pháp ngăn ngừa dịch sớm hơn hay không minh bạch trong cách phòng ngừa, chữa trị. Tổng thống Donald Trump không tin là đại dịch sẽ lan tràn trên đất Mỹ nên không có chính sách quyết liệt. Bạch Ốc chỉ đề nghị chi ngay 2 tỉ đôla cho việc phòng chống. Quốc hội sau đó đã chuẩn thuận 8 tỉ 300 triệu đôla cho việc này.
Một số nhà phân tích thì cho rằng nếu không có những biện pháp phòng chống quyết liệt hơn thì trong vòng hai tuần hệ quả có thể giống nước Ý, nghĩa là phải cách li cả nước.
Tối thứ Tư 11/3, từ văn phòng trong Bạch Ốc Tổng thống Trump đã nói chuyện với toàn dân và ông đưa ra một số biện pháp để đối phó với tình hình trong đó có cấm du khách đến từ các nước Châu Âu, trừ Anh Quốc, trong vòng một tháng. Để giúp giới tiểu thương và những người bị ảnh hưởng kinh tế, chính phủ sẽ giảm thuế và cho mượn tiền để phục hồi doanh nghiệp.
Phản ứng của chính quyền có làm dân Mỹ hài lòng hay không, điều đó họ sẽ ghi nhớ trong kỳ bầu cử cuối năm nay.
Sự lây lan của Covid-19 ra toàn cầu, ảnh hưởng của nó không chỉ đơn thuần liên quan đến sức khoẻ con người mà còn ảnh hưởng trầm trọng đến kinh tế.
CôVi từ Trung Quốc đã làm suy sụp kinh tế thế giới vì ảnh hưởng dây chuyền và tròng chéo của những chính sách toàn cầu hóa trong ba thập niên qua, khi Trung Quốc trở thành xưởng làm gia công để có hàng giá rẻ cho toàn thế giới tiêu dùng.
Lúc này vì nạn dịch Covid-19 mà công xưởng ở Trung Quốc không vận hành được, nên kinh tế thế giới đi xuống.
Hai tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều nước phát triển đã xuống thê thảm. Sau phiên giao dịch ngày thứ Tư 11/3, chỉ số Dow Jones của Mỹ chỉ còn 23.552 điểm so với 29.552 điểm cách đây đúng một tháng, xuống 20%.
Đó là hậu quả của thị trường chứng khoán đã quá nóng trong ba năm qua và đã đến lúc phải hạ nhiệt, kinh tế suy thoái theo chu kỳ cứ khoảng một thập niên một lần – như đã xảy ra trong các năm 1987, 2000, 2008 – nên chứng khoán phải tuột giốc lúc này, hay đây là đòn kinh tế mà Tập Cận Bình nhắm vào Trump để trả thù ?
Nếu xem như có chiến tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trong ba năm qua thì sự giảm sút chứng khoán trong mấy tuần qua là bài học cho lãnh đạo Mỹ. Tương lai chính trị của Tổng thống Trump tùy thuộc vào kinh tế Mỹ có sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay hay không.
Đến lúc này nhiều người đã nhận ra Trung Quốc không còn là một quốc gia nghèo, kém phát triển nữa. Từ ba mươi năm qua, chính sách kinh tế toàn cầu hóa của khối tư bản đã đưa Trung Quốc vào con đường phát triển, với hy vọng lãnh đạo đất nước đông dân nhất hành tinh này sẽ hội nhập toàn cầu trong tiến trình phát triển nhân bản, tôn trọng con người, nhưng điều đó đã không thành.
Sau ba thập niên, Trung Quốc vẫn là một quốc gia cộng sản trong chính trị. Dịch Covid-19 cho thấy những ai nói khác với chính sách nhà nước, đưa ra những dự báo trước về nguy hại của CôVi đều không được phép lên tiếng. Bắc Kinh quyết tâm kiểm soát tất cả mọi thông tin bất lợi cho nhà nước.
Hậu quả từ Vũ Hán kinh hoàng ra sao và đã ảnh hưởng đến an sinh của nhân loại như thế nào đã\cho thấy Trung Quốc nay vẫn là một chế độ độc tài làm cho thế giới lo ngại khi có những khủng hoảng toàn cầu cần chung nhau giải quyết.
Bùi Văn Phú
Nguồn : © 2020 Buivanphu, 13/03/2020