Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/03/2020

Châu Âu, ổ virus thứ hai

Từ Thức

Châu Âu đang trở thành một ổ coronavirus lớn thứ nhì thế giới. Toàn lãnh thổ Châu Âu, trong đó có 27 quốc gia thuộc Liên Hiệp Châu Âu (EU), đã trở thành nạn nhân của virus Vũ Hán. Trong khi Ý ban hành biện pháp khẩn cấp, hạn chế lưu thông, đóng cửa trường học, hủy bỏ tất cả những sinh hoạt công cộng trên toàn lãnh thổ, Pháp đang bước vào một giai đoạn gay go, và đó chỉ là bước đầu, theo Tổng thống Emmanuel Macron.

foyer1

Châu Âu đang trở thành một ổ coronavirus lớn thứ nhì thế giới.

Quá trễ

"Tất cả những cuộc bại trận đều tóm tắt bằng 2 chữ : quá trễ", nhật báo Le Monde hôm qua nhắc tới câu nói của tướng Douglas MacArthur (Les batailles perdues se résument en 2 mots : trop tard), để mô tả thảm trạng của Ý.

Nước Ý đã vỡ trận, tới nỗi các y sĩ vùng Bergamo phải thú nhận đã tới giai đoạn dành ưu tiên việc chữa trị cho những bệnh nhân trẻ, có sức đề kháng đủ mạnh để hy vọng thoát chết.

Chỉ trong một đêm, Ý có thêm 168 người chết (thống kê chiều thứ Ba 10/03), nâng tổng số lên 631 tử vong trong số trên 10.000 người bị nhiễm dịch, chỉ trong 2 tuần lễ từ khi khám phá nạn nhân đầu tiên.

Sư thực, Ý đã áp dụng những biện pháp kiểm soát du khách và người nhập cảnh gắt gao ngay từ những ngày đầu.

Những người đã thăm viếng Ý đều biết Bắc Ý là vùng kỹ nghệ giầu nhất nước, và nhà thương Bergamo không thua bất cứ nhà thương tân tiến nào trên thế giới.

Lý do chính, không ai dám nói ra, là Ý, đã quá thân cận với Tàu.

Vì khó khăn kinh tế, Ý, cùng với Hy Lạp, là quốc gia Châu Âu đầu tiên cộng tác với kế hoạch "Nhất đái, nhất lộ", có một cộng đồng người Tàu quan trọng, những chuyến bay trực tiếp với các thành phố Tàu, kể cả Vũ Hán.

Tutti a casa

"Tutti a casa" (tất cả ngồi trong nhà) là hiệu lệnh hôm thứ Hai của thủ tướng Giuseppe Conte, với dân Ý. "Tôi vừa ký một nghị định có thể tóm tắt bằng câu : tutti a casa. Toàn bộ nước Ý phải được bảo vệ chống dịch".

Với một giọng nghiêm trọng như tuyên chiến, Giuseppe Conte tuyên bố tất cả nhưng sinh hoạt văn hóa, xã hội, thể thao sẽ bị hủy bỏ, trừ trường hợp đặc biệt, được tổ chức nhưng không có khán giả.

Tất cả công dân Ý không được di chuyển, trừ khi đi làm, mua bán thực phẩm tối cần hay vì lý do sức khỏe bất khả kháng. Các buổi lễ tôn giáo, hội họp, chợ búa bị cấm.

Từ chiều thứ Hai, dân Ý đổ xô tới các siêu thị còn mở cửa, nhưng chỉ được phép mỗi lần vào 6 người, để giữ một khoảng cách 2 mét giữa các khách hàng
Nhiều nước Châu Âu khác như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã thi hành nhiều biện pháp cứng rắn.Tình trạng Tây Ban Nha đột nhiên trở thành nghiêm trọng những giờ gần đây. Ba Lan đóng cửa trường học, nhà giữ trẻ, rạp hát ít nhất trong 15 ngày.

Tại Hoa Kỳ, virus có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống nếu virus gây những khó khăn kinh tế. Con số người Mỹ nhiễm dịch (gần 800 người) tương đối thấp, có lẽ vì phí tổn làm test rất cao, không hoàn toàn miễn phí như ở Châu Âu, nhiều người không làm, nhất là khi không có triệu chứng hiển nhiên.

Virus không chừa ai

Nước thứ hai bị nhiễm nặng tại Châu Âu, Pháp chuẩn bị đối phó ráo riết với dịch sẽ trầm trọng trong những ngày tới. Đây chỉ là giai đoạn đầu, theo Tổng thống Pháp.

Tới sáng thứ Tư 11/3, nước Pháp có 33 người chết, trong số 1.794 người bị nhiểm dịch. Con số người chết và người bị nhiễm gia tăng nhanh chóng trong những ngày giờ vừa qua. Một số địa phương đã đóng cửa trường học, chợ búa, không kể 2.000 học sinh trên toàn quốc được yêu cầu không tới trường vì vừa ở các vùng dịch trở về. Phụ huynh nghỉ việc vì tự cách ly, hay ở nhà trông nom con cái, sẽ được lãnh lương như khi đi làm.

Chính phủ Pháp đã bỏ ra 7 tỷ Euros để giúp đỡ các ngành bị ảnh hưởng nặng. Ý dành một ngân khoản cứu trợ khẩn cấp 25 tỷ €. EU cũng sẽ áp dụng những biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ kinh tế bị ngưng trệ.

Thử thách trước mắt là Châu Âu có khả năng kết hợp để thành lập một đội ngũ đủ khả năng đối phó với virus hay không, cả trên phương diện y tế lẫn kinh tế.

Tại Châu Âu, virus không có biên giới, cũng không chừa một ai. Tại Anh, thứ trưởng Y tế bị nhiễm dịch. Tại Đức, nhiều vị dân cử địa phương vừa thăm viếng Việt Nam bị nghi nhiễm virus. Tại Pháp 7 dân biểu, nhân viên quốc hội, bộ trưởng văn hóa Frank Riester bị nhiễm dịch, bộ trưởng tư pháp và giám đốc văn phòng Phủ Tổng thống tự cách ly sau khi tiến xúc với người bị nhiễm virus.

Tập Cận Bình Superman

Trong khi virus tràn lan khắp thế giới (gần 120.000 ca, 4.251 người chết tại 107 quốc gia), Tàu tuyên bố đang chận được virus trên toàn lãnh thổ, kể cả ở Vũ Hán.

Tập Cận Bình tới thăm Vũ Hán, với lực lượng media hùng hậu, như gởi một thông điệp chiến thắng. Guồng máy tuyên truyền nhà nước không ngớt trắng trợn ca tụng họ Tập từ hôm qua, như người đã cứu Trung Quốc và cả thế giới, quên rằng corona bắt nguồn từ nước Tàu.

Người ta không biết thực trạng tại Hồ Bắc ra sao, nhưng điều chắc chắn là Bắc Kinh không thể kéo dài tình trạng ngưng trệ kinh tế lâu dài hơn nữa. Những thống kê chính thức, cũng như những quyết định của Bắc Kinh vẫn nặng chính trị hơn là những báo cáo y khoa chính xác.

Tại Việt Nam, trước con số nhiễm dịch bùng phát, sau khi các quan chức tuyên bố Việt Nam đã "chính thức hết dịch", nỗ lực của chính quyền ngày nay là tìm cách đổ tội cho virus từ Tây Phương tới, không phải do người Tàu mang vào.

Từ Thức

Nguồn : tuthuc-paris-blog.com, 12/03/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Từ Thức
Read 604 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)