Mỹ giờ đây suy thoái vì Covid-19, tình hình có thể tệ đến đâu ?
VOA tổng hợp, 19/03/2020
Dịch virus corona chủng mới giáng một cú đánh chết người, đột ngột kết liễu kỷ lục tăng trưởng kinh tế kéo dài 11 năm qua của Mỹ.
Ngay cả trung tâm tài chính Wall Street ở New York cũng vắng vẻ vì dịch Covid-19
Hôm 19/3, kinh tế gia hàng đầu Michelle Meyer của Bank of America tuyên bố chính thức qua thư với các nhà đầu tư rằng kinh tế Mỹ "đã rơi vào suy thoái … cùng với phần còn lại của thế giới" vì dịch bệnh gây ra bởi loại virus còn được gọi tên là Covid-19.
Mỹ chỉ tăng trưởng 0,8% năm 2020
Bank of America, ngân hàng đầu tư đa quốc gia kiêm hãng dịch vụ tài chính, dự báo kinh tế Mỹ sẽ "sụp đổ" trong quý 2, co lại 12% ; tốc độ tăng GDP cả năm dự kiến giảm còn 0,8%.
Lấy thị trường lao động làm thước đo về cú sốc kinh tế, Bank of America tiên liệu rằng tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng gần gấp đôi, với khoảng 1 triệu người thất nghiệp mỗi tháng trong quý 2, và mức tổng cộng của quý là 3,5 triệu.
Ông Mark Zandi, kinh tế gia trưởng của hãng phân tích Moody’s Analytics, cho rằng mức thất nghiệp 3,6% hiện nay sẽ tăng thành 5% vào đầu năm sau, 2021.
Tháng 4 có thể sẽ là thời điểm suy thoái xuống đến đáy, Bank of America cảnh báo, và nói thêm rằng sau đó là sự phục hồi chậm chạp ; đến tháng 7, nền kinh tế Mỹ sẽ phần nào trở về tình trạng bình thường.
Một nguyên nhân quan trọng gây ra suy thoái là chi tiêu của người tiêu dùng, động cơ chính của nền kinh tế, đột ngột dừng lại do tác động của dịch Covid-19.
Đó là vì nhiều bang đóng cửa các nhà hàng, quán bar, quầy ăn uống, rạp chiếu phim, phòng tập thể hình, sòng bạc và các cơ sở có tính chất như vậy. Nhiều chuỗi siêu thị, khu mua sắm cũng đóng cửa, một số cuộc thi đấu thể thao lớn bị hoãn lại.
Ngay cả ở những nơi chưa mạnh tay đến mức đó, người Mỹ cũng giảm đi đến các nơi công cộng.
Bên cạnh đó, các ngành du lịch và khách sạn gần như bị xóa sổ vì người dân tránh đi nghỉ bằng máy bay hay du thuyền cỡ siêu lớn.
Tổng cộng lại, những chi tiêu thuộc diện "không thiết yếu" chiếm đến khoảng 39% nền kinh tế Mỹ, theo hãng nghiên cứu-tư vấn kinh tế vĩ mô Patheon Macroeconomics. Kinh tế gia trưởng Ian Shepherdson của hãng này dự báo rằng các hoạt động như vậy sẽ giảm 20% trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 6.
Mỹ đẩy mạnh hoạt động phòng chống Covid-19
Tình trạng lưỡng nan
Các chuyên gia kinh tế chỉ ra một kịch bản tiến thoái lưỡng nan mà chính phủ Mỹ phải đối mặt : Càng nhanh chóng dừng đời sống kinh tế thông thường lại, dù phải chịu đau đớn, mất mát ; càng nhanh giải quyết được cuộc khủng hoảng y tế và mọi người cũng như doanh nghiệp càng nhanh có niềm tin để quay trở lại đời sống bình thường. Ngược lại, kéo dài thời gian chống Covid-19 sẽ làm trì hoãn sự phục hồi của nền kinh tế và gây khốn đốn cho các doanh nghiệp nhỏ.
Một phần khác cũng quan trọng là Cục Dự trữ Liên bang, quốc hội Mỹ và chính quyền của ông Trump sẽ nhanh chóng và mạnh tay đến đâu trong việc cung cấp trợ giúp tài chính cho hàng triệu "nạn nhân kinh tế", từ những người làm công hưởng lương theo giờ nay không còn có thu nhập cho đến các doanh nghiệp mất khách hàng song vẫn phải trả tiền cho các khoản vay.
Nhưng các nhà kinh tế cho rằng việc "tắt máy" nền kinh tế phải được thực hiện trước. "Chúng ta càng muốn kiềm chế virus, thì việc đóng cửa, nội bất xuất ngoại bất nhập càng phải nghiêm ngặt, các hoạt động kinh tế càng phải bị cắt đứt trầm trọng", ông Gregory Daco, kinh tế gia trưởng về nước Mỹ tại tổ chức tư vấn Oxford Economics, nói. "Hy vọng rằng sự phong tỏa, đóng cửa này các nặng nề thì nền kinh tế sẽ bật lại [phục hồi] càng mạnh hơn".
Với giả định do nhiều quan chức y tế đưa ra là số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ sẽ đạt mức đỉnh khi thời tiết ấm lên vào cuối tháng 4 hoặc trong tháng 5, và rồi giảm dần, hầu hết các nhà kinh tế dự báo rằng suy thoái ở Mỹ sẽ kéo dài khoảng 6 tháng. Sau đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi dần dần trong nửa cuối năm nay.
Một cửa hàng không có khách mua vì Covid-19, gần Quảng trường Thời đại, New York, 18/3/2020
Nửa cuối 2020 phục hồi, năm 2021 tăng trưởng 3%
Kinh tế gia Zandi thuộc hãng Moody’s Analytics nhận định kinh tế Mỹ sẽ phục hồi chậm trong nửa cuối năm nay, sau đó tăng tốc trong năm 2021, có thể đạt 3% khi người tiêu dùng mua các hàng hóa như xe cộ, TV, v.v… sau một thời gian "nhịn" vì nền kinh tế gặp sóng gió.
Kinh tế gia hàng đầu của ngân hàng Bank of America, Michelle Meyer, chỉ ra rằng giải pháp để khắc phục kinh tế giảm tốc là trong những tuần tới phải có kích thích mạnh mẽ.
"Về mặt ứng phó bằng chính sách, chúng tôi cho rằng không nên đặt ra mức trần về quy mô kích thích kinh tế", bà Meyer viết trong thư gửi khách hàng của Bank of America.
Như tin đã đưa, chính phủ của Tổng thống Trump đã làm việc cùng quốc hội Mỹ về gói kích thích trị giá hơn một nghìn tỉ đô la để giúp các doanh nghiệp và người dân, trong đó có cả biện pháp gửi séc 1.000 đô la cho mỗi người lớn trong những tuần tới.
Theo CNBC, USA Today, Bloomberg, Business Insider
Nguồn : VOA, 19/03/2020
*******************
Virus corona : Biến động chứng khoán có xấu hơn khủng hoảng 2008 ?
Phạm Đỗ Chí, BBC, 18/03/2020
Trước các biến động dữ dội của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á hai ngày qua, có câu hỏi liệu đây đã là khủng hoảng sâu nặng hơn năm 2008.
Y học chưa có vaccine cho Covid-19 trong lúc dịch này lan rất nhanh và rất lây.
BBC News tiếng Việt phỏng vấn Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, kinh tế gia từ Florida, Hoa Kỳ về các lý do ngoài virus corona gây ra chuyển động mạnh trên các thị trường tài chính và cổ phiếu.
BBC : Liệu có những yếu tố nào nữa, ngoài tác động của dịch cúm virus corona đã tác động mạnh và rất xấu vào thị trường chứng khoán Hoa Kỳ từ cuối tuần đến chiều 16/03 ?
Phạm Đỗ Chí : Do tác động của dịch cúm, nguyên nhân chính là tâm lý hoảng loạn của dân chúng và các nhà đầu tư chứng khoán. Ngoài ra còn có ba nguyên nhân chuyên môn khác từ quan điểm của Fed :
a. Tâm lý hoảng loạn : Tại sao nhân loại đang hoảng sợ trước dịch bệnh Covid-19 ?
Lý do chính là y học chưa có thuốc chữa trong lúc dịch này lan rất nhanh và rất lây. Đây là điều con người sợ nhất nên dễ gây khủng khoảng tâm lý đó. Nếu bạn bị dương tính Covid-19, bạn sẽ tự cách ly ở nhà hoặc được nhập bệnh viện (nếu nặng) ; và bạn chỉ chờ sống hay chết. Không có thuốc chữa.
Do đó ở góc cạnh tâm lý, người ta sợ bị dịch này còn hơn sợ bị ung thư. Như thời tiền sử hoang sơ, con người sợ những gì con người không biết.
b. Sự thiếu hụt thanh khoản trong nền kinh tế nhất là của các xí nghiệp lớn : Mặc dù Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và Fed đã hai lần liên tiếp cắt giảm lãi suất trong vòng 1 tuần xuống mức zero, cũng như bơm thêm 700 tỷ đô vào nền kinh tế Mỹ, giới chuyên môn tiền tệ vẫn lo sợ một số xí nghiệp lớn có thể bị vỡ nợ vì thiếu thanh khoản.
Nếu như khủng hoảng tài chính năm 2008 đã bị gây ra bởi sự vỡ nợ của các xí nghiệp tài chính (điển hình là sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers), bây giờ mối lo là cho các xí nghiệp phi tài chính, thí dụ điển hình là ba hãng hàng không lớn.
c. Trận chiến phá giá dầu hỏa giữa Saudi Arabia và Nga Sự bất đồng đã khiến giá dầu quốc tế giảm xuống hơn 30% và gây ra cơn sốc lớn cho các hãng dầu lớn của Mỹ vốn dùng đòn bẫy tài chính vay nợ cao và gặp khó khăn thanh khoản như điểm nêu ngay trên.
d. Ảnh hưởng xấu trước nguy cơ sụp đổ của kinh tế Trung Quốc. Mặc dù các số liệu thống kê chính thức cho quý 1 của nền kinh tế Trung Quốc chưa được thiết lập, tin tức dự báo về mức tăng trưởng thấp hay ngay cả số âm cho phép tiên đoán ảnh hưởng dây chuyền lên nền kinh tế toàn cầu, và nhất là nguồn cung nguyên vật liệu thiếu có thể đã gây ra tăng trưởng âm cho chính kinh tế Mỹ ngay quý 1.
BBC : Quyết định của Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đột ngột cắt lãi suất và tung ra gói kích cầu kinh tế là do những nguyên nhân nào ? Động cơ gì và thời điểm ra quyết định có đúng không ?
Phạm Đỗ Chí : Ngày chủ nhật 15/3, ông Chủ tịch Fed, J. Powell, đã họp bất thường và tuyên bố cắt giảm lãi suất hẳn 1% (rất ít khi giảm lớn như vậy, nhất là vừa cắt giảm ngay 0,5% tuần trước), thay vì đợi đến buổi họp bình thường đã dự trù vào 2 ngày sau, thứ ba 17/3.
Không ai rõ có áp lực chính trị nào không cho quyết định đột ngột này, nhưng giới chuyên môn thì cho rằng các nguyên nhân a, b và c nêu trên đã là các động cơ, nhất là việc vài công ty nào đó có thể tuyên bố vỡ nợ. Tuy vậy, tôi thấy rất đông giới phân tích tài chính cho là Fed đã sai khi làm ngay vào cuối ngày nghỉ gây bất ngờ cho thị trường Phố Wall.
Các nhà đầu tư lớn (institutional investors) lại nghĩ phải có tình trạng gì thật tệ hại bên trong mới khiến Fed hành động bất ngờ như vậy, thay vì chỉ đợi 2 ngày sẽ làm trong vòng trật tự hơn, và nhất là giúp giá chứng khoán ngày thứ hai 16/3 có thể tiếp nối "đà lên" từ hôm thứ sáu 13/3 (tăng gần 2000 điểm) ; trong thực tế chỉ số Dow Jones đã mất gần 3000 điểm kỷ lục hôm thứ hai 16/3 vì cơn khủng hoảng tâm lý nêu trên.
BBC : Theo ông, về cách Hoa Kỳ, và Anh ứng phó - Bank of England cắt lãi suất hôm 11/03 xuống 0,25%, có điểm gì cần bàn ?
Phạm Đỗ Chí : Cả Hoa Kỳ và Anh Quốc cùng cắt giảm lãi suất như biện pháp kích cầu quan trọng. Đây là những biện pháp hàn lâm quen thuộc được giới hữu trách chính trị yêu thích ở khắp mọi nước. Nhưng theo tôi, trong hoàn cảnh phức tạp hiện tại phải đối diện với nguy cơ suy thoái toàn cầu, biện pháp tiền tệ này khó có kết quả hữu hiệu và nhanh chóng.
Thứ nhất, là vì mức lãi suất ở hai nước đã quá thấp, giảm thêm đến mức zero hay gần zero không ảnh hưởng gì lắm đến quyết định đầu tư.
Thứ hai, là mức cầu suy giảm trầm trọng do tác động hạn chế đi lại hoạt động của dịch cúm chứ không phải thiếu tiền.
Thứ ba, và quan trọng nhất là ngay trước khi dịch cúm xảy ra, nền kinh tế thế giới và cả Anh Mỹ đã có khó khăn sản xuất do thiếu các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, tức là từ "nguồn cung" thay vì thiếu "mặt cầu".
Để đối phó chính xác hơn với nguy cơ suy thoái kinh tế cho cả Anh và Mỹ, cần áp dụng ngay các biện pháp tài khóa như giảm thuế thêm và chi tiêu chính phủ--nhất là cho hạ tầng.
Thí dụ quan trọng là ngay cả trong thời điểm gấp rút hiện tại, để đối phó với tác động kinh tế xã hội của dịch cúm, nhiều nhà chính trị và chuyên gia--kể cả người viết bài, đề nghị cấp ngay khoản tiền gọi là "tax rebate" độ 1.000 đô la cho mỗi người, hay cho mỗi hộ gia đình, để chi tiêu tùy ý theo nhu cầu trong thời buổi khó khăn.
Tác động kích cầu của nó sẽ hữu ích và hiệu quả hơn biện pháp giảm lãi suất.
BBC : Còn về kinh tế Trung Quốc, nhìn chung hệ quả của việc phong tỏa nhiều đô thị vùng duyên hải vì Covid-19 và thương chiến với Mỹ nay ra sao ?
Phạm Đỗ Chí : Theo các tin tức sơ khởi và nhận định của các quan sát viên ở Trung Quốc, kinh tế nước này vốn đã khó khăn vì cuộc thương chiến với Mỹ lại còn bị tổn thương nặng nề do cuộc phong tỏa đi lại với dịch cúm.
Do đó, không có gì ngạc nhiên nếu không có tăng trưởng trong quý 1 và đà tăng trưởng nếu kịp phục hồi trong quý 2 và 3 sẽ rất chậm, trước khi trở lại bình thường vào quý 4.
BBC : Cuối cùng, nhiều ý kiến nói người ta so sánh biến động tuần này với Khủng hoảng 2008, ông thấy có xác đáng không và người Việt Nam cần trông đợi điều gì về kinh tế, tài chính những tuần hoặc tháng tới ?
Phạm Đỗ Chí : Khủng hoảng 2020 tại Mỹ và trên toàn cầu được so sánh về tầm mức kinh tế với khủng hoảng thế giới năm 2008 là chính xác, nhất là về tầm mức thiệt hại trên các thị trường chứng khoán thì lần này có phần còn cao hơn.
Nhưng tôi thấy đáng kể nhất là về ảnh hưởng nhân mạng và tâm lý, thiệt hại lần này chắc chắn cao hơn nhiều do dịch cúm virus corona, mà hiện nay do chưa có thuốc chủng để ngăn ngừa hay chữa trị, không ai biết sẽ kéo dài bao lâu và tổn thất cuối cùng sẽ ra sao ?
Riêng về suy thoái kinh tế sẽ khó tránh khỏi ở Mỹ vào quý 3 hay 4 năm nay và ảnh hưởng còn kéo dài theo chu kỳ sang năm tới 2021.
Tất nhiên người Việt Nam sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng dây chuyền của các "sự kiện Mỹ" này, giống như các nước khác có nền kinh tế mở, đầu tiên là các thị trường chứng khoán và trái phiếu sẽ gặp "lao đao" trong các tuần hoặc nhiều tháng tới năm nay, và sau đó là ảnh hưởng trì trệ tăng trưởng cho cả hai năm 2020 và 2021.
Nguồn : BBC, 17/03/2020