Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/03/2020

Thế giới không chỉ xoay quanh Mỹ và Trung Quốc

C. Raja Mohan

Từ lâu, "phạm vi ảnh hưởng" đã trở thành một khái niệm được coi trọng trong việc quản lý sự phức tạp của quan hệ nước lớn. Việc thiết lập phạm vi ảnh hưởng cần đến sự hiểu biết chung không chỉ giữa các nước lớn, mà cả giữa những nước đã nằm trong phạm vi ảnh hưởng của họ.

thegioi1

Nhận thức quốc tế ngày càng tăng cho rằng Trung Quốc đang tìm cách đẩy các nước lớn khác ra khỏi quần đảo Thái Bình Dương để trỗi dậy với tư cách là cường quốc thống trị.

Trong buổi tiếp đón Thủ tướng Vanuatu tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh hồi năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu rằng Trung Quốc không tìm kiếm "phạm vi ảnh hưởng" trong khu vực. Ông tuyên bố : "Các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều là những thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc phản đối chủ nghĩa Sô vanh nước lớn".

Nhưng tại sao Chủ tịch Tập Cận Bình lại nói về cái gọi là "phạm vi ảnh hưởng", một khái niệm đã được sử dụng rộng rãi trong thế kỷ 19 ? Những phát biểu của Tập Cận Bình chỉ là sự đáp lại nhận thức quốc tế ngày càng tăng cho rằng Trung Quốc đang tìm cách đẩy các nước lớn khác ra khỏi quần đảo Thái Bình Dương để trỗi dậy với tư cách là cường quốc thống trị.

Trung Quốc bị chỉ trích là có tham vọng không chỉ ở quần đảo Thái Bình Dương, mà còn ở cả phần lớn Châu Á và các vùng biển của khu vực này, nơi mà Bắc Kinh được cho là đang tìm cách làm suy yếu các liên minh của Mỹ và tự thiết lập vị trí bá chủ khu vực. Trong khi Bắc Kinh bác bỏ những chỉ trích này, một số quan điểm cho rằng Châu Á, ít nhất là khu vực Đông Á, quả thực là một phần phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử.

Trung Quốc và khu vực Đông Á

Chế độ triều cống truyền thống mà Trung Quốc xây dựng chỉ bị phá vỡ khi chủ nghĩa thực dân Châu Âu lan đến Châu Á. Những người có cái nhìn mang tính lịch sử cũng cho rằng chúng ta có lẽ đang trở về với "nhà nước tự nhiên" đó ở Đông Á. Họ coi đây là hậu quả của sự trỗi dậy trở lại của Trung Quốc trong thế kỷ 21 với tư cách là một trong những cường quốc kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới.

Một số người lập luận rằng việc nhường lại phạm vi ảnh hưởng ở Châu Á cho Bắc Kinh là việc làm không thể tránh khỏi và hợp lý để xây dựng một cán cân quyền lực ổn định giữa một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và một nước Mỹ đang suy giảm sức mạnh một cách tương đối. Họ cũng chỉ rõ thực tế rằng logic địa lý có những tác động của riêng nó. Trung Quốc nằm trong khu vực này, còn Mỹ lại là một cường quốc ở xa, khi muốn triển khai quân đội đến khu vực này, Mỹ phải vượt qua một đại dương rộng lớn.

Quan điểm thực tế có thể khiến chúng ta coi nhẹ lập luận của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc "các nước đều bình đẳng với nhau". "Bình đẳng về chủ quyền" của các nước quả thực là nguyên tắc quan trọng của các mối quan hệ quốc tế hiện đại. Nhưng ở cấp độ thực thi, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, điều quan trọng là bản chất sự khác biệt về sức mạnh giữa các quốc gia. Sự bất bình đẳng về quyền lực là thực tế mà hầu hết các nước đang tìm cách đối phó dưới các cách thức khác nhau.

Ý tưởng về "phạm vi ảnh hưởng" là di sản của quá khứ. Ý tưởng này trở nên nổi bật vào cuối thế kỷ 20 khi cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ-Xô chấm dứt. Khi làn sóng toàn cầu hóa kinh tế mới tràn ra khắp thế giới, người ta cho rằng ý tưởng này đã chết, lịch sử đã kết thúc và vị trí địa lý không còn quan trọng.

Sự thiếu vắng tình trạng đối đầu nước lớn đã đem lại những tầm nhìn về tăng trưởng kinh tế chung, quản trị toàn cầu và việc xây dựng một trật tự quốc tế tự do mà người ta cho rằng do Mỹ đứng đầu. Tuy nhiên, sự ảo tưởng đó đã không kéo dài. Những gì chúng ta chứng kiến sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 và Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 là khoảnh khắc đơn cực tương đối ngăn ngủi.

Trong vòng chưa đầy hai thập kỷ, giờ đây chúng ta lại chứng kiến sự đối đầu nước lớn giữa Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ. Sự đối kháng về hệ tư tưởng, cạnh tranh kinh tế và căng thẳng quân sự đều đã quay trở lại. Do vậy, các học thuyết về cán cân quyền lực, địa chính trị và phạm vi ảnh hưởng cũng quay trở lại.

Phạm vi ảnh hưởng dưới những hình thái khác nhau

Trái ngược với sự hình dung theo xu hướng toàn cầu hay niềm tin vào sự bá quyền của Mỹ, khái niệm "phạm vi ảnh hưởng" chưa bao giờ biến mất khỏi sân khấu quốc tế. Từ lâu, nó đã trở thành một khái niệm được coi trọng trong việc quản lý sự phức tạp của quan hệ nước lớn. Xét cho cùng, Vatican đã vạch ra một ranh giới và trao vùng đất phía Đông cho Bồ Đào Nha và vùng đất phía Tây cho Tây Ban Nha để hạn chế xung đột giữa họ khi Vatican lần thứ tư thực hiện các chuyến hành trình khám phá hồi thế kỷ 15.

Khi hệ thống quốc tế nổi lên ở Châu Âu trong thế kỷ 17, các nước lớn đã tìm cách thống trị khu vực lân cận của họ và ngăn chặn các nước lớn khác thiết lập sự hiện diện mang tính đe dọa ở khu vực ngoại vi. Tuy nhiên, việc thực hiện bá quyền tùy tiện đã buộc các nước láng giềng nhỏ hơn phải huy động các nước lớn khác chống lại "người khổng lồ" của khu vực. Việc tranh giành phạm vi ảnh hưởng đã thường xuyên dẫn đến các cuộc xung đột trên khắp Châu Âu.

Các cường quốc Châu Âu và Nhật Bản cũng đã chia nhau các phạm vi ảnh hưởng ở Trung Quốc cho đến khi cường quốc đang trỗi dậy khi đó là Mỹ đòi hỏi quyền tiếp cận bình đẳng dưới tên gọi "chính sách mở cửa" cho tất cả các cường quốc bên ngoài vào cuối thế kỷ 19.

Mặc dù vậy, có một vấn đề nảy sinh. Trong khi Mỹ được tham gia dàn xếp thỏa thuận, thì Trung Quốc lại không được tham khảo ý kiến. Sự bẽ mặt của Trung Quốc khi bị các cường quốc nước ngoài điều khiển tất yếu làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc của nước này mà đã phát triển mạnh vào đầu thế kỷ 20.

Chiến tranh thế giới thứ hai vào giữa thế kỷ 20 đã không làm mất đi khái niệm "phạm vi ảnh hưởng". Trên thực tế, nó đã dẫn đến việc thể chế hóa ở Châu Âu. Châu Âu bị chia thành hai phạm vi ảnh hưởng, phần phía Đông do Liên Xô chi phối và phần phía Tây do Mỹ chi phối. Hai liên minh đối lập nhau – khối Hiệp ước Vacsava và Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – đã dẫn đến việc quân sự hóa mạnh mẽ tuyến phân chia hai phạm vi ảnh hưởng ở Trung Âu.

Việc cả hai bên đều sở hữu vũ khí hạt nhân và mối đe dọa về khả năng hủy diệt lẫn nhau đã đảm bảo nền hòa bình mong manh ở Châu Âu. Bất chấp các cuộc nổi loạn thường xuyên chống lại sự chi phối của Liên Xô ở phương Đông, Mỹ và phương Tây lựa chọn tôn trọng phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô. Chỉ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, sự chia rẽ Châu Âu mới kết thúc. Thế kỷ 20 đã chứng kiến một số phạm vi ảnh hưởng tồn tại lâu dài và những phạm vi ảnh hưởng khác bị phá vỡ. Phạm vi ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh đã làm giảm bớt vai trò của Châu Âu ở khu vực này trong thế kỷ 19, cho phép Mỹ trụ vững trước sức ép của Liên Xô với mong muốn đánh bật Mỹ ở Cuba trong thế kỷ 20, và đánh bại sự nổi dậy liên tục trong khu vực chống lại sự bá quyền của Mỹ.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã kế thừa phạm vi ảnh hưởng ở tiểu lục địa này và ở khu vực Ấn Độ Dương từ Anh, nước đã thống trị khu vực từ đầu thế kỷ 19.

Vai trò của các cường quốc bậc trung

Tuy nhiên, một Ấn Độ bị ngăn cách bởi những ranh giới tín ngưỡng và hướng nội về kinh tế được cho là khó có thể duy trì được di sản đó. Ngày nay, một Ấn Độ đang trỗi dậy đang tìm cách lấy lại một phần ảnh hưởng đó ở khu vực Ấn Độ Dương, nhưng họ phải đương đầu với một Trung Quốc hùng mạnh mới đang nhanh chóng giành được vị thế vững chắc.

Ấn Độ không phải là nước duy nhất nằm trong số các cường quốc bậc trung đang tìm cách xây dựng lại phạm vi ảnh hưởng. Iran, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đang tìm cách làm như vậy ở Trung Đông và khu vực Sừng Châu Phi. Nỗi lo sợ về việc Mỹ bám trụ ở khu vực này đã thôi thúc các cường quốc khu vực ở Trung Đông mở rộng các mạng lưới ảnh hưởng của họ và xem đây là một nhu cầu cấp bách. Úc đang ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Thái Bình Dương bằng chương trình "Tăng cường ảnh hưởng ở Thái Bình Dương" đầy tham vọng của riêng mình.

Tuy nhiên, chính ở Châu Âu và Đông Á, những triển vọng về phạm vi ảnh hưởng đang trở thành tâm điểm sắc bén. Ở Châu Âu, phạm vi ảnh hưởng nằm ở trung tâm của sự đối đầu giữa phương Tây và Nga. Phương Tây cáo buộc Nga đang tìm cách xây dựng lại không gian Xôviết bằng việc sáp nhập Crưm hay đang ngầm gây bất ổn đối với chính phủ các nước láng giềng.

Đến lượt mình, Moskva cáo buộc NATO và Liên minh Châu Âu (EU) đang mở rộng đến các đường biên giới của Nga, bởi vậy đe dọa an ninh của Nga. Một số người có đầu óc thực tế lập luận rằng nhượng bộ Moskva một chút trong khu vực lân cận của nước này là điều kiện tiên quyết then chốt cho sự bình thường hóa quan hệ song phương vốn là điều hết sức cần thiết giữa phương Tây và Nga.

Tuy nhiên, nhiều nước nhỏ hơn ở khu vực ngoại vi của Nga tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác an ninh với NATO và quan hệ đối tác kinh tế với EU để ngăn chặn những mối đe dọa an ninh tiềm tàng từ Moskva và giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Nga.

Những người thực dụng ở phương Tây khẳng định rằng thật nguy hiểm khi đưa ra sự đảm bảo an ninh thiếu bền vững cho các nước láng giềng nhỏ hơn của Nga, chẳng hạn như Ukraine. Họ lập luận rằng giải pháp là tìm ra sự hài hòa chính trị với Nga nhằm đem lại lợi ích cho các nước lớn cũng như cho các quốc gia nhỏ hơn ở Châu Âu. Những người thực dụng cũng đề xuất một sự dàn xếp tương tự ở Châu Á, nơi họ cho rằng Mỹ không thể kiềm chế được Trung Quốc.

Đối đầu Trung-Mỹ

Sức mạnh quốc gia toàn diện của Trung Quốc đang tăng lên đồng nghĩa rằng nước này sẽ có vai trò ngày càng mang tính quyết định trong việc định hình cấu trúc an ninh và kinh tế ở Châu Á. Logic địa lý cho thấy khả năng của Mỹ trong việc triển khai và duy trì sức mạnh quân sự đến gần không gian lãnh thổ của Trung Quốc, như họ đang làm hiện nay, sẽ chỉ suy giảm. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không dễ dàng lùi bước và Washington đã lại tiến lên trên nhiều mặt trận.

Phản ứng của Mỹ không chỉ giới hạn ở lĩnh vực chiến lược quân sự. Nó cũng không chỉ được xác định trong không gian lãnh thổ. Những triển vọng cho sự chia tách về kinh tế và lĩnh vực số, như mạng 5G chẳng hạn, đã củng cố khái niệm về "phạm vi ảnh hưởng". Mỹ cũng coi sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc là một nỗ lực được ngụy trang nhằm xây dựng một phạm vi ảnh hưởng về kinh tế ở khu vực Á-Âu và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chắc chắn, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều muốn tìm kiếm ưu thế mà không vấp phải lực lượng đối kháng ở Châu Á. Có những người khác ở hai nước tin rằng sự thống trị đơn phương ở Châu Á thực sự không khả thi và sẽ là hợp lý nếu hai nước đi đến sự hòa hợp chính trị nào đó. Cái khó là tìm ra được điểm hòa hợp có thể chấp nhận được đối với cả hai bên. Điểm hòa hợp này có thể tồn tại dưới nhiều hình thức, bao gồm cả một sự quản lý chung hay phân chia những phạm vi ảnh hưởng riêng biệt.

Hầu như không quốc gia nào ở Châu Á cho rằng sự đối đầu Trung-Mỹ kéo dài sẽ nằm trong lợi ích của họ. Chắc chắn họ sẽ hoan nghênh bất kỳ sự dàn xếp hợp lý nào giữa Washington và Bắc Kinh. Nhưng họ cũng sẽ thận trọng đối với bất kỳ sự dàn xếp nào giữa Mỹ và Trung Quốc mà gây phương hại cho họ.

Vấn đề trung tâm của phạm vi ảnh hưởng

Việc thiết lập phạm vi ảnh hưởng cần đến sự hiểu biết chung không chỉ giữa các nước lớn, mà cả giữa những nước đã nằm trong phạm vi ảnh hưởng của họ. Châu Á có rất nhiều nước và thực thể lớn, đông dân như Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Họ sẽ không dễ dàng chấp nhận là một phần của phạm vi ảnh hưởng này hay phạm vi ảnh hưởng khác. Họ có chủ quyền của riêng họ và sẽ không chấp nhận những nguyên tắc theo yêu cầu của phạm vi ảnh hưởng mà Mỹ và Trung Quốc nhất trí.

Nga ở Châu Âu và Trung Quốc ở Châu Á khi đó sẽ phải kiềm chế sự thống trị của mình trong khu vực để quan tâm đến những lợi ích và lo ngại của các nước láng giềng của họ. Đồng thời, các nước nhỏ hơn phải tránh khiêu khích cường quốc thống trị khu vực bằng việc đe dọa đến an ninh của họ.

Phạm vi ảnh hưởng có cơ hội phát huy vai trò khi các nước lớn khôn ngoan và các bên tham gia khu vực thận trọng. Nếu không, chúng có thể nhanh chóng biến thành sự đối đầu nước lớn, các liên minh cạnh tranh và tình trạng mất an ninh trên toàn cầu.

C. Raja Mohan

Nguyên tác : Back to the future - spheres of influence in Europe and Asia, The Straits Times, 08/02/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 10/03/2020

C. Raja Mohan là Giám đốc Viện nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore, thành viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu chính sách. Bài viết được đăng trên The Straits Times

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: C. Raja Mohan
Read 601 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)