Tạm đóng cửa phi trường Tân Sơn Nhất
Nguyễn Nam, VNTB, 24/03/2020
Sài Gòn tạm đóng cửa phi trường Tân Sơn Nhất. Hà Nội, người dân nếu ra ngoài phải giữ khoảng cách với nhau…
Tạm dừng vận chuyển người Việt từ nước ngoài về sân bay Tân Sơn Nhất
Tình hình căng như thời chiến, chỉ khác là không đạn bom, và ‘tản cư’ thì tạm dừng lại từ 0 giờ ngày 25/3/2020 đến hết ngày 31/3/2020, khi phi trường Tân Sơn Nhất ‘đóng cửa’ với các hãng hàng không vận chuyển hành khách là công dân Việt Nam từ nước ngoài đến sân bay Tân Sơn Nhất ; ưu tiên cho các chuyến bay chở hành khách là người nước ngoài rời khỏi Việt Nam. Lý do : bắt đầu quá tải các khu cách ly.
Dịch bệnh tăng nhanh với số lượng đã tính đơn vị hàng trăm, và truyền thông cũng bắt đầu đề cập tới nhiều ca bất ngờ chuyển nặng, trong đó có ít nhất là 3 ca đã phải sử dụng các máy móc hỗ trợ như ‘tim – phổi nhân tạo’… So với thế giới thì những con số này chỉ là phần lẻ nhỏ nhoi, nhưng đây là Việt Nam, một quốc gia vẫn còn nghèo khó, với đồng hồ nợ công thì tiếp tục nhảy múa ở sang con số hàng trăm (1).
Trong bối cảnh ảm đạm chung đó ở toàn cầu, xem ra những người đứng đầu đảng chính trị ở Việt Nam cần tỉnh táo để nhận về các thay đổi mang tính sống còn. Nhiều thông điệp báo động đã đưa ra. Trật tự thế giới sẽ thay đổi. Đảng chính trị ở Việt Nam dù không phải chịu sự cạnh tranh với các đảng phái nào khác, cũng cần thay đổi.
Người dân đang chứng kiến những nỗ lực như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại cuộc họp chiều 23/3 của Thường trực Chính phủ để nghe báo cáo tình hình phòng chống dịch Covid-19 : "Trong giai đoạn tới, khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất cao và trong 10 – 15 ngày tới sẽ quyết định thành bại trong chống dịch".
Liệu phía đảng chính trị hiện đang trong thời kỳ "chuẩn bị nhân sự" cho nhiệm kỳ tới, sẽ có ứng cử viên nào trong đảng chính trị đó đưa ra được những hoạch định cam kết khi ‘đắc cử lãnh đạo’ trong nhiệm kỳ mới, như bảo đảm "nước ngọt" cho người dân đồng bằng sông Cửu Long ?
Lãnh đạo tương lai có dự án gì để mở mang hạ tầng cơ sở, trên bình diện cả nước, đặc biệt ở miền Nam để sự phát triển được "đồng bộ", đồng thời thích ứng với đà "hội nhập" vào kinh tế khu vực ? Về kinh tế, lãnh đạo tương lai có kế hoạch ra sao thời "hậu Covid-19" ?…
Dịch Covid-19 chắc chắn làm thay đổi bộ mặt của thế giới. Hàng rào ranh giới quốc gia sẽ được xây dựng, thay thế cho "toàn cầu hóa". "Trật tự cũ" có thể sẽ thay ngôi đổi vị. Việt Nam, ngoài sự vững chắc của hệ thống chính trị luôn được gia cố, kinh tế rõ ràng là "phồn vinh bấp bênh", vì lệ thuộc đầu vào lẫn đầu ra. Trung Quốc "bịnh", kinh tế Việt Nam đình trệ. Các xứ Mỹ, Châu Âu… ho, Việt Nam cũng bị đình trệ. Thời gian để kinh tế Việt Nam được khởi sắc thời "hậu Covid-19" hiển nhiên sẽ lâu hơn Trung Quốc lẫn Tây Âu và Mỹ.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 24/03/2020
(1) http://countrymeters.info/en/Vietnam/economy
******************
Lo "vỡ trận", Việt Nam dừng nhập cảnh
Hoàng Lan, 24/03/2020
Việt Nam loan báo tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài và người gốc Việt được cấp giấy miễn thị thực trong bối cảnh số ca nhiễm virus corona ở Việt Nam tăng lên gần tới mức 100 ca và cho đến 21g ngày 22/3 tổng số ca nhiễm đã là 106.
Ảnh : Cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 16/3
Thông báo phát đi từ văn phòng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày thứ Bảy nói quy định này sẽ có hiệu lực từ 0 giờ ngày 22/3. Thông báo cũng nêu một số trường hợp nhập cảnh được cho phép như ngoại giao hay công vụ và các "trường hợp đặc biệt (khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng ; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao…)".
Người Việt Nam ở nước ngoài như học sinh, sinh viên, người lao động, Việt kiều được yêu cầu hạn chế tối đa về nước trong thời điểm hiện nay và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch ở nước sở tại, theo thông báo. "Trường hợp thực sự có nhu cầu về nước phải đăng ký với Cơ quan đại diện để kịp thời phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo ngành hàng không tổ chức theo từng chuyến bay thương mại và phải đăng ký, tuân thủ sự sắp xếp theo từng chuyến, đợt, thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, cách ly theo đúng quy định".
Thông báo nói thêm :
"Người Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ đi công tác nước ngoài khi về nước phải tuân thủ thực hiện kiểm dịch, khai báo y tế tại cửa khẩu theo quy trình phòng chống dịch hiện nay và thực hiện yêu cầu cách ly bắt buộc theo đúng quy định".
Quy định mới áp dụng cho nhập cảnh cả đường biển, đường thủy, đường bộ và đường hàng không, theo thông báo.
Tính đến ngày 22/3, Việt Nam đã ghi nhận 106 ca nhiễm virus Vũ Hán chủng mới còn được biết tới với tên gọi Covid-19, theo số liệu đăng trên trang Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam. Không có trường hợp tử vong nào liên quan tới dịch bệnh được báo cáo và 17 trường hợp đã được chữa khỏi.
Hôm 17/3, Fanpage của ca sĩ Khắc Việt với hơn 3,6 triệu người thích đăng tải dòng trạng thái về "Việt kiều" gây tranh cãi, với cách diễn tả rằng "Ở quê em làm Nông, sang nước ngoài em làm Neo, Nail, em thành Việt kiều".
Cụ thể, ca sĩ sinh năm 1987 đăng hình ảnh của một người Việt Nam ở nước ngoài về nước vừa qua có phát biểu gây tranh cãi giữa dịch Covid-19 và chia sẻ như sau :
"Ở quê em làm Nông, sang nước ngoài em làm Neo, Nail, em thành Việt kiều.
Sang Tây mấy năm, em chê đồ ăn Việt Nam độc hại, khí hậu ô nhiễm ở thế này không thở được, con người không văn minh, y tế sao bằng được nước ngoài.
Dịch đến cả thế giới, bên tây thì em chả biết gọi số nào để kiểm tra y tế, nếu có bị thì cũng sợ không dám báo, vì chữa đắt quá.
Bên Ta thì chữa chả mất tiền, ho 1 cái có người đến bế luôn đi chăm luôn, đồ ăn chả sợ thiếu, nhiều quá còn đang phải đi giải cứu đây này.
Thế là em mò về Tổ Quốc, để nhỡ có bị sao thì rút cho an toàn, Ngày Đi Phải Nhớ Đến Ngày Về… Câu chuyện luyên thuyên, nhưng lại là câu chuyện thật…
Tổ Quốc luôn chào đón, những điều tử tế, những việc làm tử tế, những con người tử tế, vẫn luôn hiện diện, tại đất nước, Nhỏ Bé nhưng Rất Phi Thường Và vẫn luôn đầy tình người này… Đừng làm tự nhục nó nữa…" – Khắc Việt viết ra như vậy.
Ngụ ý của Khắc Việt là chê bai Việt kiều và cho rằng ở nước ngoài không bằng Việt Nam về chính sách chống dịch Cúm Vũ Hán, vì thế mà Việt kiều phải chạy về Việt Nam để trốn dịch.
Đến ngày 19/3, ca sĩ này có thêm một bài giải thích về bài viết trước và cho rằng anh có không vấn đề gì với ngành làm móng tay mà "vấn đề chính là sự nhạy cảm trúng tim đen và tự suy luận của quý vị".
"Mà kể cả quý vị có làm những gì cao sang, quý vị cũng chả có quyền gì về hạch sách và phỉ báng người dân trong nước, quý vị thấy tổn thương, ơ thế những người ở trong Việt Nam chúng tôi, khi nghe quý vị từ nước ngoài về chửi rủa chê bai chúng tôi, chúng tôi lại ko thấy tổn thương ư ? Quý vị có biết quý vị về Tổ Quốc, qua sân bay những xét nghiệm, hay nằm cách ly, sau này dịch hết, quý vị trở lại trời tây, những đống hoang tàn đấy, lại là từ tiền thuế đóng góp của chúng tôi không ? Quý vị biết tiền cách ly, đồ ăn thức uống các vị đang dùng, cũng là tiền mà những người trong nước chúng tôi đóng không ?…" – Khắc Việt lý giải như vậy.
Tuy nhiên có rất nhiều quan điểm ngược lại với ca sĩ này.
Nhà báo Christine Nguyễn ở Pháp bình luận rằng : Đề tài "Việt kiều về nước trốn dịch" được đảng và nhà nước Việt Nam thông qua bộ phận tuyên giáo tuồn ra một cách có bài bản, sau đó được một số dân Việt Nam" tiếp tay tạo thành dư luận ầm ĩ.
Doanh nhân Lê Hoài Anh có bình luận khá tương tự rằng :
"Tuyên giáo đã thành công rực rỡ khi mà đa số người Việt giờ đã nghĩ rằng cúm tàu là do Việt kiều khắp nơi mang về Việt Nam nhé !"
Chuyến bay ngày 10/2 đón 29 công dân Việt Nam từ thành phố Vũ Hán về nước – được các Dư luận viên trên Facebook mô tả bằng từ ngữ "ngạo nghễ quá Việt Nam ơi…"
Facebook Hoàng Mạnh Hải viết như sau :
"Những từ ngữ kiểu "về quê trốn dịch", "Việt kiều hồi hương vì Covid-19", "gánh nặng cho quê hương", "ngạo nghễ"… là thực sự không chính xác.
Việt Nam, cũng như bất cứ nơi nào trên thế giới, không phải là nơi an toàn trước nạn dịch này. Tưởng lầm như vậy là rất nguy hiểm. Những người có kiến thức, từ chính phủ đến người dân, từ trí thức đến bình dân đều biết là chúng ta không an toàn hơn Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, hay Hàn Quốc. Một khi đã gọi là Đại dịch toàn cầu thì tất cả đều phải trải qua đỉnh dịch rồi mới kết thúc được. Những gì ta thấy chỉ là vấn đề thời gian, trước hay sau, chết nhiều hay chết ít mà thôi. Tất cả trông chờ tin tức vắc xin được bào chế thành công. Không có vắc xin trong đại dịch này thì cả thế giới sẽ có vài tỉ người bị nhiễm và vài chục triệu người chết. Làm ơn đừng mê muội nữa.
Việt kiều, hiểu theo nghĩa những người đã sống lâu năm ở nước ngoài, có hộ chiếu nước ngoài, thì từ Đông Âu sang Tây Âu cho đến Mỹ, người bình thường không ai nghĩ nên về Việt Nam tránh dịch cả. Họ biết vắc xin sẽ được sản xuất sớm nhất ở Mỹ và kế đến là Châu Âu chứ không phải Châu Á, càng không phải Việt Nam. Những người Việt Nam từ nước ngoài đang bay về đa số là du học sinh, người đi xuất khẩu lao động, đi thăm thân nhân bạn bè, đi công tác… chứ không phải Việt kiều" - Hoàng Mạnh Hải khẳng định.
Cần phải khẳng định một sự thật rất rõ ràng và cụ thể rằng, phần lớn Việt kiều đúng nghĩa, thì từ Đông Âu sang Tây Âu cho đến Mỹ, người bình thường không ai nghĩ nên về Việt Nam tránh dịch cả.
Gánh nặng, tôi không hiểu chính phủ sẽ phiền lòng như thế nào khi nghe các bạn nói thế. Trong quản lý đất nước, dòng tiền là yếu tố hàng đầu và mười mấy tỷ đô một năm do Việt kiều chuyển về nước là một động lực quan trọng. Việt kiều đỡ bớt gánh nặng cho quê hương chứ không phải là gánh nặng.
Ngạo nghễ, đây là từ mà nếu dùng để khen thì những người có chút tư cách không ai muốn nhận. Các quốc gia bay qua Vũ Hán đón dân của họ về nước có hàng trăm chuyến. Chuyến bay của chúng ta lẫn chìm trong số đó, không nên gọi đó là một chuyến bay ngạo nghễ.
Trước hình ảnh các bác sĩ, y tá đang "oằn lưng" chống dịch, chính tôi cũng rất lấy làm cảm động và biết ơn. Nhiều người trong số đó là bạn bè đồng nghiệp của tôi.
Tôi chỉ muốn các bạn hãy biết cách khen những con người khiêm tốn đó. Họ học hành không chỉ để làm chuyên môn y tế, mà còn học để biết rằng cái oằn lưng của họ vốn là một lẽ tự nhiên, như người lính trong thời chiến tranh, như người thầy trong thời dốt nát, như người thủy thủ trên đại dương sóng cả, như người thợ mỏ dưới hầm sâu… Ai cũng có dịp được thể hiện tình yêu đồng bào, đồng loại mà phải quên đi cả tính mạng của mình. Thương họ thì phải hiểu mà thương cho đúng, chứ tỏ ra hằn học với người từ nước ngoài trở về quê lúc này chỉ vì sợ tăng thêm gánh nặng cho họ thì có hiểu gì đâu…
Facebook Thanh Trần cũng đồng quan điểm và cho rằng những người về nước toàn là "người Việt chính cống" nhưng lại được báo chí Việt Nam khoác lên cái áo "Việt kiều", sự nhầm lẫn là vì thế.
Facebook Thanh Trần viết :
"Việt kiều họ không về đợt này đâu. Gọi là Việt kiều có nghĩa là họ có một quốc tịch nước ngoài (hoặc thẻ xanh), định cư ở nước ngoài rồi, họ hưởng quyền lợi như một công dân bình thường bên đó (miễn phí hoàn toàn 100% chi phí điều trị Cúm Tàu).
Khi các nước đều xem là đại dịch, lập tức miễn phí 100%. Một số nước còn phát tiền cho dân chúng, Mỹ tiến thêm một bước ngoài tiền thì có phát thực phẩm miễn phí cho tất cả mọi người. Có nghĩa là không những nuôi người bị cách ly mà nuôi luôn người nằm nhà chơi. Tóm lại chẳng có lý do gì để họ về đợt này cả.
Những người về nước đợt này là :
1. Du học sinh (con ông cháu cha, tư bản đỏ)
2. Người xuất khẩu lao động.
3. Lao động tình dục, xuất khẩu lãnh đạo chui…
Toàn người Việt chính cống, vậy tại sao các báo đồng loạt khoác áo "Việt kiều" nhầm lẫn chăng ?
Vấn đề là trước kia chỉ có 16 ca "nghi nhiễm" cộng với vài ngàn người bị cách ly, hầu hết dính tới yếu tố Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam không phải là không muốn thu tiền nhưng mà sợ không dám thu, bạn vàng mà, tế nhị lắm. Thế nên nhân cơ hội ấy tuyên truyền luôn là miễn phí 100% cho oai.
Hoàng Lan (Hà Nội)
Nguồn : Thoibao.de, 24/03/2020