Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/04/2017

Trump im lặng về Biển Đông là thắng lợi của Tập Cận Bình

Trần Công Trục

Chỉ cần có thế là đủ. Bắc Kinh thừa hiểu, chỉ cần Donald Trump im lặng có nghĩa là nhắm mắt làm ngơ cho Trung Quốc tiếp tục củng cố thế lực ở Biển Đông.

Biển Đông không được đề cập trong các bản tin công khai phát đi từ Nhà Trắng hay Trung Nam Hải xung quanh hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Donald Trump và Tập Cận Bình.

Manh mối về chính sách của Mỹ với Biển Đông dưới thời vị "Tổng thống doanh nhân" được kỳ vọng, có thể tìm thấy qua hội nghị thượng đỉnh này.

Nhưng cho đến nay tất cả chỉ là sự im lặng.

Nhà Trắng và Trung Nam Hải đều im lặng về Biển Đông, khác hẳn những tuyên bố hùng hồn của ông Donald Trump cũng như Ngoại trưởng Rex Tillerson trước thềm hội nghị thượng đỉnh này. 

Liệu sự im lặng ấy có đồng nghĩa với yên bình trên Biển Đông hay là dấu hiệu báo trước những cơn bão ?

Tình hình Biển Đông sẽ diễn biến như thế nào sau cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Trung Quốc tại Florida vừa qua ?

Liệu có lặp lại "cái bắt tay Thượng Hải" 1972 giữa Nixon và Mao Trạch Đông trong cuộc gặp này về vấn đề Biển Đông ?

imlang1

Cái bắt tay Thượng Hải 1972 giữa Tổng thống Mỹ Nixon với Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông làm thay đổi cục diện thế giới, tác động đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Ảnh : abc.net.au

Quan sát những diễn biến trước, trong và sau cuộc gặp Donald Trump - Tập Cận Bình, chúng tôi nhận thấy rằng, có lý do để các bên liên quan, bao gồm Việt Nam, cần cảnh giác.

Đó chính là khả năng có một thỏa thuận ngầm nào đó giữa Washington và Bắc Kinh về Biển Đông. 

Trên cơ sở đó, chúng ta tính toán giải pháp bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như hòa bình, ổn định trong khu vực.

Biển Đông và sự im lặng bất thường của Donald Trump - Tập Cận Bình

Trước khi ông Tập Cận Bình lên đường sang Mỹ, dư luận giới quan sát quốc tế cơ bản đồn đoán rằng, vấn đề thương mại Mỹ - Trung, bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và eo biển Đài Loan sẽ là những nội dung chính định hình cuộc gặp này. 

Bởi lẽ, trong các nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ trước đó, chính sách đối ngoại và ưu tiên của chính quyền Mỹ ít nhiều được tiết lộ hoặc công khai, thậm chí khái quát thành những học thuyết.

Nhưng đến thời Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, những gì sẽ đàm phán với đối phương là một ẩn số, bí mật.

Nó diễn ra đúng như những gì mà ông Donald Trump đã công bố trong suốt chiến dịch tranh cử, cũng như đã thể hiện nó bằng hành động khi bước vào Nhà Trắng. Cụ thể là :

Trump và nội các của ông đã thường xuyên sử dụng biện pháp giương Đông kích Tây, nghi binh, nâng giá trước đàm phán với các đối tác hàng đầu, đặc biệt là Trung Quốc.

Ví dụ điển hình thứ nhất là cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 2/12/2016 và dọa xem lại nguyên tắc "một nước Trung Quốc".

Khi Bắc Kinh lo lắng, vội vàng tìm cách liên lạc với các thân tín của Trump thông qua ông Dương Khiết Trì và Đại sứ Thôi Thiên Khải, Trump đột ngột đổi giọng.

Ông công khai tái khẳng định cam kết tôn trọng nguyên tắc "một Trung Quốc" khi điện đàm với ông Tập Cận Bình, sau khi đã "đạt được cái gì đó".

Ví dụ điển hình thứ hai là phát biểu của ông Rex Tillerson trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 11/1/2017 :

"Chúng ta sẽ phải gửi thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc, trước hết phải ngừng xây dựng ở các đảo nhân tạo, thứ hai là việc Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo này cũng không được phép" [1].

Có thể nói phát biểu cứng rắn hiếm thấy của cựu CEO ExxonMobil đã mang đến nhiều hy vọng, dấy lên nhiều suy đoán về sự thay đổi chính sách của Mỹ với Biển Đông thời đại Donald Trump.

Và, tất nhiên hy vọng và đồn đoán ấy theo hướng Mỹ sẽ cứng rắn hơn đối với các hành động quân sự hóa bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chúng tôi cũng đã từng tin rằng, eo biển Đài Loan có thể là một đòn bẩy địa- chính trị được Trump lựa chọn để mặc cả với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. 

Tin như vậy là vì hai nhận định.

Thứ nhất không có lý do nào để vị tỉ phú này đi đến chiến tranh với Trung Quốc, vì Biển Đông. Chiến tranh là điều cả Washington và Bắc Kinh đều muốn tránh.

Thứ hai, Mỹ có lợi ích cốt lõi trong việc duy trì tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và sẽ không để Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát hay độc chiếm vùng biển chiến lược này. 

Nhưng cho đến thời điểm này, ngoài những lời phát biểu hùng hồn ở cái thủa ban đầu ấy, và một vài hoạt động tuần tra chiếu lệ ở Biển Đông, nước Mỹ dưới thời Trump gần như án binh bất động.

Đỉnh điểm là sự im lặng của Nhà Trắng lẫn Trung Nam Hải trước dư luận về vấn đề Biển Đông qua hội nghị thượng đỉnh Donald Trump - Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, Florida vừa qua.

Ưu tiên chiến lược của Trump thay đổi, Mỹ - Trung có thể bắt tay nhau "chia lại địa bàn"

Sự kiện Trump hạ lệnh bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ quân sự Shayat, Syria, đúng lúc ông vừa ngồi vào bàn ăn tối với ông Tập Cận Bình, làm cho sự chú ý của dư luận đột ngột rẽ sang một hướng khác.

imlang2

Cái bắt tay xuyên Thái Bình Dương giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Florida, Hoa Kỳ có thể tác động đến Biển Đông và cục diện Đông Bắc Á, ảnh : The Sydney Morning Herald.

Những ngày qua, đã có nhiều phân tích và bình luận về ý đồ, mục tiêu của Nhà Trắng trong hành động quân sự bất ngờ của vị "Tổng thống doanh nhân" này.

Một trong những nhận định được nhiều người chia sẻ và đồng tình là động thái này, ngoài mục đích phá thế bế tắc về đối nội của Donald Trump, phá thế thượng phong của Vladimir Putin tại Syria, còn là một thông điệp rất mạnh mẽ, kịp thời gửi đến vị Chủ tịch Trung Quốc :

Nếu Bắc Kinh không ép được Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân thì Mỹ sẽ tự làm.

Còn làm bằng cách nào, Donald Trump, Rex Tillerson và James Mattis đều không giấu diếm khả năng đánh đòn phủ đầu như những gì Mỹ mới làm với Syria.

Động thái Mỹ điều cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson tới gần bán đảo Triều Tiên, sau hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ, càng củng cố thêm cho hướng nhận định này.

Nhưng quan sát thái độ, phản ứng của ông Tập Cận Bình và Bộ Ngoại giao, truyền thông nhà nước Trung Quốc trong và sau khi Mỹ bắn tên lửa vào Syria, chúng tôi nhận thấy, dường như không phải vậy.

Trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung, đài VOA có phỏng vấn tôi về đánh giá ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ qua cuộc gặp này. Tôi nhận định :

Mỹ quan tâm và lo ngại về Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo có thể đe dọa Hoa Kỳ và đồng minh hơn là tình hình Biển Đông.

Ngược lại, Trung Quốc đã thực sự lấy Biển Đông làm đột phá khẩu để vươn ra thế giới, khẳng định vị thế siêu cường toàn cầu mới.

Đây có thể chính là lý do "cái bắt tay Thượng Hải" thời Nixon - Mao Trạch Đông lặp lại trong cuộc gặp Donald Trump - Tập Cận Bình.

Và, kết quả hội nghị kết thúc trong không khí thân mật, bạn bè kiểu mới giữa những "đại gia" toàn cầu, bất chấp sự khác biệt về văn hóa, chính trị, ý thức hệ.

Chỉ có lợi ích và thỏa hiệp lợi ích địa-chiến lược, chia chác lại địa bàn theo định hướng "quan hệ siêu cường kiểu mới" trong thời đại mới, ngoài ra không có gì khác.

Năm 1974, Hoa Kỳ đã từng làm ngơ để Trung Quốc chiếm nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang do Việt Nam Cộng hòa, một đồng minh của Hoa Kỳ, bảo vệ, quản lý theo Hiệp định Geneva 1954, là một thắng lợi của Trung Quốc thời Mao Trạch Đông.

Vậy thì phải chăng sự im lặng của Trump, không công khai nhắc đến Biển Đông trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này, sẽ lại là một thắng lợi của Trung Quốc thời Tập Cận Bình ? Nếu đúng như vậy, thì mọi sự phản đối, lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, đe dọa an toàn an ninh hàng hải, hàng không và tìm cách độc chiếm Biển Đông mà Trump, Tillerson thể hiện trước đây, chỉ là động tác giả.

Nói cách khác, đó là cách "ra giá" để mặc cả của giới chính khách – thương gia.

Trung Quốc cũng chỉ cần có thế là đủ. Bắc Kinh thừa hiểu, chỉ cần Donald Trump im lặng có nghĩa là nhắm mắt làm ngơ cho Trung Quốc tiếp tục củng cố thế lực ở Biển Đông. 

Tất nhiên là Trung Quốc đừng làm gì đột ngột, thái quá ảnh hưởng đến thể diện của Hoa Kỳ trong con mắt đồng minh, đối tác. Còn lấn từng bước như lâu nay, thì Mỹ sẽ không làm gì ngăn cản.

Đổi lại, Trung Quốc sẽ ép Triều Tiên và làm thinh về Syria để Mỹ thoải mái đối phó với bộ ba Nga - Syria - Iran. 

Có lẽ sẽ có bạn phản đối nhận định này của tôi, vì vẫn tin rằng Mỹ có lợi ích chiến lược trong việc bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông nên không thể để Trung Quốc độc chiếm vùng biển này.

Biển Đông thực sự quan trọng đến đâu đối với Mỹ ?

Ngày 7/4, tờ The Australian của Úc đăng phân tích của Phó Giám đốc Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc, ông James Laurenceson và cựu Thiếu tướng Hải quân Hoàng gia Úc, Sam Bateman, rằng : Mỹ đã thổi phồng mức độ thương mại ở Biển Đông [2].

Laurenceson cho rằng, con số 5,3 ngàn tỉ USD tổng giá trị thương mại đi qua Biển Đông mỗi năm, trong đó có 1,2 ngàn tỉ USD là tổng giá trị thương mại của Mỹ đi qua khu vực này mà truyền thông quốc tế vẫn nhắc lâu nay, là không có căn cứ.

Con số này được đưa ra bởi Đô đốc Mỹ Robert F Willard vào năm 2011 và được rất nhiều nhà bình luận sử dụng làm dẫn chứng cho lập luận về tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông mà không qua kiểm chứng.

Theo Laurenceson, 70% của 17,8 ngàn tỉ tổng giá trị thương mại toàn cầu năm 2011 là thực hiện qua đường biển. Nếu Biển Đông chiếm 5,3 ngàn tỉ USD, tức là Biển Đông chiếm khoảng 43% tổng giá trị thương mại hàng hải toàn cầu.

Con số này quá cao và rất khó để lý giải, vì có nhiều mối quan hệ thương mại song phương rất lớn trên thế giới thực hiện qua đường biển, nhưng lại không liên quan gì đến Biển Đông. 

Kể cả con số 1,2 ngàn tỉ USD giá trị thương mại Mỹ cũng vậy.

Thương mại của Mỹ qua Biển Đông chủ yếu được thực hiện với các nước ASEAN, mà theo liệt kê của US Census Bureau, con số này chỉ khoảng 200 tỉ USD mỗi năm, bao gồm cả hàng hải lẫn hàng không.

 Với Úc, việc buôn bán qua Biển Đông cũng chỉ thực hiện chủ yếu với Thái Lan, Việt Nam và có thể bao gồm cả Đài Loan. 

Nhưng theo Cục Thống kê Úc, con số này chỉ chiếm khoảng 6,6% tổng giá trị thương mại của Úc, lấy đâu ra con số 60% tổng giá trị thương mại Úc qua Biển Đông như các nhà phân tích vẫn viện dẫn ?

Trong khi Bateman đưa ra ví dụ rõ ràng nhất về con số ông cho là phóng đại khối lượng giao dịch thương mại qua Biển Đông được tìm thấy ngay trong Sách trắng Quốc phòng Australia năm 2016 : 

Gần 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Úc đi qua Biển Đông, bao gồm cả xuất khẩu những mặt hàng chiến lược như than, quặng sắt và khí đốt hóa lỏng.

Bateman lập luận, hoạt động tuần tra mà Mỹ tiến hành ở Biển Đông chủ yếu là nhằm thu thập thông tin tình báo hơn là bảo vệ tự do thương mại, an ninh an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông [2].

Chúng tôi không có điều kiện kiểm chứng các con số mà hai học giả Úc nêu trên đưa ra, nhưng không thể không lưu ý điều này trước những biểu hiện của chính quyền Donald Trump về Biển Đông.

Hy vọng tới đây sẽ có thêm các nghiên cứu khoa học thực sự khách quan về con số 5,3 ngàn tỉ USD thương mại thế giới, 1,2 ngàn tỉ USD thương mại Mỹ đi qua Biển Đông mỗi năm. 

Chỉ có như vậy mới giúp các bên liên quan đánh giá thực sự chính xác về vai trò của Biển Đông trong chiến lược đối ngoại, an ninh của Hoa Kỳ và Trung Quốc, thay vì những nhận định mặc nhiên không qua kiểm chứng.

Trong khi có những thực tế không thể phủ nhận được, và cũng không thể giải thích được, nếu chúng ta vẫn nhất quyết tin rằng, Mỹ có lợi ích cốt lõi, chiến lược ở Biển Đông như tuyên bố của bà Hillary Clinton tại Hà Nội năm 2010.

Đó là năm 1974, Mỹ làm ngơ để Trung Quốc chiếm nốt Hoàng Sa của Việt Nam, từ tay Việt Nam Cộng hòa là một đồng minh của Hoa Kỳ.

Năm 2012 Mỹ làm ngơ để Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines, một đồng minh hiệp ước của Mỹ.

Từ 2013 đến nay, Mỹ cũng làm ngơ để Trung Quốc quân sự hóa 7 đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa.

Nếu thực sự những đảo nhân tạo này đe dọa, uy hiếp đến lợi ích cốt lõi của Mỹ và con số 1,2 ngàn tỉ USD mỗi năm kia là có thật, không lẽ Mỹ khoanh tay ngồi nhìn ?

Ts Trần Công Trục

Nguồn : GDVN, 12/04/2017

Tài liệu tham khảo :

[1] http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Phat-bieu-chinh-thuc-cua-ung-vien-Ngoai-truong-My-ve-Bien-Dong-post173801.gd

[2] http://www.theaustralian.com.au/national-affairs/defence/us-inflates-trade-level-in-south-china-sea/news-story/80d891eb2faaec05aff3ce0ee5b5a3fe

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Công Trục
Read 611 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)