Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/04/2017

Chuyển các công ty thương mại quân đội thành dân sự ?

Việt Hà

Sách trắng quốc phòng Việt Nam năm 2009 lần đầu tiên đưa ra danh sách 10 công ty quốc phòng lớn nhất và khẳng định vai trò của quân đội là bảo vệ đất nước đồng thời tham gia xây dựng đất nước, tức là bao gồm cả nhiệm vụ làm kinh tế.

dan1

Công ty Viễn thông Quân đội Viettel trong buổi lễ bàn giao nhà cho người nghèo tại tỉnh Thanh Hoá hôm 8/1/2013. AFP photo

Sách trắng tiếp theo của Việt Nam dự định công bố vào năm ngoái hiện đã bị hoãn lại hơn một năm. Liệu trong sách trắng quốc phòng mới, Việt Nam sẽ định nghĩa vai trò của các công ty quân đội ra sao trong tình hình mới ?

Quyền lực kinh tế

Ngày 9 tháng 2 năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam đồng ý với chủ trương xây dựng sân bay quốc tế Long Thành ở tỉnh Đồng Nai, cách thành phố Hồ Chí Minh 40 km. Dự án được dự kiến có công suất 100 triệu hành khách một năm và sẽ trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai, thay thế cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn. Quyết định này của chính phủ ngay lập tức nhận phải nhiều chỉ trích từ các chuyên gia trong nước và quốc tế trong đó có ý kiến cho rằng đề xuất xây dựng này là để tránh lô đất mà Bộ Quốc phòng đang dùng làm sân golf, một dấu hiệu cho thấy quyền lực và tầm ảnh hưởng lên kinh tế của quân đội.

Vào lúc đó nhiều ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng chính phủ nên mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại. Hãng tin AP trích lời ông Lê Trọng Sanh, Cục trưởng Phòng Quản lý bay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nói sử dụng lô đất kế bên làm sân golf là bất hợp lý và sân bay Tân Sơn Nhất cần lấy lại sân golf từ quân đội.

Thời gian gần đây, trước thực trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất và sức ép từ dư luận, lãnh đạo Cục Hàng không mới đây cho báo chí biết, muốn giải quyết được tình hình của Tân Sơn Nhất cần tính tới cả phương án thu hồi đất quân sự ở Bắc sân bay và 127 ha đất trong sân bay đang làm sân golf. Ngày 21 tháng 2, Bộ Quốc phòng ký biên bản bàn giao 21 ha đất làm sân đỗ cho các máy bay quân sự tại Tân Sơn Nhất cho Bộ Giao thông Vận tải để xây dựng đường băng và làm sân đỗ máy bay. Tuy nhiên biên bản cũng ghi rõ là Bộ Quốc phòng chỉ tạm bàn giao mặt bằng và khi có tình huống phục vụ nhiệm vụ quốc phòng thì diện tích này phải được ưu tiên cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Hiện không có con số thống kê quân đội nắm bao nhiêu đất vì đây là thông tin bí mật quốc gia. Tuy nhiên, trong số đất mà quân đội nắm giữ có những phần đất thuộc các công ty thương mại của quân đội và họ có thể lấy lời từ đó. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) đã giải thể nhận định :

Chuyện quân đội tận dụng đất đai để mang kinh doanh là chuyện tùy thuộc vào mỗi một môi trường ở mỗi nước cụ thể. Chuyện quân đội lấy đất rồi chia cho sĩ quan thì xảy ra ở nhiều nước… thậm chí quân đội ở Indonesia nhiều khi còn lấn sang làm kinh tế, làm bảo kê khai mỏ, đánh cá để lấy nguồn lực cho quân đội, không biết bao nhiêu cho quân đội, bao nhiêu cho tướng tá.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia thuộc học viện Quốc phòng Úc, người đã có nhiều bài viết về quân đội Việt Nam, thì cho rằng mặc dù có thông tin quân đội sử dụng đất kinh doanh kiếm lời hay mua các hàng hóa đắt tiền, nhưng chủ yếu là cho công ty là chính :

Có thông tin nói là quân đội có bán đất và thu lời từ đó, cũng có thông tin là họ cũng mua những đồ dùng, hàng hóa đắt tiền, rồi thậm chí xây dựng nơi chiếu phim. Nhưng thay vì tất cả vào tay một vài cá nhân thì phần lớn những thứ này là cho công ty nơi người làm cho công ty được hưởng lợi.

Theo số liệu từ sách trắng quốc phòng năm 2009, quân đội vào lúc đó có 98 doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực từ dịch vụ bay, cảng biển, viễn thông, đến đóng tàu. Trong số các công ty quân đội, nổi bật nhất là công ty viễn thông Viettel và Ngân hàng Quân đội được đánh giá là những doanh nghiệp thành công nhất. Thống kê mới nhất của chính phủ công bố vào năm 2015 cho thấy các công ty quân đội đã đạt lợi nhuận trước thuế trên 46,000 tỷ đồng vào năm 2014, nộp ngân sách đạt 41 ngàn tỷ đồng.

Tại Việt Nam, vai trò quan trọng của quân đội trong làm kinh tế đã được xác định từ thời kỳ đầu của quân đội vào những năm 40 của thế kỷ trước và cho đến bây giờ vẫn chưa thay đổi. Giáo sư Carl Thayer nhận xét :

Ở Việt Nam thì quân đội bắt đầu từ những du kích từ hồi những năm 40 của thế kỷ trước. Đến khoảng năm 1954 khi hai miền chia cắt, quân đội cũng tham gia làm nông nghiệp, trồng cây công nghiệp. Khoảng sau năm 1975 thì có những đơn vị chuyển toàn bộ sang xây dựng và các hoạt động khác. Cho nên nếu chúng ta nói về những công ty quân đội chỉ sản xuất xe tăng thì đó là chức năng quân đội, nhưng nếu họ làm đàn guitar hay máy amplifier thì đó là thương mại, hay như trường hợp của công ty Viettel thì một phần là quân đội, một phần là thương mại. Cho nên khi bạn có các công ty quân đội chỉ tập trung vào thương mại thì họ không thể là những lực lượng chiến đấu hiệu quả, nhưng họ cung cấp công ăn việc làm cho gia đình quân nhân, hay thân nhân liệt sĩ. Vấn đề ở đây rất phức tạp. Quân đội Việt Nam luôn tham gia vào các hoạt động xã hội, xây dựng các công trình. Câu hỏi bây giờ là khi việt Nam chuyển hơn về phía kinh tế thị trường thì các công ty quân đội có sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam phải đối mặt vì những trợ cấp từ chính phủ hay không hay là họ vẫn được trợ cấp vì họ cung cấp công ăn việc làm cho gia đình các quân nhân ?

Nỗ lực đẩy công ty quân đội khỏi thương mại

VIETNAM-POLITICS-ECONOMY-BUSINESS-VIETTEL

Một người đi xe đạp qua một bảng quảng cáo của công ty viễn thông quân đội Viettel tại Hà Nội ngày 30 tháng 1 năm 2007. AFP photo

Từ năm 2007, Việt Nam đã tìm cách chuyển toàn bộ các công ty thương mại thuần túy của quân đội ra bên ngoài dân sự. Nghị quyết trung ương 4 của Đảng Cộng sản năm 2007 xác định quân đội sẽ chỉ có thể nắm quyền sở hữu và quản lý các công ty liên quan trực tiếp đến quốc phòng và an ninh. Theo dự kiến đến năm 2012, quá trình chuyển giao phải hoàn tất. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh vào lúc đó cho biết, quân đội sẽ chuyển giao khoảng 140 công ty thương mại do quân đội nắm giữ chậm nhất là cho đến cuối năm 2012, và sau đó quân đội chỉ tập trung vào việc huấn luyện và xây dựng lực lượng quân đội hiện đại. Cả công ty Viettel và ngân hàng Quân đội theo dự kiến cũng phải được chuyển giao.

Tuy nhiên khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã làm thay đổi kế hoạch chuyển đổi này của Việt Nam. Vào tháng 4 năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra chỉ đạo về việc chuyển giao 113 công ty thương mại do quân đội nắm giữ, theo đó quân đội vẫn được quyền nắm giữ những tài sản quan trọng nhất bao gồm công ty Viettel và 9 doanh nghiệp chính khác.

Dư luận gần đây cũng chú ý nhiều hơn đến hoạt động của một số công ty quân đội nhất là sau những rắc rối liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất và sân golf quân đội hay trường hợp điều chuyển người từng đứng đầu Tổng công ty 319 là đại tá Phùng Quang Hải, con trai của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Có những đồn đãi trên mạng xã hội về tham nhũng trong trường hợp của tổng công ty 319 nhưng báo chí chính thống không có thông tin nào về vấn đề này. Những thông tin trên báo chí về tham nhũng cũng chủ yếu tập trung ở các công ty ngoài quân đội, bao gồm cả công ty nhà nước mà hiếm khi có dính líu đến bên quân đội. Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng hiện những thông tin về các công ty quân đội là rất hạn chế và rất thiếu minh bạch nên công chúng không thể biết rõ về những hoạt động kinh doanh cụ thể của họ cũng như những nghi ngờ về tham nhũng.

Nguy cơ tham nhũng khủng khiếp ở trong hoạt động của quân đội là luôn xảy ra. Giờ lại lẫn lộn giữa hoạt động quân sự và hoạt động kinh tế, thì đó là sự lạm dụng. Trong những chuyện như thế họ có thể vin đủ thứ để không ai dám đụng đến. Vì là quân đội nên tòa bên ngoài không dám đụng đến thì xác suất, khả năng tham nhũng càng nhiều hơn. Ở đấy hầu như không có sự minh bạch vì họ vin vào đó là lĩnh vực quân sự. Những chuyện nó phơi rành rành ra ai cũng nhìn thấy như sân golf Tân Sơn Nhất chẳng hạn thì ai cũng thấy, ai đi máy bay cũng có thể nhìn thấy. Trong những trường hợp như thế mọi người thấy đập vào mắt thì người dân mới bức xúc. Còn nhiều trường hợp dân không thấy được thì khả năng tham nhũng của nó là khủng khiếp.

Bên cạnh đó, giáo sư Carl Thayer cũng nhận định việc chuyển các công ty sản xuất công nghệ quốc phòng của quân đội ra bên ngoài như ở Mỹ cũng là điều khó có thể xảy ra. Tuy nhiên sự minh bạch về hoạt động của các công ty này hoàn toàn có thể được giải quyết một khi có ý chí chính trị.

Tôi không nghĩ là sẽ có một quyết định chính trị chia rẽ công nghệ quốc phòng khỏi quân đội tương tự như các công ty như các công ty Lockheed hay Boeing ở Mỹ và các công ty cạnh tranh nhau để lấy hợp đồng từ chính phủ. Dù là Việt Nam nhập thiết bị từ nước ngoài hay sản xuất trong nước thì đó cũng là việc của quân đội. Sự minh bạch có thể được giải quyết bằng cách công bố chi tiết hoạt động đối với mỗi công ty quốc phòng nhưng đó là một quyết định chính trị.

Cho đến lúc này vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào cho thấy Việt Nam sẽ thực hiện việc chuyển toàn bộ các công ty thương mại thuần túy của quân đội ra bên ngoài. Chuyên gia Carl Thayer cho rằng việc thay đổi này là rất khó vì quân đội không muốn mất đi một nguồn thu nhập đáng kể từ các công ty thương mại, nhất là trong khi quân đội vẫn đang nắm một số phiếu đáng kể trong các cơ quan quyền lực quan trọng như Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương.

Việt Hà, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 12/04/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hà
Read 685 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)